Tác giả: Da Hsuan Feng
Phó Hiệu trưởng Nghiên cứu và Giáo dục sau Đại học, Đại học Texas tại Dallas

(Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất về đại học đẳng cấp quốc tế tổ chức tại Đại học Giao thông Thượng Hải, 16-18 tháng 6, 2005.)

Người dịch: Bùi Nguyên Tùng
Hiệu đính: Phạm Thị Ly (2008)

Tôi muốn gửi lời cám ơn đến nhà tổ chức, giáo sư N.C. Liu của đại học Giao thông Thượng Hải, người đã mời tôi đến đây phát biểu hôm nay. Tôi rất vinh dự được ở đây nói chuyện cùng các nhà lãnh đạo giáo dục lỗi lạc từ các trường đại học của châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Trước khi tôi quên mất, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn đến người bạn và người thầy của tôi về các vấn đề giáo dục đại học toàn cầu, Tiến sĩ Fujia Yang. Bốn năm trước, ông đã trở thành hiệu trưởng danh dự người châu Á đầu tiên tại trường đại học xuất sắc của Anh quốc, đại học Nottingham. Fujia từng là hiệu trưởng của của một trường đại học xuất sắc khác, trường Đại học Fudan, Thượng Hải. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn được gặp ông vào hồi cuối thập niên 70 tại Viện Niels Bohr ở Copenhagen. Những điều tôi học được ở ông ấy trong 30 năm qua là vô giá!

Hôm nay chúng ta tập trung ở đây để nói về một vấn đề đáng chú ý của giáo dục toàn cầu: xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Tôi nghĩ rằng quí vị sẽ đồng ý với tôi rằng chỉ cho đến mới gần đây thôi, những cuộc thảo luận về vấn đề nay là hoàn toàn vô nghĩa. Dù tôi tin rằng sự làm việc không mệt mỏi của G.S. Liu và cộng sự trong ấn bản xếp hạng đại học gần đây của họ là lý do trực tiếp mà chúng ta có mặt ở đây, tôi vẫn muốn cùng quí vị đi ngược thời gian để tìm hiểu tại sao trước đây không ai nghĩ đến một bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Từ thế kỷ 16 đến Thế chiến lần thứ nhất là khoảng thời gian các trường đại học của châu Âu phát triển thành những chuẩn mực của sự ưu tú. Trong và sau thời kỳ Thế chiến thứ hai là lúc Bắc Mỹ thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng, châu Âu chìm vào thời khủng hoảng riêng của họ và các trường đại học Bắc Mỹ nổi lên như những ứng viên cạnh tranh sáng giá với các trường của châu Âu.

Cho đến tận gần cuối thế kỷ 20, các trường đại học của châu Á mới bắt đầu xuất hiện trên bản đồ giáo dục đại học toàn cầu. Điều này chủ yếu nhờ vào sự ổn định về chính trị, nền kinh tế mới với khoa học kỹ thuật hiện đại ở nhiều nước châu Á. Do đó, công bằng mà nói thì các trường đại học của châu Á, đặc biệt ở khu vực Thái bình dương và Nam Á, đang bắt đầu chứng tỏ sự hiện diện của mình.

Vì vậy, tôi tin rằng đây chính là thời điểm thích hợp nhất mà chúng ta tập trung về đây, một trong những thành phố hoa lệ mới của châu Á, Thượng Hải, tại một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc, trường Đại học Giao thông Thượng Hải, để bàn về xếp hạng đại học toàn cầu. Tôi tin rằng hội nghị lần thứ nhất về đại học đẳng cấp quốc tế lần này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn mang theo nhiều thông tin trọng yếu.

Tôi cũng có một mục đích cá nhân tại hội nghị lần này. Tôi rất tin tưởng là các trường đại học, đặc biệt là các trường nghiên cứu, chính là cỗ máy tri thức và kinh tế của khu vực. Có rất nhiều ví dụ cho thấy chất lượng cuộc sống hay thậm chí quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia tại một khu vực phụ thuộc vào các trường đại học. Tôi hy vọng sau hội nghị lần này sẽ có sự thiết lập các cuộc đối thoại liên tục giữa những trường đại học không chỉ từ ba khu vực nói trên mà cả ở Nam Á, khu vực Ả rập, châu Phi cũng như Nam Mỹ.

