Phạm Thị Ly (2018)
Bài đăng báo Tia Sáng 18.1.2.2018

Vấn đề Hội đồng Trường (HĐT) là một điểm nghẽn chưa được giải quyết thấu đáo đã nhiều năm nay, dù rằng về mặt nhận thức, ai cũng hiểu đây là một thiết chế quan trọng nhằm giám sát trách nhiệm giải trình của Hiệu Trưởng và thực hiện vai trò lãnh đạo đối với trường ĐH.

Để hiểu được ý nghĩa và tác động của những thay đổi trong quy định về HĐT, cần phải tóm tắt lại quá trình diễn tiến của HĐTở Việt Nam. Khái niệm “HĐT” lần đầu tiênđược đưa ra chính thức trong Điều lệ Trường ĐH năm 2003, được thể chế hóa trong Luật Giáo dục năm 2005 tại Điều 53, sau đó được chi tiết hóa ở Điều 14, 16 Luật GDĐH năm 2012 và Điều lệ Trường ĐH năm 2014. Trong Luật GD ĐH sửa đổi lần này, số chữ dành cho vấn đề HĐT chiếm một phần ba tổng số chữ của văn bản. Như vậy để thấy, kể từ khi được đề cập lần đầu đến nay, các nhà lập pháp Việt Nam đã rất chú ý đến thiết chế này, bởi họ ý thức được tầm quan trọng của nó.

Tuy nhiên, những nỗ lực lập pháp này đã không mang lại kết quả như mong muốn.  Cho đến năm 2010, chỉ có chưa tới 10 trường có HĐT, còn tính đến nay, sau công văn củaBộ và dưới áp lực của kiểm định, có khoảng vài chục trường thành lập được HĐT. Tuy vậy, hầu hết đều bị coi là “bánh xe thứ năm” của nhà trường. Nhiều người tiếng là thành viên HĐT, hầu như chỉ có mặt trong lễ công bố quyết định, còn thì không dự bất cứ buổi họp nào và không có bất cứ hoạt động gì. Thực tế nàylà tất yếu, vì trước khi có Luật GD ĐH sửa đổi, HĐT không nắm giữ thẩm quyền nào đáng kể, cho nên tồn tại như một vật trang trí ở trường công.  Ở trường tư, HĐT bị lẫn lộn với vai trò điều hành, cho nên không thực hiện được vai trò thực sự của nó.

Sở dĩ rất khó có giải pháp cho vấn đề HĐT ở Việt Nam, là vì HĐT vốn là mô hình quản trị ĐH của phương Tây, đàng sau nó là cả một nền tảng về văn hóa, dân chủ và pháp trị nhiều thế kỷ. Trong lúc đó, VN vẫn còn đang thực thi lối quản lý tập trung không khác bao nhiêu so với thời kinh tế kế hoạch hóa. Vì vậy không có gì lạ khi thiết chế này áp dụng vào thực tế Việt Nam đã trở thành hình thức và không có mấy ý nghĩa.

Bối cảnh của những thay đổi

Điều dễ thấy nhất là áp lực của việc mở rộng tự chủ. Khi nhà nước không đủ khả năng bao cấp cho đại chúng hóa GD ĐH, không có con đường nào khác là tăng cường tự chủ để các trường ĐH công lập trở nên linh hoạt hơn và có thể đáp ứng với những thay đổi ở bên ngoài. Các trường cần được tự quyết định những vấn đề của họ, vì đó là điều kiện cần để nảy sinh sáng kiến, để tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho bối cảnh cụ thể của từng trường,nhờ đó họ có thể phát huy được các nguồn lực xã hội và có động lực để phát triển.

Nhưng tự chủ mà không đi kèm trách nhiệm giải trình thì tất yếu sẽ thành tùy tiện. HĐT chính là một trong các thiết chế quan trọng nhằm giám sát trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng (HT). Từ trước đến nay, vai trò này nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước, tức là Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương. Nay mở rộng tự chủ ở cấp trường, vai trò giám sát của Bộ và địa phương tất nhiên sẽ lỏng đi. Vì thế mà cần củng cố thiết chế HĐT như một công cụ tất yếu nhằm mở rộng dân chủ hóa trường học và tăng cường sự tham gia của các bên.

Một yếu tố khác, là những tri thức về quản trị ĐH tích lũy qua mấy thập niên đã khá phong phú đối với giới làm chính sách,giới quản lý, và giới nghiên cứu. Nhờ quá trình quốc tế hóa và hội nhập toàn cầu, lực lượng giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài trở về ngày càng đông,giới cán bộ quản lý sử dụng được ngoại ngữ và có thể giao lưu, tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp quốc tế và thực tiễn giáo dục quốc tế ngày càng nhiều.Những điều này đang tạo ra điều kiện chín muồi cho những thay đổi về thiết chế HĐT tại Việt Nam.

