(Trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa Nghệ An số ra ngày 11.07.2016)

 LỜI TÒA SOẠN: Giáo dục, nhất là giáo dục đại học đang được cả xã hội quan tâm vì nó liên quan đến tất cả mọi người, trực tiếp hay gián tiếp, mức độ này hay mức độ khác. Cũng có rất nhiều nhận định khác nhau cũng như kết quả truy tìm nguyên nhân của sự khủng hoảng giáo dục đại học hiện nay từ nhiều hướng và phương pháp tiếp cận khác nhau. VHNA đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Phạm Thị Ly về vấn đề này. TS Ly hiện làm việc tại Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá GD ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. 

Phan Văn Thắng: Nhiều năm nay cả xã hội bàn, kêu ca và thậm chí bày tỏ thái độ bất tín nhiệm về hệ thống giáo dục. Đảng và Nhà nước cũng công nhận sự yếu kém đó. Nhưng cứ loay hoay mãi mà vẫn không (hay là chưa) thoát ra được sự luẩn quẩn đó mặc dù đã thay đổi, điều chỉnh rất nhiều về chính sách. Giáo dục nó có tính hệ thống từ thấp đến cao. Tuy nhiên, hôm nay tôi xin phép đề nghị được giới hạn là chỉ trao đổi về giáo dục đại học. Điều đầu tiên, tôi muốn biết nhận định của bà rằng đâu là những điểm yếu kém nhất của giáo dục đại học VN hiện nay?

Phạm Thị Ly: Hệ thống giáo dục nằm trong một hệ thống xã hội với những đặc điểm kinh tế, chính trị và văn hóa nhất định, vì thế những vấn đề của hệ thống GD ĐH vừa chịu ảnh hưởng, vừa phản ánh những vấn đề của hệ thống lớn hơn, mà GDĐH chỉ là một bộ phận trong đó. Nhìn một cách tổng quát, chúng ta có thể thấy, GD ĐH đang chật vật vận hành giữa hai lực lượng nhiều khi ngược hướng: một bên là thị trường đang đòi hỏi ngày càng cao, một bên là chính sách quản lý của nhà nước đang đáp ứng quá chậm. Hệ quả là, chỗ yếu nhất của trường công là thiếu động lực đổi mới, còn chỗ yếu nhất của trường tư là thiếu tầm nhìn dài hạn. Ở cả trường công lẫn trường tư đều có vấn đề về lãnh đạo và quản trị, đặc biệt là sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Tất cả những chỗ yếu đó dẫn tới một kết quả là, đang có một khoảng cách rất xa giữa những gì các trường đang làm, và những gì xã hội thực sự cần.

Phan Văn Thắng: Với kinh nghiệm và thông tin có được của mình, bà có thể có một so sánh và nhận định về trình độ, đẳng cấp của giáo dục đại học ở ta và các nước trong khu vực ASEAN, và khu vực Đông Á? Cái yếu nhất của ta so với họ là cái gì?

Phạm Thị Ly: Nói thật là tôi không ưa hai chữ “đẳng cấp” (!), có lẽ do bị ám ảnh bởi cơn sốt trường ĐH đẳng cấp quốc tế mà rất nhiều nước đang bị cuốn vào trong một thập kỷ gần đây. Nó phản ánh một tâm lý cạnh tranh không phải lúc nào cũng có ý nghĩa tích cực đối với sự tiến bộ và nhất là đối với công chúng. Trong trường hợp các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi, nó còn phản ánh tâm lý tự ti của một anh nhà giàu mới: sau khi tích lũy được một mớ của cải, anh trọc phú muốn khỏa lấp cái quá khứ hèn kém của mình bằng cách học làm sang và chứng tỏ rằng mình không chỉ giàu mà còn “đẳng cấp”, nói cách khác, không thua kém ai và có những giá trị đáng để cho người khác phải ngước mắt nhìn.

