Phạm Thị Ly
(Bài đăng Thời báo KInh tế SG ngày 20.06.2019 dưới tiêu đề “Tự chủ của ĐH công phải khác ĐH tư”)

Hiện nay, trong xu hướng đấu tranh đòi quyền tự chủ của các trường ĐH, có người đặt câu hỏi rồi đây các trường công sẽ phải tự đứng trên đôi chân mình, không còn kinh phí vận hành do ngân sách cấp như trước, thì liệu ĐH công tự chủ của VN có còn là của nhà nước 100%? Nếu nói không thì đó là làm lẫn lộn khái niệm. Cho dù ĐH công dựa vào nguồn thu học phí để vận hành, nó vẫn khác với ĐH tư về bản chất ở ít nhất ba điểm: (1) Nguồn lực công đầu tư ban đầu (đất đai, cơ sở vật chất, v.v.) cho nhà trường; (2) Sở hữu công (không cá nhân nào có thể bán hay bỏ túi mà không phạm luật); (3) Một trong những sứ mạng của trường công là bù đắp cho những khiếm khuyết của thị trường. Do sự khác nhau này, tự chủ của ĐH công không thể giống như các ĐH tư, nơi mà chủ đầu tư được hưởng thành quả hoặc “lãnh đủ” hậu quả từ những quyết định của họ. 

Trường ĐH dù là công hay tư, đều là những tổ chức xã hội có liên đới mật thiết với lợi ích của nhiều bên liên quan, và có vai trò quan trọng đối với việc phát triển quốc gia. Vì thế, cần có bàn tay can thiệp của nhà nước. Vấn đề là, sự can thiệp đó cần dựa trên quan điểm và mục đích như thế nào? Can thiệp vào những vấn đề gì, ở mức độ nào và thông qua cơ chế nào? Sự khác nhau trong việc can thiệp vào các trường ĐH công và tư là gì?

Tự chủ ĐH và vai trò của nhà nước

Trong lúc không ai nghi ngờ gì về tầm quan trọng và vai trò của nhà nước trong việc xây dựng chính sách đối với GD ĐH, thì lại có rất ít đồng thuận trong vấn đề nhà nước nên can thiệp vào hoạt động của các trường trong những vấn đề gì và ở mức độ nào. Đây không chỉ là thực tế của Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều nước. Có thể nói, quá trình phát triển tự chủ ĐH chính là quá trình vận động, dịch chuyển và thay đổi không ngừng mối quan hệ trên thực tế giữa nhà trường, nhà nước và cộng đồng xã hội.

Về nguyên tắc, nhà nước là đại diện của người dân và có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của dân chứ không phải bảo vệ quyền lợi của một nhóm lợi ích cụ thể này với cái giá phải trả của các nhóm khác. Đó là nguyên tắc nền tảng tạo ra tính chính danh của nhà nước.

Trong lĩnh vực GDĐH, nhà nước phải bảo vệ lợi ích chính đáng của người học, vì lợi ích của họ chính là lợi ích của xã hội tương lai. Lợi ích của người học sẽ được đảm bảo tốt nhất trong dài hạn bằng cách cân bằng và hài hòa với lợi ích của các nhóm liên quan khác. Vấn đề tự chủ của các trường ĐH cần được nhìn dưới lăng kính này.

Sự can thiệp của nhà nước ở các trường ĐH công

Có lẽ không cần phải nhắc lại một giai đoạn rất dài trong lịch sử GD ĐH Việt Nam, khi Bộ GD-ĐT và các Bộ/cơ quan chủ quản khác là người quyết định thay cho từng trường nên đào tạo ngành gì, bao nhiêu sinh viên, với kinh phí bằng nào, bao nhiêu giảng viên, trả lương thế nào, ai sẽ là hiệu trưởng, ai được phép đi nước ngoài học, chương trình đào tạo gồm những gì, vân vân và vân vân. Đây là “tài sản thừa kế” của thời bao cấp, khi nhà nước thậm chí quyết định cả nơi làm việc của sinh viên ra trường.

Chuyển sang kinh tế thị trường, rất nhiều thứ trên đây đương nhiên không còn phù hợp. Ngân sách và chính sách đều như chiếc áo quá chật với một cơ thể đang lớn nhanh, dù muốn hay không nhà nước cũng phải tháo gỡ để các trường phát triển nhằm đáp ứng với đòi hỏi của xã hội. Tuy nhiên, một mặt quá trình này vấp phải sức ỳ của các nhóm lợi ích sống nhờ vào cơ chế xin cho, mặt khác đương đầu với đòi hỏi tự do không giới hạn của các trường, thực chất cũng là một nhóm lợi ích đang nắm quyền ở cấp trường.

Vì thế, rất cần phải tránh việc đi từ cực đoan này đến cực đoan khác, ở cả hai cực đoan đó, người học và xã hội không có lợi gì cả.

