Phạm Thị Ly (2011) 

TÓM TẮT

Giáo dục, cũng như y tế, có ảnh hưởng rất lớn đến tiền đồ của một quốc gia. Trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, vai trò quan trọng của giáo dục càng được khẳng định. Chính sách giáo dục cần phải dựa vào chứng cứ đáng tin cậy. Chứng cứ phải được đúc kết từ nghiên cứu khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ và gần đây là Trung Quốc đều hết sức chú ý đến tầm quan trọng của nghiên cứu giáo dục. Tuy vậy, trong thực tiễn hiện nay hoạt động nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam còn rất hạn chế và có thể nói rằng chưa đáp ứng được nhu cầu hoạch định chính sách. Bài viết này nêu rõ ý nghĩa của những đóng góp mà bộ môn nghiên cứu giáo dục có thể mang lại cho tiến trình cải cách giáo dục, đặc biệt là về mặt phương pháp.

RESEARCH ON EDUCATION SCIENCE- AN URGENT NEED FOR AN ERA OF GLOBALIZATION

Like health care policy, an education policy has important impacts on the future of a nation. In the era of knowledge-based economy and globalization, the important role of education is increasingly established. Education policies should be based on reliable scientific evidence, which are obtained from proper scientific research. It’s not an accident that the U.S, and more recently China have placed a great emphasis on educational research, which has helped those countries make a significant stride in education reform. However, in Vietnam, educational research as a scientific discipline has been formally established, and few scientific research have been done. As a result, most education policies in Vietnam have not been based on sound and relevant scientific evidence. The present paper will brieftly review the contribution of educational research to the process of education reform in the US and China, and then provide a perspective of applied evidence-based education in Vietnam

            Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng không hài lòng về tình trạng hiện tại của hệ thống giáo dục nước họ, và không ngừng tiến hành những cuộc cải cách. Hiện có khoảng 50 quốc gia đang thực hiện những cải cách sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục, vì thực tiễn của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa đang diễn tiến nhanh đến mức các hệ thống giáo dục hiện tại đều tỏ ra không bắt kịp những thay đổi mạnh mẽ ấy. Một cường quốc giáo dục như Hoa Kỳ cũng đang lo ngại vì tình trạng giáo dục xấu đi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đến mức tăng trưởng của họ trong tương lai. Những nước đang đạt được những thành tích ấn tượng như Trung Quốc chẳng hạn thì càng ra sức đầu tư cho giáo dục bậc cao, vì họ hiểu rõ chính chất lượng của giáo dục sẽ bảo đảm duy trì sức cạnh tranh của mình trong những năm sắp đến.

Những nỗ lực cải cách giáo dục vừa đề cập trên là kết quả từ những nghiên cứu nghiêm túc về khoa học giáo dục. Có thể ví von rằng nghiên cứu về khoa học giáo dục là để cung cấp dữ liệu cho bản vẽ thiết kế ngôi nhà giáo dục và là để thiết kế ngôi nhà ấy. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học giáo dục không phải lúc nào hay ở đâu cũng được nhận thức một cách đầy đủ. Do vậy, bài viết này dành một phần nói về vai trò và thực tiễn của việc nghiên cứu giáo dục ở một số nước, và phần còn lại, nói về bộ môn giáo dục quốc tế và so sánh như một bộ phận hết sức quan trọng của nghiên cứu khoa học giáo dục, hiện trạng và nhu cầu phát triển việc nghiên cứu về giáo dục quốc tế ở Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học giáo dục ở một số nước

  • Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục (Institute of Education Science-IES) là một đơn vị được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội, Viện trưởng do Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm, với sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện, tức là nhân sự này được quyết định ở cấp cao nhất về mặt lập pháp và hành pháp của một quốc gia, điều này cho thấy chính phủ Hoa Kỳ coi trọng như thế nào tầm vóc lớn lao và ý nghĩa quan trọng của việc phát triển khoa học giáo dục. Sứ mạng của IES là cung cấp và chia sẻ rộng rãi những thông tin, sự kiện, bằng chứng của thực tiễn giáo dục và xã hội làm nền tảng cho việc xây dựng chính sách giáo dục và thực hiện chính sách ấy. Họ có nhiệm vụ “mang lại cho giới lãnh đạo quốc gia một hiểu biết và kiến thức cơ bản rộng rãi về giáo dục, từ cấp mầm non cho đến giáo dục đại học, cũng như mang lại cho các nhà nghiên cứu, các nhà làm chính sách, các nhà giáo dục, phụ huynh, sinh viên và công chúng những thông tin đáng tin cậy về toàn bộ hoạt động giáo dục. Kết quả nghiên cứu của họ được đòi hỏi là phải khách quan, phi tôn giáo, trung lập và không bị áp đặt ý thức hệ, cũng như không bị chi phối bởi những ảnh hưởng chính trị và thiên kiến về chủng tộc, văn hóa, giới hay khu vực”[1].