Đó là chưa nói tới các nhóm lợi ích đứng phía sau những khoản tiền khổng lồ đổ vào các trường để theo đuổi mục tiêu “đẳng cấp quốc tế”. Những người dân thường có thể cảm thấy vui và tự hào nếu nước mình có một hay vài trường được coi là hàng đầu trên thế giới, vì nó có thể xoa dịu mặc cảm kém cỏi của họ. Nhưng giả sử họ nghĩ tới việc nếu nguồn lực này được sử dụng cho việc xây dựng nền tảng của cả hệ thống thì nó sẽ tạo ra một tác động như thế nào đến toàn bộ lực lượng lao động, trong đó có bản thân họ, thì có thể họ sẽ không ủng hộ việc tiêu tiền cho những thứ đỉnh cao hào nhoáng ấy nữa.

Tôi không dám so sánh trình độ của các trường ĐH Việt Nam với các trường khác trong khu vực hoặc Đông Á, vì cảm tưởng chủ quan thì chẳng có giá trị gì. Muốn nhận định có cơ sở thì cần rất nhiều dữ liệu, mà rất tiếc là chúng ta có rất ít dữ liệu thật về các trường ĐH của Việt Nam.

Nhưng cũng phải nói cho công bằng, những vấn đề các trường ĐH Việt Nam đang phải đương đầu, cũng là những vấn đề muôn thuở mà các trường ĐH khác, không chỉ trong khu vực, mà còn cả thế giới, cũng đang phải đương đầu. Có một học giả mà tôi quên tên gần đây đã nói rằng GD ĐH đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong 800 năm lịch sử của nó. Có thể một số vấn đề của chúng ta có ít nhiều nét đặc thù hơn, nhưng về cơ bản chúng ta chia sẻ nhiều khó khăn chung của các nước Đông Á, trong đó có hạn chế về quyền tự do biểu đạt.

Phan Văn Thắng: Vì sao các giáo sư giảng dạy đại học của ta ít nghiên cứu khoa học?

Phạm Thị Ly: Đổ lỗi cho cơ chế, cho việc thiếu kinh phí thì rất dễ, và ai cũng biết như thế. Nhưng tôi e rằng có những người, dù có đổ cho họ bao nhiêu tiền, thì họ cũng không thể nghiên cứu được cái gì cho ra hồn. Đó là vì năng lực nghiên cứu không tự nhiên có, mà phải trải qua quá trình dài rèn luyện gian khổ. Tiền không đủ để tạo ra sự ưu tú. Bởi vì có tiền dĩ nhiên là điều rất quan trọng, nhưng sử dụng đồng tiền cho đúng thậm chí còn quan trọng hơn. Nếu cứ đổ thêm tiền vào hoạt động nghiên cứu, mà không thay đổi cách đánh giá hoạt động khoa học, cách phân bổ kinh phí và sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, thì rồi tiền đó cũng đổ sông đổ biển thôi.

Có ba lý do khác mà tôi muốn nhấn mạnh hơn, bên cạnh lý do cơ chế và kinh phí đã được đề cập quá nhiều. Một là động lực của nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học, về bản chất, là đi tìm những tri thức mới, trước hết là để thỏa mãn khao khát hiểu biết, rồi sau đó mới tới ứng dụng nó vào việc tăng năng suất, tạo ra của cải. Vì thế nó đòi hỏi một sự đam mê. Chính cái đam mê ấy thôi thúc người ta quên hết khó khăn để theo đuổi vấn đề một cách bền bỉ, và trên một cái nền được huấn luyện tốt, một ngày nào đó họ có thể đạt tới đỉnh cao. Những thứ đó, chúng ta đều thiếu. Thuở nhỏ được dạy vâng lời, lớn lên được huấn luyện để làm vừa lòng người khác, cách giáo dục ấy, môi trường ấy không phải mảnh đất tốt để tư duy sáng tạo nảy nở, nhất là ở trình độ đột phá. Cố giáo sư Cao Xuân Hạo có lần nói, người Việt không hiếu học như ta tưởng. Họ học vì tấm bằng, vì những thứ lợi lộc mà bằng cấp mang lại, chứ ít ai học vì say sưa với tri thức. Vì thế muốn thay đổi bức tranh nghiên cứu khoa học của Việt Nam, thì phải bắt đầu thay đổi cách giáo dục từ mẫu giáo.

