G

PHẠM THỊ LY (2019)

(Bài đăng Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 06.01.2019.)

Hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng chúng ta đang sống trong một thời đại đổi thay chóng mặt và có nhiều điều hầu như không thể dự đoán trước. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao và đặc biệt là trí thông minh nhân tạo, nhiều nghề nghiệp đang mất đi, nhiều công việc mới nảy sinh. Những kiến thức và kỹ năng vô cùng cần thiết trong quá khứ giờ đây có thể không còn cần thiết nữa. Trái lại, có những thứ trước đây không phải là quan trọng giờ đây đang trở nên quyết định sự thành bại của mỗi người. Giáo dục vì thế không thể nào lại tiếp tục đi con đường mòn nó đã từng đi qua nhiều thế kỷ. Nhưng nếu không thể lặp lại những lối nghĩ, cách làm truyền thống, thì nó sẽ phải tư duy theo cách nào và đi con đường gì?

Ngày nay, trí thông minh nhân tạo đang làm tốt hơn con người trong rất nhiều lãnh vực. Rôbốt làm thay con người những việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là chuyện “xưa rồi Diễm”. Ngày nay, các thuật toán đang xử lý những công việc cực kỳ phức tạp với tốc độ và sự chuẩn xác mà con người không tài nào sánh kịp. Đã có thí nghiệm chứng minh rằng trí thông minh nhân tạo chẩn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị với độ chính xác ngang với những bác sĩ giỏi nhất thế giới, và với một tốc độ nhanh hơn nhiều lần. Kết quả này cũng tương tự khi thí nghiệm trong ngành luật. Đã có thí nghiệm cho trí thông minh nhân tạo chơi đàn, đánh cờ, sáng tác nhạc, viết bài báo khoa học, v.v., những lĩnh vực xưa giờ là độc quyền của con người. Những thuật toán phân tích dữ liệu lớn đã làm đảo lộn thế giới của chúng ta. Ngày nay, chỉ cần phân tích 70 “like” của chúng ta trên Facebook, trí thông minh nhân tạo có thể hiểu về chúng ta còn chính xác hơn cả chính bản thân chúng ta nữa!

Trong bối cảnh đó, có lẽ câu hỏi quan trọng nhất là cái gì đã khiến chúng ta trở thành con người, đã phân biệt chúng ta với máy móc và muông thú.

Một thế giới bất an, nhiều mâu thuẫn và xung đột

Biến đổi khí hậu, khai thác cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và phá hủy môi trường sống ở mức độ và quy mô chưa từng có đang là mối đe dọa trực tiếp với từng người, từng quốc gia. Không thể nói là tình trạng đó không có liên đới gì với giáo dục.

Nhiều thách thức nghiêm trọng khác đang đặt ra là những thứ chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây: việc thu thập dữ liệu và xử lý nó ở quy mô lớn đã mang lại những cơ hội cho nền kinh tế chia sẻ, khiến con người được hưởng lợi đáng kể, nhưng nó cũng đặt ra những hiểm nguy to lớn về an toàn thông tin và quyền riêng tư của con người. Trong thế giới nối mạng toàn cầu và nối mạng trong mọi lĩnh vực, con người được hưởng những lợi ích chưa từng có nhưng cũng trở nên phụ thuộc và dễ tổn thương hơn bao giờ hết.  

Trên phạm vi toàn cầu, bất bình đẳng cả về mức sống lẫn về cơ hội, đặc biệt là về giáo dục, đang dẫn đến chiến tranh, khủng bố, bạo loạn ở nhiều nước. Khoảng cách giàu nghèo trong từng nước và giữa các nước tiếp tục giãn rộng dẫn đến làn sóng di cư cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.  Vì thế cả nước giàu lẫn nước nghèo, người giàu cũng như người nghèo, không ai là có thể thực sự đứng ngoài tất cả những vấn nạn này.

Thêm vào đó, những vấn nạn này không thể giải quyết ở cấp độ từng cá nhân, thậm chí ở quy mô quốc gia. Nó cần đến một nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Giáo dục có thể đóng vai trò gì và thực hiện vai trò đó bằng cách nào trong một thế giới bất an như vậy?

