NHÀ NƯỚC ĐỊA PHƯƠNG VỚI VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH CHO GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC: KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA

Phạm Thị Ly (2011)

(Tham luận tại Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Luật Ngân sách nhà nước tại địa phương từ năm 2004 đến nay – Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện” do Ủy ban Ngân sách-Tài chính Quốc hội Khóa XII tổ chức ngày 9-5 tại Nghệ An)

***

         Nhà nước địa phương có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như thu hút lực lượng lao động trình độ cao từ nơi khác đến cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương. Tuy vai trò của nhà nước địa phương, cụ thể là chính quyền và HĐND tùy thuộc nhiều vào cấu trúc của thể chế và chính sách ở cấp trung ương, nhưng trong thực tế, bất cứ địa phương nào trên thế giới cũng đang phải đối mặt với những vấn đề chung: sự cắt giảm ngân sách và nhu cầu sử dụng tài chính công hiệu quả hơn, việc tái cấu trúc nhằm tái lập cân bằng trong thu chi ngân sách địa phương, vai trò định hướng và giám sát việc sử dụng ngân sách, những sáng kiến mới trong việc giải quyết những vấn đề về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp. Bài viết này giới thiệu một vài kinh nghiệm giải quyết những vấn đề như vậy của chính quyền địa phương ở một số nước, và những gợi ý cho Việt Nam.

Trường hợp Anh Quốc

Đầu tháng 10 năm 2010, Hiệp hội các chính quyền địa phương cùng với Phòng Thương mại Anh đã tổ chức cuộc họp thường niên với các ủy ban hành chính, các trường đại học và cao đẳng, cùng với giới chủ doanh nghiệp, để thảo luận về việc bằng cách nào đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh ngân sách công ngày càng hạn hẹp. Nhiều vấn đề được nêu ra ở đây là những vấn đề đã được nêu lên từ lâu, như cải thiện sự hợp tác, tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách, v.v. cũng như nhiều hình thức phối hợp cùng nhau nhằm giải quyết vấn đề đã và đang được áp dụng. Tuy vậy, điểm nổi bật trong cuộc họp này là những vấn đề trên được nêu ra trong một bối cảnh đang có những đổi thay hết sức sâu sắc: ngân sách sụt giảm nghiêm trọng, việc tái cân bằng kinh tế khiến thành phần tư nhân tăng trưởng mạnh và trở thành trung tâm của các chính sách kinh tế; sự thay đổi không gian tư duy từ cấp trung ương chuyển sang cho cấp địa phương có ý nghĩa như một sự chuyển biến chưa từng có tiền lệ: nhiều chính sách đang được xây dựng chủ yếu từ cấp địa phương. Về mặt cấu trúc, hiện đang có những tổ chức nhằm tăng cường cơ chế phối hợp giữa nhà nước (với tư cách người cung cấp ngân sách), giới chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động và đóng thuế tạo ra thu nhập cho ngân sách địa phương) và các nhà cung ứng dịch vụ đào tạo (người tạo ra nguồn lao động có kỹ năng và có chất lượng). Tổ chức này có tên gọi là Hiệp hội Doanh nghiệp Địa phương, hoạt động của họ chủ yếu là xác định nhu cầu về người lao động trong từng lĩnh vực, chia sẻ những mục tiêu này với các bên liên quan để cùng tìm giải pháp. Cả ba bên tham gia đều đồng thuận với các nhu cầu sau:

  • Tạo ra một không gian chung cho những đối thoại chiến lược giữa giới chủ doanh nghiệp và nhà trường về những kỹ năng hay kiến thức nào cần trang bị cho người lao động
  • Nhà trường cần tạo ra một hệ thống đào tạo dựa trên tinh thần chuẩn bị cho người học những kỹ năng theo yêu cầu của thị trường lao động, một hệ thống được hỗ trợ bằng hoạt động hướng dẫn, tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin cho sự lựa chọn của người học
  • Để đáp ứng nhu cầu của địa phương, nhà trường cần có sự linh hoạt và tự do hơn trong việc thiết kế nội dung chương trình và quyết định mọi vấn đề thuộc về đào tạo.   Tất nhiên là chính quyền địa phương có trách nhiệm và chịu áp lực cao trong việc bảo đảm hiệu quả sử dụng tài chính công cho việc đào tạo, và họ phải nghĩ tới một điểm cân bằng giữa việc tái bố trí lực lượng lao động trong tương lai với nhu cầu hiện tại và sự chọn lựa của người học, là những thứ không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau.