Có gì mới trong các quy định về HĐT của Luật GDĐH sửa đổi?

Cũng như trong Luật GDĐH 2012, Luật GDĐH sửa đổi phân ra HĐT ở các trường công lập và tư thục và đề cập đến trong hai điều mục riêng, Điều 16 và Điều 17.

Khác biệt công tư

Trong phần định nghĩa, một điểm mới là Luật GDĐH đã đưa vào thuật ngữ “các bên liên quan”. Đàng sau từ ngữ là một nhận thức mới về bản chất của trường ĐH, dù rằngtừ nhận thức đến hành động còn một quãng đường dài. Như vậy, các nhà làm luật đã chính thức thừa nhận, trường ĐH dù là công hay tư, đều là một tổ chức của nhiều bên liên quan. Nhận thức này rất quan trọng, vì nó là nền tảng để xử lý nhiều vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, lợi ích và nghĩa vụ của cácbên.

Một điểm tiến bộ đáng ghi nhận là ở các trường công lập chủ tịch HĐT không được kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường (không chỉ giới hạn trong vị trí HT/PhóHT như trước đây), và thành viên HĐT bao gồm 25% trên tổng số là giảng viên, 30% là người ngoài trường. Tuy con số 30% này có gây tranh cãi về tính khả thi và thực chất của nó, nhưng về mặt lý thuyết mà nói, thì nó thể hiện quan điểm“trường ĐH là một tổ chức của nhiều bên liên quan” đã nói trên. Khác với mô hình “quản lý” (mục tiêu chung của quản trị là quản lý các nguồn lực), mô hình“cổ đông” (mục tiêu là lợi nhuận), mô hình “các bên” có mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở tương tác giữa các bên[1].Điều này phù hợp với bản chất của trường ĐH.

Tuynhiên, quy định này không áp dụng đối với trường tư (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận- VLN/KVLN). Điều này cho thấy, mặc dù định nghĩa HĐT trường đối với trường tư là “tổ chức quản trị đại diện cho nhà đầu tư và các bên liên quan”,trong thực tế các nhà làm luật vẫn thiết kế HĐT ở trường tư theo mô hình “cổ đông”, tức là phục vụ chủ yếu cho giới đầu tư. Đây là một điều khó tránh, vì về bản chất các  trường tư Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, có lẽ đòi hỏi các trường tư phải giống như những trường ĐH tư KVLN ở các nước phát triển là không hợp lý, vì ĐH tư ở Việt Nam cho đến nay chưa có cơ chế để huy động các nguồn vốn hiến tặng của xã hội, mà chủ yếu vẫn là đầu tư của cá nhân.

Có thể nhận thấy cố gắng của các nhà làm luật trong việc trao thêm nhiều thẩm quyền quan trọng cho HĐT. Trước đây HĐT chỉ tham gia vào quá trình tuyển chọn HT, nay ở trường công họ có quyền quyết định bổ nhiệm/ bãi nhiệm/miễn nhiệm HT,cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò thẩm định cuối cùng trong việc ra quyết định công nhận, còn ở trường tư thì quyết định này trực tiếp thuộc thẩm quyền của HĐT theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường.  Điều này sẽ làm thay đổi rất đáng kể vai trò của HĐT, và tăng cường thiết chế giám sát trách nhiệm giải trình của HT.

Giám sát trách nhiệm giải trình của HT là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của HĐT (nhưng không phải duy nhất), đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam. Điều này được quy định rất rõ tại mục h khoản 2 Điều 16. Việc không cho phép Chủ tịch HĐT kiêm nhiệm các chứcvụ quản lý trong trường chính là nhằm tránh mâu thuẫn lợi ích và bảo đảm cho việc thực thi trách nhiệm này.

Thẩm quyền đương nhiên là quan trọng, nhưng khả năng thực thi thẩm quyền còn quan trọng hơn. Khả năng thực thi thẩm quyền tất nhiên là phụ thuộc vào những con người cụ thể, mà những người xứng đáng có được đưa vào HĐT hay không thì phụ thuộc vào những thiết chế và quy trình thiết lập HĐT. Luật GDĐH sửa đổi trao việc xây dựng các quy định và thiết chế này ở trường ĐH công cho chính phủ, và ở trường ĐH tư thì giao cho các trường tự xác định trong Quy chế tổ chức hoạt động của trường. Như vậy nghĩa là trường tư được giao cho một mức độ tự chủ lớn hơn, tương ứng với những rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu.

