Phạm Thị Ly (2012)
(Bài đăng trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 6.01.2013)

         Năm 2012 khép lại với một sự kiện khá quan trọng đối với giáo dục đại học (GDDH) Việt Nam: Luật GDĐH được thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1-1-2013. Ba điểm nổi bật của bộ luật này là: tự chủ đại học, hội đồng trường và trường tư phi lợi nhuận. Trong ba vấn đề này, tự chủ ĐH có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó tác động mạnh đến tất cả các trường, có khả năng làm thay đổi hướng đi và cách xử sự của các trường, và do đó ảnh hưởng đến nhiều người dân. Tự chủ ĐH được xác định như thế nào trong Luật GD, và quan trọng hơn, đã phản ánh bước tiến, hay sự trưởng thành nào của hệ thống GDĐH, và điều này được đáp ứng như thế nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước, từ giới lãnh đạo ĐH, và từ công chúng?

Tự chủ ĐH- cái nhìn từ nhà nước

Tự chủ ĐH bản thân nó đã là tâm điểm của mối quan hệ giữa nhà nước, nhà trường và xã hội. Mức độ tự chủ và năng lực thực hiện trách nhiệm giải trình nói lên trình độ trưởng thành của một nền đại học, cũng như của nhà nước. Từ nhiều năm nay, tự chủ ĐH là chỗ “thắt cổ chai” gây cản trở đáng kể cho hoạt động của các trường. Bộ GD-ĐT xử sự như một bà mẹ đông con, các con dù đã lớn vẫn cứ bị coi là đứa trẻ, phải mặc chiếc áo đã chật và nhất cử nhất động đều phải xin phép. Các trường phải chật vật tranh đấu để giành lấy quyền được tự quyết những vấn đề của mình. Trong một thập niên gần đây, chúng ta có thể thấy quyền tự chủ của các trường đã được nới rộng dần, từ NĐ 43/2006-NĐ-CP về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đến NQ 40/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ trong việc thí điểm giao quyền tự chủ hoạt động, những bước phát triển trong xây dựng chính sách đều cho thấy xu hướng này rất nhất quán.

Điều 32 của Luật GDĐH quy định: nhà trường được tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế. Mức độ tự chủ phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kiểm định. Tuy nhiên, từ luật đến văn bản dưới luật, cánh cửa sẽ hẹp dần. Ví dụ, nhà trường được tự chủ về đào tạo, nhưng Bộ GD-ĐT sẽ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành, và chúng ta phải chờ xem các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành mới có thể đánh giá được mức độ tự chủ thực sự mà nhà nước cho phép các trường được thực thi. Các nhà quản lý không lạ gì những quy định hầu như không thể thực hiện được, nhưng thật lạ lùng là cuối cùng thì những quy định ấy đều có thể vượt qua được, với sự “hỗ trợ” của người thừa hành.

Cái nhìn về phía các trường

Điều đáng nói hơn không chỉ là những lực cản trong việc thực thi tự chủ đại học, vì điều này nhiều người đã thấy, đã biết, và đã nói nhiều lần. Điều đáng nói hơn là sự đáp ứng và mức độ sẵn sàng trong tâm thế và trong hành động của các trường đối với quyền tự chủ đang được mở rộng. Trong chuyến đi khảo sát thực tế tại 8 trường ĐH công lập trong cả nước vừa qua để tìm hiểu những trở ngại khó khăn của các trường khi phát triển GDĐH định hướng nghề nghiệp- ứng dụng, nhóm nghiên cứu của một dự án VN- Hà Lan đã nhận xét là nhiều trường có khuynh hướng nhìn thấy cản ngại bên ngoài (chủ yếu là quyền tự chủ) hơn là bên trong (sức ỳ do quán tính cũ) và rất ít trường có thái độ chủ động nhận lấy trách nhiệm tạo ra thay đổi cũng như nhận thức được khả năng tạo ra thay đổi của mình trong phạm vi tự chủ mà mình đang được hưởng. Minh họa cho điều này là Quy chế Thu chi nội bộ của các trường, vốn có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược để thực hiện những ưu tiên và định hướng phát triển của nhà trường, nhưng phần lớn đã không thực sự thể hiện được vai trò đó.

