(Toàn văn bản báo cáo của GS. David Dapice trình bày với Thủ tướng Phan Văn Khải trong dịp Thủ tướng thăm và làm việc tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ, ngày 25-6-2005)

“Ngày nay, hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, sự giàu mạnh hoặc đói nghèo của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục đại học. Những người có một vốn liếng kỹ năng và năng lực học tập lớn hơn sẽ có thể mong đợi một cuộc sống với những thành tựu kinh tế chưa từng có, trong lúc những ai không được học hành đến nơi đến chốn trong những thập niên tới sẽ phải đối mặt với viễn cảnh tăm tối của một cuộc sống lặng lẽ trong tuyệt vọng” (Malcom Gillis, Hiệu Trưởng Trường Đại học Rice, 1999)

  1. Tổng quan

Bản báo cáo này được chuẩn bị như một bổ sung cho phần trình bày với Thủ tướng Phan Văn Khải:”Giáo dục đại học ở Việt Nam: từ hiểm họa đến những hứa hẹn”. Nội dung của bản báo cáo này được xây dựng trên cơ sở những phân tích của một công trình nghiên cứu quan trọng của Ngân hàng Thế giới và UNESCO năm 2000 về giáo dục đại học trong các quốc gia đang phát triển. Công trình nghiên cứu này có tên:”Giáo dục đại học trong các quốc gia đang phát triển: những mối đe dọa và triển vọng”[1], nhận định rằng tầm quan trọng quyết định của giáo dục đại học đối với sự phát triển kinh tế đã không được chú ý đúng mức. Thế nhưng, không có một hệ thống giáo dục đại học có hiệu quả, các nước đang phát triển có rất ít hy vọng đạt được những thước đo giá trị toàn cầu. Trong bài này, Chương trình Việt Nam của trường Kennedy thử liên kết giữa kết quả nghiên cứu quan trọng trên với những thử thách và cơ hội cụ thể đang đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam. Chúng tôi mong đợi một cuộc đối thoại lành mạnh; mặc dù có đưa ra một vài giải pháp gợi ý, những chính sách cụ thể chỉ có thể được đưa ra trên cơ sở thảo luận những phân tích và thử nghiệm tiếp theo. Chương trình Việt Nam mong muốn nhà nước Việt Nam, kể cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các nhà khoa học trong nước và ngoài nước và cộng đồng tài trợ cùng tham gia cuộc trao đổi này.

Bài viết này bắt đầu với những nhận định tổng quát về kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những thử thách của việc đổi mới cơ chế. Sau đó là khảo sát về khủng hoảng của giáo dục đại học Việt Nam và sự đáp ứng với thời đại. Phần ba là tóm tắt những kết quả nghiên cứu cơ bản về Mối đe dọa và triển vọng… nói trên. Phần bốn đề cập chi tiết hơn về hai vấn đề quan yếu cụ thể đối với Việt Nam: quản lý và sự mở rộng giáo dục đại học. Phần cuối là xem xét những triển vọng và thử thách của việc cải cách giáo dục đại học.

  1. Tăng trưởng đầy ấn tượng, đổi mới về cơ chế đi sau

Một hình ảnh tổng quát về kinh tế

Việt Nam, với dân số trên 80 triệu người, đã là một trong những nước phát triển rất nhanh trên thế giới từ năm 1990 khi những cải cách kinh tế bắt đầu có hiệu lực. Tỉ lệ tăng trưởng dài hạn hiện nay là 7% một năm, với tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ từ 1,7 tỉ USD năm 1990 đến 30 tỉ USD trong năm nay. Xuất khẩu dầu khí sẽ tăng thêm 6 tỉ USD năm nay trong số 40 tỉ USD của GDP. Tỉ lệ người nghèo đói đã giảm còn 1/4 so với 3/4 trong những năm cuối của thập kỷ 80. Điều kiện sống và số lượng người đi học được cải thiện thêm từ một tỉ lệ vốn đã được xem là tốt đối với một quốc gia mà thu nhập đầu người quá thấp. Đặc biệt là số người vào đại học đã tăng hơn mười lần trong thập kỷ 90. Lạm phát thấp và bội chi nằm trong sự kiểm soát hoặc được giải quyết bằng sự phối hợp của kiều hối (10%GDP), các nguồn vốn ODA (5%) và FDI (5-8%). Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với ASEAN và nhiều hiệp ước song phương khác. Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2001 đã mở đường cho VIỆT NAM gia nhập vào WTO trong năm nay hoặc năm sau. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc vì nhiều khoản đầu tư đáng lẽ đổ vào Trung Quốc đã phải đổi hướng. Luật doanh nghiệp, cải cách chủ yếu trong việc đăng ký hoạt động của các công ty tư nhân trong nước năm 2000, đã làm cho việc khai sinh và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân dễ dàng hơn nhiều. Từ đó, công nghiệp ngoài quốc doanh trong nước đã tăng trưởng hơn 20% mỗi năm và khoảng 150,000 doanh nghiệp mới đã được thành lập. Trong 6 tháng cuối năm 2005, sản lượng công nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh sẽ lớn hơn so với các khu vực thuộc sở hữu nhà nước.