Sáu khuyến nghị mà cuộc họp này đưa ra cho các bên liên quan là:

Một, tự chủ và tự do thực sự cho nhà trường: nhà nước cần cho phép các trường xây dựng một cơ chế giải trình trách nhiệm cho chính họ. Quyền tự chủ và tự do này tạo ra sự linh hoạt rất cần cho việc địa phương hóa nội dung đào tạo, vì điều này chẳng những gắn với những nhu cầu kinh tế đặc thù của địa phương mà còn gắn với đặc điểm nguồn nhân lực, nền tảng văn hóa và lịch sử của cộng đồng địa phương.

Hai, gắn bó với địa phương một cách có hiệu quả: sự kết hợp giữa cơ chế giải trình trách nhiệm có tính dân chủ ở địa phương cùng với lực lượng lao động đào tạo tốt, được củng cố bằng hoạt động của các tổ chức như những đơn vị tình nguyện, những hội đoàn từ thiện, hay các tổ chức xã hội..sẽ tạo ra nền tảng cho việc phục hồi kinh tế trong thời điểm khó khăn hiện nay, thông qua cải cách dịch vụ công, tăng cường hoạt động xã hội và trao quyền cho cộng đồng.

Ba, người học và khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu của người học cần được xem xét trong bối cảnh của địa phương, nghĩa là đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp và bảo đảm sự phát triển lành mạnh của cộng đồng. Đối với từng cá nhân, thì điều này nghĩa là cần khơi gợi khát vọng tiến bộ trong công việc, đạt được những kỹ năng mới, tăng cường sức khỏe và sự tự tin, ngày càng chủ động và tích cực trong hoạt động cộng đồng.

Bốn, hợp tác một cách hiệu quả. Chính quyền địa phương phải chủ động trong việc tạo ra một sự phối hợp liên ngành, xuyên biên giới giữa các tổ chức và đơn vị khác nhau, xây dựng nền tảng đối thoại và hợp tác để tránh sự trùng lắp, cạnh tranh không cần thiết, hoặc lạc hướng, nhờ đó sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, giới chủ doanh nghiệp và nhà trường sẽ giúp cho việc sử dụng ngân sách cho giáo dục đào tạo đạt hiệu quả tốt nhất.

Năm, cơ hội cho tất cả mọi người. Trọng tâm của các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương phải là tạo ra cơ hội tiếp cận công bằng cho mọi người dân. Tuy mỗi người có thể có những năng lực khác nhau và đạt được thành quả một cách khác nhau, nhưng cơ hội để học tập và phát huy năng lực cần được mở ra cho tất cả mọi người, đó không chỉ là một lý tưởng nhân bản mà còn là một điều kiện cho phát triển bền vững.

Sáu, chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm. Sự đồng thuận chung một nhận thức trong cách giải quyết vấn đề không tự nhiên mà có. Nỗ lực tăng cường đối thọai và truyền thông giao tiếp giữa các bên là điều tối quan trọng trong những cuộc thảo luận và quá trình ra quyết định. Một lần nữa, chính quyền địa phương có vai trò là cầu nối cho các lực lượng xã hội khác nhau, các tổ chức khác nhau ngồi lại cùng nhau để tìm những giải pháp tốt nhất cho phát triển nguồn nhân lực và tạo ra tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Bài học chúng ta có thể rút ra được từ những kết luận và khuyến nghị trên đây là gì? Đào tạo nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế và phát triển tiến bộ xã hội ở địa phương là một bài toán có nhiều bên tham gia, lợi ích của từng bên chắc chắn thống nhất với nhau trong dài hạn nhưng có thể ít nhiều mâu thuẫn trong ngắn hạn, chúng ta luôn phải lựa chọn một điểm cân bằng giữa lợi ích của hiện tại và của tương lai, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tổ chức này và tổ chức khác, và tăng cường đối thoại là điểm mấu chốt để tìm sự đồng thuận cho điểm cân bằng ấy. Trong trường hợp của Anh, điều này đang được thực hiện ở cấp địa phương một cách có hiệu quả, tạo ra một sân chơi mà tất cả các bên đều thắng.