Sự đáp ứng của các trường đối với vấn đề tự chủ có thể thấy rõ nhất qua phản ứng của họ với hai vấn đề cốt lõi nhất, có ý nghĩa sinh tồn với nhà trường là tự chủ tuyển sinh và tự chủ tài chính.

Câu chuyện thứ nhất: Tự chủ tuyển sinh

Trong xu hướng mở rộng quyền tự chủ của các trường, Bộ GD-ĐT có chủ trương từ năm 2013 sẽ giao cho các trường trọng điểm, trường năng khiếu được thí điểm tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, thông điệp này được các trường đón nhận khá dè dặt. Nhiều trường công lập đã nêu ra những khó khăn, chẳng hạn liệu thí sinh có chọn trường mình để thi hay không, thi đậu rồi liệu họ có chọn học ở trường mình hay không, liệu điểm thi của mỗi trường sẽ có giá trị cả nước hay chỉ có giá trị đối với trường dự thi. Các trường cho rằng Bộ GD-ĐT cần có cơ chế để điều phối chung với các trường ĐH, CĐ còn lại trong hệ thống. Thậm chí một cơ sở GDĐH lớn nhất nước là ĐHQG Hà Nội cũng cho biết nếu được lựa chọn, ĐHQG HN không có chủ trương tự mình ra đề và sẽ vẫn chọn… “ba chung”!

Thái độ và phản ứng của các trường có thể khiến một số nhà quan sát cảm thấy thất vọng, vì nó cho thấy các trường chưa sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và chưa tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình. Mặc dù những lo lắng ấy là có cơ sở, nó vẫn cho thấy các trường chưa có tâm thế dám nghĩ và dám làm những điều khác với lối mòn kể cả khi đã được cho phép. Nó nói lên rằng các trường ĐH công lập được bao cấp tư duy đã quá lâu và chưa có tinh thần “entrepreneurial” – chấp nhận tự mình đương đầu với thách thức, vượt qua nó và được hưởng thành quả tùy theo chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình. Họ vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công lập thay vì chấp nhận cạnh tranh tự do và công bằng trong thế giới phẳng. Tất nhiên những quan ngại nêu trên của các trường là có căn cứ, nhất là trong tình hình đìu hiu thí sinh như mấy năm qua. Chủ trương “mở” cho thí điểm tự tuyển sinh, và sự dè dặt đón nhận của các trường cũng cho thấy sự lúng túng trong quản lý nhà nước. Giao việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường thực ra không phải là điều đáng khuyến khích, vì đánh giá năng lực thí sinh là một lĩnh vực kỹ thuật cần có chuyên môn sâu và cần đầu tư một nguồn lực lớn mà không phải trường nào cũng có năng lực thực hiện. Bài toán tuyển sinh có thể giải quyết đơn giản bằng cách tách biệt giữa khảo thí và xét tuyển, như các nước đã làm từ lâu. Bộ GD-ĐT đã “cho” các trường tự chủ ở chỗ không cần tự chủ, trong lúc điều các trường cần là tự chủ trong xét tuyển, tức là tự quyết định các tiêu chuẩn xét tuyển và lựa chọn phương pháp xét tuyển cũng như số lượng tuyển sinh. Đáng lẽ Bộ có thể giao cho một tổ chức công lập hoặc tư nhân tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh, tương tự như SAT hay ACT, GRE, GMAT, thực hiện nhiều lần trong năm, tại nhiều địa phương, một cách chuyên nghiệp, bất cứ ai cũng có thể đóng phí để dự thi. Sự liêm chính của kỳ thi này, về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể giám sát được, và là điều Bộ nên làm. Các trường sẽ công bố điểm đầu vào của mình, cùng với các tiêu chuẩn xét tuyển khác như học bạ phổ thông, bài tự luận, hồ sơ năng lực, điểm thi năng khiếu, kết quả phỏng vấn, v.v. để lựa chọn ứng viên phù hợp. Thí sinh khi có điểm thi sẽ biết mình có những lựa chọn nào để mà cân nhắc và có toàn quyền lựa chọn nơi học nếu đáp ứng điều kiện của trường đó. Các trường sẽ phải cân nhắc để đạt được sự cân bằng giữa chất lượng đầu vào và số lượng tuyển sinh. Bằng cách xác định điểm cân bằng này, nhà trường tự định vị uy tín và đẳng cấp của mình mà không cần đến sự kiểm soát của Bộ. Thật ra, hiện nay, một số nước như Hàn Quốc vẫn đang áp dụng chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu cho các trường tự quyết định số lượng tuyển sinh thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng có lẽ không đáng lo ngại lắm. Quy luật “cung – cầu” và sự đánh giá của xã hội sẽ giúp giải quyết chuyện này. Sẽ có hỗn loạn ban đầu. Một số trường có thể sẽ lợi dụng để tuyển sinh ồ ạt. Nhưng sau khoảng vài năm, nếu nó “sản xuất chủ yếu là hàng phế phẩm” thì nó tự đào thải. Xã hội cũng dần dần trưởng thành lên.

