Tác giả: Philip G. Altbach
Trường Đại học Boston (Hoa Kỳ)

Có thể nói tính chất kinh tế chính trị của giáo dục so sánh (GDSS) không lôi cuốn nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu. Bài viết này miêu tả và phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của GDSS trong thời hậu chiến và đưa ra một cái nhìn tổng quan về lãnh vực này và cơ sở hạ tầng của nó. Mục đích của bài viết là tổng thuật những xu hướng xã hội cũng như những bước phát triển trong khoa học xã hội đã dẫn tới sự nổi lên của GDSS. Rất thích hợp để đặt GDSS trong bối cảnh ấy vì lĩnh vực này đã đạt được một mức độ ổn định nhất định sau nửa thế kỷ phát triển sau chiến tranh. Tiêu điểm của GDSS là ở nước Mỹ, nơi có một cộng đồng học giả lớn nhất trong lĩnh vực này, tuy rằng những xu hướng khác trên thế giới cũng sẽ được xem xét.

Đây không phải là một nghiên cứu phân tích về phương pháp, triết lý hay tri thức trong GDSS mà là những ý kiến thảo luận về những tác động qua lại lẫn nhau giữa những phát triển xã hội và học thuật có ảnh hưởng đến lãnh vực này. Tôi tin chắc rằng GDSS về bất cứ mặt nào cũng không phải là một “bộ môn” chuyên ngành, mà là một khoa học liên ngành có nhiệm vụ nghiên cứu về giáo dục (không nhất thiết chỉ giới hạn trong các trường phổ thông hay cơ sở đào tạo) trong một bối cảnh xuyên văn hóa. Một phương pháp nghiên cứu chính thức cho một lĩnh vực đa ngành như vậy là điều bất khả thi. Thay vì vậy, có thể áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội và khoa học hành vi để nghiên cứu về GDSS. Điểm chính yếu ở đây là cần làm sáng tỏ những nội dung về cấu trúc, tổ chức và khả năng giải quyết những vấn đề hiện tại, là những điều đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến GDSS ngày nay.

GDSS nhìn vấn đề từ nhiều phía cùng lúc, và điều này giúp định hình lĩnh vực này đồng thời cho phép nó tồn tại mà không cần phải xác định một trung tâm rõ ràng. Rất thường thấy GDSS phân tích những vấn đề của giáo dục bằng cách đưa ra một quan điểm quốc tế đối với những vấn đề đang được đặt ra và tranh luận ở tầm quốc gia. Những nghiên cứu so sánh về thành tích giáo dục do Hiệp hội Nghiên cứu về Thành tích Giáo dục thực hiện là một trong số những ví dụ tốt nhất về việc GDSS tác động như thế nào đối với các cuộc tranh luận ở tầm quốc gia. GDSS cũng đưa ra những hướng dẫn, khuôn mẫu, hoặc khuyến cáo liên quan đến chính sách và chương trình giáo dục. GDSS đang được dùng trong nhiều tình huống ứng dụng, chẳng hạn giúp định hình những chương trình cho vay của Ngân hàng Thế giới, hay những chính sách viện trợ cho nước ngoài của các tổ chức hoặc các chính phủ.

GDSS hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục (hay sư phạm), trong chương trình học của các tất cả khoa sư phạm của các trường đại học. Những người quan tâm đến GDSS trong các tổ chức quốc tế và chính phủ nói chung là những người làm tại các bộ phận liên quan đến giáo dục. Ở Đông Âu và Liên bang Sô viết, nơi người ta dựa vào chế độ bán tự trị (semiautonomous) trong học thuật để thực hiện việc nghiên cứu, GDSS thường được đặt trong Viện Nghiên cứu Khoa học Sư phạm. Đây là một thuận lợi to lớn vì nó mang lại cho GDSS cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những chủ thể mà nó nghiên cứu phân tích. Đồng thời, vì không có phương pháp nghiên cứu đặc thù, trong những năm gần đây GDSS tự hướng mình về phía các khoa học xã hội và của lịch sử hay triết học trong giai đoạn ban đầu. Hơn nữa, bởi vì các trường sư phạm, nơi dính dáng nhiều nhất đến GDSS, cũng là nơi phải quan tâm tới những vấn đề thực tế như việc đào tạo giáo viên, quản lý giáo dục, quá trình học tập, và các vấn đề liên quan khác trong bối cảnh của quốc gia, nên nghiên cứu GDSS thường không được xem như nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan này. Vì vậy mà GDSS, do định hướng tri thức của nó, cũng như do vị trí đặt để của nó trong các tổ chức nghiên cứu, thành ra một cái gì đó như một lãnh vực ngoài lề.

