LỜI GIỚI THIỆU

Khoảng thời gian còn lại để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực đã có thể đếm được từng ngày. Chỉ còn bốn tháng nữa, AEC sẽ chính thức hình thành, tạo ra một khu vực tự do dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, nguồn vốn, và lực lượng lao động giữa các nước thành viên ASEAN: Brunei, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Lào, Cambodia, và Myanmar.

 Trong lĩnh vực giáo dục, một khu vực sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ của AEC và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hội nhập khu vực, hầu như chúng ta chưa có một sự chuẩn bị nào đáng kể . Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore thực hiện năm 2013, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết và nhận thức rất hạn chế về AEC: 76% số doanh nghiệp được điều tra không biết gì về AEC; 63% doanh nghiệp cho rằng AEC không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến việc kinh doanh của mình. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số các quốc gia ASEAN. Mùa hè vừa qua, Sở Giáo dục TPHCM có tổ chức giảng dạy chuyên đề tìm hiểu về ASEAN cho khối đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của giới quản lý và giảng viên của các trường nghề về những thách thức và cơ hội đặt ra cho khu vực đào tạo nghề khi chúng ta hội nhập vào thị trường lao động ASEAN.

Thế nhưng, trong khu vực đại học, hầu như chúng ta chưa có chuyển động gì. Trong lúc đó, các nước trong khu vực đã tiến những bước vững chắc để chuẩn bị khai thác những cơ hội mà AEC mang lại, và chuẩn bị cho việc đáp ứng với những khó khăn trên đường đạt đến mục tiêu.

Một trong những nỗ lực đón đầu cơ hội này là Diễn đàn Tầm nhìn Toàn cầu của Malaysia (Malaysia’s Global Reach Forum), diễn ra vào ngày 01.09.2015 tại Penang, Malaysia, do Viện Nghiên cứu GDĐH Quốc gia Malaysia tổ chức. Diễn đàn có các diễn giả từ Indonesia và Việt Nam và các trường ĐH, viện nghiên cứu của Malaysia nhằm thảo luận những ý tưởng và dự án thúc đẩy quan hệ giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam. Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá GDĐH của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, là một trong các diễn giả chính của diễn đàn này.

Dưới đây là bài tổng quan về những vấn đề đã được nêu ra và thảo luận tại Diễn đàn. 

Ghi nhận tại Diễn đàn “Malaysia’ Global Reach Forum” do Viện Nghiên cứu GDĐH Quốc gia Malaysia tổ chức tại Penang, Malaysia, ngày 01.09.2015

TẦM NHÌN TOÀN CẦU CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC MALAYSIA & CƠ HỘI CHO VIỆT NAM

Phạm Thị Ly (2015)

Trong các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, Malaysia thuộc nhóm ASEAN-6, tức nhóm các nước có trình độ phát triển cao. Xét về GDP đầu người, Malaysia đứng thứ ba (chỉ sau Brunei và Singapore), tỉ lệ nghèo đói thấp nhất, với 3,8% dân số dưới mức thu nhập 1USD/ngày; chi phí cho giáo dục là 21,3% trong tổng chi ngân sách và 5,1% GDP. So với Việt Nam, Malaysia có diện tích tương đương, nhưng dân số bằng khoảng một phần ba, và GDP đầu người thì lớn gấp năm lần. Malaysia giữ được mức tăng trưởng trên 6,5%/năm trong suốt 50 năm, và hiện là nền kinh tế lớn thứ ba ở Châu Á, và đứng thứ 25 trên toàn cầu. Sự phát triển trong kinh tế của Malaysia trước đây dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nhưng nay đang chuyển sang khoa học, thương mại, du lịch, và y tế.

Hệ thống GD sau trung học của Malaysia gồm 20 trường ĐH công, 30 trường cao đẳng nghề công lập, 37 ĐH tư, và hơn 400 trường CĐ tư. Hơn nửa học sinh học trong hệ thống công lập. Hầu hết trường công dạy bằng tiếng Bahasa Malaysia trong khi trường tư dạy bằng tiếng Anh. Trường cao đẳng và dạy nghề không cấp bằng. Bằng ĐH phải tuân thủ yêu cầu của Malaysian Qualifications Agency (MQA), một tổ chức quản lý nhà nước có chức năng kiểm định chương trình.

