Phạm Thị Ly (2011)

 Viện Nghiên cứu Giáo dục được đề cập trong bài này là Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm TPHCM, được thành lập theo Quyết định số 1012/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 01-03-2001 của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phương pháp và Nghiệp vụ Sư phạm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa – Giáo dục Quốc tế của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tên tiếng Anh là Institute for Educational Research (IER). Tiền thân của Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam là Phân viện Khoa học Giáo dục miền Nam do Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký thành lập ngày 14.11.1975 trên cơ sở tiếp quản Nha Sưu tầm nghiên cứu, Nha Chương trình Pháp chế, Nha Y tế Học đường và Trung tâm Canh tân Giáo dục Đông Nam Á. Năm 1976, đơn vị này đổi thành Phân viện của Viện Khoa học Giáo dục. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những đổi thay cả về bối cảnh xã hội, chính trị, và kinh tế của đất nước lẫn những đổi thay trong tổ chức và quản lý trong bản thân Viện, trong quan hệ giữa Viện và cơ quan chủ quản, quy chế và điều lệ hoạt động của Viện cũng thay đổi qua thời gian. Bài này chỉ xem xét Bản Quy chế và Tổ chức Hoạt động của Viện Nghiên cứu Giáo dục (gọi tắt là Quy chế) ban hành ngày 29 tháng 5 năm 2001 hiện đang có hiệu lực, trên cơ sở đối chiếu với các Viện có chức năng và nhiệm vụ tương tự ở Hoa Kỳ, chủ yếu là Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục của Liên bang (The Institute of Education Sciences- IES).

Thực ra đối chiếu Quy chế của hai Viện này là một việc khó, vì ngoài điểm chung là chức năng nghiên cứu về khoa học giáo dục, hai Viện có vị trí và quy mô khác nhau, hình thành trong những bối cảnh lịch sử, kinh tế và chính trị khác nhau, vì vậy phục vụ cho những kỳ vọng khác nhau, và tất yếu là khác nhau khá nhiều. Tuy vậy, trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay, giáo dục đang đòi hỏi một sự thay đổi về cơ bản, trong lúc lĩnh vực khoa học nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam còn chưa được đầu tư đúng mức, chưa thu hút được nhiều người giỏi, chưa được đánh giá đúng về mức độ quan trọng của nó, thì việc xem xét quy chế hoạt động của các viện tương tự trên thế giới nhằm mở rộng tầm nhìn, củng cố chiến lược hoạt động của các tổ chức nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Việt Nam để phục vụ cho việc đổi mới giáo dục, là một việc cần thiết.

Vấn đề Quy chế và Điều lệ Hoạt động

Đối với các tổ chức nhà nước hoặc do nhà nước quản lý ở Việt Nam, Quy chế và Điều lệ Hoạt động là văn bản chính thức quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức nhân sự, cơ chế quản lý và tài chính của một tổ chức. Văn bản này là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập tổ chức ấy, đồng thời là nền tảng cho những kế hoạch hoạt động của tổ chức này trong cả quá trình tồn tại của nó. Do vậy Quy chế và Điều lệ Hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mọi tổ chức, trong đó có các cơ quan nghiên cứu về giáo dục. Về mặt lý thuyết, nó biện minh cho lý do tồn tại của các tổ chức này, và định rõ trách nhiệm cũng như quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức ấy. Trong thực tế, nó là cơ sở để xây dựng kế hoạch, xin cấp phát kinh phí, và giải trình trách nhiệm trước cơ quan chủ quản.

Ở Hoa Kỳ, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong đó có khoa học giáo dục không có cơ quan chủ quản. Vì vậy Quy chế và Điều lệ Hoạt động (charter/statute) là do các tổ chức này tự đề xuất và là cơ sở để chính quyền bang cấp phép hoạt động, trừ trường hợp Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục của Liên bang (The Institute of Education Sciences- IES) được thành lập theo Nghị quyết của Thượng viện về Cải cách Khoa học Giáo dục, hoạt động theo Đạo luật Cải cách Khoa học Giáo dục 2002. Những quy định này có ý nghĩa hướng dẫn và điều chỉnh cho mọi hoạt động của IES.

