Phạm Thị Ly (2018)
(Bài đăng báo Zing ngày 13.08 với tiêu đề: “Cải cách khảo thí nhìn từ điểm chuẩn năm nay”)

 

Một số trường ĐH hạ điểm chuẩn đầu vào đang gây ra e ngại trong dư luận, đặc biệt là những trường xưa nay vốn có điểm đầu vào rất cao. Chẳng hạn Trường ĐH Y Hà Nội năm nay điểm chuẩn là 24.75 trong lúc năm ngoái là 29.25, thậm chí có ngành như Y tế công cộng xuống đến 18.1 hay Trường ĐH Y TPHCM năm nay là 24.95 so với năm ngoái 29.25. ĐH Bách Khoa TPHM cũng giảm mạnh từ 28 năm ngoái, năm nay còn 23.25. Hiện tượng này đang diễn ra ở nhiều trường. Xu hướng này nói lên điều gì và liệu có thực sự đáng lo ngại?

Điểm chuẩn vào ĐH phụ thuộc vào nhiều thứ: yêu cầu của nhà trường về năng lực tối thiểu để có thể tiếp thu chương trình đào tạo, mức độ “hot” của ngành nghề mà trường đào tạo và đặc biệt trực tiếp là cán cân cung cầu: số thí sinh muốn vào trường, và khả năng tiếp nhận của trường.

Ở Mỹ, mức độ cạnh tranh khi vào trường (tỉ lệ thí sinh được nhận trên tổng số ứng viên), cũng như mức điểm trung bình để xét tuyển là hai yếu tố được xem như có ý nghĩa quan trọng biểu hiện uy tín của trường. Vì thế, nó là một trong các thước đo của xếp hạng ĐH.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, thì những yếu tố đó chỉ có ý nghĩa tương đối.

Tương quan giữa điểm số và năng lực

 Tạm gác sang một bên vấn đề tiêu cực trong thi cử, ta hãy giả thiết là mức độ tiêu cực bằng không, thì điểm số có tương quan như thế nào với năng lực nói chung, với năng lực học ĐH và thành công trong đời nói riêng?

Không có gì đảm bảo là một thí sinh vào ĐH với 25 điểm đầu vào sẽ học kém hơn một thí sinh cùng khóa có điểm đầu vào là 26, 27 hay 28, vì kết quả học tập trong quá trình đào tạo sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ngay cả trong trường hợp “những yếu tố khác” đó là như nhau, thì cũng vẫn không có gì đảm bảo là hai thí sinh này sẽ có kết quả học tập và mức độ thành công trong đời tỉ lệ thuận với điểm thi mà mình đã đạt được. Tất nhiên cần có nghiên cứu để khẳng định liệu điểm thi có tương quan như thế nào với kết quả học tập và mức độ thành công về sau, nhưng về mặt lý thuyết, thì mối tương quan này trước hết phụ thuộc vào thiết kế đề thi, tức là bài thi nhằm đo lường điều gì và đề thi phục vụ cho mục tiêu đó ở mức độ nào?

Cho đến nay, đề thi ở VN, dù là tự luận hay trắc nghiệm, vẫn chủ yếu là đo lường kiến thức tích lũy được và kỹ năng làm bài thi. Không kể các trường hợp ngoại lệ, có thể nói thực tế ở Việt Nam hiện nay là hầu hết thí sinh có học thêm, có luyện thi thì sẽ làm bài tốt hơn những thí sinh tuyệt đối không học thêm, không luyện thi. Cần mở ngoặc để nói rằng điều này chỉ là nhận xét dựa trên quan sát và trao đổi với những người trong cuộc, trong lúc lẽ ra các viện nghiên cứu về giáo dục cần phải thực hiện những công trình để tìm kiếm dữ liệu nhằm khẳng định hay bác bỏ những nhận định như thế. Thêm vào đó, lẽ ra cần có những nghiên cứu/đánh giá độc lập để trả lời câu hỏi đề thi hiện nay của chúng ta đang thực sự đo lường điều gì và những điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc đi xa hơn trên đường học tập, nghiên cứu, tìm kiếm tri thức, hay trong thực tiễn hành nghề và cuộc sống sau này.

