Ghi nhận từ ĐỐI THOẠI GIÁO DỤC TOÀN CẦU: “Kết nối châu Á- Chuẩn bị cho một nền Giáo dục Đại học đáp ứng yêu cầu của thế kỷ 21” do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục –Đào tạo Việt NamTrường Đại học Aston (UK) tổ chức ngày 26-27/11/2013 tại TPHCM, Việt Nam
 Phạm Thị Ly (2013)

Trường đại học (ĐH) là nơi được xã hội kỳ vọng trở thành một trung tâm trí tuệ của xã hội, nơi tạo ra kiến thức, bảo tồn và chuyển giao những kiến thức ấy cũng như các giá trị xã hội khác qua nhiều thế hệ để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Sứ mạng này khiến trường ĐH, giới lãnh đạo ĐH và nghiên cứu về GDĐH phải đi đầu trong việc nhận thức về những đổi thay của thế giới nhằm chủ động xây dựng tầm nhìn và đáp ứng tích cực với những đổi thay ấy.  ĐỐI THOẠI GIÁO DỤC TOÀN CẦU là một diễn đàn chính sách ở các nước Đông Á do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục –Đào tạo Việt Nam và Trường Đại học Aston (UK) tổ chức ngày 26-27/11/2013 tại TPHCM, Việt nam, nhằm thảo luận về những vấn đề đang tác động đến GDĐH ở Đông Á, cũng như ở Anh (United Kingdom-UK), và phương cách đáp ứng với những thách thức ấy trong bối cảnh của từng nước. Chủ đề của cuộc đối thoại tổ chức tại Việt nam lần này là “Kết nối châu Á- Chuẩn bị cho một nền Giáo dục Đại học đáp ứng yêu cầu của thế kỷ 21”. Bài viết này ghi nhận một số vấn đề trọng tâm đã được nêu ra và thảo luận tại hội thảo này, cùng với nhận định và bình luận của người viết.

Trường ĐH trong thế kỷ 21

Một chủ đề trọng tâm của hội thảo là bức tranh hiện tại của trường ĐH trong một thế giới đang thay đổi, cũng như hình dung về tương lai của nó. Toàn cầu hóa và quốc tế hóa về mọi mặt là một xu thế chắc chắn không thể cưỡng lại. Ngày càng nhiều sinh viên đi học ở nước ngoài. Ngày càng nhiều trường ĐH mở ra cơ sở mới ở nước ngoài hoặc liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu với các trường ngoài nước. Cuộc cạnh tranh tài năng để giành những sinh viên nhiều triển vọng nhất và những giảng viên, những nhà khoa học xuất sắc nhất đang diễn ra không chỉ trong từng nước mà ở phạm vi toàn cầu. Bên ngoài cánh cửa trường ĐH, thị trường lao động cũng đang là thị trường toàn cầu. Các trường ĐH đứng trước thách thức phải chuẩn bị cho SV của mình trở thành những công dân toàn cầu. Steve Cannon (University of Hong Kong) cho rằng các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu cho thấy rõ một điều: những trường ĐH tốt nhất của thế kỷ 19 là những trường được định hình bởi chủ nghĩa quốc gia, còn những trường tốt nhất ngày nay đang được định hình bởi chủ nghĩa toàn cầu. Có một mối liên hệ rõ ràng giữa mức độ quốc tế hóa và đẳng cấp trên bảng xếp hạng: Hoa Kỳ được xem là thống trị trong danh sách các trường hàng đầu thế giới, đã và đang đào tạo số nghiên cứu sinh người nước ngoài nhiều hơn toàn bộ các nước OECD cộng lại, và 66% số này ở lại làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, chỉ 2% giảng viên Pháp là người được sinh ra ở nước ngoài. Chỉ 7% giảng viên ĐH Mỹ đang giảng dạy tại trường mà họ đã được đào tạo, trong lúc con số này ở Pháp là 50% và ở Tây Ban Nha là 95%. Chỉ hai trường ĐH của Pháp có trong danh sách xếp hạng của QS, 8 trường trong danh sách THES, và Tây Ban Nha thì không có trường nào ở cả hai bảng xếp hạng, trong khi Hoa Kỳ chiếm 54 trường trong danh sách 200 của QS và 83 trường trong danh sách 200 của THES.

