Phạm Thị Ly (2011)

(Tham luận tại Tọa đàm ” Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục” do Trường ĐH Mở Tp. HCM phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức
ngày 18/3/2011 tại TPHCM).

Xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, là một chủ trương lớn của Nhà nước. Chủ trương này có mục tiêu chính là phát huy sức mạnh toàn dân, tạo ra những chuyển biến tốt hơn về chất lượng giáo dục bậc cao. Tuy nhiên khi đi vào thực tế, chủ trương này đã bị nhiều người hiểu đơn giản chỉ là chuyển gánh nặng tài chính sang vai người dân. Bài viết này bàn về một cách hiểu toàn diện cho khái niệm “xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục”, theo lối hiểu phù hợp với thông lệ quốc tế và nhất quán với những chủ trương chính thức của Nhà nước. Xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục với ý nghĩa đó bao gồm sự tham gia của nhiều bên, nhiều thành phần xã hội trong quá trình quản trị trường đại học và hệ thống đại học, nhằm giúp trường đại học thực hiện tốt nhất vai trò và sứ mạng của nó để phục vụ cho lợi ích của quốc gia. Trong nhiều bên tham gia ấy, tác nhân quan trọng nhất vẫn là Nhà nước; do vậy một phần của bài này cũng sẽ bàn đến vai trò của nhà nước trong một hệ thống giáo dục đại học đã được xã hội hóa.

Giáo dục đại học và dịch vụ công

Giáo dục, từ bản chất, được xem là một dịch vụ công. Dịch vụ công (public service) là dịch vụ do Nhà nước cung cấp cho dân qua các tổ chức Nhà nước hay qua việc hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân. Khái niệm về dịch vụ công dựa trên ý tưởng cho rằng một số dịch vụ nên được coi như quyền lợi tối thiểu mà mọi công dân có quyền được hưởng, bất kể thành phần kinh tế, bởi vì những dịch vụ đó liên quan tới quyền con người và có những hậu quả liên đới trực tiếp tới quá trình phát triển xã hội và lợi ích công.

Ở các nước phát triển, giáo dục phổ thông chủ yếu do Nhà nước bảo trợ hoặc cung cấp và hoàn toàn miễn phí cho mọi người dân. Bên cạnh các trường công, còn tồn tại hệ thống trường tư thục hoặc dân lập nhằm đáp ứng nhu cầu cho những người có điều kiện tài chính tốt hoặc các nhóm tôn giáo. Tuy là trường tư, nhưng trong thực tế các trường này cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần về tài chính dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số nước châu Âu như Anh và Đức trước đây, cũng như một số nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô cũ, Trung Quốc trước năm 1998, và cả Việt Nam trong thập kỷ 60-90) cũng bao cấp cả cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ gần đây, quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học cùng với chi phí tăng cao dành cho việc đào tạo và nghiên cứu đã dẫn đến một hệ quả không thể tránh khỏi là chính sách bao cấp ấy phải thay đổi, và đại học càng ngày càng phụ thuộc vào học phí của sinh viên để tồn tại. Vả lại, thu nhập vượt trội của người tốt nghiệp ĐH so với người chưa học ĐH[2] làm cho việc theo đuổi giáo dục bậc đại học thực sự là một cuộc đầu tư cho tương lai, và cung cấp giáo dục đại học đã trở thành một thị trường năng động.

Tuy vậy, cần lưu ý dịch vụ công là một loại dịch vụ không thể phó mặc cho thị trường (vốn có tính loại trừ, cạnh tranh, và vì lợi nhuận). Những ngành học rất cần cho tương lai quốc gia (như khoa học cơ bản) mà thị trường không thể đáp ứng đủ (do lý do lợi nhuận) sẽ không được các đại học tư chú ý đầu tư. Chúng ta đã thấy điều này trong thực tế: một thị trường tự do về giáo dục sẽ đào tạo quá nhiều cử nhân quản trị kinh doanh, vi tính, tiếng Anh, kế toán, bởi vì đào tạo những ngành trên đòi hỏi chi phí thấp, nhu cầu thị trường nhiều, thu lợi nhanh. Trong khi đó, việc đào tạo về khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), kỹ thuật và công nghệ cao không được các đại học tư quan tâm. Lý do vì đào tạo kỹ thuật thì cần đầu tư cho trang thiết bị, phòng thí nghiệm rất đắt tiền, xét trong ngắn hạn và xét về tỷ suất lợi nhuận đối với cơ sở đào tạo thì thấp. Thị trường giáo dục cũng không có động cơ để chú trọng đến ngành khoa học xã hội và nhân văn, dù đây là một ngành rất cần duy trì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế. Đại học tư cũng rất ít, thậm chí không đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Nếu nghiên cứu khoa học là một tiêu chuẩn của một “đại học”, có thể nói rằng phần lớn các đại học tư hiện nay ở Việt Nam chỉ là những cơ sở dạy nghề, chứ không phải “đại học”.

