Tác giả: David E.Bloom, Harvard University
Người dịch: Phạm Thị Ly (2009)

 Tổng quan

Hầu hết mọi người đều xem giáo dục như là nòng cốt của sự phát triển, nhưng mãi cho đến gần đây vẫn có rất ít những người có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách giáo dục trong các nước đang phát triển chịu thừa nhận giá trị của giáo dục đại học. Những tổ chức như Ngân hàng Thế giới (World Bank- WB) vốn có truyền thống không coi giáo dục đại học là ưu tiên hàng đầu như đối với giáo dục tiểu học và trung học. Trong một báo cáo gần đây có tên “Xây dựng một xã hội tri thức: Những thử thách mới đối với giáo dục đại học và cao đẳng”, họ đã phải thừa nhận rằng “Nhiều hỗ trợ của WB cho những dự án giáo dục đại học và cao đẳng chỉ được giải quyết dần từng phần…WB ít khi đưa ra được những hỗ trợ toàn diện và dài hạn cho giáo dục đại học và cao đẳng, trong lúc đó lại là một điều cần thiết nhằm bảo đảm cho cải cách thành công và xây dựng một cơ chế tổ chức hữu hiệu”.

Quá trình toàn cầu hóa đang phơi bày tình trạng này: một mặt giáo dục luôn được coi là một nhân tố thiết yếu, mặt khác phần lớn các loại hình giáo dục ở bậc cao thì lại nhếch nhác – về cơ bản là không đáp ứng được nhu cầu của các nước đang phát triển. Quá trình toàn cầu hóa đã làm cho giáo dục đại học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và sự kém cỏi của bộ phận này đe dọa sự phát triển một cách nghiêm trọng.

Bài viết này cho thấy quá trình toàn cầu hóa đã đặt ra một áp lực mới đối với giáo dục đại học, khiến cho việc cải cách trở thành thiết yếu. Nhưng chỉ những ý tưởng cải cách thôi thì không đủ- ở điểm này có một sự dối trá mâu thuẫn với cả giáo dục đại học lẫn sự phát triển: các nhà làm chính sách đã đề ra khá nhiều khả năng cải cách, nhưng lại làm quá ít để đẩy mạnh việc thực hiện một cách có hiệu quả. Nhận xét này dĩ nhiên là đúng với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên phát triển, nhưng bài này chỉ xin tập trung vào ba điểm chính và đều có liên quan đến giáo dục đại học:

  • Giáo dục đại học là một nhân tố thiết yếu có thể chứng minh được trong việc đẩy mạnh phát triển con người và tăng trưởng kinh tế. Nó không còn là một thứ xa xỉ chỉ dành cho những nước giàu, mà là một điều cực kỳ cần thiết đối với tất cả các nước, mà đặc biệt là các nước nghèo.
  • Áp lực của toàn cầu hóa khiến nhu cầu này trở thành khẩn cấp: cần phải dành những nguồn lực thực tế cho bộ phận giáo dục đại học và cao đẳng, và cần cải cách giáo dục đại học ở cả hai cấp độ: ở từng trường và ở cả hệ thống.
  • Có ý tưởng tốt thì chưa đủ. Tập trung vào việc thực hiện ít nhất cũng quan trọng không kém gì việc đề ra chính sách. Thực tế khắc nghiệt của việc đưa ý tưởng vào thực hiện trên diện rộng cần được cân nhắc trong khi đề ra chính sách.

MỘT: TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Toàn cầu hóa đã tạo ra một sự chú ý đặc biệt đối với hệ thống giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo đại học của từng quốc gia. Toàn cầu hóa liên quan tới quá trình hội nhập ngày càng cao giữa các quốc gia thông qua sự trao đổi hàng hóa, vốn liếng, nguồn nhân lực, và chất xám. Trao đổi thương mại – nơi chủ yếu xuất hiện quá trình toàn cầu hóa- tạo ra những thuận lợi to lớn vì nó cho phép mỗi quốc gia cụ thể hóa những gì tốt nhất của mình. Nói cách khác, nó tạo điều kiện cho sự phân công lao động có tính chất quốc tế một cách tốt nhất. Toàn cầu hóa vừa tạo ra thuận lợi vừa được thực hiện một cách thuận lợi nhờ công nghệ thông tin và truyền thông. Những thuận lợi này đi đôi với sự gia tăng phân công lao động quốc tế có nghĩa là những ý tưởng mới sẽ nhanh chóng mang lại kết quả, và những kỹ thuật mới sẽ được thay thế nhanh chóng hơn bao giờ hết trong lịch sử của chúng ta. Tầm quan trọng của tri thức ngày càng gia tăng rõ rệt đối với sự giàu mạnh của các quốc gia, và việc tiếp cận tri thức cũng như khả năng phổ biến tri thức đã trở thành nguồn lực chính của lợi thế cạnh tranh.

