Tác giả: GS.TS. Lee Little Soldier,  Texas Tech University
Người dịch: Phạm Thị Ly (2009)

Tóm tắt

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam và ký kết Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc gia nhập vào nền kinh tế thế giới và dẫn đến những biến đổi trong xã hội Việt Nam. Gia tăng kinh tế thị trường và kỹ thuật phức tạp đòi hỏi các tổ chức giáo dục đưa ra một chương trình đào tạo có đủ sức tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng cao hơn và đa dạng hơn.

Trên thương trường giáo dục, thành viên của Hiệp ước chung về Thương mại Dịch vụ sẽ có thêm cơ hội trong lĩnh vực trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế, có thể mở thêm chi nhánh của các trường đại học quốc tế và tạo thêm nhiều cơ hội hơn cho sinh viên tại quốc gia của mình tham gia chương trình đào tạo từ xa của các nước khác. Tất cả những lý do trên tạo nhiều áp lực cho các trường đại học Việt Nam phải nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Bài này xem xét những vấn đề then chốt quan trọng để giúp Việt Nam đạt được vị thế quốc tế của mình và đề cập đến sự cần thiết của việc hoạch định chiến lược để hướng dẫn các trường trong tiến trình thay đổi. Những thay đổi này phải được các cá nhân, đoàn thể đồng thuận. Một kế hoạch chiến lược thành công phải bắt đầu từ tầm nhìn mà Việt Nam cần xây dựng cho giáo dục trong thiên niên kỷ mới.

Thiết kế chương trình bao gồm việc xây dựng một cách hệ thống kế hoạch hoàn thành những thành quả học tập được xác định cụ thể. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian và cần những nỗ lực mang tính tập thể. Phần quan trọng nhất nhận được nhiều sự quan tâm là nhu cầu đưa ra các mục tiêu cụ thể của từng đơn vị học trình để nó có thể đánh giá được và góp phần nâng cao tính chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng.

Học tập hợp tác là phương thức tổ chức quá trình học tập và giảng dạy giúp sinh viên trong khoá học có thể học tập cùng nhau để tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng, hoàn thành những dự án và hiểu cặn kẽ nội dung khoá học. Lớp học được xem như là một “cộng đồng người học” cùng chia sẻ những điều xảy ra trong quá trình học tập và giảng dạy.

Xây dựng những kỹ năng lãnh đạo, nhóm học tập năng động, đẩy mạnh sự hiểu biết và tình bạn giữa các học sinh và giảng viên từ những dân tộc và nguồn gốc khác nhau là những kỹ năng cần bổ sung. 

Việc đảm bảo chất lượng của chương trình và chương trình học là một phần để đạt được vị thế quốc tế. Cơ sở của quá trình kiểm định đảm bảo sự tương đương của những khoá học, chuyển đổi tín chỉ, cập nhật những phương pháp và tài liệu giảng dạy, nâng cấp công trình nghiên cứu sẽ đảm bảo việc chuyển đổi chương trình giữa các nước với nhau và bảo đảm cho Đại học Việt Nam được quốc tế công nhận.

Tổng quan

Chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi đến Việt Nam là một phần trong chương trình của Hội đồng Trao đổi Học giả Quốc tế hồi cuối năm 1992. Chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh một tuần và Hà Nội một tuần để nghe giới thiệu tổng quan về lịch sử, văn hóa, giáo dục và tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam lúc đó. Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi tới vùng Đông Nam Á và nó mang lại cho tôi một ấn tượng không thể phai mờ. Mặc cho những chuyến bay rất dài và bao nhiêu những thứ thủ tục về đi lại, hộ chiếu, visa, tôi đã sẵn sàng quay lại một mình trong vòng ba tháng sau đó để biết nhiều hơn về một đất nước kỳ diệu có tên là “Việt Nam”.