Sam Jones (University of Alliance, UK) nhận định rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đối mặt với những thay đổi vô cùng lớn lao và rất nhiều điều không chắc chắn, không thể biết trước. Những thứ khó mà tiên liệu ấy đến từ sự thay đổi trong cách làm việc của chúng ta, cách mà chúng ta tạo ra, chia sẻ và thu nhận tri thức, cách chúng ta chuyển giao các giá trị, cũng như cách mà chúng ta nối kết với người khác trên phạm vi toàn cầu. Ông đưa ra năm động lực chính đang tạo ra những thay đổi đó, và những thảo luận tại hội thảo đã bổ sung thêm, làm rõ hơn, nêu ra cụ thể hơn những động lực đó trong bối cảnh của từng nước. Đó là:

(1)  Động lực xã hội, bao gồm sự thay đổi trong bản đồ nhân khẩu học, sự thay đổi nhận thức về các giá trị, hoạt động của các mạng xã hội;

(2)  Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ, đặc biệt trong công nghệ truyền thông đã làm nảy sinh những vấn đề trực tiếp tác động đến các trường, như quyền sở hữu thông tin, hoặc những mâu thuẫn giữa cá nhân hóa nguồn thông tin và tính chất đại chúng của thông tin, hay những “kết nối ảo” qua không gian mạng đang ngày càng phổ biến. Công nghệ truyền thông cũng làm thay đổi một cách cơ bản cách dạy và học, khiến nhà trường không còn là nguồn duy nhất cung cấp kiến thức và thông tin, khiến vai trò của người thầy trong những xã hội truyền thống ở châu Á bị thách thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết;

(3)  Động lực kinh tế, tức nhu cầu về lao động có kỹ năng, về việc đáp ứng những đòi hỏi của địa phương và của toàn cầu;

(4)  Động lực môi trường: Không gian vật lý và những nguồn lực vật chất khác đang ngày càng khan hiếm, thúc đẩy các trường tìm ra những hình thức tồn tại mới, những cách thức mới để thực hiện các sứ mạng truyền thống của mình.

(5)  Động lực chính trị: GDĐH được tài trợ bằng tiền ngân sách, tức tiền thuế của người dân. Áp lực phải giải trình trước công chúng về hiệu quả đầu tư cho GDĐH đang đặt ra cho mọi chính phủ, cùng với nhiều câu hỏi phải trả lời đối với các nhà làm chính sách: nên đóng cửa, hay nên mở thị trường giáo dục cho các đối tác nước ngoài?

Cùng chia sẻ quan điểm về những đổi thay mạnh mẽ đang định hình lại GDĐH trên thế giới, Saad Rizvi và các đồng tác giả (Viện Nghiên cứu Chính sách công, UK) cho thấy trường ĐH ngày nay đang vận hành trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với thế kỷ 20: ngày nay, không chỉ các trường ĐH, mà các think tank, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các doanh nghiệp, tập đoàn cũng đang làm nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của họ có ý nghĩa rất đáng kể. Không chỉ các trường ĐH, mà nhiều tổ chức đào tạo khác cũng cấp bằng. Giá trị của tấm bằng ĐH ngày nay cũng ngày càng xuống cấp. Nếu như trước đây, bằng ĐH là bảo đảm cho một công việc tốt trong tương lai, thì ngày nay, hàng trăm ngàn người có bằng thạc sĩ đã và sẽ tiếp tục thất nghiệp. Trong lúc đó, học phí ĐH tăng rất nhanh: Ở Mỹ, từ 2000 đến 2010, chi phí cho việc học ở các trường công đã tăng 42% và ở các trường tư phi lợi nhuận đã tăng 31% sau khi trừ lạm phát. Các nước khác cũng ở trong xu hướng đó.

Trước những thay đổi đó, Bill Rammel (University of Bedforshire, UK) nhấn mạnh rằng các trường ĐH không thể thành công nếu vẫn tiếp tục suy nghĩ và hành động theo lối cũ, đặc biệt là trong việc quản trị trường ĐH. Một mặt, các trường ĐH đang bị thôi thúc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả và khả năng đáp ứng, mặt khác họ phải duy trì những giá trị nền tảng, sứ mạng phục vụ lợi ích công và những đặc điểm khiến họ trở thành khác biệt so với các tổ chức khác trong cả khu vực công và khu vực tư. Cân bằng giữa hai cực ấy quả là điều không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực công cho GDĐH đang giảm sút nghiêm trọng hầu như ở tất cả các nước.