Sự thoái vị quyền lãnh đạo trong các khoa học xã hội

Bởi vì GDSS trực tiếp liên đới với khoa học xã hội và khoa học hành vi, các xu hướng và tình hình phát triển của các chuyên ngành mẹ cũng sẽ định hình nên GDSS. Nói chung, các bộ môn nghiên cứu trong giáo dục tùy thuộc vào định hướng của những xu hướng trong các chuyên ngành chính; dòng chảy của các tư tưởng là từ các chuyên ngành nghiên cứu khoa học lan tỏa vào lãnh vực giáo dục, rất ít khi là từ những con đường khác. Ở Mỹ, từ giữa thập kỷ 60, các bộ môn khoa học xã hội thiếu một tiêu điểm, thiếu các phương pháp được chấp nhận rộng rãi. Nó được đánh dấu bằng một sự bảo thủ đáng kể. Xã hội học, vốn luôn có một tác động mạnh mẽ đối với GDSS, là một ví dụ ngoạn mục về việc đánh mất trọng tâm nghiên cứu của mình trong mấy thập kỷ vừa qua. Định hướng nghiên cứu mới- bao gồm cả chủ nghĩa Marx và những tư tưởng Tân Marxist, cùng với việc nhấn mạnh những phương pháp định lượng trong nghiên cứu- đang thử thách chủ nghĩa chức năng-cấu trúc và thống kê đã từng một thời thống trị lĩnh vực này mãi cho đến những năm cuối thập kỷ 60. Các nhà khoa học theo chủ nghĩa nữ quyền còn bổ sung thêm một nhân tố quan trọng đối với khoa học xã hội và gần đây là đối với GDSS. Nhận thức ngày càng gia tăng về nữ giới được coi như một nhân tố quan trọng trong bất cứ cuộc thảo luận nào về đề tài giáo dục cũng như những lý thuyết về nữ quyền trong nghiên cứu GDSS đang được công nhận rộng rãi. Những điều này không có nghĩa là những phương pháp và lý thuyết truyền thống sẽ bị thay thế mà chỉ có ý nghĩa cung cấp thêm một khả năng tiếp cận cho nghiên cứu và tư duy.Kết quả là không tồn tại một trung tâm trí tuệ hay một định hướng tổng quát. Khi trong những lãnh vực khác, cuộc tranh luận về những giả định ngầm và các phương pháp nghiên cứu có thể bổ sung thêm sức mạnh, nhưng cũng đồng thời làm tăng tình trạng hỗn độn và đôi khi là sự gay gắt.

Có lẽ do những nguyên nhân liên quan đến sự thiếu hụt một trọng tâm, các khoản tài trợ cho nghiên cứu xã hội học và khoa học xã hội nói chung sụt giảm nghiêm trọng. Cuối cùng, vì sinh viên ngày càng ít quan tâm đến các bộ môn khoa học xã hội mà hướng sự chú ý nhiều hơn vào các lĩnh vực ứng dụng, số sinh viên quyết định theo học trong nhiều ngành khoa học xã hội đang ngày càng giảm sút. Tất cả các nhân tố này tạo nên những cú sốc đáng kể và không dễ vượt qua đối với nhiều ngành khoa học xã hội.

Trong lúc một số ngành khoa học xã hội như xã hội học yếu đi thấy rõ, thì những ngành khác, nhất là kinh tế học, ít gặp khủng hoảng hơn, nhưng tất cả đều trải nghiệm sự xuất hiện khả năng có thể bị thay thế bằng những mô hình và ý tưởng mới. Tất cả các lĩnh vực này đều có liên quan trực tiếp đến GDSS, kể cả khoa học chính trị và nhân loại học, đều bị ảnh hưởng bởi cái gọi là tình trạng bất ổn và những thứ được dán nhãn là cách mạng trong khoa học xã hội. Về nhiều mặt những bước phát triển này có ý nghĩa khá tích cực- những cách tiếp cận mới dẫn tới những cuộc tranh luận có tầm vóc đáng kể và thường dẫn tới sự phê phán những cái nhìn chật hẹp và đôi khi cả ý thức hệ liên quan tới phương pháp nghiên cứu. Hiện nay có rất nhiều trường phái nghiên cứu về GDSS và không có trường phái nào nắm vai trò thống trị.

Xã hội học tất nhiên không chỉ là bộ môn duy nhất có ảnh hưởng đối với GDSS. Với tư cách là một ngành khoa học nghiên cứu về giáo dục liên quan tới khoa học hành vi- nhất là tâm lý học- GDSS có mối gắn bó rất chặt chẽ với các ngành khoa học nghiên cứu về hành vi con người. Chẳng hạn, nghiên cứu so sánh về những thành tựu học tập phải dựa vào các số liệu của tâm lý học giáo dục. Khoa học hành vi ổn định hơn, ít tranh cãi hơn là những ngành như xã hội học. Những xu hướng tổng quát trong khoa học xã hội có ảnh hưởng đối với GDSS cũng đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây, tuy rằng lĩnh vực này đã tụt hậu khá nhiều so với những lãnh vực khoa học xã hội khác. Chẳng hạn, đối với kinh tế học, một số cuộc tranh luận về GDSS hiển nhiên không còn là xu thế chủ đạo của việc tranh luận nữa.