Viện Nghiên cứu GDĐH Quốc gia Malaysia (IPPTN) là một tổ chức nghiên cứu trực thuộc University Sains Malaysia (USM) có chức năng nghiên cứu và tư vấn về chính sách GDĐH cho Bộ Giáo dục Malaysia. Với lịch sử thành lập hơn 20 năm, IPPTN đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng chính sách cho khu vực GDĐH ở Malaysia, và là cầu nối tạo ra môi trường trao đổi học thuật về giáo dục cho giới hàn lâm của Malaysia và của quốc tế.

Diễn đàn Malaysia’ Global Reach Forum được IPPTN tổ chức ngày 01.09.2015 tại Penang là một sáng kiến nằm trong chuỗi hoạt động của Viện nhằm tạo điều kiện tăng cường tính chất toàn cầu hóa, quốc tế hóa của GDĐH Malaysia, với điểm nhấn là các nước trong khu vực, trong bối cảnh AEC bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2015. Diễn đàn có sự tham gia của nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu ở Malaysia. Phó Vụ Trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục Malaysia, bà Datin Paduka IR DR Siti Hamisah Tapsir không chỉ tham dự và phát biểu trong nghi lễ khai mạc mà còn tham gia thảo luận trong toàn bộ các phiên của Diễn đàn, cho thấy mức độ quan tâm và ủng hộ của Bộ Giáo dục Malaysia với những nỗ lực này.

Tầm nhìn Malaysia

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Phó Vụ Trưởng Vụ Đại học của Bộ Giáo dục Malaysia khẳng định rằng việc chia sẻ và trao đổi kiến thức đặc biệt trong lĩnh vực GDĐH sẽ tạo điều kiện cho các nước gắn bó với nhau chặt chẽ hơn để cùng phát triển trong một sân chơi toàn cầu ngày càng cạnh tranh.

Malaysia hiện có sáu chương trình nhằm mục tiêu vươn ra toàn cầu, bắt đầu từ năm 2007: MyExpert (trao đổi chuyên gia), MySkill (chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ năng cho các nước đang phát triển); MyAlumni (gắn kết cựu sinh viên Malaysia), MyFellow (cấp tài trợ nghiên cứu cho các học giả nước khác đến Malaysia và cho học giả Malaysia đi nghiên cứu ở nước khác), MyOdyssey (quảng bá thương hiệu giáo dục Malaysia ở nước khác qua đào tạo nghề và xây dựng năng lực cho sinh viên); và MyCommunity (thúc đẩy các trường ĐH chú trọng hoạt động gắn kết cộng đồng, nhấn mạnh việc chia sẻ và làm thay đổi số phận những cộng đồng còn nhiều thiếu thốn khó khăn). Sự thành công của sáu chương trình này cho thấy sử dụng GDĐH như một “quyền lực mềm” là một cách tiếp cận có ý nghĩa tích cực của Malaysia. Đó là những sáng kiến nhằm thực hiện khát vọng đưa Malaysia trở thành một trung tâm của khu vực về sự ưu tú trong học thuật và đào tạo.

Trọng tâm của Diễn đàn, như phát biểu của Viện Trưởng, giáo sư Ahmad Nurulazam Md. Zain nêu rõ, là khái niệm “gắn kết với cộng đồng” (community engagement). Gắn kết với cộng đồng tiêu biểu cho cơ hội của một nước không chỉ phục vụ cho nhu cầu của quốc gia mà còn là nhu cầu của khu vực và toàn cầu. Với tầm nhìn đó chúng ta sẽ có thể xây dựng những quan hệ đối tác mở rộng nhằm vào lợi ích của tất cả các bên. AEC tạo ra một tầm nhìn chung cho các nước ASEAN để tăng cường quan hệ giữa các dân tộc và tạo ra một thị trường chung. Không thể nghi ngờ gì về việc GDĐH sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình này.

