Tác giả: Su Yan Pan
Người dịch: Phạm Thị Ly (2010)

Tổng quan

Trong kỷ nguyên của Mao Trạch Đông (1949-1976), Đại học Thanh Hoa (ĐHTH) đã có nhiều nỗ lực điều chỉnh để xây dựng chủ nghĩa xã hội, định hướng lại hoạt động của mình nhằm truyền bá những giá trị trọng yếu theo định nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ), theo đuổi sự ưu tú học thuật trong hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) TQ, và thể hiện sự đáng tin cậy về mặt chính trị của mình trước chính phủ. Trong quá trình đó, ĐHTH đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong khoa học công nghệ và trở thành một ví dụ thành công điển hình cho giáo dục chính trị XHCN trong hệ thống GDĐH TQ. Do vị trí học thuật của ĐHTH ở TQ và cương vị của hiệu trưởng trong chính phủ, ĐHTH đã có cơ hội giành được ít nhiều tự do để tạo ra và theo đuổi những đề xướng riêng của mình, những đề xướng đã tác động đến quá trình xây dựng chính sách của nhà nước và do đó, tăng cường ảnh hưởng của nhà trường về mặt chính trị.

Bài viết này khảo sát tác động của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đối với ĐHTH trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cải cách kinh tế của TQ. Nhà trường đã chật vật tranh đấu trong việc đáp ứng với những cải cách kinh tế toàn cầu và trong nước, để thích nghi với kinh tế thị trường trong nước, tăng cường cơ cấu đào tạo và kết hợp những mô hình toàn cầu trong việc theo đuổi địa vị trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong cộng đồng GDĐH thế giới. Thông qua quá trình này, ĐHTH đã chủ động tìm kiếm một mức độ tự chủ cao hơn thay vì chấp nhận mức tự chủ mà nhà nước cho phép. Việc thích nghi với những lực lượng thị trường và các mô hình quốc tế cũng như thực thi nó đã giúp cho ĐHTH nâng cao mức độ tự do của mình trong việc tạo ra thay đổi và đi xa hơn khuôn khổ của chính sách nhà nước.

Thời kỳ này đã chứng kiến những điều chỉnh quan trọng trong tuyên ngôn sứ mạng của nhà trường, phù hợp với chính sách nhà nước và quan điểm của lãnh đạo về vai trò của GDĐH trong kỷ nguyên cải cách kinh tế và toàn cầu hóa. Những năm này đã chứng kiến sự đa dạng hóa về chương trình đào tạo, nhu cầu nghiên cứu khoa học ngày càng được nhấn mạnh, sự điều chỉnh và thích nghi với những ảnh hưởng của nước ngoài cũng như sự khoan dung của nhà nước đối với việc vận dụng cơ chế thị trường trong quản lý và đào tạo ngày càng tăng; và sự kiên định của nhà nước đối với những vấn đề về chính trị. Qua hành động của mình, ĐHTH đã giành được quyền tự chủ ngày càng cao trong những lĩnh vực liên quan tới cải cách kinh tế trong nước và năng lực cạnh tranh của quốc gia trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.

Điều chỉnh Tuyên ngôn Sứ mạng của nhà trường

Đầu những năm 80, ĐHTH bắt đầu viết lại tuyên ngôn sứ mạng và tận dụng những kỳ vọng của lãnh đạo về GDĐH và về ĐHTH để theo đuổi những mục tiêu phát triển của chính mình. Việc điều chỉnh tuyên ngôn sứ mạng của ĐHTH đã phản ánh những đáp ứng của TH trong việc ủng hộ chính sách nhà nước và tuyên bố của các nhà lãnh đạo về nhiệm vụ của GDĐH trong thời đại cải cách kinh tế. Tuy cho phép TH có ít nhiều tự chủ, chính sách nhà nước và các nhà lãnh đạo cao cấp vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng định hình hướng đi của TH. Năm 1983, Đặng Tiểu Bình trình bày ý tưởng “giáo dục phải được dùng để phục vụ cho hiện đại hóa, cho thế giới và cho tương lai”. Cuộc cải cách cơ cấu giáo dục năm 1985 cũng đưa ra những hướng dẫn rất cơ bản cho giáo dục: “Giáo dục phải phục vụ cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa vào giáo dục”. Đáp ứng với những phát biểu ấy của lãnh đạo quốc gia và mệnh lệnh đối với GDĐH, ĐHTH tuyên bố:

“Theo chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình…, và yêu cầu của Đảng Cộng sản TQ…, ĐHTH có mục tiêu đào tạo các nhà nghiên cứu, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật nòng cốt trình độ cao, những người có đạo đức, trí tuệ và sức khỏe tốt…và được trang bị kiến thức rộng rãi” (Fang and Zhang, 2001a, p.103).

Năm 1994, Bộ Giáo dục phát động “Chương trình 211”nhằm hỗ trợ khoảng 100 trường ĐH đạt được tiêu chuẩn quốc tế trong thế kỷ XXI. Năm 1995 khi xây dựng kế hoạch 5 năm, Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố chính sách “phục hưng đất nước bằng giáo dục và khoa học. Chủ tịch Giang Trạch Dân (2000, tr. 47) giao cho GDĐH hai nhiệm vụ: “đào tạo nhiều loại nhân lực đáp ứng đòi hỏi của công cuộc hiện đại hóa” và “nâng cao chất lượng và ảnh hưởng của GDĐH”. Trong bài nói chuyện tại Lễ Kỷ niệm 90 năm ĐHTH, ông nói TH phải trở thành một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, bởi vì “tiêu chuẩn của các trường ĐH phản ánh sức mạnh toàn diện của quốc gia”, và “sự thịnh vượng của TQ đòi hỏi rất nhiều người tài, và các trường ĐH phải chia sẻ trách nhiệm ấy”. Ông cũng hô hào, cổ vũ TH “đi đầu trong cộng đồng học thuật quốc tế, có quan hệ gần gũi với sự phát triển của lực lượng sản xuất, gắn bó với nhiều đối tượng và nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, phát triển giao lưu văn hóa và kiến thức với nước ngoài nhằm tạo ra kiến thức mới, ý tưởng mới, và những lý thuyết mới (Jiang, 2001).

Đáp ứng kịp thời với chính sách nhà nước và phát biểu của chủ tịch Giang, TH viết lại tuyên ngôn sứ mạng của mình bao gồm chức năng đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra tri thức mới và đưa tri thức vào sản xuất. Trên cơ sở những mục tiêu ấy, TH định vị mình là “cái nôi của nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao và sáng tạo”, “một cơ sở trọng yếu của tri thức và đổi mới công nghệ”, “nền tảng của hoạt động chuyển giao kết quả NCKH vào sản xuất và công nghệ cao”. Sứ mạng mới này cũng đồng thời nhấn mạnh khát vọng trở thành đẳng cấp quốc tế của TH bằng cách đưa TH trở thành (a)một trường ĐH tổng hợp đa ngành, (b) một trường ĐH nghiên cứu chú trọng việc tạo ra tri thức mới,và (c) một trường ĐH quốc tế tăng cường tuyển dụng giảng viên và sinh viên quốc tế, và đóng góp cho cộng đồng học thuật quốc tế. Để thực hiện những mục tiêu ấy, TH đã điều chỉnh hàng loạt chương trình đào tạo, nhấn mạnh NCKH và đào tạo sau ĐH, mở rộng quan hệ quốc tế nhằm củng cố hình ảnh quốc tế của mình.

Đa dạng hóa chương trình đào tạo

Ngược lại với giai đoạn trước đó khi TH là một trường kỹ thuật, cung cấp chuyên gia kỹ thuật cho các dự án xây dựng quốc gia, từ sau năm 1978 những thay đổi về kinh tế trong nước đã khiến TH quay trở lại nhấn mạnh việc giáo dục một nền tảng tri thức rộng rãi. Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục của ĐHTH nói: “Trong quá trình xây dựng những môn học mới, TH đã lấy các trường ĐH phương Tây làm nguồn tham khảo như một cách nhanh chóng để đạt đến địa vị đẳng cấp quốc tế”. Quyết định mở rộng chương trình đào tạo của nhà trường nảy sinh từ chỗ – theo lời Hiệu trưởng Wang Dazhong trong Lễ Kỷ niệm 90 năm ĐHTH – “nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới đều là các trường tổng hợp”. Bởi vậy, không như những trường “tổng hợp” theo kiểu định nghĩa trước những năm 80, tức là chịu trách nhiệm đào tạo khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, TH dạy nghiên cứu và thực hiện việc nghiên cứu trong nhiều lãnh vực tri thức rộng, đưa ra nhiều môn học khác nhau trong khoa học tự nhiên và nhiều loại huấn luyện chuyên môn qua những chương trình đào tạo khác nhau.

TH đã đa dạng hóa chương trình đào tạo của mình bằng cách đáp ứng với những đòi hỏi của các lực lượng kinh tế trong nước và toàn cầu hóa, với ý kiến của các nhà tuyển dụng, và nắm bắt xu hướng hợp nhất các trường ĐH ở TQ. Từ khi cải cách kinh tế trong những năm cuối thập kỷ 70, nhu cầu của thị trường lao động trong nước về lực lượng chuyên môn trong ngành kinh tế và quản lý ngày càng tăng cao, như các nhà quản lý cao cấp, giám sát tài chính, quản lý bán hàng, và kế toán. Để đáp ứng, ĐHTH đã khôi phục Khoa Kinh tế và Quản lý vào năm 1978, đến năm 1984 nâng cấp lên thành Trường, đây là trường Kinh tế và Quản lý đầu tiên trong GDĐH TQ. Đồng thời, đáp ứng với nhu cầu đào tạo tại chức để nâng cấp chất lượng cho phù hợp với lực lượng lao động, TH xây dựng các chương trình đào tạo thường xuyên từ năm 1980 và tạo ra nhiều ngành học mới để tạo ra những người tinh hoa có thể giải quyết những thách thức toàn cầu hóa và đưa TQ vào WTO. TH nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo những người không chỉ am hiểu nền kinh tế nội địa mà còn cả những cơ chế kinh tế, luật pháp, thông lệ, giá trị và chuẩn mực quốc tế. Cụ thể là, TH đã xây dựng chương trình MBA liên kết với Massachussette Institute of Technology nhằm giới thiệu kiến thức về kế toán, quản lý và tài chính dựa trên thông lệ và kinh nghiệm quốc tế. Hơn nữa, từ cuối thập kỷ 90, sinh viên TH phải học công nghệ thông tin và truyền thông, để sẵn sàng tham gia vào việc mở rộng thị trường xuyên biên giới trong tương lai.

