ĐÁNH GIÁ KHOA HỌC QUA TRẮC LƯỢNG THƯ MỤC:
NHỮNG XU HƯỚNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI TRONG ĐÁNH GIÁ KHOA HỌC XÃ HỘI, NGHỆ THUẬT VÀ NHÂN VĂN

Phạm Thị Ly (2011)
In trong sách “Khoa học Xã hội thời Hội nhập”, Chủ biên: Trần Ngọc Thêm. NXB Đại học Quốc gia TPHCM, tr. 206-219

TÓM TẮT

Bài viết này trình bày thực trạng phân cực trong kết quả nghiên cứu KHXH&NV trên thế giới thông qua dữ liệu của hệ thống đánh giá khoa học qua trắc lượng thư mục (bibliometrics); từ đó nêu ra những hạn chế của các hệ thống này trong việc đánh giá các kết quả nghiên cứu trong KHXH&NV nói chung, và ở các nước không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức nói riêng. Bài viết cũng nêu những xu hướng mới trên thế giới trong việc cải tiến phương pháp trắc lượng thư mục, chủ yếu là bổ sung những công cụ và tiêu chí đánh giá mang tính chất định tính cho KHXH&NV. Trong phần bàn luận, tác giả bài viết nêu ra một số đề xuất liên quan đến đo lường ấn phẩm khoa học để cải thiện chất lượng nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam.

 

Đánh giá khoa học qua định lượng ấn phẩm hay gọi tắt là Đo lường ấn phẩm khoa học, hay trắc lượng thư mục [1] (bibliometrics) được định nghĩa là một ứng dụng toán học và thống kê để đánh giá khoa học qua các ấn phẩm[2] (xét về từ nguyên thì biblos: book nghĩa là sách và metron nghĩa là measurement tức đo lường). Nói cách khác, đo lường ấn phẩm khoa học là ngành khoa học đo đếm các ấn phẩm khoa học và số lượng trích dẫn qua đó đánh giá chất lượng và tác động của các công trình nghiên cứu khoa học trong mọi lãnh vực. Đây là một ngành khoa học mới phát triển mạnh gần đây, tuy rằng phân tích đầu tiên về các trích dẫn khoa học đã bắt đầu từ năm 1961[3].

Tuy là một công cụ hữu dụng và có những kết quả tích cực không thể phủ nhận, hệ thống trắc lượng thư mục khoa học hiện nay có những hạn chế quan trọng trong việc đánh giá các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn (KHXH&NV). Những hạn chế này đang ngăn cản chúng ta có một cái nhìn toàn diện và xác đáng về bức tranh tổng thể của hoạt động nghiên cứu KHXH&NV trên thế giới. Điều đáng nói hơn là những hạn chế đó sẽ tác động tiêu cực đến việc đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học, dẫn đến lệch hướng trong hoạt động nghiên cứu, trong chính sách tài trợ, và không khuyến khích nâng cao sự ưu tú đích thực trong nghiên cứu KHXH&NV.

Bài viết này trình bày những hạn chế đó và những xu hướng mới trên thế giới trong việc khắc phục những hạn chế ấy, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong KHXH&NV. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, bài viết cũng sẽ đề xuất một số vấn đề có thể và cần phải làm ngay nhằm cải thiện năng lực nghiên cứu của Việt Nam trong KHXH&NV và nâng cao sự hiện diện của KHXH&NV Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài những dữ liệu trực tiếp dùng SCI-Expanded, SSCI, A&HCI thu thập từ Danh mục trích dẫn trực tuyến của Web of Science (WoS), Thomson Reuters, những dữ liệu khác được nêu trong bài là nguồn dữ liệu thứ cấp. Dùng phương pháp meta-analysis chúng tôi đối chiếu và phân tích các nguồn dữ liệu khác nhau; tìm cách nắm bắt và lý giải những hiện tượng nổi bật trong hoạt động đo lường ấn bản khoa học trên thế giới và những tác động của nó với hoạt động nghiên cứu KHXH&NV.

Tóm lược thực trạng về Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) trên thế giới qua số liệu của ngành Đánh giá Khoa học qua Định lượng Ấn phẩm

Trong lời mở đầu bản Báo cáo về Khoa học Xã hội (KHXH) Thế giới năm 2010, bà Irina Bokova, Tổng Thư ký UNESCO đã nhận định KHXH&NV là một công cụ vô giá để thúc đẩy sự đồng thuận quốc tế về những mục tiêu phát triển, nhằm đáp ứng những thách thức có tính chất toàn cầu và nâng cao chất lượng sống của con người. Những thông tin và tri thức mà KHXH&NV tạo ra- con người tương tác với nhau và với môi trường như thế nào- có vai trò to lớn trong việc xây dựng chính sách và những chính sách có hiệu quả chắc chắn sẽ định hình một thế giới tốt hơn cho tất cả chúng ta.

Tuy nhiên, thế kỷ chúng ta sống cũng đang chứng kiến một sự phân hóa vô cùng sâu sắc giữa nước giàu và nước nghèo, người giàu và người nghèo, và điều này cũng đúng cả trong lãnh vực kiến tạo tri thức. Sự phân cực trong sáng tạo tri thức đặc biệt rõ trong khoa học cơ bản, khoa học xã hội, và điều đáng buồn là KHXH&NV đang yếu kém nhất ở những nơi cần có nó hơn hết.