Bối cảnh trên đây đã tạo ra nhiều thách thức lớn lao cho các nước và các trường. Một số điểm cốt yếu đã được nêu ra từ quan điểm và nhận định của mỗi nước, có thể nêu ra như sau.

Những thách thức mà hệ thống GDĐH các nước đang đối mặt

 Đối với các nước đang phát triển ở Đông Á, một vấn đề cấp bách là hoàn thiện khung pháp lý. Myanmar đang soạn thảo Luật Giáo dục, một văn bản pháp lý mà trước nay họ chưa bao giờ có. Mya Do, Thư ký Hội đồng Phát triển Giáo dục, Quốc hội Myanmar cho biết, Myanmar đang trải qua những đổi thay sâu sắc về mặt chính trị, và GDĐH đang nỗ lực để đáp ứng những đòi hỏi ấy. Sengdeuane Lachanthaboune (Thứ trưởng, Bộ GD và Thể thao CHND Lào) nhấn mạnh nhu cầu hoàn thiện các văn bản pháp lý và truyền thông xã hội để tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận của công chúng về cải cách GDĐH. Trần Anh Tuấn (Bộ GD-ĐT Việt nam) cũng nêu lên nhu cầu bức bách soạn thảo các nghị định, thông tư nhằm thi hành Luật GDĐH ở Việt Nam.

Chất lượng giáo dục là mối quan ngại lớn. Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam, Lào đều chia sẻ thực tế này, khi tấm bằng không phản ánh điều gì thực sự có ý nghĩa về phẩm chất và năng lực của người cầm tấm bằng ấy, lại càng không bảo đảm một triển vọng việc làm chắc chắn cho họ. Với Myanmar, khó khăn mà họ phải đương đầu, là có quá nhiều việc phải bắt đầu, chẳng hạn những khái niệm như bảo đảm chất lượng hay kiểm định ĐH vẫn là những thứ mới mẻ, nhưng áp lực của nhà nước đòi hỏi phải có ngay những kết quả nhìn thấy được, quả thật là rất khó đáp ứng.

Một vấn đề khác là quản lý GDĐH ở tầm hệ thống. Phonephet Boupha (Bộ Giáo dục và Thể thao, CHND Lào) cho biết, vấn đề của Lào là xu hướng có quá ít sinh viên vào các trường nghề, thay vào đó, hầu hết cố vào cho được các trường ĐH. Khu vực GDĐH tư đang tăng nhanh (chiếm 24% tổng số sinh viên, tuy nhiên, họ chiếm tới 36% các chương trình đào tạo thạc sĩ). Chỉ khoảng 1/7 sinh viên học các ngành khoa học công nghệ, còn lại là kinh tế và quản trị kinh doanh. Chiến lược cải cách quốc gia của Lào (2006-2015) do vậy nhấn mạnh vào việc cải thiện việc quản lý hệ thống cũng như quản lý của cấp trường. Lào có xu hướng giao chỉ tiêu đào tạo cho từng ngành để chủ động đáp ứng nguồn nhân lực cho kế hoạch phát triển quốc gia, tài trợ cho những ngành đang có ít người học đồng thời hạn chế tuyển sinh những ngành thời thượng đang có quá nhiều người học. Giai đoạn 2 của Chiến lược (2010-2015) tập trung vào đào tạo nghề và cải cách việc đào tạo sư phạm. Mai Hà (Bộ Khoa học Công nghệ, Việt Nam) trình bày Chiến lược Khoa học Công nghệ của Việt Nam với những mục tiêu đầy tham vọng. Đạt được những mục tiêu ấy hiển nhiên là một thách thức to lớn với tất cả các trường.

