Tác giả: Nicholas Barr
Người dịch: Phạm Thị Ly (2008)

 Giáo dục đại học đang đương đầu với một vấn đề phổ biến khắp nơi trên toàn thế giới: các trường đại học không đủ nguồn tài chính để hoạt động, những quan ngại về chất lượng đào tạo đang gia tăng, những hình thức hỗ trợ sinh viên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm một tỷ lệ nhỏ bé đến mức thảm hại trong tổng số sinh viên đại học, và nguồn ngân sách cấp cho đại học ở nhiều nước có xu hướng thụt lùi do có quan điểm cho rằng nguồn tài chính cấp cho giáo dục đại học chủ yếu là từ tiền thuế do toàn dân đóng góp, trong lúc người hưởng lợi từ lợi ích của giáo dục đại học lại là những người thuộc tầng lớp khá giả.

Không còn chỉ là xa xỉ phẩm dành cho giới thượng lưu tinh hoa, giáo dục đại học ngày nay đã trở thành một nhân tố quan trọng trong hoạt động kinh tế của quốc gia, và là yếu tố quyết định đối với cơ hội vươn lên một cuộc sống tốt hơn của mỗi cá nhân. Bởi vậy việc mở rộng giáo dục đại học đang diễn ra trên toàn thế giới vừa là một tham vọng, vừa là một tất yếu. Nhưng giáo dục đại học đòi hỏi tốn nhiều tiền của, và đang phải đối mặt với nhu cầu cạnh tranh trong việc sử dụng nguồn tài chính công. Do vậy việc cung cấp tài chính công cho đại học là một việc quan trọng và hết sức nhạy cảm về chính trị. Cho dù vậy, việc mở rộng biên độ thỏa hiệp vẫn đang tồn tại giữa hai mục tiêu chủ yếu: một là tăng cường chất lượng và sự đa dạng vừa cho lợi ích của các đại học, vừa cho hoạt động kinh tế của quốc gia; hai là mở rộng khả năng tiếp cận đại học vừa là để nâng cao hiệu quả vừa là nhắm đến sự công bằng. Nếu không thể hoàn toàn dựa vào nguồn tài chính công, cần phải đưa vào giáo dục đại học những nguồn tài chính tư nhân, nhưng điều này cần được tiến hành theo những cách không ngăn chặn cơ hội vào đại học của người nghèo. Bài viết này trình bày vấn đề trên, những luận cứ trong bài dù nhìn bề ngoài có vẻ như nói về giáo dục đại học trong những nước giàu, thực ra có thể áp dụng rộng rãi đối với giáo dục đại học nói chung và giáo dục đại học trong những nền kinh tế đang phát triển.

Lý thuyết kinh tế học đem lại cho chúng ta bài học gì?

Lý thuyết kinh tế học cung cấp một quan điểm hữu dụng cho việc phân tích giáo dục đại học. Trước hết, đã qua rồi cái thời của kế hoạch tập trung. Sinh viên là những khách hàng có tiềm năng nắm được nhiều thông tin, có thể tự lựa chọn những gì phù hợp với lợi ích của họ và lợi ích của nền kinh tế tốt hơn nhiều so với các nhà làm kế hoạch. Mặc dù nhận định này khá mạnh mẽ, vẫn có một ngoại lệ quan trọng: những gia đình nghèo có thể không được biết đầy đủ thông tin về những chương trình học bổng và cho vay học phí của nhà nước.

Về phía cung cấp dịch vụ giáo dục, lối làm việc theo kiểu kế hoạch tập trung, dù muốn hay không cũng không thể thực hiện được nữa. Để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật, ngày càng có nhiều trường đại học, nhiều sinh viên, nhiều môn học, ngành học mới ra đời. Huyền thoại về việc các trường đại học đều giống nhau và cần được cung cấp tài chính như nhau không còn có thể đứng vững được nữa. Về nguyên tắc, những nguồn tài chính khác nhau có thể được quyết định bởi những nhà làm kế hoạch biết tất cả mọi thứ trong nền kinh tế kế hoạch tập trung, nhưng vấn đề là ở chỗ quá phức tạp để có được một cơ cấu duy nhất: giáo dục đại học đại trà đòi hỏi một hệ thống tài chính cho phép mỗi trường được tự định ra một mức học phí phù hợp với chi phí và nhiệm vụ khác nhau của từng trường.