Việc xếp hạng trường đại học dù ở phạm vi quốc gia hay quốc tế đều khó khăn. Một số người còn có thể cho rằng đó là việc không tưởng. Có một điều là dù tình trạng nền tri thức có thể giống nhau nhưng tình trạng nền kinh tế mỗi vùng, mỗi quốc gia mỗi khác. Tôi xin đơn cử ví dụ Anh và Mỹ. Hai quốc gia này có rất nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên khi tìm hiểu kĩ ta sẽ thấy rằng ngân sách nghiên cứu của các trường đại học của hai quốc gia này có nhiều điểm hoàn toàn khác nhau, cả về số lượng cũng như cách phân bổ và quản lý. Do đó có thể lý luận rằng so sánh đại học Anh và Mỹ chẳng khác gì so sánh quả táo và quả cam.

Dù vậy, việc xếp hạng các trường đại học trên thế giới hiện nay nhận được sự chấp thuận to lớn từ xã hội, đặc biệt đối với các trường đại học nghiên cứu. Ngoài ra, việc có một hệ thống xếp hạng với các tiêu chuẩn được định nghĩa rõ ràng sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Chúng ta đều biết rằng cạnh tranh lành mạnh là một điều tốt với bất kì tổ chức nào. Do đó, chúng ta, những nhà lãnh đạo giáo dục, có thể giả làm những con đà điểu, húc đầu vào cát và hy vọng vấn đề sẽ biến đi, hoặc chủ động đi tiên phong trong việc kiến tạo một quá trình giúp cho việc xếp hạng trở nên có ý nghĩa. Đối với tôi sự lựa chọn này thật rõ ràng vì lựa chọn thứ hai là một bổn phận mà chúng ta cần phải chấp nhận.

Hiện tại có hai bảng xếp hạng, một của Đại học Giao thông Thượng Hải và một của tờ London Times. Có một điều tôi thấy rất đáng phấn khởi là dù hai bảng xếp hạng này dựa trên những tiêu chí khác nhau, nhìn chung chúng lại rất phù hợp. Sau đây là một số ví dụ.

Hãy lấy trường hợp các trường đại học tại New York và California. Thứ hạng các trường đại học trong hai tiểu bang này trên từng bảng xếp hạng là như sau:

Các trường ĐH ở New York ĐH GT TH London Times
Columbia Univ 9 19
Cornell Univ 12 23
Rockefeller Univ 29 Không có thứ hạng
New York University 32 79
Rochester University 52 86
State Univ New York – Stony Brook 101-152 136

 

Các trường ĐH ở California ĐH GT TH London Times
Stanford Univ 2 7
Univ California – Berkeley 4 2
California Inst Tech 6 4
Univ California – San Diego 13 24
Univ California – Los Angeles 16 26
Univ California – San Francisco (M) 17 20
Univ California – Santa Barbara 35 72
Univ California – Davis 42 182
Univ Southern California 48 180

Tôi tin rằng các vị sẽ đồng ý với tôi rằng hai bảng xếp hạng này khá nhất quán với nhau.

Tuy nhiên tôi sẽ bị coi là cẩu thả nếu không chỉ ra một số ít điểm hoàn toàn không nhất quán giữa hai bảng xếp hạng trên, đặc biệt là:

Các trường ĐH tại Châu Á ĐH GT TH London Times
Hong Kong Univ Sci & Tech 202-301 42
Peking Univ 202-301 17
Tsing Hua University ( Beijing) 202-301 62
University of Hong Kong 202-301 39
National University of Singapore 101-152 18
Nanyang Technological University 302-403 50

Ta có thể dễ dàng thấy được rằng hai hệ tiêu chí khác nhau được áp dụng cho hai bảng đánh giá trên, và những điểm bất đồng giữa các tiêu chí đó có ảnh hưởng to lớn đến xếp hạng của các trường ĐH Châu Á. Khảo sát nguyên nhân đằng sau những điểm bất đồng trên sẽ là một công việc thú vị.

