DIỄN ĐÀN ĐỐI TÁC GIÁO DỤC CANADA & CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á
MỞ RỘNG CƠ HỘI QUỐC TẾ HÓA CHO VIỆT NAM

 (Ghi nhận tại Diễn đàn Đối tác Giáo dục Lần thứ 49 do Cơ quan Hợp tác Giáo dục Quốc tế Canada (CBIE) tổ chức, từ ngày 22 đến 25 tháng 11 năm 2015 tại Niagara, Toronto).

 Phạm Thị Ly (2015)

Diễn đàn đối tác giáo dục là một sự kiện được Cơ quan Hợp tác Giáo dục Quốc tế Canada (CBIE) tổ chức hàng năm nhằm kết nối các bên và thu hút giới nghiên cứu, giới quản lý từ hằng trăm trường ĐH trên thế giới tham dự. Diễn đàn Lần thứ 49 năm nay có sự tham dự của hơn 800 thành viên đến từ 40 quốc gia, được tổ chức tại Niagara, Toronto, từ ngày 22 đến 25 tháng 11 năm 2015 với chủ đề: “Gắn kết Toàn cầu: Xuyên biên giới – Nối liền các thế hệ”, và đặt trọng tâm vào việc xây dựng quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á.

Đây là một diễn đàn có uy tín trên phạm vi toàn cầu nhiều năm qua vì đó là nơi gặp gỡ của những diễn giả danh tiếng và các nhà quản lý cao cấp nhằm thảo luận những nội dung quan trọng cho sự phát triển của GDĐH, và là nơi các trường xây dựng mối quan hệ của họ với hệ thống ĐH trên toàn thế giới.

Như Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Quốc tế Canada, bà Karen McBride nói trong lời mở đầu, chủ đề năm nay hướng tới việc bảo đảm rằng quốc tế hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí chúng ta, không chỉ các trường, mà còn là chính phủ các nước, giới doanh nghiệp, và nhất là sinh viên. Diễn đàn nhằm tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề làm thế nào chúng ta có thể vun đắp một thế hệ có tư duy toàn cầu, và làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên, giảng viên, các nhà quản lý của mình để họ có được những trải nghiệm ngoài nước. Diễn đàn là nơi thảo luận về những cách tiếp cận khác nhau từ thực tế của các trường, cũng như phản ánh những ý tưởng mới mẻ của các nhà chuyên môn hàng đầu.

Gắn kết toàn cầu: đâu là những nhân tố chủ yếu tạo ra thành công?

PGS. Lê Quang Minh (ĐHQG-HCM, Việt Nam) nói về những thách thức mà GDĐH Việt Nam đang phải đương đầu, như sự xa rời thực tế của các trường với thị trường lao động và nhịp điệu phát triển của nền kinh tế, ở những mức độ khác nhau giữa trường công, trường tư, và trường có vốn đầu tư nước ngoài. Thách thức này còn là sự thiếu vắng những hiểu biết căn bản về các phổ niệm tòan cầu như tự chủ và trách nhiệm giải trình. Ông nhấn mạnh những cơ hội hợp tác, trên cơ sở giảng viên được đào tạo ở nước ngoài trở về ngày càng nhiều, đem lại những cải thiện tốt hơn về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tạo nền tảng cho việc hợp tác quốc tế của các trường. Trong lúc đó, GDĐH Canada có nhiều ưu điểm: dùng ngôn ngữ Anh và Pháp, có quan hệ rất chặt chẽ với giới doanh nghiệp, có một hệ thống đa dạng bao gồm các trường cao đẳng cộng đồng, và chi phí hợp lý. Cái còn thiếu là một chiến lược hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng hình ảnh và tăng cường sự hiện diện của các trường ĐH Canada ở Việt Nam.

Từ thực tế Malaysia, Prof. Shamsul A.B. (The National University of Malaysia) nêu ra những nhân tố thành công chủ yếu là sự kết hợp những điều kiện thuận lợi trong nước (kinh tế tăng trưởng, chính trị ổn định, tầng lớp trung lưu lớn mạnh, hạ tầng cơ sở tốt, và mối quan hệ đối tác gần gũi giữa xã hội, nhà nước và thị trường) với những điều kiện thuận lợi bên ngoài (am hiểu và nhạy cảm trước mối quan hệ giữa nhà trường và thị trường ở nước đối tác, v.v.). Lợi nhuận dĩ nhiên vẫn là động lực chủ yếu, nhưng nó không có nghĩa là nhà trường hy sinh các chuẩn mực học thuật và nguyên tắc hoạt động của mình.