Trường hợp Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, chính quyền địa phương có môt vai trò trọng yếu đối với giáo dục. Từ nhà trẻ đến cao đẳng cộng đồng, chính quyền địa phương, cùng với chính quyền bang, là người cung cấp tài chính chủ yếu cho các trường công bằng nguồn thu từ thuế của địa phương và thuế của tiểu bang. Chính quyền địa phương ở mọi cấp, từ cấp tỉnh, thành phố, đến cấp quận là người quyết định các chính sách về giáo dục. Nhiệm vụ của họ là đưa ra các quyết định về cung cấp tài chính công cho giáo dục, về định hướng đào tạo và đóng vai trò là một kênh giao tiếp giữa cộng đồng địa phương với các sở giáo dục.

Trường công ở Hoa Kỳ có hai loại, độc lập và trực thuộc. Các trường trực thuộc thì do chính quyền tỉnh, thành phố, quận huyện trực tiếp điều hành. Các trường độc lập thì nằm dưới sự kiểm soát của các phòng giáo dục. Chính quyền địa phương có quyền đánh thuế các loại để cấp tài trợ cho giáo dục đào tạo, và có thể dùng việc điều chỉnh cơ cấu cấp ngân sách cho các trường để đáp ứng những ưu tiên mới. Họ quyết định nhiều vấn đề, từ việc đào tạo những ngành nào, dạy những môn gì, với những tiêu chuẩn như thế nào về kết quả đào tạo, cho đến việc xây trường ở địa điểm nào, vai trò của nhà trường trong đời sống của cộng đồng địa phương, và quyết định cả những vấn đề như giao thông công cộng hoặc dịch vụ y tế phục vụ cho nhà trường. Sự tham gia của chính quyền địa phương vào việc điều hành chính sách giáo dục như vậy được mọi tổ chức và doanh nghiệp rất hoan nghênh, bởi vì họ có điều kiện theo sát mọi chi tiết cụ thể ở địa phương hơn nhiều so với chính quyền bang và liên bang, nhờ vậy có thể đưa ra quyết định chính xác và kịp thời.

Về tài chính, thuế đánh vào tài sản lâu nay vẫn là nguồn thu ngân sách chính của chính quyền địa phương và là nguồn lực chủ yếu tài trợ cho giáo dục. Điều này đang bị chỉ trích một cách gay gắt trên ít nhất 43 tiểu bang vì nó làm nghiêng lệch nguồn tài trợ cho giáo dục ở những vùng có giá nhà đất cao. Một số tiểu bang như California đã thông qua bộ luật cho phép điều hòa ngân sách từ những vùng có giá nhà đất cao đến những vùng có thu nhập thấp hơn để bảo đảm cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục của mọi người dân. Từ thập kỷ 70 đến nay, tài trợ từ liên bang liên tục giảm sút và chính quyền địa phương đang ngày càng chuyển sang những nguồn khác như thuế bán lẻ, thuế thu nhập, những thứ đang trở thành nguồn thu quan trọng để trang trải cho giáo dục. Thuế chuyển nhượng tài sản, đóng góp của các doanh nghiệp, các hoạt động gây quỹ phi lợi nhuận cũng đang trở thành nguồn thu quan trọng cho chi phí giáo dục đào tạo tại các địa phương.

Ở Hoa Kỳ, các trường cao đẳng cộng đồng có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực bậc trung cho kinh tế địa phương và phần lớn ngân sách hoạt động của họ là do chính quyền địa phương cung cấp, tuy chính quyền tiểu bang cũng có gánh đỡ một phần. Tỉ lệ chung hiện nay là: ngân sách liên bang cấp 5,4%, ngân sách tiểu bang 44,6%, chính quyền địa phương 19,5%, học phí 19,5%.

Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ khẳng định rằng chính quyền địa phương cần có vai trò lớn hơn trong việc quyết định các chính sách giáo dục cụ thể cho địa phương họ, vì họ có thể nắm chắc nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như nhu cầu của phát triển kinh tế tại địa phương. Phân quyền trong quản lý giáo dục là điều nên làm, và cần đi cùng với tăng cường năng lực cho giới chức thẩm quyền tại địa phương.

Trường hợp Ấn Độ

Các nhà hoạt động giáo dục ở Dakshina, bang Karnataka (Ấn Độ) đã tổ chức một chiến dịch vận động các chính quyền địa phương tham gia vào phong trào hoạt động xóa mù chữ. Thoạt đầu, nhà chức trách các địa phương không mấy quan tâm đến chiến dịch ấy. Các nhà vận động bèn tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện của chính quyền các địa phương, thuyết phục họ thông qua chiến dịch này để tăng cường mối gắn kết với cộng đồng dân cư và nói rằng xây dựng lòng tin của công chúng là việc có ý nghĩa quyết định cho kết quả tái đắc cử của họ. Luận điểm này đã có tác dụng và khiến các nhà chức trách địa phương bắt đầu xem xét nghiêm túc những đề nghị của các nhà vận động, bao gồm: 1.Xây dựng môi trường học tập, 2.Lên danh sách những người tình nguyện, giáo viên, những nhà hảo tâm sẵn lòng đóng góp tiền bạc, cơ sở vật chất hay tạo điều kiện cho giáo dục; 3. Xây dựng động lực học tập nhằm kích thích nhu cầu học của người dân; 4. Đào tạo; 5. Giám sát hoạt động của các đơn vị đào tạo.

Kết quả là những đề nghị này được thực hiện. Điều này cho thấy, hạn chế về ngân sách cho giáo dục không phải là một rào cản không thể vượt qua đối với việc phát triển giáo dục. Luôn luôn có những giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn lực, nếu các cấp lãnh đạo ở địa phương thực sự quan tâm đến phát triển giáo dục. Kết quả là một tình trạng tất cả các bên đều có lợi: người dân được học tập, nâng cao kỹ năng làm việc, giảm tỉ lệ thất nghiệp, có thêm nhiều cơ hội, gia tăng được năng suất, tạo ra thêm của cải; các nhà giáo dục hoàn thành được sứ mạng; chính quyền địa phương được tín nhiệm.

Trường hợp Trung Quốc

Công cuộc cải cách kinh tế hơn ba mươi năm qua tại Trung Quốc đã làm thay đổi sâu sắc vai trò của chính quyền các địa phương. Trong bối cảnh thị trường hóa và tư nhân hóa, chính quyền địa phương đang có xu hướng tập trung giám sát thành phần tư nhân nhất là trong những dịch vụ có tính chất độc quyền như cung cấp năng lượng, nước, truyền thông, hàng không; và vì chức năng chính của chính quyền địa phương là làm chính sách, họ đang tìm kiếm việc thực hiện các dịch vụ công một cách gián tiếp hơn, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Chính quyền địa phương ở Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của họ trong vấn đề ngân sách theo một cách tương đối khác với thực tiễn quốc tế[1]. Những khích lệ về mặt chính trị và yêu cầu cao của chính quyền cấp trên là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của các chính quyền địa phương. Cách tổ chức xã hội theo khuôn mẫu hệ thống cấp phát ngân sách kiểu Xô viết trước đây khiến chính quyền địa phương ở Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hầu hết các dịch vụ công, với rất ít ngoại lệ. Với việc áp dụng hợp đồng tài chính từ năm 1988, nhà nước trung ương đã chính thức kết thúc trách nhiệm cung cấp tài chính cho các địa phương và mở rộng vai trò của chính quyền địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ công đồng thời thu phí để tự trang trải cho nó. Trách nhiệm này của các địa phương bao gồm luôn cả xây dựng hạ tầng và an sinh xã hội. Dĩ nhiên điều này có thể tạo ra bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các địa phương trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công.

