Tác giả: Philip Altbach
Người dịch: Phạm Thị Ly (2009)

 Có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong giáo dục. Giáo dục đang trở thành một hàng hóa được mua bán trên phạm vi quốc tế. Không còn cái thời giáo dục được xem là kỹ năng, thái độ và giá trị cần phải có đối với tư cách công dân và cần thiết để tham gia có hiệu quả vào xã hội hiện đại- một đóng góp trọng yếu cho lợi ích chung của bất cứ xã hội nào. Thay vào đó, giờ đây giáo dục ngày càng được coi là một thứ hàng hóa được khách hàng trả tiền mua nhằm xây dựng một bộ kỹ năng để dùng trên thị trường, hay một sản phẩm được mua và bán giữa các công ty đa quốc gia với các trường đại học đang tự biến mình thành những doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục. Không ở đâu xu hướng này được minh họa rõ cho bằng cuộc tranh luận gần đây về Hiệp định Thương mại và Dịch vụ (The General Agreement on Trade and Services- GATS) giờ đây đang được thực hiện trong khuôn khổ WTO. Việc biến giáo dục thành hàng hóa sẽ có ý nghĩa chủ yếu trong việc chúng ta nghĩ gì về việc đi học và về trường đại học, về quyền sở hữu đối với tri thức và việc chuyển giao tri thức, và sâu xa hơn là về vai trò của tư cách công dân trong xã hội hiện đại. Những ý nghĩa này rất rộng lớn, cả đối với các quốc gia lẫn đối với quá trình toàn cầu hóa và quốc tế hóa của giáo dục.

Có những điểm tích cực và tiêu cực trong những sắp đặt ấy. Toàn cầu hóa là một hiện tượng không thể tránh và không thể ngăn chặn được, và phần lớn có ý nghĩa tích cực. Tuy vậy cũng có nhiều vấn đề gắn liền với toàn cầu hóa, từ suy thoái môi trường đến tăng thêm bất bình đẳng giữa các xã hội trên phạm vi quốc tế. Vấn đề của cuộc tranh luận gần đây về toàn cầu hóa hoàn toàn giống như cuộc thảo luận về những ý nghĩa mà toàn cầu hóa mang đến cho giáo dục- những lý lẽ tán thành chỉ thấy tương lai tươi sáng của hội nhập kinh tế trong lúc những ý kiến phản đối chỉ tập trung vào những mặt tiêu cực. Cả hai đều không có một tầm nhìn quân bình để có thể cân nhắc sự bất bình đẳng và những nguy hiểm khó lường của toàn cầu hóa.

Trong nền công nghiệp tri thức mà giáo dục là bộ phận trung tâm, toàn cầu hóa đã là một đặc trưng chủ yếu. Chúng ta có thể nhìn thấy ý nghĩa này trong sự tăng cường sử dụng internet trong truyền thông và tiếp thị sản phẩm đủ mọi loại, trong lực lượng lao động có kỹ năng cao ngày càng tăng tính chất toàn cầu, trong việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh như một phương tiện truyền thông khoa học, giao tiếp và đào tạo bậc cao trong nhiều lãnh vực. Thực ra giáo dục đại học đã được quốc tế hóa ngay từ buổi đầu của các trường đại học thời trung cổ ở châu Âu, lúc đó có một ngôn ngữ chung để giảng dạy là tiếng Latin và cả các giáo sư lẫn sinh viên đều thường xuyên qua lại từ nước này sang nước khác. Hiện nay có lẽ có đến khoảng 2 triệu sinh viên đang đi học ở nước ngoài và đang tồn tại một thị trường thế giới về giảng viên và cán bộ nghiên cứu. Internet đã mở rộng đáng kể dòng chảy quốc tế của tri thức. Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao giáo dục đại học cần phải đặt dưới sự chi phối của những luật lệ WTO nghiêm ngặt trong lúc quá trình quốc tế hóa dù sao cũng đã diễn ra rồi với một nhịp độ và điều kiện nói chung là phù hợp với cộng đồng giáo dục đại học.

Thách thức đối với chúng ta là hiểu được cả bối cảnh lẫn ý nghĩa của toàn cầu hóa đối với nền kinh tế tri thức. Mục đích của tôi ở đây là trình bày những vấn đề mới nảy sinh hoặc trở thành trầm trọng hơn bởi những xu hướng gần đây. Bức tranh này hẳn nhiên là không hoàn toàn tiêu cực nhưng một quan điểm quân bình đòi hỏi phân tích cẩn thận những nhân tố không thuận lợi của những hiện tượng thường được coi là thuận lợi, một quan điểm thường là không ăn khớp với thái độ vội vã đối với tương lai toàn cầu.