Đối với các trường ĐH công, cần phải khẳng định sở hữu công đối với các trường này, không để cá nhân nào trục lợi từ tài sản công. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tốt trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để nó trở thành hiệu quả hơn, nhưng rất cần thận trọng với những ý đồ cổ phần hóa trường ĐH công. Có những lý do xác đáng khiến chưa có nước nào dám coi trường ĐH công hoàn toàn như một doanh nghiệp nhà nước và biến nó thành tài sản cá nhân thông qua cổ phần hóa.

Vì thuộc sở hữu công, về nguyên tắc trường ĐH công cần phải tuân theo khung pháp lý của các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, như Luật Đầu tư công chẳng hạn. Tuy nhiên, có những vùng xám khó tìm một ranh giới rạch ròi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện tại. Tuy là một tổ chức nhà nước và sử dụng nguồn lực công về đất đai, cơ sở vật chất hạ tầng, nhưng trong xu hướng đại chúng hóa giáo dục ĐH công sẽ ngày càng phải dựa nhiều hơn vào học phí của người học, và vì thế cũng phải vận hành dưới ảnh hưởng tác động của thị trường. Kinh nghiệm chung của các nước là tách sở hữu ra khỏi quản trị. Đại diện nhà nước có mặt trong hội đồng trường (HĐT) một mặt là để bảo vệ lợi ích công (vốn là trách nhiệm chính của nhà nước), mặt khác là để cân nhắc những vấn đề của nhà trường dưới góc độ của nhà nước.  Nhưng vì chỉ là một thành viên của HĐT, họ không thể, cũng không nhất thiết cần sử dụng tư cách nhà nước để trực tiếp quyết định những vấn đề nội bộ trong việc quản trị nhà trường.

Sự can thiệp của nhà nước đối với các ĐH công trong bối cảnh tự chủ cần thực hiện thông qua một loạt chính sách liên quan, ví dụ như đầu tư cho nghiên cứu. Tuy các chương trình nghiên cứu có thể cấp kinh phí trên nguyên tắc tự do cạnh tranh, nhưng những đầu tư dài hạn, chẳng hạn những phòng thí nghiệm quốc gia thường được đặt ở các ĐH công do tính chất ổn định, bản chất sở hữu công, và do sứ mạng phục vụ lợi ích công của nó. Một vài ví dụ khác là chính sách đối với việc vay vốn, hay quy định về minh bạch thông tin và kiểm toán tài chính của ĐH công. Những chính sách này nhằm bảo đảm những nguồn lực công được đầu tư vào các ĐH công phải phục vụ cho lợi ích công thay vì trở thành phương tiện thu lợi của cá nhân. Đó là những chỗ “tự chủ” của các ĐH công phải được giới hạn so với các ĐH tư vì lợi nhuận.

Sự can thiệp của nhà nước đối với các ĐH tư

ĐH tư trong bối cảnh Việt Nam đang được xem là một doanh nghiệp cổ phần và vì dịch vụ mà nó cung cấp có một ý nghĩa, tính chất đặc thù, cho nên hoạt động của nó phải tuân theo luật chuyên ngành, tức là Luật Giáo dục và Luật GDĐH.

Nhà nước can thiệp vào hoạt động của các ĐH tư chủ yếu thông qua chính sách, nhằm mục tiêu chủ yếu là bảo vệ người học trong một môi trường bất đối xứng thông tin. Các trường ĐH đang “bán” một món hàng mà chất lượng của nó một phần nằm trong tay chính khách hàng. Có nhiều yếu tố tạo nên chất lượng mà không phải người mua nào cũng hiểu rõ. Thêm nữa, kết quả của chất lượng dịch vụ giáo dục thường là không nhìn thấy ngay được, mà cần có thời gian và môi trường để bộc lộ.

Cũng như đối với ĐH công, nhà nước cần thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của các ĐH tư nhằm bảo vệ lợi ích của người học. Nhưng khác với ĐH công, ở các trường tư nhà nước không cần can thiệp vào các quyết định đầu tư, mức học phí và việc chia sẻ lợi nhuận, trừ trường hợp các trường không vì lợi nhuận. Đối với trường tư, nhà nước chỉ cần kiểm soát chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn đã được công bố, thông qua cơ chế kiểm định và các yêu cầu bắt buộc về minh bạch thông tin.

Những phân tích trên đây cho thấy, do bản chất khác nhau, cơ chế tự chủ cho trường công và trường tư cần phải khác nhau. Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, cần cân nhắc những lĩnh vực có thể mở rộng tự chủ để trường công có điều kiện thể nghiệm những nỗ lực đổi mới nhằm thích ứng với môi trường, như cơ chế trả lương và tuyển dụng, việc mở ngành và điều chỉnh chương trình đào tạo, v.v. Nhưng cũng cần thận trọng để tự chủ ở các trường ĐH công không biến thành cơ hội làm giàu cho một nhóm cá nhân nhờ ưu thế dựa trên nguồn lực công.