Tác giả: Howard W. French
Người dịch: Phạm Thị Ly (2008)

Khi Andrew Chi-chih Yao, giáo sư trường Đại học Princeton, người được công nhận là một trong những nhà khoa học máy tính hàng đầu của nước Mỹ, được Trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh mời phụ trách một chương trình đào tạo nâng cao về máy tính, ông đã nhận lời không hề ngần ngại.

Tại sao một nhà khoa học gạo cội của một trường đại học Hoa Kỳ hàng đầu lại rời bỏ một nơi danh tiếng như thế vì một trường đại học chưa được biết đến nhiều bên ngoài Trung Quốc? Một lý do là lòng trung thành với đất nước mà ông đã được sinh ra, dù ông lớn lên ở Đài Loan và tạo dựng sự nghiệp khoa học của mình trên nước Mỹ.

Ông nói “Chủ nghĩa yêu nước quả là có một vai trò ở đây, vì tôi không sao hình dung được việc đi đâu khác, cho dù với những điều kiện làm việc tương đương”.

Trung Quốc muốn đưa những trường đại học hàng đầu của mình vào danh sách những trường đại học tốt nhất trên thế giới trong vòng một thập kỷ, và đang chi hàng tỷ đô la cho việc tranh thủ những tên tuổi lớn như Yao và cho việc xây dựng những phòng thí nghiệm, những trung tâm nghiên cứu tốt nhất. Những nỗ lực này là cái giá mà Trung Quốc sẵn sàng trả cho việc nâng cao hình ảnh của mình như một lực lượng hùng mạnh.

Ở Trung Quốc đã và đang diễn ra việc mở rộng giáo dục đại học rất đáng chú ý, số sinh viên đại học gia tăng mạnh mẽ và số người có bằng tiến sĩ đã tăng gấp năm lần trong vòng mười năm trở lại đây.

“Những trường đại học hàng đầu ngày càng gia tăng ảnh hưởng đối với sức mạnh chung của đất nước”. Wu Bangguo, một trong những người chủ chốt thực hiện bảng xếp hạng các trường đại học của Trung Quốc, đã phát biểu như vậy trong diễn văn kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Phúc Đán mới đây.

Khuôn mẫu Trung Quốc thật đơn giản: tuyển dụng những người Trung Quốc giỏi nhất được đào tạo ở nước ngoài và những người gốc Trung Quốc sinh ra và làm việc ở nước ngoài cho những phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu được trang bị cực tốt, bao vây họ bằng những sinh viên sáng sủa thông minh nhất, và đem đến cho họ vô số thứ chậm trễ khó khăn cần phải khắc phục.

Trung Quốc đang tập trung vào khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự thiên vị của một hệ thống độc tài vốn ngăn cấm những phát biểu tự do. Khoa học xã hội và nhân văn thường liên quan tới những ý tưởng phê phán về chính trị, kinh tế và lịch sử. Nhà nước ít nhấn mạnh đến việc đạt đẳng cấp thế giới trong những môn này. Tuy vậy, nhiều người Trung Quốc cũng nhận định –thường là một cách gián tiếp- rằng việc hạn chế những cuộc tranh luận khoa học có thể cản trở những nỗ lực tạo ra các trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Lin Jianhua, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Hiện nay, tôi cho rằng chẳng có trường đại học nào ở Trung Quốc có một bầu không khí có thể so sánh được với các trường đại học lâu đời ở phương Tây- Harvard hay Oxford- về mặt tự do diễn đạt ý tưởng” (…) “Chúng ta cố gắng đem lại cho sinh viên một môi trường tốt hơn, nhưng để có thể làm được điều đó, cần có thời gian. Không phải là 10 năm, mà là một hay hai thế hệ”.

Tuy nhiên, có thể cảm thấy niềm tự hào mới mẻ của các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo đại học, giáo sư và sinh viên về việc Trung Quốc đang bước vào hàng ngũ tinh hoa của giáo dục thế giới. Những người Trung Quốc trẻ tuổi đến thăm những trường đại học hàng đầu như thể đi hành hương, chụp ảnh trước những mái vòm cổng trường mà họ mơ ước được đặt chân vào với tư cách là một sinh viên của trường ấy.

Rao Zihe, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lý Sinh của Đại học Thanh Hoa, một trường rất có uy tín về khoa học và được coi là một trường đại học tốt nhất của Trung Quốc, cho rằng “Có lẽ trong 20 năm nữa, Trường Đại học MIT sẽ phải học tập kinh nghiệm của Đại học Thanh Hoa”. “Không thể tiên đoán sẽ mất bao lâu để đến ngày ấy, nhưng về một vài mặt nào đó, chúng ta còn tốt hơn cả Trường Đại học Harvard hiện nay”.

