Phạm Thị Ly (2013)

Ghi nhận tại Hội thảo Quốc tế Lần thứ Năm về Đại học Đẳng cấp Quốc tế, tổ chức tại Thượng Hải ngày 3-6/11/2013

Trong một thập kỷ qua, có thể nói việc xếp hạng đại học toàn cầu đã đặt ra một áp lực to lớn lên tất cả các trường và các nước, dù với mức độ ít nhiều khác nhau.  Chính phủ các nước coi các trường đại học đẳng cấp quốc tế (ĐH ĐCQT) là biểu tượng cho sự giàu mạnh và niềm tự hào của quốc gia. Nhiều nước đã đặt ra mục tiêu xây dựng những trường ĐH có thể sánh ngang với những đỉnh cao Harvard, Cambridge, Oxford, nhất là những nước có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, và Ả Rập Saudi. Có thể rút ra những bài học hay trải nghiệm gì từ những đề xướng đó sau một thập kỷ tiến hành? Kinh nghiệm của các nước này cũng như những thách thức mà họ gặp phải, là một chủ đề quan trọng chiếm bốn trong tám phiên họp của Hội nghị Quốc tế Lần Thứ Năm về ĐH ĐCQT tổ chức ngày 3-6/11/2013 tại Thượng Hải. Bài viết này nêu tóm tắt những vấn đề đã được nêu ra trong bốn phiên họp này.

IMG_1271Có 15 bài trình bày về chủ đề này, phản ánh kinh nghiệm của các nước Pháp, Nga, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Rumani, Đức, Ấn Độ, Chi lê, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mặc dù những trải nghiệm này là vô cùng đa dạng do đặc điểm về chính trị, văn hóa, nguồn lực, lịch sử và bối cảnh của từng nước, chúng ta vẫn tìm thấy khá nhiều điểm chung.

Trước hết là cú sốc trong nhận thức về vai trò của hoạt động nghiên cứu trong trường ĐH và vai trò của trường ĐH nghiên cứu trong sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Kết quả xếp hạng quốc tế các trường ĐH năm 2000 đã khiến các nhà lãnh đạo Nga và cộng đồng ĐH choáng váng, vì họ vẫn nghĩ các trường hàng đầu của Nga là không thua kém ai. Nước Nga Xô viết vốn rất tự hào về phổ cập giáo dục và hệ thống GDĐH chuyên ngành (gồm 500 trường ĐH trực thuộc 40 bộ chủ quản khác nhau) của mình để cung cấp lực lượng lao động kỹ năng cao cho nền kinh tế kế hoạch hóa (Isak Froumin, Alexandre Povalko, Nga). Hệ thống GDĐH Nga vốn có tính thứ bậc, mỗi ngành có một hai trường được xem là tinh hoa và được đầu tư nhiều nguồn lực hơn. Tuy thế việc nghiên cứu vẫn được thực hiện chủ yếu là ở các Viện Hàn lâm khoa học. Các nhà nghiên cứu ở những viện này tham gia giảng dạy ở các trường, hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhưng rất hiếm có trường ĐH nào có các trung tâm hay đơn vị chuyên nghiên cứu. Bởi vậy, các trường ĐH Nga có một vị trí yếu hơn hẳn so với các trường ĐH ở phương Tây khi xét về thành quả nghiên cứu là điều dễ hiểu. Tình trạng này cũng xảy ra với Trung Quốc.

Chính vì thế, nhiều nước đã và đang theo đuổi việc tạo ra một hệ thống GDĐH đa dạng trong đó một số trường tinh hoa sẽ được đầu tư mạnh mẽ để tạo ra sự xuất sắc. Theo tác giả Marijk van der Wende (Netherlands), các nước đang theo đuổi chiến lược này ở châu Âu có Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Ireland, Đan Mạch. Họ nhắm tới sự đa dạng về sứ mạng, và theo đó là các cơ chế tài trợ khác nhau và các thước đo khác nhau nhằm kích thích sự ưu tú.

Kết quả là, trọng tâm của các đề xướng nhằm nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng ĐH được dành cho các nỗ lực nâng cao năng lực nghiên cứu (Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc) và quốc tế hóa (Nhật, Ả Rập Saudi). Các nước đã thực hiện điều này bằng những chiến lược như thế nào?