Không chỉ các nước đang phát triển hoặc có nền kinh tế mới nổi đang phải đương đầu với nhiều thách thức, mà chính các nước phát triển cũng đứng trước những thách thức chưa từng có trước đây. Cuộc cạnh tranh giành tài năng, giành thứ hạng, giành nguồn tài trợ ngày nay khốc liệt hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là, liệu trường ĐH có thực sự chuẩn bị tốt cho cuộc đời sự nghiệp và tư cách công dân của mỗi người trong thế kỷ 21 hay không, hoặc nói cách khác, liệu trường ĐH có tiếp tục được xem là một giá trị đáng ước ao (như trước đây đã từng) hay không, khi mà chi phí cho việc học ĐH đang là một gánh nặng ngày càng tăng trong thập kỷ qua, và tỉ lệ thanh niên tốt nghiệp ĐH đang thất nghiệp cũng đang tăng trên khắp thế giới.

Một điểm rất cần lưu ý, là vai trò của nhà nước đang thay đổi. Trước đây, nhà nước là người cung cấp nguồn tài trợ gần như vô điều kiện cho các trường hoạt động. Tùy theo bối cảnh của từng nước mà quan hệ giữa nhà nước và nhà trường có mức độ kiểm soát khác nhau, nhưng nhìn chung việc tạo ra các hành lang pháp lý và đánh giá kết quả vẫn là vai trò phổ biến của nhà nước. Ngày nay vai trò đó đang thay đổi: các trường đang trở thành người cung cấp một dịch vụ cho nhà nước và được cấp tiền trên cơ sở những gì mình thực hiện theo đặt hàng. Cấp kinh phí dựa trên cam kết về kết quả đang trở thành mô hình phổ biến. Nhà nước đang xem GDĐH như một phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu sau cùng là sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội và sự thịnh vượng của quốc gia. Bởi vậy, đối với cả hai khu vực công và tư trong GDĐH, câu hỏi về tính thiết yếu của trường ĐH, và câu hỏi về trách nhiệm giải trình đang đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Và những đáp ứng của các trường

Trong việc lãnh đạo và quản lý trường ĐH, các trường ĐH Việt Nam thể hiện một đáp ứng khá tích cực đối với xu hướng quốc tế hóa. Aliston Haltead (Aston University, UK) và Dương Mộng Hà (ĐH Đà Nẵng, Việt Nam) trình bày một mô hình hợp tác nhằm tạo ra một trường ĐH tinh hoa, định hướng nghiên cứu, và nhằm vào mục tiêu trở thành một trung tâm khoa học công nghệ cho các nước trong khu vực, thực hiện những nghiên cứu thiết yếu cho nền kinh tế thông qua một dự án hợp tác Việt-Anh, trong đó sẽ thiết lập một cơ chế đặc biệt để tuyển dụng và đào tạo tài năng. Bùi Xuân Lâm (ĐH Công nghệ TPHCM, Việt Nam) nhấn mạnh các lợi ích mà nhà trường đạt được khi đẩy mạnh các chương trình liên kết đào tạo quốc tế như một cách thức để tăng cường tính chất quốc tế hóa của nhà trường. Nguyễn Linh Trung (Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Việt Nam) cho thấy những nỗ lực của nhà trường trong việc dịch chuyển về hướng thị trường nhằm tăng cường khả năng đáp ứng với nhu cầu của xã hội.

Trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng, Rachel Chee (Malaysia) trình bày những cơ chế đảm bảo chất lượng được gắn chặt vào thiết kế của khung văn bằng nhằm đảm bảo tính nghiêm ngặt. Cùng một ý tưởng, Phạm Xuân Thanh (Bộ GD-ĐT Việt Nam) cũng nêu lên nhu cầu tham gia vào quá trình bảo đảm chất lượng của các bên trong sự hiểu biết và hợp tác; cũng như nhu cầu công nhận văn bằng lẫn nhau giữa các nước, nhất là Việt Nam và UK, nhằm đẩy mạnh sự hợp tác và trao đổi giảng viên, sinh viên. Hà Thanh Toàn (ĐH Cần Thơ, Việt Nam) cho thấy ĐH Cần Thơ là một trong những người tiên phong trong bảo đảm chất lượng và hợp tác quốc tế. Đến nay họ đã thực hiện đánh giá ngoài với AUN một số ngành, và không có gì đáng ngạc nhiên khi họ được xem là một trong những trường tốt nhất Việt Nam. Tầm quan trọng của các đối tác quốc tế trong việc xây dựng khung văn bằng quốc gia thống nhất cũng được Fiona M.Lacey (Aston University, UK) nhấn mạnh. Carolyn Campbell (Tổ chức Bảo đảm Chất lượng GDĐH, UK) nêu lên một xu hướng mới rất thú vị: mục đích của bảo đảm chất lượng thường được hiểu là tăng cường trách nhiệm giải trình và cải thiện hoạt động của các trường; hiện nay đang nổi lên thêm một mục đích thứ ba và mục đích này ngày càng trở nên quan trọng, đó là cung cấp những dữ liệu và thông tin đáng tin cậy về tiêu chuẩn và chất lượng của các trường cho công chúng, cho sinh viên, cho các nhà tài trợ và các nhà tuyển dụng. Giữ sự quân bình giữa đòi hỏi và lợi ích của các bên liên quan là một thách thức lớn với các tổ chức bảo đảm chất lượng. Thực tiễn quốc tế hóa không chỉ với sinh viên mà cả với các chương trình đào tạo cũng đòi hỏi các tổ chức bảo đảm chất lượng ở mỗi nước làm việc chặt chẽ với đồng nghiệp quốc tế để chia sẻ những nguyên tắc và tiêu chuẩn đánh giá nhằm bảo vệ lợi ích của người học.