Trong sự phát triển đầy ấn tượng đó, có hai điểm yếu trong mô hình phát triển hiện nay. Tham nhũng đang là một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Việt Nam tiếp tục mất lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia lân cận. Những dự án đầu tư bằng ngân sách thường là có rất ít lựa chọn, giá quá cao, và không tuân theo những tính toán kinh tế thông thường. Lãnh vực tài chính được cải cách rất chậm và vẫn bị những ngân hàng quốc doanh và những người không trả được nợ thống trị. Tỉ lệ tổn thất họ gây ra hầu như chắc chắn lớn hơn kết quả của 40% tăng trưởng tín dụng từ những quyết định cho vay đúng đắn. Giá đất ngoại thành Hà Nội đã chạm tới mức giá đất của Nhật Bản, một bằng chứng nổi bật của hiện tượng đầu cơ tràn lan không thể kiểm soát, phần lớn là bằng những nguồn tiền bất chính, điều này đe dọa bóp nghẹt sự phát triển của thành phần tư nhân trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Quả thật thành phần tư nhân cần được lớn mạnh dù hiện nay vẫn còn quá nhỏ bé, đó mới chỉ là một nhóm xí nghiệp sở hữu 50 triệu USD của cải tài sản. Đầu tư đã làm gia tăng khoảng 35% tổng thu nhập quốc dân, nhưng 50% là do thành phần thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ. Bởi vậy đà tăng trưởng hiện nay thực ra là chậm hơn so với giữa thập kỷ 90 khi tỉ trọng đầu tư/GDP thấp hơn nhiều, là do có vai trò của nhà nước.

May thay, Việt Nam thực hiện rất tốt việc hủy hoại những chính sách sai lầm. Biểu thuế xuất nhập khẩu cao thường được đáp ứng bằng cách buôn lậu. Những dự án nghèo nàn thường bị trì hoãn hàng năm trời do những người công chức khó ưa, những người đang nắm giữ quyền lực để làm chậm mọi thứ. Chất lượng tồi của nhà trường thường được bù đắp bằng việc dạy thêm, ít nhất là tại những thành phố lớn cho con em những gia đình giàu có. Tuy vậy sự thích nghi với những thất bại về cơ chế hoặc sự phát triển quá chậm của cơ chế kiểu như vậy có một giới hạn nhất định. Chẳng hạn, có những trường hợp tham nhũng bị phơi bày một cách sinh động trên những phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm sóat, nhưng ít ai cho rằng nó có một tác dụng đáng kể. Chất lượng giáo dục là một chuyện bê bối gây xôn xao dư luận được để mở nhưng những điều kiện đã không được cải thiện bất chấp đợt phát hành công trái giáo dục là để dành cho việc giải quyết vấn đề này. Việc gia nhập WTO sẽ làm gia tăng ảnh hưởng cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu, sự thay đổi cơ chế chậm trễ này có thể là một trở ngại chính cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Một hệ thống giáo dục trong tình trạng khủng hoảng