Đầu tư cho các trường hàng đầu nhằm đạt địa vị “ĐH ĐCQT”

          Đi đầu trong những đề xướng về tăng cường nguồn lực để tạo ra sự ưu tú là Trung Quốc với Dự án 985 và 211 đã được nói đến khá nhiều. Riêng dự án 211 từ 1996 đến 2000 đã phân phối cho 106 trường với tổng số tiền 2,2 tỉ đô la Mỹ. Hàn Quốc theo sau với Dự án Brain Korea 21 (giai đoạn 1 từ 1999-2005 là 1,3 ngàn tỉ won, giai đoạn 2 từ 2006-2012 là 1,8 ngàn tỉ won, cả hai cộng lại tương đương với gần ba tỉ đô la Mỹ (Geo-Suk Suh, Sang June Park). Đài Loan dành 85% ngân sách GDĐH cho 12 trường ĐH nghiên cứu của mình, vào khoảng 330 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Các trường giảng dạy và ứng dụng còn lại chia nhau chỉ 15% còn lại của cái bánh ngân sách nhà nước dành cho GDĐH (Akiyoshi Yonezawa và Angela Yung Chi Hou).

Số tiền đầu tư cho việc tạo ra sự ưu tú này đã được sử dụng như thế nào và đạt được kết quả ra sao là một vấn đề lý thú. Kathryn Mohman đã thực hiện một nghiên cứu so sánh cực kỳ thú vị về 21 trường ĐH nghiên cứu bao gồm Trung Quốc (4); Nhật (3), Australia (2); Hong Kong (2); châu Á (3); châu Âu (3); và Hoa Kỳ (3) nhằm trả lời câu hỏi: Những khoản đầu tư của quốc gia về ngân sách nghiên cứu đã tác động đến năng suất/ấn phẩm khoa học của các trường như thế nào; phải chăng ưu tiên cho thứ hạng đã là động lực khiến các trường nhấn mạnh vào công bố khoa học hơn hẳn những hoạt động học thuật và đào tạo khác? Đầu tư nhiều tiền hơn liệu có tạo ra chất lượng kết quả cao hơn? Liệu các trường ĐH mới nổi ở châu Á có đang bắt kịp các trường lâu đời ở châu Âu và Bắc Mỹ xét về thành tựu nghiên cứu và uy tín? Và cuối cùng là: các bảng xếp hạng ĐH tòan cầu đã ảnh hưởng đến các trường ĐH nghiên  cứu như thế nào.

Bảng sau đây cho thấy các trường đã tăng tỉ lệ kinh phí cho nghiên cứu như thế nào[1]

(Nguồn: Kathryn Morhman, 2013)

Ở 18/21 trường, kinh phí dành cho nghiên cứu đã tăng nhanh đáng kể so với kinh phí chung, tuy Hoa Kỳ là một ngoại lệ do sự sụt giảm ngân sách của liên bang. Các trường châu Á có mức tăng nhanh nhất. Một con số cũng rất có ý nghĩa, là nếu kinh phí nghiên cứu tính trên đầu giáo sư và nghiên cứu viên, thì Bắc Mỹ vượt rất xa các trường Châu Á. Dẫn đầu là MIT với 210-250.000 USD (2003-2010, quy đổi PPP), trong lúc ĐH Bắc Kinh khoảng 40.000 – 120.000 (2003-2010). Tuy nhiên, công bố khoa học, tính bình quân trên đầu giáo sư và nghiên cứu viên, thì Hong Kong và Đài Loan dẫn đầu, trong lúc Bắc Mỹ vẫn vượt xa các trường Trung Quốc. Hình sau đây minh họa điều này:

(Nguồn: Kathryn Morhman, 2013)

Điều này cho thấy các trường châu Á đang tiến nhanh, tuy rằng giữa các trường có sự khác biệt rất lớn về năng suất công bố khoa học và chỉ số tác động. Xét về hiệu quả, tính trên đơn vị bài báo, trường này tiêu tốn hơn rất nhiều so với trường khác.

