Phạm Thị Ly (2010)

(Báo cáo khoa học tại Hội thảo Đánh giá và xếp hạng các trường đại học và cao đẳng Việt Nam” do Ban Liên lạc các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam tổ chức tháng 4-2010 tại Huế)

Tóm tắt

Bài báo cáo này trình bày mục tiêu ban đầu của việc xếp hạng các trường đại học, những tác động của việc xếp hạng đối với các bên liên quan đã diễn ra trong thực tiễn như thế nào ở phương Tây và ở Trung Quốc, cũng như những diễn biến gần đây nhất trong việc xếp hạng đại học trên thế giới. Tác giả đi đến kết luận là, mặc cho nhiều nhược điểm đang còn đó, các hệ thống xếp hạng đại học cấp quốc gia và quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại và gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Một mặt các tổ chức thực hiện việc xếp hạng cần cải thiện hệ thống tiêu chí và phương pháp đo lường, cũng như cần bảo vệ sự khách quan và chính trực của mình trong quá trình thực hiện, mặt khác các bên liên quan cần tỉnh táo hơn trong việc sử dụng kết quả xếp hạng, và cần lưu ý những tác động tiêu cực của việc xếp hạng, chẳng hạn như tâm lý cố đạt thứ hạng cao bằng cách chạy theo các chỉ số và thành tích đơn thuần về số lượng.

Abstract

 This presentation provides a brief introduction on the original purpose for university ranking that has had an impact on all the stakeholders in the Western countries and China. It also reflects current practices in university ranking around the world. The author concludes that in spite of weaknesses, world ranking systems continue to exist and have a broad effect on society. While ranking systems need to continuously improve their measures and methodologies, we need to be cautious when using the ranking results and take in to consideration the negative effects of ranking such as attempting to reach a high rank by pursuing superficial achievements.

Đánh giá xếp hạng các trường đại học trên thế giới là việc đã được thực hiện từ lâu ở các nước phương Tây[1] và bắt đầu nổi lên ở châu Á từ năm 2003 với sự xuất hiện của hệ thống xếp hạng đại học quốc tế do Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) (gọi tắt là ARWU) thực hiện. Ở Việt Nam, vấn đề này nổi lên từ năm 2005, cùng với nhu cầu xây dựng những trường đại học có chất lượng cao và được quốc tế công nhận. Tri thức tổng quát về các hệ thống xếp hạng đại học thế giới, bao gồm lịch sử hình thành, mục đích và tác dụng của việc đánh giá xếp hạng, các tiêu chí xếp hạng của từng hệ thống, những điểm bất cập của các hệ thống, kết quả xếp hạng của các hệ thống, v.v. đã được dịch và trình bày nhiều trong các tài liệu bằng tiếng Việt[2]. Vì vậy bài viết này không nhắc lại những vấn đề nêu trên, mà chỉ nói về những kinh nghiệm mà thực tiễn phương Tây và Trung Quốc có thể mang lại cho Việt Nam, tác động của việc xếp hạng cùng với tình hình và những xu hướng mới đang diễn ra trên thế giới đối với vấn đề xếp hạng các trường đại học.

Về mục tiêu của việc xếp hạng đại học

Thoạt kỳ thủy, việc xếp hạng đại học được hình thành do nhu cầu phục vụ người tiêu dùng, nhằm mang lại cho họ những thông tin có tính so sánh cần thiết về việc trường nào tốt nhất về mặt gì để họ quyết định xem nên nộp đơn vào học trường nào là thích hợp nhất với nhu cầu và khả năng của họ. Việc này về bản chất không khác gì với những thông tin đại loại như nên mua xe hơi loại nào, vì xã hội phương Tây từ lâu đã chấp nhận coi giáo dục như một dịch vụ và đi học là một hình thức đầu tư cho việc kiếm sống trong tương lai. Điều này giải thích vì sao những hệ thống xếp hạng ban đầu đều do các cơ quan báo chí thực hiện nhằm phục vụ cho độc giả của họ, và là một việc làm không mang tính học thuật[3].

