Bài 1: BÀN VỀ VIỆC DỊCH THUẬT NGỮ

Phạm Thị Ly (2012)

         Có lẽ ai cũng công nhận dịch thuật tài liệu khoa học là một việc khó, trước hết là do thiếu chuẩn mực về thuật ngữ khoa học. Ngôn ngữ là một hiện tượng phát triển không ngừng, một số từ chết đi do không ai dùng nữa, nhiều từ mới nảy sinh do nhu cầu diễn đạt những khái niệm mới, đặc biệt là trong khoa học. Có nhiều khái niệm rất khó diễn đạt cho chuẩn xác và ngắn gọn sang một ngôn ngữ khác, do vậy trong nhiều trường hợp có những thuật ngữ khoa học người ta để nguyên không dịch.

         Thường thì những người làm khoa học cũng là những người đặt ra các thuật ngữ mới hoặc cách dịch các thuật ngữ đó sang ngôn ngữ khác. Thuật ngữ bao giờ cũng phải kèm theo định nghĩa, vì một hai từ không thể nói lên hết ý nghĩa hay nội dung của khái niệm. Một thuật ngữ được tạo ra hay được dịch theo nhiều cách là điều bình thường vì mỗi người có cách diễn giải khác nhau, nhưng  qua thời gian, thuật ngữ nào được tạo ra theo cách nào đó phù hợp nhất với nội dung của khái niệm mà nó muốn diễn đạt, thì sẽ được cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó chấp nhận. Ngược lại thì nó sẽ bị thay thế bởi những thuật ngữ tốt hơn. Không ai có thể tự cho là mình có thẩm quyền dịch như thế này hay thế khác, nhất là về thuật ngữ.

         Do nhu cầu đọc hiểu tài liệu nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và nhu cầu chia sẻ thông tin với đồng nghiệp, tôi đã từng dịch khoảng vài ngàn trang tài liệu về khoa học giáo dục trong vòng tám năm qua, tuy tôi vốn không phải người dịch chuyên nghiệp và cũng không hề được đào tạo chính quy về tiếng Anh lẫn về dịch thuật. Thầy Cao Xuân Hạo là người đã chỉ dạy cho tôi những bước đi đầu tiên trong công việc dịch thuật. Kể từ bài dịch đầu tiên đến tận ngày nay, tôi luôn ghi nhớ lời Thầy thuở sinh thời đã dạy: “Dịch từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai toàn bộ”.  Ví dụ quen thuộc minh họa lời Thầy là “Sugar you you go, sugar me me go” (đường anh anh đi, đường tôi tôi đi” :))) chẳng hạn. 

Tất nhiên cách nói của Thầy Hạo là cách nói ít nhiều “tu từ”, tức có phóng đại để gây ấn tượng. Chứ có khi dịch đúng từng chữ cũng không thể nói là sai, nhưng hiệu quả không cao lắm. Tôi sẽ bàn kỹ một ví dụ để minh họa cho điều này. Institutional Research dịch đúng từng chữ thì là Nghiên cứu về Thể chế, còn dịch trong bối cảnh sử dụng của thuật ngữ này thì có thể dịch là Nghiên cứu về Nhà trường. Trước khi bàn về việc nên dịch Institutional Research (IR) sang tiếng Việt là gì, ta cần hiểu thuật ngữ này nói về điều gì. Cũng cần mở ngoặc để nói rằng không phải người bản ngữ Anh/Mỹ nào cũng hiểu Institutional Research có nghĩa chính xác là gì, kể cả những người làm trong lĩnh vực giáo dục đại học, cũng giống như không phải người Việt nào cũng hiểu điện phân, giải tích nghĩa là gì. Institutional Research, theo Joe Saupe, người đã sáng lập Association for Institutional Research và được coi như ông tổ ngành này ở Hoa Kỳ, trong bài “The Functions of IR” (Chức năng của Phân tích Nội bộ), có ý nghĩa như sau:

