Phạm Thị Ly (2017)
(Đăng báo TTCT ngày 12.03.2017)

Vụ kỷ luật sinh viên photo giáo trình ở Trường ĐH Luật đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một bên ủng hộ cách xử sự của nhà trường vì chủ trương cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và một bên phản đối vì cho rằng cần tạo điều kiện cho sinh viên học tập, cần thúc đẩy việc chia sẻ tri thức. Để rộng đường dư luận, chúng ta cũng nên xem xét thực tiễn và quan điểm về vấn đề này ở các nước khác.

Vai trò của giáo trình trong việc học tập ở bậc ĐH

Khác với bậc học phổ thông, ở ĐH hiện nay, không còn ai cho rằng “sách giáo khoa là pháp lệnh” như xưa. Tuy nhiên đó là về mặt lý thuyết, còn trong thực tế Việt Nam thì vì chúng ta vẫn cứ học là để thi, cho nên học thầy nào thì phải dùng sách do thầy ấy chỉ định, nhất lại là sách do thầy viết hay biên soạn.

Câu hỏi đặt ra là: giáo trình đóng vai trò quan trọng đến mức nào trong việc hoàn thành yêu cầu của môn học?

Ở đâu cũng vậy, có hai loại tài liệu mà giáo sư thường yêu cầu sinh viên phải có: (1) tập tài liệu, bao gồm các bài báo khoa học quan trọng, danh mục tư liệu cần đọc, v.v. thường dưới dạng “cơ động” kiểu như đóng gáy lò xo (2) giáo trình và sách tham khảo. Trong những thứ đó, giáo trình thường là theo sát nội dung giảng dạy của các giáo sư vì nó được biên soạn chủ yếu cho mục đích này.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của giáo trình đang có xu hướng giảm dần khi phương pháp dạy ở bậc ĐH đã thay đổi nhiều trong vài thập niên qua: thay cho bài thi hết môn chủ yếu kiểm tra kiến thức, giờ đây các giáo sư đánh giá kết quả học tập của sinh viên qua nhiều hình thức và với nhiều thước đo: mức độ tương tác của sinh viên trong lớp học, kết quả của các đồ án, dự án, bài tập thực hành, kết quả của việc thực tập môn học, v.v. Dù vậy, giáo trình vẫn có vai trò nhất định, vì nó chứa đựng những kiến thức cốt lõi của môn học.

Khối lượng tài liệu ngoài giáo trình mà sinh viên phải đọc là rất lớn. Để qua được kỳ thi, cần có giáo trình, nhưng để có đủ kiến thức và năng lực dùng được trong thực tế nghề nghiệp sau khi ra trường, thì giáo trình hoàn toàn không đủ. Giáo trình chỉ cung cấp cái nền kiến thức cơ bản, trên đó mỗi sinh viên phải tự xây nên tòa nhà của chính họ.

Có mâu thuẫn lợi ích?

Việc sử dụng sách/giáo trình do chính giáo sư của bộ môn ấy viết/biên soạn cũng là một thực tế phổ biến ở các nước.

Ở Mỹ, hầu hết các giáo sư đều có viết, hoặc tham gia viết sách/giáo trình. Nhà xuất bản thường trả nhuận bút cho tác giả theo số lượng sách bán được, một khoản tiền gọi là “royalties”. Thông thường, khoản tiền này nhiều hay ít? Ernest W. Adams, giảng viên Trường Uppsala University Campus Gotland, Sweden, nói rằng họ được trả từ 5-15% giá bán sỉ của mỗi cuốn giáo trình, chừng khoảng 2,5 USD, nếu nhân cho cả lớp thì mỗi khóa có vài chục cho tới vài trăm đô la, chưa đủ cho một bữa tối. Đó là giáo trình, còn sách thì tác giả không được trả một đồng nào cả. Ken Eckert, giáo sư người Canada, cũng nói rằng họ viết sách chủ yếu để dạy, và để có thành tích trong lý lịch, để dễ được xét biên chế, hoặc vì thú vui, rất ít ai nghĩ tới tiền bán sách họ có thể được hưởng.