Dữ liệu của ngành Đánh giá Khoa học qua Định lượng Ấn phẩm minh chứng rất rõ điều này. Hình 1 cho chúng ta thấy sự áp đảo của các nước nói tiếng Anh về số lượng các tạp chí KHXH&NV có bình duyệt và được liệt kê trong danh mục Elseviere’s Scopus: Chỉ riêng một mình nước Mỹ chiếm gần nửa toàn bộ tạp chí KHXH&NV trên toàn thế giới (43,1%), Anh chiếm 26,2% và toàn bộ phần còn lại trên thế giới chỉ chiếm 30,6%. Trong “toàn bộ phần còn lại” ấy, nếu không kể Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, thì 186 quốc gia khác trên thế giới chỉ có 544 tạp chí KHXH&NV, tức chỉ 13,7% trong tổng số tạp chí KHXH được công nhận trong danh mục.

Hình 1. Phân bố địa lý của số lượng tạp chí KHXH&NV được liệt kê trong danh mục Scopus. (Nguồn: Michael Kahn, 2010)

Đó vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là kết quả của sự phân cực to lớn trong số lượng công bố quốc tế về KHXH&NV. Nhìn vào số lượng công bố quốc tế trong KHXH&NV, sự phân cực càng rõ. Bảng 1 cho thấy rõ sự chênh lệch này: Trong cơ sở dữ liệu của Thomson Reuters, ta thường gọi là danh sách ISI, một mình Hoa Kỳ chiếm 40,15% tổng số trích dẫn trong KHXH toàn thế giới và 41,6% trong các nghiên cứu về nghệ thuật và nhân văn. Cần lưu ý là trong khoa học tự nhiên con số trích dẫn của Hoa Kỳ chỉ là 22,8% trên tổng số. Những con số tương ứng của Trung Quốc là 1,94% (tỉ lệ trích dẫn trong KHXH), 1,11% (tỉ lệ trích dẫn trong nghiên cứu nghệ thuật và nhân văn), và 6,89% (tỉ lệ trích dẫn trong khoa học tự nhiên).

 Bảng 1: Tỉ lệ trích dẫn KHXH&NV của một số quốc gia và vùng (số liệu năm 2007)
Đối chiếu tương tự với cơ sở dữ liệu của Scopus ta cũng có một kết quả khá nhất quán, trừ trường hợp Trung Quốc. Trong thống kê của Scopus thì Bắc Mỹ và Tây Âu chiếm 75,86% trích dẫn về KHXH và 79,94% về nghệ thuật &nhân văn, châu Á Thái Bình Dương 17 % và toàn bộ các quốc gia còn lại là 8%. Nếu đặt những con số này trong tương quan quy mô dân số, thì khoảng cách lại càng lớn. Một lần nữa chúng ta thấy sự phân cực lớn giữa các vùng miền thể hiện rất rõ trong hệ thống đo lường ấn bản khoa học hiện tại, và sự phân cực này đặc biệt lớn trong KHXH&NV, đằng sau sự phân cực đó là vấn đề ngôn ngữ.

Có thể nói Tiếng Anh là một nguyên do lớn, tuy nhiên đó không phải nguyên do duy nhất tạo ra sự phân cực này. Ấn Độ là một quốc gia nói tiếng Anh, nhưng thành tích của Ấn Độ trong công bố quốc tế về KHXH&NV còn thấp hơn cả Trung Quốc: số lượng trích dẫn trong KHXH&NV của Ấn Độ chỉ chiếm 0,61% tổng số, còn trong nghiên cứu nghệ thuật và nhân văn thì chỉ chiếm 0,28%. Do vậy thành tích nghèo nàn trong công bố quốc tế về KHXH&NV còn phải tìm trong những nguyên nhân khác về thể chế và văn hóa. Trong trường hợp Ấn Độ, có thể giả thiết là do chính sách giáo dục của nhà nước vẫn còn đang chịu ảnh hưởng kế thừa của văn hóa giáo dục thời thực dân, một nền giáo dục vốn chỉ chú trọng tạo ra những con người có các kỹ năng nghề nghiệp “dùng được ngay”, một nền giáo dục tạo ra người làm thuê chứ không nhằm khai phóng những năng lực sáng tạo của con người tự do. Phẩm chất này đặc biệt cần cho sự phát triển của KHXH&NV, vì nếu khoa học kỹ thuật có thể có động lực trực tiếp là những khuyến khích về mặt kinh tế, thì KHXH chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu tri thức và nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và phục vụ lợi ích công. Những lợi ích mà nó mang lại tuy hết sức lớn lao nhưng hiếm khi có thể đo lường trực tiếp bằng lợi ích kinh tế trước mắt.