Trong việc dạy và học, Renke He (Trường ĐH Hunan, Trung Quốc) nêu lên một mô hình mới mà ông đang thực hiện ở khoa Thiết kế: sinh viên không phải là người thụ động tiếp nhận kiến thức, mà cùng với giảng viên tạo ra nội dung cho khóa học của mình. Đó chính là một đáp ứng tích cực với những đổi thay mà thời đại kỹ thuật số tạo ra. Máy tính và mạng xã hội đã làm thay đổi tận gốc rễ bối cảnh của lớp học, mô hình thầy giảng trò ghi quả thật đã quá lỗi thời. Ông nêu lên sự đối lập giữa mô hình dạy và học truyền thống – truyền đạt và tiếp nhận; với mô hình mới mà ông và các đồng nghiệp đề xướng – mỗi sinh viên đều là người tham gia vào quá trình, thay cho truyền đạt và tiếp nhận là tạo ra, chia sẻ, và phản ánh những ghi nhận hay đáp ứng của mình.

Trong hoạt động nghiên cứu và nối kết với giới doanh nghiệp, Gina Rippon ( Aston University, UK) nhấn mạnh quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là một lĩnh vực trọng yếu để chuẩn bị cho sinh viên khả năng thích ứng với thế giới việc làm. Anna Gosman (Aston University, UK) trình bày các mô hình tương tác khả dĩ giữa nhà trường và doanh nghiệp, và những khả năng khai thác mối quan hệ đối tác này. Judy Halliday (University of Queensland, Australia) trình bày quãng đường ba mươi năm của University of Queensland trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Có rất nhiều thách thức và rủi ro trong quá trình này. Nhà trường đã lập ra một công ty chuyên thực hiện việc chuyển giao công nghệ có tên là UniQuest. Tổ chức này sẽ thực hiện việc đăng ký bằng sáng chế; đánh giá tính khả thi của các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khảo sát nhu cầu của thị trường; lo liệu mọi khía cạnh thủ tục và pháp lý; tìm kiếm đối tác và nguồn vốn. Thu nhập mà UniQuest tạo ra không ngừng tăng: từ 10 triệu AUD trong giai đoạn 1991-1995 đã lên đến 64 triệu AUD trong năm 2009.

Một sáng kiến khác là nối kết trường ĐH với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua những khoản tài trợ nghiên cứu nhỏ chủ yếu dành cho nghiên cứu sinh, nhằm giải quyết những vấn đề thực tế của các doanh nghiệp, mà David Sherpherd (Bangor University, UK) đã nêu ra. Mô hình này tỏ ra rất hữu ích và hiệu quả, vì mang lại lợi ích thực tế trước mắt cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp nghiên cứu sinh gắn kết với nhu cầu của thực tiễn và tăng cường kỹ năng nghiên cứu.

Từ góc nhìn của giới doanh nghiệp, David Priestley (Roll-Royce International, Vietnam Ltd) và Bùi Đức Quang (TMA Solution) khẳng định nhu cầu gắn kết với hoạt động nghiên cứu của các trường, nhưng đồng thời cũng chỉ ra muôn ngàn khó khăn. TMA đã chủ động tạo ra các mô hình tương tác với trường ĐH, thông qua hoạt động thực tập của sinh viên, tổ chức cho sinh viên tham quan và tìm hiểu về công ty, mời giảng viên tham gia công việc tại công ty, cho đến các công trình hợp tác nghiên cứu.  Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thực tế, xét về thành quả nghiên cứu, vẫn còn rất hạn chế.