Abigali Lanceta (ASEAN Secretiat) nhìn vấn đề quốc tế hóa GDĐH dưới Tầm nhìn ASEAN 2025: “Hướng về tương lai, đẩy mạnh Cộng đồng ASEAN và tăng cường trách nhiệm xã hội, nhận thức về sự hội nhập kinh tế, cố kết chính trị, cũng như những quy tắc thực sự hướng tới nhân dân của ASEAN” (Tuyên bố Nay Pyi Taw, 11.2014).

Tầm nhìn sau 2015 về giáo dục của ASEAN nhấn mạnh việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng và phát triển việc học tập suốt đời, dựa trên hợp tác giáo dục giữa các nước thành viên, và thông qua những quan hệ giữa các cá nhân, giao lưu trao đổi sinh viên và giảng viên, tạo ra sự hài hòa của hệ thống giáo dục ĐH/giáo dục nghề giữa các nước (dựa trên những chuẩn mực về Bảo đảm Chất lượng và Khung bằng cấp), công nhận tín chỉ lẫn nhau.

Kế hoạch hành động của ASEAN trong việc quốc tế hóa GDĐH bao gồm: Tăng cường nhận thức về ASEAN qua các chương trình trao đổi giảng viên/sinh viên; tăng cường năng lực tiếp cận giáo dục số, tạo ra thay đổi thông qua mạng lưới quan hệ, hợp tác và trao đổi nguồn lực và con người trong đào tạo nghề; tạo ra những chuẩn tắc bảo đảm chất lượng và công nhận bằng cấp cho hệ thống đào tạo nghề trong bối cảnh ASEAN; xây dựng mối liên hệ mạnh mẽ giữa các trường, các doanh nghiệp, và cộng đồng xã hội; và cuối cùng là thúc đẩy giao lưu sinh viên.

Nhân tố chủ yếu tạo ra thành công cho quá trình này là: chính sách thích hợp, sự cam kết với mục tiêu chung, nguồn lực tương xứng, tư duy toàn cầu, mạng lưới quan hệ và kết hợp đối tác công tư.

Sự gắn kết toàn cầu sẽ mang lại kết quả gì?  Ben Yang (Wilfrid Laurier University, Canada), cho rằng đó sẽ là xây dựng được tư duy toàn cầu và năng lực giao thoa văn hóa của những công dân toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới đang ngày càng tương thuộc. Đó còn là tạo ra một mạng lưới chia sẻ kiến thức và hợp tác trên phạm vi toàn thế giới để học tập và nghiên cứu, nhờ đó mang lại những đóng góp cụ thể cho sự thịnh vượng của từng nước. Cuối cùng, nó tạo điều kiện nảy nở cho những “đại sứ văn hóa”, hình thành “quyền lực mềm” cho những nước tiếp nhận.

Quốc tế hóa và những mô hình sáng tạo trong việc hợp tác

Từ một trường hợp cụ thể ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương (Trường ĐH Hà Nội) nói về hai chiến lược quốc tế hóa của nhà trường: (i) chuyên nghiệp hóa hoạt động hợp tác quốc tế; và (ii) Đẩy mạnh ngoại ngữ chuyên ngành thông qua nhiều hình thức hợp tác. Một ví dụ như hợp tác với 25 trường ĐH Ý, đã đạt đến việc công nhận tín chỉ của hai bên, và tạo ra những hỗ trợ về tài chính như học bổng, miễn giảm học phí và tiền thuê nhà, v.v.

PGS. Anne Pakir, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và bà Kathryn Mc Tavish cho biết, hiện NUS có 17 đối tác trong chương trình trao đổi sinh viên, Canada đứng thứ ba trong danh sách điểm đến được chọn của sinh viên. Mỗi năm NUS gửi đi Canada khoảng 200 sinh viên và nhận khoảng 2,000 sinh viên quốc tế đến học, 10% là từ Canada.

