Phạm Thị Ly & Lưu Phan (2016)

Đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày31.01.2016 với tiêu đề “Đối thoại trong Giáo dục: Chuyện trò trong tôn trọng”

Một hiện tượng nổi bật trong lĩnh vực giáo dục năm 2015 là những vụ việc khiến cả xã hội “sôi sùng sục”: tuyển sinh, môn sử, phong giáo sư, đại học tư đa ngành đào tạo y khoa, v.v. Trên các báo in, báo mạng, trên mọi không gian xã hội, đã có rất nhiều người, thuộc nhiều giới, nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, nhiều trình độ khác nhau lên tiếng. Trước đó, tháng 3 năm 2015, có bản kiến nghị về cải cách GDĐH mang tên Đối thoại Giáo dục của một nhóm trí thức ngoài nước do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng gửi đến Bộ GD-ĐT và các báo. Trong vấn đề cải cách giáo dục phổ thông, có bản kiến nghị 15 trang của TS. Lương Hoài Nam. Chúng ta thấy gì qua những hiện tượng ấy?

Hai bức tranh trái ngược

Có hai bức tranh dường như trái ngược trong những hiện tượng nói trên. Bản Kiến nghị Đối thoại Giáo dục, kết quả hai năm làm việc của một nhóm trí thức trẻ tâm huyết ở ngoài nước, được tổ chức truyền thông bài bản trên các báo, được Bộ GD-ĐT trân trọng đón nhận. Mặc dù bản kiến nghị của nhóm Đối thoại Giáo dục chưa đầy đủ và nhiều vấn đề đã từng được nêu ra trước đây, nó vẫn chứa đựng nhiều ý kiến đúng đắn nên được vận dụng. Thế nhưng, ngoài phát biểu hoan hỉ đón nhận của Bộ GDĐT, chúng ta không được nghe bất kỳ ý kiến phản hồi chính thức và cụ thể nào của Bộ về nội dung các kiến nghị này, đặc biệt là không thấy những bước đi hoặc sự thay đổi nào đáng kể trên cơ sở các kiến nghị ấy. Nếu có ai nói rằng bản kiến nghị này đã rơi vào im lặng, thiết nghĩ cũng không phải quá lời.

Tương tự như vậy, kiến nghị của TS. Lương Hoài Nam cũng rơi vào im lặng. Nhiều hội nghị, hội thảo của ngành giáo dục vẫn tiếp tục tình trạng độc thoại như từ trước đến giờ. Gần đây nhất là Hội thảo về phân tầng xếp hạng do Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam tổ chức nhân lễ ra mắt Trung tâm Kiểm định Chất lượng GDĐH tại Hà Nội. Hội thảo có trên 300 người tham dự, đại diện hơn 200 trường ĐH-CĐ trong cả nước. Có 5 báo cáo được trình bày, nhưng nhiều diễn giả không quan tâm gì tới giới hạn thời gian, và như mọi khi, không có bất kỳ một ý kiến phản hồi, bình luận hay nêu câu hỏi, nói chi tới thảo luận. Có thể là do trong hội nghị này, diễn giả đã chiếm hết thời gian, nhưng kể cả trong trường hợp có đủ thời gian, và Ban Tổ chức kêu gọi mọi người có ý kiến, cũng không một ai lên tiếng, ví dụ như hội nghị trực tuyến do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 21/01/2015 về thông tư 30 (bỏ chấm điểm bậc tiểu học), có sự tham gia của hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học trên toàn thành phố, song không có bất cứ một ý kiến phản hồi nào. Không thể hơn 700 hiệu trưởng mà không ai có băn khoăn. Thế nhưng không một ai phát biểu, dù là ủng hộ hay phản đối.

Trái lại, trên các phương tiện truyền thông chính thống và nhất là trên mạng xã hội, một số vụ việc trên đây đã lôi cuốn vô vàn ý kiến của đủ mọi giới. Mặc dù có một điểm khác nhau căn bản giữa các ý kiến trên báo chí nhà nước (có sự kiểm soát và giám sát) và trên mạng xã hội (hầu như hoàn toàn không có kiểm soát, và nhiều trường hợp phát biểu ẩn danh), vẫn có một điểm chung: có nhiều ý kiến, kể cả của giới chuyên môn, không dựa trên cơ sở hay chứng cứ đáng tin cậy nào cả. Đơn cử trường hợp tích hợp môn Sử: nhiều người phát biểu hùng hồn rằng tích hợp môn Sử nghĩa là xóa bỏ nó mà không buồn thử tra Google xem tích hợp nghĩa là gì và trên thế giới người ta đang dạy môn Sử như thế nào. Thậm chí có vị giáo sư tuyên bố: “Chúng tôi không nghe Bộ GD-ĐT nói nữa”! tức là tự mình cắt ngang cuộc đối thoại, không cần nghe, và không cần biết tới những quan điểm khác với mình.