Thế nhưng, cả Trung Quốc và Nhật Bản cũng đều có số lượng trích dẫn trong công bố quốc tế về KHXH&NV rất thấp. Nếu con số của Trung Quốc là 0,61% (KHXH) và 2,28% (nghệ thuật và khoa học nhân văn) thì con số tương ứng của Nhật Bản là 1,46% và 0,61%; trong lúc hai nước có một hệ thống thể chế chính trị hoàn toàn khác. Một lần nữa, chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về công bố quốc tế trong KHXH bao gồm nhiều mảng màu đan xen phức tạp hơn nhiều chứ không dễ dàng nắm bắt và lý giải.

Có nhiều lý do cho hiện trạng phân cực đã nêu trên đây. Sự thiên vị của các nhà khoa học đối với tiếng Anh đã khiến sự thiếu hụt công bố quốc tế về KHXH&NV ở những nước nghèo thêm trầm trọng, và điều này thiệt thòi không chỉ cho những nước nghèo và không dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính – vì hàng rào ngôn ngữ đã khiến giới khoa bảng những nước này có ít cơ hội tiếp cận với những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về KHXH&NV của quốc tế, dẫn đến hạn chế trong học hỏi và kế thừa – mà còn thiệt thòi cho cả cộng đồng học thuật toàn cầu, vì họ sẽ không có nhiều cơ hội để hiểu rõ về những quan điểm đa dạng và những thực tại không thể tách rời với những truyền thống văn hóa và ngôn ngữ khác.

Dù chưa có được một cách lý giải toàn diện, những số liệu trên đây cũng đã cho chúng ta thấy rõ khoảng cách to lớn và đầy thách thức giữa thành quả của các nhà KHXH&NV ở các nước, cũng như giữa sự phát triển của KHXH&NV và nhu cầu xã hội, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Thực trạng phân cực này đòi hỏi chúng ta xem xét lại vấn đề thước đo thành tựu trong nghiên cứu KHXH&NV và những giải pháp giúp cải thiện năng lực nghiên cứu KHXH&NV và tăng cường công bố quốc tế về KHXH&NV.

Đo lường ấn phẩm khoa học và những hạn chế trong việc đánh giá thành tựu nghiên cứu KHXH&NV

Cho đến nay, giới học thuật quốc tế vẫn đang tiếp tục đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học của một cá nhân hay một quốc gia chủ yếu dựa trên dữ liệu về số lượng công bố quốc tế và số lượng trích dẫn trên các tạp chí có bình duyệt và được công nhận về chất lượng. Hai cơ sở dữ liệu lớn nhất về những thông tin này là Web of Science của Thomson Reuter ta thường gọi là danh sách ISI[4], bao gồm 13.455 tạp chí với các chỉ số chủ yếu: Danh mục Trích dẫn Khoa học Mở rộng (Science Citation Index Expanded SCI-E) có thông tin từ năm 1900; Danh mục trích dẫn KHXH-the Social Science Citation Index (SSCI), và Danh mục Trích dẫn các nghiên cứu về Nghệ thuật và Khoa học Nhân văn (the Arts and Humanities Citation Index -A&HCI) có thông tin từ năm 1956. Một cơ sở dữ liệu lớn thứ hai ngày càng được biết đến rộng rãi là Elsevier’s Scopus[5]. Riêng về KHXH&NV nếu danh mục tạp chí KHXH của ISI có 2.759 tựa và trong nghệ thuật & khoa học nhân văn là 1.516 tựa (tính đến 2009) thì Scopus liệt kê khoảng 4000 tựa KHXH và 1.100 tựa nghệ thuật & khoa học nhân văn, nhưng nguồn thông tin của Scopus chỉ có từ năm 1996 đến nay. Để so sánh khách quan giữa các quốc gia người ta thường lấy dữ liệu cả hai nguồn này và có đối chứng.

Như đã nêu ở phần trên, tuyệt đại đa số tạp chí quốc tế về KHXH&NV là bằng tiếng Anh, và những tạp chí uy tín thường từ chối có khi đến 90% số bài gửi đến, nhiều khi chỉ vì tiếng Anh quá kém. So với các đồng nghiệp trong khoa học tự nhiên, thì đối với các nhà nghiên cứu KHXH&NV, tiếng Anh là một thách thức gay gắt hơn. Do vậy, có thể có những nghiên cứu KHXH&NV có giá trị đã không có cơ hội được công bố trên các tạp chí quốc tế có bình duyệt này. Tất nhiên không có thước đo nào là hoàn hảo, ISI hay Scopus cũng vậy, và nhược điểm dễ thấy nhất là sự thiên vị tiếng Anh của hệ thống dữ liệu này. Nhược điểm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá những thành tựu về KHXH&NV của những nước không nói tiếng Anh, và quan trọng hơn là nó hạn chế cơ hội hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia của các nhà nghiên cứu KHXH&NV.

Riêng về mặt đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu, không thể tránh khỏi việc sử dụng những công cụ đo lường định lượng. Tuy nhiên, so với khoa học tự nhiên, sự đo lường định lượng trong KHXH&NV này còn chứa đựng nhiều vấn đề hơn. Chẳng hạn Thomson Reuters và Scopus chỉ tính bài báo khoa học, trong lúc những tác phẩm, công trình như sách khảo cứu hoặc báo cáo mặc dù rất quan trọng đối với KHXH&NV lại không được tính đến (Archambault E.và Larivière, 2010).