NUS đã tổ chức những Chương trình Mùa hè cho sinh viên quốc tế, để họ có thể làm giàu kiến thức về nhiều chủ đề liên quan tới châu Á. Chương trình gồm 5 tuần, có dự lớp, tham gia thảo luận và học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực, đi điền dã. NUS cũng tổ chức những Chương trình Nghiên cứu Khoa học của Sinh viên, đem lại cho họ cơ hội độc nhất làm việc với các nhà khoa học ở trường đối tác, tham gia vào hoạt động nghiên cứu, thảo luận, giao tiếp học thuật và các hoạt động sáng tạo để có trải nghiệm về khám phá, phát minh và trưởng thành trong chuyên môn. Trong chương trình này, sinh viên được tham gia vào mọi giai đoạn của quá trình nghiên cứu, từ đọc tài liệu khoa học, thiết kế và thực hiện các thử nghiệm, phân tích dữ liệu và trình bày kết quả.

Từ những kinh nghiệm ấy, hai tác giả cho rằng, chìa khóa thành công là lòng tin vào đối tác và sự linh hoạt cần có để chủ động thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Thêm nữa, tăng cường khả năng của bộ phận hợp tác quốc tế để họ có thể điều hành có hiệu quả những hợp tác đa phương. Cuối cùng là sự gắn bó của đội ngũ giảng viên, được xây dựng trên sự giao tiếp cởi mở với tất cả các bên liên quan.

Đáp ứng với thị trường lao động

Hiện nay có các cơ chế hợp tác khu vực trong đào tạo nghề, thông qua Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á SEAMEO, và thông qua Chương trình Nối kết Đồng bằng Sông Mê-kông qua Giáo dục và Đào tạo với sự hỗ trợ của USAID. Các lĩnh vực ưu tiên là điện tử, cơ khí, hóa ứng dụng, du lịch, xây dựng dân dụng, ngân hàng. Nhấn mạnh cơ hội học ngoài nước cho giảng viên và sinh viên, và hỗ trợ đào tạo nghề ở nông thôn.

Một số sáng kiến đáng kể nhằm thúc đẩy khả năng đáp ứng với thị trường lao động là:

Thúc đẩy đối tác công tư

Cơ chế đối tác công tư ở các nước ASEAN mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho những sáng kiến nối kết xuyên biên giới và sự tham gia của khu vực tư, công nhận rằng việc xây dựng chính sách hợp tác công tư cần trải qua nhiều bước đi, nhiều giai đoạn. Thường bắt đầu với những dự án nhỏ (20-50 triệu USD) như cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế. Những dự án lớn hơn đòi hỏi khung chính sách hoàn chỉnh để có thể giải quyết những vấn đề quan trọng đang tồn tại.

Chương trình SEAMEO Internship Placement cho phép gửi học sinh trường nghề đi thực tập ở hai nước thành viên khác nhau trong năm thứ hai và thứ ba. Tổ chức điều phối chương trình này là The SEAMEO Regional Centre for Vocational and Technical Education and Training (SEAMEO VOCTECH), một tổ chức được thành lập nhằm hỗ trợ các nước thành viên xác định và giải quyết những vấn đề nước nào cũng gặp phải trong việc đào tạo nghề. Hoạt động của nó là tập huấn chuyên môn, nghiên cứu, tư vấn và phổ biến kiến thức.

Bài học mà Aligabi Lanceta (ASEAN Secretiat) chia sẻ là: hợp tác có hiệu quả trong đào tạo nghề được xây dựng dựa trên sự chia sẻ những mục tiêu chung giữa các bên, đồng thời phản ánh được nhu cầu cụ thể của từng nước và các nước liên quan; dựa trên chia sẻ thông tin thường trực; hài hòa giữa việc nhìn nhận các xu hướng toàn cầu và bối cảnh cũng như nhu cầu của địa phương.

