TỪ THỰC TẾ NHIỀU TRƯỜNG ĐÓNG CỬA MỘT SỐ NGÀNH HỌC: NHU CẦU VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG GIÁO DỤC

Phạm Thị Ly (2011)

Đến nay tuy chưa có số liệu tổng hợp cả nước về số trường có ngành học phải đóng cửa và tổng số ngành học bị đóng cửa trong cả hệ thống giáo dục đại học, nhưng thực tế nói trên đã là một hiện tượng nổi bật của năm nay ở cả hai hệ thống đại học công lập và tư thục. Bức tranh chung là những ngành phải đóng cửa không chỉ bao gồm khoa học xã hội và nhân văn (như ở ĐH Đồng Tháp), các ngành kỹ thuật như nông nghiệp, chăn nuôi (ĐH An Giang, ĐH Đà Lạt,.. ) mà kể cả các ngành đã từng thu hút nhiều thí sinh như kinh tế, ngoại ngữ… ở một số trường cũng không có đủ người để mở lớp (như ở ĐH Văn Hiến, ĐH Đà Nẵng, ĐH Nông Lâm…). Hậu quả tức thời là hạ điểm sàn, treo thưởng, khuyến mãi, cùng với nhiều “tiểu xảo” để thu hút thí sinh, những hiện tượng chỉ góp thêm sự bát nháo vào một hệ thống vốn đã nhiều bất cập và góp phần làm tổn hại những tiêu chuẩn học thuật lành mạnh. Hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn là lãng phí nguồn lực của giáo dục và nhất là tạo ra tác động tiêu cực cho việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là: phải chăng chúng ta có quá nhiều trường đại học so với số người có đủ năng lực trí tuệ hoặc tài chính để theo đuổi bậc đại học? Hay là do hệ thống tuyển sinh có vấn đề? Hay xu hướng “đào tạo theo nhu cầu xã hội” đã diễn biến lệch lạc những năm qua và bây giờ là lúc chúng ta nhìn thấy hậu quả? Để trả lời những câu hỏi đó, chúng ta không thể phỏng đoán mà cần có dữ liệu. Rất đáng tiếc là việc thu thập dữ liệu để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách ở nước ta rất ít được chú trọng. Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện và cập nhật thường xuyên đáng lẽ là một trong những việc trọng tâm của Bộ GD-ĐT, hay ít nhất là của Viện Khoa học Giáo dục trực thuộc Bộ, nhưng nhiều năm qua không được chú trọng đúng mức, có thể vì Bộ đã quá bận rộn với việc làm thay cho các trường những việc đúng ra là việc của các trường. Kết quả là, có rất nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi về nguyên nhân của hiện tượng này, mà chúng ta không có cơ sở để khẳng định câu trả lời nào là đúng, vì không có đủ dữ liệu. Tuy vậy, có một câu trả lời chúng ta có thể khẳng định mà không sợ võ đoán: một trong các nguyên nhân, nếu không nói là nguyên nhân chính của vấn đề này, là nhiều năm nay chúng ta đã không có một bản Quy hoạch Tổng thể cho hệ thống giáo dục đại học. Việc thành lập trường đại học, nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học, hầu như chỉ dựa vào hồ sơ của các trường, tức chỉ xem xét có đủ điều kiện hay không về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất; chứ không căn cứ vào quy hoạch trung hạn và dài hạn của cả hệ thống giáo dục, bởi vì chúng ta chưa có bản quy hoạch đó.

Nhu cầu xây dựng Quy hoạch Tổng thể cho hệ thống giáo dục đại học là hết sức bức thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là không nhận thức rõ về điều này và đang ráo riết thúc đẩy Dự án Giáo dục Đại học 2 hoàn thành bản Quy hoạch Tổng thể, với kỳ vọng Bản Quy hoạch này sẽ đưa ra một tầm nhìn chiến lược, cùng với một lộ trình khả thi để phát triển toàn bộ hệ thống giáo dục sau trung học giai đoạn 2011-2020.

Một trong những nội dung quan trọng của bản Quy hoạch này là tầm nhìn về việc phân tầng hệ thống. Ý tưởng chủ yếu của việc phân tầng là tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và lành mạnh, bao gồm các loại trường khác nhau, với những sứ mạng khác nhau, và do đó có cơ chế hoạt động và mức độ phân bổ nguồn lực khác nhau. Có thể hình dung một hệ thống ba tầng bậc: trên đỉnh hình tháp là các đại học định hướng nghiên cứu, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên (SV), tiếp theo là các đại học định hướng giảng dạy, chiếm khoảng 40% tổng số SV, và tầng dưới cùng là các trường cao đẳng cộng đồng, trường nghề, chiếm khoảng 50% số SV (bao gồm cả các trường hiện nay do Bộ LĐTBXH quản lý).