Giáo dục đại học có thể trở thành một công cụ sống còn để giúp các nước đang phát triển tận dụng những lợi ích của toàn cầu hóa. Cho đến nay, hầu hết những sáng chế, phát minh mới đều ra đời ở các nước phát triển. Mặc dù những nước giàu chỉ chiếm 15% dân số thế giới, nhưng họ đã sở hữu 90% bằng phát minh sáng chế. Nếu các nước đang phát triển muốn đuổi kịp họ, giáo dục đại học có thể là công cụ cơ bản để tăng tốc cho quá trình này. Học hỏi cách tiếp cận những ý tưởng mới và kỹ thuật tiên tiến ở đâu đó rồi nghĩ cách đưa vào thực tế, đó là những kỹ năng mà giáo dục đại học là nơi duy nhất thích hợp để xây dựng – điều này có thể khuyến khích các nước đang phát triển thu lượm được nhiều lợi ích từ hiện tượng toàn cầu hóa mà không phải tốn công cho quá trình phát minh vốn rất ư tốn kém. Giáo dục đại học cũng có thể giúp các nước thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia có hiệu quả hơn vào những công việc có tính quốc tế do yêu cầu của ngoại giao, thương mại quốc tế và quản trị toàn cầu. Nói cách khác, giáo dục đại học có thể giúp các nước đang phát triển dùng những biến đổi kinh tế được tạo ra do toàn cầu hóa để thực hiện những giai đoạn nhảy cóc của phát triển.

Toàn cầu hóa, đến lượt nó, có thể giúp các nước thu được lợi ích từ giáo dục đại học. Một trong những vấn đề của thế giới Ảrập là trong những quốc gia như Ai Cập hoặc Jordan, có rất nhiều người trẻ tuổi tốt nghiệp đại học mà không tìm được việc làm. Thị trường lao động khắc nghiệt và sự thất bại trong lộ trình liên kết thương mại quốc tế đã dẫn tới tình trạng bị cô lập và đình trệ về kinh tế ở phần lớn vùng Trung Đông. Có quá nhiều người được đào tạo tốt nhưng không có việc làm, điều này khiến lớp trẻ rất băn khoăn và lo âu. Làm chủ quá trình hội nhập vào kinh tế toàn cầu, mặt khác có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tạo ra việc làm, tạo điều kiện cho các quốc gia tận dụng sản phẩm của hệ thống giáo dục đại học và thu lợi từ kiến thức cũng như kỹ năng của họ. Toàn cầu hóa cũng có thể giúp các trường đại học có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác, cũng như từ việc liên kết với các trường đại học nước ngoài nhằm giải quyết một vấn đề.

Sự kết hợp giữa toàn cầu hóa và giáo dục đại học đã tạo ra một tiềm năng cực kỳ to lớn trong việc nâng cao tiêu chuẩn sống. Ấn độ là một ví dụ tiêu biểu, tận dụng ưu thế của toàn cầu hóa để xây dựng nền công nghiệp kỹ thuật phần mềm, thông qua đào tạo chuyên viên kỹ thuật, thực hiện các dịch vụ văn phòng cho những công ty và dự án mới. Nền kinh tế những vùng này ở Ấn Độ -như Bangalore và Hyderabad, nơi tham gia những hoạt động như vậy- thì hết sức phát đạt, và là điển hình cho hiện tượng một quốc gia có thể tận dụng những cơ hội đầy hứa hẹn do toàn cầu hóa mang lại như thế nào. Hơn 80,000 người làm việc trong các khu công nghệ kỹ thuật cao của Bangalore – rất nhiều người trong số họ được đào tạo từ các trường đại học nghiên cứu hoặc cao đẳng kỹ thuật. IBM, Intel, Microsoft, Oracle, và Sun Microsystem đều xây dựng các trung tâm phát triển phần mềm hoặc liên kết với các xí nghiệp địa phương để phát huy lợi thế của Ấn Độ trong việc cung ứng nguồn nhân lực được đào tạo tốt về công nghệ thông tin.

