Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Tuổi Trẻ Cuối tuần 27.12.2018)

Hai cơn “tai biến” nghiêm trọng nhất trong ngành giáo dục năm 2018 có thể gọi tên: 231 cái tát và tiêu cực thi cử quy mô lớn ở Hà Giang. Nói đúng hơn, hai sự kiện này không chỉ nổi bật mà còn có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó làm sáng tỏ nhiều vấn đề có ý nghĩa cốt lõi cần được thảo luận để giáo dục có thể đi tới.

Bạo lực và nhục hình học đường

Bạo lực và nhục hình học đường không phải là vấn đề gì mới. Cô bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau, cô không nói lời nào ba tháng liền, phụ huynh xông vào lớp bắt cô giáo quỳ, v.v. những thông tin như thế đã trở thành không có gì lạ nữa. Thế nhưng vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn cùng lớp 230 cái để trừng phạt, và phải tát thật mạnh, rồi chính cô còn thực hiện cái tát “ân huệ” cuối cùng, vẫn gây chấn động nhân tâm và cần được nhận thức đầy đủ.

Vì sao vậy? Không phải chỉ vì mức độ tàn nhẫn trong bạo hành thể xác, mà vì cách thức cô giáo chọn hình phạt. Việc dùng quyền lực để bắt buộc 23 em học sinh thực thi bạo lực là một cách thức trái ngược đến cực điểm với tất cả mọi mục tiêu giáo dục cơ bản. Cô trừng phạt bằng cái tát, là cô đã dạy học sinh bạo lực là cách duy nhất hoặc tốt nhất để giải quyết vấn đề. Cô bắt học sinh phải tát thật mạnh, nghĩa là cô không dung dưỡng cho bất kỳ chút lòng nhân từ nào còn sót lại trong tâm hồn trẻ thơ. Cô ra luật lệ nếu tát nhẹ thì sẽ bị tát lại, nghĩa là cô đã dạy cho học trò nguyên lý phải tàn nhẫn để sinh tồn. Không một em nào phản ứng lại, nghĩa là các em đã học được bài học khuất phục trước quyền lực, bất kể thiện ác, phải trái đúng sai.

Điều đáng sợ hơn, là cô giáo không nhận thức được những điều này. Khi cả mạng xã hội sôi sùng sục lên vì tức giận, thì cô bị sốc. Cô sốc bởi vì trong tâm trí cô, những điều này là hoàn toàn bình thường. Cô không thấy sai, vì từ bé cô đã nghe “thương cho roi cho vọt”, vì chung quanh cô, tàn nhẫn để sinh tồn và khuất phục trước quyền lực không phải cái gì lạ lùng, vì “quan hiếp dân, bần hiếp vợ”, kẻ bề trên ức hiếp những người yếu thế hơn là lẽ đương nhiên. Cô không thấy sai, vì lãnh đạo trường cô cho trừng phạt như thế để đạt thành tích “trường chuẩn quốc gia” là chuyện bình thường. Khi bị phê phán, cô hiệu trưởng chỉ nghĩ đến việc che giấu công luận và bao biện bằng cách điều tra học sinh, một biện pháp vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. Cô hiệu trưởng không nghĩ đến nạn nhân, đến hậu quả, đến nguyên nhân gây ra sự việc, và càng không nghĩ đến việc thay đổi hiện trạng đó.

Điều đáng sợ hơn nữa, là sau khi sự việc xảy ra, một số bạn trẻ được học hành bài bản ở các nước muốn hỗ trợ nhà trường bằng các lớp tập huấn hoàn toàn miễn phí cho giáo viên về Phương pháp Kỷ luật Tích cực, hoặc bằng tham vấn tâm lý cho các em bị bạo hành, nhưng đều bị Sở Giáo dục và UBND tỉnh từ chối. Có lẽ vì họ sợ. Những lớp như vậy không có trong chương trình, trong chỉ đạo của Bộ, của cấp trên. Lỡ bị khiển trách, họ lo cái ghế của mình lung lay. Cái sợ này quan trọng hơn nhiều so với số phận của hàng ngàn, hàng triệu học sinh mà họ phải “quản lý”, so với tương lai của giáo dục và của đất nước.

