Tác giả: Philip G.Albach
Người dịch: Phạm Thị Ly (2008)

Giáo dục đại học đang trải qua những thay đổi ngoạn mục ở khắp nơi. Dường như thế kỷ 21 là một “cơn bão lý tưởng” của những áp lực ngoại tại cùng với những đáp ứng nội tại. Giai đoạn này có thể mang lại cơ hội cho những thay đổi và cải cách lớn lao, dù rằng những áp lực của nó có thể nhấn chìm các trường đại học. Mục đích của bài viết này là nhấn mạnh những nguyên nhân bên trong tạo ra một hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ của giáo dục đại học, và coi đó là một cách phân tích nền giáo dục đại học hiện đại trong bối cảnh lịch sử xã hội của nó. Trong khi thực tế này đang tồn tại phổ biến ở khắp mọi nơi, sự đáp ứng của các hệ thống giáo dục quốc gia, các chính phủ, và từng trường đại học lại có những khác biệt rất đáng kể. Một trong những lợi ích của cách tiếp cận so sánh là khả năng đối chiếu những cách làm khác nhau trong việc đáp ứng với tình trạng khủng hoảng.

Thực tế bên trong của giáo dục đại học được thảo luận ở đây vừa đơn giản, vừa phức tạp: thực tế của việc đại chúng hóa giáo dục đại học trên toàn thế giới; sự chuyển đổi giáo dục đại học từ chỗ là sản phẩm công thành ra sản phẩm tư nhân với những chính sách và lập trường kinh tế xã hội đàng sau những nhận thức này; sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền kinh tế hậu công nghiệp có định hướng dịch vụ của các nước; và tác động của công nghệ thông tin đối với giáo dục đại học và đối với xã hội. Hiển nhiên là còn có những nhân tố khác tác động đến chính sách và thực tiễn giáo dục đại học, nhưng những nhân tố đã nêu trên đây là một thực tế trọng yếu có những ý nghĩa rất sâu sắc đối với hoạt động của các trường đại học và các hệ thống học thuật.

Hiện tượng đại chúng hóa giáo dục đại học

Đại chúng hóa giáo dục đại học là thực tiễn của nửa cuối thế kỷ XX, và sự mở rộng hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu đã diễn ra hết sức ngoạn mục. Chỉ riêng nước Mỹ là hiện tượng này đã có từ trước năm 1950. Từ năm 1975 đến 1995, con số sinh viên các trường đại học, cao đẳng, và trường nghề sau trung học trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi từ 40 triệu đến 80 triệu, và sau đó sự mở rộng này vẫn tiếp tục giữ nhip điệu ấy (Báo cáo của Tổ Đặc nhiệm về Giáo dục Đại học và Xã hội, 2000). Trung Quốc, với hơn 17 triệu sinh viên các hệ, giờ đây có một hệ thống giáo dục đại học rộng lớn nhất thế giới, nhưng vẫn chỉ mới tiếp nhận một con số khiêm tốn là 20% số người ở độ tuổi học đại học trong cơ cấu dân số. Phần lớn việc mở rộng giáo dục đại học của Trung Quốc đã diễn ra trong hai thập kỷ vừa qua. Ấn độ đứng hàng thứ ba về con số sinh viên nhập học, với 10% số người trong độ tuổi học đại học: 10 triệu sinh viên. Kế hoạch hiện nay của họ là đưa tỷ lệ này lên đến 15% vào năm 2015, như vậy có lẽ sẽ thêm vào hệ thống giáo dục đại học 10 triệu sinh viên nữa. (Tilak, 2007; Government of India 2006). Những nước này chỉ là ví dụ về tầm mức của giáo dục đại học (Altbach 2007a). Những nới khác trên thế giới cũng có mức tăng trưởng tương tự. Không một nước nào, trừ vài ngoại lệ có thể như Burma và có lẽ cả Korea, không phải chịu áp lực của đại chúng hóa. Tuy vậy, một số nước chủ yếu là ở châu Phi, vẫn chỉ có số người học đại học chưa đến 5% tổng số người trong độ tuổi. Hơn thế nữa, một khi các chính sách quốc gia có khả năng định hướng việc tăng trưởng, thì sự mở rộng này không thể ngừng lại được (Altbach 2007 b).