Hợp tác trong nghiên cứu khoa học

Nói về thách thức và cơ hội trong hợp tác NCKH với Philippines, tham tán giáo dục của Philippines, TS. Minella C. Alarcon trước hết nêu ra đặc điểm của GDĐH nước này: tổng số 1993 trường, 88% là trường tư. Sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật, nông ngư nghiệp, toán (STEAM) chỉ chiếm 19% trong tổng số 3.811.000 sinh viên. Số bài báo khoa học tăng rất ấn tượng trong khoảng thời gian 1980-2014, tuy rằng còn kém xa Singapore, Malaysia, và xấp xỉ Indonesia, Việt Nam. Ngành mạnh nhất là y học lâm sàng, và đáng chú ý là khoa học xã hội đứng thứ tư trong 10 ngành mạnh nhất của Philippines.

Chiến lược của Philippines trong việc tăng cường chuỗi giá trị sáng tạo là khích lệ tài trợ nghiên cứu cho những dự án do giới doanh nghiệp đề xướng và nghiên cứu liên ngành, những dự án có nhiều trường ĐH tham gia, có kế hoạch đào tạo nhân tài, và có sự cân bằng về giới trong số những người tham gia. Các đề xuất nghiên cứu đều phải kèm theo điều khoản tham chiếu và các thước đo kết quả cụ thể. Các lĩnh vực ưu tiên là: an toàn thực phẩm, môi trường, tài nguyên biển, đa dạng sinh học, sáng tạo kỹ thuật, y tế, và đào tạo STEAM.

Philippines cũng đang hỗ trợ mạnh mẽ những hội thảo về cách viết dự án, quản lý và đánh giá dự án, đạo đức nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ, cách viết bài báo và cung cấp các nhà biên tập chuyên nghiệp để giúp tăng cường số lượng bài báo khoa học.

Đối thoại Chính sách cấp cao APEC lần thứ nhất vào tháng 08. 2015 cũng khẳng định chủ trương tăng cường giao lưu các nhà khoa học giữa các nước trong khu vực, đào tạo xuyên biên giới, và hợp tác giữa các trường.

Trong trường hợp Việt Nam, TS. Phạm Thị Ly (ĐHQG-HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhấn mạnh sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, với thành tích giảm nghèo và GDP tăng 29 lần trong khoảng thời gian 1990-2014, và ấn tượng nhất là sự mở rộng hệ thống GDĐH và sự hình thành khu vực GDĐH tư. Từ 1996-2001, số lượng bài báo khoa học trên tập san quốc tế chỉ tăng bình quân 16 bài/năm, nhưng từ 2002-2014, số bài báo tăng theo chiều thẳng đứng, bình quân 20% mỗi năm. Tuy vậy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện nay chỉ đứng trên chút ít so với Indonesia Philippines, Lào và Cambodia, trong lúc thua kém khá xa so với Thái Lan, Malaysia, và đặc biệt là Singapore. Những lĩnh vực mạnh là y sinh, toán, vật lý, hóa học. Đặc biệt là mức độ hợp tác quốc tế rất cao: số bài báo có đồng tác giả là các nhà khoa học quốc tế lên đến 80% năm 2004 và giảm dần chút ít, năm 2014, tỉ lệ này là 77%. Đối tác chiếm nhiều bài báo nhất là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Trong số 47 quốc gia có đồng tác giả với Việt Nam, Canada xếp thứ 24, chiếm 2% tổng số bài báo, rõ ràng là quá ít so với tiềm năng hợp tác.

Ngoài các bài báo khoa học, phải kể đến những hình thức hợp tác khác tuy không dẫn đến thành tích công bố quốc tế nhưng có ảnh hưởng quan trọng đối với Việt Nam, chẳng hạn những chương trình hợp tác nghiên cứu với Bộ KH-CN nhằm xử lý những vấn đề cụ thể ở các địa phương, hoặc những chương trình nghiên cứu nhằm tư vấn chính sách, ví dụ như Dự án GDĐH của Ngân hàng Thế giới.

Về những trường hợp thành công điển hình, có thể kể đến những phòng thí nghiệm được xây dựng dựa trên sự hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Hình thức hợp tác này đặc biệt có tính bền vững, vì nó không chỉ mang lại một số bài báo khoa học cho thành tích của trường, mà quan trọng nhất là nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ trong nước.

Trong nhiều hình thức hợp tác khả dĩ, bà nhấn mạnh khả năng hợp tác đào tạo tiến sĩ, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, thiết lập các nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học Canada, đồng tổ chức hội thảo chuyên ngành, v.v. Hình thức hợp tác nào thì thành công hay thất bại cũng phụ thuộc vào con người cụ thể, vì vậy để tiềm năng biến thành kết quả, thì quan trọng nhất vẫn là chọn đúng người để hợp tác.

