TÁC ĐỘNG CỦA ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN MỞ ĐẠI TRÀ ĐỐI VỚI GDĐH TRUYỀN THỐNG

Phạm Thị Ly (2014)
(Trình bày tại Hội thảo Giáo dục Số, do Trường ĐH Nguyễn tất Thành tổ chức, tháng 08.2014 tại TPHCM)

Đào tạo trực tuyến mở  đại trà (Massive Online Open Courses- MOOCs) là một hiện tượng rất mới, nhưng lôi cuốn sự chú ý lớn của nhiều giới, đặc biệt là giới làm chính sách, giới kinh doanh, giới GDĐH, và tất nhiên là của công chúng. Nó đang được xem là một cuộc cách mạng có tính chất đột phá có thể làm thay đổi về bản chất cách tồn tại của các trường ĐH truyền thống và đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về vai trò của trường ĐH trong tương lai.  Bài viết này thảo luận về những tác động của MOOCs đối với các trường ĐH nói chung và trong bối cảnh của Việt Nam nói riêng.

MOOCs trở thành một vấn đề nổi bật chỉ từ năm 2011 khi Sebastian Thrun và Peter Norvig thu hút được 160.000 sinh viên đăng ký học một khóa của họ về trí khôn nhân tạo. Nội dung của khóa học này dựa trên một môn học mà hai người cùng phối hợp để dạy ở Đại học Stanford, một trường tư danh tiếng của Hoa Kỳ. Norvig là giám đốc Chương trình Nghiên cứu của Google, còn Thrun thì phụ trách một phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo. Thrun sau đó đầu quân cho Udacity, là nơi cùng với các đối thủ cạnh tranh là Coursera và EdX  bắt đầu đào tạo đại trà từ năm 2012. Udacity tự mình sản xuất nội dung các khóa học, còn Coursera và EdX thì phối hợp với các trường đối tác.

Cho đến hiện nay, nhiều trường vẫn ngần ngại trong việc cấp tín chỉ cho các khóa học trực tuyến, do những quan ngại về việc kiểm soát chất lượng. Mặc dù số người đăng ký tham gia học rất đông, nhưng tỉ lệ hoàn thành thì khá thấp, Meyer (2012) báo cáo rằng tỉ lệ bỏ học các khóa MOOCs của MIT, Satnford, và UC Berkley là khoảng 80-95%. Ví dụ, chỉ 7% trong số 50.000 sinh viên học chương trình Kỹ thuật phần mềm của Coursera-UC Berkley là hoàn tất khóa học. Tương tự với lớp Phân tích mạng xã hội của Coursera, chỉ 2% người học nhận được chứng chỉ căn bản và 0,17% có được chứng chỉ lập trình ở trình độ cao hơn (Li Yuan and Stephen Powell, 2013). Những khóa học có thu phí, và do những tổ chức vì lợi nhuận như Udacity hay Coursera thực hiện, người học được cấp bằng, trên cơ sở hoàn thành một số bài tập và được giáo viên đánh giá, nhưng giá trị tấm bằng này được xã hội nhìn nhận đến đâu, thì còn là một vấn đề để ngỏ.

MOOCs thực sự vẫn đang ở giai đoạn đầu, và còn quá sớm để kết luận về tác động hay hệ quả của nó.Tuy nhiên, mọi nhận định về MOOCs, từ những dữ liệu khảo sát, quan sát, hay dự đoán đều đáng hoan nghênh vì nó mang ý nghĩa thông tin và cảnh báo cho tất cả các bên liên quan của GDĐH.

Những khác biệt cơ bản giữa đào tạo trực tuyến mở đại trà và đào tạo truyền thống

MOOCs như tên gọi của nó, có ba đặc điểm cơ bản: (1) trực tuyến; (2) mở; và (3) đại trà. Mặc dù trường ĐH từ lâu đã áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong truyền thông vào việc dạy và học, về bản chất điều này vẫn khác với đào tạo trực tuyến mở đại trà. Các trường đã và đang áp dụng những công cụ và phương tiện trình chiếu ngày nay đã trở nên rất phổ biến, sử dụng các sản phẩm nghe nhìn làm tài liệu cho bài giảng,  giao tiếp qua thư điện tử, làm bài trắc nghiệm qua những phần mềm được tạo ra cho mục đích này, kiểm tra đạo văn qua những chương trình như Plagiarism Detector, v.v. Tuy những công nghệ đó đã khiến cho trọng tâm chuyển dần sang người học, vai trò kiểm soát quá trình vẫn là vai trò của người thầy.