Việt Nam được xem là một quốc gia rộng lớn duy nhất ở Đông Nam Á còn thiếu một trường đại học với chất lượng được quốc tế công nhận[2]. Hiển nhiên là lịch sử có phần trách nhiệm trong thực tế không may này. Trong lúc những trường đại học thuộc hàng top đầu tiên của châu Á đã được định hình từ những năm đầu thế kỷ 20, thì Việt Nam còn đang mòn mỏi trong chế độ thực dân vốn không quan tâm gì đến phát triển giáo dục. Hiện nay, những vấn đề nảy sinh trong giáo dục đại học bắt đầu và có nguồn gốc từ chế độ quản lý tập trung cứng nhắc đang thống trị các trường đại học trong cả nước. Bộ GD&ĐT nắm quyền chi phối rộng rãi trong nhiều vấn đề về chương trình đào tạo và nhân sự. Hệ thống này đưa đến kết quả một mạng lưới đại học với rất ít quyền tự chủ và không có sự khích lệ mỗi trường tự khẳng định bản sắc của mình hoặc cạnh tranh với trường khác. Hệ thống nhân sự là một điển hình của vấn đề này.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học Việt Nam nhìn chung không phải là một đội ngũ được tuyển chọn theo chế độ nhân tài. Mức độ thâm niên và những tiêu chuẩn phi học thuật, hơn là những thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu, quyết định sự thăng tiến của họ. Tham nhũng và gian dối trong thi cử tràn lan. Do lương chính thức thấp một cách quá đáng, các nhà giáo không có cách nào khác là phải tự cứu mình bằng cách dạy thêm. Kết quả là tại Hà Nội và TPHCM, thu nhập của nhà giáo có thể xem là tạm thỏa đáng, nhưng hệ thống giáo dục phải trả giá đắt: thầy giáo không có đủ thì giờ và không có động cơ đầu tư vào chương trình hoặc phát triển chuyên môn. Tham nhũng được coi là lan tràn rộng khắp. Nhiều giáo viên bỏ nghề để làm việc trong khu vực tư nhân (một xu hướng rất dễ thấy trong số những người Việt được đào tạo ở nước ngoài). Quả thực, hệ thống nhân sự đã chứng tỏ một cách đặc biệt sự chống đối đối với những cá nhân được đào tạo ở nước ngoài. Những người trở về, trong thập kỷ qua, điển hình là từ phương Tây hoặc Nhật Bản, thường là bị cách ly trong môi trường đại học, trở thành nạn nhân của sự ghen tỵ và có một triển vọng nghề nghiệp chẳng lấy gì làm sáng sủa bởi vì hệ thống lương bổng không quan tâm gì đến những thành tựu học thuật của họ. Những nhà khoa học tài năng nhất thì tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Một điển hình khác của chế độ quản lý tập trung cứng nhắc là việc xây dựng chương trình đào tạo. Các nhà giáo dục, cũng như dư luận xã hội đều đồng tình nhận định chương trình đào tạo hiện nay đã quá lạc hậu, xa rời thực tế, và không có khả năng đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế. Các khoa và cá nhân giảng viên có rất ít quyền hạn xây dựng những chương trình và khóa học mới. Chương trình đại học thì nghèo nàn. Sự tập trung vào việc học vẹt còn trở thành tồi tệ thêm với quy mô lớp học quá đông và làm việc quá tải. Bất chấp sự tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng, hay có lẽ chính vì sự tăng trưởng này, nhà nươc tiếp tục nhấn mạnh việc truyền bá ý thức hệ. Chương trình đại học biến đổi khá nhiều nhưng nhìn chung là chất lượng thấp, nhiều khóa đào tạo trong nước chẳng khác gì nơi trao đổi và bán bằng cấp, phục vụ cho những nhân viên công chức nhà nước cần tấm bằng đại học để được thăng tiến.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một hệ thống không ủng hộ cải cách chương trình như vậy đã không hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Cho đến khi bắt đầu cải cách kinh tế, các cơ quan học thuật của Việt nam vẫn được tổ chức theo khuôn mẫu Xô viết tức là tách rời giảng dạy và nghiên cứu, và việc nghiên cứu được giao cho mạng lưới các viện nghiên cứu của nhà nước. Mặc dù có những nỗ lực khuyến khích các giảng viên đại học tham gia nghiên cứu, nhưng hệ thống nhân sự hiện nay rất ít đem lại khích lệ cho họ để thực hiện việc này. Nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu là do Bộ GD&ĐT phân bổ, và việc sắp xếp đó không khuyến khích những công trình độc lập và chủ động. Điều này dĩ nhiên cũng là một nhân tố làm nản lòng những người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài. Thậm chí hệ thống xét duyệt cùng cấp hiện tại đối với những dự án nghiên cứu cũng không hoạt động được vì những giảng viên chủ chốt không được mời nhận xét. Kết quả là việc xét duyệt đề tài nghiên cứu rốt cuộc chỉ là một quá trình đóng dấu![3]. Mặc dù vậy, Việt Nam đã sản xuất ra các nhà toán học và vật lý tầm cỡ thế giới. Đào tạo y tế được coi là tốt đối với một quốc gia đang ở trình độ phát triển như vậy.Tuy nhiên nhìn chung những ngoại lệ đó là do nỗ lực cá nhân của các nhà khoa học, những người đã vượt qua bao chướng ngại với một tài năng không thể phủ nhận kết hợp với một sự khôn ngoan thích hợp về chính trị.

Những vấn đề nhân khẩu học đặt ra cũng làm tăng tình trạng căng thẳng của hệ thống giáo dục đại học. Chỉ có 90,000 sinh viên đại học chính quy trong năm 1991, và con số này tăng lên 8 lần vào năm 2004. Những người học bán thời gian hoặc tại chức gia tăng từ 17,000 đến 300,000 trong cùng thời kỳ. Nhìn chung, đã có sự gia tăng gấp mười lần về số lượng sinh viên. Dĩ nhiên sự mở rộng giáo dục đại học cho một bộ phận dân số lớn hơn là một điều đáng mong muốn về phương diện kinh tế và xã hội, nhưng không may là hệ thống giáo dục đại học hiện tại đã không đáp ứng được sự gia tăng số lượng này. Số lượng giảng viên đại học chỉ tăng gấp đôi. Theo những thông tin thu thập được, các tiêu chuẩn đều xuống cấp, dòng chảy vào các đại học của những tài năng từ những năm 70 và 80 đã tàn trong lúc những nguồn lực khác chưa đủ sức thay thế họ và lấp đầy khoảng cách của quá khứ. Số tiền ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học 300-600USD/sinh viên/năm, tính ra tổng số vào khoảng 300 triệu USD cho cả nước. Trong lúc đó, cách đây 7 năm Trung Quốc đã đầu tư cho hai trường đại học hàng đầu của họ, Đại học Bắc Kinh và Đại học Tsinghua, mỗi trường hơn 200 triệu USD!