Mặt khác, nhiều nghiên cứu KHXH&NV, đặc biệt là những nghiên cứu tác động (action research) nhằm mục tiêu giải quyết những vấn đề cụ thể của địa phương, có thể ít lôi cuốn sự chú ý của giới học thuật quốc tế, và do vậy ít có cơ hội xuất hiện trong những tạp chí có chỉ số tác động cao. Trong những trường hợp đó, cách đánh giá định tính sẽ mang lại kết quả tốt hơn. (Weingar và Schwechheimer, 2010).

Đánh giá chất lượng nghiên cứu dựa trên tỉ lệ trích dẫn, coi tỉ lệ trích dẫn là biểu hiện của mức độ tác động, hai hệ thống ISI và Scopus đã “không tính đến hiệu quả và tác động xã hội của KHXH&NV đối với việc xây dựng chính sách, đối với quá trình lập pháp của một thể chế, đối với việc thúc đẩy tính sáng tạo trong hoạt động doanh nghiệp hay những cải thiện trong quan hệ xã hội” (Ellen Hazelkorn, 2010, tr. 256).

Những xu hướng mới trong việc cải thiện cách đánh giá thành quả nghiên cứu trong KHXH&NV

Đo lường đánh giá thành quả nghiên cứu là một nhu cầu tất yếu. Những thông tin này cần cho việc hoạch định chính sách đối với hoạt động khoa học công nghệ, và là cơ sở quan trọng để xét tài trợ nghiên cứu. Tuy nhiên, hệ thống đo lường ấn bản quốc tế hiện nay có xu hướng thiên vị về ngôn ngữ và phân bố địa lý, khiến nó không bao quát được một bức tranh thực sự trọn vẹn về hoạt động khoa học trên thế giới.

Do những hạn chế về ngôn ngữ đã nêu trên, nhiều nước đã bổ sung cho ISI và Scopus bằng cách xây dựng hệ thống đo lường ấn bản khoa học quốc gia, mà nổi bật là trường hợp Trung Quốc, Nga và Tây Ban Nha. Từ cuối thập kỷ 90, Danh mục Trích dẫn Khoa học Trung Quốc và Danh mục Trích dẫn Khoa học Xã hội Trung Quốc bắt đầu được áp dụng nhằm đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc, một cơ sở quan trọng để xét duyệt tài trợ (Wei Lili, 2010). Liên bang Nga và Tây Ban Nha cũng xây dựng một danh mục tương tự (Pipiya, 2010) với cách thức thu thập dữ liệu tương tự như Web of Science của Thomson Reuters. Do số lượng tạp chí của các nước này được liệt kê trong danh mục ISI hay Scopus quá ít, những danh mục quốc gia như vậy rất hữu ích để cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về hoạt động nghiên cứu khoa học trong đó có KHXH&NV.

Mặt khác, việc đánh giá về kết quả nghiên cứu khoa học cần được nhìn trong mối tương quan với bối cảnh và quá trình, nên từ năm 2007, UNESCO đã xây dựng bản hướng dẫn nhằm cải thiện cách đo lường thành quả về nghiên cứu ở các nước đang phát triển. Bản hướng dẫn này đưa ra cách nhìn toàn diện hơn, xem xét thành tựu nghiên cứu khoa học trong tương quan với mức độ đầu tư bao gồm số lượng các nhà nghiên cứu và ngân sách nghiên cứu.

Bản thân những tiêu chí định lượng như số lượng ấn phẩm hay trích dẫn cũng có thể cải thiện cho tốt hơn và phù hợp hơn với KHXH&NV. Ví dụ, có cơ sở để cho rằng một công trình nghiên cứu KHXH&NV có vòng đời tồn tại lâu hơn so với các công trình khoa học tự nhiên, vì vậy để đo mức độ tác động của công trình, có thể đo độ dài thời gian của các trích dẫn thay vì chỉ tính số lượng trích dẫn (Archambault and Larivière, 2010). Các tác phẩm KHXH&NV cũng được biết đến và trích dẫn bằng ngôn ngữ gốc của nó, nhiều hơn là được biết đến và trích dẫn qua bản dịch tiếng Anh và trong giới học thuật quốc tế (Gingras, 1984; Line, 1999) do vậy cơ sở dữ liệu của Thomson và Scopus, vốn chỉ dựa trên tư liệu tiếng Anh, chắc chắn đã không phản ánh được đầy đủ tác động của những nghiên cứu KHXH&NV, cho dù những nghiên cứu đó đã được công bố trên tập san quốc tế.

Vì vậy, giá trị của một công trình KHXH&NV không nên chỉ được nhìn từ một phía hay một thước đo duy nhất là công bố quốc tế. Tuy chúng ta không thể bỏ qua cách tiếp cận định lượng, nó vẫn chỉ là một phần của bức tranh KHXH&NV và cần được bổ sung bằng tiếp cận định tính: giá trị của một công trình nghiên cứu KHXH&NVchủ yếu nằm ở chỗ nó có đóng góp như thế nào cho việc tạo ra những thay đổi tích cực trong chính sách, kinh tế và xã hội.