Mục tiêu của IES là nối kết giữa nghiên cứu, chính sách và thực tiễn. IES có bốn trung tâm nghiên cứu: Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Giáo dục; Trung tâm Quốc gia về Đánh giá Giáo dục và Hỗ trợ vùng, và Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Giáo dục Đặc biệt. Theo Luật Cải cách Khoa học Giáo dục năm 2002, IES hoạt động dưới sự cố vấn và giám sát của Hội đồng Khoa học Giáo dục Quốc gia. Với ngân sách hàng năm 200 triệu đô la Mỹ (trong tổng số ngân sách của nhà nước liên bang dành cho việc nghiên cứu về khoa học giáo dục trong năm tài khóa 2008 là 429 triệu đô la Mỹ[2]) và đội ngũ nhân sự khoảng gần 200 người, IES đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học có bình duyệt với đòi hỏi rất cao về chất lượng; đào tạo và hỗ trợ chuyên viên nghiên cứu về khoa học giáo dục cho cả nước. Họ tài trợ cho những nhà nghiên cứu hàng đầu trong cả nước để tìm câu trả lời cho mọi vấn đề mà thực tiễn giáo dục đặt ra. Họ thu thập và phân tích dữ liệu thống kê về những điều kiện của giáo dục, đánh giá quy trình giáo dục, khảo sát kết quả của cải cách, cung cấp mọi dữ liệu và thông tin cần thiết cho công chúng, các nhà hoạt động giáo dục, và nhà nước, thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, các hội thảo và ấn bản khoa học. Chương trình nghiên cứu của họ được định hình bằng những mối quan tâm của các nhà làm chính sách, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục, những người hiểu rõ nhất câu hỏi nào là quan yếu nhất đối với hoạt động thực tiễn của giáo dục. Sản phẩm mà họ tạo ra hàng năm là một kho dữ liệu khổng lồ về mọi mặt hoạt động của giáo dục, từ các kết quả nghiên cứu, công bố khoa học mới nhất trong lĩnh vực giáo dục, đến các thống kê về nguồn lực, các báo cáo tài chính, các kết quả đánh giá chất lượng giáo dục, thông tin về các quỹ tài trợ nghiên cứu,v.v. Tóm lại, gần như bất cứ thông tin gì mà các nhà quản lý, các nhà làm chính sách, các nhà giáo dục, và công chúng cần biết để làm cơ sở cho quyết định của mình thì đều có thể tìm thấy trong các kết quả nghiên cứu của họ.

Tất nhiên, Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia không phải là đơn vị duy nhất nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Hoa Kỳ. Nhiều trường đại học có Khoa Giáo dục đều có hoạt động nghiên cứu rất mạnh mẽ về các lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu những vấn đề lý luận và chuyên sâu, chẳng hạn như Đại học Chicago, Đại học Michigan, Đại học Wisconsin, Đại học Pittsburgh, Đại học California ở Los Angeles, và Đại học Illinois, bên cạnh những “người khổng lồ” truyền thống về nghiên cứu giáo dục là Teacher College của Columbia University, School of Education của Harvard, của Stanford University (xếp hạng 2,3,và 4 năm 2010 theo thứ tự trong những trường có đào tạo ngành giáo dục học) và trường được xếp hạng nhất về ngành này là Vanderbilt University. Nhỏ hơn nhưng có những nỗ lực đáng nể là Đại học Syracuse, Đại học Maryland, Đại học Massachusetts, và một số ít trường khác[3]. Đó là nơi đào tạo ra những người nghiên cứu chuyên nghiệp về khoa học giáo dục.

  • Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Trung Quốc

Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Trung Quốc (China National Institute for Educational Research-CNIER) là cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, được thành lập năm 1957 với sự chấp thuận chính thức của Hội đồng Nhà nước và Ban Bí thư Trung ương. Trong “Cách mạng văn hóa” (1966-1976), nó bị giải tán và rồi sau đó được tái thành lập vào ngày 14 Tháng Bảy 1978 theo chỉ thị của Hội đồng Nhà nước trực tiếp là ông Đặng Tiểu Bình. CNIER gắn với nhiều khía cạnh của nghiên cứu chính sách giáo dục, nghiên cứu lý thuyết cơ bản, nghiên cứu giáo dục thực nghiệm, và nghiên cứu giáo dục so sánh. Họ có hai nhà xuất bản và bốn tạp chí khoa học lớn chuyên về giáo dục. CNIER quản lý các chương trình nghiên cứu về giáo dục trong cả nước, và được xem như cơ quan đầu não định hướng cho tất cả các cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục khác ở 30 tỉnh thành trong cả nước. CNIER có 140 nhà nghiên cứu trong biên chế cơ hữu. Viện được cơ cấu các ban chuyên môn là: Ban Phát triển Giáo dục, Ban Lý luận Giáo dục, Ban Giáo dục và Nguồn Nhân lực, Ban Khảo thí và Đánh giá Giáo dục, Ban Tâm lý học và Giáo dục Đặc biệt, Ban Chương trình Đào tạo và Phương pháp Giảng dạy, Ban Giáo dục học. Tương ứng với các ban, họ có các trung tâm nghiên cứu (TTNC): TTNC Chính sách Giáo dục, TTNC Giáo dục So sánh, TTNC Dạy nghề và Giáo dục cho Người lớn, TTNC về Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Giáo dục, TTNC Giáo dục Mầm non, TTNC Giáo dục Đặc biệt. Tất nhiên, phạm vi nghiên cứu của họ còn bao quát rộng hơn như vậy. Ngoài các trung tâm nghiên cứu đã nêu họ có các chương trình và dự án để nghiên cứu hàng loạt vấn đề chẳng hạn như công nghệ giáo dục, khoa học kỹ thuật và phát triển xã hội, sức khỏe tâm thần, giáo dục gia đình, giáo dục cộng đồng, giáo dục thể chất và khoa học thần kinh, phát triển giáo dục và năng lực cạnh tranh của quốc gia theo quan điểm so sánh, v.v.

Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia TQ có các phân viện đặt tại 30 tỉnh thành địa phương. Ngoài Viện này, Trung Quốc có Viện Giáo dục Hong Kong (The Hong Kong Institute of Education – HKIEd)[4], là một cơ quan được ngân sách nhà nước cấp kinh phí để nghiên cứu về giảng dạy và học tập, về khoa học giáo dục, các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến giáo dục; đồng thời đào tạo giáo viên và cán bộ nghiên cứu ở bậc đại học và sau đại học. Định hướng của họ là nghiên cứu ứng dụng, liên ngành, kết hợp nghiên cứu với phục vụ cộng đồng coi trọng hợp tác quốc tế và xây dựng năng lực nghiên cứu cho đội ngũ.

Khác với Viện Khoa học Giáo dục Hoa Kỳ, nơi mà gần như mọi kết quả nghiên cứu thông tin, dữ liệu, thống kê đều được công khai cho công chúng tiếp cận, chúng ta sẽ không tìm thấy những thông tin đại loại như vậy trên trang web của Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Trung Quốc hay ngay cả Viện Giáo dục Hong Kong. Trên trang web của CNIER hay HKIEd, có thể thấy họ đang nghiên cứu vấn đề gì, và ai đang thực hiện những đề tài hay chương trình, dự án nghiên cứu đó, nhưng không thể tìm thấy nội dung kết quả cụ thể của những nghiên cứu này. Có thể là truyền thống văn hóa Á châu còn xa lạ với thói quen minh bạch thông tin như phương Tây, nhưng câu hỏi quan trọng hơn cần đặt ra, là những kết quả nghiên cứu này đã có vai trò và ảnh hưởng như thế nào đối với những quyết sách chiến lược của nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục. Rõ ràng là ở Hoa Kỳ, kết quả nghiên cứu về khoa học giáo dục có giá trị tư vấn cho Bộ Giáo dục và những nhà hoạch định chính sách quốc gia. Nhưng ở Trung Quốc, liệu các nhà nghiên cứu có một vai trò tương tự như thế hay không, hoặc là họ chỉ có nhiệm vụ “minh họa” cho các chủ trương đường lối của nhà nước, là điều không khó nhận ra. Một ví dụ dễ thấy, là hệ thống xếp hạng đại học của Trường Đại học Giao thông Vận tải (SJTU) và trào lưu đại học đẳng cấp quốc tế cùng với vô vàn công trình nghiên cứu về đề tài này đã ra đời sau khi chủ tịch Giang Trạch Dân tuyên bố quyết tâm của nhà nước đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về giáo dục đại học.

