Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối Tuần ngày 20.07.2018)

 

Những gì diễn ra ở Hà Giang những ngày qua là một sự thật tuy không mới lạ nhưng vẫn gây sốc với rất nhiều người.

Tiêu cực trong thi cử ở tất cả mọi cấp là vấn đề nhức nhối từ lâu của hệ thống giáo dục Việt Nam, một hiện tượng đã được ghi nhận là một trong những hình thức tham nhũng trong báo cáo về Tham nhũng trong giáo dục do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện năm 2011.

Hà Giang không phải là hiện tượng đầu tiên. Có lẽ ít ai còn nhớ một chuyện gần tương tự đã xảy ra năm 2006 với Bạc Liêu. Hơn 1.300 trường hợp được nâng điểm, 74 người liên quan, trực tiếp môi giới, đưa nhận hối lộ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó ngành GD-ĐT có 38 cán bộ, giáo viên. Đây là thông tin từ kết quả điều tra của Công an tỉnh Bạc Liêu liên quan đến vụ nâng điểm, nhận hối lộ trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH và bổ túc PTTH 2005 – 2006, tại Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu. Vụ việc xuất phát từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH và bổ túc PTTH 2005–2006 của tỉnh Bạc Liêu quá thấp. Để có kết quả “bằng bạn, bằng anh” so với các tỉnh, thành trong khu vực, hai ông Nguyễn Văn Tấn và Ngô Đoàn Nguyễn, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, đã trực tiếp chỉ đạo nâng điểm cho 1.300 trường hợp, trong đó hệ THPT từ 57% lên 79%, hệ bổ túc từ 9% lên 50%. Trong 1.300 trường hợp, bình quân mỗi trường hợp nâng từ 5–7 điểm, có một số trường hợp nâng trên 20 điểm. Vì thế, dẫn đến chuyện nực cười: Có nhiều học sinh kết quả 6 bài thi chỉ đạt 5 đến 7 điểm, có bài thi không có điểm nào vẫn đậu tốt nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngoài việc chỉ đạo trực tiếp nâng điểm, còn thừa nhận đã gửi hội đồng chấm thi “giúp đỡ” nâng điểm 21 trường hợp là con em người thân trong gia đình và một số quan chức tỉnh để “lấy lòng”.

Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2006, thông tin không có điều kiện lan rộng như hiện nay, cho nên vụ việc chìm vào quên lãng. Những tác hại do việc đó gây ra đã không được mổ xẻ phân tích và phục vụ cho việc cải thiện hệ thống. Vì thế khi vụ điểm thi bất thường trong kỳ thi TNPT năm nay và phổ điểm vô lý của Hà Giang diễn ra, người ta phải tự hỏi: còn bao nhiêu “Hà Giang” nữa chưa được phát hiện vì mức can thiệp vào điểm thi ít hơn nên không gây nghi ngờ? Hà Giang chỉ trở nên nổi bật là do mức độ, quy mô của nó, và đặc biệt do có sự vào cuộc của những bên có trách nhiệm, cho nên xã hội mới có bằng chứng cụ thể.

Cái giá phải trả?

Tăng chi phí và bất bình đẳng, giảm chất lượng giáo dục, xói mòn các chuẩn mực đạo đức, tất cả những tác hại này đã được nêu lên và không khó nhận biết.

Còn một tác hại nghiêm trọng và lâu dài hơn, là phá hủy niềm tin và tạo ra tình trạng loạn chuẩn mực. Khi những em thực chất chỉ hai điểm cũng có thể vào các ĐH danh giá, và tiếp tục “quy trình” hối lộ để ra trường, thì tấm bằng ĐH không còn là biểu tượng của kiến thức và kỹ năng bậc cao nữa. Họ sẽ lại dùng tấm bằng này để lên cao hơn nữa, và ngồi vào những vị trí có thể quyết định số phận của những người có hiểu biết hơn, hay quyết định những vấn đề ảnh hưởng tới cả ngàn, cả triệu người, trong hoàn cảnh ấy xã hội sẽ đi về đâu, cũng không khó hình dung.

