Phạm Thị Ly (2016)

Ở những nước phương Tây có truyền thống ĐH lâu đời như ở Hoa Kỳ hay Châu Âu, giáo dục đại học (GDĐH) vì lợi nhuận (VLN) là điều không được chấp nhận cho mãi đến gần đây. Đó là do một quan niệm phổ biến coi sứ mệnh của GDĐH là phục vụ lợi ích công. Bằng cách kiến tạo tri thức mới, bảo toàn và chuyển giao các giá trị qua nhiều thế hệ, các trường ĐH đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là cột trụ tinh thần của xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ và tạo ra giàu mạnh. Những gì mà các trường ĐH cần làm và những kết quả mà họ tạo ra không phải lúc nào cũng có thể đong đếm được ngay lập tức bằng tiền, vì lẽ đó, việc chạy theo lợi nhuận trước mắt và tức thời có thể sẽ làm tổn hại cho sứ mạng ấy.

Thế nhưng, điều này ngày nay đang thay đổi.

Có hai lý do đã tạo ra sự thay đổi ấy: Một là sự phát triển của kinh tế tri thức khiến con người ngày càng phải được đào tạo nhiều hơn để có thể làm việc được trên thị trường lao động, điều này khiến việc theo đuổi ĐH được xem chủ yếu là đầu tư cho cơ hội việc làm tương lai của cá nhân. Hai là sự chuyển đổi tính chất của GDDH từ tinh hoa sang đại chúng, khiến ngân sách nhà nước không thể đáp ứng đủ. Vì vậy, quá trình tư nhân hóa, thương mại hóa, thị trường hóa GDĐH đang diễn ra ở khắp nơi dưới đủ mọi hình thức, khiến nhiều trường ĐH ngày nay đã khác rất xa so với cái nó đã từng là trước đây.

Mặc dù vậy, đối với nhiều người, niềm tin về việc các trường ĐH nhất thiết phải phi lợi nhuận là một niềm tin hầu như rất khó lay chuyển, bất chấp một thực tế là rất nhiều trường đang hoạt động vì lợi nhuận dưới cái vỏ bọc phi lợi nhuận.

Bức tranh thực tế

Các trường vì lợi nhuận ở Hoa Kỳ đã phải hứng chịu nhiều sự phê phán của giới hàn lâm. Một nghiên cứu đã cho biết học phí trung bình của các trường vì lợi nhuận là 23 ngàn USD một năm, so với trường công là 15 ngàn. Sinh viên học tại các trường VLN mắc nợ sau khi ra trường trung bình là 40 ngàn USD trong lúc con số này ở các sinh viên trường công là khoảng 25 ngàn (Julia Glum, International Business Time, 08.09.2015) . Các trường VLN còn bị cáo buộc là thu học phí cao, chi quá nhiều tiền cho quảng cáo thay vì cho hoạt động đào tạo, và sinh viên các trường này khó khăn hơn trong việc kiếm việc làm và thu nhập trung bình của họ thường thấp hơn so với sinh viên trường công.

Điều mà giới hàn lâm phê phán nhiều nhất là chính sách cho vay học phí của nhà nước Hoa Kỳ. Miễn là trường được kiểm định, sinh viên có thể vay học phí dễ dàng. Vì vậy ngân sách nhà nước, chảy qua tay sinh viên rồi rót vào các trường VLN, còn các trường thì tha hồ chạy đua tăng mức học phí.

Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có trường tư nào có thể xem là PLN, cho dù là theo định nghĩa của quốc tế hay theo định nghĩa của nghị định 141/NĐ-CP. Do khuôn khổ quy định của luật, từ thập niên 2000 đến nay tất cả các trường tư đều là VLN mặc định và hoạt động thực sự như những doanh nghiệp.

Cũng như mọi thị trường khác, thị trường giáo dục có đủ mọi phân khúc: từ hàng ngoại, hàng nội, hàng dỏm, hàng giả, hàng chợ cho đến hàng chất lượng cao, hàng hiệu, với đủ loại giá cả. Mức chênh lệch học phí hiện nay có thể lên tới 30 lần. Có những trường vận hành trong những điều kiện không thể chấp nhận được theo tiêu chuẩn tối thiểu vể đảm bảo chất lượng, thực chất không khác gì một cỗ máy bán bằng; nhưng cũng có những trường đầu tư xây dựng đàng hoàng, như RMIT, FPT, Thăng Long, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, v.v. và có chiến lược dài hạn để phát triển.