Về nghiên cứu giáo dục quốc tế &so sánh và nhu cầu của Việt Nam

  • Vài nét lịch sử

Nghiên cứu giáo dục quốc tế và so sánh là một bộ môn trẻ tuổi của nghiên cứu khoa học giáo dục. Nó hình thành từ thập kỷ 60 và được chính thức đánh dấu bằng sự ra đời của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế và So sánh vào năm 1969. Theo Nelly P. Stromquist, Giáo dục So sánh nhấn mạnh việc tìm hiểu về động lực của những đổi thay trong giáo dục và tìm kiếm những mô hình thay đổi chung giữa các quốc gia. Giáo dục Quốc tế về cơ bản tập trung vào các nước đang phát triển và những nỗ lực nhằm hướng giáo dục vào việc phục vụ cho xây dựng đất nước. Khái niệm về GDQT&SS bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các môn học và chương trình đào tạo của một số trường đại học, cũng như trong các tạp chí khoa học và những cuộc thảo luận nhằm mục đích xây dựng chính sách giáo dục[5]. Hiển nhiên là tiến trình toàn cầu hóa diễn ra càng mạnh mẽ thì nhu cầu về nghiên cứu giáo dục quốc tế và so sánh càng lớn. Dưới tác động của toàn cầu hóa, các quốc gia ngày nay có muốn đứng ngoài dòng chảy quốc tế cũng không được. Hội nhập quốc tế là nhu cầu khẩn thiết của toàn cầu hóa, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, nơi mà nguồn nhân lực có kỹ năng đủ để đáp ứng đòi hỏi của kinh tế tri thức vẫn còn rất thiếu.

Theo Philip Altbach, GDSS từ trong bản chất của mình, có tính chất quốc tế và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những xu hướng thế giới trong nghiên cứu và tri thức. Hầu hết các nhóm học giả nhỏ hơn trong lĩnh vực GDSS, chẳng hạn như Hàn Quốc, Brazil, Đài Loan, thậm chí cả Nhật Bản, đều hướng về hoạt động của các trung tâm GDSS chính để tìm định hướng cho xu hướng và phương pháp nghiên cứu của mình. Ở một số nước, nổi bật nhất là Trung Quốc, những bước phát triển đầy ấn tượng của GDSS gắn bó rất chặt chẽ với chính sách nhà nước. Sự phát triển của GDSS ở một số nước thuộc thế giới thứ ba, cùng với việc xây dựng các tổ chức và tạp chí chuyên môn, là một trong những bước phát triển lớn lao nhất. Việc tập hợp các học giả và thể chế hóa lĩnh vực này trong những cộng đồng GDSS nhỏ hơn như Úc, Canada, Nhật Bản, và nhiều nước Tây Âu khác, cho thấy sự lan rộng đầy ấn tượng của việc nghiên cứu GDSS trên toàn thế giới.

Tuy vậy, những tạp chí nghiên cứu và các nhà xuất bản chủ yếu về GDQTSS vẫn nằm tại Mỹ và Anh, và tuyệt đại đa số những thứ được lưu hành quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn này là được viết bằng tiếng Anh. Kluwer, một nhà xuất bản Đức chịu trách nhiệm ấn hành Tạp chí Quốc tế về Giáo dục đã thực hiện các ấn bản của mình hầu như toàn bộ bằng tiếng Anh! Điều đáng chú ý và thật đáng tiếc là nhiều bài viết về GDQTSS đã được dịch rộng rãi từ tiếng Anh sang nhiều thứ tiếng khác nhưng rất hiếm có những thứ được dịch từ các thứ tiếng khác sang tiếng Anh.

