Phạm Thị Ly (2011)

 

TÓM TẮT

Cải cách chính sách học phí là một vấn đề quan trọng và phải được giải quyết trong mối quan hệ với nhiều yếu tố khác, trong đó có cơ chế giải trình trách nhiệm, là điều còn ít được nhấn mạnh ở Việt Nam. Bài viết này trình bày tổng quát về những xu hướng quốc tế trong việc cung cấp tài chính cho hoạt động của đại học, vai trò của cơ chế giải trình trách nhiệm như cái gốc của văn hóa chất lượng và là điểm mấu chốt để giải quyết mối tương quan giữa học phí và chất lượng đào tạo.

Sự cần thiết phải nghiên cứu vấn đề đổi mới chính sách học phí và cách tiếp cận vấn đề học phí:

Chính sách học phí nói riêng và tài chính đại học nói chung là một trong những vấn đề cốt tử của giáo dục đại học, và tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia. Chính vì vậy, xây dựng chính sách học phí là một bài toán có nhiều tham tố và rất cần được nghiên cứu chu đáo để đưa ra những giải pháp có tính đến lợi ích của tất cả các bên tham gia, có tính đến khả năng của nhiều bộ phận dân cư, đến quan hệ giữa chất lượng của nguồn nhân lực và chỉ số kinh tế tri thức, đến công bằng và ổn định xã hội, dựa trên những quy định chính sách đã có và thực tiễn đang diễn ra trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh nghiệm quốc tế.

Trong thực tế, học phí đại học công ở Việt Nam đã gần như giữ nguyên trong 7-8 năm qua bất chấp một thực tế hiển nhiên nhất là sự trượt giá của đồng tiền. Ở đại học tư, trừ một vài trường hợp cá biệt, phần nhiều mức học phí cách biệt với trường công chưa phải là quá lớn[1]. Hậu quả nhãn tiền là sự sa sút về chất lượng, do nguồn lực tài chính không đủ cho hoạt động, các trường phải tăng cường đào tạo ngoài chính quy, bất chấp tiêu chuẩn chất lượng, dẫn đến một hiện tượng thực tế là xã hội đang phủ nhận giá trị của bằng tại chức.

Nhưng điều quan trọng hơn là chính sách học phí này được xây dựng trên nền một lối tư duy đã lỗi thời cách đây nhiều năm, trong lúc những điều kiện kinh tế xã hội hiện tại đang thay đổi rất nhanh. Xác định lại một chính sách học phí hợp lý trên nền tư duy mới, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, và dựa trên những tính toán phân tích có cơ sở, là một nhu cầu hết sức cấp thiết.

Phần lớn các nhà quản lý ở các trường đại học Việt Nam đều nhìn thấy nhu cầu thay đổi chính sách học phí là một tất yếu, một đòi hỏi bức bách của thực tiễn, một xu thế chung của cả thế giới. Do vậy đã có nhiều đề án học phí được đưa ra tuy đều gặp sự phản kháng của số đông công chúng. Đó là do số đông công chúng chỉ nhìn vấn đề từ một phía, và những người chủ trương cải cách chính sách học phí chưa có những bằng chứng thuyết phục, dựa trên những tính toán và nghiên cứu nghiêm túc để chứng minh rằng trong những điều kiện nào thì tăng học phí sẽ dẫn đến tăng chất lượng, và điều này sẽ tác động đến trình độ phát triển chung của nền kinh tế như thế nào, cũng như các giải pháp đi kèm chính sách học phí nhằm bảo đảm công bằng xã hội và công bằng về cơ hội cho mọi người.

Chính vì vậy, bài toán học phí không thể giải quyết một mình mà cần được xem xét trong mối liên hệ với nhiều yếu tố khác, mà vấn đề nổi bật là cơ chế giải trình trách nhiệm. Nếu không cải cách học phí đại học, thì các trường Việt Nam không thể thoát ly cách tổ chức đào tạo hiện nay và sẽ vẫn phải tiếp tục mở rộng hệ tại chức bất chấp tiêu chuẩn chất lượng, vì đó là “nồi cơm” của các trường. Một điều rất vô lý là trong lúc “thị trường giáo dục” đang mở ngỏ cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài, với mức thu rất cao, mà chất lượng đào tạo và giá trị bằng cấp còn là một dấu hỏi, thì các trường đại học trong nước đang bị bắt buộc bơi trong phân khúc “học phí thấp-chất lượng thấp”.