Nếu nhận xét nêu trên là đúng, thì những đề thi có tính chất đánh đố chẳng những làm méo mó quá trình giáo dục ở phổ thông, mà cũng không đo lường được tiềm năng của thí sinh trong việc tiếp thu quá trình đào tạo ở bậc ĐH và đi xa hơn nữa khi tốt nghiệp.

Cần lưu ý là đo khối lượng kiến thức tích lũy được không phải lúc nào cũng là điều dở. Thi lý thuyết lái xe chẳng hạn, thì việc đo xem thí sinh có nhớ đầy đủ những gì cần phải nhớ hay không là một điều quan trọng. Không hiểu, không nhớ, hay hiểu sai một biển báo giao thông, là tai nạn có thể xảy ra trong chớp mắt. Tuy nhiên, thi vào ĐH không giống với thi bằng lái xe. Bằng lái xe chỉ đòi hỏi người ta hiểu, nhớ các quy tắc giao thông và kỹ năng điều khiển chiếc xe. Bằng ĐH đòi hỏi người ta không chỉ nhớ những kiến thức được học, mà là sử dụng những kiến thức đó để tạo ra kiến thức mới và vận dụng linh hoạt trong đời sống.

Vì thế, điểm đầu vào của các trường năm nay dù có giảm sút so với các năm trước, cũng không phải là điều gì nghiêm trọng đáng lo ngại. Nó chỉ là cơ hội cho ta nhìn lại vấn đề điểm số có ý nghĩa như thế nào trong việc đánh giá năng lực và tiềm năng, và cần phải làm gì để việc tuyển sinh ĐH đạt được mục tiêu tìm được những người phù hợp nhất và có tiềm năng cao nhất.

Tính khả tín

Tiêu cực trong thi cử là chuyện dài nhiều tập ở Việt Nam, không phải là vấn đề riêng của năm nay. Có lẽ không cần nhắc lại những vụ nổi bật trong những năm gần đây, thì mọi người đều hiểu, tiêu cực trong thi cử là một vấn đề không thể xem nhẹ ở Việt Nam. Mức độ nghiêm trọng và quy mô của những vụ tiêu cực được phát hiện trong kỳ thi năm nay đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới niềm tin của xã hội về mức độ khả tín của kết quả thi.

Hiện không có cơ sở để xác định mức độ khả tín của điểm thi năm nay cũng như các năm trước, vì chúng ta không có dữ kiện để đánh giá quy mô của tiêu cực tuyển sinh những năm qua. Như đã nói, kể cả trong trường hợp không có tiêu cực trong tuyển sinh, thì điểm thi cũng không phải là thước đo năng lực hoàn toàn đáng tin cậy, với cách ra đề và tổ chức thi của Việt Nam hiện nay. Vì thế, hai khuyến nghị có thể rút ra là không tuyệt đối hóa vai trò của điểm thi trong việc xem xét năng lực của thí sinh, và cải cách khảo thí cần sớm được nghiên cứu thực hiện.

Cải cách khảo thí

Mấy năm nay, cách thức thi cử thay đổi thường xuyên và liên tục, có phần là vì cơ quan quản lý nhà nước dựa trên thực tế “học để thi” của Việt Nam, cho rằng thay đổi cách thi thì người học sẽ thay đổi cách học, và từ đó tạo ra chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học. Các văn bản và nghị quyết ở cấp Bộ và cấp cao hơn đều nêu rõ tinh thần giảm nhẹ áp lực thi cử và gánh nặng tốn kém cho xã hội.

Tiếc rằng ý định tốt đẹp này đã không tạo ra kết quả mong muốn. Trong thực tế, tâm lý học để thi không hề giảm sút, áp lực thi cử không bớt đi, và số tiền cả xã hội bỏ ra cho việc luyện thi, tổ chức thi, có thể hình dung lớn như thế nào, chưa nói tới việc mua điểm dưới nhiều hình thức và ở tất cả mọi cấp học.