Có nhiều bằng chứng cho thấy rõ GDSS ở cả Tây Âu và Đông Âu đã được xây dựng rất tốt và hoạt động rất tích cực. GDSS đã đóng một vai trò lớn lao trong việc hội nhập Châu Âu từ năm 1992 là do Cộng đồng Châu Âu đã nhấn mạnh giáo dục như một nhân tố quan trọng để xây dựng một châu Âu thống nhất[6].

  • Các xu hướng và sự phát triển[7]

GDSS bắt đầu bằng miêu tả hệ thống giáo dục, tức là mô hình tổ chức giáo dục ở các nước và sự vận hành của giáo dục. George Z.F.Bereday, tổng biên tập sáng lập tờ Tạp chí Nghiên cứu GDSS, là người quan tâm hơn tới việc phân tích phân tích những vấn đề giáo dục trong khuôn khổ so sánh và cũng là người tiên phong mở đường cho phương pháp tiếp cận phân tích đối với GDSS. Thời kỳ đầu ở những năm 60, người ta có khuynh hướng nhấn mạnh vào những phương pháp định lượng. Ngay từ thời đó, kết quả nghiên cứu khảo sát kết quả giáo dục ở nhiều nước đã bắt đầu có ảnh hưởng sâu sắc tới việc xây dựng chính sách giáo dục.

Đến giữa thập kỷ 80, có một số thay đổi rất đáng kể đã diễn ra trong lịch sử ngành GDSS. Các nhà giáo dục không chỉ miêu tả các hệ thống giáo dục mà còn bắt đầu quan tâm nghiên cứu và phân tích những nhân tố quốc tế trong giáo dụcnhững vấn đề chung có tính xuyên quốc gia chẳng hạn như vai trò của giới trong giáo dục. Những phương pháp nghiên cứu mới như miêu tả dân tộc học và quan sát thành viên bắt đầu được coi trọng, và những hệ tư tưởng mới có khả năng thay thế cái cũ cũng đã được sử dụng để phân tích thông tin trong GDSS. Sự thống trị của những mô hình như chủ nghĩa chức năng cấu trúc trước đây nay đã vỡ tan. Hàng loạt quan điểm khác nhau đã du nhập vào lĩnh vực nghiên cứu GDSS tạo ra một cuộc tranh luận rộng rãi hơn và một cách tiếp cận chiết trung hơn. Về nhiều mặt, những bước phát triển này phản ánh tình trạng của khoa học xã hội nói chung, khi những nguồn phân tích đa dạng bắt đầu chiếm chỗ những trường phái tư tưởng thống trị trước đây.

Hơn nữa, những phong trào xã hội đa dạng đã cho thấy tầm quan trọng của những nhân tố mới mẻ và quan trọng cần được phân tích. Chẳng hạn, phong trào phụ nữ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề giới, một thay đổi trong những chủ đề thảo luận về giáo dục- Đây là một nhân tố trước đây không được nghiên cứu nhiều và không được những người chịu trách nhiệm về chính sách giáo dục quan tâm đến, dù đó được coi là một vấn đề trọng yếu có thể tạo ra thay đổi trong những phân tích về giáo dục.

Những định hướng trước đây nhìn chung nhấn mạnh vào sự hội nhập của nhà trường và xã hội, nay có thêm những nghiên cứu mới tập trung vào các xung đột và vào những phân tích có tính chất phê phán và thường là triệt để hơn về vai trò của giáo dục.

Đồng thời cũng có một sự thay đổi từ những mối quan tâm bao quát về quan hệ nhà trường-xã hội với những vấn đề về chính sách vĩ mô đến những nhân tố trong bản thân nhà trường– nay được coi là đáng quan tâm hơn nhiều. GDSS từ thập kỷ 80 có liên hệ nhiều hơn đến nội dung hoạt động của nhà trường và những tác động trực tiếp của nhà trường đối với học sinh và xã hội. Bắt đầu xuất hiện nhiều hơn mối quan hệ gần gũi giữa GDSS và nghiên cứu về chương trình. Cùng với những mối quan tâm này, đã có một sự thay đổi từ cách tiếp cận định lượng trong nghiên cứu sang những phương pháp nghiên cứu định tính. Tất nhiên đồng thời với việc bị lôi cuốn vào việc tìm tòi những thứ có thể thay đổi được trong bản thân nhà trường, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục những suy tư về vai trò của nhà nước trong giáo dục, vẫn nỗ lực để hiểu biết nhiều hơn về mối liên hệ giữa giáo dục và việc thay đổi xã hội.

