Phạm Thị Ly (2012)

Trong năm qua, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam có sự kiện gì nổi bật? Những diễn biến trong năm 2012 phản ánh sự trưởng thành nào (nếu có) hoặc sự thụt lùi đáng lo ra sao của GDĐH?

  1. Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua: Điều đáng ghi nhận là Dự thảo Luật đã trải qua một quá trình lấy ý kiến rất công phu qua nhiều lần sửa chữa bổ sung và điều chỉnh. Bản sau cùng đã được chỉnh lý gồm 12 chương và 73 điều tập trung vào những vấn đề: một số vấn đề chung; cơ cấu hệ thống GDĐH và phân tầng cơ sở GDĐH; cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH; quyền tự chủ của cơ sở GDĐH; vấn đề xã hội hóa và tài chính tài sản của cơ sở GDĐH; vấn đề bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng đào tạo; giảng viên và người học; một số vấn đề khác. Quá trình soạn thảo và trưng cầu ý kiến được thực hiện khá nghiêm túc, ban đầu trong dự thảo không có Hội đồng trường và đại học không vì lợi nhuận, nhưng cuối cùng hai nội dung này đã được đưa vào, tuy không thật đầy đủ, và đó là những điểm mới có ý nghĩa tích cực. Luật GDĐH khi đi vào thực tế sẽ đảm bảo cho các trường một không gian tự chủ rộng lớn hơn để trưởng thành trong một bối cảnh tương tác quốc tế ngày càng phức tạp hơn.
  1. Nghị quyết Trung ương 6 về giáo dục, mặc dù đã được chuẩn bị công phu, vẫn chưa được thông qua và ban hành: Trong bối cảnh xã hội mong chờ một cuộc cải cách toàn diện và căn bản, Nghị quyết Trung ương 6 được kỳ vọng sẽ đem lại đường hướng đúng đắn để đổi mới triệt để những vấn đề cốt lõi của giáo dục. Việc chưa ra được nghị quyết chứng tỏ các cấp lãnh đạo cao nhất nhìn thấy được sự phức tạp và tầm quan trọng của vấn đề và chưa hài lòng với việc chuẩn bị cho dù đã được thực hiện rất công phu. Chậm lại để có một nghị quyết thực sự đóng vai trò kim chỉ nam cho đổi mới sẽ tốt hơn nhiều so với một nghị quyết có ít tính khả thi hoặc không có khả năng tạo ra đột phá.
  1. Thay đổi trong quy chế phong giáo sư: Điểm nổi bật nhất là hiệu trưởng các trường ĐH có thể ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo có đủ điều kiện thay vì Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên như trước đây.

         Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế tuy không ít ý kiến băn khoăn về các hệ quả tiêu cực có thể có. Thật ra việc ngăn ngừa những tiêu cực đó không phải là điều khó. Nếu các trường được tự xây dựng chuẩn mực giáo sư của mình, công bố công khai các chuẩn mực đó cùng với hồ sơ thành tích của các ứng viên, như thông lệ thế giới thường làm, thì việc giao quyền bổ nhiệm giáo sư cho các trường có thể nhìn nhận là một bước tiến trong việc công nhận quyền tự chủ về mặt học thuật của nhà trường.

Có nhiều giải pháp bổ sung cần đi kèm để bảo đảm tính chính trực và tiêu chuẩn học thuật của việc phong giáo sư, như ở Úc hay Thái Lan, hội đồng xét chức danh giáo sư bắt buộc phải bao gồm một nửa số thành viên trong trường và một nửa ngoài trường, trong đó có thể bao gồm cả các giáo sư quốc tế. Tiêu chuẩn rõ ràng, công khai, đánh giá ngoài qua bình duyệt quốc tế, là những điều hoàn toàn có thể làm được. Có lẽ để tránh lạm phát giáo sư, cần một lộ trình; trước mắt giao thẩm quyền này cho một số trường có đủ số người hoạt động khoa học có uy tín và nêu ra được các tiêu chuẩn, quy chế xét chức danh giáo sư phù hợp với các chuẩn mực tối thiểu của quốc tế; tiến tới giao cho tất cả các trường.

  1. Khó khăn trong tuyển sinh ĐH là tình hình chung của các trường, đặc biệt là trường ngoài công lập. ĐH Bình Dương có ngành chỉ 4 SV nhập học. Đại học Tân Tạo ở Long An chỉ tuyển được chưa đầy 30 SV, Đại học Phan Chu Trinh ở Quảng Nam phải trả lại toàn bộ hồ sơ do số lượng quá ít. Một số trường như Đại học Văn Hiến ở TPHCM, Đông Đô ở Hà Nội hay Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM, tình cảnh còn bi đát hơn vì bị đình chỉ tuyển sinh. Với các trường công lập, ngành khoa học xã hội tiếp tục tình trạng khó tuyển: số hồ sơ thấp, kết quả thi thấp, điểm đầu vào thấp.