Câu hỏi mà công chúng đặt ra là: 1/ liệu học phí cao có bảo đảm chất lượng đào tạo tốt, hay học phí cao chỉ có nghĩa là lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư giáo dục? 2/ khả năng hoàn vốn của việc đầu tư cho sự học: bằng cấp này có bảo đảm cho một công việc có thu nhập tốt hơn trong tương lai? Còn câu hỏi của các nhà làm chính sách là nên dành một tỷ lệ ngân sách như thế nào là hợp lý cho giáo dục đại học trong tương quan với giáo dục phổ thông, với những chính sách xã hội và mục tiêu phát triển khác, vì giáo dục đại học vừa là hàng hóa công, cũng vừa là lợi ích tư. Câu hỏi của các nhà quản lý là làm cách nào sử dụng tốt nhất nguồn lực hiện có cho giáo dục đại học. Nói cách khác, với cùng một quy mô nguồn lực, cách sử dụng khác nhau dẫn đến những kết quả khác nhau. Tất cả những câu hỏi đó đều có thể được trả lời thông qua cơ chế giải trình trách nhiệm, là điều hiện vẫn còn ít được lưu ý ở Việt Nam.

Cơ sở lý luận và thực tiễn quốc tế

 Có hai vấn đề mang tính chất lý luận cần được làm rõ: một là quan niệm về giáo dục đại học như lợi ích công hay như một hàng hóa dịch vụ trong bối cảnh của đại chúng hóa giáo dục, và hai là khái niệm về trách nhiệm giải trình trong văn hóa quản lý của các trường đại học trên thế giới.

Quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học và những thay đổi trong quan niệm về nguồn tài chính cho hoạt động đại học. Chỉ cách đây vài thập kỷ, giáo dục đại học vẫn còn là một đặc quyền của tầng lớp tinh hoa, chỉ dành cho một số ít người giàu có hoặc có năng lực trí tuệ xuất sắc. Ngày nay, ở những nước công nghiệp phát triển, tỉ lệ người học đại học trong tổng số người thuộc độ tuổi đại học đã vượt quá 50% (tỷ lệ này theo thống kê năm 2008 là 82 % ở Hoa Kỳ, 58 % ở Nhật Bản, 59 % ở Anh) [2], và đang tăng chóng mặt ở các nước đang phát triển: chỉ trong một thập kỷ từ 1998 đến 2008, Trung Quốc đã nâng gấp đôi số trường đại học và gấp năm lần tổng số sinh viên nhập học mỗi năm, đưa tỷ lệ người vào đại học trên tổng số dân trong độ tuổi đại học đến 23 %. Ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện đang ở mức khoảng 19,2%. Quá trình đại chúng hóa giáo dục diễn ra đồng thời với sự phát triển của kinh tế tri thức, khiến việc theo đuổi giáo dục bậc cao trở thành một sự đầu tư thực sự đối với từng cá nhân cũng như đối với cả quốc gia.

Trong bối cảnh đó, mô hình tài chính đại học dựa trên ngân sách công của tất cả các nước đều đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Xu hướng hiện nay là hầu hết các nước đều giảm dần đầu tư công cho giáo dục đại học, kể cả ở những nước vốn có truyền thống bao cấp hoàn toàn cho giáo dục như Đức hay Anh. Trên toàn thế giới, có nhiều mô hình tài chính đại học đang cùng tồn tại: ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines, phần lớn sinh viên học tại các trường đại học tư và trả toàn bộ học phí của mình. Ở bộ phận các trường công tinh hoa, sinh viên cũng phải trả học phí. Ở Hoa Kỳ, 80% sinh viên theo học tại các trường đại học và cao đẳng công lập, và trả một khoản học phí bằng khoảng một phần tư chi phí đào tạo thực sự. 20% còn lại học tại các đại học tư, nơi họ phải trả theo mức gần bằng chi phí đào tạo thực sự của nhà trường[3]. Có những nước nghèo miễn phí hoàn toàn cho bậc học đại học, như các nước châu Phi ngày nay chẳng những miễn học phí mà còn cung cấp cả ký túc xá và sinh hoạt phí. Cho tới những năm cuối của thập kỷ 90, Trung Quốc vẫn miễn học phí đại học, nhưng từ 1998 đến nay đã chuyển mạnh sang cơ cấu thu học phí.