Những điểm nhất quán và cả bất đồng trên cho tôi thấy rằng ta cần làm việc nỗ lực hơn nữa để tìm ra những điểm đặc trưng chung của các trường ĐH trong việc đánh giá họ. Tôi nghĩ rằng đa số mọi người đều đồng ý với tôi rằng một trong những mục tiêu quan trọng của xếp hạng ĐH toàn cầu là để đưa ra cho các nhà giáo dục một chuẩn mực nào đó về sự “ưu tú”. Thật vậy, trường nào có thứ hạng cao hơn sẽ là trường ưu tú hơn. Trong việc đánh giá một trường ĐH, có rất nhiều yếu tố cần được xem xét. Chẳng hạn như các công trình nghiên cứu, số lượng người đoạt giải Nobel, thành tựu của các cựu sinh viên, vân vân và vân vân.

Sự ưu tú dĩ nhiên là khó xác định và có thể còn tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của mỗi người. Dành cho cuộc thảo luận này, tôi muốn đặt lên bàn hai trong số những ý kiến chủ quan của tôi về một số nét đặc trưng chung của các trường đại học, tức là những điểm đặc trưng không phụ thuộc vào biên giới quốc gia hay khu vực. Dĩ nhiên đây chưa phải là một tập hợp đầy đủ nhưng tôi hy vọng tại đây sau một vài ngày thảo luận nữa chúng ta có thể tìm ra một tập hợp đầy đủ hết mức có thể của các điều kiện chung này, từ đó đưa ra một ảnh hưởng tích cực cho công cuộc đánh giá xếp hạng ĐH toàn cầu trong tương lai.

Đầu tiên và trên hết, tôi cho rằng vai trò lãnh đạo, đặc biệt là hiệu trưởng, là cơ sở tối quan trọng. Tiếng nói của người lãnh đạo luôn có tác động lớn đến phương hướng của trường. Thật vậy, người hiệu trưởng chính là cánh cửa sổ giữa trường ĐH và thế giới bên ngoài. Chiều sâu tri thức, sự tao nhã, tầm nhìn và quan trọng nhất, lòng can đảm của người hiệu trưởng là sự phản ánh trực tiếp trái tim, tâm hồn và chất lượng trường ĐH của họ. Trong lịch sử, các trường ĐH lớn luôn được dẫn dắt bởi những hiệu trưởng lớn. Tại Bắc Kinh tháng 8 năm 2004, TS. Richard Levin, hiệu trưởng ĐH Yale trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hiệu trường Trung Quốc và Quốc tế đã nói rằng nếu không có công lao của Hiệu trưởng Charles William Elliot vào khoảng nửa sau thế kỷ 19, trường ĐH Harvard sẽ không có chỗ đứng ngày hôm nay. (Việc một hiệu trưởng đương nhiệm của Yale lại sẵn sàng phát biểu trước công chúng về sự vĩ đại của một cựu hiệu trưởng Harvard cũng đủ cho thấy tầm vóc của Hiệu trưởng Elliot.) Về cuối thế kỷ 20, các Hiệu trưởng ĐH phải gánh trên vai những trách niệm ngày càng nặng nề. Tầm nhìn để biến đổi trường ĐH từ một cỗ máy tri thức thuần túy sang một cỗ máy tri thức và cả kinh tế là một trong những trách nhiệm chính của các cá nhân này.

Nói về điểm này tôi muốn nhắc đến trường hợp của ĐH Bắc Kinh (PKU). Một trong những hiệu trưởng đầu tiên của PKU là một người không nổi tiếng lắm ở phương Tây (dù rằng ông đáng được nổi tiếng), tên ông là Cai Yuan-Pei. Tôi nghĩ rằng cũng như Elliot của Harvard, PKU sẽ không có ngày hôm nay nếu không được ông Cai lèo lái từ những ngày đầu. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của ông Cai, PKU không chỉ trở thành linh hồn của cộng đồng ĐH Trung Quốc, mà còn của lịch sử và văn hóa Trung Hoa thế kỷ 20. Làm thế nào để đong đếm được “ảnh hưởng vô hình” của PKU lên đất nước Trung Quốc? Có hợp lý không khi cho rằng PKU không phải là một ĐH đẳng cấp quốc tế trong khi nó có ảnh hưởng to lớn đến Trung Quốc, nơi ở của một phần tư nhân loại, trong suốt một thế kỷ?