Trong bối cảnh đó, theo Yang Juan, Liu Yarong và Wang Shanmai, chính quyền địa phương khá lúng túng trong việc thực hiện những trách nhiệm không rõ ràng của họ đối với giáo dục, trong khi các đơn vị đào tạo thì có một tiếng nói khá yếu ớt trong việc diễn đạt những yêu cầu về giáo dục. Sự phân chia quyền lực của hệ thống quản lý hiện hữu khiến những trách nhiệm của chính quyền địa phương trở thành không nhất quán. Do vậy sau nhiều thử nghiệm, Trung Quốc đã đi đến xây dựng một hệ thống quản lý coi cấp tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm về giáo dục cưỡng bách, đồng thời mở rộng quyền hạn cho các đơn vị đào tạo dựa trên sự phân công lao động và hợp tác. Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục và y tế tư nhân nở rộ đã lấp khoảng trống về cung ứng những dịch vụ này cho người dân và bổ sung cho những gì nhà nước chưa thể đáp ứng. Dưới khẩu hiệu xã hội hóa (shehuihua), Trung Quốc đã bước trên con đường tư nhân hóa còn xa hơn cả các nước thuộc khối OECD trong việc tăng cường vai trò của thị trường nhằm đáp ứng các dịch vụ công[2].

Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, trong việc chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, những áp lực về tài chính có thể khiến người ta ưa thích những kế hoạch tăng thu nhập trong ngắn hạn hơn là những kế hoạch nhằm giải quyết nhu cầu phát triển lâu dài và những ưu tiên cho phúc lợi xã hội thường không được xem trọng đúng mức. Mối quan tâm của nhà nước mọi cấp là tăng cường nguồn thu, trong khi đáng lẽ ra phải là tăng cường vai trò đúng đắn của nhà nước. Đó là vì tuy phân quyền tài khóa, nhà nước trung ương vẫn kiểm soát việc thực hiện kế hoạch chính sách quốc gia, đặt ra nhiều nhiệm vụ phải thực hiện và áp đặt gánh nặng ấy cho các địa phương, hầu hết các nhiệm vụ này không được cung cấp đủ nguồn lực để thực hiện. Chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố phải xoay xở kinh phí để chi trả cho trợ cấp thất nghiệp và những phúc lợi xã hội trong lúc ở hầu hết các nước phát triển, chính quyền trung ương lo về an sinh xã hội, còn ngân sách giáo dục sẽ được chia sẻ giữa trung ương và địa phương.

Nghiên cứu của Wang Rong và Yang Jianfang năm 2004 cho thấy có một tương liên tiêu cực giữa phát triển kinh tế và chi tiêu ngân sách cho giáo dục ở địa phương. Những tỉnh có nhiều doanh nghiệp nhà nước thì chi thường xuyên cho giáo dục trong tổng chi của cả tài khóa thấp hơn so với những địa phương có khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn[3].

Tuy vậy, cũng có một số bài học thành công mà ta có thể học. Ở Trung Quốc, một thuận lợi là chính quyền địa phương (được hiểu là ở cấp tỉnh – county level administration) có quyền tự xây dựng luật cho địa phương họ và có quyền phân bổ ngân sách và nhân sự cho giáo dục. Họ chịu trách nhiệm thực hiện chính sách nhà nước về chương trình giáo dục cưỡng bách 9 năm và chương trình xóa nạn mù chữ. Cam Túc là một điển hình thành công: là một tỉnh nông nghiệp với 76% lực lượng lao động là phụ nữ, chính quyền Cam Túc từ năm 1994 đã tiến hành nhiều chương trình phát triển nông thôn trong đó chú trọng giáo dục bậc tiểu học và trung học cho nữ giới, dạy nghề và giúp họ tạo ra thu nhập. Họ lập ra 6 trung tâm dạy nghề chính thức, đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp rất thực tế cho những người học xong bậc trung học. Họ còn xây dựng nhiều khóa học phi chính quy thu hút tới 300.000 nông dân theo học hàng năm, 90% trong số đó nắm vững ít ra là một kỹ năng nào đó có thể tạo ra thu nhập và kết quả là thu nhập của họ đã tăng lên trông thấy trong những năm qua[4].

