Phạm Thị Ly (2018)
Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 13.07.2018

 

Việc nhiều trường danh tiếng hàng đầu ở Mỹ, như University of Chicago chẳng hạn, năm nay không yêu cầu điểm thi SAT như một điều kiện tiên quyết để được nhận vào học, quả là đáng suy nghĩ đối với nhiều bên: giới nghiên cứu, giới quản lý, người học, và công chúng. Bởi vì các bài thi chuẩn hóa SAT và ACT đã có lịch sử cả trăm năm nay: từ lúc ra đời, SAT (Scholastic Aptitude Test, 1926) và ACT (American College Testing, 1959) luôn được coi là thước đo có uy tín để đánh giá năng lực học tập của thí sinh. SAT/ACT không nhằm đo khối lượng kiến thức người học đã thụ đắc, mà đo thái độ và khả năng đối với việc học tập, thông qua năng lực sử dụng ngôn ngữ và kỹ năng tư duy. Vì thế hầu hết các trường ĐH Mỹ coi điểm thi này là một trong những điều kiện cần để nhận sinh viên vào học.

Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng có một mối tương quan mạnh mẽ giữa nguồn gốc gia đình và điểm thi, tức là con nhà càng khá giả thì đạt điểm thi càng cao. Điều này cũng dễ hiểu, vì rõ là con nhà giàu thì có điều kiện thời gian nhiều hơn cho việc học, có tiền mua sách, học thêm, mời thầy dạy kèm, đi du lịch, trải nghiệm nhiều thứ, tham gia nhiều hoạt động v.v. Điều này có nghĩa là, tuyển sinh chỉ dựa trên điểm thi SAT/ACT sẽ góp phần làm giãn rộng thêm bất công: người giàu sẽ được nhận vào học, thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn, có nhiều cơ hội hơn; còn người nghèo thì càng lúc càng bị đẩy ra bên lề. Nó có nghĩa là, những người sinh ra trong hoàn cảnh không thuận lợi có thể có những tài năng tiềm ẩn không bao giờ được phát huy, vì khó có cửa đặt chân vào đại học, và cái nghèo sẽ dẫn theo cái dốt, dốt thì lại càng thêm nghèo, từ đời này sang đời khác.

Nước Mỹ được biết đến như là mảnh đất của cơ hội. Người dân Mỹ có một niềm tin chắc chắn, là mọi nỗ lực đều sẽ được ban thưởng xứng đáng. Sẽ không có cánh cửa ĐH nào đóng lại chỉ vì bạn nghèo. Nếu bạn có khả năng xuất sắc trong việc học, có vô số học bổng dành cho bạn. Nếu bạn không giỏi đến mức ấy, chính phủ sẽ cho vay. Thế nhưng, vấn đề là, nếu bạn không đủ điểm thi SAT, thì cánh cửa ĐH sẽ đóng lại!

Vì lẽ đó, đã có nhiều tranh luận diễn ra chung quanh vấn đề dùng điểm SAT/ACT để tuyển sinh vào ĐH. Tất nhiên các trường còn xét hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp, nhưng điểm thi SAT/ACT thường được coi là yêu cầu tiên quyết. Do những bất cập nói trên, đã có những trường tuyên bố không dùng điểm SAT/ACT để tuyển sinh nữa, mà thay vào đó là những hình thức khác. Bowdoin College đi tiên phong trong việc coi điểm thi SAT chỉ là một tùy chọn, không phải yêu cầu bắt buộc từ năm 1969. Tiếp đó là Wake Forest University năm 2008, Wesleyan University năm 2014. Bây giờ là những trường hàng đầu, vốn tuyển chọn rất khắt khe, như University of Chicago. Từ năm 2005 đến nay, có 175 trường ở Mỹ không coi SAT là yêu cầu bắt buộc nữa. Thay vào đó, có trường cho phép thí sinh gửi đến một video hai phút trong đó họ trình bày bất cứ vấn đề gì họ quan tâm.

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì?

Tại sao?

