Phạm Thị Ly (2016)
Trả lời phỏng vấn báo Phụ nữ TP HCM ngày 18.08.2016

Minh Nhật thực hiện

1-Thống kê vừa công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 trước đó, trong đó có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, chiếm tới 40%. Trong số 418.200 lao động có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp lại có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng và 59.100 người có trình độ trung cấp. Liệu có điều gì đáng lo ngại trước thông tin này thưa tiến sĩ?

Tất nhiên là đáng lo ngại. Nhìn vào một bức tranh rộng lớn hơn, cũng cần thấy tình trạng người có bằng cấp cao thất nghiệp ngày càng nhiều cũng là một hiện trạng đang phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là ở những nước tăng trưởng nóng như Trung Quốc hay Việt Nam. Các nước phát triển cũng có hiện tượng đó. Rõ ràng là thực trạng này khác hẳn cách đây vài chục năm, khi tấm bằng ĐH là một bảo đảm cho chỗ làm tốt và ổn định. Điều này do nhiều nguyên nhân, mà chất lượng đào tạo chỉ là một trong số đó. Một cách tổng quát, tôi nghĩ rằng các trường ĐH đã không kịp thay đổi cho phù hợp với những biến đổi mạnh mẽ của xã hội, và cho đến nay, vẫn coi người học là “khách hàng” của mình trong lúc đáng lẽ phải coi thị trường lao động mới là khách hàng thực sự mua sản phẩm của các trường.

Riêng ở Việt Nam, tình trạng này cũng phản ánh tâm lý chạy theo bằng cấp mà không quan tâm đầy đủ đến giá trị thực của nó. Cả nhà trường lẫn người học đều không chịu nhìn nhận một sự thực là kiến thức hay kỹ năng là thứ thực ra không mua bán được. Nhà trường có thể bán bằng cấp chứ không thể bán kiến thức cho người học. Nhà trường chỉ có thể tạo ra một môi trường trải nghiệm để người học thụ đắc kiến thức và kỹ năng. Như ngạn ngữ phương Tây nói, ta có thể dắt một con lừa đến dòng suối nhưng không thể bắt nó uống được.

Tuy vậy, chừng nào tấm bằng vẫn còn có thể dùng để chạy việc, chạy chức, thì nó vẫn còn có giá. Chỉ khi nào xã hội tạo điều kiện cho người có năng lực làm những công việc thích hợp với năng lực của họ, thì thị trường bằng cấp mới không còn chỗ đứng, và nhà trường mới lo dạy cho tử tế, còn người học thì phải học cho tử tế.

Tất nhiên đó vẫn chưa phải là toàn bộ bức tranh. Vì tình trạng học cao thất nghiệp còn liên quan đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế và trình độ phát triển của xã hội. Liệu có cần học đến bốn năm để có đủ khả năng làm công nhân đứng máy? Nếu nền kinh tế chủ yếu là gia công, thì cử nhân thất nghiệp là tất yếu.

Thêm nữa, chúng ta phải lưu ý tới cái gọi là “lợi thế tương đối”. Khi giáo dục đại học còn ở giai đoạn tinh hoa, người có bằng cử nhân còn hiếm hoi, thì dĩ nhiên những người đó có lợi thế. Nếu ai cũng có bằng cử nhân cả, thì tất nhiên lợi thế đó trở về bằng không!

2-Rất nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị đào tạo chỉ dạy những gì mình có mà không dạy những cái xã hội và người học cần; chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nặng lý thuyết, thực hành còn hạn chế. Bà có nhận xét gì về nhận định này? Theo bà thì người đi học có cần phải xác định mình cần học những gì và tìm hiểu xem liệu khóa học có đáp ứng được không trước khi tham gia khóa học? 

Tôi đồng ý với nhận định này. Lý do, như đã nói trên, cả nhà trường lẫn người học đều chỉ nhìn vào tấm bằng, thay vì phải nhìn vào cái xã hội thực sự cần, và cái mình thực sự muốn theo đuổi.

3-Rất nhiều đầu bếp, thợ giỏi cơ khí… hiện có mức lương lên đến 20- 30 triệu đồng/ tháng, thậm chí 40- 50 triệu đồng/ tháng. Trong khi, rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ lại không thể tìm nổi một công việc 5- 10 triệu đồng. Đây có phải là một nghịch lý? Tại sao lại như vậy thưa bà?

Lý do chỉ là cung cầu thôi. Thị trường có tiếng nói quyết định của nó. Những người có lợi thế là những người nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với bối cảnh bên ngoài đã thay đổi.

4-Đã có một giám đốc doanh nghiệp phát biểu rằng: “Về kiến thức thì vứt cái tư duy ông cử nhân, bà thạc sĩ đi. Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi công việc phải nhàn hạ, lương cao, tương lai, ổn định. Người ta làm kinh doanh chứ có phải mở doanh trại từ thiện đâu”. Bà có cảm thấy “đau đớn” trước những lời phát biểu này?

Tôi thấy phát biểu đó đúng. Một lần nữa, người ta lầm tưởng tấm bằng có thể mang lại cho mình giá trị mà nó được xem là đại diện. Rất tiếc, cái giá trị đại diện ấy đã bị phá hủy khá nhiều.

