Phạm Thị Ly (2015)
(Bài trình bày trong Tọa đàm ĐH trọng điểm tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngày 14.03.2015)

Tóm tắt

Trường ĐH trọng điểm là một mô hình tổ chức thể hiện mức độ tập trung về nguồn lực và hỗ trợ về chính sách nhằm thực hiện những mục tiêu ưu tiên của nhà nước. Từ trước đến nay mô hình trọng điểm được xem là chỉ áp dụng cho khu vực công vì nó liên quan đến việc sử dụng nguồn ngân sách công. Bài này bàn đến khả năng mở ra một cách tiếp cận mới đối với mô hình trọng điểm xã hội hóa, tức là mô hình trọng điểm đối với các trường tư thục, không sử dụng nguồn vốn ngân sách, nhưng cần sự hỗ trợ về chủ trương chính sách của nhà nước để có thể khơi thông nguồn lực xã hội hóa nhằm đạt đến sự ưu tú. Bài viết bàn về mô hình trọng điểm nói chung, về những điều kiện để triển khai mô hình này trong khu vực ngoài công lập, và ý nghĩa của nó trong việc cải thiện hoạt động của cả hệ thống. 

Hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam qua hai thập niên tăng trưởng nóng về số lượng, đã đến lúc cần chậm lại để thực hiện tái cấu trúc nhằm tăng cường chất lượng và đặc biệt là hiệu quả. Dự thảo Nghị định về Phân tầng và xếp hạng đang lấy ý kiến rộng rãi là một nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tổ chức lại hệ thống. Tuy nhiên, nếu như việc phân tầng nhằm vào quy hoạch dựa trên sứ mạng và xếp hạng nhằm vào việc minh bạch về chất lượng, thì vấn đề trọng điểm có một ý nghĩa khác. Mô hình ĐH trọng điểm là một trong những mô hình thể hiện mức độ ưu tiên của nhà nước[1] nhằm giúp cho một số trường có điều kiện đạt được một số mục tiêu mà nhà nước đề ra trong từng thời kỳ cụ thể.   Cho đến nay, ý niệm về ĐH trọng điểm vẫn tập trung trong khu vực công lập. Liệu có thể đem mô hình này áp dụng cho khu vực ngoài công lập, và nếu có, những điều kiện hay hạn chế của nó là gì?

“Trường ĐH trọng điểm”- Khái niệm và lịch sử

Khái niệm “trường ĐH trọng điểm” lần đầu tiên được đưa vào các văn bản pháp lý của Việt Nam năm 2001, với Quyết định 47/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng về Phê duyệt mạng lưới trường ĐH. Tiếp theo là công văn 1269/CP-KG của Chính phủ đồng ý xây dựng 14 trường trọng điểm, và các văn bản gần đây như Quyết định 121/2007/TTg và Quyết định 37/2013/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới ĐH-CĐ giai đoạn 2006-2020 đều khẳng định chủ trương tập trung đầu tư xây dựng các trường ĐH trọng điểm.

