GIÁO DỤC XUYÊN QUỐC GIA Ở TRUNG QUỐC:
NHỮNG THÁCH THỨC, NHỮNG VẤN ĐỀ THEN CHỐT, VÀ CHIẾN LƯỢC ĐỂ THÀNH CÔNG

Tác giả: Robin Matross Helms
Người dịch: Phạm Thị Ly (2009)

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc (TQ) đã trở thành một thị trường ngày càng phổ biến cho các dự án giáo dục xuyên quốc gia. Thông qua trao đổi sinh viên trong những chương trình đôi, xây dựng những trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, các trường đại học và các tổ chức giáo dục quốc tế trên toàn cầu hăm hở tìm cách nắm lấy một phần thị trường TQ đang mở rộng và hứa hẹn nhiều lợi nhuận. Tuy vậy, khi nhiều trường vươn cánh tay của họ vào thị trường TQ, họ mới thấy rằng thành lập và tổ chức hoạt động thành công một trường hay một chương trình đào tạo ở TQ là một việc thường là nói thì dễ nhưng làm thì khó. Những thử thách về mặt tổ chức hậu cần, về văn hóa, về các quy định và thủ tục thì nhiều vô số kể, từ việc nắm bắt cho được những yêu cầu của địa phương, của tỉnh, của trung ương, tới việc xây dựng một quan hệ hợp tác có hiệu quả, tạo dựng mạng lưới hoạt động, hay tìm cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học phù hợp.

Để đạt được một bức tranh rõ ràng hơn về triển vọng của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên quốc gia ở TQ, những lý lẽ tán thành và phản bác việc thâm nhập thị trường TQ và những thử thách liên quan, Tổ chức Giáo dục đại học Không Biên giới đã thực hiện một báo cáo về kinh nghiệm của ba trường đã hoạt động thành công tại TQ: Missouri State University, Stanford Center for Professional Development (Hoa Kỳ), và CIBT School of Business and Technology Corporation (Canada). Lãnh đạo các trường này đã được phỏng vấn về những vấn đề then chốt, những thử thách quan trọng nhất và chiến lược để thành công.

Kiểm định chất lượng và vấn đề điều chỉnh hoạt động

Môi trường luật lệ nhằm điều chỉnh những dự án giáo dục xuyên biên giới bao gồm một mớ phức tạp những quy định của địa phương, của tỉnh, và của trung ương có tương quan với nhau và với những chính sách được diễn giải và áp dụng với mức độ nhất quán rất khác nhau. Các nhà lãnh đạo của ba trường nêu trên đều cho rằng các quy định nhà nước là quan trọng bậc nhất đối với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài. Trước hết tất cả các chương trình đào tạo xuyên quốc gia có cấp bằng đều phải liên kết với một trường đối tác TQ. Hai là lợi nhuận tạo ra không thể là mục tiêu dẫn đắt các dự án này (bản thân các quy định không nói rõ như thế, nhưng rõ ràng đó là một cách diễn dịch áp đảo). Ba là, các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên quốc gia phải phụ thuộc vào những quy định khác nhau của địa phương và của cấp tỉnh, thành phố- thường là được giải quyết tốt nhất nhờ các trường TQ.

Những quy định của TQ cũng nêu rõ rằng các chương trình đào tạo tại TQ phải là những chương trình song hành với các chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định có liên quan ở trường chính quốc. Lãnh đạo các trường nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ tích cực với các tổ chức kiểm định – bằng cách mời họ viếng thăm các cơ sở đặt ở TQ và duy trì sự minh bạch nhằm bảo đảm cho kết quả kiểm định và uy tín đào tạo của nhà trường ở chính quốc được bảo vệ.