Anh Quốc đang dẫn đầu những thay đổi ở châu Âu kể từ năm 1997. Sinh viên sẽ phải trả học phí (thập niên trước khoảng 1000 bảng/năm, và hiện nay từ 6.000-9.000 bảng), tuy là một con số khiêm tốn nhưng tiêu biểu cho một thay đổi lớn trong quan điểm về bản chất của giáo dục bậc đại học và về việc ai phải trả tiền. Xu hướng chung hiện nay trên thế giới là sinh viên phải trả học phí ở bậc đại học, và nhà nước cấp tín dụng để hỗ trợ những gia đình thu nhập thấp. Một ý tưởng khác là đánh thuế vào những người đã tốt nghiệp đại học dựa trên thu nhập của họ sau khi tốt nghiệp, để tạo nguồn tài chính cho giáo dục đại học, giúp duy trì mức học phí tương đối thấp ở các trường để nhiều sinh viên có thể theo học. Mô hình này đã được thử nghiệm ở Úc và nhiều nước khác. Nước Đức, nơi đã từng có thời kỳ huy hoàng của giáo dục đại học, đang đối mặt với sự giảm sút chất lượng nghiêm trọng do những khó khăn về tài chính, đang buộc phải xem xét lại chính sách miễn phí học phí đại học của mình.

Bộ phận các trường đại học tư đang mở rộng rất nhanh ở nhiều nước cũng giúp đáp ứng cho nhu cầu đại chúng hóa giáo dục đại học mà không làm tăng chi tiêu của ngân sách công. Quá trình tư nhân hóa đã chuyển gánh nặng tài chính đại học sang vai sinh viên. Phần lớn việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học ở Nga và Trung Âu là dựa vào thành phần đại học tư. Châu Mỹ Latin cũng phát triển rất nhanh các trường tư. Hầu hết các trường tư có xu hướng thiên về đào tạo định hướng nghề nghiệp và những chuyên ngành hẹp mà chi phí đào tạo tương đối thấp như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và ngoại ngữ.

Thực tiễn này đặt ra những vấn đề lý luận rất cơ bản mà các nhà làm chính sách cần giải quyết. Hiển nhiên là mô hình nhà nước cung cấp toàn bộ tài chính cho đại học, dựa trên quan niệm coi giáo dục đại học là hàng hóa công và lợi ích công, chỉ phù hợp khi số người học đại học là một thiểu số tinh hoa, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số. Đại chúng hóa giáo dục khiến việc cung cấp tài chính cho các trường trở thành một gánh nặng khổng lồ đối với nhà nước của mọi quốc gia. Sự phát triển của kinh tế tri thức và quá trình dân chủ hóa cũng liên quan đến việc xem xét lại bản chất của trường đại học. Trường đại học từ chỗ đào tạo một số ít người trở thành người lãnh đạo xã hội, nay đã mở rộng cho một số đông công chúng, và nhằm vào đào tạo lực lượng lao động bậc cao để đáp ứng cho nhu cầu của kinh tế tri thức. Theo Philip Altbach, có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong giáo dục. Giáo dục đang trở thành một hàng hóa được mua bán trên phạm vi quốc tế. Không còn cái thời giáo dục được xem là nhằm mục đích tạo ra kỹ năng, thái độ và giá trị cần phải có đối với tư cách công dân, nhờ đó con người có thể tham gia có hiệu quả vào xã hội hiện đại; và do vậy, giáo dục là một đóng góp trọng yếu cho lợi ích chung của bất cứ xã hội nào. Thay vào đó, giờ đây giáo dục đại học ngày càng được coi là một thứ hàng hóa được khách hàng trả tiền mua nhằm xây dựng một bộ kỹ năng để dùng trên thị trường, một sản phẩm được mua và bán giữa các công ty đa quốc gia với các trường đại học, những người đang tự biến mình thành các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục.