Điều này cũng giải thích vì sao các hệ thống xếp hạng đại học ban đầu chỉ là xếp hạng quốc gia và sau này mới mở rộng thành xếp hạng trên phạm vi quốc tế. Có ba yếu tố tác động đến việc xếp hạng đại học khiến nó thay đổi về mục tiêu, tính chất và quy mô: một là, quá trình toàn cầu hóa diễn ra trong giáo dục đại học khiến người ta có nhu cầu so sánh chất lượng các trường đại học ở các nước khác nhau, và điều này dẫn đến sự hình thành các hệ thống xếp hạng đại học quốc tế. Hai là, sự cạnh tranh của kinh tế thị trường trong lĩnh vực giáo dục đại học khiến các trường bắt đầu chú ý đến vị trí của mình trong bảng xếp hạng, và bắt đầu coi đó là một mục tiêu nhằm cạnh tranh để thu hút sinh viên, đồng thời để xem xét và cải tiến hoạt động của mình. Ba là sự phát triển của nền kinh tế tri thức khiến chính phủ các nước ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục đại học, nhiều nước coi thứ hạng của mình trên bảng xếp hạng đại học quốc tế là một chỉ báo quan trọng của trình độ phát triển giáo dục đại học đồng thời là một chỉ báo phản ánh năng lực cạnh tranh của quốc gia. Hệ thống xếp hạng đại học quốc tế ARWU do Trung Quốc thực hiện, theo lời những người sáng lập, chính là nhằm phục vụ cho mục đích xác định khoảng cách của những trường đại học Trung Quốc với những trường đẳng cấp quốc tế hàng đầu trên thế giới[4].

Do những biến đổi về quy mô và mục tiêu như vậy, kết quả xếp hạng đại học đã mở rộng ảnh hưởng và càng ngày càng tạo ra tác động mạnh hơn đến tất cả các bên liên quan: i/các trường đại học, bao gồm các nhà quản lý, người nghiên cứu, giảng viên, ii/ “khách hàng” của họ- phụ huynh và sinh viên; cũng như iii/ các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp, người “tiêu thụ” sản phẩm mà các trường đại học tạo ra, và iv/nhà nước và những người hoạch định chính sách quốc gia.

Chính những tác động mạnh ấy đã đẩy việc xếp hạng đi quá xa và tạo ra những ảnh hưởng không mong đợi sẽ được trình bày trong phần sau của bài viết này. Những ảnh hưởng tiêu cực của việc xếp hạng đại học ngày càng bộc lộ rõ đã đòi hỏi các bên nhìn nhận lại hai vấn đề: tiêu chí xếp hạng và việc diễn giải hay sử dụng kết quả xếp hạng cho những mục đích của mình sao cho tốt nhất. Không chỉ có thế, những ảnh hưởng tiêu cực này còn đòi hỏi người ta nhìn nhận lại toàn bộ ý nghĩa của việc xếp hạng đại học.

Từ thực tiễn của phương Tây

Như trên đã trình bày, việc xếp hạng đại học ở phương Tây ra đời là nhằm phục vụ người tiêu dùng, chính vì vậy, việc xếp hạng được phân theo các ngành học để người sử dụng tiện so sánh, đối chiếu, như Kinh doanh, Luật, Y, Giáo dục, Kỹ thuật, và các chương trình đào tạo Tiến sĩ. Các tiêu chí xếp hạng được USNWR đưa ra là uy tín học thuật, mức độ chọn lọc sinh viên, chất lượng đội ngũ, nguồn lực tài chính, tỷ lệ tốt nghiệp, và sự hài lòng của cựu sinh viên. Kết quả xếp hạng của USNWR chủ yếu dựa trên hai nguồn thông tin chính: ý kiến của các sinh viên tốt nghiệp, những người thường đã tìm hiểu nhiều thông tin trước khi quyết định theo học tại một trường cụ thể nào đó, và ý kiến đánh giá của các nhà quản lý các trường đại học khác.