Nhìn vào đó, người ta không tin vào tấm bằng đã đành, mà hơn thế, không tin ai, không tin cái gì nữa. Một xã hội thiếu lòng tin sẽ phải vận hành với một cái giá rất đắt. Nhìn lại kỳ thi vừa qua, có thể thấy nó đã được tổ chức với một quy trình chặt chẽ, và tất nhiên là tốn kém. Bộ không tin sở, sở không tin trường, trường không tin người coi thi/chấm thi, người coi thi không tin thí sinh. v.v. Bao nhiêu là thủ tục tầng tầng lớp lớp đã được đặt ra để chống gian lận. Thế mà con voi vẫn chui lọt lỗ kim.Còn ai muốn học hành tử tế nữa đây? Tưởng rằng thi trắc nghiệm, chấm bằng máy sẽ giảm được sự chủ quan vô tình/cố ý của con người và hạn chế tiêu cực, nhưng thực tế đã chứng minh rằng máy móc nào thì cũng do con người vận hành, và không thể triệt tiêu gian lận nếu cái cơ chế và động lực sinh ra gian lận chưa được giải quyết. Tốn chừng đó tiền tổ chức kỳ thi TNPT, chỉ để loại ra 2,43% thí sinh chưa đạt, và 97,57% thí sinh còn lại, nhất là những em điểm cao, cầm một bảng điểm nộp hồ sơ vào ĐH dưới ánh mắt nghi ngờ của các bên. Trong khi phương thức tuyển sinh ĐH ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào điểm số, thì giờ đây khi các trường không tin vào bảng điểm các em đem nộp, họ cũng không còn xoay trở kịp để xử lý vấn đề chất lượng đầu vào.

Nhìn lại cái gốc của vấn đề

Khi nghiên cứu về hiện tượng tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam, Tổ chức Hướng tới Minh bạch đã nêu ra một số nguyên nhân như trách nhiệm thể chế yếu, giám sát cán bộ kém, hệ thống pháp lý không đầy đủ, thiếu minh bạch, thu nhập giáo viên thấp, cơ chế “hai bên cùng có lợi”, và nhìn rộng ra là một nền tảng xã hội mà văn hóa chống tham nhũng rất yếu.

Đó là nói chung cho mọi loại tham nhũng trong giáo dục. Còn nói riêng trong việc sửa điểm mà vụ Hà Giang vừa qua là một ví dụ tiêu biểu, thì cần chỉ ra hai nguyên nhân chính và trực tiếp.

Một là việc kết hợp giữa hai kỳ thi TNPT và tuyển sinh ĐH đã khiến kết quả kỳ thi này có ý nghĩa quyết định trong việc cạnh tranh vào ĐH, và kích thích động cơ “mua điểm”. Hai kỳ thi này có mục đích khác nhau, lẽ ra không nên kết hợp. TNPT là đánh giá quá trình 12 năm học tập ở trường PT, trong lúc tuyển sinh ĐH là nhằm tìm người có tố chất thích hợp để học trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Cho dù việc kết hợp hai kỳ thi này dựa trên một ý muốn tốt đẹp là giảm nhẹ gánh nặng áp lực và tốn kém cho thí sinh, nó vẫn mang lại một kết quả không mong muốn như ta đã thấy.

Cho đến nay, mặc dù đường vào ĐH nói chung không còn quá khó khăn như những thập niên trước, vẫn có những trường ĐH có uy tín mà điểm đầu vào rất cạnh tranh. Với quy định cho phép dùng điểm thi TNPT thay cho điểm đầu vào trước đây, kỳ thi TNPT cũng đồng thời là thi tuyển vào ĐH. Nghịch lý không chỉ ở chỗ gom hai thứ có mục tiêu khác nhau vào một giỏ, mà còn là ở chỗ giao việc này về cho địa phương tổ chức thực hiện: các tỉnh dĩ nhiên mong có “thành tích” cao, và khi khả năng thực hiện việc sửa điểm thi của thí sinh để họ có kết quả tốt nhằm vào được trường ĐH tốt là ở trong tầm tay, thì không diễn ra những vụ như Hà Giang mới là lạ!

Khác với các địa phương, các trường mong có đầu vào tốt, vì chất lượng sinh viên chính là uy tín và là lợi ích lâu dài của họ. Hơn ai hết, các trường biết “đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác”. Việc những người có liên quan ở các trường can thiệp vào kết quả để nhận học sinh kém vào học cũng có thể xảy ra, nhưng động lực để làm việc đó thấp hơn, vì thế nếu có xảy ra thì nhiều khả năng là có quy mô nhỏ hơn.

