Tác giả: PGS.TS. Cary J. Trexler,
Khoa Giáo dục Sư phạm, Trường Đại học (UC), Davis, Hoa Kỳ

Người dịch: Phạm Thị Ly

Nhằm đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chuyển đổi từ việc thực hiện chương trình đào tạo theo nhóm sinh viên được chia thành lớp theo kiểu Đông Âu (Sô viết) thành việc thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ kiểu Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm học 2008-2009 và đòi hỏi phải hoàn tất việc chuyển đổi này trước năm 2012. Theo những quan sát của tôi với tư cách một học giả Fulbright trong năm học 2007-2008, các trường đại học Việt Nam đang thực hiện việc chuyển đổi này nhưng có rất ít trường tạo ra được những thay đổi có tính chất cơ bản vốn rất cần cho việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Xét về thực chất, nhiều trường chỉ đang thực hiện những thay đổi bề mặt theo hệ thống mới, chẳng hạn như gắn những giá trị của hệ thống đào tạo dựa trên tín chỉ của Hoa Kỳ vào chương trình đào tạo hiện nay của Việt Nam, và chỉ như vậy mà thôi.

Để lập kế hoạch cho tương lai, chúng ta cần hiểu rõ quá khứ. Tuy vậy, về đại thể, không nhiều nhà khoa học Việt Nam hiểu rõ lịch sử và cơ chế hoạt động của hệ thống đào tạo theo tín chỉ Hoa Kỳ, vì vậy hẳn là sẽ rất khó khăn trong việc tái thiết các chương trình đào tạo bậc đại học theo những tiêu chuẩn mới này. Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng mở cái “hộp đen” hệ thống tín chỉ nhằm giúp các nhà giáo dục Việt Nam hiểu nguồn gốc của hệ thống tín chỉ Mỹ, cấu trúc của hệ thống này và những bộ phận hợp thành cần thiết để hệ thống ấy có thể hoạt động được; đồng thời tôi cũng sẽ làm rõ những ý kiến phê phán chủ yếu đối với hệ thống ấy.

Có nhiều thuật ngữ và định nghĩa được dùng trong bài này, do vậy Bảng 1. Định nghĩa các Thuật ngữ sẽ giúp người đọc nhanh chóng hiểu rõ những ý tưởng chính.

Bảng 1: Định nghĩa các Thuật ngữ

Giờ tín chỉ

(Credit-Hour)

Được bắt đầu từ đầu thế kỷ XX. Tiêu biểu là 50 phút giảng dạy. Mỗi tiết học 50 phút được tính như một giờ. Một tín chỉ được coi như một tiết lên lớp mỗi tuần trong vòng 15 tuần. Vậy nếu môn học này có 3 tiết lên lớp mỗi tuần trong vòng 15 tuần chẳng hạn, thì được công nhận là 3 tín chỉ.
Hệ thống Tín chỉ

(Credit system)

Một cách miêu tả có tính chất hệ thống một chương trình giáo dục bằng cách gắn đơn vị tín chỉ vào các thành tố bộ phận của chương trình. Tín chỉ trong GDĐH Hoa Kỳ dựa trên số giờ lên lớp của sinh viên và điểm số mà sinh viên đạt được trong môn học ấy.

 

Môn học

(Course)

Một loạt bài giảng tập trung vào một vấn đề khoa học cụ thể. Cũng có khi người ta dùng thuật ngữ “lớp” (class) để diễn đạt khái niệm này.

 

Chương trình học (Curriculum)

 

Một loạt các môn học tạo thành chương trình đào tạo, có thể là môn chính hay môn phụ.
Department Một bộ phận của trường có chức năng tổ chức đào tạo trong một chuyên ngành cụ thể. Ở Việt Nam thuật ngữ   Departments có nghĩa tương tự như faculty.

 

Môn tự chọn (Electives) Những môn trong số các môn học chính mà sinh viên lựa chọn để đăng ký học. Hệ thống môn tự chọn này cho phép sinh viên chọn lựa và theo học những môn nào đạt được những tri thức và kỹ năng mà họ quan tâm.

 

Hệ thống tín chỉ Châu Âu (European (Bologna) Credit System)

 

Một hệ thống lấy sinh viên làm trung tâm, dựa trên khối lượng làm việc sinh viên được yêu cầu phải thực hiện để đạt được mục tiêu của chương trình đào tạo, những mục tiêu này tốt nhất là có liên quan cụ thể đến kết quả học tập và năng lực cần đạt được.
Giảng viên

(Faculty)

Thành viên khoa học của trường đại học, những người thực hiện việc nghiên cứu hoặc giảng dạy.