Hai tiêu chí định tính mà Weignart và Schwechheimer đề xuất là: tính tổ chức và tính trí tuệ. Khái niệm “tính tổ chức” là nhằm nói về điều kiện của việc nghiên cứu và về văn hóa nghiên cứu. Văn hóa khoa học lành mạnh trong lĩnh vực KHXH&NV phải bao gồm một không gian đủ rộng cho những cách tiếp cận đa chiều và những phương pháp nghiên cứu khác nhau. Câu hỏi trọng yếu về tính tổ chức là: Liệu những kết quả nghiên cứu này có tiêu biểu cho cộng đồng học thuật quốc gia hay cho những tổ chức chuyên ngành về lãnh vực ấy? Việc nghiên cứu này có một cương vị như thế nào trong khoa, hay trường, hay quốc gia?

Tiêu chí về tính trí tuệ là cốt lõi của bất kỳ sự đánh giá nào về hoạt động nghiên cứu. Theo hai tác giả trên, KHXHNV không nhất thiết phải hội nhập quốc tế với một mức độ tương tự như đối với khoa học tự nhiên xét về mặt định lượng để được coi là có chất lượng cao. Những công trình tập trung vào một lãnh vực hẹp và cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề của một quốc gia trong một bối cảnh văn hóa đặc thù cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn, phẩm chất riêng. Những tiêu chí này có thể là tính độc đáo về lý thuyết và phương pháp, mức độ gây chú ý và tranh luận mà nó gây ra trong cộng đồng học thuật, và tác động đối với công chúng.

Hệ thống đánh giá nghiên cứu của Anh (The UK’s Research Assessment Exercises (RAE) có thể là một ví dụ tiêu biểu về cách đánh giá đa diện, kết hợp các tiêu chí định lượng và định tính. Do một tổ chức nhà nước tiến hành, RAE được thực hiện bốn năm một lần kể từ năm 1986, dựa trên báo cáo của các đơn vị và báo cáo này sẽ trải qua đánh giá đẳng duyệt của chuyên gia. Báo cáo của các đơn vị, tổ chức bao gồm thông tin về đội ngũ nghiên cứu, thu nhập tạo ra do hoạt động nghiên cứu, số lượng ấn bản khoa học, và một số chỉ báo khác về uy tín và môi trường nghiên cứu. Đội ngũ bình duyệt và đánh giá các báo cáo này bao gồm các nhà khoa học và những người tiêu thụ hay sử dụng các kết quả nghiên cứu trong từng lãnh vực cụ thể. Tuy vậy, do thúc đẩy giới nghiên cứu tăng cường công bố khoa học, RAE cũng bị phê phán là đã hỗ trợ cho xu hướng ngắn hạn trong hoạt động nghiên cứu và kích thích những hành vi không lành mạnh như chia nhỏ một công trình thành nhiều bài báo, hay lập ra nhiều tạp chí cốt để tăng số lượng bài báo bất chấp chất lượng (Alis Oancea, 2010).

Bàn luận

Ý nghĩa của đo lường ấn bản khoa học và những hậu quả không mong muốn

Giống như mọi lĩnh vực hoạt động khác, hoạt động khoa học cũng chứa đựng sự cạnh tranh khốc liệt. Ngành đo lường ấn bản khoa học ra đời nhằm cung cấp một thứ thước đo khách quan để đánh giá thành quả nghiên cứu của một nhà khoa học, một tổ chức nghiên cứu, một trường đại học, hay một quốc gia. Người ta dựa vào kết quả khách quan đó để phân bổ kinh phí, xét tài trợ nghiên cứu, đánh giá thành tích và uy tín của một nhà khoa học hay một đơn vị, tổ chức. Như những loại thước đo khác, đo lường ấn bản khoa học chỉ phản ánh chính xác một phần của một thực thể vô cùng phức tạp là các kết quả nghiên cứu khoa học. Nó không ngừng bị phê phán và không ngừng cải tiến để đo được nhiều chiều kích hơn và phản ánh thực tại một cách xác đáng hơn.

Không thể phủ nhận rằng đo lường ấn bản khoa học đã góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đã đặt ra một áp lực buộc các nhà khoa học phải tạo ra năng suất tốt hơn. Bằng cách thúc đẩy công bố khoa học, các nhà nghiên cứu đã được tạo điều kiện để trao đổi tri thức cùng nhau, qua đó nối kết với nhau để giải quyết những vấn đề chung.

Tuy vậy, mặt trái của nó, như nhiều người đã chỉ ra, văn hóa “Publish or perish” (“công bố hay là chết”, cũng thường được đùa là “công bố đi rồi chết”), đã tạo ra sự đua tranh không lành mạnh trong hoạt động học thuật. Do áp lực phải có công bố khoa học, đặc biệt là ở những quốc gia mới nổi, nhiều nhà khoa học đã đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, hoặc tinh vi hơn là tách một bài thành nhiều bài, để chạy theo số lượng công bố (Harvey, L. 2008; Liu, N. C., and Cheng, Y. 2005). Biến công bố khoa học thành động lực chính của việc nghiên cứu không phải là điều đáng khuyến khích, vì nó trái với bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học vốn là một cuộc tìm kiếm tri thức và chân lý. Đặc biệt là trong KHXH&NV, nơi mà những phương pháp định lượng của ngành đo lường ấn phẩm khoa học đã tỏ ra có những hạn chế quan trọng, thì chúng ta càng cần phải thận trọng hơn nhiều trong việc diễn dịch ý nghĩa của các kết quả định lượng này.