Khi định hình lại chương trình đào tạo, TH đã cân nhắc ý kiến của các nhà tuyển dụng sinh viên TH bằng cách tổ chức khảo sát ý kiến thường xuyên trong những năm 80 và 90. Kết quả khảo sát cho thấy, theo quan điểm của người tuyển dụng, sinh viên TH rất xuất sắc khi áp dụng kiến thức khoa học công nghệ, nhưng khiếm khuyết về khoa học xã hội và nhân văn, nói tiếng Anh và viết tiếng Trung không tốt, yếu về kỹ năng giao tiếp và hợp tác. Trong một công trình nghiên cứu, 92,9% nhà tuyển dụng tham gia trả lời phiếu khảo sát cảm thấy sinh viên TH thiếu kiến thức về khoa học xã hội, 91,2% không hài lòng về năng lực quản lý của sinh viên. Họ đề nghị TH nên trang bị cho sinh viên một nền tảng kiến thức rộng rãi, bao gồm cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng không chỉ trong một chuyên ngành hẹp, và sinh viên cũng cần có kỹ năng chung về ngoại ngữ, về giao tiếp, am hiểu về chính trị, lịch sử, văn hóa, kinh tế và quản lý. Theo họ những kiến thức và kỹ năng này rất cần ở nơi làm việc để nâng cao chất lượng quản lý nội bộ, mở ra thị trường mới, tạo ra công nghệ và sản phẩm mới.

TH chính thức thừa nhận là, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn hẹp và cụ thể có thể đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế kế hoạch tập trung, nhưng nó không phù hợp với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Để thay đổi tình hình này, TH khôi phục lại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn và đưa ra những môn tự chọn về kinh tế và quản lý cho tất cả mọi sinh viên để giúp họ tăng thêm hiểu biết về kinh tế thị trường. Đồng thời, dựa trên các bộ môn chuyên ngành về khoa học công nghệ hiện có, TH thiết lập thêm các bộ môn khoa học liên ngành, như công nghệ y sinh, khoa học thông tin và máy tính, kỹ thuật điện và công nghệ môi trường. Thêm vào đó, để khuyến khích sinh viên đạt được kiến thức bên ngoài chuyên ngành hẹp của mình, TH phục hồi hệ thống đào tạo theo tín chỉ, một cơ chế cho phép sinh viên lấy tín chỉ môn học từ các khoa khác; đồng thời thiết lập hệ thống bằng cử nhân thứ nhì, cho họ cơ hội đạt được bằng cử nhân trong hai chuyên ngành.

Cơ cấu chương trình mới của TH cũng hình thành qua hấp thụ một cách chọn lọc từ các trường nổi tiếng khác. Sau thập kỷ 80, sự sáp nhập các trường đại học và cao đẳng để hình thành những trường tổng hợp trở thành một xu hướng mạnh mẽ ở TQ (Yang, 2000). TH đã tận dụng điều này để nâng cao uy tín của mình và đưa những chuyên ngành của mình đến chỗ tốt nhất trong hệ thống GDĐH TQ. Ví dụ, để tăng cường bộ môn nghệ thuật, nhà trường đã sáp nhập vớiViện Nghệ thuật và Thiết kế Trung ương, một viện nghiên cứu lừng danh bậc nhất về nghệ thuật của TQ. Một số trường đại học khác, ví dụ như Viện Điện ảnh Bắc Kinh, hy vọng sẽ được sáp nhập với TH, nhưng nhà trường không coi điện ảnh là hữu ích trong việc nâng cao uy tín trong nước và quốc tế của TH.

Kết quả là, đến năm 2002, TH đã thiết lập 11 trường và 44 khoa, bao gồm các chuyên ngành khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, luật, kinh doanh và quản lý, nghệ thuật và y khoa. TH có các chương trình đào tao cử nhân, 139 ngành đào tạo thạc sĩ, 107 ngành đào tạo tiến sĩ, 23 ngành có chương trình hậu tiến sĩ. Tổng số sinh viên là 12.625 bậc đại học, 7.063 bậc cao học, 1.631 sinh viên bán thời gian và 546 sinh viên quốc tế. Hơn thế nữa, TH có 66 viện và trung tâm nghiên cứu, 160 phòng thí nghiệm, trong đó có 15 phòng thí nghiệm trọng điểm.

Sự mở rộng chương trình đào tạo đã phản ánh một sự kiện là TH được định hình bởi những lực lượng thị trường đang đòi hỏi lực lượng lao động phải có những thứ kiến thức và kỹ năng mới. Bước chuyển thành trường tổng hợp cũng cho thấy TH đã dùng những lực lượng thị trường và xu hướng mới trong GDĐH TQ để khôi phục chương trình đào tạo của mình như thế nào, một chương trình vốn đã bị tổn thất nặng nề trong cuộc tái cấu trúc các trường ĐH trong thời Mao.

Nhấn mạnh trọng tâm nghiên cứu khoa học

Một thay đổi căn bản của TH trong thập kỷ 90 là trọng tâm mới được đặt vào nghiên cứu khoa học nhằm đưa TH trở thành một trường ĐH nghiên cứu. Điều này đạt được nhờ củng cố việc đào tạo về nghiên cứu và gắn giảng viên với hoạt động nghiên cứu ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Để tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu, TH đã tìm kiếm thêm nguồn lực tài chính bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

TH có nhu cầu mạnh mẽ để tự biến mình thành ĐH nghiên cứu. Như đã nói ở phần trên, sứ mạng của TH thay đổi từ chỗ là “cái nôi của những kỹ sư đỏ” đến chỗ là “cái nôi của những người sáng tạo” – một sự thay đổi phản ánh những đáp ứng tích cực của TH với những đòi hỏi của kinh tế thị trường về một lực lượng lao động kiểu mới. Điều này được củng cố bởi mong muốn của TH nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế. Với ý nghĩa đó, Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trường nói:

“TH trong thập kỷ qua đã nhấn mạnh việc ứng dụng tri thức vào thực tiễn, mà không lưu tâm đầy đủ việc tạo ra tri thức mới…Tuy vậy, trong một kỷ nguyên mà nền kinh tế dựa trên sự đổi mới thì sáng tạo quan trọng hơn nhiều so với sao chép và vay mượn kiến thức từ nước ngoài..Nếu chúng ta chỉ theo đuôi nước ngoài mà không có đổi mới và sáng tạo, thì kinh tế TQ sẽ mãi mãi tụt hậu so với các nước phát triển”

Ông tiên đoán rằng, nếu GDĐH không thể tạo ra thêm tri thức và công nghệ mới để dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế TQ, khoảng cách giàu nghèo giữa TQ và các nước phát triển sẽ mỗi ngày một xa. Sự chuẩn bị của TH để tạo ra tri thức mới và dẫn dắt nền kinh tế TQ được minh họa bằng một sự kiện là, tại một hội thảo do nhà trường tổ chức năm 2001, ba ngàn giảng viên TH đã đồng ý rằng đào tạo những người đạt trình độ cao và có tính sáng tạo sẽ phục vụ cho sự phát triển của khoa học và kinh tế trong thế kỷ XXI. TH chính thức tuyên bố “tạo ra tri thức mới chính là tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế quốc tế của TQ”. Nỗ lực của TH trong việc đào tạo những con người có tinh thần sáng tạo gắn với việc áp dụng ý tưởng về “học cách học” vào việc giảng dạy, tăng cường đào tạo sau ĐH, nhấn mạnh kỹ năng giải quyết vấn đề đối với sinh viên cao học và cung cấp nguồn lực tài chính cho những hoạt động sáng tạo.

TH đã khởi động một loạt sáng kiến nhằm xây dựng các nhóm sinh viên có năng lực nghiên cứu tốt. Để thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên, TH giảm số giờ tín chỉ bắt buộc từ 200 xuống 170, và các môn bắt buộc từ 70 xuống còn 40. Phó hiệu trưởng nhà trường giải thích rằng những thay đổi đó là nhằm đem lại cho sinh viên nhiều tự do hơn để quyết định họ muốn học thứ gì và muốn sáng tạo cái gì trong giờ rảnh tùy theo tài năng tiềm tàng của chính họ.

Về đào tạo sau ĐH, phó hiệu trưởng (người mang số 1)[1] nhấn mạnh rằng sự mở rộng số lượng sinh viên là nhằm tăng năng lực của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo trình độ cao. Năm 1984, TH lập Trường Đào tạo Sau ĐH để đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ và thực hiện các chương trình hậu tiến sĩ trong 107, 64, và 14 chuyên ngành lần lượt theo thứ tự. Trường phát triển rất nhanh, đến năm 1993 TH đã có 7.286 sinh viên cao học (Fang and Zhang, 2001a, p.7, 246-7).

Năm 1996, TH áp dụng một tiêu chuẩn mới để mở rộng số lượng sinh viên sau ĐH: họ đưa ra một chương trình 6 năm vừa lấy bằng cử nhân vừa lấy bằng thạc sĩ, trong đó sinh viên được phép chọn tốt nghiệp với bằng cử nhân hoặc tiếp tục lấy bằng thạc sĩ mà không cần phải thi. 70% sinh viên đã tiếp tục học lên để lấy bằng thạc sĩ, và những người có kết quả xuất sắc có thể chuyển tiếp lên bậc tiến sĩ. Với cách làm này, sinh viên cao học tăng rất đáng kể: năm 1999, số sinh viên được nhận vào học sau ĐH ở TH cao nhất ở TQ và lần đầu tiên đã vượt quá số SV đại học. Năm 2000, tỉ lệ sinh viên SĐH/ĐH là 0,8:1. Đến năm 2001, TH có 275 chương trình đào tạo sau đại học, chiếm hơn 25% trong số 1,085 chương trình đào tạo sau ĐH trong cả nước. Bởi vậy TH đã trở thành trường hàng đầu về đào tạo sau ĐH với số sinh viên SĐH và số ngành đào tạo SĐH lớn nhất nước.

Một cách khác được dùng để tăng cường năng lực nghiên cứu của sinh viên là nhấn mạnh kỹ năng giải quyết vấn đề trong các môn học của chương trình sau ĐH. (…)Trong khoảng thời gian từ 1978 đến 1993, đã có 12.295 sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu. Năm 2000, TH thành lập một cơ sở 2 của Trường Sau ĐH tại Thiên Tân, thành phố đầu tiên ở TQ thử nghiệm đi theo kinh tế thị trường, nhằm đẩy mạnh đào tạo chuyên gia trình độ cao phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương; khai thác các dự án nghiên cứu nảy sinh từ nhu cầu của các thành phần kinh tế; tăng tốc chuyển giao công nghệ thành phát triển kinh tế; và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế ở thành phố này.