Chính vì vậy, xã hội hóa giáo dục không phải là giao phó hệ thống giáo dục cho thị trường và để nó vận hành theo quy luật thị trường. Vai trò của Nhà nước không chỉ là thiết kế khung chính sách cho hoạt động của cả hệ thống giáo dục mà còn là thực hiện nhiệm vụ bổ sung cho những khiếm khuyết của thị trường.

Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và một số khuyến nghị

Vấn đề tài chính

Số lượng trường đại học và cao đẳng tư tăng nhanh trong vòng một thập kỷ qua[3] là một hiện tượng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn về giáo dục bậc cao của công chúng mà các trường đại học công không thể đáp ứng đầy đủ. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, chính các trường đại học công cũng đang trở thành những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục qua các hệ đào tạo ngoài chính quy để có những nguồn thu ngoài ngân sách. Nguồn tài chính cho giáo dục đang ngày càng dựa nhiều hơn vào xã hội và người dân. Từ năm 2001 đến 2008, tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục tăng gấp ba lần (127.675 tỷ tăng đến 407.095 tỷ đồng) trong lúc tổng chi xã hội cho giáo dục tăng gấp bốn lần (từ 23.344 tỷ đến 95.167 tỷ đồng). Riêng trong giáo dục đại học, số liệu năm 2009 cho thấy học phí chiếm đến 52% trong cơ cấu tổng thu của các trường. Với các trường ngoài công lập, trong 41 trường có số liệu báo cáo, chỉ 13 trường có nguồn thu khác ngoài học phí, ở 28 trường còn lại thì học phí là nguồn thu duy nhất. Khoản thu ngoài học phí (từ các dịch vụ được tổ chức trong trường, hoặc từ các nguồn tài trợ) có tỷ trọng rất nhỏ (chỉ 12% với một số ít trường tư và 18% đối với trường công) [4]. Như vậy là trong thực tế, giáo dục đang được “xã hội hóa” theo nghĩa gánh nặng chi phí đang chủ yếu đặt trên vai người dân.

Tuy vậy, vì ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đã chạm ngưỡng 20% tổng chi ngân sách và đã chiếm đến 6,5% GDP (số liệu 2008), nên khó kỳ vọng tăng thêm nguồn tài chính cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và không thể tiếp tục bao cấp, Nhà nước cần đầu tư cho lĩnh vực nào. Cần một quy hoạch tổng thể hợp lý trong cả hệ thống để ngân sách nhà nước có thể tập trung đầu tư cho những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không đủ khả năng hoặc động lực đủ mạnh để đáp ứng. Khuyến nghị của chúng tôi là ngân sách nhà nước cần tập trung đầu tư cho những cơ sở đào tạo ở vùng xa, nơi thu nhập bình quân đầu người còn thấp; đầu tư cho những ngành khoa học mũi nhọn, khoa học cơ bản và đặc biệt là khoa học xã hội; đầu tư cho một số ít trường đại học nghiên cứu với tiêu chuẩn đầu vào ngặt nghèo và nhằm mục tiêu đào tạo các nhà nghiên cứu hàng đầu, nhằm tăng sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Các ngành học như quản trị, tài chính, kế toán, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, v.v… nói chung là những ngành có triển vọng thu nhập cao, nhu cầu xã hội lớn, đầu tư chi phí đào tạo không nhiều, thì sẽ là phân khúc của các trường tư.

Chính sách học phí thiếu hợp lý hiện nay khiến tăng thêm khoảng cách bất công: 35% phần tài trợ của ngân sách nhà nước chảy vào lớp con em của 20% dân cư giàu nhất nhưng chỉ 15% chảy vào con em của 20% dân cư nghèo nhất[5]. Học phí hiện nay quá thấp đối với tầng lớp này nhưng quá cao với tầng lớp khác và không có một chính sách điều tiết hợp lý cho những mâu thuẫn đó. Do vậy cần tiếp tục lộ trình đổi mới cơ chế thu học phí nhưng không phải theo lối cào bằng, mà phải gắn với việc tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học, gắn với các chính sách học bổng, hỗ trợ, cho vay nhằm bảo đảm công bằng về cơ hội cho những người có khả năng trí tuệ để theo đuổi việc học. Chấp nhận đa dạng hóa nguồn cung của giáo dục trong một phạm vi nhất định: mức thu học phí khác nhau có thể gắn với những chất lượng dịch vụ hỗ trợ khác nhau, thậm chí với chất lượng đào tạo khác nhau.