Từ những chuyến viếng thăm ban đầu ấy, tôi đã trở lại Việt nam hai lần và có khi ba lần mỗi năm, đôi khi như một người du lịch nhưng thường xuyên hơn là với tư cách tình nguyện: trình bày các báo cáo, bài giảng, thăm viếng các trường và tiếp xúc với các nhà chuyên môn về giáo dục để thảo luận về hiện trạng và tương lai của giáo dục Việt Nam từ mẫu giáo đến đại học. Những trải nghiệm của tôi quả là rất bổ ích và tôi đã nhận được nhiều hơn tôi đã cho đi biết bao nhiêu trong những năm qua. Tôi đã chứng kiến những đổi thay lớn lao trong mọi mặt đời sống của Việt Nam. Nhưng không có gì lớn hơn là sự gia tăng số lượng xe máy và xe hơi khiến tôi giờ đây phải băng qua đường một cách hết sức cẩn thận cùng với một lời cầu nguyện, hoặc là với cả hai thứ ấy!

Trên toàn cầu, giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều thử thách và thay đổi củng với thiên niên kỷ mới đang đến. Có những dấu hỏi nghiêm trọng về việc các trường đại học đã đáp ứng nhu cầu của xã hội ở mức độ như thế nào. Các trường đại học đang bị buộc tội là đã làm ngơ trước thực tế của thế giới ngày nay, một thế giới được định nghĩa bằng những vấn đề như toàn cầu hóa, khoa học công nghệ, thương mại thế giới, xóa đói giảm nghèo, quyền con người, và những thứ tương tự như thế.

Lý do căn bản cho sự đổi thay  

Các trường đại học trên thế giới đang phải đấu tranh với những truyền thống lâu dài và vững chắc đang gây trở ngại cho việc đổi mới và xây dựng nguồn lực con người nhằm đáp ứng cho xã hội công nghiệp và chuyên môn hóa cao độ ngày nay. Nền giáo dục và hệ thống đào tạo của các nước đang chuyển sang kinh tế thị trường. theo truyền thống vốn được thiết kế cho một nền kinh tế tập trung. Trong kiểu hệ thống ấy, giáo dục đại học không được xem là một ưu tiên vì dạy nghề theo lối học việc vẫn phổ biến và phần lớn công nhân cho là họ sẽ làm công việc ấy cả đời. Nông nghiệp là cột trụ của nền kinh tế. Những quyết định chủ yếu ở tầm quốc gia về giáo dục và đào tạo vẫn là chức năng của chính quyền trung ương.

Mặt khác, để có thể thành công, nền kinh tế thị trường đòi hỏi hợp tác quốc tế và liên kết trong kinh doanh. Hơn nữa, khi thành phần dịch vụ ngày càng tăng trưởng, chìa khóa để thành công trong thế giới kinh doanh ngày nay chính là trình độ cao trong kỹ năng truyền thông giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, tổ chức và lập kế hoạch, cũng như sự thành thạo trong làm việc nhóm chẳng hạn như khả năng hợp tác để giải quyết vấn đề, khả năng thương lượng và giải quyết mâu thuẫn. Mãi đến nay, những kỹ năng ấy vẫn chưa được nhấn mạnh trong chương trình đào tạo của rất nhiều trường đại học mà phần lớn người ta phải học những thứ ấy trong môi trường làm việc.

Các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần tính tới những đổi thay về khoa học kỹ thậut, về kinh tế xã hội và chính trị gần đây đang diễn ra không chỉ ở Việt nam mà còn ở khắp các nước Đông Nam Á và cả thế giới. Những thay đổi này cần được phản ánh trong những chương trình cải tiến ở cấp đại học nhằm giúp sinh viên đạt được khả năng sử dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả, suy nghĩ một cách sáng tạo, biết cách giải quyết vấn đề và giao tiếp với thầy giáo, với bạn học, với nội dung môn học theo cách có ý nghĩa nhất. Khi những thay đổi như thế xảy ra với giáo dục đại học, sinh viên sẽ được chuẩn bị tốt hơn để thành công trong thế giới làm ăn và sẽ có những đóng góp to lớn cho gia đình và đất nước họ.