Một lãnh vực quốc tế với những biến thể có tính quốc gia

GDSS, từ trong bản chất của mình, có tính chất quốc tế và chịu ảnh hưởng của những xu hướng thế giới trong nghiên cứu và tri thức. Đồng thời, mạng lưới tri thức quốc tế được tạo ra trong các trung tâm tri thức tích cực nhất cũng ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đối với GDSS. Trong khi bài viết này liên quan chủ yếu đến những bước phát triển của GDSS ở Hoa Kỳ, những hình thức biến đổi có tính quốc tế và sự đa dạng quốc tế cũng hết sức quan trọng. Phần lớn những cộng đồng học giả nhỏ hơn trong lĩnh vực GDSS, chẳng hạn như Hàn Quốc, Brazil, Đài Loan, thậm chí cả Nhật Bản, hướng về những hoạt động của các trung tâm GDSS chính để tìm định hướng cho những xu hướng và phương pháp nghiên cứu của mình, tuy rằng khi những cộng đồng này gia tăng về quy mô và sự tự tin, họ sẽ xây dựng một mức độ độc lập đáng kể hơn. Ở một số nước, nổi bật nhất là Trung Quốc, những bước phát triển đầy ấn tượng của GDSS gắn bó rất chặt chẽ với chính sách nhà nước, dường như là lĩnh vực này không thể phát triển một cách có tính chất tự trị. Sự phát triển của GDSS ở một số nước thuộc thế giới thứ ba, cùng với việc xây dựng các tổ chức và tạp chí chuyên môn, là một trong những bước phát triển lớn lao nhất. Cùng với việc thể chế hóa lĩnh vực này trong những cộng đồng GDSS nhỏ hơn như Úc, Canada, Nhật Bản, và nhiều nước Tây Âu khác, những bước đi này cho thấy sự lan rộng đầy ấn tượng của việc nghiên cứu GDSS trên toàn thế giới.

Tri thức trong lĩnh vực này dựa trên mạng lưới truyền thông vẫn còn nhiều bất bình đẳng. Những tạp chi nghiên cứu chủ yếu nằm tại Mỹ và Anh, với chỉ một hoặc hai ngoại lệ, và tuyệt đại đa số những thứ được lưu hành quốc tế là được viết bằng tiếng Anh. Các nhà xuất bản chủ yếu cũng nằm tại Mỹ hoặc Anh. Kluwer, một nhà xuất bản Đức chịu trách nhiệm ấn hành Tạp chí Quốc tế về Giáo dục đã thực hiện việc in ấn của mình hầu như toàn bộ bằng tiếng Anh! Cũng quan trọng như thế là việc các tổng biên tập, những người đánh giá và là người “giữ cửa” ngôi đền tri thức đều là những người ở các nước nói tiếng Anh chủ yếu. Chẳng hạn, Từ điển Bách khoa Quốc tế về Giáo dục, dự án xuất bản lớn nhất trong lĩnh vực này trong nhiều thập kỷ qua, tất nhiên đã phản ánh bản chất quốc tế của lĩnh vực này cũng như một số mặt bất bình đẳng của nó. Các nhà chủ biên của cuốn Từ điển Bách khoa này là một nhà khoa học Thụy điển và một học giả Anh làm việc tại Đức; nhà xuất bản này là một doanh nghiệp đa quốc gia. Dù những người chủ biên nỗ lực tập hợp các tác giả từ nhiều nước, trong thực tế rất nhiều bài viết vẫn là do các học giả từ Mỹ và Anh thực hiện. Cuốn Từ điển này, lẽ dĩ nhiên là được ấn hành bằng tiếng Anh và được bán rộng rãi trên toàn thế giới. Điều đáng nói và thật đáng tiếc là cuốn sách này và các bài viết được dịch rộng rãi từ tiếng Anh sang nhiều thứ tiếng khác nhưng rất hiếm có những thứ được dịch từ các thứ tiếng khác sang tiếng Anh.

Có lẽ cũng nên nhìn qua cộng đồng học giả về GDSS ở nhiều vùng trên thế giới trước khi tập trung chú ý vào Hoa Kỳ. Sự phát triển của GDSS từ Tây Âu tương đối khác biệt so với Bắc Mỹ về nhiều mặt. Với sự mạo hiểm của việc tổng quát hóa quá mức, GDSS châu Âu quan tâm đến những truyền thống triết học và lịch sử trong lúc Bắc Mỹ đặt tin cậy vào những bộ môn khoa học xã hội mới nhiều hơn – kinh tế học, xã hội học, đôi khi là tâm lý học. Tuy nhiên, tình hình của châu Âu đang thay đổi, với tác động của những nhân tố như Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Cộng đồng Châu Âu trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục, và sự mở rộng mối quan ngại đối với các vấn đề kinh tế và xã hội. Trong khi đó truyền thống đang bị pha trộn trong những năm gần đây, và chỉ còn là chứng cớ còn lại của những biến đổi này.

GDSS ở Anh phát triển từ những cội nguồn khác và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của những xu hướng trong khoa học xã hội và khoa học hành vi như ở Hoa Kỳ. Các học giả như Brian Holmes, Nicholas Hans, và Joseph Lauwerys là những người có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực này ở Anh. Brian Holmes chẳng hạn, tin tưởng vào John Dewey và Karl Poper một cách dứt khoát. Vào lúc đó ngay cả ở London, có nhiều cách tiếp cận khác nhau giữa các nhà GDSS thuần túy do Holmes dẫn đầu, và những người trong Khoa Giáo dục ở Các nước đang Phát triển cũ (nay đã được hợp nhất lại với các nhà GDSS của Khoa GDSS và Quốc tế), những người rất quan tâm đến những dự án viện trợ nước ngoài của Anh và việc đào tạo các nhà quản lý trong thế giới thứ ba không chỉ với những sắc thái lý thuyết của GDSS. Trong lúc ảnh hưởng của London là rất đáng kể (rất nhiều người giảng dạy bộ môn GDSS ở các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung (gồm Vương quốc Anh, một số quốc gia độc lập và những quốc gia phụ thuộc) cũng như dạy ở Anh đã được đào tạo ở Viện Giáo dục London), trong mấy năm vừa qua ảnh hưởng này đã bị thu hẹp lại do sự nghỉ hưu của Holmes và do mối quan tâm về GDSS ngày càng tăng trong các trường đại học khác của nước Anh. Tuy vậy do sự cắt giảm ngân sách và biên chế nhân sự một cách quyết liệt trong thời thủ tướng Thatcher, sự tăng trưởng này ở Anh khá hạn chế. Vào lúc đó một số trung tâm mới bắt đầu xuất hiện như Trung tâm Đọc sách, Trung tâm Birmingham, và một tiêu điểm mới ở Oxford. Cũng có một truyền thống khá lâu dài ở Anh về những nghiên cứu dựa trên chính sách của Khối Thịnh vượng chung đối với các nước đang phát triển. Nghiên cứu này trở thành nổi bật hơn trước sự lu mờ của định hướng thiên về lý thuyết của những người theo trường phái của Holmes ở London.