Có thể thấy rõ tinh thần thực dụng của người phương Tây biểu hiện qua tính chất thực tiễn trong các tiêu chí nói trên. Tiêu chí USNWR đưa ra là những vấn đề “người tiêu dùng” của giáo dục đại học quan tâm nhiều nhất. Cách xếp hạng theo ngành cũng là để phục vụ nhu cầu so sánh thông tin để chọn trường theo học. Tương tự như vậy, bảng xếp hạng THES là để phục vụ việc chọn trường của sinh viên quốc tế, cho nên các chỉ tiêu được THES sử dụng cho việc xếp hạng cũng chú trọng tính chất quốc tế và uy tín quốc tế của nhà trường, bao gồm: kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của các giảng viên, nhà khoa học từ nhiều nước (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), sự hiện diện của giảng viên/ nhà khoa học quốc tế (5%), sự hiện diện của sinh viên quốc tế (5%), tỷ lệ giảng viên trên sinh viên (20%), và tỷ lệ bài báo khoa học trên giảng viên (20%).

Tuy nhiên, ngay cả những tiêu chí đáng lẽ có thể đo lường bằng những phương pháp định lượng như uy tín học thuật hay mức độ chọn lọc sinh viên, hệ thống USNWR vẫn dựa vào nguồn thông tin ít nhiều chủ quan là đánh giá của các cá nhân. Điều này cho thấy việc xếp hạng đại học ở phạm vi quốc gia ban đầu không mang tính chất học thuật, và kết quả của nó chỉ có ý nghĩa tham khảo. Khi hệ thống THES mở rộng phạm vi thành xếp hạng quốc tế người ta đã chú trọng nhiều hơn những phương pháp định lượng và tăng cường cơ sở khoa học cho việc xếp hạng, tuy vẫn không thể lý giải chẳng hạn vì sao lại dành cho đánh giá đồng cấp một trọng số quá lớn như vậy (40%) so với đánh giá của nhà tuyển dụng (10%)?

Cách làm của các hệ thống phương Tây cho chúng ta một kinh nghiệm về tính mục đích. Cần trả lời một cách tường minh mục tiêu của việc xếp hạng là gì và nó nhằm tới đối tượng nào, vì câu trả lời này sẽ quyết định cách làm và tính hữu dụng của bảng xếp hạng, cũng như quyết định cách chúng ta diễn giải về các kết quả xếp hạng.

Và thực tiễn của Trung Quốc

Bảng xếp hạng ARWU của Trung Quốc ra đời nhằm một mục tiêu hoàn toàn khác: như đã nói trên, nó ra đời là để xác định vị trí của các trường đại học Trung Quốc so với những trường hàng đầu trên thế giới, vị trí này được xem là chỉ báo cho năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong nền kinh tế tri thức. Chính vì nhận thức được rằng sở dĩ trường đại học có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức là vì đó là nơi kiến tạo tri thức và dẫn đầu cuộc đổi mới về công nghệ và kỹ thuật, nên hơn bất kỳ hệ thống xếp hạng nào khác, hệ thống ARWU đặc biệt chú trọng các chỉ tiêu về kết quả nghiên cứu. Để xếp hạng các trường, ARWU sử dụng 5 chỉ tiêu là chất lượng cựu sinh viên (tính bằng số lượng cựu sinh viên đoạt các giải thưởng và huy chương đặc biệt như giải Nobel), chất lượng giảng viên (tính theo cùng phương pháp đo lường chất lượng cựu sinh viên), kết quả nghiên cứu (tính bằng số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học), tầm cỡ của nhà trường (tính bằng kết quả hoạt động so với quy mô của nhà trường).

Bảng xếp hạng này ra đời là để phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Trung Quốc, đưa các trường đại học lớn của Trung Quốc lên vị trí của những trường hàng đầu thế giới. Nó nhằm trả lời câu hỏi: các trường đại học Trung Quốc đang ở vị trí nào trong tương quan so sánh với những trường đại học lừng danh thế giới? khoảng cách này là bao xa và ở những điểm nào? Trung Quốc hy vọng rằng câu trả lời này sẽ giúp họ tìm ra những chỗ yếu cần bổ khuyết để một ngày nào đó họ sẽ có những trường đại học mà cả thế giới phải ngước nhìn. Do mục tiêu đó, bảng xếp hạng này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu và kết quả của nó được công nhận rộng rãi trên toàn cầu.