Bên trong cuộc thảo luận này là niềm tin chắc chắn rằng giáo dục ở tất cả mọi cấp không đơn giản chỉ là hàng hóa để mua và bán trên thị trường. Một hệ thống giáo dục đem lại những kỹ năng cần thiết cho sự thành công về tài chính nhưng nó cũng đồng thời xây dựng nền móng cho một xã hội dân sự và khuyến khích sự tham gia xây dựng đất nước. Hiểu biết về quá khứ, về văn hóa, về những giá trị dân chủ, cùng với những thứ khác, là một phần của giáo dục, và những thứ ấy không thể gộp vào thị trường toàn cầu. Nó là những gì không thể thiếu đối với bất cứ xã hội nào và là một phần trong di sản của một dân tộc. Tương tự như vậy, những nghiên cứu cơ bản ở cấp đại học, một số chương trình đào tạo, một bộ phận các công trình khoa học không dễ dàng thích hợp với việc thương mại hóa. Nói cách khác, có những giá trị của quốc gia và những lợi ích chung của xã hội phải được bảo vệ và duy trì trong môi trường giáo dục toàn cầu hóa. Bảo vệ văn hóa, sự độc lập của trí tuệ và những giá trị của xã hội dân sự không đơn giản như tự do mua bán xe hơi hay bình đẳng trong cơ hội tiếp cận thị trường đậu nành, hoặc thậm chí không thể xem những thứ ấy là ngang hàng với những hoạt động dịch vụ được bao hàm trong chương trình nghị sự của GATS. Làm ra vẻ những “sản phẩm” trí tuệ được làm ra là để mua và bán trên thị trường thương mại là một sự đơn giản hóa quá mức góp phần vào việc mang lại tiếng xấu cho toàn cầu hóa. Bảo đảm rằng một doanh nghiệp kế toán chẳng hạn, được quyền tự do tiếp cận thị trường thế giới hoặc bảo đảm cho một phần mềm không bị vi phạm tác quyền là một việc đơn giản không hề giống với việc bảo vệ một hệ thống học thuật.

Một số nhân tố bất lợi tiềm tàng

Duy trì các tiêu chuẩn hoặc thậm chí những thông tin xác thực trong môi trường học thuật toàn cầu hóa là một việc khó khăn. Một thử thách chủ yếu là bảo đảm các tiêu chuẩn học thuật thích hợp cho hệ thống đào tạo đại học của quốc gia. Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã thực hiện điều đó thông qua hệ thống kiểm định chất lượng, một hệ thống cung cấp những thông tin xác thực một cách hợp lý liên quan đến rất nhiều trường đại học, về chất lượng của các chương trình đào tạo cấp bằng, cơ sở vật chất của nhà trường và những thứ đại loại như thế. Khó có thể đưa ra một tiêu chuẩn tối thiểu, truy nguyên những ‘lò cấp bằng’ ngày càng mọc ra nhiều hơn, và nói chung là duy trì một tiêu chuẩn tối thiểu ở cấp quốc gia xem ra khó mà làm được, ở cấp quốc tế cũng thế. Không phải chỉ vì khó có được đầy đủ dữ liệu, mà là vì gần như không có khả năng đạt được sự đồng thuận về việc các tiêu chuẩn nào được coi là thích hợp. Những nỗ lực của Liên bang Châu Âu nhằm làm cho các nhân tố giáo dục đại học ở các nước châu Âu thành ra ‘hài hòa’ với nhau nhằm tạo ra một ‘đồng tiền chung’ cho giáo dục đại học đang cho thấy đó là một thử thách lớn, dù rằng Châu Âu có một quyền lực và nguồn lực đáng kể để bảo đảm thực hiện mọi việc theo yêu cầu. Theo dõi các chương trình đào tạo và bằng cấp chứ chưa nói tới việc duy trì tiêu chuẩn chất lượng trên nền tảng toàn cầu là một việc vô cùng khó, nhất là khi nhiều trường đang tìm cách thâm nhập thị trường toàn cầu vì động cơ lợi nhuận hơn là vì thực hiện sứ mạng giáo dục.

Chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của cuộc cách mạng từ xa trong giáo dục. Đã có một số khá lớn những nhà cung cấp chương trình đào tạo và bằng cấp dùng công nghệ thông tin và những phương pháp đào tạo từ xa để thực hiện chương trình của họ. Vì công nghệ thông tin ngày càng tinh vi và chương trình đào tạo cũng được xây dựng tốt hơn trước, kiểu đào tạo từ xa như thế ngày càng tăng cao về số lượng. Đã là một thực tế, các ‘đại học mở’ đang dùng phương tiện từ xa là chủ yếu để đào tạo hơn 3 triệu sinh viên trên toàn thế giới- phần lớn là ở các nước đang phát triển. Bảy trên mười trường đào tạo từ xa lớn nhất là của các nước đang phát triển. Nếu nhà cầm quyền ở cấp quốc gia không có khả năng thực hiện một mức độ kiểm soát đáng kể đối với các trường đào tạo từ xa trong nước thông qua hệ thống kiểm định chất lượng, công nhận bằng cấp và những tiêu chí tương tự, thì việc kiểm soát chất lượng là không thể thực hiện được.

Mở cửa thị trường, ít nhất là trong giáo dục đại học, làm tăng thêm sự bất bình đẳng vốn đã tồn tại. Nếu biên giới giáo dục đã hoàn toàn mở, các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục mạnh nhất và giàu có nhất sẽ được quyền tiếp cận không hạn chế. Những nước và những trường đại học không thể cạnh tranh nổi sẽ thấy khó mà phát triển được. Điều này nghĩa là các nước đang phát triển và các quốc gia công nghiệp hóa nhỏ hơn sẽ ở thế hết sức bất lợi. Các trường đại học trong nước sẽ thấy khó mà cạnh tranh được với những kẻ khổng lồ đã chọn nước mình mà mở trường. Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài sẽ chọn những phân khúc nhiều lợi nhuận nhất của thị trường- hiện nay là khoa học quản lý và kinh doanh, công nghệ thông tin, và vài ngành khác- và để những thứ còn lại cho các trường địa phương. Những lĩnh vực như khoa học cơ bản đòi hỏi các phòng thí nghiệm với trang thiết bị đắt tiền và không mang lại lợi nhuận tức thì, chứ chưa nói gì đến việc hỗ trợ các thư viện, sẽ bị các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục ngoại bang này lờ đi.

Đã có một tiền lệ về điều này. Cách đây nhiều thập kỷ, những nước công nghiệp hóa chủ yếu với sự hỗ trợ của các nhà xuất bản đa quốc gia đã có thể siết chặt luật lệ về tác quyền và mở cửa thị trường xuất bản quốc gia cho các nhà kinh doanh xuất bản quốc tế. Điều xảy ra sau đó là các nhà xuất bản địa phương ở các nước đang phát triển và các nước thu nhập trung bình đã không cạnh tranh nổi và bị thôn tính nhanh chóng: hoặc bị các nhà xuất bản đa quốc gia mua đứt, hoặc biến mất khỏi thị trường. Trong lúc sách vở vẫn được cung cấp cho thị trường nội địa, đã có một cái gì mất đi. Các nhà xuất bản đa quốc gia đặc biệt quan tâm đến thị trường sách giáo khoa béo bở, gần như hoàn toàn không lưu tâm đến những ấn phẩm nói chung ít lợi nhuận hơn. Kết quả là các nhà xuất bản địa phương không thể cạnh tranh nổi với các nhà xuất bản đa quốc gia trong thị trường sách giáo khoa và cũng không thể đủ khả năng xuất bản những sách tổng quát. Quyết định thứ sách nào được in được đưa ra từ Paris, London, New York hay Amsterdam. Lợi nhuận được xuất khẩu chứ không phải được tái đầu tư cho thị trường nội địa. Sách giáo khoa dung cho bậc đại học ngày càng được nhập khẩu nhiều hơn là được in ấn trong nước. Những ý kiến có giá trị của giới chuyên môn dần mất đi. Cũng có trường hợp đồng vốn nước ngoài trở thành sẵn sàng và nhờ vậy tiêu chuẩn xuất bản được cải thiện. Nhưng sự mất mát về quyền tự chủ và sự độc lập là vô cùng to lớn. Giáo dục đại học sẽ thấy mình rơi vào tình huống y hệt như thế- với phần thị trường béo bở nhất thuộc về các nhà kinh doanh đa quốc gia và các nước đang phát triển sẽ không đủ khả năng hỗ trợ các chức năng cơ bản của trường đại học.