Cần lưu ý rằng cách tiếp cận này có thể dẫn tới những kết luận hết sức khác nhau về giáo dục trong nhà trường. Lý luận về sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường trong lĩnh vực giáo dục đại học không phải là một tư tưởng cơ bản, nhưng có nguồn gốc từ những nguyên lý kinh tế.

Bài học thứ hai từ lý thuyết kinh tế học là sinh viên nên đóng góp chi phí cho việc học của họ. Giáo dục đại học tạo ra những lợi ích vượt lên trên lợi ích riêng của mỗi cá nhân, lợi ích hiểu theo nghĩa sự trưởng thành, sự tăng cường cố kết xã hội, và sự chuyển giao các giá trị. Với ý nghĩa đó, sự bao cấp cho giáo dục đại học bằng tiền đóng thuế của người dân là có phần đúng. Tuy nhiên, sinh viên cũng đồng thời nhận được những lợi ích riêng đáng kể (thường là những lợi ích cụ thể và có thật), cho nên họ cũng cần chia sẻ chi phí, đó là điều hợp lý và tăng thêm hiệu quả của giáo dục đại học.

Quan điểm này mang tính chất nhấn mạnh. Nhiều người cho rằng giáo dục đại học là quyền của mọi người, và cần được bao cấp bằng tiền đóng thuế. Tuy vậy, sự thật là những gì được coi là một thứ quyền không có nghĩa là nó nhất thiết phải được bao cấp bằng tiền thuế. Quyền được có đủ dinh dưỡng là một quyền cơ bản của con người, nhưng không ai cho rằng phải trả tiền cho thực phẩm là một điều sai trái. Yêu cầu đạo đức không phải đặt ra cho công cụ (thí dụ như giá tiền) mà là cho hiệu quả, nghĩa là những người có năng lực nên có cơ hội vào được những trường đại học tốt nhất cho dù là hoàn cảnh kinh tế của họ có khó khăn như thế nào đi nữa. Thêm vào đó, những xung đột diễn ra trên phạm vi toàn cầu giữa sự mở rộng quy mô giáo dục đại học và áp lực tài chính cũng có nghĩa rằng việc dựa vào tiền thuế sẽ tạo ra áp lực làm giảm sút chất lượng đào tạo. Lịch sử đã cho thấy nguồn tài chính công góp phần rất ít ỏi trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận đại học nhất là khi nguồn tiền này đang giảm sút trầm trọng. Thật là không công bằng nếu đòi hỏi những người tốt nghiệp đại học phải trả nhiều hơn cho chi phí giáo dục đại học, nhưng đòi hỏi những người đóng thuế chưa tốt nghiệp đại học phải trả tiền cho người khác học đại học thậm chí càng bất công hơn nữa.

Tuy nhiên, phần lớn người học không đủ khả năng chi trả cho học phí bậc đại học của mình, điều này dẫn tới bài học thứ ba mà chúng ta có thể rút ra được từ các học thuyết kinh tế: một chương trình cho sinh viên vay nợ được thiết kế tốt sẽ có những đặc điểm cốt lõi sau đây:

  • Trả nợ dựa trên nguồn thu nhập: Số tiền trả nợ được tính theo tỉ lệ phần trăm thu nhập của sinh viên sau này, thu cùng với thuế thu nhập. Đó là một phương tiện bảo vệ vì tiền cho vay được bảo hiểm nhằm bảo đảm cho những trường hợp không đủ khả năng trả nợ; và vì tiền trả nợ được thu cùng với thuế thu nhập, nó tránh cho chủ nợ những rủi ro của những khoản cho vay không an toàn.
  • Khoản cho vay phải đủ lớn để trang trải chi phí học tập, và ít nhất, tại các nước giàu, một khoản chi phí sinh hoạt thực tế, nhờ đó tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được giáo dục đại học.
  • Tiền vay nên có mức lãi suất hấp dẫn ngang với chi phí đi vay của nhà nước. Câu hỏi về lãi suất cho vay rất đáng được xem xét. Nhiều nước, như Úc và Anh, đưa ra một mức lãi suất thực tế bằng không, tức là chính phủ bao cấp toàn bộ tiền lãi phải trả. Chính sách này tuy vậy không hề đạt được chút gì những mục tiêu mong muốn. Khoản bao cấp này là một số tiền khổng lồ, kết quả là ngân sách bị thu hẹp lại, khiến cho chất lượng và cơ hội tiếp cận đại học cũng giảm đi. Quan điểm này không có gì là kỳ cục. Kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa cho thấy sự bao cấp rất dễ dẫn tới thiếu hụt, trong trường hợp này, chi phí bao cấp cho lãi suất có kết quả không đáng kể, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực cho việc tiếp cận đại học, đồng thời không khuyến khích sự ủng hộ cho đại học của người đóng thuế, dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo đại học. Để làm vấn đề thêm trầm trọng, việc bao cấp lãi suất đang thụt lùi đáng kể, do vậy nó không giúp gì được cho sinh viên (những người đã ra trường là những người phải trả nợ, chứ không phải những người đang học). Chính sách này có giúp ích đôi chút cho những người ra trường có thu nhập thấp, nhưng không giúp gì được cho những người tốt nghiệp với đồng lương cao trong buổi đầu sự nghiệp của họ : đối với chính sách cho vay và thu hồi nợ vay dựa trên thu nhập không chắc chắn của sinh viên sau khi ra trường, tiền trả nợ hàng tháng chỉ phụ thuộc vào số tiền kiếm được, vì lãi suất cao hay thấp chỉ ảnh hưởng tới thời hạn vay, mà không ảnh hưởng tới tiền trả hàng tháng. Do vậy, người hưởng lợi chính là những người thành công trong khoảng giữa con đường sự nghiệp của họ, khi tiền trả nợ kết thúc sớm hơn nhờ được bao cấp tiền lãi thay vì phải mất nhiều năm hơn để trả nợ. Đó không phải là mục tiêu mà các nhà hoạch định chiến lược giáo dục nhắm tới. Thay vì một chính sách như vậy, sự bao cấp tiền lãi xây dựng trên những mục đích cụ thể có lẽ sẽ có ích hơn.

Một chiến lược hiệu quả

 Lý thuyết kinh tế học đề nghị một chiến lược ba thành phần:

Một là, hoãn lại một số chi phí có thể hoãn được. Các trường đại học hoạt động dựa trên nguồn tài chính được cấp và dựa trên học phí. Mỗi trường tự xây dựng mức học phí của mình, khoản tiền này sinh viên có thể được vay hoàn toàn. Các chi phí học tập khác ít biến đổi ở châu Âu, và được cho là hiển nhiên ở Mỹ và nhiều quốc gia châu Á. Học phí đem lại cho các trường một nguồn lực tài chính đáng kể để cải tiến chất lượng, và thông qua cạnh tranh, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng những nguồn lực này. Đó không phải là luận cứ của cạnh tranh theo luật cá lớn nuốt cá bé, mà chỉ là sự tự điều chỉnh theo quy luật thị trường. Trái với trực giác, tách các thứ phí này ra khỏi học phí cũng hợp lý hơn vì nó làm giảm sự đi xuống của một hệ thống chỉ dựa vào nguồn ngân sách được bao cấp.

Hai là thu hồi khoản cho vay dựa trên nguồn thu nhập: Nhà nước cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên thông qua chính sách cho vay và trả nợ vay dựa trên thu nhập không cố định của sinh viên sau khi ra trường. Khoản vay cần đủ lớn để trang trải chi phí học tập, và ở những nước giàu hơn, đủ cho sinh hoạt phí với một lãi suất hấp dẫn, tương đương với chi phí của nhà nước khi vay mượn.

Nếu khoản cho vay đủ để trang trải học phí, giáo dục đại học cũng gần như là miễn phí. Sinh viên không phải trả tiền gì cả khi họ đặt chân vào đại học. Một phần chi phí sẽ được trả thông qua tiền thuế và phần khác được trả sau khi họ có việc làm. Theo quan điểm của những người đã ra trường, khoản trả này chỉ có một khác biệt so với tiền thuế: chỉ những người đã tốt nghiệp đại học mới phải trả, và khoản trả này không kéo dài mãi mãi. Một chính sách cho vay như vậy một cách logic mà xét sẽ gần như tạo ra chế độ giáo dục đại học miễn phí. Tài chính cho giáo dục đại học sẽ được chi trả bằng những đóng góp từ thu nhập của những người tốt nghiệp.