Về quy trình thành lập các viện nghiên cứu về giáo dục và thẩm quyền ban hành Quy chế và Điều lệ hoạt động

Việt Nam, cho đến nay, chưa có quy chế chính thức cho phép thành lập viện nghiên cứu giáo dục tư nhân, mặc dù có thể vận dụng các quy định hiện tại để thiết lập những tổ chức nghiên cứu tương đối ít quan hệ trực tiếp với nhà nước, như trường hợp Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED. Do vậy các tổ chức nghiên cứu chủ yếu về khoa học giáo dục cho đến nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu Giáo dục trực thuộc Đại học Sư phạm TPHCM, và Viện Nghiên cứu Sư phạm trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đều là các tổ chức do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập và hoạt động trong khuôn khổ của các tổ chức nhà nước. Thẩm quyền ban hành Điều lệ và Quy chế Hoạt động của các tổ chức này thuộc về cơ quan chủ quản của họ.

Ở Hoa Kỳ, thẩm quyền thành lập cơ quan nghiên cứu về khoa học giáo dục của liên bang và quy định chức năng nhiệm vụ cho nó là thuộc về cơ quan lập pháp cao nhất, tức quốc hội Hoa Kỳ. Văn bản mới nhất về việc này và đang có hiệu lực thi hành là Luật Cải cách Nghiên cứu Khoa học Giáo dục ra đời năm 2002 do Phó Tổng thống và Chủ tịch Thượng nghị viện Hoa Kỳ ký ban hành sau kỳ họp thứ hai của Quốc hội thứ một trăm lẻ bảy, ngày 23-1-2002. Văn bản này được gọi tắt là Đạo luật Cải cách Khoa học Giáo dục 2002.

Tuy nhiên, các bang cũng có thẩm quyền thành lập hoặc cấp phép cho những tổ chức nghiên cứu như vậy nếu xét thấy cần thiết. Bất kỳ ai cũng có thể xin thành lập bất cứ tổ chức nào (vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận), bằng cách nộp một bản Điều lệ Hoạt động trong đó xác định quy chế, quy tắc hoạt động, chức năng và nhiệm vụ của tổ chức, cùng với một bản khai thuế (hoặc xin cơ chế miễn thuế) cho cơ quan thuế của tiểu bang. Các tổ chức nghiên cứu khoa học, trong đó có khoa học giáo dục, cũng được thành lập theo cách như vậy, và không có cơ quan chủ quản: họ có thể công bố các kết quả nghiên cứu, in ấn xuất bản, ký kết hợp đồng mà không có giới hạn nào, nếu không vi phạm các quy định của luật pháp.

So sánh quy trình thành lập cũng như vị trí pháp lý của IER và IES, có thể thấy tầm vóc của IES lớn hơn nhiều: IES hoạt động theo Đạo luật của Chính phủ Liên bang, Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm, trong lúc đó IER hoạt động theo Quy chế do một trường đại học ban hành, Viện trưởng do Hiệu trưởng nhà trường bổ nhiệm. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi sứ mạng của IES là phục vụ cho việc phát triển giáo dục của nhà nước Hoa Kỳ, và các công trình nghiên cứu của IES có ý nghĩa tư vấn cho nhà nước, trực tiếp là Bộ Trưởng trong việc hoạch định chính sách. Trong lúc đó IER hoạt động trong khuôn khổ một trường đại học mặc dù những vấn đề mà IER nghiên cứu là những vấn đề có ý nghĩa và tầm vóc quốc gia. Hiển nhiên là IES có một mức độ tự chủ và tự do mà IER không thể so sánh.

Phân tích Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Viện Nghiên cứu Giáo dục

Về vị trí, chức năng và nhiệm vụ:

Điều 2 của Quy chế quy định vị trí và chức năng của Viện như sau:

  1. Viện là một cơ quan nghiên cứu, phối hợp các nhà khoa học trong trường và ngoài trường nhằm tổ chức các hoạt động nghiên cứu về giáo dục, sư phạm và văn hóa.
  2. Thực hiện phương châm kết hợp nghiên cứu với giảng dạy, khoa học và công nghệ trong hoạt động đào tạo sau đại học và các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
  3. Phối hợp, hỗ trợ và tư vấn cho các đơn vị đào tạo trong trường ĐHSP, các trường CĐSP & THSP, các Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường phổ thông ở phía Nam.
  4. Giao lưu văn hóa – giáo dục với các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài để thu thập thông tin, phối hợp nghiên cứu, tổ chức hội thảo và trao đổi cán bộ khoa học.