 

Mục tiêu học tập (Learning objective)

 

Những tri thức và kỹ năng cụ thể mà sinh viên sẽ đạt được trong một môn học hay một chương trình học cụ thể.
Chuyên ngành (Major) Ngành khoa học được chọn làm lãnh vực chuyên ngành. Trong hệ thống học kỳ thì nó tương ứng với 120 tín chỉ trong vòng 4 năm.

 

Đề tài phụ

(Minor)

Ngành khoa học được chọn như chuyên ngành thứ yếu. tiêu biểu là 15 tín chỉ.

 

Đề cương môn học (Syllabus) Nội dung tóm tắt của môn học.   Đề cương môn học là một hợp đồng bất thành văn giữa giảng viên và sinh viên; đưa ra những mục tiêu học tập và kế hoạch hành động nhằm đạt mục tiêu đó.

 

Đơn vị

(Unit)

Có nghĩa tương tự như thuật ngữ giờ tín chỉ (credit-hour). Một hình thức tiêu chuẩn hóa việc tính đếm thời gian của khóa học.

 

Hệ thống tín chỉ Mỹ (US Credit-based System) Một phương pháp tiêu chuẩn hóa về việc đưa tín chỉ thành một đơn vị để tính toán việc hoàn thành một ngành học, dựa trên đơn vị giờ tín chỉ. Thời gian sử dụng cho việc lên lớp cùng với dấu hiệu đã đạt yêu cầu môn học.

 

Hệ thống giờ tín chỉ trong các trường đại học Hoa Kỳ

 Khác với Việt Nam, Hoa Kỳ không có những tiêu chuẩn giáo dục được quy định từ nhà nước trung ương. Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho các tiểu bang quyền xác định nội dung gì cần được giảng dạy ở tiểu học, ở phổ thông và đại học. Không có Bộ Giáo dục và Đào tạo để quy định nội dung chương trình hay quản lý việc thi cử ở phạm vi quốc gia, vì vậy mỗi tiểu bang xây dựng một mục đích giáo dục với những mục tiêu cụ thể, cũng như chương trình đào tạo qua chính quyền của tiểu bang. Đôi khi điều này cũng gây ra lắm vấn đề bởi vì không hề có cái gì gọi là một tiêu chuẩn cấp quốc gia.

Khoảng cuối thế kỷ 19, hệ thống tín chỉ của các trường đại học Mỹ được bắt đầu như một cách để khắc phục những vấn đề của giáo dục trung học. Những nỗ lực này là do một tổ chức phi chính phủ rất có quyền lực và được tài trợ rất mạnh có tên là Quỹ Carnegie Vì sự Tiến bộ trong Chất lượng Giảng dạy[1]. Các trường trung học phổ thông lúc ấy trải qua một sự tăng trưởng số lượng học sinh cực lớn; và cùng với việc ngày càng nhiều trường học ra đời, ngày càng nhiều học sinh tốt nghiệp, bắt đầu có nhu cầu tiêu chuẩn hóa giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn hóa việc tuyển sinh vào đại học, bởi vì mỗi trường có mỗi hệ thống khác nhau để lưu giữ hồ sơ học tập. Sau nhiều cuộc tranh luận, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, một tổ chức phi chính phủ, tuyên bố rằng “mọi phương pháp giảng dạy và phân bố thời gian đối với mọi môn học ở bậc phổ thông đều nên như nhau” (p. 17). Kết quả sau cùng là các môn học được xác định độ dài thời gian dựa trên các đơn vị, được tính trên cơ sở giờ lên lớp của người học. (Shedd, 2003, p. 7), đơn vị này được biết tới dưới tên gọi đơn vị Carnegie do vai trò lãnh đạo của tổ chức này. Để thúc đẩy các trường đại học Hoa Kỳ chấp nhận đơn vị này, Quỹ Carnegie đã chi ra 10,000 USD (tương đương với 1 tỷ USD ngày nay) cho các trường đại học để thành lập một quỹ hưu bổng cho các giáo sư, những người không có lương hưu. Đổi lại, Quỹ Carnegie yêu cầu các trường chấp nhận hệ thống “đơn vị” của các trường trung học trong việc tuyển sinh đầu vào. Nói cách khác, Quỹ Canergie đã dùng nguồn lực tài chính của mình như một cách để khuyến khích các trường chấp nhận cải cách theo cái lối mà Quỹ chủ trương.