Vấn đề quản trị

Trong vấn đề quản trị đại học, xã hội hóa giáo dục là khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc giám sát hoạt động của nhà trường. Ba khuyến nghị của chúng tôi nhằm tăng cường sự tham gia này là:

Củng cố tổ chức hội đồng trường[6]. Như đã nêu trong Luật Giáo dục 2005, hội đồng trường là một tập thể đại diện cho tiếng nói và lợi ích của xã hội, do vậy mà hội đồng trường nên giữ quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm hiệu trưởng; thực hiện chức năng định hướng và giám sát hoạt động quản lý điều hành của ban giám hiệu. Nâng cao vai trò của hội đồng trường là cách để tăng cường sự tham gia của xã hội vào việc lãnh đạo trường đại học nhằm giúp nhà trường thực hiện tốt nhất sứ mạng phục vụ xã hội.

Tổ chức kiểm định độc lập. Giảm bớt sự kiểm soát của nhà nước và thay bằng sự giám sát của các tổ chức xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp, chẳng hạn như Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng, hay các tổ chức kiểm định độc lập hoạt động theo cơ chế của các tổ chức dân sự. Khác với hội đồng trường, kiểm định độc lập không có vai trò can thiệp trực tiếp vào hoạt động của nhà trường, mà là một tổ chức xã hội bao gồm các chuyên gia về đánh giá chất lượng và quản trị đại học, có trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng và đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn ấy ở các trường. Các tổ chức kiểm định độc lập có thể coi là tiếng nói của giới chuyên môn, thay mặt cho công chúng để giám sát chất lượng đào tạo của nhà trường theo những tiêu chuẩn được nêu công khai, minh bạch.

Tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường: Đối với khu vực giáo dục tư, cần có quy chế riêng cho hai loại hình cơ sở đào tạo đại học không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận. Các trường đại học công và tư đều cần được kiểm toán, đặc biệt là những trường đại học tư đăng ký hoạt động theo quy chế không vì lợi nhuận. Về học thuật và đào tạo, tiếp tục chủ trương Ba Công khai của Bộ GD&ĐT, công bố công khai kết quả kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra, quy trình đào tạo nhằm tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của nhà trường.

Vấn đề chất lượng

Thực tế hiện nay là chất lượng đào tạo không được bảo đảm, nhất là ở một số cơ sở đào tạo ngoài công lập vì nhiều trường vẫn được cấp phép hoạt động dù không bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn giảng viên. Một số trường chạy theo nguồn thu dẫn đến hạ thấp các tiêu chuẩn tuyển sinh và thiếu nghiêm túc trong đánh giá kết quả đầu ra, không đầu tư thích đáng cho hoạt động học thuật và chất lượng đào tạo. Muốn thay đổi hiện trạng đó thì cần thay đỏi chính sách đối với khu vực tư.

Vì không thể bàn về chất lượng trong một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ nêu những vấn đề nổi cộm, có liên quan đến khái niệm xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục đại học.

Vấn đề chất lượng có thể tiếp cận từ đầu vào (input), quá trình (process) và đầu ra (output). Từ đó, để cải thiện chất lượng, có thể nghĩ đến việc cải cách tuyển sinh (cách tiếp cận từ đầu vào), thay đổi quy trình đào tạo như phương pháp giảng dạy, chất lượng người thầy, các phương tiện hỗ trợ như thư viện hay dịch vụ mạng, cách thi cử và đánh giá kết quả học tập, v.v. (cách tiếp cận từ quá trình), hay dựa vào kết quả đánh giá của xã hội đối với sinh viên ra trường để cải thiện chương trình và nội dung đào tạo (tiếp cận từ đầu ra). Dước góc nhìn xã hội hóa giáo dục, chúng tôi chú trọng tới cách tiếp cận thứ ba.

Khuyến khích sự tham gia của xã hội ở đây là mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức sử dụng lao động, v.v… trong việc xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Muốn vậy, cần tăng cường mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng hằng năm, chỉ 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề; và theo một nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mỹ) về lao động bậc cao của Viêt Nam[7], số người này cũng phải được đào tạo lại về các kỹ năng mềm. Trong lúc đó, các nhà quản lý vẫn luôn phàn nàn về việc thiếu hụt nguồn nhân lực bậc cao. Cuộc tuyển chọn của công ty Intel với gần 4000 ứng viên tốt nghiệp đại học, mang lại kết quả chỉ 2% trong số đó đạt yêu cầu để làm việc, đã nói lên sự bất cập trong chất lượng đào tạo đại học, ít ra là theo quan điểm của người sử dụng lao động. Nhược điểm này có thể khắc phục được bằng cách tăng cường sự tham gia và hợp tác của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo của nhà trường, qua các hoạt động như hợp tác nghiên cứu, xây dựng chương trình, hỗ trợ thực tập, mời giảng, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, v.v. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của xã hội hóa giáo dục.