Institutional Research (tạm dịch:Phân tích nội bộ) có thể phân biệt với hoạt động nghiên cứu trong GDĐH về mục đích của nó: nhìn chung hoạt động nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức về GDĐH trong lúc phân tích nội bộ là nhằm thực hiện những kiến thức ấy trong thực tiễn của GDĐH. Đối tượng nghiên cứu của phân tích nội bộ là một trường đại học, cao đẳng, hay một hệ thống nhất định. Tuy phân tích nội bộ có liên quan đến dữ liệu và phân tích dữ liệu, những hoạt động này có thể đóng góp cho việc mở rộng tri thức về cách vận hành của các trường, nhưng kiểu kết quả như thế không phải là mục đích tự thân của việc phân tích nội bộ.(…) Rõ ràng là, thuật ngữ “nghiên cứu” (research) trong cụm từ “institutional research”    như được dùng ở đây, có một ý nghĩa khá rộng.

Hoạt động phân tích nội bộ thường được tiến hành gắn với những chính sách, kế hoạch cụ thể, hay những tình huống cần ra quyết định. Người ta mong đợi hoạt động phân tích nội bộ mang lại những thông tin để trả lời những câu hỏi cụ thể. Nên đưa ra bao nhiêu học phần cho một môn học cụ thể? Phải tăng học phí đến mức nào để tạo ra một khoản thu nhập từ học phí phù hợp với mục tiêu mà nhà trường đã xác định? Có phải sự tiêu hao số lượng sinh viên qua từng năm đang là một vấn đề của trường chúng ta? Lương bổng cho giảng viên của chúng ta có đủ sức cạnh tranh với những trường cùng loại với chúng ta? Kết quả những ngành đào tạo cấp bằng của chúng ta có phù hợp với mục đích đã tuyên bố của ngành học?  Hoạt động phân tích nội bộ được sinh ra để trả lời cho những câu hỏi như thế là một hình thức của nghiên cứu ứng dụng.”[1] 

      Chính vì Phân tích Nội bộ là một thuật ngữ đặc thù và việc nghiên cứu mà hoạt động này thực hiện, một mặt có nét chung như những hoạt động nghiên cứu khác, một mặt có ý nghĩa và mục đích đặc trưng, cho nên chúng tôi đã không dùng chữ “nghiên cứu” để dịch “research” trong cụm từ “Institutional Research”. Nếu dịch “nghiên cứu về nhà trường”, người đọc sẽ hình dung đó là một hoạt động hàn lâm trong tháp ngà như người ta thường nghĩ về việc nghiên cứu, mà không hình dung được cụ thể vai trò của nó trong thực tiễn hoạt động của nhà trường. “Phân tích Nội bộ” để diễn đạt khái niệm “Institutional Research” chứ không phải để dịch “Institutional Analysis” hay “Internal Analysis” cho nên bên cạnh thuật ngữ “Phân tích Nội bộ”, bao giờ chúng tôi cũng mở ngoặc từ gốc, để thuận tiện cho người đọc. Chính Joe Saupe cũng khẳng định chữ “research” trong thuật ngữ “institutional research” có nghĩa rộng hơn chữ “research” theo nghĩa thông thường.

      Vì sao không dịch “phân tích về nhà trường” mà dịch “phân tích nội bộ”? Mặc dù hoạt động IR có thu thập và diễn giải thông tin bên ngoài nhà trường, nhưng mục đích của việc đó vẫn là để hiểu sâu về nhà trường, nhằm giúp lãnh đạo nhà trường có đủ dữ liệu để lên kế hoạch, ra quyết định, và xây dựng chính sách cho nhà trường. Vì vậy, xét về nội dung cũng như mục tiêu, thì hiểu rõ nội bộ nhà trường là hoạt động chủ yếu của những người làm công tác IR.

Chữ Phân tích trong tiếng Việt dĩ nhiên là có nghĩa khác với chữ Research, và Nội bộ thì lại càng không phải là dịch sát của chữ Institution hay Institutional. Nhưng cả cụm từ Phân tích Nội bộ thì gợi lên trong đầu người nói tiếng Việt một nội dung gần sát với những gì mà khái niệm Institutional Research muốn diễn đạt. Đó là lý do khiến tôi tạm dịch “Institutional Research” bằng cụm từ “Phân tích Nội bộ”. Dĩ nhiên tôi không xem đây là cách dịch hay nhất hoặc duy nhất đúng. Đó chỉ là lựa chọn tốt nhất trong phạm vi khả năng nhận thức của người dịch mà thôi.