Cùng với việc cải cách giáo dục trung học, Quỹ Carnegie cũng quan sát thấy hầu hết các trường đại học Hoa Kỳ hoạt động một cách độc lập theo những cơ chế cấu trúc khác nhau. Ý tưởng về tiêu chuẩn hóa, chuyên biệt hóa, và những khả năng của kỹ thuật trở thành những nhân tố văn hóa ngày càng quan trọng trong đời sống người dân Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến việc các trường đại học công đứng trước thử thách phải biện minh được những nguồn tài chính công được đầu tư cho họ. Kết quả là một hệ thống đơn vị, hay thước đo được tạo ra để đo lường năng suất, hiệu quả. “Giờ học” được định nghĩa là “một giờ giảng, thí nghiệm thực hành, hay học bài, đối với một học sinh”(Barrow, 1990, p. 70).   Việc chấp nhận giờ tín chỉ sinh viên (student credit hour -SCH) đem lại một phương pháp giúp chính quyền tiểu bang xác định tỉ lệ hoàn vốn cho việc đầu tư vào giáo dục đại học. Hơn nữa, thước đo này cho phép so sánh các trường với nhau, dù rằng nó không tính tới các hoạt động nghiên cứu, vì nhiều giáo sư không chỉ giảng dạy mà còn thực hiện việc nghiên cứu nữa.

Ngày nay, hệ thống tín chỉ trong các trường đại học Hoa Kỳ đòi hỏi phải hoàn thành thường là 120 tín chỉ trong vòng 4 năm để có một bằng đại học. Điều này tương đương với 15 tín chỉ mỗi học kỳ[2]. Khi xác định khối lượng công việc cho sinh viên, các trường đại học Hoa Kỳ không chỉ tính đến giờ tiếp xúc với giáo sư, mà còn tính đến cả khoảng thời gian sinh viên cần có để thực hiện việc chuẩn bị dự án, viết báo cáo khoa học, nghiên cứu tự học. Tín chỉ phản ánh toàn bộ khối lượng công việc, cả trong và ngoài lớp học. Một bài giảng tiêu biểu là 3 tín chỉ, trong đó có 3 giờ lên lớp mỗi tuần (thường là 3 lần/tuần, mỗi lần 50 phút), cùng với 6-9 giờ làm việc ngoài lớp học (1 giờ trong lớp đòi hỏi 2-3g chuẩn bị và tự học bên ngoài lớp học. Như vậy tổng số khối lượng công việc của một tín chỉ là 3-4 giờ (kết hợp cả giờ lên lớp và giờ làm việc ngoài lớp học). Nhìn chung, một sinh viên đăng ký 15 tín chỉ mỗi học kỳ sẽ có 15 giờ lên lớp và khoảng từ 30-45 giờ làm việc ngoài lớp.

 

Tương tự, giảng viên đại học cũng làm việc bên ngoài lớp học để soạn bài, cho điểm, và theo đuổi các hoạt động chuyên môn khác từ hai đến ba giờ cho mỗi giờ lên lớp. Một giảng viên đại học làm việc toàn thời gian điển hình sẽ dạy 4 lớp mỗi học kỳ, với tổng số giờ lên lớp khoảng 12 giờ. Ngoài thời gian lên lớp, họ còn phải 1/Viết đề cương bài giảng, 2/ thiết kế các hoạt động học tập, bài tập và bài kiểm tra, 3/chấm bài và cho điểm sinh viên, 4/cập nhật tư liệu nghiên cứu cho môn học, 5/ cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên ngành của mình, 6/ có mặt tại văn phòng trong một số giờ nhất định để tiếp sinh viên khi họ cần giúp đỡ (Zjhra, 2008).

Hệ thống tự chọn môn học  

Một nhân tố sống còn của hệ thống tín chỉ Mỹ là hệ thống tự chọn môn học. Hệ thống môn tự chọn bắt đầu ở Đại học Harvard trong những năm 1880 nhằm kích thích sự tò mò ham học của sinh viên. Hầu hết các trường đại học đã đi theo con đường này của Harvard và thay đổi chương trình được tiêu chuẩn hóa của họ thành hệ thống tự chọn. Điều này “làm thay đổi một cách căn bản nội dung của tấm bằng đại học từ chỗ là một thứ được cấp dựa trên cơ sở một chương trình tổng hợp đến chỗ dựa trên việc hoàn thành một loạt các môn học” (Shedd, 2003, p. 9). Việc tạo ra các môn mới trong hệ thống tự chọn dẫn tới sự phát triển các môn học chuyên ngành, các lĩnh vực học thuật, và tri thức sâu rộng trong từng ngành hẹp, vốn là nền tảng của phần lớn các trường đại học Hoa Kỳ.