Tuy nhiên, thế nào là ĐH trọng điểm, điều kiện nào để được công nhận là ĐH trọng điểm, và những ưu đãi nào dành cho các trường ĐH trọng điểm, thì không có văn bản nào đề cập đến. Hiện nay Việt nam có 18 cơ sở GDĐH được chọn xây dựng thành trọng điểm quốc gia, bao gồm 2 ĐH Quốc gia, 5 ĐH vùng, và 11 trường ĐH khác[2]. Dựa trên danh sách 18 trường này, thì có thể hiểu, ĐH trọng điểm được xác định dựa trên vùng lãnh thổ và những ngành đặc biệt quan trọng cho đời sống kinh tế xã hội và an ninh quốc gia (sư phạm, y dược, kinh tế, nông lâm ngư nghiệp, công nghệ, kỹ thuật quân sự, quân y, hàng hải). Ngoài hai ĐH Quốc gia và ĐH vùng được xem là những cơ sở được chính phủ ưu tiên giao quyền tự chủ (ví dụ như được tự in và cấp bằng tiến sỹ; được toàn quyền cử cán bộ đi học nước ngoài, trừ những trường hợp du học bằng ngân sách nhà nước; được chủ động mời và tiếp nhận giảng viên, sinh viên nước ngoài đến học và giảng dạy; được đề xuất mở những ngành đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo; được quyết ngân sách đầu tư thiết bị và xây dựng cơ bản mà không phải thông qua Bộ GD-ĐT, v.v.), những trường ĐH trọng điểm khác không có sự ưu tiên hay khác biệt gì về cơ chế quản lý so với những trường không phải là trọng điểm. Tuy vậy, các trường ĐH trọng điểm hiện đang có sự quan tâm và đầu tư một nguồn lực đặc biệt, nhất là trong đầu tư xây dựng và phát triển, thể hiện sự cam kết và ưu tiên của chính phủ, dù rằng không có văn bản hay quy định nào cụ thể về sự cam kết này.

Khái niệm “trường ĐH trọng điểm quốc gia” có lẽ đã xuất phát từ mô hình tương tự của Trung Quốc (National Key Universities – 国家重点大学), xuất hiện lần đầu năm 1959, dùng để chỉ 16 trường được nhà nước công nhận là những trường có uy tín cao và cam kết dành cho nó một sự hỗ trợ đặc biệt. Năm 1960, có thêm 44 trường, và đến năm 1978, có tất cả 88 trường ĐH trọng điểm ở Trung Quốc. Đến những năm đầu thập kỷ 2000, khi Trung Quốc cải tổ hệ thống thành ra hai tầng bậc, hiện nay bao gồm 75 trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển quốc gia trực thuộc Bộ Giáo dục hoặc một vài Bộ chuyên ngành, số còn lại trực thuộc các địa phương, thì thuật ngữ “trường ĐH trọng điểm” không còn được chính thức sử dụng nữa. Thay vào đó, nhà nước Trung Quốc phát động Dự án 985 và sau này là 211 nhằm đầu tư đặc biệt cho một số trường để trở thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

Vì sao trọng điểm?

Từ “trọng điểm” (“zhòngdiǎn”: 重点)có thể dịch ra thành “chủ yếu”, “trọng tâm”, hay “ưu tiên”[3], phản ánh quan điểm và lý do vì sao cần có mô hình này. Ý tưởng này xuất phát từ một thực tế, là nguồn lực nhà nước có hạn không thể đạt hiệu quả cao nhất nếu trải đều cho tất cả các trường như nhau mà không tính đến những nhu cầu và ưu tiên của quốc gia trong từng thời kỳ.

Thực tế Việt Nam còn cho thấy, nguồn lực về tài chính tuy rất quan trọng, nhưng chỉ là một trong những điều kiện cần để các trường có thể vươn tới sự ưu tú. Một cơ chế quản trị thích hợp, gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình, có tính chất hỗ trợ và khích lệ, còn quan trọng hơn nhiều, để thúc đẩy sáng kiến và thu hút tài năng, nhờ đó các trường có thể vượt qua những thách thức hiện tại.

Trong bối cảnh nhà nước chưa thể thực hiện những cải cách đồng loạt trên diện rộng, thì các trường trọng điểm, cùng với những mô hình gần đây như mô hình ĐH xuất sắc, có thể xem như những “phòng thí nghiệm chính sách” để áp dụng từng bước những đổi mới trong cơ chế quản lý và đánh giá hiệu quả tác dụng của nó, một cách làm mà người Trung Quốc thường gọi là “dò đá qua sông”, thể hiện một cách tiếp cận thận trọng đối với nhu cầu cải cách.

Tuy vậy, cho đến nay, người ta vẫn gắn khái niệm “trọng điểm” với “ưu tiên đầu tư về nguồn lực” hơn là “ưu tiên tạo điều kiện phát triển”, do đó, nó vẫn chủ yếu là sân chơi của khu vực công lập. ĐH trọng điểm trong khu vực tư là một mô hình chưa có tiền lệ, và có thể là một bước đột phá trong tư duy quản lý, một ý tưởng cần được xem xét thấu đáo, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện tại của khu vực ngoài công lập.