Đánh giá về sáu chương trình trên đây, Ahmad Nurulazam Md. Zain cho rằng nó đã mang lại những chiến lược bổ sung cho việc định vị GDĐH Malaysia trên bản đồ giáo dục toàn cầu, tạo điều kiện cho Malaysia nắm giữ một vai trò trọng yếu trong việc gắn kết với toàn cầu trong khu vực GDĐH, là nơi cách tiếp cận bằng quyền lực mềm được tận dụng để xây dựng lòng tin và sự tin cậy của các nước đối tác. Những chương trình này đã được thực hiện thông qua hàng loạt hoạt động quốc tế hóa như những chương trình trao đổi sinh viên, học tập qua việc phục vụ, hợp tác đào tạo liên quốc gia với Cambodia, Myanmar, Lào, Việt Nam, và Indonesia.

Hoạt động nghiên cứu chính sách có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển bền vững hệ thống GDĐH. IPPTN đã thực hiện nhiều nghiên cứu về quản trị ĐH công, về chủ đề ĐH hướng tới gắn kết cộng đồng, về giáo dục quốc tế và so sánh, về yếu tố kinh tế của giáo dục, cũng như xây dựng chương trình. IPPTN cũng đã thực hiện những phân tích chính sách về các nước CLMV (Cambodia, Lào, Myanmar, Việt Nam) từ năm 1997, nhấn mạnh việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, và thông tin về GDĐH.

ASEAN là một khu vực đa dạng về văn hóa, sắc tộc và nhất là về ngôn ngữ, do đó xây dựng một không gian chung là điều chứa đựng nhiều thách thức. Vì vậy chúng ta cần một cơ chế hữu hiệu để có thể hợp tác cùng nhau theo cách tốt nhất, và điều này chỉ có thể đạt được thông qua tăng cường trao đổi, thảo luận như những gì giới chuyên môn chúng ta đang làm tại diễn đàn này.

Những dự án nối kết các nước trong khu vực trong GDĐH và phục vụ cộng đồng

Bài trình bày của giáo sư Azirah Hashim (University of Malaya) là về Dự án CLMV do Ngân hàng Thế giới tài trợ, cũng như một số dự án và sáng kiến khác nhằm thúc đẩy sự lưu chuyển năng động trong khu vực. Tiếng là CLMV nhưng thực tế chỉ mới có các hoạt động chủ yếu ở Cambodia và Lào, nhằm rút ngắn khoảng cách của hai nước này với các nước trong khu vực.

Một số hoạt động có thể kể là:

  • Sáng kiến hợp tác và nối kết với các trường ĐH Cambodia trong những lĩnh vực như phát triển giáo dục phổ thông và ĐH, hạ tầng IT, sức khỏe răng miệng và sức khỏe tình dục nữ, năng lượng và phát triển bền vững, vai trò của các doanh nghiệp có mối liên hệ với chính phủ trong nền kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng, v.v.
  • University of Malaya (UM) hợp tác với University of Southeast Asia (USEA), Siem Reap với tài trợ của Ngân hàng Thế giới, xây dựng chương trình đào tạo cho ngành du lịch thông qua khảo sát ý kiến của giới tuyển dụng và phản hồi của sinh viên đã tốt nghiệp. Chương trình này có phối hợp cả với Thái Lan (Ubon Ratchathani University và Dhurakit Pundit University); Trung Quốc (Liaoning Technical University), khách sạn Sokha Angkor Hotel và Sở Du lịch Siem Reap.
  • Với Lào là chương trình Đào tạo người thầy, nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu. Khoảng chừng 30 hội thảo đã được tổ chức tại Lào và Cambodia với các chủ đề như: phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng viết bài báo khoa học, SPSS cơ bản, phương pháp giảng dạy, v.v.

Ở Indonesia, vai trò của Malaysia được trình bày thông qua một trường hợp điển hình: hoạt động cứu trợ nhân đạo của Malaysia dành cho vùng Aceh sau trận bão lịch sử năm 2004, một thảm họa do thiên tai đã cướp đi 150 ngàn sinh mạng và làm cho 600 ngàn người trở thành không nhà. Chairui Fahmi (The Aceh Institute, Indonesia) trình bày những hoạt động và phạm vi tác động của những nỗ lực trợ giúp mà chính phủ Malaysia đã thực hiện.