Lý do thứ hai là, chúng ta cũng chưa nhận thức đầy đủ áp lực hội nhập quốc tế trong GD ĐH. Thực ra, truyền thống tách rời giảng dạy và nghiên cứu là một di sản từ thời Sô viết, đã bị làm cho mạnh thêm bởi những điều kiện nghiên cứu không thuận lợi cho giới giảng viên ĐH. Dường như chúng ta mặc nhiên chấp nhận một sự thật là các trường trong nước, chỉ trừ một ít ngoại lệ, đang bị xem là có uy tín thấp hơn so với các trường quốc tế, và vì vậy chấp nhận phân khúc sinh viên có khả năng tài chính thấp, có kỳ vọng thấp đối với giáo dục ở bậc ĐH, chỉ quan tâm đến việc lấy được tấm bằng ĐH mà không quan tâm đầy đủ đến việc mình sẽ thực sự học được gì trong bốn năm ở ĐH. Với một đối tượng như thế thì các thầy cần gì phải nghiên cứu khoa học? Vả lại, dù có nhận thức được nhu cầu vươn lên hội nhập quốc tế, thì thực sự là nguồn lực cũng chưa cho phép.

Cuối cùng là, chúng ta chưa có sự gắn kết giữa giới khoa học và giới doanh nghiệp, vì thế sản phẩm nghiên cứu của chúng ta phần nhiều chỉ dừng lại ở bài báo khoa học, hiếm khi đi tới kết quả thực tiễn. Thật ra vấn đề nguồn lực có thể giải quyết phần nào khi chúng ta thay đổi được hiện trạng này. Tuy vậy, cần phải có cơ chế khích lệ cho các doanh nghiệp khi họ đầu tư tiền bạc cho giới ĐH để tìm kiếm giải pháp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Phan Văn Thắng: Giới trí thức trong môi trường đại học hiện nay có đông và mạnh không, thưa bà?

Phạm Thị Ly: Còn tùy chúng ta định nghĩa như thế nào về trí thức.

 Phan Văn Thắng: Đúng là trong cuộc sống đang có nhiều định nghĩa, nhiều quan niệm khác nhau về trí thức, về vai trò, chức năng, nhất là trách nhiệm của họ với cộng đồng, với đất nước. Theo tôi thì tình cảnh sa sút, khủng hoảng hiện nay của giáo dục Việt Nam có nguyên nhân sâu xa nằm ở cái cơ địa văn hóa của người Việt Nam mà chúng ta chưa khắc phục được. Đó là lối học của Nho giáo, là tâm lý sĩ diện thích làm thầy, không thích làm thợ…Và có cả cái nguyên nhân chủ nghĩa bằng cấp trong chính sách cán bộ của Đảng và nhà nước ta từ lâu nay nữa.

Còn theo bà thì những nguyên nhân nào đã đẩy giáo dục VN đến tình trạng này? Bà có cho rằng chính sách sử dụng người lâu nay, và hiện nay đã vô tình đẩy cao tâm lý chạy theo bằng cấp và từ đó gián tiếp làm tha hóa giáo dục đại học?

Phạm Thị Ly: Vâng, dù chúng ta có thừa nhận hay không, thì thị trường vẫn là nơi có tiếng nói quyết định. Trong trường hợp GD ĐH, thì thị trường việc làm chính là nơi sẽ quyết định GD ĐH sẽ đi theo hướng nào. Nói nôm na là, có cầu thì sẽ có cung. Chừng nào còn có thể dùng bằng cấp để mua chức, mua chỗ làm, thì chừng đó các trường vẫn còn có thể coi tấm bằng là một sản phẩm chính để bán cho các khách hàng của mình.

Chỉ khi nào, kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc trở thành có giá trên thị trường việc làm, còn tấm bằng không đi kèm những năng lực phù hợp chỉ là tấm giấy lộn, thì lúc đó các trường mới nỗ lực dạy thực sự, và sinh viên mới nỗ lực học thực sự.

Phan Văn Thắng: Có nguyên nhân từ tình trạng cơ chế thị trường đang còn nhiều hoang dại và bất ổn hiện nay không?

 Phạm Thị Ly: Tôi không tán thành việc đổ lỗi những yếu kém hiện nay của GD ĐH cho cơ chế thị trường. Ngược lại, tôi cho rằng một phần những yếu kém đó là do chúng ta chưa có một thị trường lành mạnh cho GD ĐH phát triển.