Nhưng cộng đồng quốc tế, và hầu hết các quốc gia phát triển vẫn chưa nhận thức được đầy đủ những lợi ích của giáo dục đại học. Bằng cách thúc đẩy giáo dục cơ bản và giáo dục trung học, người ta đã đạt được một kết quả to lớn, nhưng trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững ở Johannesburg gần đây, vẫn không có được sự quan tâm nào đối với giáo dục đại học.

Điều đặc biệt gây ấn tượng là giáo dục đại học đã không được nêu ra như một công cụ để đạt được thành tựu, thậm chí không được coi là một trong tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Thế mà mỗi mục tiêu trong danh sách tám mục tiêu đó sẽ dễ dàng đạt được hơn nhiều nếu như từng quốc gia có được một hệ thống giáo dục đại học đủ mạnh và hữu hiệu!

Chẳng hạn như hai mục tiêu đầu tiên được xác định là giảm một nửa số người thu nhập dưới một đô la một ngày và số người sống trong nghèo đói trước năm 2015- phần lớn phải dựa vào sự phát triển của nền kinh tế và thước đo sự giảm nghèo. Không có giáo dục đại học, ai sẽ nghĩ ra những chiến lược giảm nghèo? Ai sẽ thực hiện những nghiên cứu trong nông nghiệp nhằm phát triển những biện pháp kỹ thuật thích hợp? Ai sẽ nghiên cứu những chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế và thương lượng xóa nợ hoặc tiếp cận thị trường của cái thế giới giàu có ở WTO?

Mục tiêu kế tiếp- bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học và trung học trên toàn cầu- cũng phải dựa vào giáo dục đại học để đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục tương ứng với sự gia tăng số lượng trong giáo dục.

Và điều này cũng được áp dụng tương tự đối với 6 mục tiêu còn lại. Việc trao quyền hành cho phụ nữ đòi hỏi những người phụ nữ có đủ năng lực để nắm giữ những vị trí quyền lực. Giảm bớt tỉ lệ tử vong cho trẻ nhỏ đòi hỏi đào tạo tốt hơn đội ngũ nhân viên y tế. Sự mất mát những nguồn lực môi trường cần những sáng kiến được định hướng nhằm nghiên cứu những nguồn năng lượng khác ngoài những nguồn năng lượng đã được biết và sử dụng cạn kiệt. Tất cả những điều này đều có liên hệ rất gần gũi với những thành tựu giáo dục, mà đặc biệt là những kỹ năng phát triển và ứng dụng kiến thức mà giáo dục đại học có thể tạo ra.

Rõ ràng là giáo dục đại học tạo ra những cơ hội hết sức to lớn cho các quốc gia đang phát triển để thu được lợi ích từ tòan cầu hóa, cũng như trực tiếp góp phần phát triển quá trình toàn cầu hóa. Nó có thể đóng góp cho Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, và trao cho các nước năng lực tiếp nhận những thành tựu kỹ thuật mới để đáp ứng nhu cầu trong nước và bắt kịp kinh tế toàn cầu.

Thật không may, nhu cầu giáo dục đại học ở các nước đang phát triển đã không được thỏa mãn rộng rãi. Ở nhiều nước đang phát triển, cách truyền dạy của giáo dục đại học không thích hợp với yêu cầu của toàn cầu hóa một cách thật đáng thương! Hệ thống giáo dục đại học hiện tại chẳng những không thỏa mãn được yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu, mà cũng không đáp ứng được nhu cầu kinh tế và xã hội trong nước. Những vấn đề cần được chú ý là như sau:

  • Khi thế giới ngày nay yêu cầu kỹ năng giải quyết vấn đề và sự linh hoạt, thì các trường đại học hiện nay ở các nước đang phát triển vẫn cứ tập trung vào lối dạy học vẹt, vẫn cứ khen thưởng trí nhớ chứ không phải trí sáng tạo và sự ưa khám phá. Trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh, các trường đại học phải dạy cho sinh viên của họ không chỉ những gì đã được biết, mà còn là cách giữ cho kiến thức được cập nhật thường xuyên. Sự linh hoạt và nắm vững cách thu thập kiến thức mới là một yêu cầu sống còn, đáng buồn thay lại thiếu vắng ở phần lớn thế giới đang phát triển.
  • Cũng quan trọng như vậy là sự thất bại của chương trình đào tạo trong việc hoàn thiện tri thức, kỹ năng và những quan điểm mà sinh viên cần phải biết. Như báo cáo gần đây về Nhiệm vụ của Giáo dục Đại học đã nêu, cơ sở hạ tầng còn thấp và sự dựa dẫm vào những cách làm truyền thống đã khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn rơi vào cảnh “những người thất nghiệp có giáo dục”!
  • Hệ thống giáo dục đại học đang thất bại trong việc tận dụng những cơ hội mà toàn cầu hóa mang lại. Toàn cầu hóa đang cho phép chúng ta thoát ra khỏi sự tù túng của trường mình, đơn vị mình, liên kết với các trường khác, đơn vị khác nhằm giải quyết một vấn đề, nhưng những tổ chức liên kết giữa các đơn vị, những mạng lưới không biên giới như vậy – nơi có thể đưa ra những hứa hẹn to lớn cho việc đẩy mạnh tiến bộ khoa học phù hợp với nhu cầu của các nước đang phát triển, thì còn ít và còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