Các đối tác

Lãnh đạo ba trường đều đánh giá rằng một trường đối tác thích hợp là một nhân tố rất quan trọng đối với bất cứ dự án nào ở TQ. Những nhân tố chủ yếu là uy tín của đối tác tiềm năng, vị trí địa lý (với nhu cầu đủ lớn về đào tạo đại học và đủ số sinh viên có khả năng trả được học phí). Thêm vào đó, cung cách quản lý của trường đối tác cũng là một điều rất đáng cân nhắc. các đối tác cần linh hoạt, có đầu óc cởi mở, và có mong muốn thực hiện những điều kiện thuận lợi cho các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài này.

Nguyên tắc cơ bản của quan hệ hợp tác với các trường TQ là phía TQ cung cấp cơ sở vật chất gồm lớp học, ký túc xá, căn tin, văn phòng làm việc, cũng như các hoạt động hỗ trợ chẳng hạn như xin các giấy phép cần thiết và giải quyết các vấn đề về thanh tra. Tuy vậy, lãnh đạo các trường đề nghị duy trì quyền kiểm soát tối thượng của họ đối với các vấn đề chuyên môn học thuật trong chương trình đào tạo nhằm bảo đảm uy tín và chất lượng đã được kiểm định của trường chính quốc.

Các nhà lãnh đạo lưu ý rằng mối quan hệ với đối tác thường là phần việc có nhiều thử thách nhất trong các dự án TQ của họ. Cung cách quản lý và thương lượng có lẽ khác nhau khá nhiều, những sắc thái tinh tế trong ngôn ngữ có thể không thể hiện được qua phiên dịch, và những văn bản trao đổi qua lại đòi hỏi sự điều phối to lớn trong những thứ hợp tác về hậu cần. Dành thời gian để xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đối tác, thiết lập những lối mở cho giao tiếp, và gặp gỡ trực tiếp thường xuyên có thể giúp làm giảm nhẹ những trở ngại này.

Giảng viên

Cả ba trường nói trên đều sử dụng giảng viên nước ngoài (Mỹ hoặc Canada) nói chung là người của trường ở chính quốc, và giảng viên TQ. Sự tham gia của các giảng viên nước ngoài là một thuận lợi đặc biệt có ý nghĩa quyết định đối với các chương trình đào tạo xuyên quốc gia và là lý do chính khiến sinh viên TQ theo học những chương trình này. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng lưu ý về những khó khăn thường không vượt qua được trong việc tìm kiếm những giảng viên giỏi có ý muốn và có thể sống lâu dài ở TQ. Những vấn đề như duy trì các hoạt động nghiên cứu và những ràng buộc gia đình đã ngăn cản ngay cả những người có ý muốn sống tại TQ thực hiện ý định ấy.

Mỗi trường trong ba trường nêu trên đều có những giải pháp sáng tạo cho vấn đề này- sắp xếp giảng viên đi dạy tại các cơ sở ngoài nước mà không cần phải yêu cầu họ gia hạn thêm thời gian. Nhìn chung, những kế hoạch này liên quan tới việc kết hợp những cuộc gặp gỡ trực tiếp ít ỏi trong lớp học ở TQ, được bổ sung bằng giảng dạy từ xa qua phương tiện trực tuyến và trao đổi với sinh viên qua email. Trợ giảng người TQ cũng có thể tham gia và có thể thêm quan điểm.

Chương trình và phương pháp giảng dạy

Trong cả ba trường hợp, “tính chất phương Tây”- theo nghĩa chương trình học, ngôn ngữ giảng dạy, và phương pháp sư phạm- là nhân tố quyết định phân biệt những chương trình đào tạo này với chương trình của các trường “đối thủ cạnh tranh” ở địa phương. Những trường đang cân nhắc việc thực hiện những dự án đào tạo tại TQ nên đánh giá một cách thận trọng những điểm mạnh và nét đặc trưng của mình nhằm tạo ra một thị trường thích hợp cho chính họ bằng cách xây dựng những ngành và chương trình đào tạo có ý nghĩa quan yếu đối với địa phương; chẳng hạn chương trình đào tạo của Trung tâm Phát triển Nghiệp vụ Stanford lợi dụng kiến thức và danh tiếng của những giảng viên cụ thể đã có nhiều thành tựu của Stanford trong bộ môn kỹ thuật và chính sách môi trường. Giảng dạy bằng tiếng Anh cũng là một điểm cốt lõi; một trong các nhà lãnh đạo của ba trường nêu trên đã nghiệm ra rằng nhiều sinh viên theo học những chương trình liên kết này là vì cho rằng bỏ tiền ra học tiếng Anh như thế cũng đáng cho dù rốt cục họ không đạt được tấm bằng chuyên môn của những chương trình ấy.