Câu chuyện thứ hai: tự chủ về tài chính

Đã có thời rộ lên câu chuyện cổ phần hóa các trường ĐH công lập. Rất may là chính phủ đã quyết định không đưa ra chủ trương đó. Từ năm 2005, Bộ GD-DT đã giao cho 5 trường ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp nhà nước, và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định nhà nước. Tuy vậy, nguồn thu học phí hệ chính quy vẫn phải tuân theo các định mức khung theo QĐ 70 và NĐ 49. Điều nghịch lý là đối với các doanh nghiệp, nhà nước không khống chế nguồn thu, chỉ kiểm soát việc chi; còn đối với trường ĐH được giao tự chủ thì nhà nước không khống chế việc chi tiêu mà lại khống chế mức thu. Bất cập đó đã khiến các trường công lập phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, từ việc mở rộng hệ tại chức đến các chương trình liên kết nước ngoài, chương trình chất lượng cao. Không dừng ở đó, các trường còn đề xuất được xác định 2 mức thu học phí cho chương trình đại trà, (i) mức thu theo khung quy định của nhà nước dành cho SV giỏi và diện chính sách; (ii) mức thu đủ bù chi và có tích lũy do nhà trường quyết định. Cơ chế này giống như “kế hoạch B”, thu học phí với mức giá của thị trường trong lúc đất đai và cơ sở vật chất của nhà trường vẫn là do nhà nước bao cấp. Nếu đề xuất này được thực hiện, nó có thể tháo gỡ khó khăn cho các trường công lập, nhưng sẽ tạo ra bất công, bất bình đẳng nghiêm trọng đối với khu vực ĐH ngoài công lập. Ngân sách nhà nước là tiền thuế của nhân dân, trong đó có gia đình của SV ngoài công lập đóng góp, quả là không công bằng nếu chỉ có SV trường ĐH công lập được hưởng đầu tư từ nguồn nhà nước.

Cái nhìn của công chúng

Công chúng nhìn vấn đề tự chủ của các trường như thế nào? Tự chủ vốn là tâm điểm của mối quan hệ ba bên: nhà nước, nhà trường, và xã hội, nhưng cho đến nay, chúng ta thấy cuộc thảo luận về nó mới chỉ diễn ra chủ yếu ở một chiều kích: quan hệ giữa nhà nước và nhà trường. Bên thứ ba là công chúng thì dường như chưa có tiếng nói nào đáng kể trong mối quan hệ ba bên ấy, nếu ta không tính đến những phản ứng có tính chất cá nhân nhưng tác động không nhỏ đối với xã hội, là làn sóng du học. Sinh viên, những người trực tiếp chịu tác động bởi các chính sách ấy, chưa hề có tiếng nói trên bàn nghị sự chính sách giáo dục. Trong bối cảnh sa sút chất lượng và tham nhũng giáo dục lan tràn, người dân nhìn vấn đề tự chủ của các trường với ít nhiều e ngại hay nghi hoặc, và họ có lý bởi vì tự chủ nếu không gắn với một cơ chế giải trình trách nhiệm chặt chẽ trước xã hội thì không hứa hẹn dẫn đến điều gì tốt đẹp.