Không chỉ một mình Việt Nam đang phải đương đầu với những vấn nạn trên đây, tuy vậy, Việt Nam là trường hợp duy nhất mà không một trường đại học nào thành công trong việc vượt qua được những vấn nạn đó.

Sự đáp ứng của các thành phần nhà nước, tư nhân và nước ngoài

Những đáp ứng của nhà nước đã tỏ ra không hiệu quả. Chính phủ nói nhiều về cải cách giáo dục, nhưng có rất ít tiến bộ được thực hiện trong những vấn đề được nêu trên đây. Dự thảo Luật Giáo dục vừa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội đã bị phê phán mạnh mẽ vì tiếp tục duy trì quyền hạn quá rộng của Bộ GD&ĐT và rất ít gia tăng quyền tự chủ của các đại học. Những nỗ lực xây dựng các trường đại học mới -hiện nay đã có khá nhiều- đã chứng minh ý tưởng bình mới rượu cũ, với sự tập trung vào một cơ sở hạ tầng gây ấn tượng và chút ít thay đổi trong bộ khung cơ cấu bên dưới. Trong những năm gần đây các trường đại học dân lập có vẻ gần như là đại học tư đã được thành lập, nhưng những trường này vẫn phụ thuộc vào những quy định của Bộ và bị coi là ở đẳng cấp thấp hơn so với các trường đại học công lập.

Tràn ngập khắp nơi hình ảnh các gia đình Việt Nam đang phải đảm đương gánh nặng bù đắp cho sự thất bại của hệ thống giáo dục nhà nước. Gia đình đã đầu tư một phần đáng kể nguồn lực của họ cho việc học thêm của con cái (thường là do giáo viên của bọn trẻ đảm nhiệm) và việc học ngoại ngữ. Khát vọng cao nhất là được học tập ở nước ngoài. Một số ít học sinh ưu tú và may mắn giành được học bổng học đại học ở nước ngoài. Đối với hầu hết người Việt, học tập ở nước ngoài chỉ có thể thực hiện được ở bậc cao học nhưng không phải dễ đạt được. Thật không may là chương trình đào tạo nghèo nàn ở bậc đại học khiến người Việt khó mà vào được những chương trình sau đại học hàng đầu ở nước ngoài. Kinh nghiệm của Tổ chức Giáo dục Việt Nam (VEF), một tổ chức do chính phủ Mỹ lập ra để cấp học bổng cho người Việt trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã phản ánh thực tế này: chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trong số những người được cấp học bổng là được nhận vào những chương trình tinh hoa hàng đầu ở Mỹ. Không một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt nào tại Đại học Harvard đã học chương trình đại học tại Việt Nam.

Sự tham gia của thành phần nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được khuyến khích một cách chính thức, và đang có sự gia tăng số lượng các trường nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Phần lớn các tổ chức này là những nỗ lực với động cơ có tính chất làm ăn, chẳng hạn như những chương trình hợp tác với nước ngoài. Những chương trình trao đổi như Fulbright và học bổng Ngân hàng Thế giới gửi khá nhiều người Việt Nam ra nước ngoài để đào tạo ở bậc cao. Trong lúc giá trị của những chương trình trao đổi như vậy là không thể phủ nhận, như đã đề cập ở phần trên, những người được nhận học bổng trong mọi lãnh vực học thuật đều phải đương đầu với nhiều trở ngại khi họ quay về. Sự tiếp cận của cộng đồng tài trợ đã không có được hiệu quả rộng rãi. Các nhà tài trợ ủng hộ Cải cách Hành chính công (Public Administration Reform) bao gồm tài trợ cho mạng lưới các trường đào tạo cán bộ hành chính. Sáng kiến này đã bị lãng phí một cách thật đáng hổ thẹn, vì nó đã làm được quá ít trong việc thay đổi cấu trúc tổ chức của hệ thống đào tạo.

Đến nay chỉ có duy nhất một trường đại học do nước ngoài làm chủ hoàn toàn đã được xây dựng và đặt cơ sở tại Việt Nam. Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Melbourn -The Royal Melbourn Institute of Technology (RMIT)- đã mở Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam tại TPHCM năm 2002. RMIT cung cấp nhiều chương trình đào tạo nghề có chất lượng như kinh doanh, kế toán, lập trình máy tính. Sự thành công khiêm tốn của họ – chi nhánh Hà Nội sắp được mở cửa nay mai- khẳng định nhu cầu to lớn về đào tạo có chất lượng ở Việt Nam. Tuy vậy, RMIT không phải là một đại học có tính chất nghiên cứu.