Quan điểm của Bộ Tài chính thì có hơi khác. Mặc dù khoản cho vay rốt cuộc là đem đến những nguồn lực cho cá nhân, nhưng đối với nhà nước, một kế hoạch cho vay, theo định nghĩa của nó, là một chi phí phải bỏ ra trước và nhận lại tiền hoàn trả sau. Bởi vậy cần phân biệt số tiền cho vay (tức là những khoản có thể chẳng bao giờ được hoàn trả do chính sách bao cấp lãi suất chẳng hạn), và số tiền cuối cùng đã thu hồi lại được. Khoản cho vay này là mối quan ngại chính ở mọi quốc gia, và ở những nước nghèo, khả năng thu hồi lại số tiền ấy cũng lại là một mối quan ngại lớn. Một cách lý tưởng mà nói, nên tạo ra khả năng đáp ứng nhu cầu này bằng nguồn lực của thành phần tư nhân, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Những nhà cho vay tư nhân sẽ tính vào giá khoản vay những rủi ro có thể thông qua lãi suất thay cho sự bảo đảm của nhà nước, những khoản cho vay này sẽ được phân loại như là một thứ tài chính công. Những giải pháp đầy tiềm năng này chỉ còn là vấn đề kỹ thuật, nhưng cần phải có một sự đầu tư quan tâm thích đáng đến việc thiết kế những quy định và lộ trình thực hiện nó.

Ba là kích hoạt những phương sách nhằm đẩy mạnh khả năng tiếp cận đại học. Hai nhân tố đã nêu trên đây tạo ra những điều kiện về mặt tài chính để thực hiện nhân tố thứ ba này. Có hai nguyên nhân tạo ra sự loại trừ đối với khả năng tiếp cận đại học: sự nghèo nàn về mặt tài chính, và sự đói thông tin. Bất cứ chiến lược tiếp cận nào cũng đều phải giải quyết hai vấn đề này. Những phương sách để giải quyết vấn đề tài chính bao gồm cả học bổng. Sự nghèo đói về thông tin hiện nay vẫn chưa được nhấn mạnh đúng mức. Những hoạt động nhằm thông tin cho học sinh và nuôi dưỡng khát vọng học tập của họ vẫn còn nghèo nàn và đáng bị phê phán. Trở ngại đáng buồn nhất là có những người chưa hề bao giờ nghĩ rằng mình sẽ vào đại học. Hơn thế nữa, những học sinh không biết rõ những thông tin về chi phí và lợi ích của giáo dục đại học sẽ miễn cưỡng vay tiền, đây là nhóm cần tới sự hỗ trợ của tài chính công. Cuối cùng, vấn đề tiếp cận đại học không thể được giải quyết chỉ trong phạm vi của giáo dục đại học. Cần có những nỗ lực sớm hơn trong hệ thống giáo dục, bởi vì rõ ràng là những vấn đề này có nguồn gốc từ những nhận thức chưa đúng lúc còn nhỏ.

Những cuộc cải cách ở nước Anh

Cuộc cải cách năm 1998 đưa ra chính sách cho vay học phí và thu hồi qua thu nhập không cố định của người học sau khi ra trường. Ngoài chính sách ấy, hệ thống giáo dục Anh quốc có nhiều vấn đề nghiêm trọng:

  • Chế độ tập trung kế hoạch hóa vẫn tiếp tục, nhằm kiểm soát số lượng sinh viên và mức thu học phí
  • Mức học phí được chính phủ quy định, và bằng nhau bất kể trường gì và môn nào ngành nào; không có khoản cho vay nào để trang trải học phí, khiến học phí là một khoản tiền phải trả ngay tức thời.
  • Các khoản cho vay quá nhỏ không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, chưa nói tới học phí, kết hợp với để trống lãi suất được bao cấp.
  • Cuộc cải cách này đã bãi bỏ hệ thống trước đó về việc hỗ trợ sinh viên bằng nguồn tài chính công.