Trong khi đó có thể cho rằng khoa học về bản chất là mang tính quốc tế, còn giáo dục đại học có một vai trò trung tâm đối với quốc gia và xã hội, một vai trò vượt xa khoa học thuần túy và vượt xa việc đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp cụ thể. Cái điều quan yếu đối với nước Mỹ trong đào tạo và nghiên cứu có thể chẳng có ý nghĩa gì mấy đối với Ghana hay Trung Quốc. Rất nhiều mất mát xảy ra khi các nước không còn khả năng kiểm soát những bộ phận cơ bản của chương trình đào tạo, ngôn ngữ dùng để giảng dạy, triết lý sư phạm, và những nhân tố trọng yếu khác của việc giảng dạy tại đại học. Hơn thế nữa, nếu như những phần béo bở nhất của giáo dục đại học chẳng hạn như khoa học quản lý bị các doanh nghiệp kinh doanh giáo dục nước ngoài lấy đi, các trường địa phương sẽ chỉ còn lại những ngành học ít phổ thông và ít lợi nhuận nhất. Những trường này sẽ càng khó khăn hơn trong việc cạnh tranh và sẽ không có khả năng đưa ra được đầy đủ nhiều ngành đào tạo khác nhau. Thêm nữa, họ sẽ không có cả ngân sách lẫn cơ sở vật chất để thực hiện nghiên cứu khoa học, và bỏ rơi vai trò nghiên cứu cũng có nghĩa là bỏ rơi việc đào tạo ra những khoa học gia và những học giả tài giỏi nhất, và để cho việc nghiên cứu rơi vào tay những trường đại học giàu có nhất trong những nước công nghiệp hóa mạnh nhất. Theo một cách nào đó, lợi nhuận mà những trường giàu thu được từ những nước nghèo sẽ làm mạnh hơn những thành tựu trong nghiên cứu của họ và góp phần làm tăng thêm sự bất bình đẳng trong lĩnh vực nghiên cứu vốn đã đang tồn tại trên toàn thế giới.

Chủ nghĩa thực dân mới

Trong những ngày đen tối của thời Chiến tranh lạnh mà phần lớn được tạo ra do nỗ lực của những thế lực chủ yếu muốn thống trị con tim và khối óc của toàn thế giới, Liên bang Xô viết, Hoa Kỳ, và nhiều nước khác đã phung phí rất nhiều tiền cho việc trao đổi sinh viên, trợ giá ấn phẩm, dịch sách, xây dựng trường học và viện nghiên cứu, cùng với nhiều nỗ lực khác nữa nhằm thống trị các nhà lãnh đạo khoa học của thế giới và giới trí thức. Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới của quyền lực và ảnh hưởng. Giờ đây, các tập đoàn đa quốc gia, các khối doanh nghiệp truyền thông và thậm chí một số trường đại học lớn- đang là những tên thực dân kiểu mới tìm kiếm sự thống trị không phải về ý thức hệ hay chính trị mà là về lợi ích thương mại. Kết quả chẳng có gì khác- sự mất mát về quyền tự chủ trong văn hóa và trí thức của những kẻ yếu. Trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, quyền lực chính trị là động cơ thúc đẩy. GATS giúp mở cửa thị trường sản phẩm tri thức đủ loại để những tên thực dân kiểu mới có thể tự do tiếp cận thị trường thế giới. Về mặt nào đó thì các nước đang phát triển còn khá hơn thời trước- ít nhất họ còn được lựa chọn trong số các siêu cường đang là kẻ thù truyền kiếp, và nếu muốn, họ có thể giữ không cho những ảnh hưởng ngoại bang thâm nhập bằng cách không mạo hiểm tham gia hoàn toàn vào kinh tế thế giới.

Chủ nghĩa thực dân mới hành động thông qua các nhà cung cấp tri thức, những người bán nhiều sản phẩm khác nhau trên thị trường thế giới. Những sản phẩm này gồm có các chương trình đào tạo đủ loại, được đưa ra dưới hình thức “chương trình đôi” (“twinning programs”) hợp tác với các trường đại học địa phương và các doanh nghiệp, hoặc các chi nhánh tổ chức đào tạo và cấp bằng ngoài nước, các bằng cấp đào tạo từ xa, các chương trình đào tạo liên kết, và vô số những thứ khác nữa. Có những nhà cung cấp thuộc loại ‘cao cấp’ gần đây cũng có dính líu tới thương mại quốc tế trong đào tạo và cấp bằng, như Trường kinh doanh ở Tây Ban Nha của đại học Chicago, Trường Wharton của Pennsynania ở Singapore và hàng loạt liên minh của các trường đại học phương Tây. Có vô số các trường ít danh tiếng hơn hay thậm chí vô danh tiểu tốt đang đưa ra thị trường thế giới các “sản phẩm’ hoàn toàn không được biết đến về chất lượng và sự quan yếu với đất nước. Tất cả các nhà cung cấp này đều có một điểm chung- động cơ lợi nhuận. Hợp tác khoa học, giao lưu trí thức và quốc tế hóa phụ thuộc vào mục đích chính của các doanh nghiệp: tiền. Thường thì những chương trình đào tạo xuất khẩu được bóc ra từ những chương trình giảng dạy cho sinh viên các nước công nghiệp hóa phát triển. Tính chất quan yếu của những chương trình đào tạo ấy đối với những nước đang phát triển chỉ ở mức rất ít, và rất đáng đặt dấu hỏi, vì giáo dục không hề là trung lập. Cả nội dung chương trình và phương pháp sư phạm đều cần phải cân nhắc đến bối cảnh của quốc gia, phong cách học tập, truyền thống tinh thần và các điều kiện của địa phương, điều mà các nhà cung cấp dịch vụ ngoại bang thường không muốn tốn tiền để thực hiện. Trong lúc chủ nghĩa thực dân mới được dẫn dắt bởi lợi nhuận hơn là bởi chính trị, kết quả cuối cùng cũng chẳng có gì khác. Các nước đang phát triển và các trường đại học cũng như hệ thống giáo dục đại học của họ sẽ trở thành phụ thuộc các nhà cung cấp dịch vụ ngoại bang giàu có và hùng mạnh.