Bài trình bày của Phạm Ngọc Nam (Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam) về những thách thức đối với hoạt động nghiên cứu của các trường ĐH Việt Nam trong bối cảnh hiện tại đem lại lời giải thích cho thành quả khiêm tốn ấy. Tuy ghi nhận những thách thức đặt ra cho các trường (hạn chế về nguồn lực, về con người, về hạ tầng, về văn hóa khoa học), bài trình bày của Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia TPHCM, Việt Nam) đã cho thấy rằng tạo ra sự ưu tú trong bối cảnh của Việt Nam là điều hoàn toàn có thể. Một trường hợp điển hình đã được đưa ra trong bài báo cáo: ĐH Tôn Đức Thắng (TĐT). Mặc dù là một trường ĐH công lập tự chủ tài chính còn rất non trẻ, TĐT đã tạo ra thành tựu ấn tượng trong hoạt động nghiên cứu chỉ với thời gian chưa đầy một thập kỷ. Chiến lược của họ là thành lập các nhóm nghiên cứu, với trưởng nhóm là những người có tài năng, kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, giao cho họ quyền chủ động trong việc xác định trọng tâm nghiên cứu và nội dung hoạt động, cũng như tạo ra cơ chế khen thưởng và đánh giá dựa trên kết quả đo bằng công bố quốc tế. Họ cũng thành lập Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ nhằm thay đổi cách thức tài trợ nghiên cứu và thúc đẩy các nhà nghiên cứu hướng tới công bố quốc tế và gắn kết với giới doanh nghiệp. Họ chú trọng những mối liên kết quốc tế, bổ nhiệm các nhà khoa học quốc tế làm giáo sư thỉnh giảng. Thành tựu của TĐT cho thấy tầm quan trọng của cơ cấu tổ chức, của cơ chế đánh giá và khích lệ trong việc tạo ra sự ưu tú. Đàng sau những sáng kiến và đề xướng đó, là tầm nhìn và năng lực của người lãnh đạo. Những gì TĐT đã làm trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu là nhất quán với thực tiễn, kinh nghiệm và tập quán quốc tế. Thành công của họ chứng tỏ cách tiếp cận ấy là khả thi, và nhiều kinh nghiệm quốc tế hoàn toàn có thể vận dụng được trong thực tiễn của Việt Nam.

Tương lai của các trường ĐH

Trong hai thế kỷ qua, các trường ĐH trên thế giới đã coi việc theo đuổi tri thức vì bản thân tri thức, chứ không nhằm đạt đến một lợi ích cụ thể hay thực tế nào, là trọng tâm sứ mạng của mình. Dường như ngày nay điều thiện và vẻ đẹp của sự thật đang bị nhấn chìm trong chủ nghĩa thực dụng mà nhà trường đang thực hiện với sinh viên của họ. Liệu những thứ như Triết học hay Lịch sử thời trung cổ có còn chỗ đứng trong các trường ĐH ngày nay, khi tính thích đáng và thiết yếu của các trường ĐH trong việc chuẩn bị cho cuộc sống sự nghiệp của sinh viên đang không ngừng bị chất vấn?

CS Lewis có một câu được nhiều người trích dẫn: “Chúng ta đọc sách là vì chúng ta muốn nhìn sự việc bằng một con mắt khác, muốn tưởng tượng bằng một trí tưởng tượng khác, và cảm nhận với những trái tim khác”. Bởi vậy, những truyền thống văn hóa và giá trị vĩnh cửu chứa đựng trong văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học không bao giờ là không thiết yếu. ‘Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các doanh nhân và chủ ngân hàng tương lai cần có đạo đức hơn bao giờ hết” (Michael Barber, Katelyn Donnely và Saad Rizvi, 2013). Bởi vậy, chỉ nhằm vào việc đáp ứng những nhu cầu trước mắt của sinh viên, cũng như của xã hội, sẽ là không đủ. Trường ĐH cần đạt sự quân bình giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, nếu không nó sẽ đánh mất sứ mạng đặc thù của mình và trở thành một doanh nghiệp kinh doanh tri thức đơn thuần.