Do đó, tôi có thể nói một cách tự tin rằng nếu lãnh đạo của một trường ĐH yếu kém thì trường ĐH đó cũng sẽ như vậy. Vì lý do này, tôi cho rằng một thành phần quan trọng then chốt của xếp hạng đại học toàn cầu là việc xếp hạng các hiệu trưởng.

Thứ hai, có một điều rất rõ ràng rằng một trường ĐH lớn thì phải sản sinh ra những tên tuổi lớn. Điều này đúng ở Anh quốc, ở Trung Quốc, ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Một trong những lý do cơ bản của sự tồn tại của các trường ĐH là vì chúng có thể, và cần phải, sản sinh ra những công dân có khả năng cải thiện cuộc sống cho nhân loại. Điều này có nghĩa là một trường ĐH lớn phải có thể truyền đạt cho sinh viên của nó một tầm nhìn quốc tế và lòng tôn trọng sâu sắc đối với con người và các giá trị nhân văn. Thật vậy, trường ĐH là nơi các thanh niên nam nữ sẽ được khai sáng, theo nghĩa rộng nhất của từ này, chứ không phải chỉ được giáo dục hay huấn luyện. Trường ĐH cần phải trở thành cái nền nơi họ học cách liên kết những dấu chấm, cho dù các dấu chấm đó có vẻ hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Tạo ra những sinh viên nổi bật như vậy theo tôi là một đặc điểm chung của các trường ĐH lớn. Do đó với tư cách là những nhà giáo dục, tôi tin rằng chúng ta nhất thiết phải tìm cách “thống nhất hóa” đánh giá chất lượng sinh viên trên toàn cầu. Tôi biết rằng đây không phải là một việc dễ dàng và có thể cần thời gian dài để tích hợp dữ liệu. Nhưng tôi tin rằng điều này cần được xem xét cẩn thận.

Tôi xin phép được kết thúc bằng vài ý về nhiệm vụ của giáo dục ĐH, đặc biệt là đối với các ĐH nghiên cứu, trong thiên niên kỷ mới này.

Dù chỉ mới bước vào thế kỷ 21 được bốn năm rưỡi, chúng ta đã phải đối đầu với những thử thách toàn cầu mới về kinh tế, tri thức, kỹ thuật, sinh thái cũng như quân sự. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân loại đang đứng tại một ngã tư đường và vì vậy tôi tin rằng giáo dục ĐH đang mang một trọng trách trước đây chưa từng có.

Tôi tin rằng người Trung Quốc có một từ có thể diễn tả rất chính xác hoàn cảnh toàn cầu của chúng ta hiện nay đó là “wei-ji” tức là “thời cơ nguy hiểm”. Thật vậy, có vô số cơ hội trong việc tìm kiếm giải pháp và các cơ hội làm ăn cho các thử thách toàn cầu phức tạp này. Có người cho rằng kỹ thuật sẽ giải quyết tất cả những vấn đề này. Không đúng như vậy. Chỉ có con người mới có thể giải quyết vấn đề. Để giái quyết những vấn đề tầm vóc quốc tế, ta cần những con người có suy nghĩ và quan điểm toàn cầu. Để giái quyết những vấn đề trên cần có những sự sáng tạo và đổi mới chưa từng có trước đây trong lịch sử nhân loại. Tôi hy vọng mục tiêu cuối cùng của xếp hạng ĐH toàn cầu không phải chỉ là để xác định trường nào là nhất mà còn là cách để chúng ta có thể cùng nâng cao chất lượng của các trường ĐH ở mọi ngõ ngách trên thế giới để đối đầu và vượt qua những thử thách to lớn trước mặt. Sự sống còn của nhân loại dựa vào nỗ lực của chúng ta.

 (Nguồn: Newsletter from the Office of the Vice President for Research and Graduate Education – U. T. Dallas, 2005)