  • Hiện trạng và Nhu cầu nghiên cứu về GDQT&SS của Việt Nam

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, và phải chấp nhận cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Làm sao Việt Nam có thể đào tạo được những con người đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, nếu chúng ta không thay đổi hệ thống giáo dục đào tạo của mình theo những chuẩn mực quốc tế? Nghiên cứu giáo dục quốc tế và so sánh chính là nhằm học hỏi từ kinh nghiệm thành công và thất bại trong thực tiễn giáo dục của các nước, nhằm tìm ra con đường và giải pháp phù hợp cho Việt Nam. Có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nghiên cứu giáo dục quốc tế là để “biết người”, và so sánh là để “biết ta”. Có biết người đầy đủ mới có thể biết ta một cách sâu sắc[8].

Trong bối cảnh đó rất cần đẩy mạnh việc nghiên cứu về GDQT&SS ở Việt Nam. Hiện nay việc nghiên cứu về giáo dục quốc tế ở Việt Nam còn rất hạn chế. Có một số bài báo khoa học liên quan đến chủ đề GDQT&SS của các cá nhân, tiêu biểu là các bài nghiên cứu đối chiếu giữa giáo dục Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam của Lâm Quang Thiệp, nghiên cứu về giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế của Phạm Đỗ Nhật Tiến, Phạm Duy Hiển, nghiên cứu về giáo dục Hàn Quốc của Đỗ Ngọc Thống, nghiên cứu về giáo dục đại học của Hoa Kỳ, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ của Vũ Thị Phương Anh, Phạm Thị Ly và một số bài giới thiệu giáo dục các nước của các tác giả khác. Gần đây có một nghiên cứu so sánh giữa giáo dục Việt Nam và Thái Lan của Nguyễn Văn Tuấn. Nhìn chung những nghiên cứu này chưa thực sự đi sâu vào việc tiếp cận những vấn đề cốt lõi của giáo dục Việt Nam theo quan điểm so sánh, mà chỉ dừng ở mức độ cung cấp một số thông tin làm cơ sở cho việc phân tích, phần lớn dựa trên nguồn tư liệu thứ cấp và nhất là chưa có đóng góp mới về mặt phương pháp.

Trên bình diện hệ thống, hiện nay chưa có tổ chức nào có một đơn vị nghiên cứu chuyên về GDQT&SS. Bộ môn này tuy có được giảng dạy ở các khoa Giáo dục như Khoa Giáo dục của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, khoa Quản lý Giáo dục của Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng không có các hoạt động nghiên cứu nổi bật. Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm TPHCM là đơn vị đã ba lần tổ chức Hội thảo Quốc gia về GDQT&SS, với sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia quốc tế về giáo dục quốc tế và so sánh trong các năm 2007, 2008, và 2009, với các chủ đề “Phát triển GDSS ở Việt Nam”, “Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh tòan cầu hóa”, và “Hợp tác Quốc tế trong Giáo dục Đại học ở Việt Nam”. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tập hợp đội ngũ nghiên cứu về giáo dục quốc tế và kêu gọi xã hội quan tâm hơn đến việc tìm hiểu kinh nghiệm và tri thức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác của giới nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên còn rất xa mới đáp ứng được nhu cầu của việc nghiên cứu về giáo dục quốc tế nói riêng, và khoa học giáo dục nói chung, trong bối cảnh Việt Nam cần có một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng. Cho dù thực tiễn mỗi nước rất đa dạng, giáo dục vẫn vận hành theo những nguyên lý chung và chia sẻ những giá trị chung. Rất dễ đồng ý rằng không thể thành công khi sao chép y nguyên một mô hình giáo dục nào trên thế giới, vì mỗi quốc gia có những nền tảng văn hóa và kinh tế chính trị khác nhau, nhưng không phải ai cũng thấy rằng không nên cường điệu những nét đặc thù của mỗi quốc gia để rồi tách chúng ta khỏi xu hướng phát triển chung của cộng đồng quốc tế[9]. Nghiên cứu giáo dục quốc tế và so sánh với Việt Nam chính là con đường giúp nền giáo dục của chúng ta nhanh chóng hội nhập với thế giới.