Có người đã đề nghị dịch “Institutional Research” (IR) là “Nghiên cứu Thể chế”. Tất nhiên Institution quả có nghĩa là “thể chế” và dịch như vậy không thể nói là sai. Chỉ có điều, trong nhận thức thông thường của người Việt, thì cụm từ này không gắn với nhà trường (nhà trường là đối tượng của khái niệm IR; tuy IR có thể vận dụng cho mọi định chế tổ chức, nhưng thuật ngữ này cho đến nay vẫn chủ yếu phổ biến trong lĩnh vực quản lý giáo dục), và cũng không gợi lên nội dung  hay ý nghĩa công việc mà người chuyên gia này sẽ thực hiện. Nghe nói “nghiên cứu thể chế”, người Việt nghĩ ngay đến hệ thống chính trị, không phải là nội dung thực sự mà hoạt động IR đảm nhiệm.

      Có lần người viết bài này đã hỏi một người song ngữ (cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều là tiếng mẹ đẻ), là khi nói tiếng Việt thì trong đầu người ấy nghĩ bằng tiếng gì. Câu trả lời là khi người này nói tiếng Việt thì trong đầu nghĩ bằng tiếng Việt và khi nói tiếng Anh thì trong đầu nghĩ bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy mỗi ngôn ngữ có những cách nhận thức về thế giới và cách diễn đạt đặc thù không phải lúc nào cũng có thể dịch tuyệt đối chính xác sang ngôn ngữ khác. Vì vậy thường ta chỉ có thể dịch một cách tương đối. Người làm nghề dịch nào cũng biết câu “dịch là phản”, cũng là một cách tuyệt đối hóa cái tương đối này.

       Mặc dù đã dịch vài ngàn trang về khoa học giáo dục, vẫn có những từ chúng tôi không sao nghĩ ra được cách dịch. Ghi lại đây để may ra có bậc cao nhân nào giúp ý kiến: chữ “fellow” trong cụm từ “senior research fellow” nên dịch ra tiếng Việt là gì? Chữ “nghiệm thu” trong cụm từ “nghiệm thu đề tài khoa học” nên dịch ra tiếng Anh như thế nào?

       Người dịch tốt nhất là người hoàn toàn am hiểu nội dung cần dịch và tìm cách diễn đạt nội dung đó sang ngôn ngữ khác theo cách mà người đọc bản dịch ấy sẽ hình dung được một thứ gần giống với khi người bản ngữ đọc bản gốc sẽ hình dung ra. Dĩ nhiên điều này là rất tương đối. Vì vậy tốt nhất vẫn là tự đọc bản gốc! Chính vì lý do đó, bao giờ chúng tôi cũng cung cấp bản gốc cùng với bản dịch cho người đọc, chỉ trừ trường hợp không xin được bản quyền, nhưng ngay cả trong trường hợp này, chúng tôi vẫn cung cấp bản gốc theo yêu cầu của cá nhân.


[1] Institutional research can be distinguished from research on postsecondary education which has as its purpose the advancement of knowledge about and practice in postsecondary education generally. The subject of institutional research is the individual college, university, or system. While institutional research can involve data and analyses which contribute to wider knowledge about how colleges and individuals function, this type of result generally is not sought for its own sake. (…) Clearly, the term research, as used here, has a broad meaning.  Activities of institutional research are frequently undertaken in association with specific planning, policy, or decision situations. Information to answer specific questions is desired. How many sections of a specific course should be offered? By what amount should tuition rates be increased to produce a target amount of tuition income? Is attrition a problem at our institution? Are our faculty salaries competitive with those paid by peer institutions? Are the outcomes of our degree programs what the stated purposes of the programs suggest they should be? Institutional research designed to answer such questions is a form of applied research. (Joe Saupe).