Chỉ trong vòng một thế hệ, kể từ năm 1978, Trung Quốc đã đưa tỉ lệ những người trong độ tuổi vào đại học từ 1,4% lên đến 20%. Chỉ riêng trong lãnh vực kỹ thuật, Trung Quốc tạo ra 442,000 cử nhân hàng năm, cùng với 48,000 người hoàn tất bằng thạc sĩ và 8,000 người đạt học vị tiến sĩ.

Nhưng chỉ có Trường Đại học Bắc Kinh và một vài trường hàng đầu của Trung Quốc là được thế giới công nhận là có chất lượng cao. Từ năm 1998, khi Giang Trạch Dân, sau đó là lãnh đạo của Trung Quốc, chính thức tuyên bố quyết tâm chuyển biến các trường đại học Trung Quốc, ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 10,4 tỷ đô la Mỹ trog năm 2003, thời điểm sau cùng mà chúng ta có số liệu chính thức về việc này.

Xu Tian, nhà nghiên cứu di truyền học hàng đầu được đào tạo tại Đại học Yale và hiện nay vẫn đang dạy tại đó, phụ trách một phòng thí nghiệm ở Đại học Phúc Đán nơi tiến hành những nghiên cứu về biến đổi gen. Ngày 12 tháng 8, nghiên cứu có tính đột phá của ông đã được nêu trên trang bìa của tờ tạp chí nghiên cứu uy tín lừng lẫy- Tạp chí Nghiên cứu Các Tế bào- lần đầu tiên một khoa học gia Trung Quốc có vinh dự ấy!

Trường Đại học Bắc Kinh đã lôi kéo được tài năng của Tian Gang- một nhà toán học hàng đầu của MIT, trong việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu quốc tế về toán cao cấp trong số các trung tâm nghiên cứu trình độ cao khác.

Các nhà quản lý của Đại học Bắc Kinh ước lượng khoảng 40% cán bộ giảng dạy của họ được đào tạo ở nước ngoài, phần lớn là ở Mỹ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Yale, Richard Levin, trong một cuộc phỏng vấn ở Thượng Hải khi ông đến thăm tháng 9 năm trước nhân Lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Phúc Đán, cũng đã tán dương tài năng của sinh viên Trung Quốc: “Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới, có thể yên tâm mà nói rằng hơn 20% những sinh viên tốt nhất thế giới là ngườiTrung Quốc. Họ có một tài năng chưa được gọt giũa”.

Levin cũng lưu ý giá nhân công lao động thấp của Trung Quốc đã làm đơn giản hóa những nỗ lực nâng cao chất lượng lao động. Ông đã sửng sốt khi biết rằng một phòng thí nghiệm mới ở Đại học Giao thông Thượng Hải được xây dựng với giá xấp xỉ 50USD/f2, so với 500USD tại Yale.

Có những ý kiến phê phán cho rằng Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự xuất sắc trên quá nhiều lãnh vực cùng lúc, và kế hoạch chọn 30 trường để đầu tư lớn bằng ngân sách quốc gia khó mà có được sự phân biệt cần thiết, là một sự lãng phí nhân đôi và hy sinh sự xuất sắc. Ngay cả Levin cũng phải kềm chế nhiệt tình của mình mà cảnh báo rằng những trường hàng đầu đang mở rộng quá nhanh về số lượng và làm chất lượng bị loãng đi. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, những phê phán gay gắt nhất thường là ý kiến của những người đã làm việc trong hệ thống này.

Yang Fujia, nhà vật lý hạt nhân, nguyên hiệu trưởng của Trường Đại học Phúc Đán nói: “Điều quan trọng là các trường khác nhau nên có chất lượng khác nhau, cũng giống như cần có những nốt cao thấp khác nhau trong một bản giao hưởng. Nhưng tất cả các trường đại học Trung Quốc đều muốn là trường tổng hợp, đa ngành. Ai cũng muốn làm cây đàn piano, vừa có cả khoa y, vừa có thật nhiều sinh viên cao học”.