Cuộc cải cách được ban hành năm 2004 đã giải quyết phần lớn những vấn đề này, theo chiến lược ba phần như đã trình bày trên đây. Đó có thể là một mô hình đáng học tập cho những nước khác.

Học phí

 Từ năm 2006, cuộc cải cách đã thay thế chế độ học phí như nhau bằng một mặt bằng đa dạng, trong khoảng từ 0 đến 3000 EUR mỗi năm. Sinh viên có thể trả ngay, hoặc cũng có thể ghi nợ khoản tiền này, trong trường hợp đó cơ quan quản lý nợ vay sinh viên sẽ trả trực tiếp cho trường đại học, do vậy tình trạng tài chính của trường đại học thành ra độc lập với phương thức mà sinh viên chọn để thanh toán học phí. Đây là một thị trường được điều chỉnh, đặc biệt là qua việc áp đặt mức học phí tối đa. Như đã trình bày trên đây, những mức học phí khác nhau sẽ cải tiến được chất lượng đào tạo. Nó cũng công bằng hơn: giảm gánh nặng cho tài chính công, và công bằng hơn một cách trực tiếp: không lý gì lại trả cùng một mức học phí đối với một trường đại học địa phương nhỏ xíu và một trường đại học nổi tiếng quốc tế.

Cho vay

Cuộc cải cách năm 2004 đã cải tiến các quy định bằng cách mở rộng mức cho vay đủ để trang trải học phí và có thể gia tăng khoản vay để trang trải cả sinh hoạt phí. Nó cũng tăng cái ngưỡng tối thiểu cho việc hoàn trả nợ vay: từ năm 2006, sinh viên đã ra trường sẽ phải trả 9% của phần thu nhập trên 15,000 EUR mỗi năm (trước đó là 10,000 EUR).

Dưới cái nhìn của sinh viên, tình hình này có hơi khác với thời “giáo dục đại học miễn phí”: học phí sẽ được cơ quan cho vay trả trực tiếp cho nhà trường thay cho sinh viên, và khoản vay cho chi phí sinh hoạt sẽ được chuyển thẳng tới tài khoản của họ. Dưới cái nhìn của người đã ra trường, có thêm một khoản bị khấu trừ trong lương, cùng với thuế thu nhập và đóng góp cho an sinh xã hội cho đến khi khoản nợ được thanh toán hết.

Những hoạt động nhằm đẩy mạnh cơ hội tiếp cận đại học

Luật Giáo dục năm 2004 phục hồi lại các khoản tài trợ cho sinh viên (có những nguồn học bổng dành cho những người gia cảnh khó khăn). Từ năm 2005, những sinh viên xuất thân trong gia đình nghèo sẽ được quyền có trợ cấp 2,700 EUR mỗi năm, thêm vào cùng với khoản cho vay. Mục đích của chính sách này là để cuộc cải cách không gây ra thiệt thòi cho bất cứ sinh viên nghèo nào. Hơn nữa, nó cũng giúp ích cho những người có lương thấp sau khi ra trường: mọi khoản nợ không hoàn trả nổi sau 25 năm sẽ được xóa sổ. 10% khoản vay cũng sẽ được xóa sổ hàng năm đối với những giáo viên mới đang dạy những môn còn thiếu hụt người dạy.

Bộ Luật này cũng đồng thời đưa ra những Quy định Điều chỉnh về Tiếp nhận Sinh viên- một nhân tố khác của quy luật thị trường – nhiệm vụ của nó là bảo đảm rằng các trường sẽ có một kế hoạch thích đáng trong việc mở rộng cửa tiếp nhận sinh viên. Những kế hoạch này có thể bao gồm những chương trình học bổng cho sinh viên nghèo và những chương trình nhằm đưa thông tin đến với học sinh một cách tốt hơn.

