Phạm Thị Ly (2013)

Khảo thí, kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng đều là những hoạt động liên quan đến việc đánh giá trong hệ thống giáo dục. Việc đánh giá này được thực hiện bằng cách sử dụng những thước đo khách quan và những tiêu chuẩn nhất quán.

Khảo thí (testing) là kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với người học. Thông qua một quy trình chặt chẽ, việc khảo thí có mục đích đo lường mức độ đạt được của người học về kiến thức, kỹ năng, thái độ hay năng lực. Kiểm định chất lượng (accrediation) là đánh giá tiến trình hoạt động và kết quả của một cơ sở GDĐH hay một chương trình học theo một quy trình và tiêu chuẩn được xác định rõ ràng. Bảo đảm chất lượng  (quality assurance) là xem xét, rà soát, đánh giá một cách có hệ thống về hoạt động của mọi bộ phận trong trường cũng như đề xuất các quy trình nhằm đảm bảo cho mọi tiến trình và kết quả công việc của nhà trường đáp ứng các tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng. Hiểu theo nghĩa rộng, thì bảo đảm chất lượng là một chương trình hành động nhằm đánh giá và giám sát một cách có hệ thống nhiều yếu tố khác nhau của một dự án, một dịch vụ, hay một cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm rằng nó đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhất định.  Theo nghĩa đó thì kiểm định được xem như một biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng.

Khảo thí, kiểm định và bảo đảm chất lượng là những công cụ cực kỳ quan trọng để cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là trong bối cảnh nhà nước chấp nhận một mức độ tự chủ cao hơn cho các trường ĐH. Tuy có mục đích, đối tượng, cách làm khác nhau, nhưng cả ba đều là những hoạt động không thể thiếu cho một nền đại học lành mạnh.

Những nỗ lực ban đầu

Hiện nay , nhiều trường ĐH đã có đơn vị Bảo đảm Chất lượng, có nơi kết hợp với chức năng tổ chức khảo thí (thi hết môn, thi tốt nghiệp ,v.v.) thành Phòng/Ban/Trung tâm Khảo thí và Bảo đảm Chất lượng. Những đơn vị này thường đảm nhiệm chức năng tham mưu cho Ban Giám hiệu về công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục, cũng như quản lý và tổ chức thực hiện các kỳ thi trong phạm vi nhà trường, đồng thời có trách nhiệm xem xét, rà soát, đề xuất các quy trình và hoạt động của mọi bộ phận trong trường nhằm đảm bảo cho mọi tiến trình và kết quả công việc của nhà trường đáp ứng các tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng. Đơn vị này còn có trách nhiệm làm nhịp cầu truyền thông giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kiểm định và toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên của nhà trường: thực hiện các báo cáo tự đánh giá, cung cấp số liệu cho cơ quan quản lý và kiểm định, đồng thời giúp toàn trường hiểu rõ những yêu cầu, tiêu chuẩn của kiểm định, dẫn dắt những cuộc thảo luận và trao đổi trong trường về việc bằng cách nào đạt được những tiêu chuẩn ấy và qua đó xây dựng văn hóa chất lượng cho nhà trường. Đơn vị này cũng thực hiện việc thu thập thông tin phản hồi của sinh viên, của mọi đối tượng liên quan và phân tích những thông tin ấy để cung cấp dữ kiện cho lãnh đạo nhà trường làm cơ sở xây dựng chiến lược, ra quyết định và xây dựng chính sách nhằm cải thiện hoạt động của nhà trường.

Đó là ở cấp độ nhà trường. Còn ở cấp độ hệ thống, cần có những Trung tâm Khảo thí và Trung tâm Kiểm định Chất lượng để thực hiện trách nhiệm đánh giá trong toàn hệ thống. Nếu đơn vị khảo thí ở các trường chỉ tổ chức đánh giá thi hết môn hay thi tốt nghiệp, thì Trung tâm Khảo thí Quốc gia (hoặc cấp vùng) sẽ đảm nhiệm bốn chức năng chính: Một là nghiên cứu và tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT về chính sách khảo thí, đánh giá chất lượng giáo dục; hai là hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác khảo thí ở các trường về những phương pháp, công cụ thực hiện hoạt động khảo thí; ba là xây dựng các ngân hàng đề thi, trong đó mỗi đề thi phải được đưa ra trên cơ sở khoa học và được thử nghiệm; và bốn là tổ chức những kỳ thi chuẩn hóa (tương tự như SAT hay ACT của Mỹ) cho bất cứ ai có nhu cầu. Kỳ thi này có thể tổ chức nhiều lần trong năm tại nhiều địa điểm với một quy trình thống nhất và nghiêm ngặt. Các trường có thể sử dụng kết quả thi này như một trong các căn cứ để xét tuyển sinh. Trung tâm này cũng có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức thi SAT, ACT, GRE, GMAT, TOEFL, IELTS, v.v. cho những người cần những kết quả này để đi học ở nước ngoài.