HAI: NHU CẦU CẢI CÁCH

Nhu cầu cải cách là tiêu điểm trong báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm về Xã hội và Giáo dục Đại học, một tổ chức do UNESCO và World Bank triệu tập năm 1997 và hoàn thành bản báo cáo của họ vào năm 2000. Tổ chức này đã đưa ra đề nghị “Hành động khẩn cấp để mở rộng quy mô số lượng và nâng cao chất lượng của giáo dục đại học ở các nước đang phát triển phải được coi là ưu tiên hàng đầu”. Bản báo cáo nhận định: Giáo dục đại học là thứ cần cho kinh tế tri thức, cũng giống như giáo dục tiểu học là cho kinh tế nông nghiệp, và giáo dục trung học là cho kinh tế công nghiệp”.

Bản báo cáo này đánh dấu một bước ngoặt trong suy nghĩ về giáo dục đại học. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfensohn đã miêu tả nó là “một bản đồ kỳ diệu” cho các nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển. Ông cho rằng “Những người có giáo dục tốt ở các nước đang phát triển sẽ là một lực lượng mạnh mẽ để tạo ra thay đổi, nhưng họ cần có trường học và những cơ hội học tập nghiên cứu trên chính đất nước mình”. Bản báo cáo cũng đã tóm tắt những vấn đề của cải cách giáo dục đại học, nêu ra những trở ngại, và đề xuất cách vượt qua. Sau đây là tổng hợp khái quát năm điểm có liên quan chặt chẽ với nhau được nêu trong bản báo cáo:

Giáo dục đại học và sự quan tâm của công chúng

changes went wellSự dốt nát hiện nay về giáo dục đại học là do các nhà kinh tế học dẫn đầu, những người có một cái nhìn quá đơn giản về cách đánh giá những gì lấy lại được từ việc đầu tư cho giáo dục đại học.Vấn đề chính là ở chỗ họ đã đo lường kết quả của giáo dục chỉ thông qua khác biệt về thu nhập. Với số liệu về tiền lương của người không được đi học, người đã qua tiểu học, người đã tốt nghiệp trung học, người có bằng đại học, người ta có thể đặt câu hỏi người thuộc loại sau thì kiếm được nhiều hơn bao nhiêu tiền so với người thuộc loại trước. Sau đó sự khác biệt này có thể được so sánh với số tiền lãi mà số tiền đầu tư cho học vấn của họ có thể đem lại để tìm ra kết quả. Những con số đó cho thấy đầu tư cho giáo dục đại học mang lại một kết quả thấp hơn so với đầu tư cho giáo dục tiểu học và trung học. Người ta đã dùng kết luận này để biện luận, lý giải cho sự không tương xứng của ngân sách nhà nước và cả những nguồn quỹ phát triển khác đối với giáo dục đại học.

Những con số tính toán các tỉ lệ trên đây là rất sai lầm vì nó không tính đến toàn bộ những lợi ích của những người được đào tạo ở bậc đại học. Chẳng hạn, giáo dục đại học có thể nâng cao sức khỏe và giảm sự sinh sản, vì vậy cần thấy là những lợi ích riêng đối với mỗi cá nhân không chỉ là lợi ích do lao động sản xuất trực tiếp mang lại, như sự phân tích theo tỉ lệ thu nhập trên đây đã nêu ra.