Thiên tai này tạo ra sự phá hủy và những thiệt hại với một quy mô chưa từng có tiền lệ trước đây. Trợ giúp của Malaysia không chỉ là hơn 6 triệu USD, mà quan trọng hơn là những hoạt động cứu trợ khẩn cấp (chỉ một ngày sau sự cố) và những hoạt động nhằm tái thiết Aceh sau thảm họa. Quỹ Phát triển Kinh tế Hồi giáo của Malaysia đã giúp đỡ hơn 10.000 trẻ mồ côi là nạn nhân của thảm họa. Chính phủ đã cung cấp việc làm ở Malaysia cho 40.000 người Aceh.Các tổ chức cứu trợ đã thường xuyên giữ liên lạc với người được cứu trợ để bảo đảm rằng những khoản trợ cấp này đã đến đúng chỗ và tạo ra những thành quả tích cực.

Những cơ hội mới với Việt Nam

Quan hệ giữa hai nước Malaysia và Việt Nam đã bắt đầu từ thế kỷ XV. Trong giai đoạn hiện đại, có thể kể một vài điểm mốc chính; Năm 1976, hai nước mở đại sứ quán trên lãnh thổ của nhau. Từ năm 1988, hợp tác kinh tế bắt đầu khởi sắc. Năm 1996 một thỏa thuận giữa hai nước cho phép công nhân có tay nghề cao của Malaysia vào làm việc tại Việt Nam. Từ năm 2002, công nhân Việt Nam bắt đầu bước vào thị trường lao động Malaysia, con số này hiện nay vào khỏang 100.000 người; làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ.

Malaysia hiện có 498 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỉ đô la Mỹ, còn Việt Nam thì có 11 dự án ở Malaysia với tổng vốn khoảng 820 triệu USD. Kim ngạch giao thương hai bên vào khoảng 8,1 tỉ USD trong năm 2014. Điều quan trọng là, quy mô đầu tư ngày càng tăng, đều đặn từ năm này sang năm khác, và đó là một tín hiệu khích lệ.

Năm 2014 hai nước đã nâng cấp quan hệ đôi bên thành hợp tác chiến lược. Đầu tháng 8 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Rajak đã ký một thỏa thuận về chương trình hành động trong ba năm tới để thực hiện những nội dung của đối tác chiến lược.

Trong giáo dục, đến nay tổng số sinh viên Việt Nam đi học ở Malaysia mới khoảng 500 người, một con số còn quá khiêm tốn trong tổng số 117 ngàn sinh viên quốc tế đang học tại Malaysia. Các chương trình hợp tác liên kết đào tạo với Malaysia ở Việt Nam cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, xx% trên tổng số 400 chương trình liên kết được Bộ GDĐT phê duyệt tính đến tháng 6 năm 2015.

Những sự kiện trên đây cho thấy còn một không gian to lớn để hai bên khai thác vì lợi ích của cả hai nước.

Nhu cầu của Việt Nam

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hai nhu cầu bức thiết và nổi bật là cải thiện năng suất lao động và xây dựng năng lực nghiên cứu.

Theo báo cáo năm 2012 của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của người Việt vẫn còn thấp. Đo lường bằng đơn vị sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam thua kém Singapore 18 lần; 3,2 lần so với Trung Quốc, 1,8 lần so với Indonesia và Philippine.

Một nghiên cứu do nhóm Manpowergroup thực hiện năm 2011cho biết chỗ yếu của lực lượng lao động Việt Nam là khả năng ngoại ngữ, mức độ am hiểu những vấn đề tài chính, năng lực đổi mới sáng tạo và truyền cảm hứng. Những yếu tố này ngày càng quan trọng vì nó giúp các doanh nghiệp xứ lý vấn đề, tạo ra những sản phẩm mới và dịch vụ mới.

Tỉ lệ biết chữ ở Việt Nam khá cao (93%), điểm PISA môn Toán và khoa học ở mức cao hơn trung bình OECD. Bởi vậy, có thể nói, Việt Nam hiện đang đáp ứng tốt phân khúc lao động giản đơn nhưng đối với lao động có kỹ năng thì còn một chặng đường dài để vượt qua. Nhận định này nhất quán với một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cho rằng Việt Nam cần có nhiều hơn công nhân kỹ thuật có trình độ cao để vận hành những máy móc hiện đại.