Yang, hiện nay đang lãnh đạo một trường đại học thực nghiệm nhỏ ở Ningbo, được thành lập với sự hỗ trợ của Trường Đại học Nottingham, cũng bị phê phán về việc hạn chế quyền tự chủ đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Ở Princeton, một nhà toán học có thể 9 năm liền không công bố một bài báo khoa học nào, để rồi đến năm thứ 10 thì công bố một công trình giải quyết được những vấn đề đã tồn tại hàng vài trăm năm nay, như trường hợp Andrew Wiles và giải pháp của ông đối với Định lý Fermat đầu những năm 90. Chẳng ai dòm ngó chuyện ấy bởi vì họ biết trân trọng sự tận tụy cống hiến cho những công việc khó khăn căng thẳng ở đó. Chúng ta chưa có được tinh thần ấy ở Trung Quốc”.

Tương tự như vậy, Ge Jianxiong, một nhà địa lý lỗi lạc ở Đại học Phúc Đán, nói rằng văn hóa Trung Hoa đòi hỏi những kết quả nhanh chóng, điều này có thể xói mòn việc nghiên cứu. “Ở Trung Quốc, các dự án thường ngắn hạn, thông thường là 3 năm. Sau đó người ta đòi hỏi phải có các ấn phẩm đồ sộ. Trong những cuộc nghiên cứu thực sự, cần phải cho các nhà khoa học sự tự do cần thiết để có được kết quả tốt, chứ không chỉ là kết quả mà người ta muốn”.

Trung Quốc dùng tiền tỷ để có những trường đại học tốt hơn

Ge bổ sung thêm những khó khăn của giáo dục khi mà nó luôn luôn được coi là công cụ của chính trị.

Yao nói ông kỳ vọng nhiều vào việc tập trung xây dựng một chương trình đẳng cấp thế giới về đào tạo tiến sĩ , nhưng ông đã phát hiện những chỗ yếu đáng kinh ngạc trong chương trình đào tạo bậc cử nhân, và quyết định sẽ dạy ở trình độ này trước đã. “Bạn không thể nói một cách đơn giản tôi sẽ chỉ làm những chương trình mũi nhọn; đó không phải là một giải pháp hiệu quả. Bạn phải dạy thật tốt những thứ cơ bản trước đã”.

Nhưng điểm yếu lớn nhất, như nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã cho biết, là sự thiếu vắng tự do học thuật. Yang, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Phúc Đán, cảnh báo rằng nếu không xây dựng được một bầu không khí đúng đắn, những bộ óc vĩ đại ở nước ngoài có thể sẽ chỉ đến Trung Quốc một hay hai năm là tìm đường rút vì bực bội.

Gong Ke, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thanh Hoa, nói rằng các trường đại học “có bổn phận bảo đảm cho tự do học thuật”.

“Chúng tôi có những giáo sư dạy ở đây, người nước ngoài, đang dạy rất khác với quan điểm của chính phủ Trung Quốc”. Ông nói thêm: “Có những người phê phán mạnh chính sách kinh tế của Trung Quốc”.

Li Ao, một nhà văn Đài Loan nổi tiếng, đã kêu gọi mở rộng tự do học thuật và độc lập với nhà nước trong một diễn văn đọc hồi tháng 9 tại Đại học Bắc Kinh. Ngày hôm sau, sau bản tin được đưa ra dưới áp lực chính thống khá nặng nề, ông đã trình bày một phiên bản được thuần hóa hơn nhiều tại Đại học Thanh Hoa, nơi mà các phương tiện truyền thông được kiểm soát rất chặt chẽ.

Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm duyệt các bản tin trên mạng của các trường đại học và của các nhóm thảo luận, và gần đây đã ngăn chặn sinh viên Trường Đại học Zhongshan ở Quang Du nói chuyện tự do với những quan chức HongKong được mời đến viếng thăm trường.

Sinh viên ở đây không được khuyến khích để thử thách quyền lực hay tri thức. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc chưa từng bao giờ có giải Nobel trong bất cứ lãnh vực nào. Điều cần nhất bây giờ, như các nhà khoa học giỏi nhất của Trung Quốc nói, và nhấn mạnh, là những bộ óc độc đáo.

Điều vĩ đại nhất mà Trung Quốc đã làm được trong 20 năm qua là đưa 200 triệu người thoát cảnh đói nghèo. Xu nói: “Tuy vậy, Trung Quốc vẫn chưa nhận ra rằng nếu muốn tiến lên một trình độ mới, thì phải hiểu rằng các con số là không đủ”.

“Chúng ta cần một cuộc cách mạng mới để đưa chúng ta ra khỏi nền văn hóa mà giải thưởng là trở thành quan chức nhà nước. Chúng ta phải học cách ban thưởng cho những đổi mới thực sự, cho những tư tưởng độc lập, và những công trình học thuật chính cống!”
(Nguồn: The International Herald Tribune, 27 October 2005)