Xét về mặt đóng góp, trong hai thập kỷ qua, khu vực ngoài công lập của Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt trong bối cảnh số chỗ ngồi trong các trường công còn hạn chế mà ngân sách thì khó lòng mở rộng. Nhờ hoạt động tích cực và mạnh mẽ của khu vực tư, số người vào ĐH của Việt Nam đã tăng từ 2% đến 25% trên dân số ở độ tuổi 18-22 chỉ trong vòng 20 năm. Số trường tư hiện nay chiếm 19% tổng số trường, và sinh viên trong các trường tư chiếm 14% sinh viên trong toàn hệ thống.

Thế nhưng, xã hội vẫn có một cái nhìn thiếu thiện cảm và thiếu tin cậy đối với khu vực ngoài công lập. Từ năm 2011, số người vào ĐH đã giảm, và có thể sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, do số học sinh phổ thông giảm mạnh, dự đoán đến năm 2020 sẽ giảm tới 25%. Cách tuyển sinh đại học năm nay đã khiến trường tư vô cùng khó khăn. Định kiến xã hội, cùng với chính sách bất cập đã khiến khu vực ngoài công lập đứng trên bờ vực phá sản, chỉ trừ một số trường vẫn còn trụ vững do có nền tảng vững chắc và tạo được sự khác biệt.

Mục tiêu đến năm 2020 có 30-40% sinh viên học trong khu vực tư mà nhà nước đã xác định trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ 2006-2020 (QĐ121/2007/QĐ-TTg), hầu như sẽ không thể nào đạt được trong bối cảnh này. Vì vậy, xem xét lại chính sách đối với khu vực GDDH tư là điều rất cần để các trường này phát huy được vai trò cũng như tiềm năng của họ.

Những vấn đề về chính sách

Các trường VLN, do bản chất là các doanh nghiệp, dĩ nhiên phải tính toán hiệu quả tài chính, và không có động lực để đầu tư cho những ngành có ít người học, chi phí đào tạo cao, hoặc những nghiên cứu cơ bản tốn kém nhiều tiền bạc. Vì vậy, các trường này không thể nào thay thế được các trường công, hoặc các trường tư KVLN (đúng nghĩa).

Tuy nhiên, các trường này có những thế mạnh mà các nhà làm chính sách nên tạo điều kiện để họ phát huy những lợi thế ấy.

Do động lực lợi nhuận, họ rất bén nhạy với nhu cầu của thị trường, và có khả năng đáp ứng rất nhanh. Với bản chất doanh nghiệp, họ có xu hướng quản trị chuyên nghiệp và hiệu quả (mặc dù, rất tiếc là nhiều trường tư Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế này). Malaysia có thể cho chúng ta một ví dụ về điều này. Điều chúng ta có thể học hỏi ở Malaysia là chính sách nhà nước thay vì tìm cách kiểm soát, hạn chế, điều tiết khu vực GDĐH tư và loay hoay với vấn đề VLN-KVLN, thì đã mặc nhiên xem các trường tư là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo, và tập trung duy trì những khác biệt giữa các trường công và trường tư để hai khu vực này bổ sung cho nhau. Ví dụ, trường công tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu, học phí thấp nhưng đầu vào rất chọn lọc, đào tạo những ngành tốn kém và những ngành ít người học nhưng cần thiết cho sự phát triển dài hạn của quốc gia. Trái lại trường tư học phí cao, đầu vào dễ dàng hơn, giảng dạy bằng tiếng Anh và tập trung quốc tế hóa chương trình đào tạo, chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Một trường hợp có lẽ nên lưu ý là Brazin. Brazin là một nước Châu Mỹ Latin có tỉ lệ GDĐH tư lớn nhất, chủ yếu là các trường về mặt pháp lý là PLN nhưng trong thực tế vận hành như những trường VLN. Vì vậy trong thập kỷ 90 Brazin đã quyết định một cách rất thực tế rằng họ không thể sử dụng các quy định để kiểm soát tính chất “phi lợi nhuận” của các trường, cũng như tính rằng có thể tăng thu cho ngân sách thông qua thuế, đã cho phép các trường VLN tồn tại hợp pháp. Ngày nay 19% tổng số sinh viên ở Brazin học trong các trường VLN, là tỉ lệ cao nhất ở các nước châu Mỹ (Daniel Levy, 2010).

Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho các nhà làm chính sách là kiểm soát chất lượng của các trường VLN như thế nào để đảm bảo lợi ích của người học cũng như của xã hội. Những quy định nhằm quản lý và kiểm soát các trường tư VLN nên nghiêm ngặt đến mức độ nào, trong những lĩnh vực nào? Liệu có nên can thiệp vào những vấn đề như trần học phí hoặc chỉ tiêu tuyển sinh? Làm thế nào để chắc chắn rằng các trường VLN trong khi theo đuổi mục tiêu lợi nhuận vẫn tuân theo những nguyên tắc sống còn bảo đảm cho sự chính trực của nhà trường?

Sở dĩ có những lo ngại đó là vì trường ĐH, cho dù là công hay tư, VLN hay PLN, cũng đều có chung một đặc điểm đã làm cho nó thực sự khác biệt với mọi doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp bán một sản phẩm hay dịch vụ mà người mua chỉ cần trả tiền là có thể sử dụng. Trong lúc đó, các trường ĐH dù có muốn cũng không thể bán kiến thức hay kỹ năng cho người học. Kiến thức hay kỹ năng là thứ người học phải tự mình giành lấy, nhà trường chỉ có thể tạo ra điều kiện và môi trường trải nghiệm để người học có thể thụ đắc những thứ đó. Có câu tục ngữ nói rằng “ta có thể dắt một con lừa đến dòng suối nhưng không thể bắt nó uống được”. Không ai có thể học thay cho ai. Do vậy, vì lợi ích của người học và của xã hội, nhà trường phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức và học thuật là điều có thể gây tổn hại cho lợi nhuận tức thời của họ; nếu không, họ sẽ chỉ còn là những cỗ máy bán bằng mà thôi.

Vai trò của nhà nước

Các trường tư hiện nay thường phàn nàn rằng họ không được hỗ trợ từ nhà nước, rằng họ là con nuôi, con ghẻ, con rơi, bị phân biệt đối xử bất công. Thật ra nói vậy không hoàn toàn đúng. Nhà nước VN hiện nay vẫn đang có tài trợ gián tiếp cho khu vực tư. Đó là cho vay học phí và tài trợ nghiên cứu không phân biệt công tư. Cho vay học phí là nguồn tài trợ cực kỳ quan trọng với các trường để mở rộng số lượng sinh viên. Tài trợ nghiên cứu hiện nay tuy mới giới hạn trong phạm vi quỹ NAFOSTED nhưng vẫn là một tín hiệu tích cực. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một ví dụ trong việc nhận được tài trợ từ NAFOSTED. Một khoản tài trợ vô hình khác, là nguồn giảng viên từ các ĐH công. Nếu nhà nước cấm giảng viên ĐH công lập dạy thêm tại các trường tư, chắc chắn nhiều trường tư sẽ phải đóng cửa.

Tuy nhiên những hỗ trợ này còn quá khiêm tốn. Có lẽ sự hỗ trợ quan trọng nhất đối với khu vực ngoài công lập là thay thế những quy định quản lý có tính chất áp đặt của nhà nước bằng cơ chế giải trình trách nhiệm thông qua các tổ chức kiểm định độc lập, các hiệp hội chuyên ngành, và những quy định về minh bạch thông tin. Hơn thế nữa, các nhà làm chính sách rất cần khích lệ tầm nhìn dài hạn của các trường, vì hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, đầu tư vào giáo dục là đầu tư dài hạn. Chất lượng là thứ phải có quá trình hình thành, nhiều thứ gieo trồng hôm nay phải dăm bảy năm sau mới có thể gặt hái.