Một sáng kiến đáng kể để tăng cường hợp tác NCKH trong khu vực là Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu SEAMEO, một bộ phận của SEAMEO Regional Learning Centre –SEAMOLEC) đặt tại Jakarta, Indonesia, theo bài trình bày của bà Anti Rismayanti. Tổ chức này có 11 nước thành viên (10 nước ASEAN+ Baltimore) và 8 nước đối tác (Anh, Hà Lan, Canada, Úc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, New Zealand).

Bảy lãnh vực ưu tiên nghiên cứu mà trung tâm này đang thúc đẩy là: chăm sóc trẻ mầm non và giáo dục tiền học đường, những rào cản để mở rộng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, xxx, thúc đẩy đào tạo nghề, cải cách đào tạo giáo viên, hài hòa giữa giảng dạy và nghiên cứu, và vận dụng chương trình đào tạo cho thế kỷ 21.

Với tư cách là người đang thực thi công việc quản lý đào tạo và hợp tác quốc tế của Trường ĐH Bách khoa Kwantlen (Canada), TS. Sandra Schinnerl nêu ra những nhân tố phải xem xét khi đánh giá mức độ thành công của hợp tác quốc tế.

Trước hết, đó là kết quả. Lý tưởng là hai bên đều gặt hái được lợi ích từ hợp tác quốc tế, nhưng không nhất thiết phải giống nhau. Hai, kết nối với nhiều giảng viên, đơn vị trong trường, và khả năng mở rộng sau giai đoạn khởi xướng. Ba là sự bền vững, ngay cả sau khi dự án đã kết thúc. Bốn là sự công nhận và uy tín mà sự hợp tác này tạo ra trong cả trường, cũng như trong cộng đồng. Một ví dụ là sinh viên Canada đánh giá cao cơ hội làm việc cùng với sinh viên Kenya (và ngược lại) nên sau khi tài trợ ban đầu kết thúc, nhà trường thấy cần phải tiếp tục hoạt động trao đổi này, và đã xây dựng Khoa Điền dã với sự hỗ trợ của đối tác.

Một điểm nên lưu ý là Phòng Hợp tác Quốc tế (HTQT) của Trường nên phối hợp như thế nào với các khoa và đơn vị chuyên môn. Thường thì Phòng HTQT hỗ trợ việc điều hành dự án và quản lý rủi ro, cũng như giao tiếp với bên ngoài, để các đơn vị chuyên môn có thể tập trung cho những mối quan tâm cốt lõi của họ trong việc hợp tác. Trong thực tế có những cơ hội đến thông qua Phòng HTQT, cũng có khi là qua các khoa, hoặc cá nhân giảng viên.

Yếu tố cốt lõi quyết định thành công của hợp tác quốc tế là những giảng viên đi tiên phong và có mức độ cam kết rất cao, dù mối quan tâm và động cơ của họ có thể khác nhau. Khớp nối những mối quan tâm ấy với mối quan tâm của đối tác là việc không dễ dàng, vì vậy nó đòi hỏi trình độ giao tiếp cao của các bên, nhất là khi những mối quan tâm này có thể thay đổi qua thời gian.

Khuyến nghị của Sandra là cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin về cơ hội hợp tác, hỗ trợ xây dựng năng lực cho giảng viên trẻ, và tạo ra mạng lưới chuyên gia cho các nước trong khu vực, nhằm tạo ra những đối tác có khả năng đáp ứng cao, và phối hợp hài hòa mối quan tâm của các bên.

Tiếp thị và tuyển sinh

PGS. Yazrina Zahya trình bày những kinh nghiệm thú vị của ĐH Quốc gia Malaya (UKM), một trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của Malaysia đã có 45 năm tuổi, với 16.141 sinh viên ĐH và 9.926 sau ĐH, bao gồm 2.468 sinh viên quốc tế. Trường có 12 khoa và 13 viện nghiên cứu.