 

Tình hình này gợi ý rằng hợp tác trong đào tạo nghề và trong việc cải thiện kết quả đào tạo bậc ĐH có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh tự do dịch chuyển trên thị trường lao động sau năm 2015.

Mặc dù hệ thống đào tạo nghề Việt Nam được đầu tư hàng ngàn tỉ mỗi năm, nhưng kết quả còn hạn chế, là do (i) thiếu phân luồng và hướng nghiệp thích hợp ở giáo dục phổ thông; (ii) thiếu hội nhập và tính chất hệ thống; (iii) thiếu gắn kết với doanh nghiệp do đó hiệu quả đào tạo và triển vọng việc làm cho người học không vững chắc.

Hợp tác với các trường Malaysia có thể giúp khắc phục một phần những nhược điểm này, đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật trong việc đào tạo giảng viên và xây dựng cầu nối với các doanh nghiệp Malaysia đang đầu tư tại Việt Nam để cải thiện chất lượng đào tạo kỹ năng nghề.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, Malaysia đang ở một đẳng cấp cao hơn so với Việt Nam. Phân tích năng suất nghiên cứu trong vòng hai thập kỷ qua (Tuan Nguyen, Ly Pham 2011) cho thấy các nước ASEAN hình thành bốn cụm phân biệt rất rõ: Singapore ở trên đỉnh một mình, nhóm tiếp theo là Malaysia, Thái Lan, nhóm thứ ba là Việt Nam, Indonesia, Philippines, và cuối cùng là Lào, Cambodia, Myanmar; trong đó khoảng cách giữa các nhóm là khá xa. Tuy nhiên, Malaysia và Thái Lan chỉ bứt lên từ năm 2000 đến nay, trước đó, khoảng cách của họ và Việt Nam là không đáng kể. Điều này có nghĩa là, Malaysia đi trước chúng ta một quãng thời gian không xa, và đã từng trải qua mọi khó khăn mà chúng ta đang phải đương đầu hiện nay trong việc xây dựng năng lực nghiên cứu, do vậy sẽ thuận lợi hơn trong việc cùng hợp tác nghiên cứu trong những lĩnh vực hai bên cùng có quan tâm.

Các hình thức hợp tác

Giao lưu sinh viên, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tiếng Anh chuyên ngành, liên kết đào tạo theo lối truyền thống 2+2, 3+1, v.v. là những lĩnh vực có thể làm được ngay và đáp ứng nhu cầu bức thiết của Việt Nam.

Tổ chức thực tập ở hai bên, chuyển đổi tín chỉ và công nhận bằng cấp lẫn nhau là những sáng kiến đòi hỏi nhiều bước đi chuẩn bị hơn. Hiện nay các nước ASEAN mới chỉ cho phép lao động thuộc 8 ngành (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch) được quyền di chuyển tìm việc làm ngay sau khi AEC hình thành, thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Danh sách này chắc chắn sẽ được tiếp tục mở rộng. Về lâu dài, để bằng cấp của Việt Nam được công nhận, thì việc xây dựng chuẩn kỹ năng tương ứng với các loại bằng cấp và hệ đào tạo, và điều chỉnh cho nó nhất quán với chuẩn mực của các nước khác trong khu vực là điều rất cần. Cho đến nay, nhóm ASEAN 4 được gọi tắt là CMLV (Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam) là những nước chưa có khung nghề chuẩn quốc gia, trong số đó Việt Nam sẽ gặp khó khăn gấp bội vì thiếu chuẩn bị và vì có nhiều trở ngại do cơ cấu quản lý hệ thống giáo dục sau trung học quá phức tạp và chồng chéo khiến cho việc xây dựng chuẩn quốc gia trở thành khó khăn. Bằng cấp của Việt Nam được coi là phức tạp nhất thế giới, việc đào tạo thiên về kiến thức lý thuyết, thiếu thực hành, thiếu chú trọng những kỹ năng thực tế và thiếu gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động, là những yếu tố trở ngại cho việc công nhận văn bằng tương đương. Đó là chưa nói tới thực tế học hộ, thi thuê, mua điểm, v.v. xói mòn lòng tin đối với giá trị của tấm bằng và làm cho hội nhập khu vực thêm khó khăn.