Điều 3 của Quy chế quy định Nhiệm vụ của Viện là:

  1. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của giáo dục và đào tạo ở nước ta, đặc biệt là thực trạng giáo dục ở các tỉnh phía nam, góp phần vào việc xây dựng chính sách giáo dục của nhà nước và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các địa phương.
  2. Nghiên cứu những vấn đề của giáo dục đại học Việt nam, đặc biệt là hệ thống các trường sư phạm, công tác đào tạo giáo viên, chương trình, phương pháp dạy và học ở đại học, chú ý đi sâu vào những vấn đề mũi nhọn, những khuynh hướng mới trong giáo dục.
  3. Nghiên cứu những vấn đề của giáo dục phổ thông ở các cấp, hỗ trợ và tư vấn cho các cơ sở giáo dục ở địa phương thuộc các tỉnh phía Nam trong việc cải tiến chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập, đánh giá và các hoạt động giáo dục khác.
  4. Liên kết với các khoa, đơn vị trong trường và các cơ sở nghiên cứu – đào tạo trong nước để thực hiện các dự án, đề tài khoa học. Tham gia thẩm định về mặt khoa học cho các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu của nhà nước và địa phương.
  5. Tổ chức đào tạo sau đại học về giáo dục và sư phạm, tổ chức bồi dưỡng giáo viên và các nhà giáo dục theo nhiều chương trình và hình thức đào tạo khác nhau.
  6. In ấn và phát hành các tài liệu, sách báo, tạp chí theo đúng quy định của nhà nước nhằm phổ biến rộng rãi thông tin về giáo dục-đào tạo và những kết quả nghiên cứu của Viện và trường ĐHSP, góp phần đưa khoa học vào thực tiễn.
  7. Tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục để nắm bắt kịp thời tình hình phát triển giáo dục trên thế giới, tổ chức các lớp bồi dưỡng, seminar, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục nước ngoài, tham dự các hội nghị khoa học quốc tế, giới thiệu những đặc sắc của văn hóa và giáo dục Việt Nam với người nước ngoài.

Nếu như văn bản Quy chế của Viện Nghiên cứu Giáo dục (Institutional for Education Research- IER-Việt Nam) bao gồm 3,5 trang A4 với 9 điều quy định (Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, Điều 2: Vị trí và chức năng, Điều 3: Nhiệm vụ, Điều 4: Tư cách pháp nhân, Điều 5: Cơ cấu tổ chức , Điều 6: Nhân sự, Điều 7: Cơ chế quản lý, Điều 8: Tài chính, Điều 9: Điều khoản thi hành), thì cấu trúc của Đạo luật Cải cách Khoa học Giáo dục 2002 quy định hoạt động của Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục (Institute of Education Sciences-IES) ở Hoa Kỳ về cơ bản cũng có những nội dung tương tự: Điều 1: Về việc thành lập, Điều 2: Chức năng của Viện IES, Điều 3: Thẩm quyền được ủy nhiệm, Điều 4: Nhiệm vụ của Viện trưởng, Điều 5: Những lĩnh vực ưu tiên trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, so với Quy chế của IER, thì Đạo luật Cải cách Khoa học Giáo dục 2002 quy định chi tiết hơn nhiều trong tất cả các điều khoản. Đạo luật này gồm 48 trang, do có quy định chi tiết cả những nhân tố thiết yếu và các tổ chức tạo thành Viện IES, bao gồm:

  • Nhiệm vụ của Viện trưởng
  • Hội đồng Khoa học Giáo dục Quốc gia
  • Trung tâm Giáo dục Quốc gia, gồm có: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia, Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, Trung tâm Đánh giá Giáo dục và Hỗ trợ cấp vùng.

Vị trí, chức năng và nhiệm vụ của IES được quy định như sau[1]:

Điều 111b: Sứ mạng của Viện

(1) Một cách tổng quát, sứ mạng của Viện là cung cấp cho giới lãnh đạo quốc gia một hiểu biết và kiến thức cơ bản rộng rãi về giáo dục, từ cấp mầm non cho đến giáo dục đại học, nhằm mang lại cho phụ huynh, các nhà giáo dục, sinh viên, các nhà nghiên cứu, các nhà làm chính sách, và công chúng những thông tin đáng tin cậy về:

(A) những điều kiện và tiến trình giáo dục ở Hoa Kỳ, kể cả giáo dục mầm non;

(B) kinh nghiệm giáo dục hỗ trợ việc học tập và nâng cao kết quả học tập, cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, và

(C) hiệu quả các chương trình giáo dục của liên bang cũng như của các tổ chức giáo dục khác