Mặc dù ở Mỹ và các nước phát triển, số tiền giáo sư được hưởng từ việc bán giáo trình không lớn, nhưng về nguyên tắc nó vẫn là mâu thuẫn lợi ích, nếu giáo sư yêu cầu sinh viên phải mua sách của họ, nhất là nếu sinh viên không có lựa chọn nào khác. Các đồng nghiệp Mỹ của người viết nói rằng họ chưa từng bao giờ nghe nói tới việc sinh viên buộc phải mua sách của giáo sư đang dạy họ.

Giá sách và giáo trình thì không hề rẻ. Sách mới ra có giá 100 USD/cuốn là bình thường. Tuy nhiên, sinh viên ít khi phàn nàn về việc bị buộc phải mua giáo trình với giá cao, vì họ có nhiều cách để dùng giáo trình mà không cần mua, hoặc mua với giá rẻ.

Trước hết là các giáo sư thường cung cấp bản mềm miễn phí cho sinh viên. Shriram Krishnamurthi, Giáo sư ngành Computer Science ở Trường ĐH Brown University cho biết, ông thường cho không sinh viên theo lối đó. Đôi khi, nội dung ông dạy nằm trong những sách/giáo trình ông đã viết và đang bán trên thị trường, ông sẽ dùng tiền được hưởng từ bán sách để cho các quỹ thiện nguyện, nhằm bảo đảm rằng cá nhân ông không hưởng lợi từ việc yêu cầu sinh viên mua sách mà chính ông là tác giả. Đó là cách ông xử lý vấn đề mâu thuẫn lợi ích.

Giải pháp thực tế

Quyền sở hữu nói chung và sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng là nguyên tắc cốt lõi của thị trường, vì thế được bảo vệ rất nghiêm ngặt ở các nước phát triển. Không ai có thể đầu tư những khoản tiền khổng lồ để làm phim, sáng tác, phát minh, nếu ngay hôm sau đã bị ăn cắp và đem bán trên thị trường.

Tuy nhiên, sách và giáo trình trong trường ĐH có hơi khác với những sản phẩm như phim ảnh, âm nhạc, v.v. vì sứ mạng cốt yếu của trường ĐH là tạo ra tri thức mới và chuyển giao tri thức. Chia sẻ tri thức là nền tảng căn bản để có thể tạo ra tri thức mới, do đó cả xã hội được lợi từ việc chia sẻ kiến thức này.

Vì thế, các trường ĐH luôn có những giải pháp giúp sinh viên có đủ tài liệu để học mà không nhất thiết phải tốn quá nhiều tiền. Photocopy nguyên cả cuốn sách là việc bị cấm, nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Kể cả copy để dùng cho cá nhân, việc này cũng bị cấm. Photocopy để bán lại thì đương nhiên là vi phạm nghiêm trọng. Các trường thường cho phép một tỉ lệ nhất định được copy, có thể là 10% hoặc hơn, tuy rằng không ai kiểm soát. Các thư viện thường có sẵn máy photocopy, sinh viên chỉ cần quẹt thẻ trả phí là có thể sử dụng.

Sinh viên cũng có thể mua sách đã qua sử dụng với giá rất rẻ. Chung quanh các trường ĐH, ví dụ như Đại học Chicago có những tiệm bán sách cũ với vô vàn sách, giá chỉ chừng 5-20 USD một cuốn, và có lẽ là họ có tất cả mọi thứ sách trên đời!

Tất cả các trường ĐH đều có thư viện cực kỳ hùng hậu, và đặc biệt là phần lớn tài liệu đã được số hóa, hầu hết các thư viện đều có kết nối với các kho dữ liệu số khổng lồ. Mọi sinh viên đều có thẻ thư viện có thể dùng để truy cập vào kho dữ liệu này, hoặc ai thích đọc sách giấy thì có thể mượn. Hầu như không có sách/giáo trình nào mà không có trong thư viện trường.

Vấn đề của Việt Nam

Việc bảo vệ quyền SHTT ở Việt Nam hiện còn rất lỏng lẻo, cho dù Việt Nam đã ký Công ước Berne, là điều ai cũng công nhận. Cần tăng cường việc bảo vệ quyền SHTT để tạo động lực sáng tạo và môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Đó là điều không ai phủ nhận.