Khác biệt giữa VLN và KVLN? Mô hình quản trị của trường tư thục

Một trong những điểm nổi bật của Luật GDĐH sửa đổi là những quy định mới liên quan đến trường ĐH KVLN. Điều này cần phân tích trong một bài khác. Trong phạm vi vấn đề HĐT, Luật GDĐH sửa đổi có một số phân biệt không đáng kể giữa VLN và KVLN.

Về thành phần HĐT: đối với trường VLN, HĐT bao gồm nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường, và được thiết lập qua do bầu chọn tại hội nghị nhà đầu tư, cơ chế quyết định là theo tỷ lệ vốn góp. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư được trao quyền tuyệt đối trong việc quyết định HĐT bao gồm những ai và thuộc thành phần nào. Tuy luật có quy định HĐT phải bao gồm thành phần trong và ngoài trường, nhưng đó là những ai thì hoàn toàn do nhà đầu tư quyết định, vì thế dù sao cách xử lý này vẫn ít nhiều mâu thuẫn với định nghĩa HĐT của trườngtư là “tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan”.

Cách xử lý này cho thấy các nhà lập pháp đang cố gắng tách “quyền sở hữu” ra khỏi “quyền quản trị”, một mô hình quản trị tiến bộ trên thế giới, nhưng việc thực thi điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và tầm nhìn của chủ đầu tư. Luật không hạn chế việc nhà đầu tư đồng thời là thành viên HĐT và nắm giữ các vị trí quản lý cao cấp. Có thể dự đoán là trong thực tế, điều này sẽ không làm thay đổi đáng kể bức tranh hiện nay, và tình trạng lẫn lộn hai vai trò quản trị và quản lý sẽ vẫn tiếp tục. HĐT trong trường hợp này hoặc chính là nhà đầu tư, hoặc được thiết lập để phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư. Điều này một lần nữa cho thấy các nhà làm luật đang dùng mô hình “cổ đông” chứ không phải mô hình “các bên liên quan” để hướng dẫn việc quản trị tại các trường VLN.

Điểm khác biệt duy nhất giữa trường VLN và KVLN trong vấn đề này là đối với trường KVLN, nhà đầu tư chỉ quyết định đại diện nhà đầu tư tham gia HĐT. Ngoài nhà đầu tư, thành viên HĐT của trường KVLN còn bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên được bầu chọn. Thành viên đương nhiên gồm có bí thư cấp uỷ, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thành viên được bầu bao gồm đại diện người lao động và đại diện giảng viên. Thành viên bên ngoài trường đại học là nhà lãnh đạo,nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên; đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu chọn.

Một yếu tố tế nhị nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối vớitrường KVLN là tỉ lệ thành viên HĐT là nhà đầu tư (lưu ý: luật dùng từ “nhà đầu tư” đối với trường KVLN, không còn dùng từ “người góp vốn” như trước đây). Luật GD ĐH sửa đổi không quy định tỉ lệ này, mà giao cho trường tự quyết định và nêu trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Ai là người soạn thảo, phê duyệt Quy chế này? Tất nhiên đối với trường mới thành lập, thì đó là nhà đầu tư. Điều này cho thấy, mặc dù có mở rộng sự tham gia của các bên liên quan trong mô hình quản trị trường KVLN, về cơ bản quyền quyết định vẫn nằm trong tay nhà đầu tư, kể cả ở trường VLN lẫn KVLN.

Một số phân tích trên đây cho thấy những nỗ lực của các nhà làm luật trong việc tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế và áp dụng cho ViệtNam, có tính đến những bối cảnh và điều kiện đặc thù. Tất nhiên còn quá sớm để nhận xét là những sửa đổi này sẽ có tác động ra sao trên thực tế, vì còn nhiều yếu tố khác tham gia vào quá trình vận hành các trường. Tuy việc trao nhiều thẩm quyền hơn cho HĐT trường công và can thiệp ít hơn vào HĐT trường tư là những động thái tích cực, việc thực hiện nó sẽ là một thách thức to lớn khi chúng ta có rất ít người được đào tạo để hiểu rõ vai trò thực sự của HĐT, và đặc biệt là nền tảng dân chủ trường học làm bệ đỡ cho hoạt động của HĐT.


[1] Đọc thêm Phạm Thị Ly (2017),“Hội đồng Trường theo quan điểm doanh nghiệp”,Tạp chí Khoa học Giáo dục số 137, tr.6-11.