Những kỹ năng sống còn của tương lai

Tiến bộ công nghệ hiện nay không mang lại lợi ích như nhau cho tất cả mọi người, trái lại có thể đào sâu thêm khoảng cách bất công, bất bình đẳng giữa những người nắm giữ quyền lực, có khả năng tiếp cận nguồn lực và tri thức và những người yếu thế trong xã hội.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong bản báo cáo “Tương lai của Giáo dục và Kỹ năng 2030” vừa công bố năm 2018 đã nêu ra và nhấn mạnh khái niệm “tăng trưởng bao trùm” (inclusive growth), tức là đem lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, không loại trừ ai, không bỏ rơi ai, không chỉ trong tiếp cận nguồn lực vật chất, công việc và thu nhập, mà còn là chất lượng sống, y tế, giáo dục, sự an toàn, môi trường lành mạnh, sự gắn kết trên tinh thần công dân và các mối quan hệ xã hội. Giáo dục có vai trò sống còn trong việc phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị giúp con người đóng góp vào quá trình tăng trưởng bao trùm này để kiến tạo một tương lai bền vững. Tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ đó.

Khi trí thông minh nhân tạo đã tài giỏi hơn con người, làm việc với kết quả tốt hơn, năng suất cao hơn kể cả trong những công việc có tính chất sáng tạo, thì giáo dục cần phải đi xa hơn, vượt lên trên việc chỉ nhằm vào mục đích chuẩn bị cho người học những kỹ năng nghề nghiệp để kiếm một chỗ làm trong thị trường lao động. Giáo dục cần phải dạy cho người học những kỹ năng của thế kỷ 21, trong đó quan trọng nhất là làm việc và hợp tác với những người có quan điểm khác với mình, tìm kiếm nhiều giải pháp cho một vấn đề, và khám phá những cơ hội mới.

Khi thế giới đầy bất an và xung đột, giáo dục cần chuẩn bị cho người học trở thành những công dân tích cực, có trách nhiệm, và gắn bó với nghĩa vụ xã hội. Bản báo cáo nói trên của OECD cũng nêu ra ba loại kỹ năng quan trọng cho thế kỷ tới mà nhà trường phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ hôm nay, đó là tạo ra giá trị mới, điều hòa các căng thẳng và mâu thuẫn, và cuối cùng là làm việc với tinh thần trách nhiệm.

Đổi mới sáng tạo có thể đem lại những giải pháp quan trọng với chi phí chấp nhận được cho những nan đề về kinh tế, xã hội và văn hóa.  Tạo ra giá trị mới đòi hỏi con người tư duy một cách sáng tạo để phát triển những sản phẩm mới, dịch vụ mới, nghề nghiệp mới, phương pháp mới, mô hình mới, cách sống mới. Vì mọi thành tựu ngày nay hầu như đều là kết quả của kiến thức liên ngành, kỹ năng làm việc và hợp tác với người khác đang ngày càng quan trọng hơn. Để có thể làm việc được với những người có nền tảng kiến thức, văn hóa và quan điểm khác với mình, người ta cần có đầu óc rộng mở, khả năng chấp nhận sự khác biệt, kỹ năng học tập không ngừng và thích nghi với những bối cảnh mới.

Trong một thế giới mà sự bất bình đẳng đang đe dọa sự tồn vong của mọi xã hội, khả năng điều hòa những mâu thuẫn và đòi hỏi đa dạng giữa những nhóm có quan điểm và lợi ích khác nhau, giữa bối cảnh địa phương và thực tiễn toàn cầu sẽ trở nên vô cùng quan trọng. Thế giới càng phức tạp thì những lựa chọn theo kiểu hoặc thế này hoặc thế khác, có hay không, trắng hay đen, được hay mất, thắng hay thua, càng trở nên bất cập. Mọi vấn đề hay giải pháp đều hàm chứa cả những khía cạnh được và mất, thắng và thua, đen và trắng, vì thế rất nhiều quyết định phải dựa trên cơ sở chấp nhận đánh đổi. Hiểu về sự tương thuộc và mối quan hệ qua lại giữa những ý tưởng hay logic trái ngược đến mức dường như không thể dung hòa, cân nhắc cả hai quan điểm ngắn hạn và dài hạn, sẽ là đòi hỏi của những năm tháng sắp tới để con người không đi đến chỗ diệt vong. Một cách tiếp cận vấn đề như vậy sẽ đòi hỏi chúng ta phải tư duy một cách có hệ thống, tức là nhìn mọi việc trong bức tranh tổng thể của nó và hiểu được tác động qua lại của những yếu tố đang chi phối nó. Lối tư duy này là điều kiện tiên quyết cho khả năng điều hòa những căng thẳng và mâu thuẫn, cân bằng những đòi hỏi trái ngược và tạo ra sự phát triển bền vững. Nền giáo dục theo lối áp đặt, giáo huấn một chiều và nhào nặn con người theo một lối nghĩ sẽ khó lòng tạo ra được cách tư duy ấy.