Cũng cần phải nói là ngoài hệ thống xếp hạng quốc tế ARWU mà tầm ảnh hưởng của nó đã lan rộng trên toàn thế giới, Trung Quốc vẫn có rất nhiều hệ thống xếp hạng quốc gia (tính đến 2009 là 20 bảng xếp hạng) với nhiều mục tiêu, trong đó cũng có mục tiêu gần giống với các hệ thống xếp hạng quốc gia của phương Tây, là giúp sinh viên có thông tin quyết định nơi theo học. Trên toàn lãnh thổ Trung Quốc có hơn hai ngàn trường đại học và cao đẳng với tổng số sinh viên nhập học hàng năm khoảng sáu triệu người. Có hệ thống xếp hạng trường, có hệ thống xếp hạng theo ngành. Có thể kể: Chinese University Rankings, China University Ranking (Top 100), Top 10 Universities in Mainland,Top 100 Universities in Engineering, Science & Engineering Universities in China, China Top Engineering Programs, China’s Best Medical Universities, China’s Top Law Universities, v.v. Các hệ thống xếp hạng quốc gia này do nhiều tổ chức thực hiện, trong đó hệ thống xếp hạng trường nổi bật nhất là Chinese University Rankings do Học viện Quản lý Khoa học thuộc Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Trung Quốc thực hiện. Hệ thống này đã tạo ra những tranh luận hết sức gay gắt ở Trung Quốc về tính xác đáng của kết quả. Năm 2009, lãnh đạo của chương trình xếp hạng này, Wu Shulian, đã dính vào một scandal ăn tiền hối lộ của các trường[5]. Bộ Giáo dục Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các bảng xếp hạng này, nhất là những hệ thống dựa trên việc đóng một khoản phí để được tiến hành xếp hạng, như người phát ngôn của Bộ, bà Xu Mei đã nói.

Từ thực tiễn của Trung Quốc, có thể thấy, nếu các bảng xếp hạng được thực hiện thiếu cơ sở, thiếu công minh, thì tác dụng tiêu cực mà nó gây ra là không tránh khỏi; tuy cần nói rõ, cho dù được thực hiện một cách công minh, thì việc xếp hạng các trường vẫn có những tác dụng không mong đợi, như sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.

Tác động của việc xếp hạng các trường đại học đối với các bên liên quan

Có nhiều sự kiện cho thấy tác động lớn lao của việc xếp hạng đại học đối với giáo dục đại học cũng như đối với các bên liên quan: nhà nước, nhà trường, giảng viên, sinh viên và công chúng, đến mức thậm chí có người nói, nó đã làm thay đổi quang cảnh của giáo dục đại học.

Trước hết, nó ảnh hưởng đến uy tín của các trường và cá nhân những người lãnh đạo của các trường ấy. Hiệu trưởng Trường Đại học Malaya, một trường công lâu đời và lớn nhất ở Malaysia đã bị cách chức khi kết quả xếp hạng của trường này trong bảng xếp hạng THES năm 2006 tụt xuống hơn 80 bậc so với trước đó, dù nguyên nhân đã được giải thích là do THES điều chỉnh lại cách tính sinh viên quốc tế của trường này, chứ không phải do kết quả hoạt động của nó kém đi so với trước. Nhiều trường lo lắng về kết quả xếp hạng đến mức từ chối không tham gia bảng xếp hạng, như Đại học Tokyo năm 1999 đã tuyên bố không cung cấp dữ liệu cho tờ Asiaweek để tờ báo này tiến hành xếp hạng hàng năm nữa (Bacani, 1999). Tiếp theo đó là 19 trường đại học Trung Quốc, kể cả Đại học Bắc Kinh, khiến bảng xếp hạng của Asiaweek đành phải đóng cửa! Tình hình tương tự ở Canada: năm 2006, một nhóm 11 trường đại học ở Canada tuyên bố không tham gia bảng xếp hạng hàng năm của tờ Maclean nữa. Tờ báo này nói họ sẽ vẫn tiếp tục tiến hành xếp hạng dựa trên các nguồn thông tin đã được công bố khác (Birchard, 2006).