Tuy vậy, nhìn rộng hơn, giáo dục đại học đã đem lại những lợi ích cao hơn và xa dài hơn chứ không chỉ là thu nhập cho những người được đào tạo ở bậc đại học. Trong số đó, nhiều lợi ích đã góp phần hình thành nên những cái tốt chung trong xã hội, như là sự đóng góp của giáo dục đại học cho những hoạt động kinh doanh, cho sự lãnh đạo và quản lý xã hội, cho văn hóa, và đặc biệt là cho nền dân chủ, cũng như tiềm năng của nó trong việc đưa những người có hoàn cảnh khó khăn ra khỏi sự nghèo đói. Tất cả những điều này đều là nền tảng sống còn để xây dựng một nền kinh tế, một xã hội mạnh hơn, và trên mọi phương diện, lợi ích của việc đầu tư cho giáo dục xã hội đều được nhân lên thông qua xã hội.

Hệ thống giáo dục đại học

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần có một quan điểm rộng rãi về giáo dục đại học, chẳng hạn một cái nhìn tổng thể hài hòa về cấu trúc và hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học, chứ không chỉ là từng trường. Một hệ thống giáo dục đại học phải bao gồm mọi hình thức, từ những đại học nghiên cứu cho đến những trường nghề của tư nhân. Cần có một quan điểm hệ thống để định vị từng trường trong tương quan với những trường khác, cũng như xác định mối liên hệ của từng trường với phần còn lại của hệ thống giáo dục, và với xã hội. Một quan điểm như vậy sẽ thích hợp một cách tự nhiên với sự phát triển của một hệ thống phân tầng hợp lý của giáo dục đại học trong cách nhìn của công chúng, với nhiều kiểu loại trường khác nhau, từ các đại học nghiên cứu đến các trường dạy nghề, mỗi trường phục vụ cho một nhiệm vụ khác nhau. Việc liên kết với các trường đại học ngoài nước cũng sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn.

Việc quản lý giáo dục đại học

Theo quan điểm của nhiều người có liên quan đến giáo dục đại học ở các nước đang phát triển, việc quản lý giáo dục đại học – sự tổ chức sắp xếp chính thức hoặc không chính thức để các trường thực hiện chức năng của nó- là vấn nạn chủ yếu ngăn cản tính hiệu quả của các trường đại học. Có nhiều yếu tố cơ bản thể hiện vấn nạn này, như tự do học thuật, tự trị đại học, nhu cầu kiểm tra và chịu trách nhiệm, và sự tuyển chọn dựa trên thành tích và năng lực, là những yếu tố cốt lõi của vấn đề. Công cụ để đưa những nguyên tắc này thành hành động thực tế có thể bao gồm từ cơ chế cụ thể để tuyển người và đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ quản lý, đến Hội đồng Trường, Hội đồng Khoa học Khoa, Sổ tay Hướng dẫn của từng trường, và cả những Ủy ban Thanh tra cũng rất quan trọng.

Khoa học và Kỹ thuật

Đối với bất cứ đại học nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới, khoa học và kỹ thuật cũng là một thử thách. Trước hết, khoa học cơ bản tự nó đã là một sản phẩm chung. Nghiên cứu khoa học cơ bản đòi hỏi một sự đầu tư khổng lồ và dài hạn nhưng chẳng có gì chắc chắn về lợi nhuận cụ thể. Thị trường không thiết tha gì với việc tài trợ cho những công trình nghiên cứu như vậy, nhất là khi lợi ích của nó mang lại cho người nghèo hơn là người giàu. Một thí dụ điển hình là công trình nghiên cứu cách chữa trị bệnh sốt rét đã không được coi là ưu tiên để tài trợ nghiên cứu.

Hai là, cách sáng tạo ra tri thức khoa học đã và đang thay đổi rất nhanh. Ngày càng nhiều các công trình khoa học được thực hiện với sự hợp tác của nhiều tổ chức và nhiều quốc gia, liên quan tới sự tham gia của cả thành phần nhà nước và tư nhân, và thường là được định hướng theo lối tập hợp một đội ngũ chuyên gia nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể có tầm quan trọng chiến lược, chẳng hạn nghiên cứu vắc-xin phòng chống HIV, hơn là những nhà khoa học làm việc một cách đơn độc trong phòng thí nghiệm mà không có sự hợp tác với bên ngoài.

Ba là, tiến bộ khoa học đang dẫn tới những bước phát triển chưa được biết một cách chắc chắn. Sự giận dữ đối với thực phẩm biến đổi gen- một phát minh gắn chặt đỉnh cao khoa học với một cơ hội kinh doanh khổng lồ và với toàn cầu hóa- là một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy khó khăn như thế nào để có thể hiểu được một tiến bộ khoa học cụ thể nào đó sẽ dắt dẫn chúng ta đến đâu.