Trường hợp Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội mở ngành y cũng vậy. Rất nhiều ý kiến phản đối với lý do đã là trường tư, lại còn đào tạo đa ngành, thì nhất quyết là chất lượng đào tạo kém, mà không cần biết những thông tin cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự chuyên môn của nhà trường, càng không cần biết tới xu hướng đào tạo đa ngành trên thế giới và vì sao người ta làm như vậy.

Hai bức tranh trái ngược trên đây nói lên một sự thật đáng buồn là chúng ta còn quá nhiều việc phải làm trong việc xây dựng văn hóa đối thoại, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến việc xây dựng chính sách.

Con đường phía trước

Mặc dù vậy, điều đáng mừng là đã có một khoảng không gian ngày càng rộng để mọi người nói lên ý kiến của mình, và xã hội đang quen dần với sự đa dạng, đa chiều của các ý kiến. Mặc dù chất lượng đối thoại còn thấp, nếu không phải là truyền đạt một chiều thì là “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” nhưng ít nhất, nó đã làm cho giới quản lý phải thận trọng và cân nhắc nhiều hơn.

Ngay cả khi chúng ta có được các cuộc đối thoại dân chủ thực sự, có thể nó cũng không mang ngay lại một giải pháp, một câu trả lời, nhưng ít nhất nó cũng gieo rắc lại cho người tham dự một cái gì đó như sự “thức tỉnh”, nghĩa là nó truyền được thông tin, mang lại được cái đa dạng khác biệt, và mài sắc khả năng tư duy của tất cả mọi người.

Vì thế, điều rất cần làm, là nâng cao chất lượng đối thoại chính sách giữa chính phủ và người dân, không chỉ là mở rộng không gian có ý kiến, mà còn là nâng cao ý thức trách nhiệm của tất cả các bên trong khi phát biểu, và cải thiện văn hóa tranh luận.

Trở lại những vụ việc trên đây, có thể nói năng lực truyền thông của Bộ GD-ĐT còn khá giới hạn, khi không đủ sức đối thoại một cách thực sự thuyết phục với những quan điểm trái chiều. Chính phủ cần làm quen với việc xây dựng chính sách dựa trên chứng cứ nghiên cứu, và nâng cao chất lượng truyền thông để tạo sự đồng thuận vốn rất cần thiết cho một xã hội hài hòa. Mặc dù sẽ khó lòng có quyết định nào làm vừa ý tất cả mọi người, và khác biệt quan điểm là điều sẽ vĩnh viễn tồn tại, nhưng quan điểm của chính phủ trong tất cả mọi vấn đề là việc cần phải được trình bày một cách tường minh hết mức có thể.

Văn hóa tranh luận và việc xây dựng không gian đối thoại văn minh

Nền tảng của văn hóa tranh luận là tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng phẩm chất duy lý của các quan điểm và tránh các lập luận ngụy biện. Chúng ta thấy, nhất là trên mạng xã hội, còn ít những cuộc tranh luận có chất lượng, trong đó mỗi bên đều trình bày ý kiến của mình một cách có cơ sở, có chứng cứ, nếu như không kết thúc bằng sự đồng thuận thì cũng không kết thúc bằng tấn công cá nhân và đổ vỡ mối quan hệ giữa các bên.

Trong những cuộc đối thoại xây dựng và tích cực như vậy, tất cả các bên đều được hưởng lợi. Không chỉ chất lượng xây dựng chính sách được nâng cao khiến toàn dân được hưởng lợi, mà nó còn giúp xây dựng lòng tin, giảm bớt những căng thẳng không đáng có.