 Toàn cầu hóa

“Toàn cầu hóa” là một thuật ngữ để miêu tả những thay đổi phức tạp về kinh tế, xã hội, văn hóa, làm gia tăng sự tương thuộc và tương tác giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Thế giới đang “co lại” về thời gian và không gian. Sự tương thuộc về kinh tế phản ánh trong khối lượng ngày càng tăng hàng hóa và dịch vụ trao đổi xuyên biên giới. Những tiến bộ và đổi mới công nghệ đã khiến dòng chảy con người, hàng hóa, và dịch vụ giữa các nước thành hiện thực. Sức mạnh của thị trường giờ đây đã vượt qua biên giới các quốc gia. Tác động của toàn cầu hóa rất rộng và lan tràn khắp các nước trên phạm vi toàn cầu.

Những cuộc cải cách kinh tế ban đầu dưới tên gọi Đổi Mới năm 1986 đã khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường và những chính sách hướng về bên ngoài trong quan hệ kinh tế với các nước. Việt Nam ngày nay sẵn sàng chào đón thương mại, đầu tư nước ngoài, cũng như chào đón khách du lịch, doanh nhân, học giả và sinh viên ngoại quốc từ khắp nơi trên thế giới. Nếu không có Đổi Mới, Việt Nam đã không thể có được những tiến bộ như thế về kinh tế và sự tương tác với thị trường thế giới cũng sẽ không thể thực hiện được.

Những thay đổi quan trọng cũng đã tác động đến giáo dục như là kết quả của Đổi Mới. Trước hết, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo đã tăng cả theo giá trị tuyệt đối và theo tỷ lệ ngân sách nhà nước nói chung. Thêm vào đó, trong thập kỷ 70, nhiều quy định hạn chế hay đặt ra ngoài vòng pháp luật vai trò của thành phần kinh tế tư nhân trong giáo dục đã được loại bỏ. Cuối cùng thì các trường công đã được phép thu học phí trong một giới hạn nhất định và thu tiền những sản phẩm và dịch vụ bán cho công chúng (Kelly, 2000).

Sự kiện Việt nam gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) và ký kết Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS) sẽ tác động sâu sắc đến mức độ tham gia vào kinh tế thế giới và tạo ra những thay đổi trong cả xã hội Việt Nam. Những thay đổi trong giáo dục sẽ xuất hiện để đáp ứng những nhu cầu và thử thách mà những thay đổi trong kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị tạo ra trong những năm sắp đến. Một nền kinh tế định hướng thị trường và kỹ thuật cao đòi hỏi nhà trường có những chương trình đào tạo có thể tạo ra được một lực lượng lao động có kỹ năng và đa dạng hơn.

Trên đấu trường giáo dục, tư cách thành viên của GATS sẽ đem lại thêm nhiều cơ hội trong lĩnh vực trao đổi sinh viên và giảng viên quốc tế, mở ra những cơ sở đào tạo mới, và tạo ra cơ hội tuyệt vời cho đào tạo từ xa. Tất cả những thứ đó sẽ làm tăng áp lực đối với các trường đại học để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các trường đại học sẽ làm việc theo hướng thực hiện hệ thống đào tạo theo tín chỉ ăn khớp với chương trình đào tạo của các trường đại học khác trên toàn cầu. Sẽ có nhu cầu phải đáp ứng những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế với những tiêu chuẩn tương đương về bằng cấp và chất lượng. Sẽ cần có thời gian, nguồn lực và cơ sở hạ tầng mạnh để nâng cấp các trường đại học nhằm cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường hang hóa và dịch vụ của thế giới.