Đối với MOOCs, vai trò kiểm soát quá trình học tập đã hoàn toàn chuyển sang tay người học. Đó là lý do mà tỉ lệ bỏ học của các khóa này rất cao. Nó đòi hỏi một văn hóa tự học, khả năng và kỹ năng tự học, và một động lực đủ mạnh của người học để duy trì việc học và đạt đến hiệu quả. Điều này đặc biệt đáng lưu ý ở Việt Nam, nơi mà động lực học vì bằng cấp và học dưới áp lực của việc làm bài kiểm tra là rất nổi bật.

Bởi vì việc kiểm soát quá trình học đã được chuyển sang tay người học, MOOCs tạo ra những lợi thế mà nhà trường truyền thống không có: nó cho phép người học cá nhân hóa việc học đến mức tối đa. Trong lúc lối dạy của nhà trường truyền thống là “one size fit for all” (một cỡ cho tất cả mọi người) thì MOOCs cho phép người học chọn môn học, học theo nhịp điệu tiếp thu của riêng mình, dừng lại, học lại, hay tiếp tục bất cứ lúc nào.

Mặc dù tương tác trực tiếp với người dạy giảm xuống gần như bằng không, MOOCs mang lại một bù đắp khác, là người học có thể được học với những người thầy lỗi lạc mà những hiểu biết, phẩm chất và kỹ năng của họ không nhiều người có. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, khi số lượng sinh viên tăng gấp 17 lần, còn số lượng giảng viên chỉ tăng khoảng 3 lần trong vòng hai thập kỷ qua. Hiện nay chỉ 14% giảng viên có bằng tiến sĩ, và trong số 8.869 người có bằng tiến sĩ trong hệ thống GDĐH, có bao nhiêu người thực sự đạt trình độ tiến sĩ theo các chuẩn mực quốc tế, còn là câu hỏi chưa có lời đáp, và là điều đến nay chúng ta vẫn chưa có số liệu tin cậy để trả lời.

Đặc điểm thứ hai là “mở”.Trước khi MOOCs xuất hiện, đã có các khóa học trực tuyến nhằm vào sinh viên có đóng học phí và được cấp tín chỉ, chẳng hạn chương trình đào tạo trực tuyến cấp bằng MBA về chăm sóc sức khỏe của trường George Washington University[1], mức học phí không thua kém gì so với đến trường học trực tiếp theo lối truyền thống. Howard University cũng phối hợp với trung tâm khảo thí Peason để đưa ra những chương trình đào tạo có đánh giá và cấp bằng tương tự. Nhưng MOOCs, theo định nghĩa của nó, mở ra miễn phí cho bất cứ ai muốn học. Người học của nó có thể đủ mọi lứa tuổi, có thể là người đang hành nghề chuyên môn, sinh viên, giảng viên các trường ĐH, học sinh trung học, người về hưu.

Thực hiện bài giảng cho một đối tượng đa dạng như thế quả là một khó khăn.          Do giảng bài trong bối cảnh không có tương tác với người học, cách dạy của MOOCs cũng khác, nó đòi hỏi người dạy những kỹ năng cần phải rèn luyện.

Điều quan trọng là, tính chất mở của MOOCs đã phá tan những biên giới và rào cản của trường ĐH truyền thống. Thi tuyển sinh, học phí, chi phí ăn ở để theo học ĐH là những rào cản với nhiều người, nhất là ở những nước đang phát triển và khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư khá xa như ở Việt Nam. MOOCs đã khiến cho ai cũng có thể tiếp cận với những tri thức bậc cao, bất kể điều kiện kinh tế gia đình hay khoảng cách địa lý. Chỉ cần một máy tính nối mạng, với chi phí hiện nay đã xuống rất thấp, ai cũng có thể theo học MOOCs.