Đường vào ĐH xưa nay được xem là con đường thay đổi số phận cuộc đời mỗi người, bởi nó mở ra cánh cửa bước vào thế giới của tri thức mới nhất và kỹ năng bậc cao, những thứ mang lại cơ hội cho một tương lai tươi sáng. Điều này cho đến ngày nay vẫn còn đúng: nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người có bằng ĐH có thu nhập cả đời cao hơn nhiều so với những người chỉ có bằng trung học. Vào những năm đầu của thế kỷ trước, chỉ có 4% học sinh trung học là vào được đại học ở Mỹ. Ở nhiều nước khác, GD ĐH cũng mang tính chất tinh hoa như vậy. ĐH được dành cho một thiểu số đặc quyền về trí tuệ và/hoặc xuất thân.

Sự tiến bộ của khoa học công nghệ và sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi một số lượng lớn những người có tri thức chuyên môn để vận hành đời sống xã hội. Tỉ lệ người vào ĐH ngày càng tăng. SAT ra đời năm 1926 vốn dựa trên ý tưởng khích lệ những người xuất sắc: những người có điểm SAT cao luôn được chào mời các loại học bổng để đi học. Bằng cách đó, nước Mỹ đã thu hút chất xám trên toàn thế giới, và tạo ra nhiều nhân tài hơn tất cả các nước khác, vượt rất xa ngay cả nước kế tiếp trong danh sách: một phần ba những người đạt giải Nobel trong suốt lịch sử của giải này là người Mỹ, và nếu tính từ năm 2000, thì 39% số người Mỹ đạt giải Nobel là người sinh ra ở bên ngoài nước Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà kết quả thi SAT/ACT được coi là điều kiện cần để vào ĐH ở Mỹ. Cách thiết kế của đề thi SAT không đo lường việc thí sinh đã biết được những gì, mà là họ có khả năng đến mức nào trong việc học cái mới. Cho đến nay đã có gần 1000 trường ở Mỹ bỏ thi SAT như một điều kiện bắt buộc. Đó là một sự kiện đáng suy nghĩ. Nhưng điều quan trọng là tại sao họ làm như thế.

Tỉ lệ người vào ĐH ở Mỹ hiện nay là 85,88 %. Mặc dù vậy, trường càng danh tiếng thì càng khe khắt trong việc tuyển sinh. Con đường ĐH là con đường gian khó đầy thử thách về trí tuệ, không phải ai cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho nó. Kiến thức là một xâu chuỗi tuần tự, phải biết một rồi mới có thể biết hai, cũng như phải biết đứng rồi mới có thể tập đi, biết đi mới có thể học chạy. Kết quả thi SAT/ACT về ngôn ngữ và toán cho biết thí sinh đã sẵn sàng cho việc học những thứ mới mẻ đến mức độ nào.

Nhưng tiến bộ khoa học công nghệ cũng đã làm bối cảnh xã hội thay đổi vô cùng mạnh mẽ so với cách đây vài thập kỷ. Nếu trước đây trường ĐH là nguồn cội tri thức gần như duy nhất, thì ngày nay, chưa bao giờ những tài liệu sẵn có và miễn phí lại nhiều như thế và dễ dàng tiếp cận như thế. Trường ĐH không còn là nơi độc quyền mang lại tri thức. Vì thế, hơn bao giờ hết, học ĐH không chỉ là học tri thức mới. Học ĐH còn là hành trình khám phá những tiềm năng của cá nhân và làm cho nó nảy nở, đơm hoa kết trái.

Bài thi SAT chỉ đo được năng lực trí tuệ, không thể hiện được tính cách, phẩm chất, khát vọng, sự độc đáo riêng có của từng cá nhân, những thứ tạo ra tiềm năng tương lai của họ. Vì thế các trường thường dùng bài tự luận, phỏng vấn để bổ sung cho phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, như đã nói trên, bài thi SAT có thể loại ngay từ đầu những thí sinh có hoàn cảnh không thuận lợi, vì thế các trường sẽ đánh mất những người độc đáo, chỉ cần có hoàn cảnh thuận lợi hơn là có thể bừng nở. Hai phút video nói lên rất nhiều về những thứ mà một bài thi SAT không thể đo được: khả năng thuyết phục người khác, khát vọng đối với tương lai, chiều sâu của tâm hồn, và nền tảng văn hóa của một người.

Cũng đừng quên là việc bỏ thi SAT như một điều kiện bắt buộc có thể có một mục đích thực dụng hơn nhiều: nhằm để tăng hạng trong các bảng xếp hạng ĐH. Lý do là vì, tỉ lệ giữa số lượng thí sinh nộp đơn và thí sinh được tuyển (ta gọi là tỉ lệ “chọi”) nói lên mức độ cạnh tranh để được vào trường, và được coi là một chỉ báo của uy tín. Việc bỏ thi SAT sẽ thu hút một lượng lớn nộp đơn, và làm cho tỉ lệ này có vẻ cạnh tranh hơn, giúp nhà trường được xếp hạng cao hơn!