Mô hình ĐH trọng điểm trong khu vực ngoài công lập

Trong hai thập kỷ qua, sự phát triển của khu vực GDĐH tư ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Báo cáo của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ cho biết, các cơ sở GDĐH NCL không chỉ tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn người được tiếp nhận học vấn đại học, bảo đảm công ăn việc làm cho hàng nghìn giảng viên, mà còn huy động được nguồn lực tài chính khá lớn cho GDĐH. Tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập các trường này đến 9/2009 là 1555 tỷ đồng. Năm 2008 tổng thu học phí từ các trường NCL là 1850 tỷ đồng, quy mô sinh viên là 218.200 người, đội ngũ giảng viên có 7718 người. Theo ước tính của một số chuyên gia từ năm 2000 đến nay, các trường ĐH-CĐ NCL đã gánh cho ngân sách nhà nước trên 30 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, hệ thống NCL cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém, một phần là do những bất cập trong chính sách. Cả nhà nước và xã hội đều có biểu hiện coi trọng hệ thống GDĐH công lập hơn tư thục, đều chưa hoàn toàn thoát ra khỏi những quan niệm và chính sách có nguồn gốc từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung trước đây. Sự lúng túng khi xử lý mối tương quan giữa giáo dục và thị trường, giữa lợi nhuận và nghĩa vụ xã hội, giữa bản chất dịch vụ và sứ mạng xã hội của trường ĐH đối với khu vực tư, đã tạo ra nhiều khó khăn và góp phần vào việc hạn chế tiềm năng phát triển của các trường NCL.

Thực tế này đã dẫn đến sự phân hóa trong khu vực NCL. Một số trường nhắm vào phân khúc thấp, đào tạo kém chất lượng do tầm nhìn ngắn hạn. Một số trường rơi vào tranh chấp nội bộ khiến không thể tập trung nguồn lực và nỗ lực cho chất lượng, uy tín trong xã hội bị giảm sút nghiêm trọng. Chỉ những trường có nguồn gốc sở hữu rõ ràng, không bị tranh chấp nội bộ, có nguồn lực mạnh và có tầm nhìn dài hạn, sẽ là những trường có khả năng vươn tới những đỉnh cao và đem lại nguồn sinh khí mới cho cả hệ thống. Để xây dựng khu vực GDĐH tư ở Việt Nam thành một hệ thống lành mạnh và phát triển ổn định, những trường này sẽ có một vai trò đặc biệt quan trọng, và cần được xem là những trường ĐH trọng điểm.

Điểm khác biệt quan trọng so với các trường ĐH trọng điểm đang có hiện nay, là những trường ĐH tư thục trọng điểm không sử dụng nguồn lực nhà nước, mà dựa trên nguồn lực xã hội hóa. Công nhận mô hình ĐH trọng điểm đối với khu vực NCL là thể hiện thái độ nhìn nhận của nhà nước đối với những nỗ lực và khát vọng vươn tới đỉnh cao của các trường tư thục, biểu lộ sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ của nhà nước trong việc tạo điều kiện cho các trường này đạt được mục tiêu.

Mô hình ĐH trọng điểm tư thục cần bao hàm một số đặc điểm trong đầu vào, trong quá trình và đầu ra, nhằm bảo đảm cho việc đạt được những mục tiêu dự định. Có thể hiểu mô hình trọng điểm trong khu vực công là cam kết một nguồn lực mạnh của nhà nước cho những đơn vị được nhà nước lựa chọn nhằm đạt những mục tiêu mà nhà nước xem là ưu tiên; còn mô hình trọng điểm trong khu vực tư là một cam kết được thỏa thuận giữa hai bên: nhà trường cam kết đóng góp một nguồn lực mạnh, hoạt động theo những nguyên tắc bảo đảm cho sự ưu tú, hướng tới một kết quả xuất sắc; còn nhà nước thì cam kết hỗ trợ bằng những chính sách thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho nhà trường đạt được những mục tiêu đã đề xuất. Trong mô hình này, nhà nước không cần phải đầu tư về nguồn tài chính, mà chỉ cần tạo ra một không gian có tính chất khích lệ để các trường thể nghiệm sự sáng tạo và đổi mới.