Đặc điểm thứ ba là “đại trà”. Vì mở và miễn phí, nó có thể thu hút hàng trăm ngàn người đăng ký học. Con số hàng trăm ngàn là một con số rất có ý nghĩa. Người đồng sáng lập Coursera là Andrew Ng đã cho biết là, khối lượng dữ liệu về giáo dục mà MOOC thu thập trong vòng một năm nhiều hơn dữ liệu của tất cả các trường ĐH từng có trong lịch sử nhân loại[2]. Coursera hiện đang có 4 triệu sinh viên. Đặc điểm này cũng rất có ý nghĩa với Việt Nam, khi nhiều nghiên cứu đã cho thấy khoảng cách khá lớn giữa kỹ năng của người lao động và nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế[3] trong lúc chất lượng đào tạo của GDĐH chưa thể có chuyển biến đáng kể trong thời gian ngắn.

Tác động của MOOCs với các trường ĐH truyền thống

Với những khác biệt và ưu thế nêu trên, câu hỏi đặt ra là, liệu MOOCs có thay thế nhà trường truyền thống? Nếu có, thì trong những điều kiện nào và chặng đường đó sẽ là bao lâu hoặc sẽ diễn tiến ra sao. Nếu không thì vì sao, và nếu không thay thế nhà trường truyền thống, thì nó sẽ tác động đến nhà trường truyền thống như thế nào. Đó là những câu hỏi đang còn để ngỏ cho các cuộc tranh luận.

Cần xem xét diễn tiến của MOOCs để thảo luận về việc nó sẽ tác động đến các trường như thế nào hiện nay, và trong tương lai gần. MOOCs là giai đoạn gần đây nhất của trào lưu tài nguyên giáo dục mở. Thoạt đầu là tự do tiếp cận nội dung tài liệu học, và đến nay là tự do tiếp cận khóa học trực tuyến. Các tổ chức kiểm định hiện nay đang có xu hướng chấp nhận MOOCs và quá trình học tập trải nghiệm như là một phần tín chỉ được tích lũy cho việc cấp bằng. Bước đột phá kế tiếp rất có thể là: một chương trình đào tạo trực tuyến 100% được cấp bằng của một trường ĐH đã được kiểm định. Tất nhiên nếu điều này xảy ra, người học sẽ phải trả tiền cho việc đánh giá và công nhận kết quả, nhưng không phải là toàn bộ quá trình học. Hiện nay, những bằng cấp của MOOCs chưa được tin cậy rộng rãi, do quan ngại về chất lượng: quá trình học thiếu tương tác, thiếu trải nghiệm, việc đánh giá chưa được bảo đảm chất lượng chính quy. Nhưng những điều này có thể khắc phục được bằng mô hình lai ghép và cải thiện quá trình làm việc cùng các tổ chức kiểm định và đánh giá.

 

Nếu MOOCs có thể vượt qua những trở ngại hiện nay, thì nó sẽ tác động mạnh mẽ đến nhà trường truyền thống. Vấn đề là: bản chất cốt lõi của dịch vụ đào tạo mà nhà trường cung cấp đã thay đổi, vai trò kiểm soát quá trình học đang chuyển trọng tâm về phía người học, internet đã làm cho nhà trường không còn là nguồn độc quyền cung cấp tri thức hàn lâm và đã làm phá sản mọi mô hình kinh doanh dựa trên việc bán thông tin và tri thức theo lối truyền thống. Thế nhưng cái mô hình vận hành của nhà trường truyền thống dường như vẫn không thay đổi. Người ta phải tự hỏi, nếu như nhà trường không thay đổi cách dạy và học xưa nay, thì liệu nó có còn lý do để tồn tại?

 

Dennis, Marguerite (2012) trong một nghiên cứu do quỹ Bill Gates và Melinda tài trợ đã khảo sát những tác động của MOOCs qua ý kiến của các tổ chức kiểm định, các nhà xuất bản, cơ quan cấp ngân sách nhà nước cho đại học, các tổ chức xếp hạng, các chi nhánh ĐH, những người tư vấn hướng nghiệp, các nhà quản lý đại học bao gồm quản lý tài chính, cơ sở vật chất,  IT và đào tạo; giảng viên, sinh viên, các nhà đầu tư mạo hiểm; và các trường vì lợi nhuận, rút ra một kết quả là, theo nhận định của số đông, MOOCs chưa thay thế được nhà trường truyền thống. Tác giả kết luận rằng MOOCs sẽ bổ sung cho nhà trường truyền thống bởi nó có tiềm năng giải quyết những thách thức cơ bản về tài chính và cơ hội tiếp cận cho số đông.