Trách móc, chỉ trích, trừng phạt cô giáo hay hiệu trưởng, hay lãnh đạo ngành là việc quá dễ dàng, nhưng liệu có bảo đảm những vụ việc tương tự sẽ không tái diễn? Ngay sau vụ 231 cái tát ở Quảng Bình, khi xã hội còn chưa hết bàng hoàng, thì tiếp theo là 50 cái tát ở Hà Nội, là cô giáo đánh bầm người một trẻ khuyết tật lớp một ở Long An, là thầy giáo đánh trẻ lớp một nhập viện ở Đắk Lắk.  Những vụ việc như thế nếu chỉ phơi bày, nếu chỉ “chỉ đạo xử lý nghiêm”, nếu chỉ phê phán, nguyền rủa, chửi bới, mà không động chạm đến nguyên nhân, thì dẹp xong vụ này sẽ nảy ra vụ khác, vụ sau tàn nhẫn hơn, che giấu khéo léo hơn vụ trước. Những kẻ có bản chất độc ác côn đồ vẫn có thể mặc áo thầy cô giáo. Những người phạm lỗi do thiếu hiểu biết, do nóng giận không kềm chế, do những ẩn ức bị đè nén sẽ vẫn không được hỗ trợ để thoát ra. Những thầy cô có lương tri đang sống chật vật với nghề và thật sự yêu nghề sẽ càng thêm nản lòng vì những nỗ lực của họ không được nhìn nhận và đánh giá đúng. Bởi vì không có cách giải quyết ở tầm mức hệ thống, cho nên xã hội tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề ở tầm mức cá nhân: cho con học trường tư, trường quốc tế, hoặc thậm chí bỏ nước ra đi chỉ để con cái được hưởng một nền giáo dục bình thường ở nước người.

Vì thế, khi bạo lực học đường đã không còn là chuyện cá biệt, cần phải xâu chuỗi những hiện tượng này lại, đặt nó trong bối cảnh của những thiết chế xã hội đã điều chỉnh cách vận hành của nhà trường, của những chuẩn mực và giá trị đang chi phối mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, để tìm ra mối liên quan và nguyên nhân đích thực của nó.

Lý giải hiện tượng này, tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tác giả sách Dạy con trong hoang mang cho rằng bên cạnh ảnh hưởng bởi văn hóa “thương cho roi cho vọt” của người Việt, thì tâm trạng bất an, sợ hãi có vai trò không nhỏ: học sinh sợ giáo viên, giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ lãnh đạo cấp trên, lãnh đạo cấp trên sợ mất thành tích, bởi mất thành tích có thể dẫn đến mất chức.

Bất an và sợ hãi nuôi dưỡng sự tức giận và bạo hành, ức hiếp những kẻ yếu thế hơn chỉ là biện pháp trút xả những ẩn ức bị đè nén.  Có người biện bạch cho bạo hành thể xác trong nhà trường bằng cách nói rằng thời xưa nhiều người bị đánh đòn, lớn lên vẫn biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô về những trận đòn giúp họ biết cái gì là đúng là sai và trở thành người. Vấn đề là có một sự khác biệt về chất giữa những trừng phạt có mục đích giáo dục với những trừng phạt độc ác thực chất là trút xả ẩn ức. Nhưng từ đâu mà những ẩn ức ấy trở thành phổ biến, từ đâu mà ai cũng thấy bất an, ai cũng phải sợ hãi?

Thực ra con người ở đâu và thời nào cũng có những nỗi bất an và sợ hãi. Ai mà không sợ đói nghèo, thất nghiệp, bệnh tật, cô đơn, bị bỏ rơi, bị ghét bỏ, bị khinh thường? Có lẽ khác nhau chỉ ở mức độ và ở cách mà con người nhận thức về nó, bộc lộ nó, hay xử lý nó, vượt qua nó. Cái chân phanh giúp người ta kiềm chế những hành động bộc phát gây tổn thương cho người khác chính là những chuẩn mực giá trị trong xã hội và được chuyển hóa thành giá trị bên trong của mỗi người. Những giá trị đó chính là cái đã thúc đẩy chúng ta hành động như thế này mà không phải như thế khác. Nó là điểm tựa để người ta vịn vào đứng dậy khi vấp ngã, khi hoang mang.