Hai là, cách tuyển sinh ĐH của Việt Nam cũng rất có vấn đề. Việc chỉ dựa vào điểm thi đã là có vấn đề, cách ra đề chỉ nhằm vào đánh giá kiến thức đã có thay vì đánh giá trình độ phát triển của tư duy hay năng lực trí tuệ nói chung và những phẩm chất/ tố chất cần thiết cho việc học tập/ sáng tạo ở bậc ĐH, làm cho vấn đề càng thêm trầm trọng. Tác hại tiêu cực nhất của điều này là ảnh hưởng lên quá trình dạy và học ở bậc phổ thông, kích thích lối học chỉ để thi, thay vì học để phát triển con người. Đó là chưa nói đến việc tổ chức thi. Việc chỉ có một kỳ thi duy nhất mỗi năm đã tạo ra áp lực không đáng có cho thí sinh, và góp phần làm tăng thêm động cơ mua điểm.

Cải cách việc khảo thí

Đã có nhiều tiếng nói trong giới chuyên môn đề xuất giao việc xét tốt nghiệp cho các trường phổ thông, và giao việc tuyển sinh về cho các trường ĐH. Thực ra, nói cho công bằng thì việc tuyển sinh ĐH đã được cải cách theo chiều hướng tiến bộ và tự chủ hơn nhiều so với trước đây. Các trường đã có thể tự quyết tiêu chí tuyển và phương thức tuyển (dựa vào học bạ, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc tự tổ chức thi), chỉ cần báo cáo Bộ GD-ĐT trước khi thực hiện. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng không còn là vấn đề xin-cho như trước. Vì thế có thể nói quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh hiện nay đã được thực hiện khá tốt.

Vấn đề là, tổ chức thi tuyển sinh riêng là một việc đòi hỏi chuyên môn cao và tốn kém, vì thế hầu hết các trường vẫn cần dựa vào một cơ quan khảo thí để có điểm thi dùng làm cơ sở cho việc tuyển chọn thí sinh vào trường. Cũng vì lẽ đó mà Bộ GD-ĐT quyết định kết hợp hai kỳ thi thành một. Tuy nhiên, kết quả thi lại “có vấn đề” như có thể thấy rõ trong vụ Hà Giang năm nay, cho nên các trường có thể không tuyển được những người giỏi thực sự mà họ mong muốn.

Nỗ lực của các ĐH Quốc gia trong việc tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực tương tự như thi SAT là rất đáng khích lệ, vì nó có thể bù đắp cho khoảng trống này. Các ĐHQG, hay tốt hơn nữa là các trung tâm khảo thí độc lập, cần được đầu tư mạnh mẽ về phương diện chuyên môn, để cung cấp một kết quả đánh giá khách quan, trung thực, tổ chức nhiều lần trong năm, với một mức phí vừa phải, tương tự như các nước đã làm, là một đề xuất đã nhiều lần được nêu lên, nhưng không hiểu vì sao vẫn không được thực hiện.

Nhưng quan trọng hơn là các trường cần xây dựng những phương thức tuyển sinh tốt hơn thay vì chỉ dựa vào điểm thi, cho dù đó là thi tốt nghiệp, hay thi đánh giá năng lực. Cũng nên lưu ý là đến nay ở Mỹ đã có gần một ngàn trường ĐH bỏ việc lấy kết quả thi SAT như một điều kiện tiên quyết, bởi lẽ ngay cả thi SAT thì cũng chỉ đánh giá được năng lực trí tuệ trong lúc các trường muốn xem xét toàn diện hơn để tuyển chọn được những ứng viên tốt nhất. Cần xem điểm thi là một trong các tiêu chí tuyển sinh, thêm vào đó là xét học bạ, thư giới thiệu, bài tự luận, phỏng vấn, video tự trình bày, v.v. Điều này chẳng những giúp các trường tuyển chọn được những thí sinh nhiều tiềm năng hơn, mà còn giúp định hình quá trình dạy và học ở trường phổ thông theo chiều hướng tích cực hơn. Đó mới là điều quan trọng nhất của cải cách khảo thí.

Điều còn lại qua vụ Hà Giang năm nay, đối với vấn đề khảo thí, là việc xử lý từng cá nhân sai phạm, từng vụ việc cụ thể, tuy cần thiết và quan trọng, nhưng hoàn toàn không đủ, vì với một cơ chế tạo ra gian lận, thì việc gian lận chắc chắn sẽ xảy ra, không ở nơi này thì ở nơi khác, hoặc mức độ này hay mức độ khác, bằng cách này hay cách khác. Một cơ chế tốt không thể chỉ trông cậy vào sự liêm chính của các cá nhân, cũng không thể chỉ trông cậy vào các giải pháp ngăn ngừa hay trừng phạt, mà là xóa bỏ những cơ chế, động lực, điều kiện tạo ra những hành động không liêm chính.