Muốn có những cuộc tranh luận như thế thì những người tham gia phải được giáo dục tốt. Thay cho áp đặt những chính sách thiếu căn cứ, chính phủ cần học cách thuyết phục bằng cơ sở nghiên cứu khoa học và lý lẽ. Thay cho a dua, vào hùa, ném đá tập thể, chỉ trích một cách cảm tính, từng người dân cần học cách chọn lọc thông tin, cân nhắc những quan điểm khác nhau, và thể hiện ý kiến của mình một cách có trách nhiệm hết mức có thể. Mỗi người đều cần học và sự học không ngừng giúp người ta hiểu là không có chân lý vĩnh cửu qua mọi thời đại và trong mọi bối cảnh. “Càng có giáo dục người ta càng trở nên khoan dung hơn” (Francisco Mamorlejo), bởi vì chúng ta biết rằng điều hôm nay mình cho là đúng, thì ngày mai có thêm những thông tin mới, sự kiện mới, ta lại thấy nó không còn đúng nữa. Một điều quan trọng rất cần được nhấn mạnh, là không có một con đường duy nhất để đạt được mục tiêu chung. Mỗi người từ chỗ đứng của mình, khả năng của mình đều có thể đóng góp cho lợi ích chung của xã hội, không phải bất cứ ai không cùng đi con đường của chúng ta thì đều là sai, là xấu, là phá hoại. Bất cứ ai, nói hoặc làm bất cứ điều gì, bằng bất cứ cách nào, dù rình rang hay âm thầm, mà có ích cho xã hội, thì đều đáng cho chúng ta trân trọng.

Xây dựng một không gian đối thoại văn minh như thế là trách nhiệm của từng công dân. Chúng ta không nên đặt vấn đề theo lối phải có tự do dân chủ như phương Tây thì mới có một không gian đối thoại như thế, bởi vì chất lượng đối thoại không phải chỉ là vấn đề của thể chế, mà còn là vấn đề của văn hóa và nhất là của giáo dục. Dĩ nhiên nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ cần làm đúng như Hồ chủ tịch đã nói: “Dân chủ là để cho dân được mở miệng”. Tất nhiên là khi ai cũng mở miệng, thì có đúng có sai, có hay có dở, có tốt có xấu. Vấn đề là không cần phải đàn áp những tiếng nói khác biệt, cái đúng, cái tốt khắc sẽ tìm được chỗ đứng, như ông bà ta ngàn xưa đã dạy: “Nói phải củ cải cũng nghe”.

Nhìn lại không gian đối thoại hiện nay và một vài thập kỷ trước, có thể thấy một bước tiến rất rõ. Một mặt là tiến bộ của công nghệ truyền thông đã tạo điều kiện cho mọi người nói lên tiếng nói của mình cho hàng triệu người nghe một cách dễ dàng, mặt khác chính phủ cũng đang từng bước học cách thích ứng với bối cảnh ấy. Tuy thế, từ chỗ được mở miệng, tới chỗ có được một không gian đối thoại văn minh và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, là một khoảng cách lớn mà chỉ có giáo dục mới có thể lấp đầy. Chúng ta đang thấy nỗ lực của một số cá nhân trong và ngoài hệ thống bắt đầu mang lại ít nhiều kết quả ở một số lãnh vực. Trong vấn đề xây dựng không gian văn minh cho đối thoại chính sách, lại càng cần sự đóng góp của nhiều người hơn nữa. Nói cho cùng, bất cứ ai khi mở miệng trong không gian công cộng, đều có thể góp phần xây dựng hay hủy hoại sự lành mạnh của không gian ấy. Nhà trường nên có bộ môn Media Literature (xóa mù truyền thông) không phải chỉ để dạy trẻ cách sử dụng những công cụ kỹ thuật để cất lên tiếng nói mà còn là dạy trẻ cái gì nên và không nên đưa ra trên không gian công cộng, những nguyên tắc cần tôn trọng khi tham gia thảo luận trên các diễn đàn mạng, không để ai dắt mũi mình, cũng không vào hùa với ai, và uốn lưỡi bảy lần trước khi nói (hoặc múa ngón tay bảy lần trước khi gõ phím!!!).

Điều quan trọng nhất là những người được gọi là có học cần nắm lấy vai trò tham gia vào quá trình đối thoại này một cách tích cực và xây dựng, để góp phần định hình không gian đối thoại văn minh ấy. Chúng ta hy vọng là những chính sách hợp lý và hợp lòng dân hơn sẽ ngày càng nhiều thêm tỉ lệ thuận với chất lượng của đối thoại chính sách.