Chúng ta đang sống trong một bối cảnh mà mọi chuẩn mực đều đang bị thách thức, mọi giá trị đều đang bị đảo lộn, mọi niềm tin đều có thể đổ vỡ. Giáo dục là nơi đặc biệt nhạy cảm với những điều này. Những bất thường mà ta thấy có thể chỉ là cơn sốt ngoài da biểu hiện một nguyên nhân sâu hơn, chính là nhận thức sai lầm về sứ mệnh của giáo dục. Giáo dục không phải chỉ nhằm để tạo ra những công nhân lành nghề, những kỹ sư, bác sĩ, luật sư trình độ cao, những nhà khoa học. Trước khi trở thành công nhân, kỹ sư, nhà khoa học, họ phải được học làm người. Chúng ta vẫn thường nói như vậy, nhưng chưa bao giờ nói rõ thế nào là “làm người”. Làm người, trước hết phải là biết đúng biết sai. Nếu không bắt đầu từ việc xác quyết lại về sứ mệnh của giáo dục trên cơ sở xây dựng niềm tin vào công lý, vào nhiệm vụ bảo vệ lẽ phải và vun trồng cái thiện của giáo dục, thì tất cả mọi giải pháp đều sẽ chỉ là chắp vá.

Tiêu cực thi cử ở Hà Giang

Cũng như bạo lực học đường, tiêu cực thi cử không phải là chuyện mới mẻ gì ở Việt Nam, nhưng quy mô và mức độ như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong năm 2018 thì có lẽ là vượt xa mọi thời đại. Tăng chi phí và bất bình đẳng, giảm chất lượng giáo dục, xói mòn các tiêu chuẩn đạo đức, những tác hại đó ai cũng biết. Khi những em chỉ hai điểm cũng có thể vào được những đại học danh giá, tiếp tục hối lộ để ra trường với tấm bằng danh giá, rồi lại leo lên cao, ngồi vào những vị trí quyết định số phận người khác, người ta còn biết tin vào cái gì nữa?

Bản thân tiêu cực thi cử đã là một nghịch lý thách thức cả xã hội. Điểm lại quy trình và thủ tục thi, sẽ thấy tầng tầng lớp lớp các rào cản được đặt ra để phòng ngừa tiêu cực. Nó cho thấy Bộ không tin Sở, Sở không tin trường, trường không tin giáo viên, không tin người chấm thi, không tin người vào điểm, người coi thi thì không tin thí sinh. Toàn bộ kỳ thi đã được tổ chức trên cơ sở bất cứ ai, bất cứ khâu nào cũng có thể xảy ra tiêu cực và cần có quy trình chặt chẽ để ngăn chặn, phòng ngừa. Thế mà con voi vẫn chui lọt lỗ kim!

Tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm toàn bộ việc thi cử trong thực tế trở thành méo mó nếu không nói là mất hết ý nghĩa tốt đẹp của nó. Không phải chỉ ở những địa phương có bằng chứng về tiêu cực thi cử, mà là ở quy mô rộng hơn toàn xã hội, ở đâu và với ai người ta cũng có thể đặt câu hỏi: bằng là thật, nhưng biết đâu học là giả? Trong tình trạng thật giả tốt xấu hay dở lẫn lộn như thế, ai còn muốn học hành đàng hoàng nghiêm túc nữa?

Nói cho cùng, bằng giả có đất dụng võ, là vì trong xã hội, người kém năng lực chuyên môn nhưng giỏi chạy chọt, nịnh bợ, mua chuộc vẫn có chỗ tiến thân. Nếu bằng giả chỉ dùng để ngắm, nếu như không có năng lực thì dăm bữa nửa tháng là bị tống cổ, liệu có còn ai mua điểm, chạy bằng? Nếu không ai mua, làm sao có người bán?

Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã cho thấy rằng tiêu cực thi cử không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật, vì thế mọi giải pháp kỹ thuật đều sẽ không giải quyết được vấn đề. Nó còn là vấn đề của động cơ, của các nhóm lợi ích, của tình trạng loạn chuẩn mực trong xã hội. Cải cách khảo thí là vấn đề không khó, xét về mặt kỹ thuật. Khó hơn nhiều là thay đổi cái gốc tạo ra tình trạng này.