Các môn tự chọn cho phép sinh viên đăng ký học những môn do chính họ quyết định chọn. Một số môn tự chọn là một phần của chương trình chuyên ngành và cho phép sinh viên cụ thể hóa trong những lĩnh vực cho trước. Chẳng hạn, sinh viên ngành Khoa học Thực phẩm có thể chọn môn Chế biến Thực phẩm, hay Cách làm Rượu bia, hay Khoa học về Các Giác quan liên quan đến Thực phẩm, bằng cách chọn một số tín chỉ chuyên ngành. Những môn tự chọn trong các chuyên ngành hẹp này giúp họ tập trung mục tiêu vào lĩnh vực mà họ quan tâm và rèn luyện những kỹ năng, kiến thức mà thị trường tuyển dụng cần. Những môn tự chọn tự do cho phép sinh viên đăng ký học bất cứ chủ đề nào. Sinh viên có thể chọn những môn về bản chất có tính chất dạy nghề hay những môn đem lại tri thức sâu hơn hoặc chuyên biệt hơn trong phạm vi ngành học. Điều quan trọng là hệ thống tự chọn đem lại cho sinh viên một cơ hội để phân biệt bản thân mình với người khác, theo đuổi những mối quan tâm riêng của mình, và xây dựng tương lai nghề nghiệp dựa trên thế mạnh và tài năng của mình.

Miêu tả một Chương trình Đào tạo Chuyên ngành

Một chuyên ngành đào tạo là một chương trình được xây dựng hoàn chỉnh gồm nhiều môn học. Một cách thiết kế chương trình có ý nghĩa sẽ đòi hỏi xây dựng mục tiêu học tập cho sinh viên, sẽ dựa trên những nhân tố đầu vào từ bên ngoài của các bên liên quan chẳng hạn như thị trường việc làm và yêu cầu của xã hội; cũng như dựa trên việc xây dựng các bộ môn chuyên ngành hẹp nhằm đáp ứng những mục tiêu này và đem lại cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng và thái độ mà họ cần có. Hầu hết các chương trình đào tạo bậc đại học ở Hoa Kỳ được tổ chức theo cách tương tự như vậy, với những khác biệt không đáng kể giữa các trường. Điển hình là văn bằng thứ nhất kết hợp giữa những yêu cầu của trường về kiến thức rộng bao gồm truyền thông giao tiếp, toán học, khoa học tự nhiên, giáo dục tổng quát, vi tính và ngoại ngữ, với những yêu cầu của chương trình về chuyên ngành thực sự, cùng vói những môn phụ nếu có. Các môn phụ này cũng là những môn chuyên ngành nhưng không sâu như môn chuyên ngành chính. Gần đây các trường đại học Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về việc thiếu những phân tích nói chung về tri thức và kỹ năng của những sinh viên tốt nghiệp, những thứ đáng lẽ phải là nền tảng để hình thành chương trình đào tạo chuyên ngành ở cấp khoa. Sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống đào tạo theo tín chỉ Hoa Kỳ và Châu Âu (Bologna) là trong hệ thống châu Âu, tín chỉ được coi là thước đo việc đáp ứng mục tiêu học tập (Heinze & Knill, 2008), do vậy, đánh giá việc học tập là một phần không thể thiếu. Gần đây việc thực hiện thiết kế chương trình có ý nghĩa đã được thực hiện trong hệ thống tín chỉ Hoa Kỳ như một phần của việc tiếp thu và vận dụng hệ thống tín chỉ Châu Âu.

Đề cương môn học- Nội dung học tập và một hợp đồng bất thành văn giữa giảng viên và sinh viên

 Để hướng dẫn việc học, mỗi môn học đều có một Đề cương Môn học do giảng viên xây dựng. Đề cương môn học (syllabus) được định nghĩa là tóm tắt nội dung của môn học (Merriam-Webster, 2008). Đề cương Môn học có năm mục đích rõ ràng: 1) là một hợp đồng bất thành văn giữa giảng viên và sinh viên; 2) trao đổi với sinh viên, với khoa và trường về mục đích của môn học và cách đạt được mục đích ấy; 3) chia sẻ về kế hoạch hoạt động của môn học; 4), giải thích rõ ràng quy trình đánh giá, và 5) đem lại một sơ đồ tri nhận cho hành trình của trí tuệ. Theo truyền thống ở các trường đại học Hoa Kỳ, ngày đầu tiên bắt đầu môn học là để nói về Đề cương môn học.

