Phạm Thị Ly (2019)
Bài đăng báo Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 01.03.2019

Gần đây có ý kiến khác nhau đối với vấn đề thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” trước đây dự định áp dụng sau khi ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể.

Cần nhắc lại, đây là một chủ trương đã đi vào Nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trìnhsách giáo khoa giáo dục phổ thông). Ngày 21/11/2017 Quốc hội lại ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 lùi thời hạn thực hiện, nhưng tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) thì không có gì thay đổi.

Trong phiên họp ngày 21/2/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lại chủ trương, quan điểm của trung ương và Quốc hội là có lộ trình thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”.

Tuy nhiên, theo bà Ngân, hiện nay điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước chưa cho phép nên trước mắt vẫn thống nhất chỉ một bộ sách giáo khoa, đến khi nào điều kiện đất nước phát triển đảm bảo các điều kiện cần thiết thì sẽ thực hiện chủ trương nêu trên.

Câu hỏi đặt ra là điều kiện kinh tế xã hội nào sẽ cho phép thực hiện một chương trình nhiều SGK? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần trở lại một vấn đề có tính chất nền tảng hơn: một bộ SGK thì khác với nhiều bộ SGK như thế nào, và quan niệm về SGK và thực tiễn sử dụng SGK ngày nay trên thế giới có gì khác so với cách đây 72 năm khi Cách mạng tháng 8 vừa hoàn thành?

“Mọi con đường đều dẫn tới La Mã”

Đây là một thành ngữ rất phổ biến trên thế giới, ý nói có nhiều con đường để dẫn tới cùng một mục tiêu. Đó chính là cách tiếp cận của chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK”.

Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể vừa ban hành chính là mục tiêu đã xác định, còn SGK được xem như con đường được thiết kế để nhằm đạt được mục tiêu đó. Liệu tập trung sức để làm một con đường duy nhất thật tốt, có phải là lựa chọn tốt hơn so với dàn trải lực lượng để làm nhiều con đường, có thể sẽ chưa thật tốt do phân tán nguồn lực?

Có thể đó là suy nghĩ của những người cho rằng không nên tồn tại nhiều bộ SGK. Tuy nhiên chúng ta chưa có bằng chứng nào để khẳng định là một con đường duy nhất thì tốt hơn nhiều con đường. Trái lại, mọi nghiên cứu khoa học giáo dục hiện đại đều khẳng định xu hướng cá nhân hóa việc học đang là một xu hướng không thể đảo ngược. Tất cả các nhà giáo dục đều hiểu rằng mục tiêu cao nhất của giáo dục là phát triển tiềm năng riêng có của từng cá nhân sao cho hài hòa với lợi ích chung của xã hội. Mỗi học sinh có một tiềm năng khác nhau, được nuôi dạy trong những điều kiện và bối cảnh khác nhau, có đặc điểm thể chất và tâm lý khác nhau, vì thế cần được giáo dục theo những cách cụ thể khác nhau. SGK vì thế chỉ nên là một tài liệu tham khảo, và không thể thay thế vai trò quan trọng của người thầy. Vì lẽ đó, chúng ta nên có nhiều lựa chọn khác nhau. Một con đường duy nhất, một bộ SGK duy nhất, một cách tiếp cận duy nhất áp dụng cho hàng chục triệu học sinh, là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần này.

Vai trò của SGK ngày nay và ngày xưa

Đã có thời, giáo viên nào ở Việt Nam cũng thuộc nằm lòng câu “SGK là pháp lệnh” như một chân lý bất di bất dịch.

Bởi vì SGK là một tập hợp bao gồm các kiến thức, khái niệm cơ bản trong một lĩnh vực chuyên môn được chọn lọc một cách có hệ thống theo những chủ đề nhất định, được tổ chức sắp xếp theo một trình tự phục vụ cho hoạt động dạy và học. SGK là công cụ chủ yếu để hiện thực hóa chương trình và mục tiêu giáo dục. Dựa trên kịch bản sư phạm của SGK, thầy cô giáo tổ chức hoạt động dạy và học để học sinh đạt được mục tiêu cụ thể của môn học, cấp học. SGK tạo ra một chuẩn mực chung cho các bên (thầy cô giáo, các nhà quản lý, học sinh, phụ huynh) để họ biết được mình cần đạt tới điều gì hoặc có thể mong đợi điều gì.  Thêm nữa, SGK còn là một tài liệu có tính chất thẩm quyền, nghĩa là đã được kiểm soát chặt chẽ để phù hợp với ý thức hệ.

SGK vì thế đã và vẫn còn đang đóng một vai trò rất quan trọng trong nhà trường, nhất là đối với những nền giáo dục truyền thống và cách thi cử theo lối truyền thống. Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ và những diễn biến mới trong xu hướng giáo dục trên thế giới đang làm thay đổi vai trò của người dạy, và đồng thời là vai trò của SGK trong nhà trường.

Tuy thực tiễn giáo dục Việt Nam và những điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam còn một khoảng cách xa so với các nước phát triển, Chương trình GDPT Tổng thể đã đặt ra một dấu mốc quan trọng, một bước ngoặt, khi khẳng định tinh thần mới của giáo dục phổ thông là hình thành năng lực cho người học chứ không chỉ là nhồi nhét kiến thức đơn thuần như lối giáo dục truyền thống.