Lĩnh vực này đã phát triển có phần khác với lục địa Bắc Âu. Ở Tây Đức, GDSS quan tâm nhiều hơn đến lịch sử và triết học thực chứng về nền tảng của nó, tuy rằng điều này đang thay đổi khi các tri thức mới hướng về các khoa học xã hội nhiều hơn. Sẽ có, không thể nghi ngờ gì nữa, một thay đổi đáng kể ở Đức khi cộng đồng GDSS trong Cộng hòa Dân chủ Đức nắm một số vai trò nhất định. Sự hội nhập của GDSS trên cơ sở chủ nghĩa Marx của Đông Đức vào cộng đồng rộng hơn của nước Đức có thể khá là khó khăn. Những trở ngại khác là mối liên hệ của các học giả Đông Đức đối với một nhà nước có cách cai trị đầy tai tiếng; cũng như một nhận thức phổ biến rằng phần lớn các sản phẩm nghiên cứu ở Đông Đức được tạo ra trên cơ sở một ý thức hệ thiên kiến và thiếu khách quan. Điều đáng nói là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thường nhấn mạnh GDSS như một phương tiện minh họa cho sự ưu việt trong hệ thống của họ. Những tri thức độc lập dưới một hoàn cảnh như vậy quả là khó khăn. Những trở ngại tương tự như vậy cũng đang đặt ra với Hòa lan, Cộng hòa Séc và Hungary khi các viện nghiên cứu do nhà nước thống trị trước đây cố gắng giành được một không khí chính trị cởi mở và mới mẻ về tri thức một cách hợp pháp.

Thật đáng ngạc nhiên là hiện nay không có lấy một tạp chí nào về GDSS xuất bản bằng tiếng Pháp, điều này có lẽ cũng phản ánh sự yếu kém về cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực này ở Pháp, cho dù có một tổ chức GDSS cho người nói tiếng Pháp. Các tiêu điểm GDSS tích cực cũng có ở Tây ban nha, Hà Lan, Bỉ, và một số nước khác.

Có một số biến thể đáng kể trong những cộng đồng GDSS có tính quốc gia này. GDSS ở cà Tây Âu và Đông Âu, được xây dựng rất tốt và hoạt động rất tích cực. Nhiều thử thách quan trọng đã là những bằng chứng cho thấy rõ điều này. GDSS sẽ đóng một vai trò lớn lao trong việc hội nhập Châu Âu, được biểu tượng bằng những bước đi cụ thể từ năm 1992. Cộng đồng Châu Âu , thông qua chương trình Kế hoạch Hành động vì sự Lưu động của Sinh viên Đại học, cùng với một số tổ chức khác, đã nhấn mạnh giáo dục như một nhân tố quan trọng để xây dựng một cộng đồng châu Âu thống nhất. Tình trạng bị thu hút của cộng đồng GDSS Đông Âu –và có lẽ sớm hay muộn là cả Liên bang Sô viết- vào một khuôn khổ rộng hơn trong nghiên cứu giáo dục châu Âu cũng sẽ đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt trong giai đoạn sắp đến.

Sự phát triển của GDSS ở Hoa Kỳ

Thật đáng ngạc nhiên là không có lấy một công trình phân tích hoàn chỉnh nào về GDSS ở Hoa Kỳ. Tuy vậy dẫu sao cũng có thể nêu khái quát một số xu hướng chính trong thời hậu chiến. Bài viết này miêu tả những nét nổi bật của các xu hướng rộng hơn trong nghiên cứu và nhận thức, sau đó là một “bản đồ” không chính thức về cơ sở hạ tầng, làm sáng tỏ những xu hướng tổ chức và tri thức trong gần nửa thế kỷ qua.

Các xu hướng và sự phát triển

GDSS bắt đầu bằng miêu tả các hệ thống giáo dục ở các nước khác, và giáo trình đầu tiên trong lãnh vực này là tập “Giáo dục ở…”. Lĩnh vực này gây chú ý với những hiểu biết về mô hình tổ chức giáo dục ở các nước và với sự miêu tả sự vận hành của giáo dục. Lĩnh vực này ngay từ đầu cũng đã khiến người ta phải quan tâm về cả những vấn đề thực tiễn lẫn nhận thức luận của nó – một ước muốn phục vụ lợi ích của quốc gia. Walter Crosby Eells chẳng hạn, phản ánh những mối quan ngại về chiến tranh lạnh trong tác phẩm của ông Chủ nghĩa Cộng sản trong Giáo dục ở Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương xa xôi. Các nhà GDSS cũng liên quan tới những dự án phát triển viện trợ nước ngoài cho Tổ chức Phát triển Hoa Kỳ, UNESCO, và những tổ chức khác. Hội GDSS (sau này được đổi tên thành hội Giáo dục Quốc tế và So sánh- CIES) được thành lập năm 1956 để đưa ra nền tảng tổ chức cho một lĩnh vực đang xuất hiện, và Tạp chí Nghiên cứu GDSS cũng được thành lập trong năm đó. Cũng như bản thân GDSS, tạp chí này cũng phản ánh rộng rãi những bài viết miêu tả và tập trung vào những tiêu điểm ở tầm quốc gia trong những năm đầu của nó.