5-Thưa bà, vì đâu người ta lại đua nhau học lên các bậc học cao, không chỉ ĐH mà còn ThS, TS? Đây có phải là điều đáng mừng cho đất nước? Khái niệm “Hiếu học” liệu có cần phải diễn giải lại, diễn giải khác đi trong bối cảnh xã hội đã khác rất nhiều?

Một đất nước lạm phát bằng cấp không phải là điều đáng mừng. Cuộc chạy đua bằng cấp nên được chấm dứt, vì nó sẽ làm lẫn lộn thật giả và tạo ra tình trạng loạn chuẩn mực. Chỉ có kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, phẩm giá của con người mới tạo ra sự giàu mạnh và làm cho chúng ta nhận được sự kính trọng trên toàn cầu, chứ không phải là bằng cấp. Đã từ lâu, ở Việt Nam, bằng cấp không còn là một bảo đảm về sự đại diện cho những giá trị đó nữa. Thậm chí, tôi đã thấy một xu hướng ngược lại: những người có học (thật) không bao giờ khoe học vị học hàm của mình, trừ khi trong các hoạt động học thuật.

6-Bà vừa nói đến cụm từ “loạn bằng cấp”- một thực trạng của Việt Nam. Nhưng có ý kiến cho rằng nước Mỹ với 322 triệu dân, có 3.609.000 tiến sĩ (chưa kể tới 3.365.000 các tiến sĩ chuyên nghiệp), tỉ lệ tiến sĩ vào khoảng 1,12%; trong khi Việt Nam với khoảng 90 triệu dân, có 24.000 tiến sĩ, tỉ lệ tiến sĩ chỉ là gần 0,027%, rất thấ so với Mỹ. Từ đây, họ cho rằng Việt Nam cần phải có nhiều tiến sĩ hơn nữa?

Vấn đề không phải là chúng ta có bao nhiêu tiến sĩ. Vấn đề là những người cầm tấm bằng tiến sĩ của chúng ta có so sánh được với những người có bằng tiến sĩ ở các nước phát triển hay không? Có thể thảo luận ngang tầm được với họ trong lĩnh vực chuyên môn của mình hay không? Có khác biệt gì so với những người không có bằng tiến sĩ, và có thể làm được gì để thúc đẩy sự giàu mạnh của đất nước và làm phong phú cho đời sống tinh thần của xã hội?

7-Cũng có ý kiến đổ thừa cho người học còn thụ động, đối phó trong quá trình đào tạo dẫn đến kết quả đào tạo CĐ- ĐH và sau ĐH thấp. Nói vậy có phải là thoái thác trách nhiệm của các đơn vị đào tạo và hơn nữa là của Bộ GD-ĐT?

Quả thật là người học còn thụ động và đối phó, nhưng họ là sản phẩm của nhà trường mà? Nhà trường dạy như thế nào mà không khơi gợi được tinh thần ham học hỏi của họ? Nói thật là tôi rất lo lắng về giáo dục phổ thông. Thông tư 30 (bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học) của Bộ GD-ĐT phản ánh một xu hướng sư phạm tiến bộ, nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của giáo viên, cho thấy thay đổi đường mòn trong tư duy khó khăn như thế nào. Chính cách dạy coi điểm số là phương tiện để điều khiển học sinh, và cách học coi điểm số là mục đích đã dẫn đến những sinh viên ù lì, thụ động, không có tư duy độc lập, không thể nghĩ ra ngoài lối mòn và đi xa được.

7-Thi và tuyển sinh ĐH là một công việc dường như được Bộ GD-ĐT quan tâm suốt năm, và được tiến hành đổi mới suốt 10 năm qua. Kết quả là trường ĐH-CĐ mở ra ngày càng nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH- CĐ ngày càng lớn, ai ai cũng vào học ĐH. Thực tế này có gợi cho bà điều gì? Liệu tình trạng này có cần phải thay đổi?

Mặc dù cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, tôi không cho rằng học ĐH là đặc quyền của một số người. Tôi ủng hộ đại chúng hóa giáo dục. Nghe có vẻ mâu thuẫn với quan điểm phê phán tình trạng lạm phát bằng cấp và loạn chuẩn mực đã nói ở trên. Tuy nhiên, nó thật sự không mâu thuẫn. Đại chúng hóa giáo dục phải gắn với quan điểm đúng đắn về bằng cấp và năng lực. Nói cách khác, các cử nhân thất nghiệp không nên than trách rằng vì sao mình có bằng cử nhân mà vẫn thất nghiệp. Tấm bằng cử nhân không phải là nguyên nhân tạo ra sự thất nghiệp của bạn. Chẳng qua vì bạn gán cho nó một giá trị mà nó không có, cho nên bạn thất vọng đó thôi. Bạn đã đặt vào nó một kỳ vọng quá cao và không thực tế. Thực tế là, trong một xã hội lành mạnh, thì sức lao động là hàng hóa, giá trị lao động của bạn quyết định giá bán, chứ không phải tấm bằng. Vậy nếu bạn đã học được những thứ đáng học trong bốn năm bậc đại học, thì ra trường sẽ có nơi cần đến bạn, hoặc chính bạn có thể tự tạo ra việc làm. Một xã hội mà tấm bằng trở thành hàng hóa thay vì là giá trị sức lao động, thì xã hội đó không lành mạnh.