Với tinh thần này, cách tổ chức giáo dục và đánh giá kết quả học tập tất yếu phải thay đổi, theo hướng không còn đặt trọng tâm vào việc kiểm tra xem người học đã nhớ được những kiến thức gì, như chúng ta đã từng làm suốt 70 năm qua. Vai trò của SGK  vì thế không còn quá quan trọng như trước đây.

Tiếp tục nhấn mạnh vào tính chất độc nhất và được kiểm soát chặt chẽ của một bộ SGK duy nhất, chính là tiếp tục lối giáo dục truyền thống đã tồn tại 70 năm qua ở Việt Nam.

Điều kiện nào để thực hiện

Có ý kiến nói rằng vấn đề là ở chỗ SGK tốt hay không tốt, chứ không phải một bộ hay nhiều bộ. Rất đúng! Nhưng trong thời đại ngày nay, thứ tốt với người này lại có thể không tốt với người khác, phù hợp với bối cảnh này lại không phù hợp với bối cảnh khác. Vì thế, chấp nhận về nguyên tắc có thể có nhiều bộ SGK là một bước tiến rất quan trọng về mặt tư duy.

Không có gì bảo đảm là một bộ SGK do một nhóm biên soạn sẽ tốt hơn nhiều bộ SGK do nhiều nhóm biên soạn khác nhau thực hiện.  Có thể trong thực tế, việc cho phép biên soạn nhiều bộ SGK có thể tạo ra lộn xộn lúc ban đầu, nhưng đó là những bước đi không thể tránh để một hệ thống giáo dục trở nên trưởng thành. Nếu một đứa trẻ không được tập đi, suốt ngày bị bồng ẵm, thì nó sẽ vĩnh viễn không biết đi.

Nhà nước không cần đầu tư tiền bạc cho việc biên soạn nhiều bộ SGK. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, việc Bộ GD-ĐT đứng ra thực hiện một bộ SGK cũng là một điều tốt, nhưng nó không nhất thiết phải là bộ SGK duy nhất được phép sử dụng. Điều kiện cần, gần như duy nhất, để thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, chính là tư duy cởi mở của giới lãnh đạo, và nhận thức về việc giáo dục cần phải được cởi trói để kích thích sự phát triển của xã hội và của nền kinh tế.  

Còn điều kiện đủ, là một cơ chế thẩm định và lựa chọn minh bạch đối với SGK nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.

Khi nào thì phù hợp?

Lo ngại của giới lãnh đạo về việc “loạn” SGK là điều có thể hiểu được. Những khó khăn ban đầu khi áp dụng chủ trương này là điều không tránh khỏi, tập trung vào ba vấn đề trọng yếu: chất lượng sách, quy trình thẩm định và lựa chọn.

Chất lượng sách là vấn đề gây quan ngại bởi lực lượng tác giả có đủ trình độ để viết SGK hiện nay còn rất mỏng, bởi vì xưa nay chưa có thị trường cho loại lao động này. Nhưng khó khăn này là điều có thể giải quyết được theo cả hai hướng từ dưới lên và từ trên xuống. Từ dưới lên là động lực tự thân của các nhà xuất bản. Với sự phổ biến của mạng xã hội ngày nay, mọi sơ sót, yếu kém của SGK khó mà giữ kín được. Các nhà xuất bản muốn sách của họ đứng được trên thị trường thì buộc phải đầu tư cho những người viết có trình độ. Người giỏi và có khả năng tự học hỏi ở Việt Nam không phải ít, vấn đề là họ có được sử dụng và tạo điều kiện để làm việc hay không mà thôi. Từ trên xuống là sự hỗ trợ của nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế trong việc huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho giới viết SGK.

Việc thẩm định cũng là điều gây quan ngại. Ngày 22.12.2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về quy trình biên soạn SGK cũng như tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK. Xét về mặt quản lý, quy trình này có thể nói là cực kỳ chặt chẽ. Nhìn vào quy trình đó, có thể nói nội dung của SGK nhìn một cách tổng thể vẫn hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của nhà nước. Các nhóm biên soạn SGK chỉ có thể chọn những con đường khác nhau, chứ không thể ra khỏi mục tiêu của chương trình và sự kiểm soát của nhà nước.

Cũng như việc thẩm định, quy trình lựa chọn sách cũng là những thứ chúng ta chưa trải qua nhiều kinh nghiệm và gây nên e ngại. Có thể e ngại về sự can thiệp của các nhóm lợi ích, về tính minh bạch, về sự cạnh tranh không công bằng, v.v. Dù muốn hay không, thì thực tế hiện nay là bức tranh giáo dục đang ngày càng đa dạng. Sự tham gia của các trường tư với mức học phí không thấp là kết quả của nhu cầu về chất lượng giáo dục ở một bộ phận ngày càng lớn phụ huynh có khả năng chi trả và có đòi hỏi cao. Quyền lựa chọn SGK của họ sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy chất lượng biên soạn sách. Thông tư 33 cũng hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho các trường theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh; quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc lựa chọn, sử dụng SGK, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của người học. Bộ GD-ĐT khẳng định, làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn.

Vì thế, trở lại điều kiện cần và đủ để thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, có thể nói, cả hai điều kiện này đều nằm trong tay giới lãnh đạo. Vì chủ trương này đã là nghị quyết của Quốc hội cách đây 5 năm, nó hoàn toàn không mới ở Việt Nam. Hoãn việc thực hiện có thể coi là một bước lùi đáng tiếc, trong lúc cả thế giới quanh ta đang tiến vùn vụt về phía trước!