Giáo dục đại học đem lại những capstone of the educational experiences cho sinh viên, những người đang ở ngưỡng cửa thế giới của kinh tế và kinh doanh. Trường đại học không còn có thể tách mình ra khỏi xã hội mà họ đang là một bộ phận của nó được nữa. Mọi thành phần có liên quan, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, phụ huynh và sinh viên, đều là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chính sách, thủ tục, và chương trình đào tạo của các trường. Tính thích đáng của những trải nghiệm mà giáo dục mang lại cho người học không phải là một mục tiêu cao ngất mà là một đòi hỏi của công chúng với mong đợi nhà trường sẽ thành công trong việc chuẩn bị cho sinh viên tham gia tích cực vào một xã hội đa dạng, có nhịp điệu nhanh và dựa trên công nghệ kỹ thuật cao.

Hiện trạng của giáo dục đại học ở Việt Nam

Hệ thống giáo dục đại học Việt nam đã làm nên những thay đổi tích cực vô cùng to lớn về mặt mở rộng đối tượng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nhiều thành phần. Việc đa dạng hóa các trường về mặt hình thức và sở hữu, tái cấu trúc chương trình, xây dựng các chương trình đào tạo theo tín chỉ, và mở rộng cơ hội học tập là những lĩnh vực có những tiến bộ vượt bậc. Trong năm học 2003-2004, hơn một triệu sinh viên đã bước vào đại học, trong đó 15% là vào các trường ngoài công lập (Nguyen, 2005).

Tuy vậy, mặc cho bản chất tích cực của những thay đổi ấy, nhiều trở ngại vẫn đang cản trở hệ thống giáo dục Việt nam trong việc đáp ứng thực sự nhu cầu của đất nước và của nhân dân trong thế giới công nghệ cao và đang thay đổi quá nhanh.

Việt Nam cần có một lực lượng lao động chất lượng cao. Sự phát triển phù hợp của nguồn vốn con người và sự ăn khớp của các chương trình đào tạo để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa tiếp tục là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách giáo dục. Ngân sách nghiên cứu và phát triển vẫn bị giới hạn và đầu tư cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học không đủ đạt đến mức có thể tạo ra những kết quả hữu dụng. Nhiều chương trình đào tạo tiếp tục lỗi nhịp với thực tế của thị trường ngày nay. Phương pháp giảng dạy dựa vào ghi nhớ sự kiện và không quan tâm gì đến các kỹ năng như tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Rất thường thấy giữa những gì được học ở nhà trường và những thứ sinh viên cần có để thành công trong thế giới thực còn một khoảng cách khá xa. Kiểm định chất lượng và quy trình giải trình trách nhiệm là những lĩnh vực khác cần được quan tâm (Nguyen, 2005) .

Những nhân tố thúc đẩy sự đổi thay của giáo dục

 Có ít nhất ba nhân tố cho thấy nhu cầu rất mạnh phải thay đổi trong cách xem xét và tổ chức công việc “kinh doanh” giáo dục đại học. Một là tính chất đang thay đổi của môi trường làm việc ngày nay. Thực tiễn kinh tế của nền kinh tế thị trường toàn cầu cần được các nhà hoạch định chiến lược giáo dục xem xét ở mọi cấp độ kinh nghiệm giáo dục. Mặc dù chúng ta sống trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh cao độ, nếu chúng ta khảo sát sát sườn hơn về những gì đang diễn ra trong thế giới của các tập đoàn và doanh nghiệp, chúng ta sẽ thấy tính chất hợp tác có ý nghĩa cơ bản hơn là tính chất cạnh tranh. “Tinh thần hợp tác tại nơi làm việc” đã trở thành câu thần chú cho sự cạnh tranh thành công trong thế giới ngày nay. Thoạt nhìn nó có vẻ như mâu thuẫn trừ phi chúng ta nhìn xa hơn nữa.

Sự phát triển của những nhóm làm việc xuyên chức năng, của các giới chuyên môn cao và việc tiếp nhận các nhóm kỹ thuật nhỏ đang trở thành ngày càng phổ biến trong lĩnh vực kinh tế. Sự tương thuộc và làm việc theo nhóm đã được du nhập từ một hệ thống kinh doanh quốc tế ngày càng thêm hỗn loạn và phức tạp. Những thay đổi công nghệ với nhịp điệu rất nhanh vẫn đang tiếp tục. Thị trường mới gắn liền với cạnh tranh dữ dội và đòi hỏi về chất lượng sản phẩm với giá cạnh tranh yêu cầu phải hợp tác nội bộ nhằm đáp ứng sự cạnh tranh với bên ngoài.