Đây vừa là kết quả của chính sách bất cập đối với phát triển GDĐH ngoài công lập, vừa là sự sàng lọc của cơ chế thị trường. Nguyên nhân trực tiếp là: (i) Bộ GD-ĐT mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh và tạo thuận lợi để trường công vét sạch sinh viên, làm giảm chất lượng các trường tầng trên; (ii) việc mở trường tràn lan và thiếu kiểm soát chất lượng. Nguyên nhân sâu xa hơn vẫn là chất lượng đào tạo, nói cách khác khả năng hoàn vốn của cá nhân khi đầu tư cho việc theo học bậc đại học (tính cả chi phí cơ hội) đang bị thử thách nghiêm trọng. Tình trạng này đã gửi đi hai tín hiệu báo động: (i) Tất cả các trường công lập và ngoài công lập đều phải nhìn lại sứ mạng, chương trình đào tạo, kết quả và chất lượng đào tạo của mình theo hướng coi người học là trung tâm và gắn chặt khả năng tìm việc làm của SV với nhu cầu của thị trường lao động; (ii) Nhà nước không thể phó mặc cho GDĐH vận hành chỉ tuân theo cơ chế thị trường mà cần có chính sách khuyến khích và tạo động lực cho những lĩnh vực cần cho sự phát triển dài hạn của quốc gia.

  1. Bằng cấp không chính quy bị từ chối tuyển dụng: Hà Nội từ chối bằng liên thông, tại chức khi tuyển giáo viên. Nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nam Định, Quảng Bình… khi tuyển dụng công chức, cũng không nhận ứng viên dự tuyển học các hệ dân lập, tư thục hay tại chức.

         Sự kiện này là một phản ứng của xã hội về chất lượng đào tạo của các hệ không chính quy. Tuy phản ứng này không được tất cả mọi người đồng tình, nhưng nó cho thấy các cơ quan nhà nước đã bắt đầu chú ý đến chất lượng thay vì chỉ căn cứ vào tấm bằng. Làn sóng tẩy chay bằng tại chức đặt ra một nhu cầu bức thiết cho cơ quan quản lý nhà nước về GDĐH, đòi hỏi phải xem xét lại quy trình đảm bảo chất lượng của các hệ đào tạo không chính quy và ngoài công lập, và điều này đem lại hy vọng về cải thiện chất lượng của những hình thức đào tạo ấy trong tương lai.

  1. Điểm 0 môn Sử: Với hơn 170 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công bố điểm thi, điểm 0 môn Sử năm nay đã chiếm phần lớn điểm 0 của các trường ĐH, CĐ ngành xã hội. Theo thống kê của các trường ĐH có thi môn Sử, số lượng bài thi dưới trung bình chiếm từ 80 – 90%, cá biệt có trường điểm Sử cao nhất là 5,25 điểm. Thống kê từ trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2012 nhà trường có 4.474 thí sinh tham gia dự thi ở các khối C, D1, N1-4, R1. Sau khi hoàn tất việc chấm thi, trường có tổng cộng 220 điểm 0, trong đó điểm 0 môn Sử chiếm tới 208 bài. Trường ĐH Phú Yên có 319 thí sinh dự thi khối C nhưng có đến 99,4% đạt điểm dưới trung bình môn Sử và có đến 55,5% có bài thi lịch sử đạt 0-1 điểm; chỉ có hai bài đạt điểm trên 5. Ở Trường ĐH Quảng Nam điểm Sử dưới 5 điểm chiếm tỷ lệ 98,3%. Như vậy, trong số 975 thí sinh thi khối C chỉ có 17 người có điểm từ 5 trở lên môn Sử. Tỉ lệ thí sinh có điểm từ 0 đến 1 chiếm 55%, trong đó gần 20% là điểm 0. Điều cần nhấn mạnh là kết quả thi môn Sử năm nay không phải là hiện tượng đột xuất, mà chỉ là nối tiếp hiện trạng nhiều năm gần đây mà thôi.

        Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, nhưng dù với bất cứ lý do nào thì kết quả vẫn không thay đổi: nếu lớp trẻ không biết gì về cội nguồn và quá khứ của dân tộc, thì họ sẽ mang thứ gì vào tương lai?

  1. Nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Quy Nhơn bị án tù vì tham nhũng và lạm quyền: Đây là một sự kiện đáng buồn, một mặt phản ánh những tiêu cực đang tồn tại như những tảng đá ngầm trong giáo dục; nhưng mặt khác cũng cho thấy xã hội bắt đầu có xu hướng bộc lộ sự không khoan thứ với những hành vi như thế. Càng có nhiều người không khoan thứ với những điều sai trái, thì nó càng có ít cơ may tồn tại.

Một vài sự kiện nổi bật trên đây dường như cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của GDĐH Việt Nam. Tuy vậy, đó không phải là tất cả. Vẫn đang có nhiều thầy cô giáo tận tụy truyền nghề cho thế hệ trẻ bằng tất cả tâm huyết và coi đó là cách vun đắp cho một tương lai chung tốt đẹp hơn của đất nước, vì họ có một niềm tin rằng cách đẩy lùi tiêu cực tốt nhất là tạo ra một hành động tích cực. Vẫn đang có những cố gắng không ngừng nghỉ của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các trường nhằm đổi mới hoạt động quản lý, tạo ra một cơ chế khuyến khích chất lượng và hiệu quả. Vẫn đang có những nỗ lực quý báu của giới nghiên cứu và hoạt động học thuật, giới truyền thông trong việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và thông tin, vì họ hiểu rằng đổi mới phải bắt đầu trước hết từ nhận thức. Những việc làm của họ có thể âm thầm không được nhiều người biết đến nhưng chắc chắn là những đóng góp có ý nghĩa trong việc tạo ra tiến bộ.

Những con người ấy đã và đang là những cánh én, như anh Giản Tư Trung thường nói, nếu chưa mang đến được mùa xuân thì cũng báo hiệu một mùa xuân sẽ đến.