Cả ba trường đều áp dụng phương pháp và kỹ thuật sư phạm của phương Tây trong việc giảng dạy những chương trình đào tạo của họ tại TQ, tuy rằng các nhà lãnh đạo đều lưu ý rằng điều này thường là một thử thách đáng kể đối với cả giảng viên và sinh viên ít nhất là trong buổi đầu. Bởi vì phương pháp sư phạm được áp dụng trong những lớp học TQ chỉ quẩn quanh trong việc thuyết giảng của giảng viên, còn sinh viên thì ghi nhớ và lặp lại, nên việc đòi hỏi sinh viên phải đi từ chỗ ngồi nghe một cách thụ động đến chỗ gắn bó với những thảo luận tích cực trong lớp, tranh luận với bạn học và với giảng viên sẽ khiến họ bị tách rời khỏi cái không gian thoải mái mà mình đã quen thuộc. Cả ba vị lãnh đạo đều cho rằng sinh viên TQ hoàn toàn có thể thích nghi với phương pháp sư phạm của phương Tây nhưng cần có thời gian và sự giúp đỡ; như một trong người đã đề nghị thì tạo ra một môi trường trong đó sinh viên được an toàn khi họ thử thách tri thức của giảng viên và bạn đồng học, là điều hết sức quan trọng.

Viễn cảnh tương lai

Năm 2006, chính phủ TQ đã quyết định kiềm chế chặt chẽ sự tăng trưởng của giáo dục đại học TQ, đưa ra những quy định chặt chẽ hơn và tiếp theo rất có thể là một thái độ ít dành ưu tiên hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài. Dù sao thì cũng có thể thấy rõ vẫn còn khá nhiều cơ hội. Một trong ba nhà lãnh đạo các trường nêu trên đây đã ước lượng rằng nhìn chung thì chỉ khoảng 20 đến 30% yêu cầu về giáo dục đại học ở TQ đang được đáp ứng. So sánh với những thị trường chưa khai thác khác chẳng hạn Ấn Độ, thì TQ có một hạ tầng vững chắc cho sự tăng trưởng ở lĩnh vực này, cùng với sự mở rộng giai cấp trung lưu- đối tượng chủ yếu của các dự án liên kết giáo dục với nước ngoài. Theo ý kiến của vị này, không có khả năng thị trường giáo dục TQ sẽ bão hòa trong thời gian tới.

Rút cuộc, chỉ có thời gian mới có thể cho thấy tác động của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài đối với hệ thống giáo dục đại học TQ; vả chăng, không còn nghi ngờ gì nữa, những chính sách và thái độ của nhà nước sẽ tiếp tục thay đổi. Tuy vậy, trên cơ sở kinh nghiệm của ba trường trên đây và cả những trường khác đang nhúng tay vào thị trường giáo dục TQ, có vẻ đã rõ ràng là một số dự án liên kết đào tạo gần như chắc chắn sẽ thành công và nở rộ trong bối cảnh của TQ, những dự án lợi dụng điểm mạnh của trường chính quốc để xây dựng quan hệ đối tác với những trường đại học có uy tín của TQ, thành thật cam kết đem lại những chương trình đào tạo chất lượng cao và có đủ kiên trì để vượt qua mọi thử thách.

Nguồn: International Higher Education, Number 53, Fall 2008