Phan Văn Thắng: Theo bà, khủng hoảng giáo dục đại học hiện của nước ta cần giải quyết theo nguyên lý nào? phương châm nào, theo hướng nào?

Phạm Thị Ly: Cần thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, và tạo ra một thị trường tự do cạnh tranh.

Phan Văn Thắng: Những vấn đề gì cần ưu tiên xử lý trước tiên? Tại sao? 

Phạm Thị Ly: Dĩ nhiên là có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng có những vấn đề mang tính chất cốt lõi do tác động rộng lớn của nó đối với những thành tố có ý nghĩa quyết định sự phát triển của hệ thống. Đối với hệ thống công, đó là trách nhiệm giải trình. Đối với hệ thống GD ĐH tư, đó là vấn đề sở hữu.

Vì sao cần đặt vấn đề trách nhiệm giải trình thay vì đặt vấn đề về quyền tự chủ ĐH, điều đã nhiều lần được nhiều người nhấn mạnh là vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay nhằm giải phóng tiềm năng của các trường?

Đó là vì quyền tự chủ đã được nhắc đến nhiều, nhưng trách nhiệm giải trình, một yếu tố tối quan trọng đi kèm với quyền tự chủ để bảo đảm cho kết quả tích cực của việc mở rộng tự chủ, thì chưa bao giờ được chú ý đầy đủ.

Điều lệ Trường ĐH ra đời năm 2014 có hơn 20 ngàn từ, trong đó chỉ có 110 từ nói về trách nhiệm giải trình của các trường. Phải mất hơn một thập kỷ để khái niệm này được đưa vào ngôn ngữ của giới quản lý và làm chính sách, dù chỉ với thái độ khá dè dặt. Từ trước đến nay khái niệm trách nhiệm giải trình (accountability) đã bị lẫn lộn với trách nhiệm xã hội (social responsibility) và tự chịu trách nhiệm (self-responsibility), là những thuật ngữ có ý nghĩa rất khác. Sự nhầm lẫn về từ ngữ kéo theo sự nhận thức nghèo nàn về nghĩa vụ của các trường trong việc giải trình trách nhiệm của họ với các bên liên quan, là điều khiến cho tự chủ đại học rất dễ rơi vào chỗ tùy tiện và làm tổn hại tới lợi ích của người học cũng như của xã hội.

Hiện nay, có thể thấy rõ nhu cầu mở rộng tự chủ của các trường là rất bức thiết, vì quả thật không có tự chủ thì không thể có bất cứ sáng kiến hay đổi mới nào. Nếu không có sáng kiến và đổi mới, nếu chúng ta tiếp tục làm theo cách xưa nay ta vẫn làm, tiếp tục làm theo cách ta bị bắt buộc phải làm do những quy định hướng dẫn quá chi tiết của cơ quan quản lý, thì chúng ta sẽ lại tiếp tục gặt hái những kết quả như hiện nay ta đang có. Không thể mong đợi vào một sự chuyển biến nào về chất lượng, nếu các trường tiếp tục duy trì cách làm và cách nghĩ hiện nay.

Tuy nhiên, nếu tự chủ là chân ga, thì trách nhiệm giải trình là chân phanh của cỗ xe đại học. Hiện đang có quan niệm coi tự chủ là một ân huệ và được ban phát tùy theo mức độ “trưởng thành” của từng trường và thậm chí có thể bị rút lại khi các trường vi phạm. Một quan niệm như vậy rất xa lạ với thực tiễn quản trị đại học trên thế giới. Tự chủ đáng lẽ phải được xem là một thuộc tính của đại học, và thuộc tính này không thể tách rời nghĩa vụ giải trình trách nhiệm của các trường, không phải chỉ là giải trình với nhà nước hay cơ quan quản lý, mà còn là với tất cả các bên liên quan của GDĐH.

Vai trò của trách nhiệm giải trình là tạo ra thế cân bằng giữa những sáng kiến đổi mới với những giới hạn nghĩa vụ đạo đức và pháp lý, giữa lợi ích khác nhau của các bên liên quan khác nhau trong GD ĐH. Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình cần được xây dựng để thay thế cơ chế “xin cho” vốn là nguồn gốc của mọi tiêu cực trong lãnh đạo và quản lý giáo dục. Nó tạo động lực cho các trường không ngừng cải thiện chất lượng và giữ cho họ luôn trong cương vị phục vụ lợi ích công trong khi theo đuổi sự hài hòa về lợi ích của các bên.