Cuối cùng, nhà trường đã thiết lập các Quỹ đào tạo để hỗ trợ sáng kiến đổi mới của nghiên cứu sinh. TH đã xây dựng 5 Quỹ như thế: Quỹ Khen thưởng Luận án Tiến sĩ Xuất sắc; Quỹ Nghiên cứu sinh NCKH và Đổi mới; Quỹ Hội thảo Quốc tế; Quỹ Trang thiết bị Thông tin và Ứng dụng, và Quỹ Khen thưởng Hướng dẫn Nghiên cứu sinh Xuất sắc. Những quỹ này là nhằm thu hút những sinh viên có khả năng sáng tạo theo đuổi bằng tiến sĩ và sự nghiệp nghiên cứu, hỗ trợ họ tham gia các hội thảo quốc tế và khen thưởng các nghiên cứu sinh, các giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh có đóng góp nổi bật trong việc tạo ra tri thức mới.

Bên cạnh việc xây dựng các nhóm nghiên cứu sinh xuất sắc và thúc đẩy năng lực nghiên cứu của họ, TH khuyến khích giới học thuật của mình tham gia vào các dự án và hoạt động nghiên cứu ở cấp quốc gia và quốc tế. Cũng như trong quá khứ, TH gắn chặt việc nghiên cứu của mình với sự phát triển kinh tế của quốc gia. Họ là người thực hiện hầu hết các dự án nghiên cứu của Kế hoạch Năm năm Lần thứ 6, 7, và 8. Từ năm 1978 đến năm 1993, TH đã hoàn thành 4.842 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, trung bình 302 đề tài mỗi năm; còn từ 1994-1999, con số đề tài nhà nước tăng lên đến 400 hàng năm. Trong số tất cả các đề tài đó, 2.557 đề tài được giải thưởng ở địa phương hoặc quốc gia do những đóng góp của nó vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

Để đạt được sự công nhận trong nước và quốc tế, TH khuyến khích giảng viên, nghiên cứu sinh công bố trên các tập san có bình duyệt quốc tế và xin cấp bằng sáng chế cho những sản phẩm của họ. Từ năm 1998, TH đặt mục tiêu một ngàn bài báo SCI mỗi năm. Từ 1994-1999, TH có 10.813 báo cáo khoa học trên các hội thảo quốc tế. Năm sinh viên có bài trên các tập san quốc tế nổi tiếng như Cell, Nature và Science. Khoa Sinh của TH xếp hạng nhất trong cả nước về số lượng bài báo SCI ngành sinh học. Năm 2000, TH có số bài báo SCI trong ngành kỹ thuật chiếm 10,8% tổng số bài báo khoa học SCI trong cả nước cùng năm. TH mong muốn mở rộng địa vị hạng nhất của mình trong GDĐH TQ đến chỗ đạt được tiêu chuẩn của những trường ĐH nghiên cứu hàng đầu thế giới. Hơn nữa, từ khi áp dụng Luật Bản quyền 1985, TH chú ý tới việc đăng ký bằng sáng chế hơn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ và để đạt uy tín quốc tế. Tính đến năm 2002, TH đã nộp 2.370 đơn cấp bằng sáng chế, cao nhất trong hệ thống GDĐH ở TQ, với niềm tin rằng đạt được nhiều bằng sáng chế là điều sẽ làm nổi bật đóng góp của nhà trường đối với kiến thức, và những lợi ích tiềm năng cho các hoạt động sáng tạo.

Để đẩy mạnh hơn nữa năng lực nghiên cứu, TH khuyến khích giảng viên dùng những nguồn lực tài chính bên ngoài để xây dựng trang thiết bị phần cứng và phần mềm cho các khoa, kể cả hợp tác với các doanh nghiệp thương mại quốc tế và dùng nguồn hỗ trợ tài chính của họ. TH là nơi nổi bật trong việc hợp tác với những tổ chức thương mại quốc tế hàng đầu. Chẳng hạn, tính đến năm 2000, nhà trường đã tạo được một thành tích ấn tượng về việc thành lập 47 viện nghiên cứu liên kết với 33 tổ chức kinh doanh quốc tế, trong đó có IBM, P&G, SMC, và Motorola (Hu, 2000). Những quan hệ hợp tác như thế có liên quan tới việc mở rộng các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế cũng như nhu cầu về nguồn lực của TH. Theo một Phó Hiệu trưởng của TH, một số doanh nghiệp quốc tế đã gặt hái lợi ích kinh tế đáng kể trong thị trường TQ từ những kết quả nghiên cứu của TH, nhờ uy tín lớn của TH trong KH-CN và thế mạnh của TH trong công nghệ cao. Đồng thời, TH cũng tận dụng sự hợp tác này để tăng cường nguồn lực, cải thiện trang thiết bị và hạ tầng nghiên cứu. Các doanh nghiệp quốc tế tài trợ cho những viện nghiên cứu liên kết này thông qua cung cấp học bổng, kinh phí nghiên cứu, trang thiết bị và hạ tầng cơ sở. Mặc dù những hợp tác này dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, về cơ bản nó giúp ích rất lớn trong việc tăng cường chất lượng cả phần cứng và phần mềm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường.

Thích nghi với những ảnh hưởng của nước ngoài

Trong thời kỳ này, thực tiễn GDĐH quốc tế có ảnh hưởng lớn đến TH vì nhà trường đang cố gắng tự biến mình thành một trường ĐH quốc tế. Bằng cách tự nguyện áp dụng những kinh nghiệm thực tế đang phổ biến nhanh chóng trong GDĐH quốc tế, TH đã giúp nhà nước thích nghi với hiện tượng toàn cầu hóa về kinh tế. Cùng lúc đó, nhà trường thử nghiệm những giới hạn khoan dung của nhà nước và giành được thêm không gian cho việc xây dựng chính sách nội bộ, để đi xa hơn những khuôn khổ của nhà nước và tác động đến việc tạo ra những chính sách mới của nhà nước.

Vào thời gian đó, hàng loạt thay đổi đã diễn ra ở TH, bao gồm vận dụng kinh nghiệm nước ngoài để tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách, tái nhấn mạnh việc học tiếng Anh, thúc đẩy đào tạo công nghệ thông tin, mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ học thuật với quốc tế và tăng cường sự khoan dung đối với văn hóa phương Tây. Việc vận dụng kinh nghiệm phương Tây trong xây dựng chính sách đã minh họa cho chúng ta thấy rõ TH đã khởi xướng việc dùng “luật chơi” của cộng đồng học thuật quốc tế như thế nào để được miễn trừ với một số chính sách của nhà nước.

Tái nhấn mạnh việc học tiếng Anh cho thấy nhà trường thích nghi với cách tiếp cận nhằm đạt vị trí đại học đẳng cấp quốc tế, và những sáng kiến của TH đã tác động đến chính sách quốc gia về GDĐH như thế nào. Việc đẩy mạnh đào tạo kiến thức về vi tính minh họa cho sự hỗ trợ của TH đối với việc nối kết giáo dục TQ với giới học thuật toàn cầu, cũng như ảnh hưởng của vi tính đối với TH. Tương tự như vậy, sự mở rộng quan hệ quốc tế đã phản ánh một thực tế là TH đang tăng cường tham gia vào cộng đồng khoa học quốc tế, và ngày càng khoan dung hơn với những khác biệt văn hóa.

Hấp thụ kinh nghiệm nước ngoài

Không như thời kỳ mới thành lập, là thời kỳ quá trình ra quyết định ở TH bị ảnh hưởng bởi đại sứ Mỹ và giảng viên Mỹ một cách không tự nguyện, thập kỷ 90 đã chứng kiến một sự thay đổi lớn khi TH tự nguyện hấp thụ những kinh nghiệm của nước ngoài trong việc xây dựng chính sách. TH mong muốn làm điều này để có thể đạt được cương vị đẳng cấp quốc tế, như một vị phó Hiệu trưởng (người mang số 2) đã nói:

Đẳng cấp thế giới có nghĩa là đặt nhà trường vào một chiều kích quốc tế, và đo lường chất lượng đào tạo của nó bằng những tiêu chí được cộng đồng học thuật quốc tế chấp nhận rộng rãi. Các trường ĐH TQ là những kẻ đến sau trong xã hội hàn lâm thế giới. Nếu chúng ta đóng cửa lại mà vận hành nhà trường theo tầm nhìn của riêng chúng ta, chúng ta rất có thể là trường hàng đầu ở TQ, nhưng chúng ta không thể biết liệu mình có đạt được vị trí đẳng cấp quốc tế hay không. Bởi vậy, chúng ta cần phải biết các tiêu chí của một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, và cố gắng hết sức để đạt được các tiêu chí đó. Có thể thấy tình thế tương tự trong bối cảnh quốc tế của môn bóng rổ. Hiển nhiên là người Trung Quốc thấp hơn người phương Tây về thể chất. Người TQ có thể làm cái lưới thấp hơn thích hợp hơn với người TQ để chơi bóng rổ trong nội địa. Nhưng vô phương đòi hỏi một cái lưới thấp hơn khi tham gia thi đấu quốc tế, bởi vì chiều cao của cột lưới được quyết định và chấp nhận bởi cả thế giới. Cách tốt nhất để người TQ có thể chiến thắng trong các cuộc thi quốc tế là nâng cao năng lực của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Cũng vậy, chúng ta cần có một quan điểm quốc tế. Chúng tôi có ước muốn mạnh mẽ biết những tiêu chí trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi cần biết nhiều hơn về các trường ĐH đẳng cấp quốc tế hiện đang tồn tại, chẳng hạn, họ đánh giá chất lượng đào tạo như thế nào, họ quản lý trường đại học ra sao, họ tổ chức việc giảng dạy và nghiên cứu theo cách nào, vân vân. Chúng tôi muốn tham khảo kinh nghiệm của họ để cải cách nền giáo dục hay hoạt động đào tạo của chúng tôi.