Thế mạnh quan trọng nhất của trường ngoài công lập là tự chủ về tài chính. Bởi lời ăn lỗ chịu cho nên họ phải tính toán sao cho hiệu quả, phải tìm kiếm điểm cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Chính môi trường chính sách không ổn định và sở hữu không rõ ràng đã kích thích tranh chấp và tầm nhìn ngắn hạn. Các trường tư không chờ đợi được hỗ trợ bằng tiền, nhưng rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách, và nhất là đất đai. Thực sự nếu tính giá trị đất theo giá thị trường, thì các trường tư không có cách nào xây dựng được khuôn viên cho tử tế nếu không đẩy giá học phí lên cao ngất. Có một kinh nghiệm trong vấn đề này của Nhật Bản: chính phủ xây hẳn trường, giao cho tư nhân vận hành và tự thu tự chi. Dĩ nhiên là đất đai và cơ sở đó không bao giờ biến thành tài sản tư nhân. Mô hình này gần giống mô hình bán công trước đây của Việt Nam, rất tiếc là hiện nay không được phép tồn tại.

Có lẽ, điều cần làm trước hết là giải quyết vấn đề nhận thức: trường VLN là một doanh nghiệp, nhưng vì doanh nghiệp này có những đặc điểm đòi hỏi nó phải tuân thủ một số nguyên tắc mà sự tuân thủ ấy có thể phương hại cho lợi nhuận của nó trong ngắn hạn, trong lúc đó, chính sự tuân thủ ấy giúp nó mang lại cho xã hội những lợi ích to lớn thông qua cung cấp một lực lượng lao động có kỹ năng cao cho thị trường. Vì lẽ đó nó xứng đáng được nhận một sự hỗ trợ nhất định của nhà nước, thông qua những chính sách có tính chất khích lệ, nhất là bảo đảm quyền tự chủ và bảo vệ quyền sở hữu rõ ràng. Quyền tự chủ là một con dao hai lưỡi, một mặt có thể giúp các trường có một khoảng không gian rộng lớn để sáng tạo, nhưng mặt khác có thể dẫn tới sự tùy tiện làm tổn hại lợi ích của người học và của xã hội, vì vậy vai trò của nhà nước là thúc đẩy những cơ chế bảo đảm sự minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các trường trước tất cả các bên liên quan, chứ không phải chỉ với cơ quan quản lý.

Khuyến nghị một chính sách giúp các trường VLN phát triển lành mạnh để đóng góp cho một hệ thống đa dạng không có nghĩa là làm giảm nhẹ vai trò của các trường công hoặc các trường tư KVLN. Trường công, do sử dụng tiền thuế của người dân, phải tập trung vào việc bổ sung cho những khiếm khuyết của thị trường, trong đó có cơ hội tiếp cận cho người nghèo, và đặc biệt là cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Trường tư KVLN có thể tập trung vào những lãnh vực mà mình có thế mạnh, vào giáo dục khai phóng, và thu học phí thấp mà không cần chạy theo nhu cầu của thị trường, vì họ được hỗ trợ tài chính từ các nguồn tài trợ và không chịu áp lực tìm kiếm lợi nhuận. Nhà nước cần thiết kế một bộ khung chính sách có thể giúp hạn chế những trường PLN giả hiệu, vì nó tạo ra sự không công bằng và hủy hoại cạnh tranh lành mạnh, vốn là nhân tố cốt yếu mang lại chất lượng và hiệu quả.

Những sứ mạng truyền thống của các trường ĐH khiến nó trở thành cột trụ tinh thần của xã hội, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và không thể bị thay thế. Tuy nhiên, sứ mạng ấy ngày nay đang được mở rộng, bên cạnh những sứ mạng truyền thống, sứ mạng đào tạo kỹ năng làm việc trong nền kinh tế tri thức đang ngày càng trở nên quan trọng và được nhấn mạnh. Trong khi tạo điều kiện để các trường VLN đáp ứng phần việc này, chúng ta không quên rằng các ĐH công và các trường tư PLN sẽ có một vai trò không thể thay thế trong việc duy trì những sứ mạng truyền thống nói trên của đại học.