George Z.F.Bereday, tổng biên tập sáng lập tờ Tạp chí Nghiên cứu GDSS và là giáo sư của khoa sư phạm Trường Đại học Columbia, trung tâm hoạt động quan trọng bậc nhất của ngành GDSS trong những năm đầu, đã là người đi tiên phong mở đường cho một cách tiếp cận phân tích đối với GDSS. Ông cùng với những người khác quan tâm tới việc phân tích những vấn đề giáo dục trong khuôn khổ so sánh và việc phát triển những phương pháp nghiên cứu cụ thể cho GDSS. Khi lĩnh vực này chỉ nhằm miêu tả các hệ thống giáo dục thì phương pháp nghiên cứu không phải là vấn đề cơ bản, nhưng khi nó quan tâm hơn tới việc phân tích và tiến về phía các khoa học xã hội, thì phương pháp trở thành một vấn đề quan trọng.

Harold J.Noah và Max A.Eckstein, cũng thuộc Trường Sư phạm, hiểu rõ mối quan tâm này và đã đưa phương pháp tiến lên một bước xa trong công trình của họ Theo hướng Khoa học về Giáo dục So sánh. Họ muốn xây dựng một phương pháp cơ bản dựa trên kinh nghiệm một cách khắt khe, một thứ có thể thuyết phục được người khác trong không khí định lượng cao độ của khoa học xã hội Mỹ vào thời đó, trong lúc C.Arnold Anderson cho rằng GDSS chỉ cần đơn giản là dùng những phương pháp của khoa học xã hội. Đã có một cuộc tranh luận rất sinh động giữa những người này, một bên là những người như Bereday, cảm thấy cần xây dựng những phương pháp nghiên cứu riêng cho GDSS, và Anderson, người cho rằng GDSS không phải là một ngành học mà đúng hơn là một lãnh vực đề tài nên tận dụng những phương pháp của khoa học xã hội. Nói chung, người ta đã có nhiều cố gắng để biến lĩnh vực này trở thành một cái gì nghiêm ngặt hơn cùng với những nỗ lực làm cho khoa học xã hội trở thành có tính khoa học hơn. Cũng có một khuynh hướng mạnh mẽ nhấn mạnh vào những phương pháp định lượng. Một ví dụ quan trọng của những nghiên cứu so sánh theo lối kinh nghiệm có một tác động đáng kể đối với cả GDSS lẫn nghiên cứu giáo dục nói chung, là loạt công trình nghiên cứu về kết quả học tập của học sinh do Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu về Kết quả Giáo dục (IEA) tài trợ thực hiện. Những nghiên cứu của IEA khảo sát kết quả giáo dục ở nhiều nước, đã có ảnh hưởng sâu sắc tới việc xây dựng chính sách giáo dục. Những nghiên cứu này đồng thời cũng minh họa cho tác động của khoa học hành vi đối với GDSS.

Sự phát triển của chủ nghĩa cấu trúc chức năng trong xã hội học và lý thuyết về nguồn vốn con người trong kinh tế học có một ảnh hưởng sâu sắc đối với GDSS khi các nhà khoa học cố tìm cách ứng dụng những ý tưởng này và xây dựng các phương pháp nghiên cứu để hỗ trợ cho GDSS trong thập kỷ 60. Về mặt nào đó, xu hướng này muốn làm cho lĩnh vực GDSS trở thành dễ được chấp nhận hơn trong các khoa học xã hội. Những tiêu điểm này cũng làm cho định hướng bảo thủ của khoa học xã hội càng thêm mạnh mẽ bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định xã hội và vai trò công cụ của giáo dục trong phát triển xã hội và kinh tế.

Trong thập kỷ 60, ngành GDSS ở Hoa Kỳ cũng rất nhấn mạnh việc nghiên cứu về nền giáo dục của các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Xu hướng này, đến nay vẫn hết sức quan trọng, có nhiều nguồn gốc. Có lẽ quan trọng nhất là định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ và chương trình viện trợ nước ngoài đối với Thế giới Thứ ba, đi cùng với nó là những nguồn tài trợ nghiên cứu dồi dào cho các nước thuộc Thế giới Thứ ba (nhất là trong thập kỷ 60) và sự tồn tại của những chương trình nghiên cứu khu vực rất mạnh (tập trung vào những vùng như Trung Quốc, Nam Á, Châu Mỹ Latin, và một số nước khác) trong đó có nội dung đào tạo về GDSS. Trong lúc các nguồn tài trợ cả từ chính phủ lẫn từ các quỹ tư nhân giảm sút nghiêm trọng trong thập kỷ 70, dẫn tới việc loại trừ nhiều chương trình và giảm bớt nhiều cơ hội cho cả học tập và nghiên cứu, những mối quan tâm của các nhà nghiên cứu GDSS về Thế giới Thứ ba vẫn tiếp tục hết sức mạnh mẽ. Một số lớn sinh viên từ các nước thuộc Thế giới Thứ ba theo đuổi việc nghiên cứu GDSS và các lĩnh vực liên quan ở Hoa Kỳ cũng giúp cho việc duy trì những tiêu điểm nghiên cứu này. Cả hai lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo sau đại học tại Mỹ vẫn tập trung cao độ vào các nước đang phát triển.