Trước thực tế đó, những nước vốn có truyền thống bao cấp cho giáo dục đại học cũng đang buộc phải cấu trúc lại hệ thống của mình nhằm tập trung nguồn lực cho lĩnh vực đào tạo liên quan đến nghiên cứu cơ bản và để phân khúc đào tạo nghề bậc cao cho hệ thống đại học tư hoạt động theo nguyên tắc “người mua (sinh viên) là người trả tiền (cho giáo dục đại học)”. Xu hướng quốc tế hiện nay là tỉ lệ của đầu tư công trong tổng chi phí cho giáo dục đại học ngày càng giảm.

Vấn đề trách nhiệm giải trình trong văn hóa quản lý của trường đại học.

Trách nhiệm giải trình (accountability) là một khái niệm trong đạo đức học và khoa học về quản trị, với nhiều ý nghĩa. Thuật ngữ này thường được dùng với cùng ý nghĩa như những thuật ngữ trách nhiệm (responsibility), khả năng biện minh (answerability), nghĩa vụ pháp lý (liability), là những thuật ngữ liên quan tới những mong đợi về khả năng chịu trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý, và thực hiện công việc; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích, biện minh cho mọi hậu quả của những việc chúng ta làm. Khả năng giải trình trách nhiệm được hiểu như năng lực thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ, năng lực biện minh cho hành động của mình trong quá khứ hoặc tương lai, và chịu đựng sự trừng phạt nếu như hành động ấy vi phạm các quy tắc đạo đức và pháp lý.

Trách nhiệm giải trình là cốt lõi của quan hệ công việc giữa các cá nhân với nhau, cũng như giữa một tổ chức với cơ quan quản lý và công chúng, và đặc biệt quan trọng trong những lĩnh vực có quan hệ tới lợi ích của số đông công chúng, chẳng hạn chính sách công hay những hoạt động sử dụng ngân sách công. Hoạt động tài chính của trường đại học, nhất là học phí, là một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm đối với công chúng, dù là đại học công hay tư, vì đại học công thì liên quan đến việc sử dụng tiền ngân sách, tức là tiền thuế của dân chúng, còn đại học tư thì dựa trên học phí là nguồn thu trực tiếp từ người dân. Do vậy, các trường đại học ở những nước dân chủ phát triển đều công khai minh bạch báo cáo giải trình trách nhiệm hàng năm của mình, trong đó có tất cả số liệu về cơ cấu thu chi của nhà trường. Điều này đã là một nét quan trọng trong văn hóa quản lý của các trường đại học, và là nhân tố không thể thiếu để duy trì niềm tin của công chúng với sự chính đáng trong các hoạt động của nhà trường.

Vấn đề học phí đại học ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay 

Việt Nam không nằm ngoài xu thế đại chúng hóa giáo dục đại học đang diễn ra trên toàn thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2010, chỉ trong hai thập kỷ, số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam đã tăng từ 106 đến 412 trường (gấp bốn lần), và số sinh viên từ 129.600 người tăng đến 1.719.499 người (gấp mười ba lần) [4]. Sự mở rộng hệ thống như vậy là rất mạnh, và nguồn lực để đáp ứng cho sự mở rộng này (về tài chính và nhân lực) hiển nhiên là đã tỏ ra không đủ để đáp ứng. Về nhân lực thì trong lúc số sinh viên tăng 13 lần, số giảng viên chỉ tăng 3 lần, còn mức lương cơ bản của giảng viên chỉ tăng 1,87 lần. Về nguồn lực tài chính, theo Bộ GD&ĐT, năm 2006, chi bình quân cho 1 học sinh, sinh viên ở nước ta là 723 USD (quy đổi sức mua tương đương), chỉ bằng 1/4 của Thái Lan (3.170 USD) và Malaysia (3.031 USD), bằng 1/8 của Hàn Quốc (5.733 USD), chưa bằng 1/10 của Đức (7.368 USD), của Nhật (7.789 USD) và chỉ bằng 1/16 của Mỹ (12.023 USD)[5]. Với mức chi cho đào tạo như vậy, thực sự không thể nói đến việc cạnh tranh về chất lượng.