Để học cách đạt đến vị trí đẳng cấp thế giới, TH đã gửi cán bộ cao cấp đi hấp thu kinh nghiệm của các trường nổi tiếng thế giới và mời chuyên gia nước ngoài tham gia công việc điều hành nhà trường. Năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử GDĐH XHCN TQ, nhà trường gửi một đoàn 13 cán bộ quản lý cấp cao trong đó có phó hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo, trưởng khoa Sau ĐH, các trưởng khoa chuyên môn trọng yếu khác, và các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc trường, đi thăm một loạt các trường ĐH nổi tiếng của Hoa Kỳ – Massachussette Institute of Technology, Columbia University, the University of Michigan, và Stanford University. Đoàn do Phó Hiệu trưởng Gu Binlin dẫn đầu, người sau này trở thành hiệu trưởng năm 2003. Gu giải thích họ chọn những trường này vì đó là những trường đứng đầu trong bảng xếp hạng quốc tế, và họ dẫn đầu xu hướng toàn cầu trong GDĐH. Mục đích của chuyến thăm là học hỏi chính sách của các trường này về chương trình đào tạo, về nghiên cứu và giảng dạy, về quản lý nhà trường, cũng như về những lý tưởng mà nhà trường ấp ủ, gìn giữ. Gu tin rằng học hỏi từ nhiều trường khác nhau sẽ giúp xây dựng một nhận thức toàn diện về các trường ĐH đẳng cấp quốc tế, góp phần tăng thêm hiểu biết về những bước phát triển toàn cầu trong GDĐH, tăng cường quan điểm quốc tế cho cán bộ quản lý cao cấp của TH, và mang lại thông tin cho việc xây dựng những chính sách hữu ích nhằm nâng cao tiêu chuẩn đào tạo và quản lý của TH lên ngang tầm quốc tế.

Vì mục đích đó, TH tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài, và đây là trường ĐH đầu tiên ở TQ đăng quảng cáo tuyển nhân sự trên tập san nổi tiếng thế giới: Nature. Để nhanh chóng bắt kịp các trường ĐH đẳng cấp quốc tế, bắt đầu từ năm 2001, TH quyết định tuyển từ 30 đến 50 giáo sư nước ngoài trong 5 năm nhằm hướng dẫn sự phát triển học thuật ở TH. Các trường thành viên và các khoa có vai trò quan trọng trong việc mời chuyên gia nước ngoài tham gia công tác quản lý. Chánh Văn phòng và Bí thư chi bộ lưu ý rằng:” Các trường thành viên và các khoa có quyền bầu lãnh đạo trường và trưởng khoa. TH có quyền bổ nhiệm trưởng khoa và trưởng phòng mà không cần xin quan chức nhà nước chấp thuận”. Dùng quyền này, TH đã đưa được những ảnh hưởng trực tiếp của người nước ngoài vào việc quản lý và quá trình làm chính sách như hai ví dụ minh họa nêu trên.

Phó Hiệu Trưởng Trường Kinh tế và Quản lý nói: “Ở giai đoạn khởi xướng, chúng tôi hầu như chẳng biết tí gì về các mô hình trường kinh doanh quốc tế. Làm sao chúng tôi có thể đạt được trình độ cao cấp trên phạm vi quốc tế mà không biết gì về mô hình quốc tế?”. Để thu hẹp khoảng cách giữa tham vọng cao và năng lực hạn chế trong việc vận hành một trường dạy kinh doanh, Trường Kinh tế và Quản lý (SEM) đã mời Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pensylvania và Trường Quản lý Sloan của MIT (SSM) cùng xây dựng những chương trình liên kết. Theo người số 21, lãnh đạo các chương trình liên kết này là một tổ chức bao gồm đại diện của cả hai phía.

“Ở một mức độ nhất định, họ (SSM) có ảnh hưởng lớn hơn so với chúng tôi trong việc quyết định dùng sách giáo khoa nào, dùng ngôn ngữ gì để giảng dạy, môn học nào nên đưa vào chương trình. Chúng tôi theo họ là vì họ có kinh nghiệm vận hành các trường doanh thương, và họ nổi tiếng trên thế giới. Bởi vậy chúng tôi tìm cách hợp tác với họ”

Ngoài việc hợp tác với các trường nước ngoài, SEM còn mời các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế tham gia tư vấn quản lý nhà trường. Họ thành lập Hội đồng Tư vấn, gồm các nhà lãnh đạo điều hành cao cấp của các công ty nổi tiếng trên thế giới và các doanh nghiệp hàng đầu trong nước. Theo Zhao (2001), việc thành lập các hội đồng này là nhằm khám phá các xu hướng toàn cầu trong kinh tế thế giới thông qua giới quản lý cao cấp của các công ty đẳng cấp quốc tế; và để nghe họ tư vấn về cách xây dựng SEM sao cho chương trình đào tạo được điều chỉnh phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước.

Một ví dụ khác là bổ nhiệm những người không phải là người TQ vào vị trí trưởng khoa. Tháng 9 năm 2001, TH thành lập Khoa Kỹ thuật Công nghiệp và bổ nhiệm một nhà khoa học Mỹ, Gavriel Salvendy làm lãnh đạo khoa để vận hành nó. Ông là người có quyền cao nhất trong khoa khi phải quyết định những vấn đề như chương trình đào tạo, phương hướng nghiên cứu, hợp tác và trao đổi giới hàn lâm quốc tế. Đây là lần đầu tiên một trường đại học TQ bổ nhiệm một người không phải là người TQ vào vị trí quản lý lãnh đạo. Theo phó khoa của khoa này, họ có dự định phối hợp sự phát triển của sản xuất công nghệ hiện đại với mạng lưới thông tin máy tính. Mặc dù ngành kỹ thuật công nghiệp đã tồn tại nhiều năm như một chuyên ngành riêng ở các nước phát triển phương Tây, nó vẫn rất mới đối với TQ, bởi vậy lúc đó cả khoa không có lấy một người được đào tạo về ngành này. Ông nói: “Thật là khó cho chúng tôi đạt đến vị trí đẳng cấp quốc tế khi chúng tôi không có tới một chuyên gia. Giảng viên chúng tôi nhất trí rằng chúng tôi cần một người lãnh đạo có uy tín cao về học thuật trong ngành này”. Bình luận về việc lựa chọn một chuyên gia quốc tế vào vị trí trưởng khoa này, một người giải thích:

“Tất cả mọi giảng viên trong khoa đều mong đợi rằng chuyên gia quốc tế sẽ nối kết chúng tôi với cộng đồng học thuật quốc tế về kỹ thuật công nghệ, nhờ đó đẩy nhanh sự phát triển của chúng tôi nhằm đạt được vị trí đẳng cấp quốc tế”.

Khoa này đã chọn Salvendy vì uy tín chuyên môn của ông: ông là thành viên của Viện Kỹ nghệ Hoa Kỳ, là một nhà khoa học của Purdue University, biên tập viên sáng lập của ba tập san khoa học quốc tế, chủ tịch sáng lập của Ủy ban Quốc tế về những Nhân tố Con người trong ngành Máy tính. Trong hợp đồng tuyển dụng, TH yêu cầu Salvendy lãnh đạo khoa Kỹ thuật Công nghiệp đạt đến đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm, cũng như hỗ trợ giảng viên khoa Kỹ thuật Công nghiệp can dự vào các hoạt động khoa học quốc tế, kể cả tham gia các ban biên tập tập san quốc tế và lãnh đạo các dự án nghiên cứu quốc tế, tổ chức hội thảo quốc tế, mời các học giả quốc tế đến giảng tại TH.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Salvendy đã phá vỡ chính sách quản lý GDĐH của Đảng Cộng sản TQ, theo đó mọi viên chức được bổ nhiệm các vị trí quản lý và có tính chính trị đều phải học chính trị trước khi nhận chức vụ. Công việc của họ được Đảng ủy TH xem xét và đánh giá về đạo đức và hoạt động chính trị, về năng lực và thành tích. Tuy nhiên, Salvendy được miễn trừ yêu cầu chính trị này, ông không cần phải dự một khóa học chính trị nào. Một người khác cho biết, việc đánh giá Salvendy dựa trên những bổn phận được ghi trong hợp đồng làm việc của ông, mà không có thêm một yêu cầu nào khác về chính trị. Lý do tại sao Salvendy được đối xử như thế là vai trò của ông trong cộng đồng học thuật quốc tế và trong TH. Một cán bộ quản lý của TH (người số 5) đã giải thích:

“Yêu cầu về chính trị là quy tắc nội bộ của TQ được định đoạt bởi bản chất chính trị của GDĐH Trung Quốc. Nhưng trong lĩnh vực học thuật, chúng tôi phải chơi theo luật chơi quốc tế. Luật chơi của cộng đồng học thuật quốc tế thường do giới hàn lâm hàng đầu định đoạt, vì uy tín khoa học của họ tạo điều kiện cho họ đánh giá về nhiều thứ, ví dụ như thế nào là tiêu chuẩn của đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi bổ nhiệm Salvendy vì ông đủ uy tín xuất sắc để đánh giá liệu TH đã đạt đến đẳng cấp quốc tế hay chưa trong lĩnh vực học thuật của ông. Nếu ông có thể coi khoa Kỹ thuật Công nghiệp là đạt đến đẳng cấp quốc tế, thì điều đó có nghĩa là TH đã đạt đến đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp.”

Ý kiến giải thích này cho thấy TH đã xác lập hai hệ thống luật lệ khác nhau trong hai lĩnh vực. Trong lĩnh vực chính trị, TH hành động theo quy tắc luật lệ trong nước do Đảng CSTQ đưa ra, tuy cũng đã được TH trau chuốt lại ít nhiều; còn trong lĩnh vực khoa học, nhà trường áp dụng những quy tắc luật lệ do cộng đồng học thuật quốc tế thiết lập, tức miễn trừ những đòi hỏi về chính trị cho người nước ngoài, một đặc điểm khác biệt sau đó được đề nghị tiếp tục thực hiện với ý tưởng của Giang Trạch Dân: “trung thể tây dụng”[2]. Người ta mong đợi Salvendy sẽ giúp khoa Kỹ thuật Công nghiệp đạt đến tiêu chuẩn quốc tế và là một “quan tòa” đánh giá vị trí quốc tế của khoa này, bởi vậy ông được miễn trừ nghĩa vụ tuân thủ những luật lệ nội bộ của TQ do Đảng CSTQ định ra. Tuy thế, vẫn có những giới hạn chính trị cho những học giả không phải là người TQ làm việc tại TH, như sẽ được thảo luận trong một bài khác.