Vai trò của nhà nước

 Chiến lược quốc gia về việc xây dựng các trường ĐH ĐCQT đã là động lực thúc đẩy các trường tái định nghĩa lại hồ sơ năng lực của mình. Để tạo ra các trường mạnh, nhiều nước dùng đến chiến lược sáp nhập, hợp tác và liên kết. Phần Lan, Đan Mạch, Pháp, Australia, Nam Phi và Trung Quốc là những ví dụ thành công. Các trường ĐH ĐCQT ngày nay hầu như không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà có xu hướng vươn ra hợp tác tòan cầu. Để hợp tác, liên kết, và nhất là sáp nhập, các trường phải xác định lại sứ mạng của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng một hệ thống GDĐH đa dạng bao gồm nhiều loại trường với những sứ mạng khác nhau. Có những nước cho rằng một hệ thống như thế là nhằm tập trung nguồn lực để tạo ra ĐHĐCQT. Salmi (2009) cho rằng một hệ thống GDĐH ĐCQT là nền tảng hỗ trợ cho việc tạo ra các trường ĐHĐCQT. Có một điều chắc chắn là một vài trường ưu tú sẽ không thể nào đủ để phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của quốc gia (Marijk van der Wende), bởi vậy vai trò của nhà nước là rất quan trọng trong việc tạo ra các ĐHĐCQT đối với các nước đang có tham vọng ấy.

Mặc dù mục đích, lý do và tầm quan trọng của một hệ thống GDĐH đa dạng được công nhận rộng rãi, các nước châu Âu thường không chọn cách tiếp cận từ trên xuống, tức là không áp đặt sứ mạng của các trường. Họ đưa ra chính sách để các trường tự lựa chọn con đường và sứ mạng của mình dựa trên đặc điểm mạnh yếu của họ. Bản thân việc ủy thác vai trò và cương vị khác nhau cho từng trường là một việc khó khăn, và thách thức đặc biệt đối với nhà nước là làm cách nào để giữ được sự quân bình của hệ thống; tránh tình trạng trường nào cũng chạy đua để trở thành trường ĐHNC tạo ra hiện tượng lạc hướng về sứ mạng. Rất nhiều người lo rằng thành tích của các trường ĐHNC ĐCQT ở một số nước sẽ phải trả bằng cái giá đè lên vai tất cả các trường còn lại. Thách thức đối với những người làm chính sách là giữ được tương quan hợp lý giữa việc đầu tư cho một số đỉnh cao đồng thời duy trì được nguồn lực để phát triển hệ thống theo chiều rộng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của quốc gia.

Hong Kong cho ta một bài học khác về vai trò lãnh đạo của nhà nước. Báo cáo của Gerald A. Postiglione cho thấy chính phủ lãnh đạo các trường thông qua những ưu tiên chính sách do Ủy ban Tài trợ Đại học và  Hội đồng Tài trợ Nghiên cứu đề xuất. Đây là những cơ quan đệm,  làm trung gian giữa các trường và nhà nước, một mặt bảo vệ tự do học thuật và quyền tự chủ của các trường, mặt khác đảm bảo tiền thuế của dân cấp cho các trường phải được sử dụng đúng đắn. Vai trò của các hội đồng này là tư vấn cho cả các trường lẫn nhà nước nhằm thúc đẩy chất lượng và hội nhập. Do vậy Hong Kong không dành ưu tiên ngân sách cho một vài trường theo lối đầu tư trọng điểm, mà các quỹ nghiên cứu được phân phối trên nguyên tắc cạnh tranh. Thông qua việc đánh giá các dự án và cấp kinh phí nghiên cứu, các hội đồng này nhấn mạnh việc xây dựng năng lực đội ngũ và các điểm nhấn tạo ra lợi thế của Hong Kong.

Trải nghiệm của các nước và các trường

Năm 2013, Hàn Quốc phát động một dự án có tên gọi Brain Korea 21 PLUS, nhằm xây dựng các trường ĐH ĐCQT, dự kiến thực hiện từ năm 2013 đến 2019. Chiến lược của Hàn Quốc là chọn lựa một số trường và tập trung vào đào tạo sau ĐH.  Bốn lĩnh vực chính là (1) khoa học cơ bản và kỹ thuật; (2) Khoa học kỹ thuật ứng dụng; (3) Khoa học xã hội và nhân văn; (4) các chuyên ngành dịch vụ như quản trị kinh doanh, y khoa và nha khoa. Để thực hiện chiến lược này, các trường Hàn Quốc tập trung mời các nhà khoa học danh tiếng, những người được giải Nobel đến làm việc với trường nhằm tạo điều kiện cho thế hệ nghiên cứu trẻ tiếp xúc với đỉnh cao của khoa học trong những lĩnh vực khoa học trọng yếu của quốc gia. Trọng tâm của dự án này là thúc đẩy tính chất quốc tế hóa của nhà trường, toàn cầu hóa lực lượng giáo sư nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu của đội ngũ và sức cạnh tranh của nhà trường. Dự án cũng hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh sau ĐH, kể cả nghiên cứu sinh nước ngoài.