Ba nhân tố trên đây mang một ý nghĩa là các đại học về thực chất phải linh hoạt hơn nếu họ muốn có các nguồn quỹ tương xứng cho nghiên cứu khoa học, phải biết cách xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tầm cỡ, phải xây dựng chương trình đào tạo thiết thân với xã hội hiện đại, và duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với những nghiên cứu khoa học của mình.

Những vấn nạn này trở thành tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển, nơi mà sự yếu kém về nguồn lực con người, sự thiếu thốn về trang thiết bị, sự thiếu liên lạc với giới nghiên cứu quốc tế, và nhiều nhân tố khác, khiến cho khoa học và kỹ thuật về cơ bản là đang ở mức phát triển rất thấp. Phát triển không còn là một sự lựa chọn, mà là bắt buộc đối với tất cả mọi quốc gia để cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu.

Tầm quan trọng của giáo dục tổng quát

Giáo dục tổng quát nhấn mạnh sự phát triển toàn bộ cá nhân chứ không riêng đào tạo nghề nghiệp. Nó đặc biệt chú ý đến khả năng suy nghĩ, khả năng giao tiếp, khả năng học tập và thích nghi với những quan điểm so sánh lịch sử về nhiều vấn đề khác nhau. Những điều này cũng sẽ là nền tảng cho những nghiên cứu chuyên biệt hơn về sau.

Các nước đang phát triển có thể có lợi từ những vấn đề tổng quan của một nền giáo dục tổng quát chất lượng cao. Một nền giáo dục như vậy không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng mọi quốc gia đều cần có những cá nhân có thể làm việc ở một trình độ trí tuệ cao trong thời đại thay đổi quá nhanh hiện nay, hoặc liên quan tới sự thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế,  quyết định nhập khẩu thuốc chữa trị AIDS, cân nhắc những vấn đề đạo đức về thực phẩm biến đổi gen, hoặc những hoạt động nhằm xây dựng hệ thống pháp lý đủ mạnh để bảo vệ những quyền cơ bản của con người.

Nội dung của chương trình giáo dục tổng quát tất nhiên là sẽ khác nhau tùy từng quốc gia. Chẳng hạn, Nam Phi thì không nên nhắm mắt bắt chước kiểu mẫu của Canada, mà tốt hơn là học hỏi ở nơi khác và đem những bài học này áp dụng tùy vào nhu cầu của xã hội Nam Phi. Chẳng hạn, ở Nam Phi, nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, có lẽ không cần đến các khóa học ngoại ngữ như là ở Hàn Quốc, mà có lẽ cần hơn là những khóa học giúp xây dựng một tổ chức mạnh, vì vậy những người được đào tạo về luật, triết học, kinh tế, và chính trị sẽ quan trọng hơn. Thiết kế một chương trình giáo dục tổng quát tạo ra cơ hội để đặt những câu hỏi hết sức cơ bản về những vấn đề đang đặt ra cho một xã hội cụ thể. Nó cũng tạo ra cơ hội để tập trung hơn vào lịch sử, văn hóa, và những giá trị của mỗi quốc gia. Việc thực hiện điều này cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, và đến một lúc nào đó, sẽ làm thay đổi cách nghĩ của xã hội về giáo dục đại học.

BA: THỰC HIỆN CẢI CÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Những ý tưởng hay tự nó không đủ để thành hiện thực. Lãnh vực phát triển quốc tế đầy rẫy những chính sách nhạy cảm đã biến thành số không trong thực tế. Như đã trình bày ở phần trên, có một mâu thuẫn ở đây: cả trong vũ đài phát triển với tư cách một tổng thể, và trong một lãnh vực cụ thể là giáo dục đại học-người ta tốn quá nhiều thời gian để thảo luận về việc đưa ra một chính sách nào đó thay vì phải bàn cách làm thế nào để thực hiện được những chính sách đó trong thực tế.

Hai vấn đề cải cách chương trình đào tạo và chảy máu chất xám minh họa một số khó khăn của việc thực hiện những chính sách giáo dục đại học mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Cải cách chương trình đào tạo được thừa nhận một cách rộng rãi là hết sức cần thiết để các trường đại học ở những nước đang phát triển có thể tạo ra những người có đủ năng lực tham gia và cạnh tranh trong một xã hội có tính toàn cầu. Nhưng cải cách chương trình thường được coi là một vấn đề thuần túy kỹ thuật, chứ không phải một vấn nạn chính trị. Trong thực tế nó vừa là một vấn đề kỹ thuật, vừa là một vấn nạn chính trị, và sự thất bại trong nhận thức về nhân tố chính trị này thường là nguyên nhân gây ra hỏng việc trong cải cách chương trình đào tạo đại học.