Trong thời kỳ TH còn là Trường Cao đẳng, TH trả lương cho giới khoa học không phải là người TQ một mức lương cao hơn nhiều để thu hút giới học giả quốc tế đến giúp cho mục tiêu đẳng cấp quốc tế của TH. Lương của Salvendy là 100.000 USD mỗi năm, cao nhất nước về loại công việc này, cao hơn khoảng hai mươi lần so với lương trung bình của hầu hết các giáo sư TQ. Tuy nhiên, không như trước đây, khi cán bộ giảng viên TH cho rằng khoảng chênh lệch lớn này là nguồn gốc tạo ra phân biệt và làm bẽ mặt người TQ, lúc đó mọi giảng viên đều nhận thấy mức lương của Salvendy là xứng đáng. Một người được phỏng vấn (người số 5) giải thích rằng mức lương của TH dành cho các giáo sư chủ chốt đã tham khảo tiêu chuẩn về mức lương của các nhà khoa học nổi tiếng ở nước ngoài nhằm thu hút các nhà khoa học lỗi lạc đến với TH nhiều hơn. TH có thể xoay xở lo liệu được mức lương đó là nhờ ‘Quỹ Giáo sư đầu ngành” do các doanh nghiệp trong nước tài trợ. Việc trả lương cao cho những nhà khoa học không phải là người TQ được giảng viên TH nhận thức như là một chiến lược nhằm giúp nhà trường tự nâng cấp từ chỗ là một trưởng đỉnh trong nước tiến tới chỗ là một trường ĐH đẳng cấp quốc tế.

Tái nhấn mạnh việc học tiếng Anh

Trái với khởi xướng ban đầu của TH nhấn mạnh việc học tiếng Anh dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, việc tái nhấn mạnh tiếng Anh sau năm 1978 chịu ảnh hưởng bởi chính sách nhà nước về đào tạo tiếng Anh, bởi sự phát triển kinh tế trong nước và quốc tế, cũng như khát vọng của TH can dự vào cộng đồng học thuật toàn cầu. Hơn thế nữa, sáng kiến nhấn mạnh tiếng Anh của TH chịu ảnh hưởng của chính sách quốc gia về GDĐH.

Việc tăng cường trọng tâm tiếng Anh ở TH có phần là kết quả của những thay đổi trong quan hệ quốc tế của TQ. Sau khi mở cửa với phương Tây vào cuối thập kỷ 70, tiếng Anh đã thay thế tiếng Nga từ năm 1978 như ngoại ngữ thứ nhất trong chương trình đào tạo bậc ĐH ở TQ, và từ năm 1983 nhà trường thành lập Khoa Ngoại ngữ với nhiệm vụ dạy môn tiếng Anh bắt buộc cho tất cả sinh viên đại học và cao học.

Một yếu tố cũng liên quan đến sự đổi thay trong chính sách ngôn ngữ là những phát triển mới của kinh tế trong nước và toàn cầu, là điều làm cho nhu cầu về năng lực ngoại ngữ càng tăng mạnh. Nơi làm việc ở TQ bắt đầu có nhiều mối liên hệ với các đối tác nước ngoài, và các nhà tuyển dụng nhất là các doanh nghiệp xuyên quốc gia đòi hỏi người lao động phải thành thạo tiếng Anh. Nỗ lực gia nhập WTO của TQ cũng làm tăng nhu cầu về khả năng tiếng Anh, nay trở thành một kỹ năng truyền thông cơ bản. Trưởng khoa Ngoại ngữ TH (người số 16) đồng ý rằng trang bị cho sinh viên khả năng tiếng Anh tốt hơn cũng có nghĩa là tăng cường cơ hội có việc làm của họ.

Nhà trường tái nhấn mạnh việc học tiếng Anh còn có phần là vì họ công nhận rằng gỉang viên của mình không có đủ năng lực công bố tác phẩm của mình một cách cạnh tranh trên các tập san khoa học quốc tế. Một người được phỏng vấn (người số 17) đồng ý rằng tiếng Anh kém là một trở ngại đáng kể để tiếp cận giới học thuật quốc tế, vì đó vẫn là nơi tiếng Anh đang lấn át mọi ngôn ngữ khác. Ông nói rõ thêm ý này như sau:

Đối với chúng tôi, thiếu thành thạo tiếng Anh là một trở ngại để có công bố quốc tế, vì các tập san nổi tiếng hầu hết đều xuất bản bằng tiếng Anh. Nếu chúng tôi không thể công bố kết quả nghiên cứu của mình trên các tập san quốc tế thì nghiên cứu cua chúng tôi cũng sẽ không được công nhận trong giới hàn lâm quốc tế, và tiêu chuẩn học thuật của chúng tôi cũng sẽ không thể đạt đẳng cấp quốc tế. Có một khoảng cách đáng kể giữa những thành tích nội địa và sự công nhận của quốc tế là bởi rào cản ngôn ngữ. Bởi vậy chúng tôi tăng cường khả năng tiếng Anh của cả giảng viên và sinh viên, nhằm thu hẹp khoảng cách này.

TH cũng kỳ vọng rằng tăng cường kỹ năng tiếng Anh có thể cải thiện hình ảnh quốc tế của nhà trường. Quan sát của tôi cho thấy nhà trường đã tạo ra một môi trường song ngữ: sử dụng cả hai thứ tiếng trong biển chỉ đường, website, tạp chí, danh thiếp giảng viên, tên các tòa nhà. Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Công nghiệp (người số 17) diễn đạt ước muốn của ông đẩy mạnh tiếng Anh như một cách để tuyển dụng thêm giới hàn lâm nước ngoài như sau:

Chúng tôi dự định tuyển dụng nhân sự trên khắp thế giới, bất kể chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Bởi vì khoa chúng tôi muốn trở thành một cộng đồng quốc tế của các nhà khoa học có mối quan tâm chung về kỹ thuật công nghiệp và cùng có một mục tiêu chung là đạt đến địa vị đẳng cấp quốc tế. Để chuẩn bị cho một cộng đồng như thế, chúng tôi đòi hỏi giảng viên của mình phải nâng cao trình độ tiếng Anh và coi mức độ thành thạo tiếng Anh là tiêu chuẩn để tuyển dụng trong tương lai.

Vì những lý do đó, TH nâng cao đòi hỏi về tiếng Anh đối với sinh viên và tuyển dụng giảng viên có căn bản tiếng Anh tốt. Theo Đề cương môn học Tiếng Anh trong các trường ĐH ban hành năm 1985, TH coi tiếng Anh là môn bắt buộc đối với tất cả sinh viên và đạt yêu cầu môn này (CET) là điều kiện tốt nghiệp. Sinh viên đạt yêu cầu kỳ thi Tiếng Anh này được tính 4 tín chỉ và có giấy chứng chỉ. Thêm vào đó, TH còn có 20 loại chương trình Tiếng Anh 2 tín chỉ tự chọn cho những sinh viên đã đạt kỳ thi CET. Để khuyến khích họ lấy những môn này, nhà trường quy định chỉ những ai học những môn ấy mới được ghi thành tích tiếng Anh vào bảng điểm. Đồng thời, TH cho phép các trường trực thuộc, các khoa được tự quyết định điểm chuẩn tuyển sinh để hỗ trợ cho chủ trương nâng cao chuẩn tiếng Anh đầu vào. Ví dụ, để được học ngành MBA quốc tế ở TH, thí sinh cần vượt qua kỳ thi tiếng Anh gồm đọc, dịch, nghe, và vấn đáp. Chỉ có 4% thí sinh hàng đầu là được nhận vào trường.

Về việc bổ nhiệm các chức vụ, đến năm 2001, trong số giảng viên tuyển dụng được ở Trường Quản lý Kinh tế, 15% giảng viên toàn thời gian lấy bằng tiến sĩ và thạc sĩ ở Hoa Kỳ, Canada và các nước Châu Âu, khoảng 20% giảng viên bán thời gian là từ các trường ĐH quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại TQ. Thêm nữa, để cải thiện trình độ tiếng Anh và nâng cao phẩm chất chuyên môn cho giảng viên, từ 1996 đến 2002, đơn vị này đã cử 6 giảng viên đi học nâng cao tại MIT; và để giữ được chỗ làm, rất nhiều giảng viên đã theo học các khóa tiếng Anh để cải thiện trình độ của mình.

Thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo

Việc TH thúc đẩy công nghệ thông tin (CNTT) một lần nữa phản ánh sự hợp tác của nhà trường với nhà nước trong việc nối kết giáo dục TQ với cộng đồng học thuật quốc tế. Chính sách nhà nước về phát triển CNTT, địa vị của TH trong việc xây dựng CNTT ở TQ và mong muốn của TH bắt kịp những tiến bộ của CNTT, tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNTT nhanh chóng của nhà trường. Nhân tố thứ nhất – chính sách của nhà nước về CNTT- có vai trò khởi xướng trong việc đẩy mạnh CNTT ở TH và trong cả hệ thống GDĐH TQ. Giữa những năm 90, nhà nước bắt đầu xây dựng hạ tầng mạng lưới thông tin quốc gia để thích nghi với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế, một hiện tượng được nảy sinh trên cơ sở những tiến bộ vượt bậc của CNTT. Năm 1977, Bộ GD ban hành văn bản hướng dẫn việc tăng cường dạy và học CNTT, bắt buộc sinh viên phải học những kĩ năng vi tính cơ bản. Năm 1998, Bộ chấp thuận thiết lập môn vi tính ở tất cả các trường ĐH.

TH đóng vai trò dẫn đầu việc phát triển CNTT ở TQ. Năm 1984, nhà trường xây dựng mạng máy tính địa phương đầu tiên để áp dụng cho công nghiệp theo Kế hoạch 5 năm lần thứ sáu, và năm 1994 Bộ yêu cầu TH cùng với 9 trường ĐH khác thành lập CERNET, một mạng lưới thông tin nhằm nối kết tất cả các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Qua việc thực hiện dự án này, TH được hưởng lợi trong việc phát triển mạng vi tính cơ bản trong toàn trường và trở thành một trung tâm dịch vụ của CERNET. Năm năm sau, TH nhận được tài trợ của Chương trình 211 để phát động “Dự án Hạ tầng Thông tin và Máy tính”nhằm nâng cấp hạ tầng CNTT cơ bản và phần cứng. Dự án này đã tạo điều kiện cho TH xây dựng mạng lưới thông tin dựa trên vi tính trong toàn trường, nối kết tất cả các đơn vị quản lý, phòng học, thư viện, ký túc xá, để trở thành một mạng lưới thông tin trong không gian ảo. Qua hệ thống máy chủ của nhà trường, TH nối kết với mạng internet toàn cầu, biến nhà trường trở thành trung tâm vi tính lớn nhất trong các trường ĐH ở TQ. TH còn trang bị phòng học với thiết bị truyền thông đa phương tiện để dùng CNTT trong giảng dạy. Đến năm 2002, hạ tầng thông tin của TH được Bộ Công nghệ Truyền thông công nhận là nhà cung cấp hàng đầu về hệ thống thông tin vi tính ở TQ.