Công nghiệp dịch vụ ngày càng phát triển đòi hỏi kỹ năng cao về công nghệ thông tin, về kỹ năng làm việc với người khác, và năng lực phân tích. Với tư cách một thành viên của nền kinh tế toàn cầu, Việt nam, cũng như những quốc gia Đông Nam Á khác, không được miễn trừ đối với ảnh hưởng của những đổi thay đang diễn ra nhằm giúp việc kinh doanh trên toàn cầu có thể diễn ra tốt đẹp. Tuy vậy ở phạm vi rộng, những ảnh hưởng này không mang lại những thay đổi trong chương trình đào tạo một cách tất nhiên.

Một nhân tố khác phải tính đến là bản chất đang thay đổi của tập hợp sinh viên ngày nay. Tập hợp này ngày càng đa dạng về dân tộc và thành phần kinh tế xã hội. Thông qua ảnh hưởng của truyền thông, sinh viên có nhận thức tốt hơn nhiều về thế giới quanh họ và tinh tế hơn nhiều về mặt xã hội. Những đòi hỏi về cơ hội học tập ở bậc đại học ngày càng tăng. Phong trào học cao đẳng cộng đồng và sự phát triển của những mô hình học tập sau trung học ở Việt Nam đã cho thấy nhu cầu của sinh viên học sinh cả nước về việc học tập để trau dồi tri thức và kỹ năng nhằm nâng cao tiêu chuẩn sống và chất lượng của cuộc sống.

Muốn có một nền kinh tế thị trường thành công, phải có một lực lượng lao động có kiến thức và kỹ thuật cao. Chương trình đào tạo đại học theo truyền thống nhấn mạnh vào giáo dục tổng quát và khoa học nhân văn thường được thực hiện dưới hình thức bài giảng sẽ không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên ở bậc đại học hoặc không ăn khớp với mục tiêu kinh tế xã hội của một quốc gia đang tiến nhanh vào nền kinh tế thế giới như Việt nam.

Những sinh viên tốt nghiệp không chỉ làm chủ được kiến thức và kỹ năng chuyên môn cốt lõi mà còn có khả năng truyền thông tốt (thường là biết nhiều hơn một ngôn ngữ), cũng như kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định dựa trên sự tham gia và hoạt động nhóm năng động, sẽ là những người được trang bị tốt để bước vào nền kinh tế thị trường ngày nay. Đó là những kỹ năng khó lòng đạt được trong khuôn mẫu truyền thống của giáo dục đại học vốn dựa trên lối học thuộc lòng và môi trường học tập thụ động.

Điều cuối cùng cần lưu ý là tính chất đang thay đổi của mô hình dạy học. Sự “bùng nổ tri thức” đã được ghi nhận lại rất tốt. Giờ đây có quá nhiều thứ để “biết”. Mục đích của giáo dục đại học phải vượt lên trên sự chuyển giao tri thức giữa thầy và trò, mà quan trọng hơn là sinh viên học cách khám phá và kiến tạo tri thức cho chính họ để việc học tập thành ra có ý nghĩa, giữ lại được và áp dụng được. Lớp học bởi vậy thành ra một “cộng đồng học tập” trong đó người ta học cách áp dụng tri thức trong đời sống thực và học cách giải quyết vấn đề cũng như tìm đến các giải pháp thông qua sự đồng tâm nhất trí của nhóm.

Mô hình dạy học mới này tạo ra một mô hình học tập mở rộng đặt người học vào một vai trò tích cực hơn nhiều mới có thể đáp ứng yêu cầu của môn học và ngành học. Nó chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế đang thay đổi ngày nay và thực tiễn mới trên toàn cầu.