Những điều chỉnh này có hiệu lực đầy đủ từ năm 2006, mang đến những nguồn lực bổ sung và đẩy mạnh cạnh tranh giữa các trường đại học, cả hai đều có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, và phân phối lại đầu vào, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhiều người. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là hệ thống này đã được xem là hoàn hảo. Có những nhà bình luận cho rằng học phí như vậy là quá thấp. Cần có một điều khoản quy định cho sự cân bằng. Nếu mức thu học phí được mở rộng quá nhanh, thế cân bằng chính trị mong manh có thể không được giữ vững, nhưng nếu mức thu học phí được quy định quá thấp trong một thời gian dài, hầu hết các trường đại học sẽ thu ở mức cao nhất, hình thành một mặt bằng học phí như nhau giữa các trường, vô hình chung lại đưa kiểu làm việc theo kế hoạch tập trung quay trở lại. Một trở ngại chủ yếu khác vẫn đang tiếp diễn đối với vấn đề cho vay học phí là lãi suất cao và những khoản bao cấp của nhà nước cho tiền lãi của khoản vay này đang sụt giảm.

Những thử thách gay go nhất

Lý thuyết kinh tế học và kinh nghiệm thực tiễn gợi ý cho chúng ta giải pháp cho những vấn đề có thể tránh được, như:

  1. những khoản chi tiêu ngân sách không thể biện minh được
  2. những khoản chi tiêu ngân sách do tầng lớp trung lưu nắm quyền điều khiển
  3. không có chính sách cho vay, hoặc một chính sách cho vay được thiết kế chưa tốt, khiến nó mang lại những nguồn lực không đáng kể.
  4. sức ép kinh tế đặt lên các trường đại học, làm giảm sự khích lệ đối với hiệu quả
  5. những đặc điểm cụ thể trong thiết kế chính sách đòi hỏi phải tốn nhiều tiền (bao cấp tiền lãi), và những yêu cầu về mặt hành chính (như kiểm tra thu nhập), hoặc cả hai.

 

Những vấn đề này khá phổ biến, tuy rằng hai vấn đề (b) và (d) thì ít gây ra trở ngại hơn ở những nước có mức thu học phí đa dạng.

 

Ba yếu tố trong chiến lược nêu trên (trì hoãn những khoản thu có thể trì hoãn được; cho vay và thu hồi nợ vay dựa trên thu nhập, và những phương cách tích cực đẩy mạnh việc tiếp cận giáo dục đại học) có thể áp dụng được cho bất cứ quốc gia nào có thể thu được thuế thu nhập, qua đó kiểm soát được việc thu hồi nợ vay của sinh viên một cách hiệu quả. Chiến lược này đưa ra một điểm mốc để các quốc gia có thể đánh giá những phương hướng chính sách tương lai của họ.

Thực trạng ở những nơi khác

Tất cả những quốc gia công nghiệp hóa chủ yếu đều đang có vấn đề trong việc cung cấp tài chính cho giáo dục đại học. Chính phủ Anh đã tỏ ra khá dũng cảm khi trình bày những trở ngại chính trị nghiêm trọng trong vấn đề này. Sớm muộn gì chính phủ các nước khác cũng sẽ phải làm như vậy. Họ có thể thực hiện điều này dễ dàng hơn nhờ tấm gương từ các nước như Úc, Canada, New Zealand, và Vương quốc Anh.

  • Nước Mỹ làm tốt vấn đề học phí, nhưng chưa tốt lắm trong việc cho sinh viên vay tiền học, vì khoản vay này không được thu hồi dựa trên thu nhập, cũng không được thu hồi như một khoản trừ trong bảng lương, lại còn kéo theo bao cấp tiền lãi. Việc đẩy mạnh cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cũng chưa thật tốt, vì sự sắp xếp, bố trí học bổng bị phê bình là chi li, bủn xỉn và quá phức tạp.
  • Canada xem xét rất tích cực việc cho vay và thu hồi nợ vay dựa trên thu nhập.
  • Australia đưa ra một hệ thống học phí đã được điều chỉnh (tức là một mức thu học phí như nhau đối với mọi ngành học, mọi trường) năm 1989 và chỉ mới bắt đầu từng bước mở rộng biên độ học phí. Australia cũng có chế độ cho vay học phí và thu hồi dựa trên thu nhập, khoản nợ vay này kết hợp với bao cấp tiền lãi nhưng không bao gồm chi phí sinh hoạt.
  • New Zealand tiến gần đến mức đạt được cả ba yếu tố trên trong thập kỷ 90 nhưng lại chịu hậu quả vì tiến quá nhanh, do kết quả những áp lực của cử tri, buộc phải quay trở lại chính sách bao cấp tiền lãi vay từ năm 2000.
  • Hầu hết các nước ở Tây Âu và Bắc Âu chưa thật chú trọng vấn đề học phí. Ở nhiều nước châu Âu, học phí đại học là một lãnh vực “miễn bàn”- một bộ trưởng Bắc Âu đã dùng từ “húy kỵ” để nói về hiện tượng này.