Các quỹ tài trợ bao gồm Quỹ Ford và Quỹ Rockefeller đã tài trợ nhiều sáng kiến nghiên cứu và những chương trình đào tạo chuyên môn cho các trường đại học trong nước. Những dự án này bị chứng tỏ là chỉ tồn tại một cách ngắn ngủi và không tập trung vào việc xây dựng năng lực tổ chức, hiếm khi nào còn tồn tại được sau khi kết thúc tài trợ. Thật vậy, để có được một thành công nhất định, những tiếp cận này đòi hỏi một bộ khung quản lý thích hợp, điều kiện tiên quyết mà các đại học Việt Nam đã không có được. Các khóa đào tạo của Fulbright trong khuôn khổ Chương trình Việt Nam Trường Kenedy là chương trình lâu dài nhất và là một ví dụ thành công nhất của sự hợp tác giữa một đại học Việt Nam và nước ngoài. Chương trình này thành công là nhờ sự bảo đảm được phép xây dựng một hệ thống quản lý độc lập cho phép nó đầu tư cho tài năng mà không bị kìm hãm bởi sự quan liêu của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Vượt xa các nhà tài trợ từ thiện cho giáo dục Việt Nam trong thập kỷ qua là Tổ chức Từ thiện Atlantic. Kinh nghiệm của Atlantic là một bài học. Mặc dù quỹ này đã từng tài trợ một số trường đại học nước ngoài, kể cả các khóa đào tạo của Fulbright và RMIT, phần lớn số tiền tài trợ này được dùng để xây dựng “Trung tâm Tư liệu Học tập” tại bốn trường đại học cấp vùng. Những trung tâm tư liệu này bao gồm một cơ sở vật chất ở đẳng cấp quốc tế, thiết bị vi tính hiện đại và nguồn thư viện điện tử. Những thứ đó đã tạo ra một môi trường học tập nổi bật và đầy ấn tượng. Tiếc thay sự hoạt động khác thường của bộ phận này trong trường chủ quản đã không được chuẩn bị tốt để phát huy tác dụng tích cực của nó.[4]

3. Kết quả nghiên cứu của công trình Nguy cơ và Hứa hẹn

Công trình này cho rằng một hệ thống giáo dục đại học thành công có những điều kiện sau:

Có khả năng và thẩm quyền tự chủ đầy đủ, nhà nước đóng vai trò giám sát một cách rõ ràng nhưng tránh can thiệp vào những việc quản lý hàng ngày.

Phân tầng rõ ràng, cho phép các trường phát huy thế mạnh riêng của họ và phục vụ những nhu cầu đa dạng trong khi cùng cạnh tranh về nguồn tài chính, về cán bộ và sinh viên.

Hợp tác và cạnh tranh, nhờ đó mà các nguồn lực vật chất và con người, cũng như kiến thức và tư tưởng, có thể được chia sẻ trong hệ thống, tạo ra một môi trường học tập chung nơi mà máy tính, thư viện và phòng thí nghiệm mở cửa cho tất cả mọi sinh viên.

Tăng cường tính chất mở, khuyến khích các cơ sở đào tạo đại học phát triển kiến thức và đóng góp cho xã hội, chia sẻ mối liên kết với công việc và đào sâu cuộc đối thoại với xã hội nhằm xây dựng một nền dân chủ mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Trong khi dễ dàng xây dựng một chiến lược chung, có những vấn đề cụ thể mà mỗi quốc gia cần xác định rõ khi nó gây trở ngại cho cuộc cải cách toàn diện hệ thống giáo dục. Một kết luận sáng suốt và rất quan trọng của công trình nghiên cứu này là ý tưởng cho rằng nhu cầu tài chính cho đại học cần được cung cấp bằng cách kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, và sinh viên. Ở Việt Nam, cần phải tính đến vai trò của cộng đồng tài trợ. Một kết luận quan trọng khác: chỉ có tiền thôi thì chưa đủ. Cải tiến việc quản lý là một nhu cầu tối quan trọng để sử dụng tốt nhất những nguồn lực giới hạn và tạo ra một môi trường đúng đắn nhằm khích lệ người tài. Kết luận thứ ba là những kỹ thuật mới có thể được dùng để thực hiện sự nhảy cóc với ít đầu tư nhất trong lịch sử. Thư viện kỹ thuật số và thiết bị nối mạng thích hợp cho phép giảng viên và sinh viên sử dụng một nguồn tư liệu mà trước đây cần đến một sự đầu tư khổng lồ về không gian vật chất mới chứa được những ấn phẩm với khối lượng kiến thức như vậy. Nhờ những đổi mới kỹ thuật trên cơ sở internet mà sự chia sẻ kiến thức được phổ biến, chẳng hạn Học viện Kỹ thuật Massachusetts đã tạo ra những tài liệu học tập hiện đại mà các trường đại học Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được. Một dự án khác tương tự là một nỗ lực được Google tài trợ đã số hóa một phần đáng kể thư viện của nhiều đại học nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ và Anh. Điểm kết luận thứ tư là xây dựng chương trình đã trở thành một nhu cầu bức thiết trong cả hai lãnh vực đào tạo chuyên gia cao cấp nhất là trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, cũng như đào tạo rộng rãi những người làm việc trong nền kinh tế tri thức. Suy luận, tranh luận có thông tin, và những công cụ làm mới lại tri thức là những thứ quan trọng hơn nhiều so với ghi nhớ sự kiện, bởi vì những gì đang được dạy hôm nay sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu.