“Xã hội hóa giáo dục” đang được thực hiện chỉ một phía: nhấn mạnh trách nhiệm đóng góp tài chính của người dân; trong lúc rất coi nhẹ trách nhiệm giải trình của trường đại học và của Nhà nước trước công chúng. Giáo dục đại học là một loại dịch vụ đặc biệt vừa đáp ứng nhu cầu tri thức và trang bị kỹ năng chuyên môn cho công chúng; vừa gắn chặt với lợi ích và tương lai của quốc gia và vì vậy được coi là lợi ích công. Do đó chính sách đối với giáo dục đại học cần phản ánh được nét đặc thù ấy. Thừa nhận sự tồn tại của thị trường giáo dục như một phần tất yếu của xã hội hóa giáo dục không phải là thương mại hóa giáo dục mà là để thiết kế khung chính sách phù hợp để giúp nó phát triển lành mạnh. Một điều cốt yếu là xã hội hóa giáo dục nên được hiểu là tăng cường vai trò tham gia tích cực của mọi thành phần và tổ chức xã hội trong việc định hình và phát triển hệ thống giáo dục đại học, chứ không chỉ là đẩy gánh nặng tài chính sang vai người dân, như chúng ta đã thấy lâu nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Eric Rauch (2010). “The Socialization of Education”. Nguồn: www.scn.org/

J.W. Getzels (1974). “Socialization and Education: A Note on Discontinuities”. Teachers College Record Volume 76 Number 2, 1974, p. 218-225

Philip Altbach (2006). “Knowledge and Education as International Commodities: the Collapse of the Common Good” International Higher Education- Reflections on Policy and Practice”. Boston College. Bản tiếng Việt do Phạm Thị Ly dịch. Bản tin CIECER’s tháng 4, 2009

Philip Altbach (2006). ‘Higher Education and the WTO: Globalization Run Amok”. International Higher Education- Reflections on Policy and Practice”. Boston College. Bản tiếng Việt do Phạm Thị Ly dịch. Có thể đọc tại: www.lypham.net

Hà Dương Tường (2009). Xã hội hóa giáo dục: Cần thấy rõ vai trò của nhà nước. Nguồn: VietNamNet ngày 18-7-2007.

Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao

Nguyễn Trần Bạt (2005). Xã hội hóa giáo dục. Nguồn: www.chungta.com

Ghi chú:

[2] Theo Ủy ban Điều tra Dân số của Hoa Kỳ, tính trung bình một người tốt nghiệp đại học có thu nhập khoảng 52.200 USD/năm, trong lúc một người có bằng phổ thông sẽ có thu nhập 30.400 USD/năm. Nguồn: U.S. Department of Education, National Center for Education Statistics. (2010). The Condition of Education 2010 (NCES 2010�028), Indicator 17

[3] Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ, trong đó có 78 trường ngoài công lập (48 trường ĐH, gồm cả Trường ĐH RMIT Việt Nam, Trường ĐH Anh Quốc và 30 trường CĐ), so với con số năm 1997 là 106 trường trong đó có 15 trường ngoài công lập. Nguồn: Báo cáo số 329/BC-TVQH ngày 26-5-2010 của UB Thường vụ Quốc hội ngày 26-5-2010.

[4] Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu dựa trên Phụ lục 15A, 15B, Báo cáo 329/BC-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 26-5-2010. Theo một phân tích khác của tác giả Vũ Quang Việt, chi tiêu cho giáo dục ở nước ta chiếm 8,3% GDP (ở Mỹ tỉ lệ này là 7,2%), và đáng quan tâm hơn, trong số này có đến 40% là dân đóng góp.

[5]Nguồn: Martin Evans, Ian Gough, Susan Harkness, Andrew McKay, Đào Thanh Huyền và Đỗ Lê Thu Ngọc 2007. “ An sinh xã hội ở Việt Nam lũy tiến đến mức nào?” UNDP Việt Nam. Xem thêm: “Tác động của Tự do hoá các Dịch vụ công cơ bản đối với người nghèo và người thuộc tầng lớp bình dân: Trường hợp của các dịch vụ Y tế, Giáo dục và Điện lực tại Việt Nam”. Tài liệu của UNDP Việt Nam

[6] Trong luật Giáo dục 2005, hội đồng quản trị là từ dùng cho trường tư, hội đồng trường là từ dành cho trường công, và cả hai có thể gọi chung là hội đồng trường, một tổ chức được coi là gần tương tự như Board of Trustees hay Board of Regents ở các đại học phương Tây.

[7] Dẫn theo Nguyễn Văn Tuấn. “Vài đề nghị nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. Bài in trong một tuyển tập sắp xuất bản