Đại chúng hóa giáo dục đại học là động lực của nhiều thay đổi khác đang diễn ra theo những cách khác nhau. Dựa trên sự quan sát thực tiễn học thuật ở nhiều nước khác nhau, có thể nêu lên những ý nghĩa nảy sinh từ hiện tượng đại chúng hóa như sau – tất nhiên không phải tất cả các nước đều chịu ảnh hưởng đồng thời hoặc ngang nhau:

  • Nhiều loại hình giáo dục đại học khác nhau: Dù có kế hoạch hay không, việc đại chúng hóa giáo dục đại học cũng góp phần tạo ra nhiều loại trường phục vụ cho nhiều đối tượng đa dạng, với chất lượng, mục đích và nguồn lực rất khác nhau. Không có quốc gia nào đủ sức đào tạo tất cả sinh viên của mình trong những trường đại học theo kiểu truyền thống, cũng như không có nước nào mà bất kỳ ai muốn vào đại học cũng đều đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển sinh của các trường. Đặc trưng của các trường đại học truyền thống là họ được xem như một thứ đỉnh cao của hệ thống giáo dục, với một số ít các trường đại học chọn lọc, các trường dạy nghề sau trung học, và một số các trường chuyên nghiệp, phục vụ các đối tượng đa dạng. Các trường chuyên nghiệp nhỏ hơn, nhất là trường quản trị kinh doanh, cũng có thể chiếm giữ những vị trí trên đỉnh của hệ thống.
  • Đại học tư và sự tư nhân hóa các trường đại học/cao đẳng công lập. Áp lực của số lượng cùng với tình trạng thiếu khả năng của nhà nước trong việc đáp ứng ngân sách cho số sinh viên nhập học đang gia tăng cũng có nghĩa là những hình thức mới của các trường và cách thức mới cung cấp tài chính cho họ tất yếu sẽ nảy sinh. Sự phát triển của đại học tư trên toàn thế giới là một bằng chứng cho thấy khi các trường công lập được nhà nước bao cấp về ngân sách không thể đáp ứng hết được nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học của công chúng thì các loại trường khác chắc chắn sẽ được thành lập. Đại học tư giờ đây là một sức mạnh hùng hậu hầu như ở khắp nơi trên thế giới, trừ vài ngoại lệ như Úc và Tây Âu, và ở nhiều nước, phần lớn sinh viên đang theo học các trường đại học tư. Cùng với xu hướng này là hiện tượng tư nhân hóa các trường đại học công lập ở nhiều nước- yêu cầu ngày càng tăng của nhà nước trong việc đòi hỏi các trường công lập tự trang trải kinh phí hoạt động cho mình bằng nguồn thu học phí và các nguồn thu nhập tự có thông qua tư vấn, chuyển giao kỹ thuật và những hoạt động liên kết, phối hợp khác.
  • Giảm sút tiêu chuẩn học thuật nói chung. Khi giáo dục đại học mở rộng, dường như đã có hiện tượng số lượng tăng kéo theo chất lượng giảm. Điều này gần như là một kết quả không thể tránh của việc tiếp nhận một số lớn sinh viên đa dạng về trình độ trong lúc cơ sở vật chất thì nghèo nàn và cán bộ giảng dạy được đào tạo tốt thì ít, cũng như của việc tuyển sinh không mấy khắt khe. Việc giảm sút tiêu chuẩn về trình độ và gia tăng sự đa dạng của sinh viên đã tạo ra kết quả ngày càng có nhiều người không hoàn tất được việc học và mất nhiều thời gian hơn để lấy được tấm bằng.
  • Sinh viên và cán bộ giảng dạy có nhiều cơ hội tiếp cận học vấn hơn, đa dạng hơn về giới, về giai cấp xã hội, về dân tộc. Giáo dục đại học đã không hoàn toàn là lĩnh vực đặc quyền của nam giới thuộc tầng lớp trên của xã hội như trước nữa. Ngay cả những trường hàng đầu giờ đây cũng đa dạng hơn, dù rằng điều này phổ biến hơn ở những trường ở bậc trung và bậc thấp trong hệ thống học thuật.

Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân: Sự chuyển đổi những giá trị kinh tế

Trong mấy thập kỷ qua, đã có nhiều thay đổi đáng kể trong quan niệm về cơ sở hợp lý về mặt kinh tế của giáo dục đại học. Đã từng có một thời kỳ dài giáo dục được coi như “lợi ích công” ở nhiều nước, nghĩa là một cái gì có giá trị cho xã hội cũng như cho cá nhân –và do đó nhà nước nên chi trả vì lợi ích của xã hội. Một trong những lợi ích này là tạo ra những người có học vấn tốt, những người sẽ đóng góp cho xã hội qua công việc của họ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có học vấn tốt kiếm được nhiều tiền hơn và do đó đóng thuế cao hơn, sống khỏe mạnh hơn, gắn kết tích cực hơn với xã hội thông qua bầu cử, tham gia các tổ chức xã hội, và những thứ đại loại như thế. Những giá trị này được coi như một sự đóng góp cho xã hội. Trái lại, “lợi ích tư” chủ yếu là lợi ích mang lại cho các cá nhân- như vậy gia tăng thu nhập do có bằng đại học cũng được coi là lợi ích tư. Trong khi giáo dục đại học luôn luôn đóng góp cho cả lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, xã hội vẫn tiếp tục mong muốn hỗ trợ tài chính cho nó do nhận thức về lợi ích xã hội mà nó mang lại.

Luận điểm này đang thay đổi một cách hết sức ấn tượng trên toàn thế giới. Giáo dục đại học ngày càng được coi là lợi ích cá nhân và nên do người hưởng lợi tự mình trả tiền: sinh viên và gia đình họ. Luận điểm này đang áp đảo các cuộc tranh luận, và sự thay đổi này là có cơ sở. Luận điểm này gắn với cách tiếp cận bảo thủ và theo hướng thị trường vốn nhấn mạnh việc tư nhân hóa trong xã hội nói chung cũng như trong bộ phận giáo dục đại học. Các nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới và nhiều người khác đã nhấn mạnh tính chất trung tâm của luận điểm lợi ích cá nhân đối với giáo dục đại học và thuyết phục các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới về tính chất xác đáng của cách tiếp cận này. Hơn thế nữa, sự mở rộng giáo dục đại học khiến nhà nước càng thêm khó khăn hơn bao giờ hết trong việc cung cấp tài chính cho các trường: số sinh viên nhập học ngày càng lớn, số trường được thành lập ngày càng nhiều, và một hệ thống giáo dục sau trung học đã được đại chúng hóa. Như vậy là, các nhân tố về nhận thức, về kinh tế, và triết lý đã chống đỡ cho thực tiễn tài chính mà hầu hết các chính phủ đang phải đương đầu. Cuộc tranh luận, thường là được diễn giải bằng thuật ngữ kinh tế, trong thực tiễn là sự kết hợp của kinh tế, tư tưởng và triết lý. Trong lúc chắc chắn là đòi hỏi tăng cao của công chúng trong việc tiếp cận giáo dục đại học đã đặt ra một áp lực lớn cho nhà nước trong việc tăng chi cho các trường, thì quan điểm lợi ích cá nhân đã đưa ra một cơ sở hợp lý cho việc quyết định không dành thêm các nguồn lực công cho giáo dục đại học nữa.

 

Ý nghĩa sự áp đảo của quan niệm coi giáo dục đại học là lợi ích của cá nhân thì rất rộng. Bộ phận giáo dục đại học tư, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu học phí, là thí dụ hoàn hảo phản ánh cách tiếp cận này. Các trường đại học công được yêu cầu phải dựa vào học phí và các nguồn thu từ những dự án hợp tác nghiên cứu để tự trang trải chi phí cho mình. Nhà nước đã cắt giảm một cách có hệ thống việc tài trợ cho giáo dục đại học. Kết quả dễ thấy là trên toàn thế giới, học phí tăng, nghiên cứu cơ bản giảm, các trường ngày càng có tính chất giống như một doanh nghiệp học thuật. Đôi khi, như ở châu Mỹ Latin, việc cắt giảm nguồn lực nhà nước đã dẫn đến tình trạng bất ổn của sinh viên và những xung đột chính trị.