Ả Rập Saudi có một cách tiếp cận khác, nhấn mạnh vào vai trò của các nhà tư vấn quốc tế. Hệ thống giáo dục nước này xếp thứ 28/50 trong bảng xếp hạng của nhóm U21. Báo cáo của Osama S. Tayeb và Adnan H.Zahed cho thấy nhà nước khuyến khích mạnh mẽ Trường Đại học Vương quốc Ả Rập (KAU) trở thành trường ĐH ĐCQT bằng cách hào phóng cung cấp mọi nguồn tài chính mà nhà trường cần đến. Trước hết, họ xây dựng cơ sở hạ tầng trang thiết bị ở mức tốt nhất, coi đó là điều kiện tiên quyết. Kế đến, việc thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc tế được xem là một bước đi trọng yếu trên đường hướng đến địa vị ĐH ĐCQT. Hội đồng này bao gồm hiệu trưởng các trường ĐH lừng danh và các danh nhân, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên thế giới. Hội đồng họp hai lần mỗi năm nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng đối với nhà trường. Đến nay đã có năm kỳ họp, với những ý tưởng vô cùng quan trọng, trong đó có kế hoạch chiến lược giúp Ả Rập Saudi xây dựng sự ưu tú, đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới, và tiến trình quốc tế hóa.

Kinh nghiệm của Rumani có thể rất hữu ích cho những nước nhỏ và đang phát triển.  Bắt đầu đặt ra vấn đề cần có một hay hai trường ĐHĐCQT từ năm 2008, Rumani khởi động một Dự án nhằm giúp một số trường cạnh tranh giành địa vị ĐH ĐCQT vào năm 2011. Tuy nhiên, thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ GD, thiếu một bộ khung pháp lý cần thiết, trở thành ĐH ĐCQT dường như là nhiệm vụ bất khả đối với các trường ĐH Rumani. University of Bucharest, để đạt mục tiêu này, năm 2012 đã thành lập một Tổ công tác chuyên trách vấn đề xếp hạng  để tiến hành tự đánh giá nội bộ nhằm xác định những gì cần làm để nhà trường được biết đến trên trường quốc tế. Nhiệm vụ của nhóm này là tìm hiểu những diễn biến và xu hướng thiết yếu trong xếp hạng quốc tế. Một nhóm khác tiến hành đánh giá nhà trường theo các tiêu chí của Hiệp hội các trường ĐH Châu Âu. Hoạt động này giúp cho thành viên của hai nhóm bắt đầu hiểu rõ phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu của các hệ thống xếp hạng khác nhau, và báo cáo kết quả thường xuyên với lãnh đạo nhà trường. Mircea Dumitru (và các đồng tác giả) cho biết hai lĩnh vực trọng tâm của tổ công tác là: (1) các tiêu chí và chỉ báo của các tổ chức xếp hạng quốc tế (ví dụ như thành tích nghiên cứu, uy tín học thuật, mức độ quốc tế hóa, hay khả năng có việc làm của sinh viên.v.v.); (2) vấn đề quản lý trường ĐH (bảo đảm chất lượng, quản lý đào tạo, xây dựng kế hoạch chiến lược.v.v). Họ có trách nhiệm truyền thông với đội ngũ giảng viên của trường. Thảo luận về các tiêu chí xếp hạng và khả năng của nhà trường đạt được các tiêu chí ấy diễn ra ở mọi đơn vị. Nhờ vậy, nhà trường xác định được những thế mạnh cần tập trung trong vấn đề nghiên cứu và công bố quốc tế.
Lập kế hoạch chiến lược dựa trên bằng chứng cho các trường ĐH nghiên cứu

          Mỗi trường có một nhu cầu khác nhau đối với hoạt động nghiên cứu. Tuy thế, bất cứ trường nào cũng đều cần có một sự hiểu biết rõ ràng dựa trên các minh chứng đầy đủ về những hoạt động của trường mình theo hướng phục vụ sứ mạng và mục đích của nhà trường. Có rất nhiều lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo ĐH chỉ có thể đưa ra quyết định sáng suốt khi dựa trên việc phân tích xác đáng những dữ liệu đáng tin cậy: từ việc tuân thủ những yêu cầu của nhà nước, cho đến cạnh tranh toàn cầu giành thầy giỏi, trò giỏi; xem xét lại thường xuyên các chương trình đào tạo; nhất là những quyết định có tầm chiến lược như nên tập trung vào những thế mạnh hiện có hay nên đầu tư vào việc xây dựng những lĩnh vực mới.

