Phạm Thị Ly (2014)
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Forbes ngày 02.08.2014

PV: Chị thấy nhu cầu về đào tạo trực tuyến ở VN hiện nay thế nào? Ở góc độ người học có nhu cầu không; các trường học có cảm thấy sự bức thiết (như ở nước ngoài) là cần phải nhảy vào hoạt động trong lĩnh vực này không; các giảng viên có nhu cầu mở rộng sự ảnh hưởng và chuyển giao kiến thức thông qua công nghệ và Internet không; và đặc biệt là các nhà đầu tư ở VN nhìn nhận lĩnh vực đầu tư này thế nào? Có nhiều người quan tâm đầu tư không?

 PTL: Việt Nam có mức tăng trưởng rất nhanh về số lượng người dùng internet. Hiện con số này chiếm hơn một phần ba dân số. Quan trọng hơn, tính trung bình người Việt đang dùng 161 phút mỗi ngày ngồi trước màn hình vi tính, dẫn đầu so với tất cả các nước trong bảng 1 dưới đây:

MOOCS

Hình 2 cho thấy số lượng video được người Việt xem đang vượt xa các nước trong khu vực (1,6 tỉ video được xem trong lúc Singapore, Philippines, Indonesia lần lượt là 353, 357, 459 và 931 triệu).

H 2 video

hinh 3

 

 

 

 

 

Hình 3 cho thấy 74% người dùng internet ở Việt Nam trong độ tuổi 15-34, tức nhiều người trẻ hơn so với các nước trong khu vực.

 

Hình 3: Độ tuổi trung bình của người dùng internet (% trên dân số)

Tất cả những điều đó có nghĩa là mọi hình thức truyền thông dùng kỹ thuật số sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam trong một tương lai rất gần, trong đó có hoạt động dạy và học. Người học có nhu cầu học những thứ cần cho cuộc đời tương lai của họ, trong lúc nhà trường Việt Nam chuyển biến quá chậm bởi nhiều rào cản không đáng có. Giáo dục số, trong đó có đào tạo trực tuyến mở đại trà, sẽ lấp lỗ hổng ấy. Tuy nhiên, ngay cả các nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng còn chưa có mô hình tài chính ổn định cho loại hình này, cho nên thị trường Việt Nam vẫn còn rất ít người thực sự quan tâm đến. Một số trường ĐH, nhất là khu vực ngoài công lập, có quan tâm đến e-learning nhằm làm giảm chi phí, nhưng chưa thực sự thành công.

PV: Chị nhận định trong tương lai lĩnh vực digital learning ở VN sẽ khác thế nào?

PTL: Chắc chắn sẽ có bước phát triển nhanh chóng, vì thị trường ngày nay là thị trường toàn cầu.

 PV:Digital learning có vài cái khó với nhà đầu tư là tìm người học ở VN (có người cho rằng các trường ĐH offline còn chưa tuyển sinh đủ, con số sinh viên nhập học ĐH đang giảm); online = chất lượng kém, hiệu quả đầu tư thấp; sự chống đối từ phía giáo viên (nhiều người cho rằng digital learning sẽ khiến nhiều giáo viên thất nghiệp, và tạo khoảng cách lớn giữa người dạy giỏi hấp dẫn và người dạy dở), hoặc hạ tầng công nghệ, thói quen…Chị nghĩ thế nào về những điều này, và theo chị, đâu là thách thức lớn nhất mà digital learning gặp phải ở Việt Nam?

 PTL: Những thách thức vừa kể đều có thể vượt qua. Có lẽ khó khăn nhất là khả năng tự học và sự nhìn nhận giá trị của bằng cấp. Người ta thường nói người Việt hiếu học. Thật ra nếu coi hiếu học tức là ham học hỏi, khao khát mở rộng kiến thức, mà không quan tâm đến những lợi lộc mà tấm bằng mang lại, thì có lẽ chúng ta không có mấy người hiếu học.

 PV: Returns on investment: các số liệu giữa đầu tư vào giáo dục (của mỗi gia đình hoặc sinh viên VN) và hiệu quả kinh tế mà họ có được từ những khoản đầu tư đó? Chị có / hay biết nơi nào có số liệu nghiên cứu không? 

 PTL: Năm 2007, anh Trần Hữu Quang có làm một cuộc khảo sát những vấn đề kinh tế trong GD phổ thông, trong đó có nêu ra số liệu chi tiết về mức thu nhập quá thấp của giảng viên và gánh nặng chi phí của người dân. Hai điều này có vẻ như mâu thuẫn, nhưng đó đúng là sự thực: trong lúc chi phí giáo dục thực tế đang tăng thì đồng lương vẫn rất thấp, có nghĩa là đồng tiền đang được sử dụng thiếu hiệu quả. Theo tôi biết thì ở VN chưa có nghiên cứu nào cho biết những con số đáng tin cậy về hiệu quả đầu tư của giáo dục, và quả thật có quá nhiều rào cản để có thể thực hiện được một nghiên cứu như vậy. GS Phạm Phụ có đề cập vấn đề này ít nhiều trong cuốn sách gần đây nhất của ông. Ở nước ngoài thì những nghiên cứu về đề tài này có rất nhiều, bắt đầu từ thập kỷ 50. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2002 cho biết trung bình tỉ lệ hoàn vốn đối với cá nhân là 10% cho mỗi năm học. Mức hoàn vốn cao nhất là ở những nước thu nhập trung bình và thấp, cao nhất là ở châu Mỹ Latin, còn ở châu Á thì mức hoàn vốn bằng mức trung bình của thế giới. Nữ có mức hoàn vốn cao hơn nam.

PV: Theo chị có tương lai cho MOOCs ở VN không? 

PTL: Tôi hy vọng nhà nước nhìn thấy lợi ích mà MOOCs mang lại cho việc đẩy nhanh cải cách GDĐH và thực chất là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Chỉ cần số tiền ngang với giá một con tàu Vinashin cũng đủ để đem giáo dục bậc cao đến từng nhà và từng người, nhất là trong bối cảnh cải cách chương trình ở các trường đang quá chậm. MOOCs sẽ không thay thế nhà trường truyền thống, nhưng nó sẽ làm cho nhà trường truyền thống phải khác đi, và tôi tin rằng nó sẽ trở thành một bộ phận không thể thiếu của nhà trường tương lai

Khổng Loan thực hiện