Kết quả xếp hạng cũng tác động đến chính phủ các nước, nhất là trong việc phân bổ ngân sách cho giáo dục. Điều này thấy rõ nhất ở Trung Quốc. Để có được những trường đại học có thể sánh ngang với Harvard hay Cambridge, nhà nước Trung Quốc đã chọn ra một số trường trọng điểm để đầu tư đặc biệt nhằm hỗ trợ các trường này vươn tới những tiêu chuẩn ưu tú của những trường đại học đẳng cấp quốc tế, một kế hoạch thường được biết đến dưới tên gọi Dự án 985. Gần đây, Thụy Sĩ đang xem xét việc đưa ra hệ thống trường tinh hoa và tăng cường nguồn lực cho những trường này nhằm nâng cao chất lượng (Australian Education International, 2007). Chính phủ Anh đưa ra cơ quan đánh giá nghiên cứu (RAE) và New Zealand thành lập Quỹ Nghiên cứu Dựa trên Kết quả (PBRF) để bảo đảm rằng sự ưu tú trong hoạt động nghiên cứu của các trường được khuyến khích và khen thưởng.

Kết quả xếp hạng các trường đại học chắc chắn là có ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của sinh viên, điều này ai cũng công nhận  (Bhandari, 2006; Federkil, 2002; Filinov & Ruchkina, 2002; Vaughn, 2002). Kết quả nghiên cứu của Roberts and Thomson (2007) cho thấy một mối tương quan mạnh mẽ giữa vị trí cao của các trường trong bảng xếp hạng và chất lượng của sinh viên đầu vào. Cơ quan kiểm toán của Úc khi làm việc với trường Đại học Monash, qua phỏng vấn nhiều sinh viên đã phát hiện thấy uy tín của Monash và vị trí của nhà trường trong bảng xếp hạng là nhân tố quan trọng nhất khiến họ quyết định theo học ở đó (AUQA, 2006). Điều này đang khơi sâu thêm khoảng cách giữa các trường: những trường tốt nhất thì thu hút những sinh viên giỏi nhất, những trường không tên tuổi thì nhận những sinh viên kém hơn. Tục ngữ phương Tây có câu: “Đầu vào là rác thì đầu ra cũng là rác” (garbage in, garbage out) !

Kết quả xếp hạng đại học cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn nơi làm việc của các nhà khoa học, các giảng viên. Những giảng viên trẻ luôn mơ ước được làm việc ở những trường danh tiếng, không phải chỉ vì muốn “ăn theo” danh tiếng của trường, mà vì những trường hàng đầu gắn với tên tuổi của những nhà khoa học hàng đầu, trong môi trường ấy, họ có thể học hỏi được nhiều điều tối cần thiết cho việc phát triển sự nghiệp khoa học của mình.

Đối với các nhà tuyển dụng, kết quả xếp hạng các trường cũng có tác động đến quyết định của họ khi chọn người làm việc. Một cuộc khảo sát các nhà tuyển dụng ở Anh và Mỹ đã cho thấy uy tín của các trường mà ứng viên đã theo học là một trong tám đặc điểm hàng đầu mà nhà tuyển dụng xem xét khi chọn người làm việc cho mình (Smith, 2006). Khi cuộc cạnh tranh giành chất xám lan ra trên phạm vi toàn cầu và ngày càng ác liệt, thì tấm bằng tốt nghiệp từ một trường danh tiếng kèm với hồ sơ xin việc rõ ràng là một cách không tệ để gây ấn tượng và làm nổi bật tiềm năng được chọn của ứng viên.