Nhiều người trong chúng ta đã được đào tạo trong mô hình truyền thống. Thay đổi có thể khó khăn và phiền toái. Mô hình dạy học mới này kêu gọi các nhà giáo dục ở mọi cấp cởi mở với những cách lập kế hoạch mới và cách thực hiện việc giảng dạy, tận dụng các nguồn lực, điều khiển lớp học và giao tiếp với sinh viên. Những đổi mới chỉ có thể thành công với sự hỗ trợ của các nhà quản lý giáo dục và một đội ngũ giảng viên hết sức tận tâm.

Kế hoạch chiến lược và quá trình thay đổi

Khái niệm “xây dựng kế hoạch chiến lược” bắt đầu trong thành phần kinh doanh. Mặc dù có nhiều khác biệt thậm chí đối lập trong cách tổ chức xây dựng kế hoạch chiến lược giữa giáo dục và kinh doanh, nó vẫn là một công cụ quan trọng cho những đổi mới trong giáo dục.

Việc xây dựng kế hoạch chiến lược bắt đầu với tuyên ngôn về tầm nhìn. Bản tuyên ngôn này xác định hướng đi tổng quát cho một tổ chức trong một quãng thời gian nhất định. Về một ý nghĩa nào đó, nó giống như nhìn vào tương lai và dự đoán những xu hướng và kết quả. Bởi vì Việt nam dùng mô hình tập trung trong việc quản lý mọi chương trình đào tạo trong cả nước, tuyên ngôn tầm nhìn phải là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lịch trình cải cách mà Việt Nam đang áp dụng để chuyển đổi giáo dục đại học trong cả nước đến năm 2020 đem lại một lộ trình hoàn thiện cho việc đổi mới. Một trong những vấn đề cố hữu của việc thực hiện kế hoạch chiến lược về giáo dục đại học là thế giới đang thay đổi với một tốc độ rất nhanh. Chúng ta chỉ có thể dự đoán ở một mức độ nào đấy về những gì sẽ diễn ra trong năm 2020, nhưng vẫn có một khoảng lớn cho những thứ không chắc chắn. Bởi vậy kế hoạch chiến lược hay lịch trình cải cách phải được xem xét lại thường xuyên để xem nó đang phản ánh thực tiễn hiện tại như thế nào.

Ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch chiến lược cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là những vấn đề như trở thành một thành viên của thương mại thế giới, gia tăng thu nhập xuất khẩu, nâng cao tiêu chuẩn sống, đem lại cơ hội học tập ở bậc đại học nhiều hơn cho học sinh, giảm bớt sự chênh lệch về chất lượng và khả năng tiếp cận đại học giữa các vùng miền, nhất là vùng sâu vùng xa, và nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói chung ở Việt nam nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Những vấn đề ấy chỉ là một trong nhiều thứ mà các nhà hoạch định kế hoạch giáo dục ở Việt Nam phải giải quyết.

Kế hoạch chiến lược gắn với những đổi thay và đổi thay thì không đến một cách dễ dàng. Để có thể thay đổi, phải có cam kết ràng buộc của các bên liên quan ở mọi cấp và điều này sẽ thúc đẩy phát triển mô hình quản trị cùng chia sẻ. Thay đổi có thể là một diễn tiến hoặc một cuộc cách mạng. Nó có thể bắt đầu từ trên đỉnh của một tổ chức hoặc từ dưới lên. Nhưng thay đổi chỉ thành công nếu nó đến từ một nhu cầu được nhận thức. Thay đổi gắn với xung đột. Xung đột phải được giải quyết một cách thực tế và kiên quyết. Tất cả những điều này đòi hỏi nỗ lực và thời gian. Cần xác lập kế hoạch thời gian và những cột mốc để đối sánh nhằm bảo đảm tiến trình diễn ra tốt đẹp. Ngay ở trong một hệ thống tập trung như Việt nam, xây dựng kế hoạch chiến lược và quản lý những thay đổi cũng vẫn khó khăn và tốn kém, trong khi cả thời gian và nguồn lực đều rất hạn chế.