Ta có nên học?

So với bài thi SAT/ACT, thì các đề thi TNPT/ĐH của ta còn một khoảng cách rất xa: chúng ta vẫn còn đang loay hoay với việc đo xem người học đã học được những gì, thay vì đo xem giáo dục đã mang lại cho họ những năng lực và kỹ năng gì, hoặc khả năng của họ trong việc tiếp thu và sáng tạo cái mới.

Chính vì bài thi nhằm đo khối lượng kiến thức, nên mới có chuyện học thuộc, học tủ, học “thủ thuật” làm bài, quay cóp, luyện thi. Kết quả là toàn bộ quá trình dạy và học bị bóp méo, vì nó buộc phải thay đổi nhằm đáp ứng với những thay đổi trong cách ra đề. Thi cử lẽ ra là phương tiện đã bị biến thành mục đích của việc học. Không biết bao nhiêu bi kịch đã nảy sinh từ đây: học sinh bị buộc phải học và ghi nhớ những thứ vô nghĩa với họ, không còn thời gian và sức lực để học thực sự và để trải nghiệm, khám phá cuộc đời. Khả năng suy nghĩ độc lập, những nét riêng độc đáo của mỗi cá nhân bị chôn vùi, bị dập tắt, bị nghiền nát bởi đó là thứ không cần dùng đến trong các kỳ thi.

Trong hoàn cảnh đó, việc xây dựng những bài thi theo tinh thần của bài thi SAT/ACT ở Việt Nam là rất đáng khích lệ. Tất nhiên, thi SAT cũng có thể luyện thi, và cũng sẽ gặp phải những vấn đề và mâu thuẫn như đã nói trên, nhưng ít nhất, nó cũng giúp thay đổi lối thi nhằm vào đo lường khối lượng kiến thức và tạo ra những bi kịch vô nghĩa.

Các trường ĐH Mỹ bỏ kết quả thi SAT như một điều kiện tiên quyết, ngoài lý do về công bằng xã hội, còn có lý do về sự đa dạng. Họ muốn tạo ra một môi trường ĐH đa dạng, trong đó sinh viên xuất thân từ những nền tảng gia đình, hoàn cảnh xã hội khác nhau, có những khả năng và tính cách khác nhau, mỗi người đều có một nét độc đáo riêng mà người khác có thể thấy thú vị và giúp họ hiểu được sự phong phú của cuộc đời, chứ không phải một môi trường chỉ gồm những con mọt sách biết có mỗi một việc là cắm đầu học và thi.

Nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đang rất khác. Còn một quãng đường dài để các trường ĐH Việt Nam tiến đến chỗ không phải chỉ là nơi cấp bằng mà thực sự là nơi làm biến đổi cuộc sống tinh thần của người học, giúp họ khám phá tiềm năng của mình và làm cho nó phát triển. Trong bối cảnh thương mại hóa, thị trường hóa, và nguồn lực giảm sút, cũng không nhiều trường có điều kiện để kén cá chọn canh, nói chi tới những vấn đề xa xỉ khác.

Trong hoàn cảnh đó, có lẽ điều thực tế nhất là những nỗ lực trả việc thi cử về đúng chỗ của nó: nó là phương tiện, chứ không phải là mục đích của việc học. Cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản về khảo thí để xây dựng đề thi dựa trên một mục đích rõ ràng và một quy trình thử nghiệm hợp lý. Bài thi bắt buộc phải xây dựng trên những chất liệu kiến thức đã có trong chương trình giáo dục phổ thông, và hướng tới đo đạc mức độ thành thạo trong kỹ năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ, thay vì đo khối lượng kiến thức mà người học nhớ được. Một bài thi như vậy sẽ hỗ trợ cho quá trình giáo dục ở trường phổ thông, vì nó khích lệ thầy và trò đạt được những thành quả về phát triển năng lực trí tuệ. Và vì năng lực trí tuệ chỉ là một phần trong những gì con người cần đến để thành công trong cuộc đời, các bài thi này cũng chỉ nên là một phần của tuyển sinh ĐH.