Hiện nay, học phí hầu như vẫn giữ ở mức khoảng 1.800.000- 2.700.000 đồng/sinh viên/năm từ thập kỷ 90 đến nay, mặc dù đồng tiền Việt Nam đã trải qua những đợt trượt giá khá đáng kể. Tổng sản phẩm nội địa (danh nghĩa) bình quân đầu người ở Việt Nam tăng 4,7 lần (năm 1999 là 3,6 triệu đồng/người/năm, năm 2008 là 17 triệu đồng/người/năm). Chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần (1 triệu đồng của năm 2008 có sức mua hàng chỉ tương tương 500.000đ năm 1998). Thay đổi mức thu học phí trong bối cảnh đó là một giải pháp tất yếu để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Mặc dù vậy, Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 – 2012, đã được báo cáo Bộ Chính trị ngày 05 tháng 3 năm 2009 và sau khi tiếp tục hoàn chỉnh đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13 tháng 5 năm 2009, tuy đã được chuẩn bị rất công phu và hợp lý, kể cả đã đề xuất những giải pháp hỗ trợ tín dụng, đã vấp phải phản ứng lo ngại của công luận, về biên độ dao động khá lớn giữa mức thu cơ bản và mức trần (255.000 đồng/tháng-800.000 đồng/tháng), và nhất là về cam kết chất lượng đào tạo. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, “Các trường không công khai cam kết chất lượng giáo dục, không công bố đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục, không công bố nguồn lực thực tế của nhà trường phục vụ đào tạo (giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo …), không công khai tài chính của nhà trường để nhà nước và người dân dễ dàng kiểm tra, giám sát”[6]. Ngay cả khi thực hiện ‘Ba công khai” (về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự và tài chính) theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường cũng chưa thực sự thuyết phục được công chúng, trong bối cảnh “văn hóa đối phó” lan tràn ở Việt Nam. Xếp hạng và kiểm định chất lượng đang được xem như một phương tiện để thuyết phục lòng tin của công chúng, hơn là một phương tiện đối sánh để cải thiện chất lượng hoạt động.

Có ba thực tế cần phải xem xét khi bàn đến học phí đại học. Một là khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư đang tăng: một bộ phận người giàu đang hướng đến việc đưa con cái ra nước ngoài du học, bộ phận trung lưu không đủ sức cho con cái du học thì mong muốn có những trường chất lượng tốt với học phí tương xứng, và bộ phận người nghèo mà đối với họ ngay cả mức học phí rất thấp hiện nay cũng đã là một vấn đề lớn. Điều này có nghĩa là hệ thống đại học và học phí cần phải đa dạng và linh hoạt hơn. Hai là, tâm lý trọng bằng cấp, chuộng hư danh vẫn rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, một nền kinh tế trong đó chất xám và các kỹ năng mềm trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì bằng cấp không đi cùng thực học sẽ ngày càng mất giá trị. Xu hướng đòi hỏi thực học sẽ ngày càng mạnh, đi cùng với nó là thái độ chấp nhận mức học phí cao, với điều kiện là nó bảo đảm cho chất lượng cao. Đó là một trong những lý do khiến các trường nước ngoài hoặc các chương trình liên kết nước ngoài tìm được một thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam. Ba là trong thực tế hiện nay, nhiều trường đại học, nhất là trường tư, đang hoạt động như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục và đang tạo ra lợi nhuận, mặc dù mức thu học phí hiện tại vẫn còn rất thấp.