4. Quản lý đại học và sự mở rộng

Nguồn lực tài chính và tài năng là những yếu tố then chốt, nhưng những nhân tố này cần được tổ chức một cách có hiệu quả để bảo đảm một kết quả có ích lợi. Quản lý là một vấn đề tối quan trọng, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi tiền bạc và nguồn lực con người không phải là thiếu. Một hệ thống quản lý tốt sẽ lôi cuốn các nguồn lực- tiền bạc, cán bộ chuyên môn giỏi, sinh viên xuất sắc. Điều này hiện nay chưa xảy ra ở Việt Nam. Giáo sư Henry Rosovsky đã tóm tắt những nguyên lý của quản lý giỏi như sau:

  1. Một không gian học thuật: Các nhà khoa học phải được phép theo đuổi những yêu cầu học thuật mà không bị can thiệp hoặc kìm hãm từ những lực lượng bên ngoài học thuật. Ngay cả những phân tích có tính chất phê phán cũng phải được phép thực hiện, nếu nó dẫn đến sự hiểu biết về các vấn nạn đang đặt ra trong cuộc sống. Sai lầm không cần phải bị “kỷ luật”, vì nó sẽ tự sửa chữa, điều chỉnh khi các nhà khoa học khác xem xét những kết quả nghiên cứu được công bố.
  1. Quyền tự chủ: Trường đại học cần có một quyền hạn rộng rãi trong việc quản lý và tự do lựa chọn chương trình đào tạo, nguồn cung cấp tài chính, và những hoạt động khác. Các trường phải có khả năng tự xác định bản sắc riêng của mình chứ không chỉ tuân theo những khái niệm trung tâm, những khuôn mẫu có sẵn về việc mình phải làm những gì. Một “hệ sinh thái” học thuật lành mạnh phải bao gồm nhiều kiểu loại trường khác nhau, không chỉ một hoặc vài loại na ná như nhau. Hệ thống đại học California có thể được coi là một mẫu mực với tư cách là một hệ thống lành mạnh như vậy[5].
  1. Chế độ sử dụng người tài: Thăng tiến phải dựa trên sự xuất sắc, chứ không phải trên mức độ thâm niên và những tiêu chuẩn phi học thuật. Điều này không chỉ cần đối với cán bộ giảng dạy mà cả đối với việc lựa chọn sinh viên và các nhà quản lý. Không có một chế độ như vậy, những người giỏi nhất sẽ ra đi vì họ là những người năng động và có nhiều khả năng lựa chọn.
  1. Ổn định về tài chính: Vấn đề tiền bạc bao giờ cũng cần phải xem xét để có thể quản lý tốt. Việc cung cấp tài chính cho đại học cần kết hợp giữa các nguồn từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách. Điều này sẽ liên kết nhà trường với những người hưởng lợi sau cùng từ giáo dục đại học, nhờ sử dụng nguồn nhân lực do đại học đào tạo ra. Nguồn tài chính này đủ cho đại học nếu như có sự tin tưởng lâu dài đủ cho những kế hoạch chắc chắn và hợp đồng dài hạn với các giảng viên.
  1. Vấn đề trách nhiệm: Nên có những người mà lãnh đạo đại học cần phải chịu trách nhiệm trước họ. Những người này có thể là nhà nước, nhưng quan trọng hơn cũng nên bao gồm cả các nhà cung cấp tài chính cho đại học, như các doanh nghiệp tư nhân, sinh viên, cựu học sinh, giảng viên, thậm chí cả Hội đồng Đại học. Những người này có thể hoạt động như là Hội đồng Quản trị của các doanh nghiệp và đưa ra những đường lối quản lý tốt hơn cho trường đại học. Họ cũng có thể yêu cầu sự kiểm định chất lượng (quốc tế) từ bên ngoài hoặc thành lập một Ủy ban gồm các nhà khoa học ngoài trường được mời để xem xét đánh giá những chương trình đào tạo hiện hành của nhà trường.

Sáng tạo tri thức là một công trình toàn cầu, những trường đại học thành công không thể tồn tại trong tình trạng cô lập bên ngoài dòng chảy mạnh mẽ này. Nền kinh tế của Việt Nam đang mở và hội nhập thế giới một cách khác thường: đã có 65 tỉ USD trao đổi mậu dịch trong năm 2005 với khoảng 45 tỉ USD trong GDP. Việt Nam đang nhận được những dòng chảy vốn khổng lồ hàng năm từ viện trợ, đầu tư nước ngoài trực tiếp, và kiều hối. Đã có hàng triệu du khách và người nước ngoài đến Việt Nam mỗi năm. Nhưng những mối quan hệ to lớn này với phần còn lại của thế giới đã không đến được với nhiều đại học Việt Nam. Có rất ít hay nói đúng là không có trường đại học Việt Nam nào tự so sánh họ với những đại học khác ở Châu Á, nói gì đến các đại học ở phương Tây. Lôi cuốn những giảng viên nước ngoài giỏi, phát triển những chương trình trao đổi với các đại học nước ngoài, và dạy tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác cho những sinh viên không chuyên ngữ, sẽ làm gia tăng sự mở rộng trao đổi ý tưởng và thông tin. Để thúc đẩy sự mở rộng, không chỉ cần được phép mở rộng, mà còn cần xem mở rộng là một giá trị được mong đợi. Ngoài ra, gia tăng quyền tự chủ của các đại học và đa dạng hóa nguồn tài chính cung cấp cho đại học sẽ cho phép mỗi trường tìm được cách liên kết với những nguồn lực về vật chất và về tài năng khoa học của các tổ chức trong và ngoài nước khác.