Điều kiện để xây dựng mô hình ĐH tư thục trọng điểm

Như trên đã nói, mô hình ĐH tư thục trọng điểm là một sự cam kết giữa nhà trường và nhà nước, vì vậy, cần có một số điều kiện để đảm bảo rằng những cam kết của nhà trường là có cơ sở và có thể thực hiện được.

Cam kết quan trọng nhất là về nguồn lực tài chính. Khác biệt quan trọng nhất của khu vực NCL so với khu vực công lập, là khu vực NCL không dựa vào nguồn tài chính công. Mặc dù nguồn lực tài chính chỉ là một trong các điều kiện để xây dựng thành công ĐH trọng điểm, với khu vực tư, nó là điều kiện tiên quyết. Nếu không có một nguồn lực ban đầu đủ mạnh, thì khó mà nói đến chất lượng, vì GDĐH đòi hỏi một sự đầu tư dài hạn.

Cam kết quan trọng tiếp theo là một cơ chế quản trị nội bộ lành mạnh nhằm khích lệ sự ưu tú. Trong bộ khung cơ chế hiện nay, so với trường công, trường ĐH NCL đang có một mức độ tự chủ lớn hơn nhiều về tài chính và nhân sự, và các trường muốn trở thành trọng điểm cần chứng tỏ tầm nhìn của mình qua chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài, và những chính sách khích lệ tài năng nói chung. Việc đưa ra một danh sách giáo sư, tiến sĩ không quan trọng bằng việc chứng minh rằng nhà trường có một tầm nhìn thích đáng trong việc sử dụng người tài và có động lực tự cải thiện mạnh mẽ, thể hiện qua những tiến bộ đạt được qua thời gian.

Các trường tư có tham vọng phấn đấu theo mô hình ĐH trọng điểm cũng cần có một kế hoạch dài hạn với những lộ trình thích hợp cho từng mục tiêu (về cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, cải cách chương trình, quan hệ doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng,v.v.), và cách làm để đạt được những mục tiêu cụ thể ấy.

Câu hỏi đặt ra cho quản lý nhà nước không nhất thiết phải là các trường cần phải đạt những tiêu chí nào (về số lượng ngành nghề đào tạo, về tiêu chuẩn đội ngũ, về cơ sở vật chất, v.v.) để được công nhận là ĐH trọng điểm (bởi lẽ tất cả đều đang là mục tiêu) mà là đánh giá tính khả thi của việc thực hiện những mục tiêu ấy.

Ý nghĩa của việc xây dựng ĐH tư thục trọng điểm

Đối với nhà trường, được công nhận cương vị trường ĐH trọng điểm đồng nghĩa với nhận lãnh một cam kết trước nhà nước và trước xã hội về chất lượng hoạt động của nhà trường. Điều này sẽ tạo thuận lợi để nhà trường xác lập những chuẩn mực cao trong việc tuyển dụng nhân sự cũng như trong mọi hoạt động. Với mô hình ĐH tư thục trọng điểm, nhà trường có được sự cam kết ủng hộ của nhà nước để an tâm đầu tư dài hạn, và có một không gian rộng lớn để thể nghiệm mọi sáng tạo.

Đối với nhà nước, công nhận mô hình ĐH tư thục trọng điểm là thể hiện một quan điểm nhìn nhận khả năng đóng góp của khu vực tư trong việc cải thiện chất lượng của hệ thống GDĐH. Điều này nhất quán với chủ trương xã hội hóa của nhà nước, và là một xu thế tất yếu trên thế giới cũng như ở Đông Á.