Thực tế đó tạo ra mối quan ngại lớn nhất của công chúng, là học phí tăng liệu có bảo đảm cho chất lượng tương xứng. Nhiều trường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này bằng kiểm định và xếp hạng. Nhưng trong bối cảnh của “văn hóa đối phó”, trong tâm trạng thiếu lòng tin vào sự chính trực nói chung của xã hội, kiểm định và xếp hạng không phải là một bảo đảm chắc chắn của chất lượng. Chất lượng thật chỉ có thể có khi trường đại học nói riêng, và cả xã hội nói chung, xây dựng được văn hóa chất lượng, mà nền tảng của nó chính là tinh thần trách nhiệm và cơ chế giải trình trách nhiệm. Chất lượng đào tạo thực sự của nhà trường được minh chứng qua sản phẩm của họ: phẩm chất và năng lực của sinh viên tốt nghiệp trong việc thích ứng với xã hội kinh tế tri thức đang thay đổi từng ngày. Đó là những thứ giúp họ trở thành lực lượng dẫn đầu những đổi mới trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, và chính trị của đất nước. Nhà trường cần phải chứng minh được rằng những sản phẩm này là kết quả của một triết lý và quy trình đào tạo, chứ không phải một thành công đột xuất dựa trên những nỗ lực hay thiên khiếu cá nhân. Việc chứng minh ấy là một quá trình lâu dài, trong quá trình ấy, cơ chế giải trình trách nhiệm vừa là một động lực giúp cải thiện chất lượng hoạt động bên trong, vừa là một phương tiện minh chứng với bên ngoài về chất lượng hoạt động của nhà trường.

Do vậy, không nên nhìn cơ chế giải trình trách nhiệm chỉ đơn giản là công khai báo cáo hàng năm của các trường, mặc dù đó là việc hết sức cần thiết. Chủ trương Ba công khai của Bộ GD&ĐT là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong việc nâng cao trách nhiệm của các trường đối với công chúng, và có thể xem là một khởi đầu đúng hướng trong việc xây dựng và củng cố cơ chế giải trình trách nhiệm trong hệ thống đại học. Giải trình trách nhiệm cần trở thành một nhân tố không thể thiếu trong mọi khâu của quá trình quản lý, trở thành một nguyên tắc hoạt động của từng người và của cả tổ chức. Nó hoàn toàn đối lập với cách làm qua quýt, dối trá, cách báo cáo và nhào nặn con số sao cho “đẹp” bất chấp sự thật. Nó là nền tảng để xây dựng văn hóa trách nhiệm và văn hóa chất lượng.

Tự chủ đang là một vấn đề lớn của các trường đại học Việt Nam. Vấn đề học phí là một phần của tự chủ tài chính và sẽ không thể giải quyết bên ngoài khuôn khổ của tự chủ đại học. Tuy nhiên, phần lớn các trường khi nhấn mạnh đòi hỏi về tăng mức tự chủ đã không lưu ý đầy đủ đến mặt bên kia của tự chủ là cơ chế giải trình trách nhiệm. Nếu như cơ chế giải trình trách nhiệm được thực hiện nghiêm túc thông qua những định chế thích hợp chẳng hạn các báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, thì nhiều khả năng là nguồn lực của nhà trường sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Cũng cần lưu ý là điều này đòi hỏi một bộ khung chính sách phù hợp, trước hết là từ các cơ quan quản lý.

Kết luận

Sự mở rộng quy mô và phát triển nhanh chóng về số lượng của hệ thống đại học Việt Nam đặt ra những thử thách to lớn về chất lượng, trong việc giải quyết bài toán này, tài chính đại học trở thành một vấn đề then chốt. Trong khi ngân sách công không thể đáp ứng cho một hệ thống đại học đang trở thành đại chúng hóa, truyền thống hiến tặng cho đại học chưa hình thành, các nguồn thu do hoạt động nghiên cứu và dịch vụ còn hạn chế, học phí là một nguồn thu quan trọng của đại học công và gần như là nguồn thu duy nhất của các đại học tư, thì cải cách mức thu học phí là tất yếu để bảo đảm chất lượng. Vai trò của nhà nước không phải là quy định mức trần mức sàn hay quản lý cách chi tiêu của các trường mà là thiết kế bộ khung chính sách nhằm bảo đảm những định chế phù hợp cho việc thực hiện cơ chế giải trình trách nhiệm của các trường và giám sát việc thực hiện những định chế đó.