5. Sức ỳ chống lại sự tiến bộ

Tuy nhiên, cho dù mọi quy tắc có được thiết lập một cách đúng đắn, cũng sẽ mất một thời gian khá dài để các trường đại học Việt Nam hiện nay đổi mới chính họ. Đó là một sự thật ở các quốc gia khác nơi mà quá trình chuyển đổi tương tự đã được thực hiện. Nếu Việt Nam có mong muốn đẩy nhanh quá trình này và đền bù cho việc đã để mất quá nhiều thời gian, sẽ nhanh hơn và tích cực hơn nếu sáng lập những trường đại học hàng đầu hoàn toàn mới. Một trường đại học như vậy phải ở gần một thành phố lớn có tính chất quốc tế.

Một trường đại học mới như vậy sẽ cần có một hệ thống quy tắc luật lệ hoàn toàn khác. Lý tưởng nhất là có cả người Việt và người nước ngoài trong Hội đồng Quản trị, với một số người Việt Nam từ những vị trí phi chính phủ. Cần phải có một quyền tự chủ rất lớn so với những quy định hiện hành. Nguồn tài chính có thể từ ODA, thêm vào đó là học phí ở mức cao, các quỹ nghiên cứu và các nguồn khác. Mục đích của các trường hàng đầu này sẽ là lôi cuốn những người Việt Nam tài năng rời bỏ hệ thống đại học hiện tại, lôi cuốn những sinh viên chuẩn bị đi du học ở nước ngoài, và đưa ra một khuôn mẫu cho các trường đại học đang cần phải cải tiến hiện nay[6].

Một trường đại học hàng đầu như vậy sẽ có thể liên kết tốt hơn nhiều với giới trí thức quốc tế hiện tại và giới phân tích. Nó sẽ có thể lôi cuốn những nhà khoa học nước ngoài có trình độ cao và chuẩn bị đào tạo bậc đại học cho sinh viên Việt Nam để họ có thể tham gia những chương trình sau đại học tại những trường hàng đầu của thế giới. Nó cũng sẽ hoạt động như một đường dẫn đến những trường đại học Việt Nam khác, trước hết là bằng cách tuyển chọn từ hàng ngàn bài viết, báo cáo khoa học, và sách nghiên cứu những gì quan yếu nhất để dịch ra tiếng Việt và đưa những tri thức đó vào những chương trình có liên quan. Nó sẽ đào tạo cán bộ giảng dạy cho những trường đại học khác, giup họ cập nhật kiến thức bằng những chương trình đào tạo thích hợp, cũng như bằng cách tiếp cận với những tư liệu mới thông qua internet. Điều này đã từng được thực hiện trong Chương trình Kinh tế Fulbright, nhưng có thể phát huy hiệu quả hơn thế nữa khi người ta đặt tham vọng cao hơn vào việc sử dụng những công cụ này[7]. Cuối cùng là, một trường đại học hàng đầu như vậy sẽ bắt đầu đảm trách việc mài sắc nghiên cứu trên nền tảng đại học, một điều khá quan yếu đối với Việt Nam.

Các trường đại học hiện nay có thể sẽ chống lại một cuộc cải cách như vậy, nhưng họ cũng nên nhận được nhiều quyền tự chủ hơn, xây dựng một hệ thống quản lý tốt hơn, và được phép lựa chọn chuyên ngành đào tạo. Ngân sách nhà nước nên dùng để khen thưởng cho những trường biết cách sử dụng quyền tự do đó một cách có hiệu quả. Tuy vậy, nguồn tài chính này chỉ có thể cung cấp phần nào hỗ trợ cho sự đổi mới. Sự khích lệ lớn nhất là cạnh tranh. Các đại học nên cố gắng lôi cuốn những giảng viên và sinh viên giỏi, nên chủ động tạo ra sự cộng tác với các doanh nghiệp địa phương và các nhà đầu tư nước ngoài. Họ cũng cần phải lôi cuốn những người Việt sống ở nước ngoài, hoặc bằng cách tài trợ, hoặc bằng những vị trí giảng viên thỉnh giảng đối với những người có kỹ năng và kiến thức thích hợp. Chỉ bằng cách tự xác định mình và đáp ứng tốt với những nhà tài trợ và khách hàng tiềm năng, một trường đại học mới có thể bắt đầu cuộc cải cách.