Ba phương tiện tiếp thị chính hiện nay của trường là Instagram, website và facebook. Để tuyển sinh, có thêm các triển lãm, tờ rơi, brochure cả bản in và bản điện tử, báo chí địa phương. Nhưng dĩ nhiên điều quan trọng không chỉ là phương tiện nào mà là nội dung thông điệp nào được truyền tải.

Tùy vào đối tượng mục tiêu, ví dụ để thu hút sinh viên quốc tế, UKM nhấn mạnh những ưu điểm của bằng đôi: giảm chi phí, cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp Malaysia nhằm hiểu biết về thị trường khu vực. Với sinh viên nội địa, chiến lược là dùng cựu sinh viên để hỗ trợ cho tiếp thị, lưu ý mạng lưới đối tác của trường và quan hệ với các doanh nghiệp.

Indonesia có hẳn một cơ quan có tên gọi là Giáo dục Quốc tế Canada và Indonesia, thành lập năm 2010, như một trung tâm thông tin cho tất cả các bên liên quan, như các trường ở Canada, sinh viên Indonesia, các văn phòng tuyển sinh và hợp tác quốc tế. Cơ quan này có mối liên hệ chặt chẽ với sứ quán Canada, cựu sinh viên Indonesia từng học ở Canada, Phòng Thương mại Canada và các tổ chức khác của Canada tại Indonesia.

Indonesia là một điểm đến hấp dẫn cho các trường Canada, do sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, số sinh viên du học tự túc cao, và các trường trung học tư đào tạo theo chương trình quốc tế. Tuy vậy, Wely Kustono, (Canadian Education International – Indonesia) cho biết, các trường Canada vẫn chưa hiện diện mạnh mẽ ở Indonesia do thiếu hỗ trợ cụ thể ở các địa phương, và thiếu những hành động tích cực tiếp theo trong việc tuyển sinh.

Vì vậy, chiến lược tiếp thị mà ông gợi ý là nhấn mạnh thương hiệu và phẩm chất cốt lõi của các trường Canada, xây dựng những văn phòng ở các địa phương, đẩy mạnh đối tác song phương, và tích cực tham gia Hội chợ Giáo dục Canada ở Indonesia.

Cơ hội cho Việt Nam

Diễn đàn năm nay có một phiên riêng dành cho Việt Nam và các trường Canada muốn xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam. Trong phiên họp này, TS. Đào Thị Liên Hương (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) đã trình bày một bài báo cáo đầy đủ toàn diện về bức tranh của hệ thống GDDH Việt Nam.

Cả trong nghiên cứu lẫn trong đào tạo, sự hiện diện của các trường Canada ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nếu số bài báo hợp tác với Canada chỉ chiếm 2% trên tổng số, thì các chương trình đào tạo liên kết với Canada chỉ có 6 trên tổng số 236 trong cả nước. Thực tế này rõ ràng là có một khoảng cách xa so với tiềm năng của hai bên.

Các trường Canada có những điểm mạnh nổi bật trong quan hệ với giới doanh nghiệp, và hệ thống cao đẳng cộng đồng rất phát triển. Canada được biết đến như một nơi an toàn bậc nhất trên thế giới, và sử dụng hai thứ tiếng phổ thông nhất ở phương Tây là tiếng Anh và tiếng Pháp. Thêm vào đó, chi phí ở Canada cũng tương đối thấp so với Mỹ và UK.

Vì vậy, quan hệ đối tác với các trường Canada có nhiều hứa hẹn cho các trường Việt Nam, không chỉ là tăng cơ hội trao đổi giảng viên, sinh viên, mà còn là tiếp thu những điểm mạnh trong hệ thống Canada và xây dựng năng lực cho Việt Nam.

Trong thế giới đa phương ngày nay, lực lượng lao động trình độ cao được đào tạo ở các hệ thống GDĐH tiên tiến trên thế giới sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của các nước đang phát triển như Việt Nam. Lực lượng này nên được đào tạo từ nhiều nước khác nhau, vì mỗi nước có những điểm mạnh yếu khác nhau, và trải nghiệm đa dạng của lực lượng này sẽ góp phần xây dựng hiểu biết toàn diện về thế giới hiện đại, một điều không thể thiếu để thành công trong hợp tác quốc tế, ở cả cấp trường lẫn cấp quốc gia.

Viết tại Niagara, Toronto, ngày 26.11.2015