Một nhân tố khác trong việc thúc đẩy CNTT ở TH là mong muốn của nhà trường tiếp cận với mạng lưới thông tin toàn cầu và tạo điều kiện cho việc giao tiếp với giới hàn lâm trên phạm vi quốc tế. Trong diễn văn kỷ niệm 90 năm thành lập TH, Hiệu trưởng Wang Dazhong (2001) lưu ý tầm quan trọng của năng lực CNTT đối với nhà trường trong việc tạo ra bước phát triển mới trên mọi lĩnh vực:

“…để phát triển đào tạo từ xa dựa trên truyền thông trực tuyến và đa phương tiện, để nâng cấp khoa học máy tính lên tầm đẳng cấp quốc tế, để tiếp cận các cơ sở dữ liệu quốc tế, để chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục toàn cầu, để cải thiện việc quản lý trường đại học, để đưa ra các khóa học trực tuyến, để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của xã hội”

Trong một bản báo cáo về cải cách môn học CNTT, khoa Khoa học Máy tính và Công nghệ (2001) giải thích rằng TH cần tăng cường đào tạo CNTT vì kỹ năng CNTT đang trở thành một yêu cầu cơ bản trong xã hội thông tin, sự thành thạo CNTT có thể giúp sinh viên tìm kiếm, tiếp cận và quản lý thông tin trong cuộc sống tương lai và phát triển sự nghiệp. Có quan điểm cho rằng TH cần bắt kịp những xu hướng toàn cầu trong đào tạo CNTT, bao gồm: hội nhập kỹ năng vi tính với mọi môn học trong quá trình đào tạo, nhấn mạnh kiến thức và kỹ năng ứng dụng internet, khám phá những phần mềm mới về giải quyết vấn đề; và hướng dẫn những nguyên tắc đạo đức trong việc sử dụng internet.

Để đẩy mạnh việc sử dụng CNTT trong đào tạo, và tăng cường kỹ năng vi tính của sinh viên, TH xây dựng nhiều môn học về CNTT và đưa ra các khóa CNTT cho mọi sinh viên; áp dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và trong đời sống của nhà trường. Từ khi thành lập năm 1984, Khoa Khoa học Máy tính và Công nghệ phát triển rất nhanh, đến 2002 nó có 124 giảng viên trong đó có một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học TQ, 2 thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật TQ, 45 giáo sư, 52 phó giáo sư, 4 viện nghiên cứu và một phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước. Các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm phát triển phần cứng và phần mềm để ứng dụng CNTT vào sản xuất. Ví dụ như hệ thống thông tin cao cấp, kỹ thuật phần mềm, phân phối cơ sở dữ liệu, bảo mật thông tin, trí thông minh nhân tạo, công nghệ ảo và đa phương tiện, v.v.Khoa này có 10 phòng thí nghiệm để dạy học và 8 phòng thí nghiệm liên kết với các doanh nghiệp quốc tế lừng danh như Intel, IBM, và Microsoft. Năm 2001, Khoa có 700 sinh viên, 640 học viên cao học, 27 người là nghiên cứu hậu tiến sĩ. Sự phát triển nhanh chóng này được hỗ trợ bởi chương trình xây dựng kinh tế của quốc gia. Hàng năm, khoa này thực hiện gần 200 đề tài nghiên cứu của Quỹ Khoa học Quốc gia, Chương trình Công nghệ cao Quốc gia 863, các dự án hợp tác quốc tế, và nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng quan trọng khác.

Từ năm 1990, sinh viên bắt buộc phải học vi tính. Tuy họ không nhất thiết phải đạt yêu cầu môn vi tính để được xét tốt nghiệp, TH yêu cầu tất cả sinh viên năm thứ nhất phải học môn Quản lý Thông tin Máy tính. Nhà trường cũng đưa ra 60 môn học về vi tính cho sinh viên bậc cử nhân và cao học, “nhằm giúp họ nắm bắt những kỹ năng cơ bản để sống. giao tiếp, học tập và làm việc trong xã hội thông tin”. Nội dung giảng dạy gồm có kỹ năng dùng internet, tìm kiếm và quản lý thông tin, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu.

CNTT cũng được dùng trong quản lý, giảng dạy, và đời sống đại học. Tôi quan sát thấy mọi cán bộ quản lý đều có máy tính và phòng làm việc có trang bị truyền thông đa phương tiện. Máy tính nối mạng có sẵn ở Trung tâm Máy tính, thư viện, các khu vực công cộng, ký túc xá, giảng viên và nhân viên có thể dùng máy tính cho việc giảng dạy và điều hành. Theo Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường (người số 4), những giảng viên dùng CNTT trong giảng dạy và đạt kết quả cao đều được tuyên dương để làm gương. Một giảng viên được tuyên dương như thế (người số 27) nói rằng TH đã tổ chức đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT trong giảng dạy để giúp giảng viên cập nhật kiến thức và việc sử dụng CNTT trong giảng dạy và thảo luận rất được sinh viên hoan nghênh.

Mạng thông tin máy tính đã tạo ra một lãnh địa trên không gian ảo để sinh viên tận hưởng thời gian rảnh. Mặc dù có tới 580 cái máy tính, trung tâm thường đông nghẹt vào buổi tối và sinh viên phải xếp hàng chờ đến lượt. Họ dành từ 1 đến 4 giờ đồng hồ mỗi ngày ở đó. Sự chia sẻ ý kiến, các loại thông tin trong nước và quốc tế khác nhau mà họ có thể thu thập được, đã thu hút họ. Sinh viên cũng có thể tìm tấy những tập san khoa học quốc tế trực tuyến hữu ích cho việc học. Một sinh viên nói:

“Hệ thống Bảng tin TH là chỗ phổ biến để sinh viên đưa tin và chia sẻ ý kiến. Truy cạp website này là một phần trong đời sống hàng ngày của sinh viên TH. Nếu có ai chưa từng vào website này, người đó hẳn không phải là sinh viên TH”.

Sinh viên này giải thích rằng họ ưa thích các Bảng tin TH bởi vì nó có tự do chia sẻ thông tin và cho phép sinh viên diễn đạt ý kiến trong nhiều chủ đề khác nhau từ chuyện sinh hoạt hàng ngày đến phê phán việc quản lý nhà trường. Sinh viên có thể phản hồi về những sự kiện nhà trường tổ chức ví dụ như bài nói chuyện của Tổng thống G.Bush tại TH, hay kiến nghị về việc cải thiện công tác quản lý điều hành nhà trường.

Bởi vậy, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế của nhà nước, TH đã có thể cải thiện hạ tầng CNTT, nền tảng của việc sử dụng CNTT trong đào tạo. Điều này đã làm tăng cơ hội cho sinh viên tìm kiếm tri thức và thông tin cho những mối quan tâm của chính họ, tuy rằng sự tự do này bị giới hạn bởi bộ lọc chính trị trong mạng lưới thông tin, là chủ đề sẽ được bàn trong một bài khác.

Mở rộng quan hệ quốc tế

Việc mở rộng quan hệ quốc tế phản ánh một điều là quan điểm quốc tế và sự khoan dung với những kiểu văn hóa khác đã được tăng cường ở TH. TH duy trì quan hệ học thuật quốc tế nhằm nâng cao năng lực khoa học của mình và chuyển giao tri thức cần cho việc hiện đại hóa kinh tế trong nước. Có một số thay đổi đã diễn ra trong lĩnh vực này. Trước hết là mở rộng con số những quốc gia mà TH dựa vào về kiến thức, không như trước đây Trường Cao Đẳng Thanh Hoa dựa vào Hoa Kỳ trong giai đoạn khởi xướng hay dựa vào Liên bang Xô viết cũ trước thập kỷ 70. Ví dụ, đến cuối năm 2001, TH đã thiết lập quan hệ cộng sự qua lại với 130 trường ĐH nước ngoài trong 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada, Úc, và Nhật. Giá trị của việc tham gia vào giao lưu học thuật quốc tế thay vì dựa vào chỉ một nước bất cứ là nước nào, được Phó Hiệu trưởng TH (người số 2) diễn đạt như sau:

Chúng tôi từng phụ thuộc Hoa Kỳ về kiến thức, nhưng ngày nay chúng tôi đang hướng về quốc tế hóa. Cái gọi là quốc tế hóa trong GDĐH không có nghĩa là tất cả các trường ĐH trên thế giới đều nên áp dụng cùng một mô hình. Chúng tôi học Hoa Kỳ, nhưng không cho rằng chúng tôi đang Mỹ hóa, vì chúng tôi cũng học từ những nước phương Tây khác như Anh, Đức, hay các nước Đông Á như Nhật Bản. Bởi vì mỗi nước có một điểm mạnh khác nhau trong GDĐH, và chúng tôi muốn hấp thụ điểm mạnh của các nước để tăng cường sức mạnh của chính chúng tôi”

Đồng thời, nhà trường cũng nhấn mạnh việc trao đổi kinh nghiệm với các trường ĐH khác trên phạm vi quốc tế. Hiệu trưởng Wong (2001) cho rằng GDĐH trên khắp thế giới đang cho thấy xu thế quốc tế hóa – trong đó truyền thông xuyên biên giới giữa các trường ĐH trong nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, việc chuyển giao và ứng dụng kiến thức, dòng chảy nguồn nhân lực và thông tin ngày càng tự do hơn, cũng như cả hợp tác lẫn cạnh tranh trong thị trường giáo dục ngày càng tăng. Bởi vậy TH cần cải cách cơ cáu quản lý và đào tạo của mình theo quan điểm quốc tế này. Để thể hiện quan điểm quốc tế ấy, từ cuối những năm 90, Hiệu trưởng Wong rất tích cực tham gia các hội thảo quốc tế về phát triển GDĐH. Ví dụ, năm 2001, ông tham dự Diễn đàn các Hiệu Trưởng và Hội nghị Thường niên các Trường Đại học Châu Á- Thái Bình Dương, chủ đề của nó là “Quốc tế hóa GDĐH”, “Khoa học và Kỹ thuật Toàn cầu”, “Đào tạo trực tuyến trong thế kỷ XXI”.