Quay trở lại những người tình nguyện trong Lực lượng Hòa bình Hoa Kỳ trong những năm 60, những người đã làm việc trong những dự án giáo dục trong Thế giới Thứ ba và theo học những chương trình nghiên cứu cao cấp về giáo dục quốc tế và so sánh, họ là những người đã khởi động thêm những mối quan tâm mới. Đây cũng là thời kỳ Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và những tổ chức viện trợ nước ngoài bị thu hút vào những dự án phát triển có tính cơ cấu và những chương trình liên quan đến giáo dục ở Thế giới Thứ ba,và các nhà GDSS rất thường được mời làm chuyên gia hoặc giữ vai trò các nhà lãnh đạo quản lý cho những hoạt động này. Tại Trường Đại học Sư phạm chẳng hạn, một dự án lớn nhằm đào tạo các nhà sư phạm cho miền Đông châu Phi đã đẩy mạnh thêm những chương trình GDSS, tạo ra những cơ hội cho việc nghiên cứu ở nước ngoài, và tạo việc làm thêm cho sinh viên.

Giáo dục vào thời đó được coi như nguồn lực chính cho phát triển xã hội và kinh tế ở Thế giới Thứ ba. Các cơ sở giáo dục, với trọng tâm là giáo dục đại học, tạo ra nguồn lực con người, giúp hình thành nền tảng cho sự phát triển. Tư tưởng này thống trị cách suy nghĩ của các tổ chức viện trợ cũng như các nhà làm chính sách ở Thế giới Thứ ba cũng như trong các nhà giáo dục ở mọi nơi. Giáo dục quốc tế và so sánh (GDQT&SS) tạo ra một phương tiện để hiểu giáo dục có thể được sử dụng như thế nào để phục vụ cho việc phát triển ở Thế giới Thứ ba. Người ta cần các nhà GDSS có chuyên môn để thực hiện những chương trình viện trợ. Cách tiếp cận này rất ít bị phê phán trong những năm 60. Những ý kiến chỉ trích chỉ nảy sinh sau đó và làm phân hóa sâu sắc lĩnh vực này. Đồng thời, những quan tâm của sinh viên đối với lĩnh vực này cũng gia tăng do nhiều cơ hội việc làm được tạo ra ở các tổ chức quốc tế và cơ quan viện trợ nước ngoài. Rất nhiều người nhìn vào giáo dục và vai trò khả thi của nó trong việc phát triển xã hội bằng chủ nghĩa lý tưởng và tham vọng xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục quốc tế. Rốt cuộc, thập kỷ 60 trở thành đỉnh cao trong “kỷ nguyên đế quốc” của nước Mỹ, khi Chiến tranh lạnh thúc đẩy chính sách đối ngoại Mỹ và những nỗ lực nhằm làm nổi bật quyền lực của Mỹ trong Thế giới Thứ ba. Giáo dục đã là một phần của những cố gắng này.

Sự bùng nổ của GDSS kết thúc đột ngột trong thập kỷ 70 như một kết quả của sự kết hợp nhiều tình huống. Giáo dục đại học Mỹ nói chung bước vào giai đoạn suy thoái, với số lượng sinh viên nhập học không tăng và ngân sách sụt giảm. Tình hình tài chính của các đại học Mỹ bấy giờ trở thành trầm trọng hơn do tình trạng suy thoái kinh tế ảnh hưởng mạnh đến giáo dục đại học. Các nghiên cứu về giáo dục phê phán đặc biệt gay gắt khi yêu cầu tăng thêm giáo viên cho các trường học không được đáp ứng cả do những nguyên nhân về tài chính lẫn những nguyên nhân nhân khẩu học. Sự thua trận của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và phong trào phản kháng ở Mỹ cùng với chiến tranh đã làm cho nhiều người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ nên giảm mạnh những dính líu quốc tế. Ngân sách dành cho viện trợ nước ngoài bị cắt giảm. Cuối cùng thì ánh sáng đầy hứa hẹn của giáo dục với tư cách là động cơ của phát triển và khôi phục quốc gia, cả ở trong nước và ngoài nước, đã được chứng minh là một sự sai lầm, khi nhiều nền kinh tế ở Thế giới Thứ ba đã thất bại trong việc tiếp cận điểm cất cánh mặc cho những đầu tư to lớn về giáo dục. Một số tác giả trong đó có Ivan Illich và Paulo Fiere, cho rằng các cơ quan giáo dục truyền thống là công cụ của sự áp bức thay vì là một công cụ giải phóng con người, và họ đả kích việc học hành theo kiểu truyền thống. Những người khác thì cho rằng viện trợ nước ngoài đã góp phần tạo nên tình trạng lệ thuộc. GDSS vừa mất trọng tâm trí tuệ của nó, vừa phải chịu đựng sự sụt giảm nghiêm trọng về nguồn tài chính cho hoạt động.