(2) Về việc thực hiện sứ mạng trên: Để thực hiện sứ mạng nêu trên, Viện cần biên soạn, sưu tập, thống kê, xây dựng các chương trình nghiên cứu, đánh giá và các hoạt động phổ biến rộng rãi những lĩnh vực được xác định là nhu cầu của quốc gia (kể cả các lĩnh vực kỹ thuật) được ngân sách liên bang tài trợ nhằm bảo đảm rằng các hoạt động này:

(A) phù hợp với tiêu chuẩn cao về chất lượng, sự chính trực, xác đáng, và

(B) khách quan, phi tôn giáo, trung lập và không bị áp đặt ý thức hệ, cũng như không bị chi phối bởi những ảnh hưởng chính trị và thiên kiến về chủng tộc, văn hóa, giới hay khu vực.

Chức năng của Viện IES được quy định như sau:

Điều 112. Chức năng

Từ các nguồn ngân quỹ phù hợp được quy định trong điều 194, hoặc thông qua các tài trợ, hợp đồng, thỏa thuận hợp tác, Viện cần phải:

(1) thực hiện và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, các hoạt động thống kê, đánh giá giáo dục, các công trình nghiên cứu phát triển có giá trị khoa học, và;

(2) phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học về các vấn đề giáo dục;

(3) đẩy mạnh việc sử dụng, phát triển và ứng dụng các tri thức đạt được nhờ những hoạt động nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học;

(4) tăng cường năng lực quốc gia nhằm thực hiện, phát triển và phổ biến những công trình nghiên cứu giáo dục có giá trị khoa học.

(5) đẩy mạnh hợp tác, phát triển và phổ biến những công trình nghiên cứu giáo dục có giá trị khoa học trong phạm vi của Bộ Giáo dục và nhà nước liên bang; và

(6) đẩy mạnh việc sử dụng và ứng dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển vào việc nâng cao chất lượng trong thực tiễn giảng dạy của nhà trường.

Đối chiếu chức năng, nhiệm vụ, sứ mạng của hai viện IER và IES, có thể thấy ngoài khác biệt tất yếu về quy mô và phạm vi của hoạt động, hai Viện đều có chức năng cơ bản là nghiên cứu và phổ biến tri thức về khoa học giáo dục. Tuy nhiên, điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là IES không chỉ xác định rõ các nội dung, lĩnh vực cần nghiên cứu, kể cả các lĩnh vực ưu tiên, mà còn xác định rõ yêu cầu về phẩm chất của các hoạt động nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu là “phù hợp với tiêu chuẩn cao về chất lượng, sự chính trực, xác đáng, khách quan, phi tôn giáo, trung lập và không bị áp đặt ý thức hệ, cũng như không bị chi phối bởi những ảnh hưởng chính trị và thiên kiến về chủng tộc, văn hóa, giới hay khu vực”.

Về nhiệm vụ của Viện trưởng:

Riêng về nhiệm vụ của Viện trưởng, trong lúc Quy chế Viện IER chỉ nêu: “Viện trưởng do Hiệu trưởng bổ nhiệm và miễn nhiệm. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về mọi mặt hoạt động của Viện. Viện trưởng có nhiệm kỳ là 4 năm. Mỗi người không giữ chức vụ trên quá hai nhiệm kỳ liên tục”, thì Đạo luật Cải cách KHGD 2002 nêu như sau:Điều 114. Nhiệm vụ của Viện trưởng

(a) Về việc bổ nhiệm: Trừ trường hợp nêu ở phần (b)(2)dưới đây, Viện trưởng là do Tổng thống bổ nhiệm với sự tư vấn và chấp thuận của Thượng Viện.

(b) Nhiệm kỳ:

  • Một cách tổng quát: Nhiệm kỳ Viện trưởng là 6 năm, tính từ ngày bổ nhiệm.
  • Viện trưởng đầu tiên: Tổng thống có thể bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng phụ trách cơ quan Nghiên cứu Giáo dục và Nâng cao Chất lượng làm Viện trưởng đầu tiên mà không cần thông qua sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện (vì tổ chức này đã tồn tại trước khi Đạo luật này có hiệu lực thi hành)
  • Các Viện trưởng kế tiếp: Ngoài Viện trưởng đầu tiên, Hội đồng Quản trị của Viện có thể đề xuất với Tổng thống về việc bổ nhiệm một Viện trưởng dưới sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện.