Tuy vậy, đối với các nước đang phát triển, một thử thách ám ảnh các nhà bình luận là làm cách nào tạo ra một chế độ cho vay học phí nhái theo chế độ cho vay học phí và thu hồi khoản cho vay dựa trên thu nhập, khi mà xã hội có nhiều thành phần không chính thức và khả năng thu được thuế thu nhập là rất giới hạn. Đây có lẽ là khó khăn lớn nhất trong mọi thử thách.

Nếu điều kiện tiên quyết tất yếu này không được đáp ứng, có thể có một lựa chọn sai lầm là sắp xếp các khoản cho vay học phí trên một phạm vi rộng và cho rằng mọi việc đôi khi chẳng biết bằng cách nào lại hóa ra đúng. Liệu có những khả năng lựa chọn nào khác? Chẳng hạn như:

  • Cung cấp tài chính cho giáo dục đại học bằng ngân sách với một tỉ lệ thấp (thí dụ như 1% GDP) để tạo ra một chất lượng giáo dục đại học thật tốt cho một số ít sinh viên, hoặc một chất lượng đào tạo thấp cho một số đông.
  • Dựa vào các nguồn tài chính tư nhân và một số ít học bổng, chấp nhận rằng điều này sẽ hạn chế cơ hội vào đại học của những học sinh nghèo.
  • Đưa ra một kế hoạch cho vay quy mô nhỏ, chấp nhận rằng sẽ có khá nhiều trục trặc khi thực hiện và một chi phí quản lý đáng kể.
  • Dùng ngân sách nhà nước cho hai năm đầu đại học chẳng hạn, để phần còn lại cho các nguồn tài chính tư nhân
  • Dùng những nguồn tài chính trợ giúp phát triển để làm dịu việc cân bằng các yếu tố khác nhau của những phương pháp đã áp dụng trước đó.

Những khó khăn khi sử dụng những nguồn tài chính tư nhân để cho vay học phí là hiển nhiên. Có lẽ là hai khả năng sau cùng trong số những lựa chọn đã nêu trên, được thiết kế trọn gói, có thể đưa ra phương cách tốt nhất để sử dụng nguồn tài chính công ít ỏi. Bằng cách tránh những kế hoạch cho vay không đáng tin cậy, nó để mở những khả năng lựa chọn về việc áp dụng chế độ cho vay học phí một khi các trường đại học có đủ khả năng thực hiện. Lúc đó, một cơ cấu thu hồi nợ vay có hiệu quả sẽ mở ra những khả năng để những nguồn tài chính phi chính phủ, kể cả các tổ chức tài chính quốc tế và những người cho vay vì lợi nhuận có thể tham gia vào kế hoạch cho vay học phí đại học.

Tính chất bổ sung lẫn nhau của giáo dục

Những lý luận về học phí và sự phân tích kế hoạch cho vay học phí dựa trên thu nhập có thể áp dụng rộng rãi cho giáo dục sau trung học. Giáo dục sau trung học cũng nên được nhìn trong bối cảnh rộng hơn chứ không chỉ là một khóa học trong cả đời người. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối tương quan bổ sung cho nhau giữa các bậc học: giáo dục sau trung học sẽ có hiệu quả tốt hơn nếu nó dựa trên nền tảng vững chắc của giáo dục tiểu học với chất lượng tốt; và giáo dục tiểu học sẽ có hiệu quả tốt hơn khi nó được củng cố và tăng cường ở giáo dục trung học và sau trung học. Do đó thử thách to lớn đặt ra cho vấn đề tài chính đại học là cung cấp tài chính theo cách nào để có thể đẩy mạnh chất lượng và tránh được việc gây ra sụt giảm đầu tư tài chính cho tiểu học và trung học.
                                                         (Nguồn: Finance and Development, June 2005)