Cần phải làm gì?

Không có lý do nào chống lại quốc tế hóa tri thức hay chống lại hợp tác quốc tế. Sự bất bình đẳng không thể tránh khỏi giữa những trường đại học giàu có, hùng mạnh và được xây dựng rất tốt ở phương Bắc và những trường ít được tài trợ hơn ở phương Nam cũng đã được người ta nhận ra. Bài viết này là những lập luận nhằm chống lại việc ép buộc những người ít quyền lực hơn phải phụ thuộc vào một thị trường đột ngột bất bình đẳng vì điều này sẽ tước đoạt quyền quyết định của các trường về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chất lượng cũng như những nhân tố khác của giáo dục. Đây là những lập luận thiên về việc công nhận rằng giáo dục trong tất cả mọi hình thức của nó không đơn giản chỉ là hàng hóa mà còn là bộ phận trung tâm của văn hóa, của xã hội, và xứng đáng được đối xử khác với những món hàng khác trên thị trường.

Trong thực tế, chúng ta đang làm được những việc không đến nỗi quá tệ. Bàn tay sắt của GATS và WTO không cần cho lãnh vực giáo dục đại học. Hoạt động giao dịch dưới mọi hình thức trong giáo dục quốc tế luôn luôn diễn ra trong mọi thời đại. Có những nước như Singapore và Malaysia đã mở cửa cho các trường đại học nước ngoài nhưng đã thực hiện điều đó theo giới hạn của họ. Những nước khác như Argentina đang tìm hiểu tác động của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài và tìm cách điều chỉnh cho thích hợp. Trung Quốc mở cửa từ từ đối với các trường và các chương trình đào tạo nước ngoài. Hoa Kỳ đang nỗ lực đương đầu với việc áp dụng hệ thống kiểm định đã được xây dựng rất tốt của họ cho những trường đại học Hoa Kỳ có tổ chức đào tạo tại nước ngoài. Úc đang xông xáo tiếp thị cho các sản phẩm giáo dục của họ ở ngoài nước. Liên hiệp Châu Âu đang tiến tới sự hài hòa cho các hệ thống đào tạo khác nhau. Con số sinh viên ra nước ngoài để học hiện nay lớn chưa từng thấy, và đang có một thị trường toàn cầu cho lực lượng nhân sự có trình độ cao. Thế giới đang tiến tới toàn cầu hóa giáo dục đại học qua nỗ lực của các trường đại học đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Đồng thời cả hai vế của phương trình đều có quyền lực định hình những giao dịch trong giáo dục.

Một hiệp định mới có quyền lực bắt buộc các nước với những nhu cầu đào tạo và nguồn lực khác nhau phải thích nghi với những luật lệ chắc chắn là được thiết kế nhằm phục vụ cho lợi ích của những hệ thống đào tạo và các tập đoàn kinh doanh giáo dục hùng mạnh nhất sẽ chỉ có thể sản sinh ra sự bất bình đẳng và phụ thuộc. Toàn cầu hóa trí thức là hiện tượng đang tồn tại và không cần sự trói buộc của GATS và WTO. Chúng ta cần tiến tới toàn cầu hóa dựa trên sự bình đẳng chứ không phải dựa trên chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Nguồn: Philip Altbach. ‘Knowledge and Education as International Commodities: The Collapse of the Common Good’. In International Higher Education: Reflections on Policy and Practice, Boston College, 2006.