Vì những tác động nói trên, các bảng xếp hạng đại học đang tiếp tục ảnh hưởng đến định hướng chiến lược của các trường đại học. Nhiều trường đã xây dựng tuyên ngôn sứ mạng của mình là “trở thành một trong những trường đại học tốt nhất thế giới” (Monash University, 2005), “là một trong những trường đại học thực sự tuyệt vời của thế giới” (The Ohio State University, 2007) “một trong những trường được xếp vào hạng top trong thế kỷ 21 (Seoul National University, 2006). Điều này sẽ chi phối những chính sách khác của nhà trường về tài chính, nhân sự, chuyên môn, trang thiết bị và hoạt động dịch vụ…theo hướng phục vụ cho mục tiêu ấy.

Những chỉ báo đo lường của các hệ thống xếp hạng trở thành chỉ báo đo lường kết quả hoạt động của các cá nhân và các trường, điều này gây ra những kết quả vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực vì nó khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh cạnh tranh, tiêu cực vì nó tạo ra tâm lý “publish or perish” (có công bố khoa học, hay là chết), một hiện tượng phổ biến trong cộng đồng nghiên cứu khoa học thế giới khiến nhiều giảng viên cố sống cố chết viết và đăng tạp chí càng nhiều càng tốt bất chấp chất lượng. Đỉnh điểm của việc này là vụ án ngụy tạo kết quả nghiên cứu khoa học của Woo Suk Hwang, giáo sư sinh học của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Hwang nổi tiếng thế giới về các công trình nghiên cứu sinh sản vô tính (cloning) và đã được dân Hàn Quốc tôn vinh là anh hùng khoa học. Ông ngụy tạo kết quả thí nghiệm trong việc tạo ra phôi người, khôn khéo vượt qua quá trình duyệt xét và công bố “kết quả” trên tạp chí Science (2005). Sự ngụy tạo này gây ra một cú “sốc” lớn trong cộng đồng nghiên cứu khoa học quốc tế và ngày 26-10-2009 ông đã bị Tòa án Hàn Quốc tuyên hai năm tù[6]. Tại Trung Quốc, hiện tượng này còn đi đến mức cực đoan. Những thành quả khoa học được tính trên con số của các bài báo cáo đăng trên các tạp chí chuyên ngành và thể loại của tạp chí. Tạp chí nước ngoài hơn tạp chí trong nước. Tạp chí nước ngoài lại được phân hạng thấp cao. Con số các bài báo cáo là một ưu tư triền miên của người làm công tác khoa học mà cũng là một ám ảnh thường trực của các đại học và viện nghiên cứu trong việc duy trì tiếng tăm và chức danh của mình. Thậm chí nhiều cơ quan khuyến khích việc công bố kết quả nghiên cứu bằng cách cho tiền thưởng vài trăm đô la Mỹ khi có báo cáo đăng trên các tạp chí nổi tiếng. Có nơi tiền thưởng lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ cho mỗi bài báo [7]. Hệ quả là một công trình nghiên cứu được đăng nhiều lần trên các tạp chí khác nhau, tác giả tự đạo văn mình hoặc đạo văn người khác để tăng thêm số lượng bài báo. Do vậy mà Trung Quốc đứng hàng thứ 9 trên thế giới về số lượng bài báo cáo năm 2004 nhưng chất lượng (dựa vào số lần trích dẫn của các đồng nghiệp quốc tế) thì ở thứ hạng 124[8].

Kết luận

            Ngay từ thập kỷ 90 ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã có những ý kiến phê phán dữ dội các hệ thống xếp hạng đại học, chủ yếu là vì các tiêu chí xếp hạng không phản ánh được chất lượng hoạt động thực sự của các trường, quá thiên về nghiên cứu mà không chú trọng đến hoạt động đào tạo, và phương pháp đo lường của các hệ thống xếp hạng ấy có nhiều điểm không thỏa đáng[9] và do vậy tính tin cậy chỉ tương đối. Tất cả những điểm hạn chế này đều đã được nói đến quá nhiều và đều có thể cải tiến cho tốt hơn, nhưng dù có cải tiến đến đâu đi nữa thì cũng khó lòng đáp ứng được các mối quan tâm rất khác nhau của các đối tượng khác nhau. Vì vậy mà một trường có thể có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này nhưng lại có thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng khác[10]. Từ năm 2006 một nhóm chuyên gia quốc tế về xếp hạng đại học đã xây dựng nên một tài liệu hướng dẫn có tên gọi là Nguyên tắc Xếp hạng Đại học Berlin, trong đó nêu ra việc cần làm rõ mục đích của việc xếp hạng, đối tượng sử dụng bảng xếp hạng, và nguồn thông tin làm cơ sở cho việc xếp hạng. Vì kết quả xếp hạng ngày càng thông dụng, những công trình nghiên cứu về vai trò của việc xếp hạng đối với giáo dục đại học, về nhận thức hay xử sự của các bên liên quan đối với kết quả xếp hạng cũng ngày càng phổ biến hơn.