Sự thay đổi bối cảnh kinh tế của giáo dục đại học ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận đại học và sự công bằng, thường là theo những cách mâu thuẫn lẫn nhau. Học phí tăng trong các trường công và sự phụ thuộc vào học phí của các trường tư đã cản trở các học sinh nghèo đặt chân vào trường đại học. Tuy vậy, rất nhiều gia đình nghèo đã hy sinh tất cả để ít nhất có được một đứa con vào đại học. Ở nhiều nước, sự bất lực của trường công trong việc cung cấp cơ hội học tập cho mọi người cũng có nghĩa là những người ít khả năng kinh tế nhất lại phải theo học những trường tư giá cao và thường là chất lượng thấp. Hệ thống giáo dục đại học đang có sự phân hóa ngày càng nhiều, với những trường hàng đầu do những sinh viên nhà giàu chiếm số lượng áp đảo, những người có thuận lợi được học trường tốt ngay từ trung học và đủ tiền học luyện thi để qua được kỳ thi tuyển sinh. Sự thống trị của quan điểm lợi ích cá nhân cũng có nghĩa là bộ phận nghèo nhất trong dân chúng thường là phải trả cái giá cao nhất cho một chất lượng giáo dục tầm thường.

Xét về mặt học thuật, việc chấp nhận rộng rãi luận điểm coi giáo dục đại học là lợi ích cá nhân đã tạo ra nhiều vấn đề đối với việc nghiên cứu cơ bản của các trường đại học. Nghiên cứu cơ bản không phải là lĩnh vực có thể thu hồi vốn nhanh chóng mà là nền móng của nghiên cứu ứng dụng. Hơn nữa, nghiên cứu cơ bản là chức năng trọng yếu chỉ ở các trường đại học định hướng nghiên cứu, một thiểu số tinh hoa của hệ thống học thuật. Tuy vậy, những nghiên cứu loại này sản sinh ra cơ sở khoa học cho những ứng dụng sau đó, và là nền móng cho những khám phá khoa học, những thứ sẽ có thể được trao giải thưởng Nobel. Nghiên cứu cơ bản do vậy rốt cuộc là lợi ích xã hội, và trong bối cảnh nhấn mạnh vào luận điểm giáo dục đại học là lợi ích cá nhân, nó không tránh khỏi giảm sút chất lượng.

Cuộc tranh luận đang được đổ thêm dầu vào lửa bởi những ràng buộc về nhận thức và triết lý, cũng như bởi những khó khăn tài chính hết sức thực tế trong việc hỗ trợ giáo dục đại học.

Nền kinh tế dựa trên tri thức

Khi nhiều nước chuyển sang nền kinh tế dịch vụ hậu công nghiệp, giáo dục đại học càng trở nên quan trọng khi nó được coi là nền móng của kinh tế tri thức thế kỷ XXI (Castells 2000). Vai trò của giáo dục đại học vô cùng quan yếu đối với nền kinh tế này cũng như đối với những biến đổi xã hội. Các trường đại học là những cơ quan trọng yếu nối kết thông tin, đào tạo và nghiên cứu. Hơn nữa, trường đại học là nơi giao tiếp về khoa học và kỹ thuật với các quốc gia khác và các nền học thuật trên thế giới đang có mối liên hệ ngày càng tăng với các nền kinh tế. Giáo dục đại học đang thực hiện những chức năng sau đây:

  • Đào tạo. Các nền kinh tế tri thức cần nhân sự có kỹ năng ở mọi trình độ và với số lượng ngày càng nhiều. Kỹ thuật đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu, và điều này quan trọng không kém, kỹ năng thích nghi với những thay đổi kỹ thuật đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Trường đại học và các trường nghề sau trung học cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo này. Các trường đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra những nhà khoa học hàng đầu trong lực lượng nghiên cứu, cũng như trong việc tạo ra những người lao động trình độ cao vô cùng cần thiết đối với nền kinh tế mới.
  • Nghiên cứu. Trường đại học cung cấp những nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cần thiết cho nền kinh tế tri thức. Mối liên hệ giữa trường đại học và công nghiệp sản xuất cũng như những liên quan về mặt khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học và những lĩnh vực khác đã cho thấy giá trị và sự liên quan mật thiết giữa nghiên cứu và đời sống. Sản phẩm mà các trường đại học tạo ra đã làm tăng một cách đáng kể những phương tiện cải thiện nền kinh tế.
  • Truyền thông. Đối với cộng đồng học thuật, các trường đại học không chỉ liên quan đến truyền thông tri thức, mà còn là những mắt xích trọng yếu đối với việc thụ đắc tri thức và tiếp nhận chuyển giao từ cộng đồng khoa học quốc tế.
  • Cải cách. Trường đại học tập hợp các nhà khoa học trên nhiều lãnh vực chuyên môn trong một môi trường ngày càng nhấn mạnh tư duy liên ngành. Những trường đại học tốt nhất bao giờ cũng khuyến khích những hoạt động nghiên cứu và phát triển có tính chất liên ngành và đổi mới.
  • Phê bình văn hóa và xã hội. Vai trò của trường đại học như một diễn đàn thảo luận về đời sống trí tuệ, chính trị và văn hóa thường là chưa được coi trọng ngang bằng vai trò của nó trong khoa học ở thế kỷ XXI.
  • Là nơi lưu trữ tri thức cho toàn xã hội. Trường đại học, thông qua các thư viện, bảo tàng, cũng như các khoa và chương trình đào tạo, đóng góp to lớn vào việc sáng tạo và diễn giải các nền văn hóa cũng như lưu giữ các thành tựu của loài người. Một số nơi trên thế giới, như ở các nước đang phát triển, khi các nhà văn hóa, nhà bảo tàng còn ít ỏi, vai trò của trường đại học trong vấn đề này càng đặc biệt quan trọng

Công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin đã thay đổi một cách căn bản giáo dục đại học trên toàn thế giới, sửa đổi cách quản lý nội bộ các trường. Bản chất và tầm mức của việc truyền thông khoa học đã có những thay đổi lớn lao trong từng nước và trên toàn cầu. Bản chất của việc dạy và học đang biến đổi thông qua giáo dục từ xa và qua việc sử dụng phương tiện kỹ thuật mới trong các lớp học theo kiểu truyền thống.

Việc quản lý chịu ảnh hưởng rất đáng kể của công nghệ thông tin qua nhiều cách khác nhau. Có lẽ quan trọng nhất là cách thu thập, vận dụng, và truyền thông các loại dữ liệu. Điều này khiến cho trách nhiệm giải trình trong hệ thống quản lý thành ra dễ dàng hơn và có những dữ liệu được đánh giá và sử dụng ở nhiều cấp quản lý trong trường đại học cũng như được dùng làm cơ sở dữ liệu cho nhà nước và những cơ quan có thẩm quyền khác. Công nghệ thông tin đã biến nhiều nhân tố của hoạt động học thuật như kết quả học tập của sinh viên, năng suất làm việc của các giáo sư, v.v. trở thành những dữ liệu. Công nghệ thông tin làm cho việc quản lý tài chính thành ra đơn giản và cho phép một mức độ tự chịu trách nhiệm về tài chính lớn hơn. Công nghệ thông tin cũng làm giảm quyền tự chủ về chuyên môn học thuật, đặt ra một chế độ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với mọi giảng viên.

Nhân tố hữu hình dễ nhận biết nhất của cuộc cách mạng công nghệ thông tin liên quan tới việc lưu trữ và truyền thông tri thức. Thư viện đã biến đổi một cách cục bộ thông qua sử dụng công nghệ thông tin trong việc giao tiếp, lưu trữ và truy lục dữ liệu. Việc sử dụng kho thông tin dữ liệu gia tăng là nhờ các mạng điện tử -thông qua tạp chí mạng, sách được số hóa, và những thứ đại loại như thế (Ekman and Quandt 1999). Việc lưu trữ kiến thức đã và đang thay đổi.