Cho đến nay, câu trả lời tạm được nhiều người đồng ý, là MOOCs hiện nay chưa thay thế được nhà trường truyền thống. Nhưng không ai có thể dự đoán chính xác liệu trong tương lai cả nhà trường truyền thống lẫn MOOCs sẽ biến đổi như thế nào. Bởi vì, dù được gọi là nhà trường truyền thống nhằm phân biệt với sự đổi mới đột phá của MOOCs, nhà trường ngày nay đang biến đổi nhiều so với cách đây vài thập niên. Tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông, đã làm thay đổi vô cùng sâu sắc cách sống, cách làm việc, cách suy nghĩ, cách giao tiếp của chúng ta, và nhà trường không phải là ngoại lệ. Cả nhà trường truyền thống lẫn MOOCs đều đang thay đổi và không ngừng diễn tiến.

Ngày nay, khái niệm về nhà trường như là một không gian địa lý trong đó có thư viện, giảng đường, phòng họp, giảng viên và sinh viên đang thay đổi mạnh mẽ. Thư viện ngày nay đang trở thành thư viện số, hầu hết các ấn bản đều dưới dạng số hóa và người ta có thể ngồi nhà để đọc tất cả sách trong thư viện cách mình nửa vòng trái đất. Webex cho phép các cuộc họp trực tuyến với hàng chục, hàng trăm thành viên từ mọi quốc gia trên thế giới mà không cần phải có phòng họp. Các nhóm nghiên cứu bao gồm thành viên từ nhiều nước đã và đang trở thành một thực tiễn phổ biến. Thực tế đó đang thay đổi quan niệm về nhà trường và làm cho nhà trường phải xem xét lại cách thức cũng như lý do tồn tại của mình.

Để biện minh cho sự tồn tại của mình, nhà trường ngày nay phải thay đổi từ chỗ là nơi chủ yếu để truyền thụ tri thức như trước đây, đến chỗ trở thành một môi trường trải nghiệm của sinh viên, ở đó sinh viên trưởng thành không chỉ từ những bài giảng, mà bằng rất nhiều hoạt động phong phú: giao lưu văn hóa, dự án làm việc nhóm, chương trình phục vụ cộng đồng, thực tập, v.v. Những hoạt động này tạo ra một môi trường tương tác, giúp sinh viên học kỹ năng giải quyết vấn đề, vượt qua khó khăn và thách thức, rèn luyện ý chí và tích lũy kinh nghiệm. MOOCs không mang lại được những điều đó.

Tác động của MOOCs đối với các trường ĐH Việt Nam

Việt Nam có một bối cảnh tương đối đặc biệt so với các nước. Bối cảnh đó được định hình bởi một số đặc điểm sau : (1)Tinh thần chuộng bằng cấp và hư danh; (2) Niềm tin tương đối thấp đối với các trường trong nước, dựa trên chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế; (3) cải cách đang diễn ra rất chậm so với nhu cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của các trường trung học, tiểu học quốc tế, của các chương trình liên kết với đối tác quốc tế, của số lượng sinh viên du học tự túc hàng năm, cho thấy rõ những đặc điểm này.

MOOCs, với đặc điểm không biên giới của nó, hiện nay có rào cản chính là ngôn ngữ và bằng cấp. Nếu hai rào cản đó được vượt qua, các trường ĐH Việt Nam sẽ đứng trước một đối thủ cạnh tranh cực mạnh, nhất là trong bối cảnh học phí của các trường không ngừng tăng và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong những năm sắp đến. Thử hình dung nếu các chương trình đào tạo trực tuyến mở đại trà của Standford, MIT, thực hiện bằng tiếng Việt, kết hợp với tương tác, thảo luận trực tuyến qua webex, webinar, học kỳ trải nghiệm, đánh giá, công nhận kết quả và cấp bằng, với học phí ngang bằng với học phí hiện nay của các trường, và chỉ cần một máy vi tính nối mạng, hay thậm chí chỉ một cái smartphone là người học có thể tiếp cận với những chương trình ấy, thì sự lựa chọn của người học sẽ như thế nào?

Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tình hình sụt giảm số lượng tuyển sinh nghiêm trọng, cùng với tỉ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong vài năm gần đây thể hiện rõ những thách thức ấy. Nếu tình hình này tiếp tục trong một vài năm nữa, sẽ có trường phải đóng cửa hoặc sáp nhập để tránh phải diệt vong.

Những thách thức và khó khăn đó bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng trực tiếp nhất là vấn đề chất lượng. Các trường công lập thiếu động lực đổi mới và thiếu khoảng không cho đổi mới, các trường tư thục bị lợi ích ngắn hạn che lấp mất tầm nhìn dài hạn đang tự giới hạn năng lực cạnh tranh của mình. Nếu MOOCs khắc phục được những hạn chế hiện nay, đó sẽ là một đòn knock-out cho các trường ĐH Việt Nam trong một thị trường đã trở thành toàn cầu hóa.

Những vấn đề đặt ra

Trong khi MOOCs thu hút sự quan tâm của mọi giới và hứa hẹn một cuộc cách mạng, còn rất nhiều vấn đề được đặt ra mà chưa có câu trả lời.

Tính bền vững

Đầu tư để sản xuất một khóa học có chất lượng không hề rẻ tiền. Belanger& Thornton (2013) cho rằng cần có hơn 600 giờ lao động để xây dựng và thực hiện một khóa học trực tuyến, trong đó có 420 giờ lao động của giảng viên. Đó là chưa nói tới hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị và phương tiện sản xuất chương trình. Philip G. Albach (2014) cho rằng một khóa học có thể phải cần đến 200.000 USD để sản xuất. University of California ước tính chi phí làm ra một khóa trực tuyến trong khoảng từ 50-100.000 đô la Mỹ. Mô hình kinh doanh khả dĩ để mang lại nguồn thu bù đắp cho những chi phí ấy sẽ như thế nào là điều chưa rõ. Hiện nay có các mô hình sau: (1) Khai thác dữ liệu, tức là bán thông tin của người học cho những người tuyển dụng hay các nhà quảng cáo và nghiên cứu thị trường; (2) Khóa học thì miễn phí nhưng sẽ thu phí các dịch vụ đi kèm như chấm bài tập, tham gia thảo luận nhóm; (3) Quảng cáo, tức các khóa học sẽ gắn với tên nhà tài trợ ; (4) Thu học phí: sinh viên đóng tiền học và khóa học được tính tín chỉ tích lũy để cấp bằng; (5) mô hình cấp phép và sản xuất theo yêu cầu: tạo ra những chương trình đào tạo trực tuyến theo nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp dùng cho nhu cầu đào tạo nội bộ, hoặc cấp phép cho các trường sử dụng hạ tầng kỹ thuật của MOOCs (Educause, 2012, Li Yuan and Stephen Powell, 2013).

Tuy vậy, tất cả còn đang ở dạng tiềm năng.

Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay, các trường đối tác chịu trách nhiệm về bản quyền, từ việc xin phép, hay xử lý các vụ vi phạm liên quan đến bản quyền. Việc này khá phức tạp khi các khóa học trực tuyến có thể là một hợp tác đầu tư đáng kể của nhà trường, nhất là khi nó liên quan đến hạ tầng kỹ thuật.

Vấn đề tín chỉ và bằng cấp

Nếu MOOCs được công nhận tín chỉ, căn cước nhận diện người học sẽ là điều phải lưu tâm (Educause, 2012). Hiện đã có các trung tâm khảo thí làm công việc đánh giá kết quả học tập của người học, như Pearson – đối tác của Coursera, nhưng không phải chương trình nào của MOOCs cũng có thể thi và được cấp tín chỉ hay giấy chứng nhận. Cần phải đưa các chương trình của MOOCs vào khuôn khổ cấp bằng của nhà trường như thế nào là phù hợp, là điều các trường còn đang cân nhắc. Cho đến nay chỉ có Colorado StateUniversity’s Global Campus là đã đồng ý cấp tín chỉ cho sinh viên với khóa học tổng quan về khoa học máy tính thực hiện qua MOOC. Sinh viên phải đạt được chứng chỉ hoàn tất khóa học trước khi được công nhận tín chỉ.