Trung tâm Kiểm định Chất lượng GDĐH Quốc gia (hoặc cấp vùng) thì sẽ đảm nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình kiểm định trường hoặc kiểm định chương trình, cũng như thực hiện việc kiểm định chất lượng ấy theo chu kỳ. Tổ chức này cũng cần đảm nhiệm việc huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác đảm bảo chất lượng ở các trường. Từ lâu đã có ý kiến đề xuất về việc thành lập các cơ quan kiểm định chất lượng độc lập.  Hiện nay Bộ GD-ĐT đang có kế hoạch tổ chức hai trung tâm như vậy, đặt tại Hà Nội và TP. HCM. Hai đơn vị này có thể coi là “độc lập” hiểu theo nghĩa không phải là đơn vị trực thuộc văn phòng Bộ và làm công tác chuyên môn chứ không phải công tác quản lý nhà nước.

Quan hệ giữa khảo thí, kiểm định và bảo đảm chất lượng với vấn đề tự chủ đại học

Kiểm định chất lượng là một điều kiện cần để thực hiện tự chủ đại học. Hoạt động đúng đắn của tổ chức kiểm định chất lượng giúp cho các trường có được một “ngọn hải đăng”: biết được một cách cụ thể mình cần phải đạt được những gì, và chủ động lựa chọn con đường, phương cách, nhịp độ để đạt được những điều đó. Là một sự đánh giá khách quan từ bên ngoài, dựa trên những tiêu chuẩn khách quan và những phương pháp đo lường đáng tin cậy,  kiểm định giúp cho nhà trường hiểu rõ mình đang ở đâu trên con đường hướng đến mục tiêu, từ đó hiểu được những chỗ còn yếu và có chiến lược thích hợp để cải thiện. Không có kiểm định, việc tự chủ vô giới hạn sẽ có thể đưa các trường rơi vào chỗ tùy tiện và hỗn loạn.

Việc kiểm định không hề hạn chế quyền tự chủ của các trường, mà chỉ đảm bảo những mục tiêu nhất quán trong toàn hệ thống, và xét cho cùng là nhằm bảo vệ lợi ích của người học và của xã hội. Bằng những tiêu chí rõ ràng, công khai, kiểm định đặt hoạt động của nhà trường trong tầm mắt giám sát của toàn xã hội. Đó là một cơ chế quan trọng giúp phát triển trách nhiệm giải trình của các trường và tạo điều kiện cho các trường tự điều chỉnh. Về bản chất, tự chủ và trách nhiệm giải trình là cặp khái niệm sóng đôi làm nền tảng cho việc quản lý trường đại học ở tầm hệ thống. Nếu như hội đồng trường là biện pháp quan trọng để đảm bảo quyền tự chủ, thì kiểm định chất lượng là biện pháp quan trọng để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các trường.

Kiểm định sẽ không thể đạt được kết quả ấy nếu thiếu họat động đảm bảo chất lượng ở các trường. Đơn vị đảm bảo chất lượng của các trường vận hành dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn kiểm định, và là công cụ quan trọng thực thi tự chủ: tuy nhất quán về mục tiêu đào tạo, mỗi trường có đặc thù khác nhau về vùng miền, về lịch sử, về truyền thống, về nguồn lực, về  điểm mạnh điểm yếu, và do vậy cần có những bước đi khác nhau để đạt được mục tiêu. Từng trường sẽ tự quyết định cách làm phù hợp với bối cảnh và điều kiện của mình để đạt được mục tiêu đó.

Đối với xã hội, việc tổ chức khảo thí khách quan sẽ tạo ra một chuẩn thống nhất, một mặt bằng chung về tương quan giữa bằng cấp và trình độ, năng lực đạt được. Đối với nhà trường, việc khảo thí do một tổ chức đáng tin cậy ở ngoài nhà trường thực hiện mang lại cho nhà trường một sự đánh giá cụ thể từ bên ngoài về chất lượng giáo dục mà nhà trường đem đến cho người học. Kết quả khảo thí này là một nguồn thông tin phản hồi quan trọng giúp nhà trường rà soát tiến trình hoạt động của mình. Nó không mâu thuẫn với quyền tự chủ của nhà trường, trái lại, giúp nhà trường có thể nhìn lại mình từ một lăng kính khác để nhận thức rõ ràng hơn và khách quan hơn về kết quả giáo dục của mình.

Hướng về tương lai

Những nỗ lực gần đây của Bộ GD-ĐT và của các trường về việc đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục, cũng như cải cách hoạt động khảo thí, là rất đáng khích lệ. Nhiều năm qua, các trường thường than phiền về mức độ tự chủ thấp và coi đó là nguyên nhân hạn chế mọi sáng tạo, mọi nỗ lực đổi mới của mình. Có một thực tế là các trường đòi hỏi nhiều quyền tự chủ hơn nhưng ít lưu ý đến việc tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình.  Xu hướng hiện nay đang là mở rộng quyền tự chủ của các trường, và để đảm bảo rằng quyền tự chủ ấy tạo ra được những kết quả tích cực, thì xây dựng các tổ chức kiểm định và khảo thí ở cấp quốc gia hoặc cấp vùng và đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng ở các trường sẽ là điều không thể thiếu. Nhà nước đã có chủ trương cho thành lập các tổ chức kiểm định độc lập, nhưng cũng cần đẩy mạnh chủ trương cho thành lập các tổ chức khảo thí độc lập. Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh là những cơ chế và thiết chế ấy phải hoạt động có thực chất, chỉ như vậy nó mới có thể góp phần hình thành nên văn hóa chất lượng ở các trường.