Một dấu hiệu khác của sự phát triển này là tăng cường trao đổi nhân sự với các trường đại học phương Tây. Không như trước năm 1978, khi chỉ có ấn phẩm khoa học được trao đổi, trong khoảng thời gian từ 1978 đến 1999, TH gửi 1.805 giảng viên ra nước ngoài để cập nhật kiến thức và mời 7.767 nhà khoa học nước ngoài đến TH để giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu và trao đổi thảo luận. TH cố gắng nâng cao uy tín của mình bằng cách mời các nhà khoa học nổi tiếng thế giới, những người đạt giải Nobel, làm tiến sĩ danh dự, giáo sư danh dự của nhà trường. Nhà trường đã trao tặng 56 học vị danh dự như thế trong khoảng thời gian 1978-1993. Con số này tăng đến 99 trong khoảng 1994-1999 (Fang and Zang, 2001, p 768-9, 2001b, p.909). Năm 2001, trao đổi giảng viên quốc tế tăng mạnh. Trong năm đó, TH gửi 2.983 giảng viên và nghiên cứu sinh ra nước ngoài để nâng cao bằng cấp và tham gia các họi thảo quốc tế; đồng thời mời 4.696 chuên gia và học giả quốc tế đến TH. Hơn thế nữa, sau năm 1978, TH bắt đầu tuyển sinh viên nước ngoài. Con số này tăng từ 8 người năm 1978 đến 226 năm 1993 và 646 năm 2001; và các ngành cho sinh viên nước ngoài cũng mở rộng từ tiếng Trung đến khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, kinh tế học, quản lý, luật, và nghệ thuật.

Thay đổi cuối cùng trong số những biến chuyển theo hướng quốc tế hóa là thiết lập những chương trình cấp bằng được công nhận lẫn nhau giữa TH và các trường ĐH nước ngoài. Ngoài việc gửi sinh viên ra nước ngoài, TH mời các trường đến để xây dựng những chương trình đào tạo liên kết nhằm mở rộng quan điểm quốc tế cho sinh viên TH. Một ví dụ nổi bật là chương trình MBA liên kết với MIT, nhằm đào tạo đội ngũ quản lý TQ, giúp họ hiểu biết về thị trường quốc tế, về các thông lệ, luật lệ quốc tế, cũng như kỹ năng quản lý trong các doanh nghiệp nước ngoài. Khi tốt nghiệp, người học nhận được bằng cấp của TH và một giấy chứng nhận chính thức của Trường Quản lý Kinh tế thuộc MIT. Một ví dụ khác là Trường Harvard. Chương trình này giúp các nhà quản lý cao cấp học những công cụ kinh tế vĩ mô của kinh tế thị trường, để họ có thể hiểu những nhân tố chính trị và kinh tế ở cấp quốc gia có thể tác động đến cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp một cách phức tạp như thế nào, và ảnh hưởng của các chính sách nhà nước lên việc kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường. Cũng tương tự, khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng của TH và giấy chứng nhận của trường đối tác.

Tăng cường sự khoan dung đối với văn hóa phương Tây

Bên cạnh việc mở rộng quan hệ quốc tế, TH cũng tăng cường sự khoan dung đối với văn hóa phương Tây. Điều này được biểu lộ qua việc cho phép thảo luận về các giá trị và văn hóa phương Tây, vốn trước kia bị hạn chế trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa xã hội. Ví dụ, trong một bài nói chuyện năm 2001, Tổng thống Bush không chỉ nói về quan hệ kinh doanh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn về các giá trị, như trợ giúp nhân đạo cho những người cần được giúp đỡ trên khắp thế giới, những lý tưởng về phẩm chất và công lý, tự do tôn giáo và chính trị, hệ thống đạo đức và luật pháp, và ý nghĩa của Tượng Nữ thần Tự do. Ông cũng bày tỏ hy vọng về các cuộc bầu cử dân chủ cấp quốc gia ở TQ. Mặc dù những quan điểm của ông bất đồng với những giá trị xã hội chủ nghĩa của Marx và của Đảng Cộng sản TQ, Tổng thống Bush đã được phép tự do thực hiện bài phát biểu, và những câu hỏi mà sinh viên TH nêu ra cũng thể hiện thái độ thân thiện với ông. Ví dụ, khi một sinh viên hỏi Tổng thống Bush liệu ông có cho phép con gái ông theo học tại TH, ông đã nhân cơ hội này cổ vũ giá trị của tự do, nói rằng các con ông có thể chọn bất cứ trường đại học nào mà họ muốn, và câu trả lời này đã được vỗ tay nồng nhiệt.

TH cũng cho phép các nhóm tôn giáo tồn tại trong trường, và như thời kỳ còn là trường Cao đẳng Thanh Hoa, các nhóm nghiên cứu kinh thánh. Bình luận về điều này, một cán bộ khoa Văn học Trung Quốc (người số 15) nói: “Những nhóm này thường do các giảng viên lãnh đạo, những người đi học ở Mỹ về, và họ được phép tồn tại bởi vì họ cổ vũ lý tưởng hòa bình, không đặt ra một thách thức nào cho trật tự xã hội”. Sự khoan dung của TH đối với những khác biệt văn hóa có thể liên quan tới tầm nhìn muốn trở thành đẳng cấp thế giới của TH. Trong tuyên ngôn tầm nhìn của mình, nhà trường chính thức tuyên bố rằng được xếp hạng trong số những trường ĐH đẳng cấp quốc tế có nghĩa là “trở thành một nơi mà khoa học, giáo dục và văn hóa từ mọi địa hạt quốc tế có thể gặp gỡ và trao đổi”. Về tuyên bố tầm nhìn này, Phó Hiệu trưởng TH (người số 2) nói: “Chúng tôi hoan nghênh một môi trường văn hóa phong phú và đa diện, và hy vọng rằng các phong cách văn hóa khác nhau có thể cùng tồn tại hài hòa, vì đó là dấu hiệu cho thấy tính chất quốc tế hóa của nhà trường”.

Sự tăng cường khoan dung với văn hóa phương Tây cũng có thể thấy được trong sự tôn trọng nền tảng văn hóa của sinh viên quốc tế. Mặc dù sinh viên TQ bị bắt buộc phải học các khóa chính tri, sinh viên quốc tế được miễn trừ những môn này và không bị bắt buộc tham gia các hoạt động phong trào. Lý do được Chánh Văn phòng nhà trường kiêm đảng ủy (người số 5), giải thích như sau:

“Giáo dục chính trị là để đáp ứng mục tiêu đào tạo sinh viên thành những người xây dựng và kế thừa sự nghiệp chủ nghĩa xã hội của TQ. Mục tiêu này chỉ dành cho sinh viên TQ. Sinh viên nước ngoài có những niềm tin và văn hóa riêng của họ. Họ được phép dự các khóa học chính trị nếu muốn, nhưng họ không bị bắt buộc chấp nhận những gì mà chúng tôi tin vào”

Nói một cách vắn tắt, với mức độ tự chủ cao hơn mà nhà nước ban cho TH sau những năm 1980, với sự nối kết với thị trường trong nước và quốc tế, TH đã thích nghi với những ảnh hưởng của nước ngoài và đóng một vai trò tích cực trong việc vận dụng những kinh nghiệm quốc tế vào GDĐH, với mục tiêu đạt được vị trí đẳng cấp quốc tế. Sáng kiến của TH không những tác động đến chính sách của nhà nước về GDĐH mà còn dẫn đến sự khoan dung nhiều hơn đối với văn hóa phương Tây trong nhà trường. Đồng thời, việc gắn cơ chế quản lý nhà trường với quan điểm quốc tế đã tạo ra một không gian mới cho quá trình ra quyết định, trong đó nhà trường có tự do để đưa vào hệ thống của mình những cán bộ quản lý không phải là người TQ và được miễn trừ những nghĩa vụ chính trị.

Tăng cường sự khoan dung của nhà nước đối với cơ chế thị trường

Phần trên đã cho ta thấy TH điều chỉnh chương trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu và quan hệ quốc tế của mình với các nước phương Tây như thế nào và vì sao. Đàng sau những điều chỉnh đó là một hiện tượng thú vị: những nỗ lực của TH trong việc kiểm nghiệm các giới hạn của nhà nước trong những lĩnh vực không có một chính sách rõ ràng, và nhà nước ngày càng chấp nhận nhiều hơn cách thức tận dụng cơ chế thị trường của TH. Điều này có thể minh họa bằng sự kiện TH đấu tranh nâng mức học phí và dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy trong thập kỷ 90 trong khi không có sự chấp thuận rõ ràng của nhà nước. Những trường hợp này gợi ý rằng TH đã có thể củng cố quyền lực của nhà trường bằng cách tận dụng những xu hướng mà nhà nước ủng hộ hoặc xem như có thể chấp nhận được, như là dùng cơ chế thị trường và nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế.

Tự xác định mức học phí

GDĐH ở TQ đã là miễn phí cho đến năm 1989, là năm nhà nước bắt đầu chủ trương thu học phí và những thứ phí linh tinh khác. Mức học phí là do Hội đồng Giaó dục Quốc gia (nay là Bộ Giáo dục) cùng với Bộ Tài Chính và Ủy ban Vật giá quyết định. Tuy nhiên, trong thập kỷ 90, TH đã thành công trong việc giành quyền tự xây dựng chính sách riêng của mình về học phí bằng cách theo một chiến lược ba lần nhằm kiểm nghiệm giới hạn khoan dung của nhà nước: dùng nguyên tắc thị trường về cung cầu để biện minh cho mức học phí mới, nộp kiến nghị tăng học phí, và diễn giải phản hồi của nhà nước.