Trong nhiều trường hợp, sự thất bại của cải cách chương trình được đổ lỗi cho lối tiếp cận vấn đề từ trên xuống. Những người có trách nhiệm liên quan sống còn đến việc thiết kế và cải cách chương trình, khi xa rời lợi ích và ảnh hưởng của các bên, sẽ có thể trở thành một tai họa. Tất cả các bên có quan tâm đến cải cách chương trình, bao gồm giảng viên, sinh viên, các nhà quản lý, cán bộ viên chức nhà trường, và các nhà tài trợ, phải được khuyến khích nói lên tiếng nói của họ, đặc biệt cần quan tâm đến đội ngũ giảng dạy hiện tại, vì họ thường là những người cảm thấy bị đe dọa nhiều nhất trước những thay đổi về chương trình đào tạo. Không có một sự tham gia liên đới rộng rãi như vậy, các nhà cải cách sẽ thất bại trong việc khởi động những người có trách nhiệm thực hiện chương trình đào tạo.

Trở ngại về mặt chính trị để cải cách giáo dục đại học cũng được lưu ý đặc biệt là vấn đề chảy máu chất xám. Nguồn nhân lực được đào tạo ở trình độ cao có thể mua được, và mua ngày càng dễ dàng bởi vì mức lưu chuyển lao động ngày càng tăng. Những sinh viên có kỹ năng tốt trong việc tiếp nhận và phát triển kiến thức là mục tiêu lôi cuốn của các doanh nghiệp muốn tăng cường năng lực cạnh tranh của họ, cũng như của các tổ chức phát triển quốc tế và các tổ chức nhà nước cần lấp đầy những vị trí quan trọng đang khuyết. Điều này dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám, khi những người được đào tạo bằng tiền của các nước đang phát triển quyết định ở lại nước ngoài hoặc chuyển ra nước ngoài làm việc, và như vậy sẽ không đóng góp gì nhiều cho đất nước của họ.

Chảy máu chất xám khiến cho việc đầu tư cho giáo dục đại học thêm phần khó khăn. Nếu như con số bé nhỏ những sinh viên xuất sắc nhất của một quốc gia, những người được đào tạo bằng ngân sách nhà nước, di cư sang nước khác ngay khi tốt nghiệp đại học, thì đất nước có lợi gì mà đầu tư cho giáo dục đại học? Những câu hỏi như vậy đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tiến trình cải cách. Trừ khi vấn đề chảy máu chất xám được xem xét ở giai đoạn xây dựng chính sách, nó sẽ có thể đưa tới những quyết định phức tạp về việc đầu tư cho giáo dục đại học và có thể khơi ra những mâu thuẫn chính trị trầm trọng.

Một lần nữa cần nhắc lại là việc cân nhắc khía cạnh chính trị cũng như những nhân tố kỹ thuật của cải cách là một điều hết sức thiết yếu. Về mặt này, những nỗ lực của Pakistan trong cải cách giáo dục đại học có thể coi là một ví dụ đáng để làm một bài học. Như những nước đang phát triển khác, Pakistan có truyền thống coi giáo dục chủ yếu là giáo dục tiểu học và trung học. Cả về số lượng lẫn chất lượng của giáo dục đại học đều không đáp ứng được nhu cầu của quốc gia. Hệ thống quản lý không thích hợp, việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả, ngân sách không đủ đáp ứng, chính sách thiếu linh hoạt trong việc dùng người, việc nghiên cứu không được chú ý đúng mức, hiện tượng chính trị hóa của cán bộ giảng dạy và sinh viên, tất cả những nhân tố đó đã chặn đường phát triển của giáo dục đại học. Vì vậy mà cải cách là một nhu cầu khẩn thiết. Tình hình chính trị phức tạp ở Pakistan cũng làm cho việc cải cách thành ra phức tạp hơn. Chế độ độc tài quân sự cai trị đất nước này một cách có hiệu quả và một nền hành chính khá hỗn độn khiến cho mọi cải cách đều khó lòng đạt được một cách nhanh chóng. Đó không phải là một bối cảnh hứa hẹn cho việc thực hiện một quá trình cải cách lâu dài. Gần đây, một nhóm các nhà cải cách đã họp để thảo luận tình trạng này. Họ bao gồm đại diện giới học thuật, đại diện xã hội dân sự, đại diện giới kinh doanh, và nhóm nghiên cứu Boston. Không chỉ đề cập đến những yếu tố kỹ thuật của việc cải cách, họ còn trình bày những yếu tố chính trị và việc thực hiện cải cách. Họ đã kiến nghị những vấn đề có tính kỹ thuật như thời gian đào tạo bằng cử nhân, quy mô ngân sách và cách tạo ra nguồn cung cho ngân sách, giảm bớt việc trả lương cho cán bộ giảng dạy đại học theo thang bậc nhà nước, mà dựa vào đánh giá của giới học thuật nhằm đảm bảo những người xuất sắc được nhận lương thưởng một cách xứng đáng. Họ cũng đồng thời giải quyết quan hệ với phía bảo thủ và đối lập một cách khôn ngoan, có hệ thống, và trong sự tôn trọng. Nhóm này bao gồm một số trường đại học miễn cưỡng thích nghi với cải cách, các chính trị gia và cán bộ nhà nước đối lập với nhóm Boston, và những người chống đối chế độ cai trị của tổng thống Musarraf nói chung.