(c) Mức Lương. Viện trưởng được nhận Lương Bậc 2 trong Bảng lương của cán bộ cấp cao.

(d) Bằng cấp. Viện trưởng phải được chọn trong số các cá nhân có thẩm quyền về chuyên môn cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thống kê và đánh giá giáo dục, cũng như trong việc quản lý những lĩnh vực này, đồng thời chứng minh được năng lực lãnh đạo và hiệu quả quản lý bền vững trong các lĩnh vực này.

(e) Trách nhiệm quản lý. Viện trưởng cần phải:

(1) quản lý, giám sát, điều phối các hoạt động do Viện thực hiện, bao gồm cả các hoạt động của Trung tâm Giáo dục Quốc gia, và

(2) điều hành và xét duyệt kế hoạch hoạt động và ngân sách của mỗi trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện để đệ trình cho Bộ trưởng.

(f) Các bổn phận. Bổn phận của Viện trưởng bao gồm:

(1) Đệ trình lên Hội đồng Quản trị những lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động nghiên cứu của Viện, theo điều 115 (a).

(2) Bảo đảm rằng các phương pháp nghiên cứu áp dụng trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu phát triển, đánh giá, thống kê và phân tích phù hợp với các tiêu chuẩn của những hoạt động này.

(3) Tổ chức việc nghiên cứu về giáo dục và các hoạt động liên quan của Viện với việc nghiên cứu và các hoạt động liên quan do các tổ chức khác trong Bộ và trong chính phủ Liên bang tổ chức thực hiện.

(4) Tư vấn cho Bộ trưởng về các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, thống kê liên quan tới các hoạt động của Bộ Giáo dục

(5) Thiết lập các quy trình và thủ tục cần thiết cho việc thẩm định quy định tại điều 116(b)(3).

(6) Bảo đảm rằng tất cả mọi thành viên tham gia những công trình nghiên cứu do Viện tổ chức thực hiện hoặc do Viện hỗ trợ, được bảo vệ quyền riêng tư và được hưởng những sự bảo vệ cần thiết khác khi những vấn đề nghiên cứu của họ phù hợp với các quy định của luật pháp.

(7) Bảo đảm rằng các hoạt động nghiên cứu do Viện tổ chức thực hiện hoặc do Viện hỗ trợ, là khách quan, phi tôn giáo, trung lập, không phụ thuộc ý thức hệ, không phụ thuộc ảnh hưởng chính trị của các phe phái, không bị chi phối bởi những định kiến về chủng tộc, văn hóa, giới tính và vùng miền.

(8) Thực hiện các sáng kiến, các chương trình hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu hiện còn chưa được tận dụng trong các hoạt động nghiên cứu về giáo dục của liên bang.

(9) Phối hợp với Bộ trưởng trong việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giữa Viện và các trung tâm nghiên cứu tổng hợp.

(10) Tập hợp và xem xét các kiến nghị của các bên liên quan trong giáo dục, nhằm bảo đảm nguồn thông tin rộng rãi, có tính chuyên nghiệp, được công bố thường xuyên, về lĩnh vực giáo dục, để lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động của Viện.

(11) Tổ chức việc phổ biến rộng rãi thông tin về những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục có giá trị về mặt khoa học.

(12) Thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hoạt động phù hợp với sứ mạng và những ưu tiên của Viện.

(g) Sự hỗ trợ và hướng dẫn của chuyên gia. Viện trưởng có thể thành lập các nhóm thẩm định ngang cấp (peer review) về mặt chuyên môn kỹ thuật, và các hội đồng tư vấn khoa học nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và đánh giá những chương trình nghiên cứu khi cần. Viện trưởng có thể bổ nhiệm nhân sự cho những vị trí này, với điều kiện các viên chức nhà nước không chiếm quá ¼ tổng số thành viên của các nhóm thẩm định hay hội đồng này, và không nhận thù lao cho việc tham gia công việc này. Viện trưởng phải bảo đảm rằng những người thẩm định là các chuyên gia bậc cao và có năng lực đánh giá phẩm chất của các dự án nghiên cứu và phát triển. Luật về Hội đồng Tư vấn Liên bang sẽ không áp dụng đối với các nhóm thẩm định hoặc hội đồng được thành lập theo Điều này.

(h) Việc duyệt xét. Viện trưởng có thể và cần phải xem xét các sản phẩm nghiên cứu và công bố khoa học của những cơ quan khác trong Bộ, khi được quan chức cấp Bộ hoặc do Bộ trưởng trực tiếp yêu cầu, để xác nhận những kết luận dựa trên chứng cứ được cung cấp của các công trình nghiên cứu ấy là có giá trị về mặt khoa học.