Tự xác định học phí của các chương trình MBA là một trường hợp tiêu biểu. Theo Giám đốc Chương trình (người số 21), TH đã biện minh mức tăng học phí với nhà nước bằng cách đưa ra theo lối sau: Trước hết, kinh phí nhà nước và học phí không thực sự trang trải được chi phí của chương trình MBA. Như ông cho biết: “Không như những trường ĐH khác, chương trình MBA của TH vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, ít nhất là về mặt giáo trình, ngôn ngữ dạy và học, trang thiết bị dạy học, hoạt động quản lý, môn học và những hoạt động ngoại khóa khác nhau”. Bởi vậy, nguồn thu học phí theo quy định nhà nước không thể đáp ứng đủ chi phí mua giáo trình nước ngoài, thúc đẩy giao lưu quốc tế giữa giảng viên và sinh viên, và cải thiện trang thiết bị. Bà tin rằng chi phí nên được chia sẻ với sinh viên, vì họ sẽ nhận được lợi ích trong tương lai nhờ bằng cấp có được. Một biện minh khác cho mức học phí cao hơn những trường ĐH khác của TQ là TH cho rằng chương trình MBA của họ có khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn (theo nghĩa có nhiều người nộp đơn hơn để cạnh tranh vào được một số chỗ bị giới hạn). Theo một cuộc khảo sát quốc gia, chương trình MBA của TH có giảng viên chất lượng cao nhất, cũng như trang thiết bị, cách quản lý và tổ chức, chương trình đào tạo tốt nhất ở TQ. Một lý do cho năng lực tiếp thị của TH là thu nhập của sinh viên TH khi ra trường, như một thí sinh đã xin vào học chương trình MBA của TH bình luận:

Đối với sinh viên tốt nghiệp MBA ở TH, mức lương hàng năm cao nhất là 860.000 nhân dân tệ, mức lương trung bình là 200.000 tệ, gấp từ mười đến bốn mươi lần so với mức lương trung bình của người tốt nghiệp đại học trong các chuyên ngành khác.

Bởi thế một luận điểm được đưa ra là sinh viên có đủ khả năng và mong muốn trả học phí cao để được học. Như một giảng viên khác (người số 21) bình luận, sinh viên coi việc học ở TH là một sự đầu tư xứng đáng. Ý kiến của cô được lặp lại trong phát biểu đầy tự tin của sinh viên:

“Hễ bạn được nhận vào chương trình MBA của TH, bạn chắc chắn có thể thu hồi vốn liếng đã bỏ ra cho việc học. Bởi thế ngay cả nếu tôi không có đủ tiền tôi sẽ vay bằng cách nào đấy để học”

Tuy nhiên, không có chính sách nào cho phép các trường được tự xác định mức thu học phí theo cơ chế thị trường. Để an toàn, TH xin nhà nước chấp thuận mức tăng học phí, đẩy quyết định sau cùng về cho nhà nước. Theo giảng viên (số 21), nhà nước ủng hộ những bước đi của TH nhằm đạt vị trí đẳng cấp quốc tế và cho phép nhà trường thử nghiệm những kinh nghiệm mới. Tuy nhiên, một số thực tiễn mới có thể chạm vào “vùng xám” của chính sách, tức là, khi không có điều khoản nào cho biết những thực tế ấy có được cho phép trong GDĐH TQ hay là không. Trong quá khứ, nhà nước thường có ba khả năng phản ứng trong trường hợp không có một chính sách cố định: biểu thị sự chấp thuận, biểu thị sự phản đối hay im lặng. Trong trường hợp học phí chương trình MBA, TH đã diễn giải thái độ của nhà nước “im lặng là đồng ý”.

Chiến lược tổng thể của TH về việc dùng cơ chế thị trường đã tạo điều kiện cho nhà trường giành được chút ít tự do trong việc xây dựng chính sách nội bộ về học phí, ngay cả khi nhà nước hoàn toàn kiểm soát lĩnh vực này. Sự im lặng của nhà nước có thể được xem như là một thứ khoan dung đối với thực tế của nhà trường, vốn đã vượt ra xa những quy định của nhà nước.

Dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy

Bên cạnh việc tăng học phí, TH củng cố sức mạnh của mình qua việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy. Mặc dù tiếng Trung được quy định là ngôn ngữ giảng dạy trong trường học và mọi cơ sở giáo dục, TH đã dùng tiếng Anh để giảng dạy 54/1.440 môn học. Trong khoa Sinh, 60% số môn dạy bằng tiếng Anh. Ở Trường Kinh tế Quản lý thì tất cả các môn dạy bằng tiếng Anh trừ môn chính trị. Tại sao TH có thể dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy thay vì tuân thủ chính sách nhà nước? Giảng viên số 21 đưa ra hai lý do cho sáng kiến này, lý do thứ nhất là vai trò dẫn đầu của TH trong đào tạo MBA. Cô nói:

“Chương trình MBA là hoàn tòan mới ở TQ. Nó được thành lập trước hết ở TH và một vài trường khác. Ở giai đoạn đầu của việc đào tạo MBA ở TQ, nhà nước chẳng có chính sách nào cả trong lĩnh vực này. Chúng tôi phải thử nghiệm để vận hành nó. Không có văn bản nào cho phép chúng tôi dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy, nhưng chúng tôi có thể thử làm. Nếu chúng tôi không thấy nhà nước phản đối gì, thì coi như đó là điều chúng tôi được phép làm”.

Bởi vậy, cương vị cao của việc đào tạo MBA đã tạo điều kiện cho nhà trường thử những cách tiếp cận mới mà không có sự chỉ đạo của nhà nước. Bà cũng lưu ý sự hỗ trợ của lãnh đạo cao nhất đối với TH. TH đã xây dựng những mối quan hệ gần gũi với những quan chức chính phủ cấp cao. Ví dụ, khi xây dựng khoa Kinh tế và Quản lý, TH đã mời Zhu Rongji, một cựu sinh viên của TH và nguyên là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước, làm Trưởng khoa. Ông giữ chức vụ này đến năm 2002. Người giảng viên số 21 này thừa nhận rằng “Chúng tôi đã có can đảm để xây dựng chính sách của mình trong nhiều lĩnh vực, là nhờ Zhu ủng hộ chúng tôi tạo ra những cách làm mới”. Sự ủng hộ này thể hiện trong bức thư của Zhu gửi trường Kinh tế và Quản lý, được đặt ngay lối vào tòa nhà văn phòng của Khoa, trong đó ông khuyến khích Trường Kinh tế và Quản lý “can đảm vận dụng những kinh nghiệm của các trường kinh tế và quản lý trên khắp thế giới”, để có thể “trở thành một trường dạy kinh tế và quản lý đẳng cấp thế giới”. Bởi vậy, quan hệ gần gũi với lãnh đạo quốc gia và sự ủng hộ của quan chức cao cấp đã khuyến khích nhà trường thử nghiệm sự khoan dung của nhà nước bằng các quyết định nội bộ được coi là“can đảm”.

Chủ yếu là vì sự thành công của TH trong ngành MBA, nhà nước đã áp dụng kinh nghiệm của TH trong việc dùng tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy trong chính sách đáp ứng với những đòi hỏi của kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Năm 2000, Bộ Giáo dục cho phép các trường ĐH được sử dụng giáo trình nước ngoài như một cách nhanh chóng tiếp cận tri thức tiến bộ về kinh tế và phát triển. Năm 2001, Bộ quyết định Tiếng Anh nên là ngôn ngữ giảng dạy của từ 5 đến 10% tổng số môn học, trong đó có công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tài chính, và luật. Cùng với quyết định này, Bộ hỗ trợ Nhà Xuất Bản GDĐH và một vài trường ĐH như TH và Bắc Kinh, mua bản quyền sách giáo khoa ĐH của các nhà xuất bản nước ngoài để đến năm 2001, hai mươi phiên bản tiếng Anh của các giáo trình CNTT đã được đưa vào giảng dạy ở một số trường ĐH như TH và Bắc Kinh. NHìn chung, có thể nói những kinh nghiệm của TH đã ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước bằng cách đưa ra những điển hình thành công có sức thuyết phục với giới chức thẩm quyền.

Kết luận

Ba thay đổi căn bản đã diễn ra ở TH giữa những năm 1977 đến 2002 là: (i) đa dạng hóa chương trình đào tạo, biến nhà trường thành trường tổng hợp đa ngành, (ii) nhấn mạnh nghiên cứu khoa học, biến nhà trường thành trường đại học nghiên cứu; (iii) vận dụng kinh nghiệm của GDĐH quốc tế, biến nhà trường thành một trường đại học quốc tế. TH đạt được những thay đổi này thông qua: sử dụng những lực lượng thị trường; xác định xu hướng của GDĐH ở TQ; đẩy mạnh đào tạo về nghiên cứu; gắn bó với những nghiên cứu tầm quốc gia và quốc tế; hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài; thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà trường; và vận dụng nhiều kinh nghiệm phổ biến trong thực tiễn GDĐH thế giới.

Những thay đổi này của TH tiêu biểu cho những gì không chỉ là đơn giản theo sau những xu hướng toàn cầu trong GDĐH, mà còn phản ánh sự hợp tác của TH với nhà nước trong việc nối kết giáo dục TQ với thế giới, và nhu cầu tự thân của nhà trường về việc tiếp cận cộng đồng học thuật quốc tế. Bên cạnh những bước phát triển này, TH đã thử nghiệm thành công sự khoan dung của nhà nước khi họ thể nghiệm cơ chế thị trường và thích nghi với ảnh hưởng của quốc tế.

Bằng cách tận dụng những xu thế toàn cầu được nhà nước ủng hộ hoặc có thể chấp nhận được, chẳng hạn dùng cơ chế thị trường hay nhấn mạnh tiếng Anh trong một nền kinh tế toàn cầu, TH đã giành được ít nhiều thẩm quyền trong việc tự xác định cách làm trong những lĩnh vực mà nhà nước không có chính sách rõ ràng. Điều này đã cho phép TH có thể “theo luật chơi quốc tế” trong cộng đồng GDĐH quốc tế. Trong quá trình mở rộng quan hệ học thuật quốc tế nhà nước đã tỏ ra ngày càng khoan dung hơn với văn hóa và giá trị của phương Tây, nhờ đó TH đã có thể tăng cường năng lực tự quyết định mà không phải tuân thủ nghiêm ngặt chính sách nhà nước. Tuy nhiên, mức độ tự do tương đối này đã không thể vượt quá được chính sách nhà nước về chức năng chính trị của GDĐH.

Người dịch: Phạm Thị Ly

Nguồn: Su Yan Pan (2009). University Autonomy, the State, and Social Change in China. HongKong Press, p . 127-153.

[1] Bài nghiên cứu này dựa trên phỏng vấn sâu nhiều đối tượng. Những người trả lời phỏng vấn được đánh số thứ tự thay vì nêu tên thật (Chú thích của người dịch).

[2] “Trung thể Tây dụng” (中体西用) tức là học lấy những tri thức hữu dụng của phương Tây nhưng vẫn giữ lấy những giá trị bản thể cốt lõi của Trung Quốc. (Chú thích của người dịch).