Được coi như lộ trình của môn học, đề cương môn học cung cấp những thông tin về mục tiêu học tập, các hoạt động học tập, các yêu cầu đánh giá, và các dịch vụ hỗ trợ. Phần lớn đề cương môn học đều có các thành phần sau đây:1) Định nghĩa và Tổng quan về Môn học 2) Thông tin liên lạc và địa chỉ liên hệ với giảng viên, 3) Tóm tắt nội dung cụ thể của môn học, 4) Tiêu chuẩn đánh giá, 5) Các tiêu chí cho điểm, 6) Hạn chót nộp các bài làm, và 7) Giáo trình, Phần mềm, Thiết bị và Công cụ cần cho môn học.

Đề cương môn học đem lại những thông tin minh bạch về kỳ vọng của môn học, một khái niệm có thể là mới đối với cả giáo viên và sinh viên Việt Nam. Khi tôi dạy một lớp ở bậc đại học ở Việt Nam, sinh viên không hiểu rằng tôi có nhiều bài tập được tính điểm để đưa ra kết quả học tập sau cùng của họ, vì họ quen với việc chỉ làm có mỗi một bài thi hết môn. Tôi nhắc đi nhắc lại rằng nên tham khảo đề cương môn học; hầu hết sinh viên đều ngạc nhiên thấy rằng hạn chót nộp bài và quy trình cho điểm đã được nêu ra rất rõ ràng. Sinh viên Việt Nam của tôi cũng hỏi tôi nhiều lần về cấu trúc môn học và bài tập dù nó đã được nêu rất rõ trong Đề cương môn học (đáng buồn là cả sinh viên Mỹ cũng y như thế!). Hai sự kiện ấy cho tôi thấy rằng sinh viên Việt Nam chưa quen với việc sử dụng Đề cương môn học.

Những ý kiến phê phán về Hệ thống Đào tạo theo Tín chỉ

Những ý kiến phê phán về hệ thống đào tạo theo tín chỉ thay đổi rất ít kể từ khi nó khởi đầu cách đây hàng trăm năm. Có hai ý kiến phê phán chủ yếu. Trước hết là việc tính đếm các môn học sao cho tương đương với một bằng cử nhân. Năm 1934, Lowell (được Dietrich 1955 trích dẫn) phản đối “cái thói coi trường đại học như một cái nhà băng để tích lũy kết quả học tập nơi người ta gửi vào các tín chỉ để cân bằng với các yêu cầu tốt nghiệp, hay để được chấp nhận theo học những bậc học cao hơn” (p. 667). Nói cách khác, khi một sinh viên hoàn thành một môn học, một số tín chỉ được tích lũy trong hồ sơ của họ ở trường đại học giống như gửi tiền vào ngân hàng để sau đó được “biến thành tiền mặt” trong tấm bằng tốt nghiệp đại học. Những người phê phán tin rằng điều này tạo ra một hệ thống rời rạc vì sinh viên sẽ nghĩ rằng giáo dục đại học không phải là một quá trình lũy tiến, mà là một loạt các tín chỉ đạt được do theo học từng môn riêng lẻ. Ý kiến phê phán thứ hai nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chương trình đào tạo. Khi Quỹ Carnegie lôi kéo các trường (bằng kế hoạch cấp hưu bổng) chuyển sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ, họ làm như vậy là để giáo dục được tiêu chuẩn hóa, nhưng khi giáo viên được trao cho quá nhiều quyền tự chủ, họ quyết định luôn cả mục tiêu học tập và nội dung môn học. Kết quả là có rất nhiều khác biệt trong mục tiêu học tập, tiêu chuẩn cho điểm, và nội dung môn học giữa các trường đại học, và thậm chí giữa các môn trong cùng một khoa do những giảng viên khác nhau giảng dạy. Tín chỉ thường là chuyển đổi được giữa các trường, điều này rất thuận lợi cho sinh viên trong một xã hội có tính cơ động cao, vì vậy tiêu chuẩn hóa là rất cần thiết. Nhưng trong thực tế, chẳng có gì bảo đảm rằng những tín chỉ do các trường khác nhau cấp là thực sự tương đương với nhau. Dù cho có những trở ngại và hạn chế, nhưng lợi ích của sự linh hoạt và có thể chuyển đổi này đã tạo điều kiện cho sự tiếp cận giáo dục đại học rộng rãi ở Hoa Kỳ.