Tất nhiên không phải chỉ trường công mới cần thực hiện trách nhiệm giải trình, mà hoạt động của trường tư cũng phải được đặt trước sự giám sát của toàn xã hội, tương xứng với mức độ tự chủ của họ. Tuy vậy, tôi nhấn mạnh hơn đến trách nhiệm giải trình của trường công, vì họ đang sử dụng tiền của ngân sách, tức là của toàn dân, còn trường tư thì chỉ sử dụng tiền sinh viên của họ mà thôi.

Về vấn đề sở hữu trong khu vực GD ĐH tư, sở dĩ cần nêu ra là vì hiện nay rất dễ thấy sự lúng túng trong chính sách đối với các trường ngoài công lập. Những tranh chấp kéo dài ở Hùng Vương, Hoa Sen và những mâu thuẫn tiềm tàng trong các trường tư là hệ quả trực tiếp của chính sách bất cập và đã xói mòn uy tín, năng lực cũng như khả năng phát triển của các trường tư.

Sự lúng túng và bất cập này bắt nguồn từ những quan điểm thiếu nhất quán và không rõ ràng về bản chất của trường ĐH, về việc chúng ta nên đối xử với các trường tư như những doanh nghiệp, hay là như những tổ chức xã hội có sứ mạng phục vụ lợi ích công.

Vì thế, vấn đề vì lợi nhuận (VKN) hay không vì lợi nhuận (KVLN) nổi lên như một nút thắt khó tháo gỡ. Hai thập kỷ sau khi trường ngoài công lập đầu tiên sau 1975 được phép ra đời, chúng ta mới có một văn bản đưa ra định nghĩa thế nào là trường KVLN và khung pháp lý cho việc hình thành và vận hành loại trường này. Tuy thế, thật đáng tiếc là bộ khung pháp lý này vẫn mang tính chất lai tạp và không giải quyết được vấn đề, do vậy, nó tiếp tục gây ra những tranh chấp giữa người sở hữu và người điều hành mà điển hình là trường hợp Trường ĐH Hoa Sen.

Mâu thuẫn này có thể giải quyết được nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách thực tế hơn, tức là công nhận những thay đổi rất cơ bản trong quan niệm về trường ĐH đang diễn ra trên thế giới, công nhận sự đa dạng trong hệ sinh thái ĐH là điều cần thiết, và công nhận rằng các loại hình trường khác nhau, các mô hình sở hữu khác nhau, các phương thức hoạt động khác nhau đều đóng góp tích cực cho những nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

Quan niệm truyền thống coi GD ĐH là một phúc lợi xã hội và nhà nước có trách nhiệm cung cấp bằng nguồn tiền của người dân nộp thuế, là một quan niệm đang thay đổi mạnh mẽ trên thế giới. Nó không đến mức biến mất hẳn, bởi vì GD ĐH về cơ bản vẫn phải đóng vai trò là cột trụ tinh thần và ngọn nguồn đổi mới sáng tạo cho xã hội, vì vậy vẫn cần phải được bao cấp từ nguồn ngân sách để phục vụ lợi ích lâu dài của xã hội. Nhưng quan niệm ấy không thể đóng vai trò độc tôn như xưa nữa. Trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục, hầu hết các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển, đều không đủ tiền bao cấp cho các trường để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân. GD ĐH tư là giải pháp không thể né tránh.

Mô hình VLN và KVLN về bản chất là khác nhau. Các trường VLN thực chất là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đào tạo nhân lực có kỹ năng cho xã hội. Xã hội cần nhìn nhận rằng hoạt động ấy là vô cùng hữu ích, bởi nó bổ sung cho năng lực hạn hẹp của nhà nước, và việc tìm kiếm lợi nhuận trong việc cung ứng dịch vụ này cũng chính đáng như bất kỳ hoạt động dịch vụ nào khác của xã hội. Trong lúc đó, các trường KVLN thực chất là các tổ chức dân sự có mục tiêu bổ sung cho những gì mà nhà nước và thị trường không có đủ động lực để đáp ứng, và hoạt động bằng nguồn vốn thiện nguyện.