Saad Rizvi và các đồng tác giả cho rằng trường ĐH trong tương lai sẽ có thể tồn tại với các mô hình sau đây:

(1)  Mô hình ĐH tinh hoa: Với tên tuổi tỏa sáng trên toàn cầu, với một nguồn quỹ hiến tặng dồi dào, một lịch sử hàng trăm năm huy hoàng, và một danh sách cựu sinh viên là những người nổi tiếng, lỗi lạc và xuất chúng, một số ít các trường ĐH tinh hoa vẫn sẽ tiếp tục ngự trị trên đỉnh hệ thống và thu hút những tài năng hàng đầu cũng như những nguồn ngân sách nghiên cứu to lớn. Để duy trì địa vị của mình, họ cũng sẽ phải điều chỉnh việc đào tạo trong một không gian đa dạng hơn nhằm bảo đảm tiếp tục tạo ra những người mà trí tuệ và phẩm chất của họ sẽ tạo ra những tác động lớn lao cho xã hội.

(2)  Mô hình ĐH đại chúng: là những trường đặt trọng tâm vào việc đào tạo có chất lượng cho số đông sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu, gắn kết chặt chẽ với thế giới việc làm, và nhấn mạnh tính chất toàn cầu hóa.

(3)  Mô hình ĐH mũi nhọn: dĩ nhiên, những trường ĐH loại này sẽ khác biệt với mọi trường ĐH khác, bởi một đặc điểm nào đấy mà nhà trường lựa chọn. Đó có thể là một trường tổ chức dạy trực tuyến với những giáo sư hàng đầu thế giới mà chi phí chỉ bằng nửa so với các trường ĐH truyền thống, như trường Miberva ở San Francisco, Hoa Kỳ đã làm. Đó có thể là một trường tổ chức việc đào tạo theo hướng cá nhân hóa triệt để, hứa hẹn mang lại cho người học những trải nghiệm cá nhân và làm phát triển những tiềm năng riêng của từng người bằng một chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm cá nhân của mỗi người.

(4)  Mô hình ĐH địa phương: là những trường gắn chặt với việc phục vụ những nhu cầu cụ thể của địa phương, cả trong đào tạo và nghiên cứu.

(5)  Mô hình học tập suốt đời: Có nhiều ví dụ về những người bỏ dở việc học ở trường ĐH, sau này trở thành những người đã làm thay đổi cả thế giới, như Steve Jobs, Richard Branson hay Mark Zuckerberg. Chắc chắn rằng đó là những người đã duy trì việc học tập suốt đời của họ tuy không phải trên giảng đường ĐH.

Cho dù là mô hình nào, thì sự thành công của các trường cũng sẽ chủ yếu dựa trên tầm nhìn và năng lực của người lãnh đạo, bao gồm khả năng hình dung được tương lai và khả năng thay đổi, thích ứng với những cách tiếp cận mới.

KẾT LUẬN

Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức và, như ông Bùi Anh Tuấn (Bộ GD-ĐT Việt Nam) đã nói trong phát biểu khai mạc “Tương lai của các nền kinh tế tri thức lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tạo ra tri thức”;  “Điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta cần nhận ra và biết được vị trí của mình khi phải đối mặt với những thay đổi của thế giới trong thế kỷ 21 và hiểu rằng chúng ta cần phải làm gì”. Đó chính là điều mà Đối thoại Giáo dục Toàn cầu do Hội Đồng Anh tổ chức đã mang lại cho người tham dự. Với sự điều hành của bà Alison Goddard, Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục Đại học, Chính sách và Thị trường trong Giáo dục Đại học, và bà Carolina Chipperfield, Phó Giám đốc Đặc trách Giáo dục của Hội Đồng Anh, diễn đàn đã làm nổi bật những vấn đề trọng yếu của GDĐH, bao gồm tư duy lại về trường ĐH thế kỷ 21, những thách thức mà nó đang đối mặt, và khả năng đáp ứng của các trường. Hai xu hướng toàn cầu hóa và thị trường hóa đang đòi hỏi các trường hướng về đối sánh quốc tế nhiều hơn để thành công trong hợp tác và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Viết tại TPHCM ngày 27-11-2013