Mặc cho nhiều nhược điểm đang còn đó, các hệ thống xếp hạng đại học cấp quốc gia và quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại và gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Nó vẫn tồn tại là vì nó đáp ứng một nhu cầu có thật của cuộc sống, dù là nhu cầu có tính học thuật hay thương mại. Trong lúc các cơ quan hay tổ chức thực hiện việc xếp hạng cần cải thiện hệ thống tiêu chí và phương pháp đo lường, cũng như cần bảo vệ sự khách quan và chính trực của mình trong quá trình thực hiện, thì các bên liên quan cần tỉnh táo hơn trong việc sử dụng kết quả xếp hạng. Những người sử dụng bảng xếp hạng cần nhớ rằng một trường được xếp hạng cao nhất trong một bảng xếp hạng nào đấy chỉ có nghĩa là cao nhất về những tiêu chí đã được nêu chứ không có nghĩa là mọi hoạt động của nó đều là nhất hay mọi sản phẩm mà nó tạo ra đều là nhất. Có rất nhiều thứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng lại khó lòng đong đếm được, và do đó, không được biểu hiện trong tiêu chí của bất cứ bảng xếp hạng nào hiện nay, chẳng hạn như văn hóa của nhà trường, cái mà một giáo sư người Việt đã gọi là “something in the air” – một cái gì đó không sờ thấy được, nhưng nó có thật, đó là mối quan hệ lành mạnh giữa các cá nhân trong một tổ chức, đó là sự tôn trọng chân lý, tài năng, sự công bằng và phẩm giá của con người.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Australian Universities Quality Agency (AUQA). (2006). Report of an audit of Monash University.
  2. Australian Education International (AEI). (2007). Switzerland considers establishing ‘elite universities’
  3. Bacani, C. (1999). Asia’s Top Universities Retrieved, August 16, 2006, from http://www.asiaweek.com/asiaweek/universities/index99.html
  1. Bhandari, N. (2006). Question of rank. Retrieved January 18, 2007, from ttp://ww.smh.com.au.
  2. Birchard, K. (2006). A group of Canadian universities says it will boycott a popular magazine ranking.
  3. Briller V., Phạm Thị Ly, Vũ Thị Phương Anh, Bùi Mạnh Nhị. Xếp hạng đại học: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Chuyên đề đề tài “Xác định các tiêu chuẩn cho đại học Việt Nam đạt tầm quốc tế”, tháng 9-2007, Việt Nam.
  4. Briller V., Shnara Iskakova “Xếp hạng đại học ở Trung Á: Kinh nghiệm của Kazhakstan” .Tác giả:. “University Ranking in Central Asia: The Experiences of Kazakhstan”. In S. Heynemann and A. DeYoung, eds., Challenges of Education in Central Asia. Greenwich (Conn.): Information Age Publishing, 2004, pp.58-75. Người dịch: Phạm Thị Ly. Bản tin Thông tin Giáo dục Quốc tế tháng 9-2007
  5. Filinov N. B., & Ruchkina, S. (2002). The ranking of higher education institution in Russia: Some methodological problems. Higher Education in Europe, 27(4), 407–421
  6. Nian Cai Liu. “Các trường đại học nghiên cứu ở Trung Quốc: sự phân biệt, cách phân loại, và vị trí đẳng cấp thế giới trong tương lai”.”Research Universities in China: Diffrentiation, Classification, and Future World-Class Status” Transforming Research Universities in Asia and Latin America: World-Class Worldwide. Editted by Philip Altbach&Jorge Balán. Johns Hopkins University Press 2007. Người dịch: Phạm Thị Ly. Bản tin Thông tin Giáo dục Quốc tế tháng 5-2008.
  7. OECD. (2006). Education policy analysis: Focus on higher education 2005–2006. Retrieved January 3,
  8. Roberts, D., & Thomson, L. (2007). Reputation management for universities: University league tables and the impact on student recruitment. Leeds, UK: The Knowledge Partnership.
  9. Sadlak, J. (2006, December 14). Validity of university ranking and its ascending impact on higher education in Europe. Bridges, 12. Retrieved January 3, 2007, fromTaylor, P., & Braddock, R. (n.d.). International university ranking systems and the idea of University       excellence. Sydney, Australia: Asia Pacific Research Institute. January 3, 2007
  10. Simmon Marginson and Marijk van der Wende, “To Rank or To Be Ranked:The Impact of Global Rankings”. http://www.international.ac.uk/resources/rankings.pdf
  11. University of Malaya 100 years. (2005, September 29). New Straits Times, p. 11.
  12. Vaughn, J. (2002). Accreditation, commercial rankings, and new approaches to assessing the quality of university research and education programmes in the United States. Higher Education in Europe,27(4), 433–441.
  13. World Education News and Reviews (WENR). (2006). University rankings: China. Retrieved January 3,