Việc công nhận bằng cấp phải dựa trên khung chuẩn năng lực, tuy nhiên, để hệ thống giáo dục có thể tạo ra được sản phẩm đạt chuẩn năng lực ấy, cần nhiều yếu tố khác: chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, môi trường học tập, điều kiện trải nghiệm và cơ sở hạ tầng. Muốn bảo đảm những yếu tố này, lại cần có nguồn lực tài chính và cơ chế quản trị phù hợp để đạt được hiệu quả. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành giáo dục có nhiều thứ phải cải cách. Hỗ trợ kỹ thuật của Malaysia có thể giúp đẩy mạnh quá trình này qua học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Các tác động khác – cơ hội và thách thức

Việc hội nhập AEC đặt ra áp lực cải cách rất lớn đối với hệ thống GDĐH trong nước. Du học ở Malaysia với ưu điểm môi trường học tập tiếng Anh, chi phí sinh hoạt rẻ, đi lại dễ dàng giữa hai nước, bằng cấp được quốc tế công nhận và triển vọng tìm được việc làm có thu nhập tốt hơn ở các nước trong khu vực sẽ có thể thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam đi học, đặc biệt là khi học phí trong nước tăng lên.

Nhiều người lo ngại rằng việc hội nhập AEC mang lại nhiều nguy cơ hơn là cơ hội, do năng lực cạnh tranh của chúng ta còn kém. Điều này có phần đúng, tuy rằng nguy cơ và cơ hội chỉ là hai mặt của một vấn đề, mọi nguy cơ đều chứa đựng cơ hội, và cơ hội nào cũng có thể mang theo nhiều nguy cơ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác là cách tốt nhất để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. Đối với Việt Nam, hội nhập khu vực là một xu thế không thể đảo ngược. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, không ai có thể tồn tại một mình. Những nguy cơ đặt ra trên đây tạo ra một áp lực khiến Việt Nam phải cải cách hệ thống giáo dục và dạy nghề của mình nhằm đáp ứng đòi hỏi của tự do dịch chuyển lao động trong khu vực. Nó cũng sẽ tạo ra động lực cho người học, khi kỹ năng cao đồng nghĩa với cơ hội việc làm tốt và khả năng thu nhập hấp dẫn. Tuy tổng cộng những động lực cá nhân sẽ tạo ra động lực cho cả hệ thống, chúng ta vẫn cần chủ động tạo ra điều kiện để biến một hệ thống đào tạo lý thuyết, học vì tấm bằng trở thành một hệ thống linh hoạt và thực tế, trong đó người ta đi học vì muốn đạt được học vấn và kỹ năng chứ không coi tấm bằng là mục tiêu của mình.

Kết luận

Malaysia đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu, nhờ có tầm nhìn xa và sớm nhận ra tầm quan trọng của việc mở rộng việc gắn kết với cộng đồng quốc tế. Trước thực tế AEC đang đến gần, Malaysia cũng chủ động nắm bắt cơ hội. Sáu chương trình nói trên (MyExpert, MySkill, MyAlumni, MyFellow, MyOdyssey, MyCommunity) đã phản ánh nỗ lực vươn ra toàn cầu của Malaysia trên cơ sở hợp tác liên trường, liên ngành, liên quốc gia, mở rộng biên giới của tri thức và đáp ứng nhu cầu của thế giới thứ ba. Slogan của cả sáu chương trình này là “Chạm tới từng cuộc đời, và làm thay đổi tương lai”.

Là đối tác chiến lược của Malaysia, chúng ta có thể tận dụng cơ hội mà quan hệ hợp tác hai nước có thể mang lại, thông qua thúc đẩy giao lưu sinh viên, trao đổi chuyên gia, qua các dự án nghiên cứu so sánh và nhiều sáng kiến, nỗ lực khác để tận dụng nguồn lực của các bên.