Đó là vì những vấn đề gốc rễ của khảo thí chưa được giải quyết. Những vấn đề đó là:

  • Áp lực chỉ một kỳ thi mỗi năm: Nếu như thi TNPT hay tuyển sinh năng lực được tổ chức nhiều lần trong năm với một mức phí vừa phải, người học có thể thi bao nhiêu lần cũng được, áp lực sẽ giảm. Cùng với nó là các bài thi thử miễn phí, kiểu như học thi bằng lái xe hay thi thử TOEFL, IELTS để thí sinh luyện tập, áp lực cũng sẽ giảm, vì ai cũng có cơ hội làm lại nhiều lần.
  • Cách ra đề: Có nhiều ý kiến lên án cách thi trắc nghiệm. Nhưng thi trắc nghiệm là cách kiểm tra đánh giá phổ biến trên thế giới vì tính tiện dụng và hợp lý của nó. Cũng như mọi phương pháp khác, dĩ nhiên là thi trắc nghiệm có những nhược điểm nhất định, nhưng nó vẫn là phương tiện phổ biến, và được sử dụng kết hợp với tự luận hoặc các hình thức đánh giá khác. Tuy nhiên, đối với thi trắc nghiệm, gánh nặng đặt ra đối với việc ra đề là rất lớn. Đề thi phải được nghiên cứu và thử nghiệm bài bản để phục vụ cho những mục đích cụ thể của việc đánh giá. Những kỳ thi có mục đích khác nhau phải có cách ra đề khác nhau. Cần phải có thêm nhiều nghiên cứu và đánh giá độc lập về những đề thi cấp quốc gia đã được sử dụng từ trước đến nay.
  • Cách sử dụng kết quả thi: Hiện nay, điểm thi TNPT vẫn là tiêu chí quan trọng nhất để xét tuyển ĐH. Một số trường dùng thêm các tiêu chí khác bổ sung, nhưng vẫn coi điểm thi TNPT là điều kiện cơ bản. Điều này nên được thay đổi. Điểm thi chỉ nên là một phần, thậm chí là phần thứ yếu, trong việc đánh giá năng lực thí sinh và xét tuyển vào ĐH. Bảng điểm của các tổ chức khảo thí uy tín như TOEIC, TOEFL, IELTS, nên được chấp nhận thay cho môn thi ngoại ngữ. Điểm thi SAT/ACT nên được chấp nhận thay thế cho điểm thi năng lực hoặc điểm đầu vào của ĐH. Các hình thức khác như bài tự luận, thư giới thiệu, phỏng vấn trực tiếp, thành tích hoạt động cộng đồng, video tự giới thiệu, nên được coi trọng nhiều hơn.

Ngoài ra, việc áp dụng những cách tuyển sinh đã thành phổ biến trên thế giới đòi hỏi phải huấn luyện đội ngũ tuyển sinh “có tay nghề”, trước hết tập trung vào một số trường lớn và có điều kiện, chứ không làm tràn lan. Trong bối cảnh đạo đức xã hội suy đồi, cần có giải pháp phòng ngừa tiêu cực nảy sinh ở những phương thức tuyển sinh mang tính chủ quan tương đối lớn (thư giới thiệu, phỏng vấn trực tiếp, v.v.). Tốt nhất vẫn là kết hợp nhiều phương thức đánh giá khác nhau.

Thay cho cải cách những vấn đề trên, những năm qua chúng ta phí sức cho việc xây dựng quy trình tổ chức thi cử, trong thực tế đã tạo ra một quy trình chặt chẽ đến mức con kiến không chui lọt, nhưng con lạc đà thì vẫn qua được. Quy trình chặt chẽ tất nhiên là cần thiết, nhưng dù chặt chẽ tới đâu thì nó vẫn do con người vận hành, và con người đã nghĩ ra cái khóa thì cũng nghĩ ra cái chìa để mở khóa, vì thế quy trình không phải là cái gốc của cải cách khảo thí.

Nhìn xa hơn thì cái gốc vấn đề vẫn là vai trò của tấm bằng trong việc dùng người. Cách chấm dứt tiêu cực thi cử và bảo vệ giá trị tấm bằng tốt nhất là bảo đảm rằng tấm bằng nếu không đi cùng với giá trị mà nó là biểu tượng thì sẽ trở thành một mảnh giấy vô giá trị.