Những nỗ lực cần sự hỗ trợ

Nói về bạo lực học đường và tiêu cực thi cử như những hiện tượng nổi bật của giáo dục năm 2018 không có nghĩa là chúng ta không nhìn thấy những nỗ lực đổi mới của Bộ GD-ĐT, của các trường, và đặc biệt là những cố gắng hàng ngày của hàng triệu thầy cô giáo.

Mạng xã hội đang là một không gian phơi bày những chuyện xưa kia không nhiều người biết đến. Nó tạo ra một áp lực đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải lắng nghe. Bộ GD-ĐT là một trong những cơ quan nhà nước có phản ứng nhanh trước những vụ việc nóng bỏng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phần lớn những phản ứng đó mới chỉ nhằm vào những chuyện đang xảy ra, mà chưa chú ý tới gốc rễ của vấn đề để có những giải pháp hay hướng giải quyết triệt để.

Tuyển sinh đại học là lĩnh vực nhiều xáo trộn và hứng chịu nhiều phê phán nhất của xã hội, có lẽ một phần vì nó chạm đến từng nhà, lại là nơi chằng chịt các nhóm lợi ích đan xen. Nhưng nhìn vào cả một quá trình dài trong phát triển chính sách, cũng phải thấy là Bộ đã tiến một bước dài từ chỗ quyết định thay cho các trường bằng ba chung (chung ngày, chung đề, chung kết quả) đến chỗ giao toàn quyền tự chủ cho các trường như hiện nay. Tuy kỳ thi hai trong một còn nhiều bất cập, nhưng về nguyên tắc các trường không bị bắt buộc phải dùng điểm thi tốt nghiệp làm cơ sở duy nhất hay chủ yếu để xét tuyển. Chính sách đối với tự chủ ĐH cũng đã tiến một bước dài so với trước đây. Nhờ được chủ động nhiều hơn, các trường đã có động lực cạnh tranh và giành uy tín trên trường quốc tế qua đầu tư cho nghiên cứu khoa học và tăng số lượng bài báo quốc tế, cũng như qua tham gia kiểm định và xếp hạng toàn cầu.

Tuy những nỗ lực của Bộ và của các trường đã đạt được một số thành quả nhất định, nhưng những thành quả ấy chưa đáp ứng được kỳ vọng của các bên. Trước mọi vấn nạn của giáo dục, người dân có xu hướng lập tức quy kết lỗi cho Bộ Trưởng. Tất nhiên Bộ Trưởng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi vấn đề của giáo dục, mặc dù có nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu không phải do chính sách của nhiệm kỳ này gây ra. Nhưng quy kết lỗi cho Bộ Trưởng thì cũng không vì thế mà vấn đề được giải quyết. Bởi lẽ có những vấn đề thực sự nằm ngoài tầm tay Bộ Trưởng. Một ví dụ là việc phân cấp quản lý hiện nay. Không phải Bộ hay Sở, mà là chính quyền địa phương cấp quận/huyện mới là người quyết định nhân sự và ngân sách ở các trường phổ thông. Ngành giáo dục chiếm 20% ngân sách của nhà nước, nhưng Bộ chỉ quản lý 5% trong đó, còn lại là các địa phương và các Bộ ngành khác. Quản lý chuyên môn mà không gắn với nhân sự và tài chính, Bộ có muốn tạo ra thay đổi bằng những giải pháp quyết liệt cũng rất khó khăn.

Như vậy để thấy, muốn “đổi mới căn bản toàn diện” đối với giáo dục, thì cần nhấn mạnh rằng đổi mới căn bản trước hết phải được hiểu là thay đổi cách nhận thức về giáo dục, còn đổi mới toàn diện có nghĩa là thực hiện thay đổi một cách có hệ thống, chứ không phải là đuổi theo từng vụ việc để xử lý hậu quả. Một mình Bộ GD-ĐT không thể tạo ra đổi mới căn bản toàn diện trong giáo dục. Ngay cả ý chí chính trị cao nhất của giới cầm quyền cũng không thể tự nó tạo ra đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục. Đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục chỉ có thể thành hiện thực với sự đóng góp của tất cả các bên, đặc biệt là phụ huynh học sinh, không chỉ là nguồn lực vật chất, mà là trí tuệ, lòng can đảm, sự kiên trì và niềm tin vào sức mạnh của giáo dục đích thực.