Kiểm định chất lượng và xếp hạng là những hoạt động cần thiết thúc đẩy việc cải thiện chất lượng hoạt động của các trường, nhưng bản thân nó không bảo đảm cho việc nâng cao văn hóa chất lượng, vốn là nhân tố cốt lõi để tạo ra chất lượng thật, để đào tạo ra những con người có thực học. Cũng như vậy, xây dựng thương hiệu có thể là điều cần thiết mà các trường cần làm, nhưng mọi chiến lược xây dựng thương hiệu đều cần đặt trên nền tảng của chất lượng thật. Cam kết chất lượng thật chính là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề học phí và tài chính đại học; nhưng cam kết chất lượng thật sẽ là điều khó lòng thực hiện nếu không có cơ chế giải trình trách nhiệm đi kèm với nó.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

  1. Andrea Santiago, Gerardo Largoza and Mitzie Irene Conchada. “What Does It Cost a University to Educate One Student?” International Journal of Education Policy & Leadership, February 12, 2007. Volume 2, Number 2 1
  1. Paul T. Brinkman and Anthony W. Morgan. 2010. “Financial Planning: Strategies and Lessons Learned”. Planning for Higher Education. 38(3): 5–14.
  1. Peter McPherson and David Shulenburger. 2010. “Understanding the Cost of Public Higher Education”. Planning for Higher Education. 38(3): 15–24
  2. Philip G. Albach 2006. “International Higher Education: Reflections on Policy and Practice”. Boston College
  3. “Trends in College Spending: Where does the money come from? Where does it go?”A Report of Delta Project
  4. Nghị định 49/2010/NĐ-CP ban hành ngày 14-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ

PHỤ LỤC: Mức thu học phí của một số trường đại học ở Việt Nam, năm 2009

HỌC PHÍ MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ
NĂM HỌC 2009-2010 (đồng/năm)

stt Tên trường Mức thu Học phí
1 ĐH Đông Đô 5.000.000 -5.200.000
2 ĐH Chu Văn An 5.900.000-6.500.000
3 ĐH Lạc Hồng 6.000.000
4 ĐH YERSIN Đà Lạt 6.500.000-7.000.000
4 ĐH Kinh doanh Công nghệ 7.000.000
5 ĐH Thành Tây 7.000.000
6 ĐH Hùng Vương 7.000.000
7 ĐH Dân lập Hải Phòng 7.900.000
8 ĐH Đại Nam 8.000.000
Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ TP.HCM: 8.000.000- 8.500.000
9 ĐH Công nghệ Saigon 7.200.000-9.000.000
10 ĐH Ngoại ngữ và Tin học(HUFLIT) 9.800.000-10.000.000
11 ĐH Thăng Long 13.000.000- 16.000.000
12 ĐH Nguyễn Trãi 15.000.000
13 ĐH Hoa Sen 19.500.000
14 ĐH FPT 1000 USD= 21.000.000
15 ĐH Hồng Bàng 14.000.000-28.000.000
16 ĐH Kinh tế-Tài chính (UEF) 45.000.000
17 ĐH Tư thục Công nghệ – Quản lý 5.000 USD=102.000.000
18 Trường ĐH quốc tế RMIT Việt Nam 4.684 USD – 6.142 USD= 93.000.000-122.000.000

 

[1] Xem Phụ lục 1: Thống kê mức học phí ở một số trường đại học, số liệu năm 2008

[2] UNESCO, 2009 Global Education Digest, p. 128-137

[4] Theo báo cáo Số 329/BC-UBTVQH12 ngày 26-5-2010 của UB Thường vụ Quốc hội

[5] Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2008 – 2012

[6] Tài liệu đã dẫn