  • Về giáo dục thực chứng (evidence-based education)

Trong phần trên, bài viết đã có đề cập đến việc những công trình liên quan đến GDSS ở Việt Nam đã có cho đến nay chưa có đóng góp mới về mặt phương pháp. Việc tiếp cận với nghiên cứu giáo dục quốc tế có thể mang lại kết quả tích cực về mặt này. Hiện nay trên thế giới người ta phải dựa vào bằng chứng để làm chính sách, gọi là “evidence based policies”. Những bằng chứng thuyết phục thường xuất phát từ nghiên cứu khoa học.

Trong y khoa hiện nay, giới nghiên cứu hiểu rất rõ thực hành y khoa cần phải dựa vào bằng chứng, và bằng chứng chỉ có thể tin cậy nếu rút ra từ nghiên cứu. Giáo dục cũng không khác, vì là một lĩnh vực có ảnh hưởng đến nhiều người và nhiều thế hệ, nên nhu cầu chứng cứ rất quan trọng[10]. Y học thực chứng (evidence- based medicine) đã trở thành kim chỉ nam cho thực hành y khoa và chính sách y tế công cộng, nhưng trong lĩnh vực giáo dục, thì giáo dục thực chứng (evidence-based education) chưa được chú ý, ngay cả trên thế giới hiện nay cũng có rất ít nghiên cứu giáo dục thực chứng. Do vậy, định hướng tương lai sẽ là tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục và giáo dục thực chứng sẽ là xu hướng chủ đạo. Cách tiếp cận việc nghiên cứu giáo dục qua lăng kính dựa trên bằng chứng và dữ kiện như vậy có thể thổi một luồng gió mới vào hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam[11].

Kết luận

Nghiên cứu khoa học giáo dục là một nhu cầu khẩn thiết để xây dựng cơ sở lý luận dẫn đường cho cải cách giáo dục, cũng như để thu thập và phân tích thông tin làm cơ sở cho những quyết sách về giáo dục. Thiếu nghiên cứu khoa học giáo dục sẽ không tránh khỏi cách làm “thử và sai” mà nhiều khi cái giá phải trả không thể tính bằng tiền mà phải tính bằng đời người, tính bằng nhiều thế hệ và tương lai của quốc gia. Nghiên cứu giáo dục quốc tế giúp chúng ta tránh được việc “phát minh lại cái bánh xe”, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các cường quốc giáo dục trên thế giới, do vậy, rất cần được đẩy mạnh. Tri thức về giáo dục quốc tế không chỉ cần cho các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách, mà còn cần cho tất cả những người quản lý giáo dục, cần cho từng giảng viên, vì chính họ là những người trong thực tế sẽ định nghĩa nên hệ thống giáo dục.