6. Hứa hẹn và tiềm năng

May thay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không có trường đại học hàng đầu nhưng hoàn toàn có đủ sức xây dựng những trường như vậy. Hệ thống giáo dục nhà nước đang kìm hãm tài năng và những khả năng của người Việt trong việc khẳng định lại chính họ. Cũng như nông nghiệp Việt Nam đã từng thay đổi hoàn toàn chỉ trong một vài năm sau khi nhà nước thay đổi chính sách quản lý, giáo dục cũng có thể giống như vậy. Một số người có thể cho rằng sự thay đổi như vậy là ẩn chứa quá nhiều rủi ro, nhưng điều đó hoàn toàn là sai lầm. Chẳng lẽ việc bãi bỏ các quy định quản lý nông nghiệp hoặc để nó sa lầy trong chế độ công xã lại ít rủi ro hơn sao? Thực hiện những cải cách từng bước, như đã làm với việc cổ phần hóa, hay cải cách toàn diện như chúng ta đã thấy đối với nông nghiệp, cách nào có nhiều hứa hẹn hơn? Với sự cạnh tranh gia tăng do việc gia nhập WTO và sự vươn lên của Trung Quốc, thì để cho đại học sa lầy và cải cách đại học toàn diện, như Trung Quốc đã làm với hệ thống giáo dục của họ, cái nào ít rủi ro hơn? Những câu hỏi này tự nó đã là câu trả lời. Sự thay đổi cơ cấu tổ chức toàn diện là vô cùng cần thiết để đưa đại học Việt Nam đến trình độ đích thực và là bản chất thực sự của họ. Trình độ cao này là cần thiết cho nền kinh tế, và là một đòi hỏi của xã hội. Với những tài năng còn chưa được đào luyện, tiền, và nhu cầu trong nước đều đã có, chỉ thiếu có mỗi quyết tâm thay đổi. Sẽ là một tai hại cả về kinh tế, xã hội, và chính trị khi duy trì nguyên trạng hiện nay của giáo dục đại học Việt Nam. Sẽ là vô cùng hữu ích khi chúng ta quyết tâm thay đổi hiện trạng đó.

Người dịch: Phạm Thị Ly (2005)

(Nguồn: “From Peril to Promise: Transforming Higher Education in VN, A Discussion Paper”

by David Dapice, Nguyen Xuan Thanh, Ben Wilkinson June 23th, 2005)

 

[1] Có thể xem báo cáo này tại : http://www.tfhe.net.

[2] Trong lúc rất nhiều sách xếp loại do các tổ chức thông tấn thực hiện được đánh giá là có thể tin cậy, điều đáng lưu ý là các trường đại học Việt Nam không hề có tên trong bất cứ một danh sách xếp hạng nào. Chẳng hạn, có thể xem kết quả cuộc điều tra nghiên cứu của Tạp chí Tuần tin Châu Á năm 2000 về những trường đại học tốt nhất của châu Á, hoặc kết quả nghiên cứu năm 2004 của Trường Đại học Shanghai Jiao Tong về “100 trường đại học hàng đầu của Châu Á Thái Bình Dương”.

[3] Vấn nạn này không phải chỉ có ở Việt Nam. Viện Khoa học Thiên niên kỷ (http://www.msi-sig.org), một tập đoàn phi lợi nhuận thường làm việc với các quốc gia đang phát triển đã sử dụng quy trình xét duyệt từ nước ngoài để cải thiện quá trình xét duyệt đồng cấp.

[4] Giám đốc của một trong các trung tâm này cho biết sau sáu tháng hoạt động, chỉ có 12 người trong số 1400 cán bộ giảng dạy của trường sử dụng nguồn tư liệu này cho công việc của họ.

[5] Hệ thống này có những trường đại học nghiên cứu tầm cỡ thế giới với những giải thưởng cao quý cho những người thuộc đỉnh cao của họ. (U.C. Berkeley, U.C. Los Angeles); đồng thời có những trường chuyên ngành và có năng lực nghiên cứu (U.C. Davis về nông nghiệp; U.C. San Francisco về y sinh học); những trường hạng trung với một số hoạt động nghiên cứu, (U.C. Riverside); và những trường cao đẳng cộng đồng chỉ tập trung vào việc giảng dạy. Mỗi trường chuyên về lĩnh vực mà mình có thể làm tốt nhất, và được các trường khác trong hệ thống lớn hỗ trợ. Cùng phối hợp với nhau, hệ thống này đã đào tạo hàng ngàn người ở nhiều trình độ đa dạng.

[6] Một trường đại học ở miền Trung được cung cấp một kho dữ liệu khổng lồ trên mạng bằng tiếng Anh về các bài báo và công trình khoa học. Một quan chức hữu trách cho biết, chỉ 1-2% giảng viên sử dụng được lợi ích của kho dữ liệu đó. Bởi vậy chỉ cung cấp những tài sản vật chất sẽ không tạo ra được sự thay đổi.

[7] Xem thêm: http://www.fetp.edu.vn