Thế nhưng, vụ việc trường ĐH Luật nói trên vẫn gây ra nhiều tranh cãi, là vì có những khía cạnh nên cân nhắc. Trước hết là quyền SHTT đối với giáo trình. Giáo trình thường là tập hợp có hệ thống những kiến thức cơ bản về một lĩnh vực nhất định dùng để dạy và học một môn nào đó. Người soạn ra giáo trình thường là các giáo sư, công việc của họ là căn cứ vào chuẩn đầu ra của môn học để tập hợp, lựa chọn những kiến thức chuyên môn cần thiết, sắp xếp có hệ thống để người học tiện theo dõi. Bản thân những kiến thức chuyên môn này có thể và thường là thành quả của những công trình nghiên cứu khác và các nhà nghiên cứu khác, chứ không chỉ của người soạn giáo trình. Vì thế, giáo trình có thể xem là tác phẩm phái sinh và quyền SHTT đối với giáo trình có phần nào khác so với SHTT đối với các phát minh, sáng chế, đối với các công trình sáng tạo hay nghệ thuật.

Luật SHTT mới nhất của Việt Nam quy định quyền tác giả được áp dụng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, trong đó có giáo trình (Điều 14), nhưng vẫn theo thông lệ quốc tế, cho phép sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cá nhân mà không phải xin phép và trả tiền (Điều 25). Không có lý do gì việc học tập của sinh viên lại không được xem là nghiên cứu khoa học. Vì nếu không, sẽ rất khó giải thích được một cách hợp lý lý do vì sao giảng viên được sao chép một bản dùng cho mục đích cá nhân, còn sinh viên thì không. Tuy vậy, sau này cũng nên bổ sung cụm từ “học tập” bên cạnh từ “giảng dạy” để tránh những suy diễn theo kiểu giải thích như thế nào cũng có lý.

Ở Việt Nam, giáo trình thường được nhà xuất bản tổ chức hội đồng thẩm định để xem xét đánh giá chất lượng chuyên môn trước khi đem in. Chất lượng công việc của hội đồng thẩm định chủ yếu tùy thuộc vào trình độ và phẩm chất của hội đồng, nhất là chủ tịch hội đồng và các vị phản biện. Nhuận bút cho người biên soạn thường chỉ vài triệu đồng và có thể chi trả một lần hoặc theo số lượng phát hành. Vì thế, ở Việt Nam cũng như ở các nước, các nhà xuất bản, chứ không phải các giáo sư, mới là bên có lợi ích trực tiếp trong việc bán giáo trình.

Vì vậy, việc cấm tuyệt đối sinh viên sử dụng bản giáo trình photo tuy có thể mang lại lợi ích cho các nhà xuất bản và một số bên liên quan, nhưng nhìn trong tương quan tổng thể, có thể không có lợi cho việc chia sẻ tri thức và tạo ra tri thức mới trong toàn xã hội. Nói như vậy không phải là cổ vũ cho việc sử dụng bản photocopy, nhưng là cổ vũ cho tinh thần “fair use”, công bằng hơn cho tất cả các bên và hài hòa với lợi ích chung của xã hội. Luật SHTT đặt ra để kích thích việc tạo ra tri thức mới chứ không nhằm mục đích tạo rào cản với việc tiếp cận tri thức, nhất là trong thời đại số hóa. Giá bán bản in của các giáo trình nên được xem xét trong tương quan với lợi ích xã hội, và đặc biệt là xử lý tốt những vấn đề về mâu thuẫn lợi ích liên quan.

Trên thế giới có 17 ngàn trường ĐH, bất cứ trường ĐH nào cũng phải xử lý vấn đề cung cấp giáo trình và tài liệu cho sinh viên dưới hình thức nào và với chi phí như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất, vì thế, đã hình thành một chuẩn mực phổ quát phù hợp với việc bảo vệ quyền SHTT và hợp đạo đức trong vấn đề này, mà Việt Nam không có lý do gì phải xử sự khác đi.