Từ câu chuyện tự chủ về tài chính, có thể thấy nhà nước đang nới rộng dần không gian cho các trường công lập. Trong mọi hội nghị về đổi mới tài chính ĐH vài năm nay, luôn luôn có thể nghe hàng trăm ý kiến về việc phải tăng học phí. Một mặt cần thừa nhận rằng với mức học phí thấp hiện nay, rất khó nói đến chất lượng; nhưng mặt khác, cũng cần thấy rằng các trường đã rất năng động, sáng tạo trong việc giải quyết chỗ nghẽn về tài chính để tự mình bù đắp những bất cập của chính sách. Điều đáng nói là những “năng động, sáng tạo” ấy đã đem lại nhiều hậu quả không mong muốn: việc mở rộng hệ tại chức nhằm bảo toàn “nồi cơm” của các trường đã phải trả giá bằng chất lượng đào tạo giảm sút và nghiên cứu khoa học không thể phát triển ở các trường ĐH. Hơn thế nữa, các trường công hiện nay đang chú trọng việc đòi hỏi được tự quyết định mức thu học phí, hơn là quan tâm đến việc đem lại cho SV những giá trị gia tăng xứng đáng trong bốn năm học đủ đảm bảo cho họ khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu. Đó là vì họ chưa bị áp lực cạnh tranh bình đẳng với trường ngoài công lập, và vì hệ thống cấp phát ngân sách của nhà nước vẫn chưa dựa trên đánh giá kết quả đầu ra.

Tự chủ, vốn là bản chất cốt lõi và là điều kiện thiết yếu của hoạt động đại học, trong những năm qua đã và vẫn còn là chỗ thắt nghẽn của GDĐH, đến mức có hiệu trưởng một trường đã nói, xã hội cần một cuộc cởi trói toàn diện trong đó có các trường ĐH. Khó khăn lắm các trường mới từng bước “giành” được chút ít quyền tự quyết những vấn đề nội bộ của mình. Bộ GD-ĐT cũng rất khó khăn trong việc thay đổi quan niệm quản lý từ chỗ kiểm soát chuyển thành giám sát. Đó là một quá trình cọ xát giữa cái cũ và cái mới, một quá trình hoài thai và sinh nở đau đớn nhưng không thể tránh để hệ thống GDĐH từng bước đạt đến trình độ trưởng thành. Quan niệm hiện nay là các trường được giao quyền tự chủ ở mức độ phù hợp với năng lực và trình độ phát triển của họ. Tuy đã là một bước tiến nhưng đó vẫn là cái nhìn của cơ quan quản lý và còn nặng về kiểm soát. Đúng ra là các trường cần được trả lại quyền tự chủ và công việc của cơ quan quản lý nhà nước là thiết lập một cơ chế giải trình trách nhiệm để cân bằng quyền tự chủ và bảo đảm lợi ích của các bên liên quan: trước hết là bảo đảm ngân sách được sử dụng hiệu quả, và sau nữa là bảo vệ lợi ích cụ thể của người học. Tự chủ ĐH tuyệt nhiên không có nghĩa là giảm nhẹ vai trò của nhà nước, nó chỉ có nghĩa là nhà nước cần tập trung quyền kiểm soát và giám sát vào những lĩnh vực không ai có thể thay thế, và trả lại cho nhà trường quyền tự chủ vốn là điều kiện cần cho mọi sáng kiến và đổi mới.