Notes:

[1] Chẳng hạn hệ thống xếp hạng đại học quốc gia do tờ Tin tức nước Mỹ và thế giới (US News and World Report -viết tắt là USNWR) thực hiện xuất hiện lần đầu tiên năm 1983 tại Mỹ. Ở Canada, việc xếp hạng các trường do tạp chí phổ thông của Canada mang tên Macleans thực hiện được công bố lần đầu tiên vào năm 1991.Còn ở Anh hệ thống xếp hạng quốc gia do Phụ trương báo Times (Times Higher Education Supplement- viết tắt là THES) thực hiện bắt đầu từ năm 2001, còn hệ thống xếp hạng quốc tế thì bắt đầu từ 2004.

[2] Xin xem danh mục tài liệu tham khảo của bài này.

[3] Xem thêm tài liệu tham khảo số 6.

[4] N.C. Liu & Y. Cheng, ‘Academic Rankings of World Universities – Methodologies and Problems’, 2005, page 1, available at http://www.arwu.org/rank/file/ARWU-M&P.pdf

[5] Nguồn: http://chinadigitaltimes.net/2009/05/universities-in-fee-for-ranking-scandal/

[6] Nguồn: http://www.nature.com/news/2009/091026/full/4611181a.html

[7] Học viện Sinh học Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tặng thưởng cho các nhà khoa học 250.000 nhân dân tệ (tương đương 31.000 đô la Mỹ) khi có báo cáo đăng trên các tạp chí hàng đầu như Nature, Science và Cell. Nguồn: Nature (15 June 2006), 441, 792.

[8] Nguồn: “Scandals Shake Chinese Science” của tác giả Hao Xin: Science (9 June 2006), 312. Tất nhiên đánh giá chất lượng dựa trên số trích dẫn chỉ là tương đối vì còn tùy vào văn hóa trích dẫn của từng ngành: có những lĩnh vực mà người ta ít trích dẫn hơn so với lĩnh vực khác. Nhưng cho đến nay người ta vẫn dùng tỉ lệ trích dẫn để đánh giá tầm tác động của kết quả nghiên cứu, vì chưa có chỉ số nào khác có thể thay thế.

[9] Ví dụ như cách tính thành quả nghiên cứu dựa trên công bố khoa học hiện nay đã tạo ra ưu thế cho những nước nói tiếng Anh vì những tạp chí khoa học được công nhận hầu hết đều bằng tiếng Anh.

[10] Chẳng hạn Đại học Bắc Kinh xếp hạng 17 trong THES năm 2006 nhưng xếp hạng 202-300 trong ARWU cùng năm