Để ngành học giáo dục quốc tế có thể phát triển mạnh ở Việt Nam, thì việc nghiên cứu những vấn đề của nó sẽ không thể tách rời khỏi dòng chảy tri thức toàn cầu. Nói cách khác, một mặt, việc chấp nhận “luật chơi” của quốc tế khi bước vào sân chơi quốc tế sẽ diễn ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực giáo dục; và giáo dục quốc tế, bằng cách giúp chúng ta hiểu rõ luật chơi ấy, sẽ giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn và nhanh hơn trong thế giới toàn cầu hóa. Mặt khác, nghiên cứu giáo dục quốc tế đem lại những bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại của các nước trong lĩnh vực giáo dục, nhất là của những nước có điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị gần gũi với Việt Nam; làm được điều này, chúng ta sẽ biến cái bất lợi của người đi sau thành ra một lợi thế tương đối trong việc phát triển giáo dục.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Altbach P. G. “Trends in comparative education”. Comparative Education Review 1991; 35:491-507.
  1. Eli Mazur, Phạm Thị Ly. Mục tiêu sư phạm của Hệ thống đào tạo theo tín chỉ Mỹ và những gợi ý cho cải cách giáo dục đại học Việt Nam”. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế về Chuyển đổi sang hệ thống Đào tạo theo tín chỉ ở Việt nam do Đại học Huflit tổ chức tháng 2-2006, TPHCM, Việt Nam.
  2. Đỗ Ngọc Thống. « Giáo dục Hàn Quốc và đôi điều suy nghĩ». Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 60, Tháng 9-2010).
  3. Dianne Oliver, Paul A. Elsner, Nguyễn Thanh Phượng,  Toàn cầu hóa và Giáo dục Đại học: Sự xuất hiện các trường Cao đẳng Cộng đồng ở Việt Nam” Kỷ yếu Hội thảo GDSS Lần thứ hai năm 2008.
  4. Nelly P. Stromquist. “Comparative and International Education: A Journey toward Equality and Equity”. Harvard Educational Review, Spring 2005.
  5. Lâm Quang Thiệp. “Về sự phát triển giáo dục đại học tư ở Việt Nam và Trung Quốc”. Kỷ yếu Hội thảo GDSS Lần thứ ba năm 2009.
  6. Lâm Quang Thiệp, “Higher Education in Cambodia, Lao PDR and Vietnam“, co-author with Tong-In Wongsothorn, Pich Sophoan, Thamarath Nakhavith – published by UNESCO PROAP and SEAMEO-RIHED, Bangkok
  7. Lâm Quang Thiệp “Giáo dục đại học Việt Nam và sự tham khảo kinh nghiệm của giáo dục đại học Hoa Kỳ”. Kỷ yếu Hội thảo về “Phát triển Giáo dục so sánh ở Việt Nam” , Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐHSP HCM, 5/2007
  8. Lâm Quang Thiệp, “Về xu hướng hội nhập Giáo dục Đại học trên thế giới và những đổi mới của Giáo dục Đại học Việt Nam” – Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới Giáo dục Đại học Việt nam – Hội nhập và thách thức” – Hà Nội, 3/2004
  1. Little Lee Soldier, “Những vấn đề toàn cầu trong quản lý và tài chính đại học: Trường hợp của Việt Nam”- Kỷ yếu Hội thảo về “Phát triển Giáo dục so sánh ở Việt Nam” , Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐHSP HCM, 5/2007
  1. Paul Bryant, Phạm Thị Ly. “Một vài So sánh hệ thống quản trị đại học của Hoa Kỳ và Việt Nam”. Báo cáo tại Hội thảo Giáo dục So sánh Lần thứ nhất ngày 23-5-2007: “Phát triển Giáo dục So sánh ở Việt Nam”, TPHCM, Việt Nam.

Ghi chú

[1] Tham khảo: Education Sciences Reform Act of 2002,

[2] Nguồn: http://nces.ed.gov/programs/digest/d08/tables/dt08_377.asp?referrer=report

[3] Theo kết quả xếp hạng năm 2010 của US News. Nguồn: http://grad-schools.usnews.rankingsandreviews.com/best-graduate-schools/top-education-schools/rankings

 

[4] Nguồn: http://www.ied.edu.hk/web/view.php?page=about_hkied

[5] Nguồn: Comparative and International Education: A Journey toward Equality and Equity, Harvard Educational Review, Spring 2005.

[6] Nguồn: Altbach P. G., Trends in Comparative Education, Comparative Education Review, Vol 35, 3:1991.

[7] Phần này viết dựa trên tư liệu và nhận định của Philip Altbach (bài đã dẫn).

[8] Đoạn văn này đã được tác giả sử dụng trước đây trong lời nói đầu của Bản tin Thông tin GDQTSS của Đại học Hoa Sen, số 1-2010.

[9] Ý tưởng này là của Bùi Mạnh Hùng.

[10] Xem thêm: Nguyễn Văn Tuấn, “Giáo dục thực chứng”. Nguồn: http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1138-giao-duc-thuc-chung

[11] Xem thêm: Hempenstall, K. (2006). What Does Evidence-based Practice in Education Mean? Australian Journal of Learning Disabilities, 11(2), 83-92; Philip Davies (1999), “What Is Evidence-Based Education?”. British Journal of Educational Studies, Vol. 47, No. 2, pp. 108-121.