Tóm tắt/ Kết luận

Hệ thống Hoa Kỳ mở ra vào thời điểm của giáo dục đại chúng và hợp lý hóa các tổ chức xã hội nói chung. Những lực lượng này tạo điều kiện cho việc thiết kế một hệ thống tiêu chuẩn hóa cho phép sinh viên chuyển từ trường phổ thông vào các trường đại học và cao đẳng. Hệ thống tín chỉ, được xây dựng cho giáo dục phổ thông và được các trường đại học điều chỉnh lại, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn hóa việc đào tạo của các trường đại học. Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò nòng cốt trong sự chuyển đổi này vì giáo dục là chức năng của từng tiểu bang chứ không phải của nhà nước liên bang Hoa Kỳ.

Đồng thời với việc áp dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ, các trường đại học cũng chuyển từ chương trình đào tạo tiêu chuẩn hóa cho tất cả sinh viên thành ra hệ thống môn học tự chọn cho phép sinh viên được quyết định môn học tùy theo thế mạnh và mối quan tâm của mình. Sự phát triển các chuyên ngành là một trong những điểm xác định cấu trúc tổ chức của hệ thống đại học Hoa Kỳ. Chuyên ngành là một chương trình đào tạo được tổ chức chặt chẽ trong một lĩnh vực khoa học cụ thể với nhiều tín chỉ tự chọn khác nhau. Đối với mỗi môn học, giảng viên soạn đề cương môn học, đề cương này được xem như một hợp đồng giữa giảng viên và sinh viên, xác định rõ mục tiêu học tập, chi tiết vận hành, và nội dung của môn học.

Những ý kiến phê phán về hệ thống đào tạo theo tín chỉ bao gồm sự đánh đồng các môn học đối với việc cấp bằng, và thiếu một cơ chế bảo đảm sự tương đương giữa những môn học có thể chuyển đổi. Hệ thống Bologna của Châu Âu đáp ứng với những phê phán này bằng cách bổ sung thước đo mục tiêu học tập cho các tín chỉ và bằng cấp. Điểm mạnh của hệ thống Hoa Kỳ là tính chất linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm và của sinh viên; cũng như cho phép thực hiện những cải tiến trong việc đào tạo; cả hai điều này đều là dấu hiệu ưu tú của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Ngay cả khi có những trở ngại đối với hệ thống đào tạo theo tín chỉ, các hệ thống xếp hạng quốc tế vẫn liên tục xếp hạng các trường đại học Hoa Kỳ cao hơn bất cứ quốc gia nào khác. Không một hệ thống nào cho phép khả năng linh hoạt và chuyển đổi lại có thể hoàn hảo, và tập trung vào tiêu điểm chính của hệ thống tín chỉ và các môn học tự chọn là rất thích hợp với nguyện vọng của Việt Nam: tạo ra một nền giáo dục đẳng cấp quốc tế có thể đào tạo một lực lượng lao động dựa trên những điểm mạnh, mối quan tâm và nguyện vọng của sinh viên.

Ghi chú:

 

[1] Quỹ Carnegie vì sự Tiến bộ trong Giảng dạy (Carnegie Foundation for the Advancement of Teaching) là một tổ chức phi chính phủ có mục đích cải thiện chất lượng giảng dạy trong các trường trung học và đại học ở Hoa Kỳ. Vì Quỹ này có môt nguồn tài chính khổng lồ, họ xác định những lãnh vực nào là cần thiết và đầu tư tiền bạc vào đó để tạo ra sự thay đổi. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, Quỹ này nhìn thấy nhu cầu tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia cho những tiêu chí tốt nghiệp trung học để có thể tuyển sinh vào đại học dựa trên kết quả học tập ở phổ thông, cũng như nhu cầu tiêu chuẩn hóa cấu trúc các trường đại học.

[2] Một học kỳ gồm 15 tuần; nhiều trường hoạt động theo đơn vị thời gian là 10 tuần được gọi là một quý (‘quarters’ ). Có 4 quý trong một năm nhưng sinh viên thường chỉ tham gia hoạt động trong 3 quý. 2 tín chỉ học kỳ tương đương với 3 tín chỉ quý.