Chủ nghĩa thực dân mới

Philip Altbach (2014) lo ngại rằng MOOCs đang dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Mọi ngôn ngữ khác sẽ rơi xuống hàng thứ yếu. Điều đó cũng có nghĩa là MOOCs đang làm mạnh thêm xu hướng tri thức tiếp tục bị kiểm soát bởi các nước phương Tây giàu có. Nội dung giảng dạy, tài liệu tham khảo, phương pháp dạy, hầu hết đều đang do người Mỹ thống trị, bởi vậy nó có nguy cơ bào mòn những nét văn hóa hay cách tiếp cận khác và không làm phong phú thêm cho những nhận thức trên cơ sở truyền thống và bối cảnh đặc thù của quốc gia.

Chất lượng

Vấn đề cốt lõi của MOOCs, bên cạnh chi phí và khả năng mở rộng tiếp cận, là vấn đề chất lượng. Mở rộng tiếp cận? Hay lắm, nhưng tiếp cận cái gì? Ai sẽ xác nhận chất lượng của các khóa học trực tuyến? Nếu nó liên đới với các tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, thì trách nhiệm của các tổ chức này sẽ là như thế nào nếu các khóa học chứa đựng sai sót nhầm lẫn nghiêm trọng về kiến thức? Liệu có thể giao phó chất lượng các khóa học trực tuyến này cho công chúng tự đánh giá? Vai trò của các hội nghề nghiệp, các tổ chức kiểm định sẽ là như thế nào? Tất cả những câu hỏi ấy đều cần được giải quyết để MOOCs có thể đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng của nó.

Kết luận                                                     

Như trên đã nói, còn quá sớm để kết luận về tác động của MOOCs đối  với GDĐH và đối với xã hội, nhưng có một điều đã có thể khẳng định: sự xuất hiện của MOOCs đã và đang đặt ra những vấn đề khiến nhà trường phải nhìn lại mình và xem xét lại cách thức tồn tại và ý nghĩa của mình đối với xã hội. Điều có vẻ ngày càng trở nên rõ, là nhà trường ngày nay không còn là nơi độc quyền cung cấp tri thức nữa. Internet đã làm một bước ngoặt, và MOOCs đổ thêm chất xúc tác vào tiến trình thay đổi này. Như Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa đã nói, “không phải là sinh vật mạnh nhất hay thông minh nhất sẽ tồn tại, mà là sinh vật nào đáp ứng tốt nhất với sự thay đổi của môi trường”. Các trường ĐH sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng không thể tồn tại như trước đây được nữa. Các trường sẽ phải, một mặt đem lại cho người học những gì MOOCs chưa đáp ứng được, và mặt khác, sử dụng MOOCs cho việc cải thiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo của mình.

 

Tài liệu tham khảo

Altbach, P. (2014). MOOCs as Neolonialism: Who controls knowledge? International Higher Education, 75, 5-7

Dennis, Marguerite (2012). The Impact of MOOCs on Higher Education.College and University, v88 n2 p24-30 Fall 2012.

Educause. (2012). What campus leaders need to know about MOOCs. http://net.educause.edu/ir/library/pdf/PYB4005.pdf

Mazoue, James G. (2014). The MOOC Model: Challenging Traditional Education

URI: http://er.dut.ac.za/handle/123456789/71

 

Li Yuan and Stephen Powell (2013). MOOCs and Open Education: Implications to Higher Education. Nguồn:http://publications.cetis.ac.uk/2013/667

Orrizek, I. (2013). United States. MOOCs undermine the public higher education sector. University World News.Source (retrieved July 10, 2014):

http://www.universityworldnews.com/article.php?story=2013052073402754

vàdOpenEducation:ImplicationsforHigher

 

[1] XemGeorge Washington University’s online MBA healthcare degree

[2][2] Nguồn:

[3][3] Xem: Vietnam: Higher Education and Skills for Growth, Human Development Department, East Asia and Pacific Region, The World Bank, June, 2008.