Cơ sở hạ tầng của GDSS ở Hoa Kỳ

GDSS, như những lĩnh vực nghiên cứu khác, không chỉ có sự tồn tại của tri thức mà còn có những hình thức tổ chức. Cũng cần khảo sát sơ lược về cơ sở hạ tầng của GDSS: các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức tài trợ, và các ấn bản, những thứ tạo nên sự tồn tại vật chất của lĩnh vực này. Điều đáng chú ý là một lĩnh vực chuyên môn hẹp trong nghiên cứu giáo dục- một lĩnh vực mà rốt cuộc chỉ là cái gì ngoại biên so với những trọng tâm cơ bản trong hầu hết các trường sư phạm ở đại học Hoa Kỳ- lại có thể xây dựng được một tầm nhìn xa trong học thuật. Rõ ràng là việc nghiên cứu GDSS còn hạn chế trong các trường sư phạm- có rất ít quan tâm đến lĩnh vực này trong giới khoa học xã hội. Chẳng hạn, giáo dục hiếm khi lôi cuốn được sự chú ý đáng kể của các chuyên gia xã hội học so sánh hay chính trị học so sánh.

GDSS được xây dựng trước hết ở Trường Sư phạm thuộc Đại học Columbia trong những năm 1930, và nở rộ ở đó cho đến những năm cuối của thập kỷ 80. Nhiều trường đại học khác cũng có quan tâm ít nhiều đến GDSS trong giai đoạn ngay thời hậu chiến, như Trường Đại học Sư phạm George Peabody (nay là một bộ phận của Trường Đại học Vanderbilt), Trường Đại học Michigan, và Đại học Harvard. Việc nghiên cứu ở quy mô nhỏ, thường phản ánh những mối quan tâm nghiên cứu của cá nhân mỗi giáo sư, cũng tồn tại ở một số ít đơn vị khác. Sự phát triển về tổ chức của lĩnh vực này, tuy vậy diễn ra vào thập kỷ 60, khi một số trường đại học Mỹ thành lập hoặc đẩy mạnh những chương trình về GDSS, đôi khi là với sự giúp đỡ của Quỹ Ford, nơi đưa ra những hỗ trợ về tổ chức cho nhiều chương trình GDSS trọng điểm trong thời kỳ này.

Trong những năm 60, thời kỳ được coi là hoàng kim của GDSS mà không có bất cứ nghi vấn nào, nhiều trung tâm nghiên cứu và chương trình đào tạo đại học về GDSS rất có tầm cỡ đã hoạt động ở Đại học Chicago, Trường Sư phạm thuộc Đại học Columbia, Đại học Michigan, Đại học Stanford, Đại học Wisconsin, Đại học Pittsburgh, Đại học California ở Los Angeles, và Đại học Illinois. Nhỏ hơn nhưng có những nỗ lực đáng nể là Đại học Harvard, Đại học Syracuse, Đại học Vanderbilt, Đại học Maryland, Đại học Massachusetts, và một số ít trường khác. Việc đào tạo GDSS cũng được thực hiện ở một số trường khác nhưng về cơ bản là không chính quy do một số giáo sư chuyên về GDSS thực hiện. Trong những trung tâm chủ yếu, người ta đã xây dựng những tập hợp thư viện đáng nể, và sự hợp tác giữa các nhà GDSS và các chuyên gia trong những lãnh vực nghiên cứu khác là rất phổ biến. GDSS được hưởng lợi từ những nguồn quỹ được cung cấp theo Luật Bảo vệ Giáo dục Quốc gia trong đó có quy định về việc cung cấp tài chính cho những người nghiên cứu và cho đào tạo về ngôn ngữ. Các nguồn quỹ khác cũng rất sẵn sàng dành cho xây dựng thư viện và nhữngcơ sở vật chất khác. Tốt nghiệp những khóa chủ yếu này sẽ có được việc làm ở các trường đại học cũng như các tổ chức chính phủ và tổ chức quốc tế liên quan đến giáo dục.

Trong thập kỷ 70, GDSS đã phải chịu đựng hàng loạt suy sụp về tổ chức. Những cơ hội nghiên cứu đối với các nhà GDSS cơ bản là ở trường đại học gần như biến mất. Nhiều quỹ tư nhân chính không còn quan tâm đến giáo dục, trong khi đó nhiều chương trình chính phủ cũng bị cắt. Cùng thời gian đó vì USAID ít quan tâm hơn đến giáo dục, ngân sách viện trợ nước ngoài đã bị cắt. Thậm chí chương trình Fulbright, một chương trình tạo cơ hội cho giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài, cũng chịu chung số phận mất nguồn ngân sách. Rất nhiều trung tâm nghiên cứu GDSS ở các đại học chủ chốt thành ra suy yếu. Đó là trường hợp của Đại học Chicago, Đại học Michigan, Đại học Wisconsin, và Trường Sư phạm của Đại học Columbia. Công bằng mà nói, lãnh đạo các trường sư phạm, những người dành cho GDSS một sự ủng hộ khá khiêm tốn, đã hướng sự chú ý của các nhà GDSS sang những lĩnh vực khác, vì họ cảm thấy GDSS là một lĩnh vực ngoại biên của nghiên cứu giáo dục và không có tiềm năng thu hút những nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Trong số những trung tâm đào tạo và nghiên cứu chủ chốt trong lĩnh vực GDSS, chỉ có Stanford và UCLA là tiếp tục kiên trì ủng hộ lĩnh vực nghiên cứu này trong giai đoạn khó khăn của thập kỷ 70. Trước việc nghỉ hưu của một số cán bộ và mất nguồn tài trợ của các tổ chức, nhiều chương trình đã không còn tồn tại. Đại học Illinois và Iowa là những ví dụ. Trường Sư phạm của Đại học Columbia là một sự mất mát nghiêm trọng đối với lĩnh vực này, khi những ưu tiên về mặt tổ chức đã thay đổi và GDSS hầu như bị loại trừ trong thập kỷ 80. Những chương trình khác trở thành nhỏ hơn và ít tích cực hơn.