Một vài khuyến nghị cho Việt Nam

         HĐND các cấp có một vai trò quan trọng là cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và bảo đảm phát triển bền vững cho địa phương, mà giáo dục là chìa khóa để thực hiện điều này. Hiếm có nơi nào trên thế giới mà người dân bày tỏ một tinh thần hiếu học mãnh liệt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, quan niệm về sự học của nông dân phần lớn còn thu hẹp trong việc đào tạo trong nhà trường và gắn chặt với nhu cầu về bằng cấp, trong lúc thực tế thì việc học trong nhà trường chỉ là một phần trong cả cuộc đời, và sự thật là có bằng cấp gì không quan trọng bằng có khả năng làm được điều gì. Do vậy, tầm nhìn của nhà nước địa phương về phát triển giáo dục cần bao quát được cả hoạt động đào tạo chính thức của nhà trường lẫn những hình thức giáo dục phi chính quy khác.

Trách nhiệm trước hết của địa phương là xây dựng những chính sách về tiếp cận giáo dục, dành một phần thỏa đáng trong ngân sách giáo dục để bảo đảm cơ hội học tập cho con em gia đình thu nhập thấp. Mặc dù chính sách nhà nước hiện nay không thu học phí với tiểu học và trung học ở trường công, nhưng tình trạng lạm thu của các trường vẫn là một thực tế đầy khó khăn. Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng lạm thu là chính sách lương của giáo viên quá bất hợp lý. Cần nắm vững quan điểm chất lượng giáo dục chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng người thầy. Dù mái tranh vách lá nhưng người thầy có đạo đức, có hiểu biết vẫn có thể đào tạo con em chúng ta nên người; trong khi trường lớp khang trang trang thiết bị hiện đại dù cần thiết cũng không thể tự nó tạo ra chất lượng giáo dục. Phải bảo đảm cho người thầy đủ sống thì chúng ta mới có thể đòi hỏi họ hành xử đúng với sứ mạng và trách nhiệm của người thầy.

Hỗ trợ về đất đai cho việc xây dựng các trường tư thục là cách xã hội hóa dịch vụ giáo dục, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng. Trách nhiệm tham gia giám sát của địa phương, thông qua các hội đồng trường, là bảo đảm cho nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục và không trở thành thương mại hóa, thị trường hóa.

Để giảm tỉ lệ bỏ học, tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho người dân địa phương, cần chú trọng những nỗ lực phát huy nguồn lực tại chỗ. Một dự án thiết thực và thực sự vì lợi ích của con em sẽ giành được sự hỗ trợ của người dân, không chỉ về tiền của, mà còn là đóng góp về đất đai, trang thiết bị, người tình nguyện. Nếu người dân chưa có thói quen này, thì các địa phương cần vận động để họ quen dần với văn hóa tình nguyện và phục vụ cộng đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Niko Kyriakou, Role of Local Government in Education . Nguồn: | http://www.ehow.com/about_6456723_role-local-government-education.html#ixzz1JGvSjSzX

 

  1. Role of Local Government in Education http://www2.unescobkk.org/elib/publications/TrainingManual/MODULE2.PDF
  2. Yang Juan, Liu Yarong &Wang Shanmai, Educational Responsibilities Based on”County-based”Policy. School of Economics and Business Administration, Beijing Normal University; National Academy of Education Administration, Beijing.
  3. Wang Rong,Yang Jianfang (2004) Empirical Study on Educational Expenditures of Local Government in China.China Institute for Educational Finance Research, Beijing 100871,China

[1] Nguồn: http://www.hks.harvard.edu/fs/asaich/The_Changing_Role_of_Government.pdf

[2] Nguồn: Yang Juan, Liu Yarong &Wang Shanmai, Educational Responsibilities Based on”County-based”Policy. School of Economics and Business Administration, Beijing Normal University; National Academy of Education Administration, Beijing.

http://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTOTAL-SHGJ200912018.htm

[3] Wang Rong, Yang Jianfang (2004) Empirical Study on Educational Expenditures of Local Government in China.China Institute for Educational Finance Research, Beijing 100871, China. Nguồn:  http://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTOTAL-BDZK200804020.htm

[4] “Role of Local Government in Education . Nguồn: http://www2.unescobkk.org/elib/publications/TrainingManual/MODULE2.PDF