Một số đề xuất nhằm tăng cường hội nhập quốc tế cho hoạt động nghiên cứu KHXH&NV Việt Nam, nhìn từ góc độ của ngành đo lường ấn phẩm khoa học

Tuy đã chỉ ra những bất cập của hệ thống đo lường ấn bản khoa học hiện nay trong việc đánh giá KHXH&NV, chúng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc tăng cường sự hiện diện của KHXH&NV Việt Nam trên các tập san quốc tế nhằm xóa bớt khoảng cách to lớn giữa Việt Nam và các nước trong việc nghiên cứu KHXH&NV. Điều này vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, trong một thời đại mà địa cầu trở thành một mái nhà chung, trong đó nhiều vấn đề như môi trường, tài nguyên hay biến đổi khí hậu, kể cả vấn đề giáo dục hay chảy máu chất xám, đều là những vấn đề toàn cầu và cần được giải quyết bằng hợp tác nghiên cứu giữa các nước.

Hình 2. Số bài báo khoa học của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu ISI từ 1996-2005 (Tổng số = 3456). Nguồn: Nguyễn Văn Tuấn, Garvan Institute of Medical Research, Australia.

Sự hiện diện của khoa học Việt Nam, đặc biệt là KHXH&NV trên trường quốc tế còn rất khiêm tốn. Tính trung bình trong khoảng thời gian 1996-2005, chỉ 5% trong tổng số bài báo khoa học của Việt Nam là được công bố trên các tập san quốc tế, và trong 3.456 bài có bình duyệt quốc tế này, KHXH&NV chỉ chiếm 1,6%.  Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam chỉ công bố được khoảng 05 bài báo trên các tập san khoa học xã hội quốc tế.

Để cải thiện chất lượng nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam, một số việc có thể và cần phải làm là:

  1. Hỗ trợ các nhà nghiên cứu KHXH&NV tăng cường kỹ năng nghiên cứu thông qua tập huấn các phương pháp nghiên cứu định lượng và trình bày bài báo khoa học theo các chuẩn mực quốc tế.
  2. Thực hiện hai loại tạp chí song ngữ: một là tạp chí chỉ đăng những bài báo khoa học đã công bố trong lĩnh vực KHXH&NV của giới học thuật quốc tế, theo những chủ đề chọn lọc phù hợp với những mối quan tâm và nhu cầu bức thiết của Việt Nam, trình bày dưới dạng song ngữ, nhằm giúp cho giới nghiên cứu KHXH&NV trong nước tiếp cận với cách tư duy, cách diễn đạt, phương pháp nghiên cứu và những ý tưởng mới nhất của giới khoa bảng KHXH&NV quốc tế. Loại thứ hai, cũng là tạp chí song ngữ, do các viện nghiên cứu chuyên ngành hoặc các trường đại học hàng đầu của Việt Nam thực hiện, hoạt động dựa trên nguyên tắc bình duyệt quốc tế; chỉ đăng những bài báo của giới nghiên cứu KHXH&NV Việt Nam đã trải qua bình duyệt quốc tế. Tạp chí này rất quan trọng để đưa hoạt động của giới nghiên cứu KHXH&NV Việt Nam hướng đến các chuẩn mực quốc tế và hội nhập vào cộng đồng học thuật toàn cầu.
  3. Đẩy mạnh các công trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH &NV, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách công. Hợp tác nghiên cứu cũng là cách xây dựng năng lực nghiên cứu nội tại cho đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp của Việt Nam. Cần có cơ chế khuyến khích hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chẳng hạn chính sách tài trợ nghiên cứu có thể ưu tiên cho những đề tài có sự tham gia của đồng nghiệp quốc tế, hoặc khen thưởng thích đáng cho các nhà nghiên cứu Việt Nam có thành tích tham gia các dự án nghiên cứu do nước ngoài tổ chức thực hiện.
  4. Nhà nước phải có chính sách giúp các trường đại học mua bản quyền để giảng viên đọc các tạp chí quốc tế qua mạng Internet[6]. JSTOR (Journal Storage) là một hệ thống tập san khoa học trực tuyến thành lập năm 1995, hiện có 7.000 trường đại học và viện nghiên cứu từ 159 quốc gia đã đăng ký thành viên. JSTOR cung cấp cho thành viên của mình quyền truy cập toàn văn các bài báo khoa học đã được số hóa của hàng trăm tạp chí nổi tiếng, từ 1965 đến nay. Trong danh sách các trường đại học có mua bản quyền đọc tập san khoa học quốc tế qua JSTOR, có vô số các trường đại học Mỹ, nhiều trường ở Đông Nam Á, có một ít trường ở châu Phi, ngay cả ở những nước rất nghèo. Việt Nam không có trường nào có tên trong danh sách mua bản quyền truy cập JSTOR để đọc các tạp chí ấy, kể cả hai Đại học Quốc gia.
  5. Lập cơ sở dữ liệu về ấn phẩm khoa học trong nước và công bố quốc tế trong KHXH&NV cho Việt Nam. Dữ liệu này có thể phân tích nhằm xác định mức độ phổ biến và tác động của các bài báo khoa học cụ thể, các tác giả, các đơn vị nghiên cứu. Đó là những thông tin quan trọng dùng làm cơ sở xây dựng chính sách cũng như đánh giá mức độ ưu tú trong thành tích nghiên cứu.