Công cụ để tạo ra hệ thống phân tầng này là tiêu chí phân loại, kèm theo là chính sách tương ứng. Bộ GD-ĐT không áp đặt trường nào thuộc loại nào, và các trường cũng không nhất thiết vĩnh viễn được xếp trong một tầng nào đấy. Các trường thuộc loại nào là do bản thân hoạt động của các trường ấy đáp ứng tiêu chí của tầng nào. Các trường sẽ cân nhắc nguồn lực hiện tại của mình để xác định thế mạnh của mình là thuộc vào phân khúc nào. Để thực hiện tầm nhìn này, Bộ GDĐT cần có thu thập dữ liệu để biết hiện nay theo những tiêu chí như thế thì chúng ta đang có bao nhiêu trường thuộc tầng thứ nhất, thứ hai, và thứ ba; từ đó xây dựng các chính sách phân bổ tài chính để khuyến khích các trường lựa chọn sứ mạng của mình theo những lợi thế cạnh tranh mà mình có. Chẳng hạn, nhà nước muốn có ít trường đại học nghiên cứu thì sẽ xây dựng chính sách tài chính ưu tiên đặc biệt cho đại học nghiên cứu, kèm theo đó là những tiêu chí nghiêm ngặt về tỉ lệ giáo sư, về số giảng viên tốt nghiệp từ các trường được xếp hạng; về công bố khoa học quốc tế, về tỉ lệ đào tạo sau đại học, về số ngân quỹ nghiên cứu giành được; về số lượng các công trình hợp tác quốc tế, v.v. Sẽ có rất ít trường đạt được những tiêu chí đó và những trường ấy sẽ được đầu tư lớn để họ chuyên tâm vào nghiên cứu mà không cần (và không được phép) dạy tại chức để kiếm sống. Những trường khác xác định sứ mạng của họ là tập trung vào giảng dạy thì sẽ yêu cầu giảng viên của họ thấp hơn trong hoạt động nghiên cứu, mà chủ yếu đòi hỏi giảng viên cập nhật kiến thức và nỗ lực trong hoạt động đào tạo. Họ sẽ nhận một mức phân bổ ngân sách trên đầu sinh viên thấp hơn, và được phép đào tạo tại chức chẳng hạn.

Khi hệ thống đại học được phân tầng như vậy, điều quan trọng nhất là chính sách đi kèm để định hình và củng cố các trường. Chẳng hạn, để phát triển hệ thống cao đẳng cộng đồng nhằm đào tạo lao động kỹ thuật bậc trung cho nền kinh tế, thì cần có chính sách liên thông giữa cao đẳng và đại học. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, khi học sinh đứng trước lựa chọn giữa đại học và trường cao đẳng: học phí thấp hơn hẳn, thời gian học chỉ hai năm, có thể tìm việc làm dễ dàng, và có thể tiếp tục học thêm hai năm nữa để lấy bằng đại học khi cần, thì họ sẽ có cân nhắc và lựa chọn trường cao đẳng. Đối với các nhà chính trị và cải cách, thì đại học có thể xem là hàng hóa công, vì thành công hay thất bại của mỗi người trong sự học có ảnh hưởng đến xã hội, nhưng đối với người học, theo đuổi giáo dục sau trung học chỉ là một sự đầu tư cho tương lai nhằm tìm kiếm những cơ hội tốt hơn, với họ giáo dục thực chất là một hàng hóa tư. Đã là đầu tư thì người ta sẽ tính chi phí cơ hội, và sẽ có lựa chọn tốt nhất cho chính họ. Người làm chính sách thông minh là người thiết kế những cơ cấu để tổng hợp sự lựa chọn của các cá nhân phù hợp với tổng thể của nền kinh tế.

Cũng như vậy, nhà nước xác định những bộ môn khoa học cơ bản và khoa học kỹ thuật là những ngành quan yếu nhưng thị trường không có đủ động lực để xây dựng những ngành này, thì sẽ có đầu tư thích hợp cho những ngành đó để thu hút người học, thông qua học bổng và hỗ trợ lương bổng cho những ngành học mà nhà nước muốn duy trì. Các địa phương cũng có thể tham gia quá trình định hướng chính sách này. Ví dụ An Giang đang cần có kỹ sư nông nghiệp, thì sẽ cấp học bổng cho sinh viên ngành này, để thu hút người học chẳng hạn.

Chúng ta cũng cần làm quen với tư duy xem việc trường này trường khác đóng cửa ngành này ngành nọ là một việc bình thường. Hiện tượng này biểu hiện những vận động tất yếu của cuộc sống. Điều đáng suy nghĩ, không phải là bản thân hiện tượng đóng cửa ngành hay đóng cửa trường. Điều đáng suy nghĩ là những nguyên nhân phía sau và những hậu quả phía trước. Nếu đóng cửa ngành học do những vận động thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, thì đó là điều bình thường. Nhưng nếu đóng cửa ngành học là do mở trường mở ngành quá nhiều hay do chính sách không phù hợp, thì cái giá phải trả là không nhỏ đối với từng cá nhân, từng trường và đối với cả nền kinh tế. Quy hoạch Tổng thể hệ thống giáo dục đại học, nếu được thiết kế đúng đắn, và nhất là nếu được kèm theo một loạt các chính sách thích hợp, là một công cụ giúp giảm bớt những trường hợp đóng cửa ngành hay đóng cửa trường một cách “oan ức” như vậy.