Để tạo ra thay đổi trong một hệ thống như vậy, Lực lượng Đặc nhiệm của Giáo dục Đại học Pakistan đã dựa vào chế độ khoán. Kiểu mẫu này nhằm khuyến khích những người tìm ra điểm chiến lược nhằm đột phá vào quá trình cải cách. Bằng cách đó, thay vì cố sức bắt mọi người sắp hàng cùng bắt đầu và thực hiện toàn bộ việc cải cách cùng lúc, các cá nhân và nhóm nhỏ sẽ giành quyền chủ động và bằng những thay đổi có hiệu quả trong một bộ phận nhỏ của hệ thống giáo dục đại học, họ sẽ khởi động những thay đổi lớn hơn trong những lãnh vực khác. Trong kiểu mẫu này, có thể có những sáng kiến cải cách không được nhà nước ủng hộ, thậm chí không được sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng đại học. Bằng cách tạo ra và thúc đẩy những tấm gương thành công, người ta được khuyến khích để trở nên chủ động hơn và tạo ra một sức bật để cuối cùng lôi cuốn được sự chú ý của các nhà chính trị.

Kiểu mẫu của Lực lượng Đặc nhiệm Pakistan đã xuất hiện nhằm gây một ấn tượng cho các nhà lãnh đạo đất nước. Dựa vào các báo cáo và kiến nghị của lực lượng này, Tổng thống Musarraf đã lập tức quyết định tăng một tỷ ru-pi (tương đương 18 triệu USD) tức là tăng thêm một phần ba so với trước đó – ngân sách dành cho các đại học công lập trong năm tài chính hiện tại. Ông cũng phê chuẩn việc thành lập Hội đồng Giáo dục Đại học và tăng gấp đôi các khoản tài trợ của nhà nước cho giáo dục đại học đến năm 2004-2005. Công cuộc cải cách của Pakistan vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu, nhưng là một trường hợp đầy triển vọng, bởi vì nó cho thấy những gì chúng ta có thể làm được ngay cả từ một khởi đầu không mấy hứa hẹn. Cải cách giáo dục đại học không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng quá trình toàn cầu hóa đang thay đổi cả thế giới quá nhanh và chúng ta không có thì giờ mà lãng phí trong việc lao vào cải cách.

Ví dụ của Pakistan không nhất thiết là tốt nhất hay là cách tiếp cận duy nhất của việc cải cách, cũng không hiển nhiên là sẽ được lặp lại ở đâu đó, nhưng rõ ràng là chúng ta cần chú ý đến tiến trình cải cách và suy nghĩ một cách thấu đáo về nhân tố chính trị cũng như những vấn đề kỹ thuật.

Tóm lại, đây là lúc giải quyết mâu thuẫn trong vấn đề giáo dục đại học ở thế giới đang phát triển. Chúng ta cần có trách nhiệm về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng để có thể bắt đầu làm việc theo cùng một hướng. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể đưa đất nước tiến tới chỗ định hình được con đường và quá trình toàn cầu hóa, cũng như tận dụng được mọi thuận lợi của tiềm năng toàn cầu hóa.

Nguồn: From Ideas to Action on Higher Education Reform (http://www.tfhe.net/resources/mastering_globalization.htm

(6-10-2005)