Nan Ma và Weiping Yue (Trung Quốc) đề nghị một bộ tiêu chí đo lường và phân tích thành quả nghiên cứu, loại dữ liệu quan trọng bậc nhất đối với các trường ĐHNC khi đưa ra những quyết định chiến lược, như sau:

Phạm trù Thước đo
Năng suất Số bài báo
Tỉ lệ bài báo mỗi chuyên ngành
Tác động Số lượng trích dẫn
Chỉ số H
Hiệu quả Tỉ lệ trích dẫn trung bình
Tỉ lệ phần trăm những bài được trích dẫn
Tác động tương đối/ đối sánh Tác động trích dẫn tương đối
Tỉ lệ trích dẫn thực tế/tỉ lệ kỳ vọng của tập san khoa học
Tỉ lệ trích dẫn thực tế/tỉ lệ kỳ vọng trong từng chuyên ngành
Tỉ lệ các bài nằm trong các bài có tác động mạnh nhất trong chuyên ngành
Chỉ số hoạt động tính gộp
Chuyên ngành Chỉ số chuyên ngành
Chỉ số liên ngành

Những dữ liệu như thế cho phép nhà trường có một đánh giá toàn diện và trả lời được câu hỏi: “Chúng ta đang ở đâu”, từ đó mới có thể xác định được “chúng ta muốn đi đến đâu, và bằng cách nào”, một cách khả thi. Không có những dữ liệu ấy thì kế hoạch chiến lược chỉ là những giấc mơ tốn kém.

Kết luận

Các bài trình bày và thảo luận tại Hội thảo về chủ đề thực tiễn xây dựng ĐHĐCQT ở một số nước, với những thách thức và thành quả đạt được, đã phản ánh nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt một mục tiêu chung. Sau một thập kỷ thực thi những kế hoạch đầy tham vọng ấy, xu hướng chung là các trường đã trở nên “thực tế” hơn, quan tâm nhiều hơn đến những nhân tố vô hình tạo ra sự ưu tú, thay vì chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất. Tài năng hàng đầu vẫn tiếp tục là một điểm nhấn quan trọng, khiến cạnh tranh giành chất xám ngày càng quyết liệt, và đó là điều có lợi cho cả hệ thống, vì nó kích thích sự ưu tú.

Những nỗ lực lớn lao mà các trường và các nước đã bỏ ra trong thập kỷ qua nhằm xây dựng những trường ĐHĐCQT, bất kể kết quả đạt được ở mức độ nào, cũng đều mang lại cho chúng ta những bài học quý giá.   Cuộc tranh đua này khiến người ta ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết giá trị của tri thức cũng như tình trạng tương thuộc và cạnh tranh toàn cầu. So sánh những nguồn lực, nỗ lực, và kết quả của các nước và các trường trong việc xây dựng trường ĐH ĐCQT là một việc rất hữu ích. Vai trò quan yếu của các trường ĐHNC hàng đầu, với tư cách là một trung tâm trí tuệ của quốc gia và kết nối mạnh mẽ với toàn cầu, một lần nữa được khẳng định qua hội thảo. Tuy vậy, giới nghiên cứu cũng nhận ra rằng, thứ hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu không nên được xem là một mục đích tự thân, vì nó sẽ làm lệch hướng mục tiêu thực sự của một trường ĐH nghiên cứu là phục vụ cho những mục tiêu thiết thực cho xã hội và có ý nghĩa ích quốc lợi dân, tức là mang lại những tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế và xã hội và làm thay đổi cuộc sống người dân.

 

[1] China (Peking University PEK; Tsinghua University THU; Sichuan University SCU; Tianjin University TJU; Beijing Normal Univ BNU). Japan (Tokyo University TOK; Kyoto University KYO; Tohoku University THK0. Australia (Australian National Univ ANU; University of Sydney SYD); Hong Kong (Chinese Univ of HK CUHK; Hong Kong University HKU). Other Asia (National Taiwan Univ NTU; National Univ Singapore NUS; Korea University KOR). Europe (University of Oxford OXF; Swiss/Tech Zurich ETH; Pierre & Marie Curie Univ P06). USA (Mass Institute of Tech MIT; Univ California Berkeley UCB; Univ Michigan Ann Arbor UM). Tất cả các số liệu này nằm trong nghiên cứu của Kathryn Morhman.