Phạm Thị Ly- Trần Thanh Dũng (2015)
(Đăng báo Người Lao Động số ra ngày 23.9.2015)

 

Phong giáo sư dựa trên quan niệm coi giáo sư (GS) là một học hàm có giá trị suốt đời, còn bổ nhiệm GS dựa trên quan niệm coi GS là một chức vụ chuyên môn gắn với những bổn phận trách nhiệm nhất định và đòi hỏi một tiêu chuẩn trình độ và thành tích chuyên môn nhất định. Vì vậy nó tự động hết giá trị khi việc thực hiện những bổn phận trách nhiệm đó không còn nữa.

Việt Nam đang theo quan niệm thứ nhất, trong lúc hầu hết các nước theo quan niệm thứ hai.

Vì sao các trường muốn tự bổ nhiệm GS?

Phân biệt như trên không có gì sai, nhưng trong thực tế hiện nay của Việt Nam nó không có ý nghĩa gì. Bởi vì thực chất của học hàm hay chức danh giáo sư là vấn đề định danh, là địa vị chuyên môn, và nó thể hiện sự đánh giá uy tín chuyên môn của giới giảng viên, giới nghiên cứu.

Chừng nào Hội đồng Học hàm Chức danh của Bộ GDĐT còn tồn tại, thì việc các trường tự phong/bổ nhiệm giáo sư sẽ tạo ra những lẫn lộn không nên có. Không nên gán hai quan niệm, hai ý nghĩa khác nhau cho cùng một từ, vì về phương diện ngôn ngữ, điều này không chấp nhận được.

Cho nên cần lựa chọn dứt khoát một trong hai: hoặc là duy trì cách làm hiện nay với Hội đồng Học hàm Chức danh Nhà nước và cải thiện những bất cập, hoặc thay đổi quan niệm về học hàm giáo sư và giao quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm giáo sư về cho các trường. Trong trường hợp thứ hai, nhà nước có thể quản lý quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư của các trường, hoặc chỉ cần yêu cầu các trường phải nêu công khai quy trình và tiêu chuẩn này, nhưng không can thiệp vào quyết định của các trường. Cách thứ hai phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

Có một thực tế là, hiện nay quy trình phong học hàm PGS, GS có nhiều bất cập. có những người đã được phong giáo sư, nhưng thành tích nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn không thuyết phục được giới học thuật. Tiêu chuẩn đề ra phức tạp nhưng không hợp lý, ví dụ đánh đồng giữa bài báo trong nước và tạp chí quốc tế. Cách bình chọn qua ba vòng cũng thiên về cảm tính, nhìn có vẻ nghiêm ngặt nhưng vẫn thiếu minh bạch, công khai. Quan trọng nhất là có những người đã được phong giáo sư, nhưng thành tích nghiên cứu khoa học và uy tín chuyên môn không thuyết phục được giới học thuật.

Một số trường muốn thay đổi những điểm bất cập này và xác lập một quy trình, tiêu chuẩn gần hơn với thực tiễn quốc tế. Về nguyên tắc, những nỗ lực này cần được ủng hộ. Tuy vậy, cần phải nhìn vào việc làm thực tế của những trường này: (i) quy trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm của họ là gì?; (ii) những ai hiện diện trong hội đồng xét chọn đánh giá của họ?; (iii) kết quả là họ đã bổ nhiệm cho những người nào, trên cơ sở những thành tích gì, kết quả này có nhất quán với quy trình và tiêu chuẩn mà họ đã đề ra, và  uy tín thực sự của những người được bổ nhiệm có sức thuyết phục hay không; (iv) chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc, đòi hỏi trách nhiệm dành cho những giáo sư được bổ nhiệm như thế nào. Nếu không có câu trả lời cho bốn câu hỏi này thì chúng ta không có cơ sở để có thể đánh giá được là việc tự bổ nhiệm giáo sư ở các trường đáng được ủng hộ đến mức nào.