Kết luận

Một khi con bướm đập cánh ở Bắc Kinh có thể gây ra cơn bão ở New York, thì hơn bao giờ hết giới nghiên cứu KHXH&NV cần liên kết lại để đáp ứng tốt hơn với những biến đổi của thời đại. Cần một tầm nhìn dài hạn để phát triển KHXH&NV. Sau mấy thập kỷ phát triển như vũ bão về khoa học công nghệ, con người đã tiến một bước rất dài trong việc chinh phục tự nhiên; tạo ra nhiều của cải vật chất và kiến tạo một khối lượng tri thức không ngừng tăng với cấp số nhân. Nhưng đồng thời con người cũng tạo ra vô số những vấn đề có thể dẫn nhân loại đến chỗ diệt vong: tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên và tàn phá môi trường; sự phân cực ngày càng rộng giữa người giàu và người nghèo là mầm mống tạo khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội; sự bất lực của giáo dục trong việc chuẩn bị con người cho một thế giới hài hòa, v.v. Tất cả những vấn đề đó rất cần được KHXH&NV nghiên cứu thấu đáo để làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách.

Đo lường ấn phẩm khoa học cần được không ngừng cải tiến nhằm phản ánh một cách xác thực thành quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với KHXH&NV. Vì đo lường ấn phẩm khoa học chỉ là công cụ, chứ không phải mục đích tự thân của hoạt động nghiên cứu khoa học, cho nên nó sẽ phát huy tốt nhất vai trò của nó khi chúng ta có ý thức đầy đủ về những hạn chế mà nó chưa thể vượt qua. Biến nó thành mục tiêu tự thân, chúng ta sẽ có thể lạc hướng trong việc xây dựng chiến lược phát triển KHXH&NV. Ngược lại, nếu không đánh giá đúng tầm quan trọng của những hệ thống đo lường ấn phẩm khoa học quốc tế, chúng ta sẽ mãi mãi đứng ngoài lề thay vì có thể hội nhập và tìm được tiếng nói chung với giới nghiên cứu KHXH&NV toàn cầu. Hội nhập quốc tế trong nghiên cứu KHXH&NV không phải chỉ là để nâng cao thành tích và vị trí xếp hạng các trường đại học, mà là để thu lượm được thành quả tri thức mà nhân loại đã tích lũy được, để nâng cao trình độ của giới nghiên cứu trong nước, để đóng góp tốt nhất vào việc giải quyết những vấn đề mà thực tại đang đặt ra, để góp phần tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và kiến tạo một thế giới hài hòa cho tất cả chúng ta.

TƯ LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

Alis Oancea. 2010. Research Assessment in United Kingdom. World Social Science Report, UNESCO. Chapter 7, pp. 259-260.

Archambault, É., Campbell, D., Gingras, Y. and Larivière, V. 2009. “Comparing Bibliometric Statistics Obtained from The Web of Science and Scopus”. Journal of the American Society for Information Science and Technology, Vol. 60, No. 7.

Archambault Eric and Vincent Larivière , 2010. The Limits of Bibliometrics for Analysis of The Social Sciences and Humanities Literature. World Social Science Report, UNESCO. Chapter 7, pp. 251-254.

Archambault, É., Vignola-Gagné, É., Côté, G., Larivière, V. and Gingras, Y. 2006. Benchmarking Scientific Output In The Social Sciences And Humanities: The Limits of Existing Databases. Scientometrics, Vol. 68, No. 3, pp. 329–42.

Australian Government. 2006. Research Quality Framework: Assessing the Quality and Impact of Research in Australia. Commonwealth of Australia.

http://www.unisa.edu.au/rqie/rqfhistory/docs/

Australian Research Council. 2009. The Excellence in Research for Australia (ERA) Initiative (Canberra). http://www.arc.gov.au/era/default.htm (Truy cập 13/10/2011).

Dadds, M. and Kynch, C. 2003. The Impact of The RAE 3b Rating on Educational Research In Teacher Education Departments. Research Intelligence, No. 84.

Deem, R., Mok, K. H. and Lucas, L. 2008. Transforming Higher Education in Whose Image? Exploring the Concept of The ‘World-Class’ University in Europe and Asia. Higher Education Policy, Vol. 21, pp. 83–97.

Elsevier. Scopus Overview: What is it? http://www.info.scopus.com/overview/what

(Truy cập 1 -10- 2011.)