Tạo điều kiện cho một số trường tư thục tạo ra chuyển biến đáng kể về chất lượng, nhà nước cũng sẽ kích thích sự đổi mới của khu vực công, vốn được xem là thiếu động lực đổi mới. Điều này sẽ mang lại sinh khí cho cả hệ thống, và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng tuyển sinh chậm lại, thậm chí giảm mạnh trong vài năm gần đây, cùng với tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường, cho thấy những vấn đề về chất lượng của cả hệ thống. Việc công nhận ĐH tư thục trọng điểm có một ý nghĩa khích lệ đối với GDĐH tư và gửi đi một thông điệp tích cực cho khu vực tư nói chung của nền kinh tế, là điều rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế- xã hội hiện nay.

Điều cần nhấn mạnh là, ở Trung Quốc, mô hình trọng điểm được chuyển sang mục tiêu xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên đối với Việt Nam, ĐH đẳng cấp quốc tế là một mục tiêu xa vời và không thực tế. ĐH trọng điểm là một mô hình phù hợp hơn với điều kiện hiện nay của Việt Nam, và cần thúc đẩy để tạo ra những điểm nhấn trong hệ thống nhằm trở thành một mô hình mẫu mực mà các trường khác có thể học tập. Đặc biệt trong khu vực tư, nhà nước nên khuyến khích mô hình trọng điểm vì nó không tiêu tốn ngân sách, nó chỉ cần sự hỗ trợ về chủ trương và chính sách để khơi thông nguồn lực xã hội hóa.

Tài liệu tham khảo

Cai, Y., and F. Yan. 2009. The Responses of Private Higher Education Institutions to Market-Oriented Environments in China—an Institutional Approach. Paper read at the 22nd CHER conference, 10-12 September, at Porto.

Kinglun Ngok and Weiquing Guo (2008). The Quest for World Class Univerities in China: A Critical Reflections. Policy Futures in Education, Volum 6 Number 5, 2008, pp 545-557.

Levy, Daniel C. 2010. East Asian Private Higher Education: Reality and Policy. World Bank Report.

———. 2006. The Unanticipated Explosion: Private Higher Education’s Global SurgeComparative Education Review50 (2):217-240.

———. 2007. Inter-Sectoral Interfaces in Higher Education Development: Private and Public in Sync? In World Bank Volume on Development Economics.

Loc, Nguyen. 2002. Non-Public or People-Founded Higher Education in Vietnam. In The Report of the Second Regional Seminar on Private Higher Education: Its Role inHuman Resource Development in a Globalised KnowledgeSociety, edited byUNESCO PROAP and SEAMEO RIHED. Bangkok, Thailand, pp. 129-136.

Ly T. Pham and Hayden M., (forthcoming).“Vietnam’s Higher Education System In Transition: The Struggle To Achieve Potential”. In Rajika Bhandari, and Alessia Lefébure et al (eds). Asia: The Next Higher Education Superpower? Springer.

Ly T. Pham (2014b). “Managing the Expansion and Quality: The Role of Private Sector and International Participation”. Paper presented at the Symposium Expanding Tertiary Education Out and Up to Stimulate Economic and Social Development: An Emerging Research Agenda for Asia and the Pacific, Langkawi, Malaysia 13-14 November, 2014.

Phạm Thị Ly, Đàm Quang Minh (2014). GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam, những nút thắt cần tháo gỡ. Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 10.08.2014.

Ghi chú

[1] Những mô hình khác có thể kể là: trường ĐH xuất sắc như Việt Đức, ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội, ĐH Quốc gia và ĐH vùng.

[2] Bao gồm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Kinh tế TP HCM; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm TP HCM; Trường ĐH Y Hà Nội; Trường ĐH Y Dược TP HCM; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Trường ĐH Hàng hải Việt Nam; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Học viện Quân y.

[3] The Chinese-English Dictionary (Heian International Pub. Co., 1979).