Các nhà khoa học và giới chuyên môn giao tiếp với nhau qua mạng điện tử, email, và những phương tiện khác dựa trên sự đổi mới của công nghệ thông tin. Những bước phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đã tạo điều kiện cho nhiều nhà khoa học được chia sẻ tri thức. Hội thảo qua mạng, đường dẫn video, và những đổi mới khác của công nghệ thông tin đã làm cho việc giao tiếp thành ra dễ dàng và khuyến khích các liên kết qua mạng. Những kết quả về mặt kinh tế, xã hội, và kỹ thuật của những thay đổi này là vô cùng to lớn (Brown and Duguid 2000). Tri thức có thể được chia sẻ một cách dễ dàng và sẵn sàng cho sử dụng trên khắp thế giới. Tuy vậy, có một câu hỏi lớn về vấn đề quyền sở hữu tri thức, người kiểm soát các mạng thông tin, và những nhân tố khác.

Dạy và học thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Trong lúc việc sử dụng công nghệ thông tin cho giáo dục từ xa nay đã trở thành rộng khắp với hàng triệu sinh viên học tập qua những chương trình đào tạo từ xa, thì tất cả tiềm năng và tầm cỡ của nó vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Vấn đề còn lại về chất lượng đào tạo của các chương trình từ xa và kỹ thuật đang thường xuyên được cải tiến. Những chương trình đào tạo từ xa có thể do các trường đại học truyền thống tổ chức như một bộ phận trong các khóa học, hoặc do các trường đại học chuyên dạy từ xa, các tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận đứng ra tổ chức. 8/10 trường đào tạo từ xa lớn nhất đặt tại các nước đang phát triển và các nước có thu nhập trung bình. Sáng kiến của Trường Đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) về việc cung cấp nội dung các khóa học của họ trên internet miễn phí là một ví dụ gây ấn tượng sâu sắc về tác động của công nghệ thông tin đối với giáo dục đại học. Việc đào tạo từ xa qua công nghệ thông tin đang đương đầu với nhiều thử thách: những vấn đề về chất lượng, sự phát triển của những phương tiện kỹ thuật có hiệu quả, và việc theo đuổi những mô hình kinh doanh thành công. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, “cuộc cách mạng từ xa” đang chiếm lĩnh trận địa của giáo dục đại học trong thế kỷ XXI.

Kết luận

Những nhân tố trên đây là một trong những thực tiễn trọng yếu của giáo dục đại học trên toàn thế giới. Nó chiếm vị trí trung tâm trong những suy xét cân nhắc về chính sách giáo dục đại học, về cải cách và phát triển. Nhiều nhân tố phụ thuộc khác cũng ảnh hưởng tới giáo dục đại học, và cũng đã được nhắc đến trong những vấn đề được đưa ra thảo luận trong bài này. Mục đích của chúng tôi là nhấn mạnh bản chất và mối quan hệ tương liên giữa những chủ đề này và tác động của nó đối với giáo dục đại học đương thời.

(Nguồn: The Underlying Realities of Higher Education in the 21st Century, Higher Education in the New Century- Global Challenges and Innovative Ideas, Philip G. Albach, Boston College, June 2007).

References

 

Altbach, P. G. (2007a). Fostering Asia’s brightest. Far Eastern Economic Review January-February, 53-57.

Altbach, P. G. (2007b). The logic of mass higher education. In tradition and Transition: The International imperative in higher education, 3-23. Rotterdam, Netherlands: Sense Publishers.

Brown, J.S., and P. Duguid (2000). The social life of information. Boston: Harvard Business School Press

Castells, M. (2000). The rise of the network society. Oxford: Blackwells.

Ekman, R., and R. E. Quandt, eds. (1999). Technology and scholarly communication. Berkeley: University of California Press.

Government of India (2006). Report of the National Knowledge Commission. New Delhi: Government of India.

Task Force on Higher Education and Society. (2000). Higher Education in developing countries: Peril and promise. Washington, DC: World Bank.

Tilak, J. B. G (2007). Knowledge commission and higher education Economic and Political Weekly, February 24, 630-33.