Cuối cùng là khả năng chịu trách nhiệm. Xã hội càng phức tạp thì càng khó vận hành chỉ với các quy định của pháp luật, vì không thể quy định hết được những gì mỗi cá nhân được phép làm hay không được phép làm. Vì thế đòi hỏi đối với khả năng tự điều chỉnh của mỗi cá nhân sẽ ngày càng cao hơn trong tương lai. Giáo dục cần phải chuẩn bị cho người học tinh thần trách nhiệm, theo nghĩa có khả năng cân nhắc trước hậu quả của mỗi việc mình làm đối với người khác, có thể dự đoán trước rủi ro hay lợi ích mà hành động đó mang lại cho xã hội chứ không chỉ cho bản thân mình, và hành động phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Đàng sau cách xử sự có trách nhiệm với xã hội là nhận thức sâu sắc về sự gắn bó giữa lợi ích và sự an toàn của cá nhân mình với lợi ích và sự an toàn của xã hội.  Sự trưởng thành về mặt đạo đức, trí tuệ và cảm xúc đòi hỏi chúng ta tự vấn mọi hành động của mình dưới lăng kính của các chuẩn mực xã hội, các giá trị, ý nghĩa và giới hạn. Chính đó là những thứ đã khiến chúng ta trở thành người và phân biệt chúng ta với máy móc hay trí thông minh nhân tạo. Nó là tiền đề để mỗi cá nhân đạt được năng lực tự điều chỉnh, tự kiểm soát và thích nghi. Nó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong một thế giới mà mức độ tương thuộc ngày càng cao và khả năng tàn phá của con người có thể ra ngoài sức tưởng tượng,

Và bối cảnh của Việt Nam

Việt Nam có mức độ hội nhập toàn cầu khá sâu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế. Tình cảnh giáo dục lạc hậu hơn nhiều so với sự phát triển kinh tế là tình trạng phổ biến mà nhiều nước cũng đang phải đương đầu, nhưng điều này dường như đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam.

Điều này cũng dễ hiểu, vì giáo dục Việt Nam đã hình thành và phát triển trong nền kinh tế kế hoạch tập trung và với tư duy toàn trị trong thời gian quá dài, không thể thay đổi ngày một ngày hai. Tuy nhiên, một thực tế gây ấn tượng mạnh mẽ cho các nhà quan sát quốc tế khi nhìn Việt Nam từ bên ngoài, là khả năng chuyển động mạnh mẽ của cả xã hội. Cả xã hội, khu vực công lẫn khu vực tư, ở cấp hệ thống, cấp trường, trong gia đình và mỗi cá nhân, cả những người làm chính sách, giới kinh doanh, dân thường, tất cả đều đang chuyển động, đang thay đổi, thử và sai, không ngừng điều chỉnh và tự điều chỉnh với một sức sống mạnh mẽ.

Không khó để thấy rằng giữa những gì giáo dục Việt Nam hiện nay đang làm với những gì nó đáng lẽ phải làm có một khoảng cách rất xa. Khoảng cách đó có thể là cơ hội cho những người nhạy bén và năng động nhưng nó cũng đồng thời cho thấy vai trò của tự học, tự giáo dục quan trọng như thế nào. Tương lai sẽ thuộc về những người hiểu rõ thế kỷ 21 cần gì ở chúng ta và bằng cách nào chúng ta có được những phẩm chất đó.