Tuy nhiên, trong thực tế có hai vấn đề rất quan trọng cần lưu ý: Một, trên thế giới có không ít các trường tư đang hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận dưới cái vỏ bọc KVLN. Điều này rất dễ hiểu, vì cái vỏ bọc KVLN giúp người ta tạo ra ánh hào quang giả tạo, và quan trọng hơn, tránh né nghĩa vụ nộp thuế. Một công cụ pháp lý quan trọng để phân biệt các trường KVLN giả hiệu và các trường KVLN thực sự là công nhận sở hữu cộng đồng của trường KVLN. Xin nhấn mạnh, sở hữu cộng đồng chứ không phải là sở hữu tập thể. Luật Dân sự Việt Nam năm 2005, tại điều 220 có quy định về hình thức sở hữu cộng đồng, theo đó nó được định nghĩa là tài sản hình thành do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất. Định nghĩa này hoàn toàn phù hợp với trường KVLN nếu ta hiểu nguồn vốn ban đầu là nguồn hiến tặng nhưng người hiến tặng không giữ quyền sở hữu tư nhân với nó. Vì vậy, trường KVLN không thể có cổ phần, cổ tức, và không ai có quyền mua bán hay để thừa kế nó. Tính chất sở hữu, cơ chế quản trị, và cách sử dụng lợi nhuận là ba yếu tố cần và đủ định nghĩa nên một trường KVLN. Trong khi đó, khung luật pháp của chúng ta đối với trường KVLN hiện nay chỉ chú trọng yếu tố thứ ba và đã không giải quyết thích đáng vấn đề sở hữu và cơ chế quản trị, và hệ quả là tạo ra một mô hình lai tạp với nhiều bất ổn.

Hai, điều này quan trọng hơn: trong bối cảnh nguồn lực công hạn hẹp và tính chất dịch vụ của GD ĐH ngày càng rõ, thực ra sự khác biệt giữa trường VLN và KVLN không quan trọng bằng việc các trường mang lại gì cho người học và cho xã hội, và những gì người học nhận được có xứng đáng với số tiền mà họ phải trả hay không. Trong khi bảo vệ người học tránh khỏi những bất lợi do lựa chọn nhầm lẫn, nhà nước cần thúc đẩy một chính sách khích lệ các trường tư phát triển lành mạnh, và giúp xã hội xóa bỏ những định kiến về trường tư. Bản thân các trường tư đóng vai trò quyết định trong việc xóa bỏ những định kiến tiêu cực này.

Điều quan trọng là một thiết chế công bằng giữa các trường, nhằm bảo vệ cả người học lẫn nhà đầu tư và khích lệ một tầm nhìn dài hạn. Chính sách hiện nay đang tạo điều kiện cho KVLN giả hiệu, không tạo ra sự an tâm cho nhà đầu tư và do đó thúc đẩy một tầm nhìn ngắn hạn, là điều gây tổn hại cho chất lượng đào tạo và uy tín của khu vực tư.

Vấn đề sở hữu là điểm cốt lõi để tránh KVLN giả hiệu, đồng thời giúp nhà đầu tư an tâm từ đó có những chiến lược dài hạn cho sự phát triển của nhà trường. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi vì dựa vào khu vực tư để phát triển GD ĐH là giải pháp tất yếu. Mặc dù khu vực GDĐH tư sẽ không thể thay thế khu vực GD ĐH công lập, nhưng đó là một sự bổ sung cần thiết. Không có một chính sách thích hợp, khu vực ngoài công lập không thể có được sự ổn định và đạt được tiềm năng vốn có của nó.

Phan Văn Thắng: Bà có kỳ vọng, nếu các đề xuất của mình được thực hiện, giáo dục đại học sẽ bước qua cơn khủng hoảng?

Phạm Thị Ly: Dĩ nhiên không có phép lạ nào xảy ra qua một đêm, nhưng làm đúng việc cần làm, thì chúng ta có thể tin chắc là mình đang tiến về phía trước và một ngày không xa khoảng cách của chúng ta với các “tiêu chuẩn vàng” trên thế giới sẽ dần thu hẹp.