Đối chiếu phần nói về nhiệm vụ Viện trưởng của IER và IES, có thể thấy rõ mức độ khác biệt lớn như thế nào giữa hai hệ thống chính trị: IER chỉ quy định “Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về mọi mặt hoạt động của Viện” ( chữ “chịu trách nhiệm” ở đây có nghĩa tương đương với “to be accountable to sb” trong tiếng Anh), trong lúc nhiệm vụ của Viện trưởng IES được quy định bằng hàng loạt nghĩa vụ (duties) mà Viện trưởng có bổn phận phải thực hiện. Chính vì thế, phần này còn quy định luôn cả những tiêu chuẩn cần có khi lựa chọn Viện trưởng (có thẩm quyền cao về mặt chuyên môn và chứng minh được năng lực quản lý), cũng như quy trình bổ nhiệm Viện trưởng (Tổng thống bổ nhiệm với sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện). Sự khác biệt ẩn giấu phía sau giữa hai khái niệm “being accountable to sb” và “having duties” là vô cùng sâu sắc. “Acountability” là một cơ chế nhằm ngăn ngừa những việc làm sai trái. “Duties” là những việc cần phải làm trong phạm vi bổn phận và nghĩa vụ. Một bên chú trọng đến việc “không làm điều gì sai”, còn một bên chú trọng đến việc “phải làm những việc đúng”.

Kết luận

 IER và IES, tuy có cùng một nhiệm vụ cơ bản là nghiên cứu về khoa học giáo dục nhằm hỗ trợ việc phát triển nền giáo dục quốc gia, nhưng được xây dựng trên những bối cảnh về chính trị, văn hóa, và kinh tế khác biệt, nên tất yếu có những khác biệt đáng kể. Những khác biệt này có nguồn gốc từ sự khác biệt trong hệ thống giá trị. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể học được gì từ những khác biệt ấy. Nghiên cứu đối chiếu Quy chế và Điều lệ Hoạt động của hai tổ chức nghiên cứu về khoa học giáo dục có cùng tính chất, một ở Việt Nam, một ở Hoa Kỳ, tác giả đi đến một số kết luận như sau:

1. Quy chế và Điều lệ hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mọi tổ chức, đặc biệt là một tổ chức nghiên cứu. Nó quyết định hướng đi, bản chất, và các nguyên tắc hoạt động của một tổ chức, cũng như biện minh cho ý nghĩa tồn tại của tổ chức đó, vì vậy rất cần được đầu tư trí tuệ để xây dựng một cách thích đáng.

2. Giáo dục là nhân tố sống còn của một quốc gia. Việc coi trọng các kết quả nghiên cứu về giáo dục (đi đôi với đòi hỏi cao về giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu) và xem đó là cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược giáo dục là một thái độ hoàn toàn đúng.

3. Thái độ coi trọng này thể hiện qua việc đặt tổ chức nghiên cứu này dưới sự điều chỉnh của một Đạo luật của Thượng viện, và việc quy định chức vụ Viện trưởng do Tổng thống bổ nhiệm với sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện, tức là được quyết định ở cấp cao nhất về mặt lập pháp và hành pháp của một quốc gia, cho thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa quan trọng của nhân vật này trong việc phát triển khoa học giáo dục.

Việc nhấn mạnh yêu cầu về phẩm chất khoa học của các kết quả, công trình, sản phẩm nghiên cứu của Viện là hết sức cần thiết. Đồng thời, Quy chế của Viện cần chú trọng việc xác định các nội dung hoạt động cũng như xác định tương quan giữa Viện và các pháp nhân liên quan khác.

Tài liệu tham khảo

  1. Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ban hành theo Quyết định số :35/QĐ/ĐHSP-TCCB ngày 5.2001 của Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM)
  2. ‘‘Education Sciences Reform Act of 2002’’.
  1. Trang web của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ: http://www.ed.gov/
  1. Trang web của Viện Nghiên cứu Giáo dục: ier.edu.vn
  1. Trang web của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:                 http://www.niesac.edu.vn

Ghi chú

[1] Trong phần trích dẫn các nội dung của Đạo luật Cải cách Khoa học Giáo dục 2002, người viết giữ nguyên các đề mục a, b, c, (1), (2), (3), v.v. của văn bản tiếng Anh.