Elton, L. 2000. The UK Research Assessment Exercise: Unintended Consequences. Higher Education Quarterly,Vol. 54, No. 3, pp. 274–83.

Peter Weingart and Holger Schwechheimer. 2010. Conceptualizing and Measuring Excellence in Social Sciences and Humanities. World Social Science Report, UNESCO.

European Commission. 2006. RICARDIS: Encourage Corporate Measuring and Reporting on Research and Other Forms of Intellectual Capital (Brussels). http://ec.europa.eu/invest-in-research/pdf/download_en/2006-2977_web1.pdf

Glänzel, W. 1996. A Bibliometric Approach To Social Sciences. National Research Performance in 6 Selected Social Science Areas, 1990–1992. Scientometrics, Vol. 35, No. 3, pp. 291–307.

Glänzel, W. and Schoepflin, U. 1999. A Bibliometric Study of Reference Literature in The Sciences and Social Sciences. Information Processing and Management, Vol. 35, No. 1, pp. 31–44.

Gingras, Y. 1984. The Value of A Language for A Field of Research. Recherches Sociographiques, Vol. 25, No. 2, pp. 285–96.

Hackett, E. J. 1990. Science As A Vocation in The 1990s: The Changing Organizational Culture Of Academic Science.Journal of Higher Education, Vol. 61, No. 3, pp. 241–79.

Hare, P. G. 2003. The United Kingdom’s RAE: Impact on Institutions, Departments, Individuals. Higher EducationManagement and Policy, Vol. 15, No. 2, pp. 43–61.

Harvey, L. 2008. Rankings of Higher Education Institutions: A Critical Review. Quality in Higher Education, Vol. 14,No. 3, pp. 187–207.

Hazelkorn, E. 2008. Learning to Live With League Tables and Ranking: The Experience Of Institutional Leaders. HigherEducation Policy, Vol. 21, No. 2, pp. 193–215.

Hicks, D. M. 1999. The Difficulty of Achieving Full Coverage of International Social Science Literature And The Bibliometric Consequences. Scientometrics, Vol. 44, No. 2, pp. 193–215.

Higher Education Funding Council of England (HEFCE). 2008. Research Assessment Exercise. http://www.rae.ac.uk

Huang Changzhu and Huang Yufu. 2008. Social Science and Humanities Abroad: Policy and Management. Beijing, Social Sciences Academic Press, p. 313.

Huang Ping. 2010. The Status of the Social Sciences in China. World Social Science Report, UNESCO. Chapter 2, pp. 73-76.

IHEP. 2009. Impact of College Rankings on Institutional Decision Making: Four Country Case Studies (Washington, DC.)

http://www.ihep.org/assets/files/publications/g-l/ImpactofCollegeRankings.pdf

Ji Liang. 2005. The Development of Social Science Bibliometrics. Management and Review of Social Sciences (Beijing), No. 4, pp. 80–85.

Leydesdorff, L. 2003. Can Networks of Journal-Journal Citation Be Used As Indicators of Change in the Social Sciences? Journal of Documentation, Vol. 59, No. 1, pp. 84–104.

Line, M. B. 1999. Social Science Information – The Poor Relation. 65th IFLA Council and General Conference. Bangkok, 20–28 August.

Liu, N. C., and Cheng, Y. 2005. The Academic Ranking of World Universities – Methodologies And Problems. Higher Education in Europe, Vol. 30, No. 2, pp. 127–36.

Michael Kahn.2010. Measure for Measure: Quantifying the Social Sciences. World Social Science Report. UNESCO. P.359.

Mu-hsuan Huang and Yu-wei Chang, “Characteristics of Research Output in Social Sciences and Humanities: From a Research Evaluation Perspective,”Journal of the American Society for Information Science and Technology 59, no.11 (2008): 1819–28.

Tuan V. Nguyen and Ly T. Pham. 2011. Scientific Output and Its Relationship with Knowledge Economy: An Analysis of Asean Coutries. Scientometrics, Vol. 89, Number 1, 107-117, DOI: 10.1007/s11192-011-0446-2 .

Wei Lili.2010. Funding and Assessment of Humannities and Social Science Research in China. World Social Science Report. UNESCO. Chapter 7, pp 269-272.

[1] Trước đây thuật ngữ bibliometrics đã từng được dịch sang tiếng Việt là “đo lường thư mục khoa học” (Xem Tuan V. Nguyen, Ly T.Pham. 2011), nhưng thiết nghĩ thuật ngữ này chưa phản ánh đúng thực chất của ngành học này nên trong bài này chúng tôi đề nghị dùng thuật ngữ “đánh giá khoa học qua định lượng ấn phẩm” hoặc có thể gọi tắt là “đo lường ấn phẩm khoa học”.

[2] Nicola De Bellis. 2009. Bibliometrics, and Citation Analysis. The Scarecrow Press, Inc.Lanham, Maryland • Toronto • Plymouth, UK

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Bibliometrics

[4] http://www.isiwebofknowledge.com

[5] Xem thêm: Elsevier, Scopus Overview: What is it? http://www.info.scopus.com/overview/ (Truy cập 1 -10- 2011.)

[6] Đề xuất này là của PGS. Bùi Mạnh Hùng.