Cần học cách chấp nhận chuẩn mực chung

Trường tự bổ nhiệm giáo sư có vi phạm pháp luật hay không? Thông lệ quốc tế là “được làm tất cả những gì luật pháp không cấm”, còn thực tế Việt Nam là “chỉ được làm những gì luật phép cho phép”. Trong trường hợp thứ nhất thì trường không phạm luật, còn trong trường hợp thứ hai thì có. Nếu đã bước vào sân chơi toàn cầu, chúng ta cũng cần học cách chấp nhận những chuẩn mực chung.

Về nguyên tắc, đó là thông lệ quốc tế và chúng ta cần vươn tới chỗ hội nhập được với những thông lệ đó.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại của Việt Nam, nếu không có những bước đi thích hợp, có thể là điều này sẽ dẫn đến tùy tiện và lạm phát, khiến học hàm/chức vụ giáo sư chẳng những không còn ý nghĩa gì mà còn tạo ra tình trạng loạn chuẩn mực khiến người dân không còn tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì. Vì vậy, tự chủ bao giờ cũng phải gắn với trách nhiệm giải trình. Các trường phải có năng lực biện minh cho những quyết định của mình một cách công khai. Thiết lập quy trình giải trình trách nhiệm ấy là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, tức là Bộ GD-ĐT.

Có nên lo ngại việc mỗi trường có những tiêu chuẩn khác nhau khiến chất lượng giáo sư của các trường không thống nhất? Điều này là một thực tế, nhưng không đáng lo ngại. Cũng không cần lúc nào cũng phải gắn tên trường vào sau chữ giáo sư để phân biệt hàng hiệu và hàng chợ. Bởi vì có những cách khác tốt hơn và đơn giản hơn để đánh giá năng lực chuyên môn của giới học thuật. Nếu đã học thông lệ quốc tế trong việc bổ nhiệm giáo sư, cũng nên học những thông lệ khác cho nhất quán: các trường ĐH có uy tín đều công khai thành tích chuyên môn, danh sách bài báo khoa học, bằng phát minh sáng chế, giải thưởng chuyên ngành nếu có, của từng giảng viên trên trang web của nhà trường.  Lý lịch này có ghi rõ đơn vị bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Tất cả những thông tin này đều là những thông tin có thể kiểm chứng.

Các trường cần công khai tiêu chuẩn và quy trình xét chọn, bổ nhiệm của mình trên trang web. Chỉ cần vài phút tìm trên internet, người ta có thể biết một người đã được phong giáo sư ở trường nào, dựa trên những tiêu chuẩn ra sao, thành tích nghiên cứu của ông/bà ấy gồm những gì, và hội đồng xét chọn ấy là những ai.

Minh bạch và công khai là điều tuyệt đối cần thiết trong những vấn đề học thuật.

Ý nghĩa của việc giao quyền tự chủ trong bổ nhiệm giáo sư

Chất lượng giáo sư có ý nghĩa sống còn đối với mỗi trường. Giao quyền tự chủ trong bổ nhiệm giáo sư là một cơ hội và là một thách thức đối với các trường, vì xét về mặt nào đó, nó cũng là con dao hai lưỡi: nếu nhà trường sử dụng đúng, thực thi những nguyên tắc đúng đắn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì điều này giúp khẳng định uy tín và tên tuổi của trường, cũng như chất lượng đào tạo. Trái lại, nếu các trường không làm như những điều họ đã tuyên bố, thì đó là cách nhanh nhất hủy hoại danh tiếng của họ.

Điều quan trọng hơn, là cần khẳng định, đây là lĩnh vực mà nhà trường phải được trao quyền quyết định. Họ có thể làm đúng hoặc làm sai, nhưng thị trường sẽ cho thấy ngay kết quả. Nhà nước cần hỗ trợ những nỗ lực đổi mới đúng hướng của các trường, để tạo ra sự tiến bộ, vốn đang là một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.