Đến giữa thập kỷ 80, một số thay đổi rất đáng kể đã diễn ra trong lịch sử ngành GDSS. Sự quan tâm của các nhà giáo dục về những nhân tố quốc tế trong giáo dục đã tăng lên đôi chút. Các tổ chức viện trợ tỏ những dấu hiệu khôi phục ít nhiều quan tâm tới giáo dục. Các nhân tố này dẫn tới sự phát triển những tiêu điểm nghiên cứu mới cho GDSS, đáng chú ý nhất là Trường Đại học Bang Florida và Đại học New York ở Albany, những nơi được hưởng tài trợ của những chương trình phát triển ngoài nước. Harvard, không mấy tích cực trong những năm trước, nay cũng đã cung cấp thêm nguồn lực cho nghiên cứu giáo dục quốc tế, nhờ động cơ tạo ra do các quỹ tài trợ bên ngoài sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính. Đại học New York ở Buffalo cũng mở rộng chương trình GDSS của mình. Một lần nữa chúng ta lại thấy vai trò quan trọng của tài trợ bên ngoài có vai trò quan trọng như thế nào trong việc thay đổi bản đồ của ngành.

Sự can dự quan trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) như một nguồn tài trợ chủ yếu đối với việc nghiên cứu GDSS là một bước phát triển hết sức đáng kể trong những năm gần đây. Dù nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ trong những dự án tài trợ của WB bởi vì đội ngũ chuyên gia lành nghề của WB thì rất lớn, và bởi vì một số lớn các công trình nghiên cứu về GDSS được thực hiện trong khuôn khổ những dự án trong chương trình cho vay của WB, những nghiên cứu dưới sự bảo trợ của WB trở thành một phần quan trọng những tri thức cơ bản của ngành. Quả thật, với sự cắt giảm tầm quan trọng của UNESCO như một nguồn nghiên cứu về giáo dục trong viễn cảnh xuyên văn hóa, WB hầu như chắc chắn là nguồn lớn nhất tạo ra những nghiên cứu so sánh trong giáo dục. Trong khi phần lớn những nghiên cứu của WB không sẵn sàng cho người khác sử dụng rộng rãi vì nó được tạo ra như một phần của các chương trình cho vay, thì các chuyên gia của WB ngày nay thường xuyên công bố khá nhiều bài viết trên các tạp chí nghiên cứu về GDSS. Những nghiên cứu được WB tài trợ về bản chất phản ánh mối quan tâm của nhà tài trợ – và tất nhiên cả quan điểm của các cơ quan tài trợ. Nhiều ấn phẩm của nó như Giáo dục trong vùng Á Phi, thành ra có ảnh hưởng sâu rộng trong ngành.

Ấn phẩm trong lĩnh vực GDSS đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, và hiện nay đã có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Từ điển bách khoa gần đây đã biểu lộ rõ định hướng quốc tế đối với giáo dục và có các tiết mục phân tích so sánh nhiều đề tài trong GDSS. Tạp chí nghiên cứu GDSS vẫn đang là nguồn tri thức chủ yếu của ngành. Điều đáng nói là một lĩnh vực nghiên cứu hẹp như GDSS lại có thể cho ra hơn nửa tá tạp chí nghiên cứu phát hành trên toàn thế giới và có lẽ cả chục tạp chí chủ yếu trong phạm vi quốc gia. Nhiều nhà xuất bản đã có mặt trong lĩnh vực này như Pergamon Press và Garland, nơi đã cho ra khá nhiều đầu sách về GDSS. Thêm vào đó, Praeger, Greenwood, và nhiều nhà xuất bản khác cũng thường xuyên cho ra những ấn phẩm trong lĩnh vực này.

Cùng với những lĩnh vực liên ngành trong khoa học xã hội, GDSS đã xây dựng cơ sở hạ tầng và tri thức để hỗ trợ sự phát triển của mình. Tổ chức đại diện tốt nhất cho các chuyên gia trong lĩnh vực này là Hiệp hội Giáo dục Quốc tế và So sánh, gồm khoảng 800 thành viên, cơ bản là các học giả Mỹ. Lĩnh vực này đặc biệt mạnh trong khoảng hơn 10 trường đại học Mỹ và có mặt trong khoảng 50 trường nữa. Nó có nhiều chương trình xuất bản bao gồm cả sách và tạp chí. Một cách vắn tắt có thể nói cơ sở hạ tầng của ngành đã có bước phát triển đầy ấn tượng trong ba thập kỷ qua. GDSS đã trở thành ít phụ thuộc hơn vào các nguồn tài trợ từ bên ngoài để tồn tại, bởi vì các nguồn tài trợ đã biến mất, các nhà GDSS phải tự xây dựng những chương trình của mình, thường là cố gắng để trở thành liên quan nhiều hơn với những mối bận tâm về giáo dục trong nước.

Sôi động và thay đổi

GDSS đã thay đổi rất đáng kể từ thập kỷ 70. Những đề tài trước đây được coi là không quan trọng như vai trò của giới trong giáo dục, đã trở thành chủ đề của nghiên cứu và phân tích. Những phương pháp nghiên cứu mới như miêu tả dân tộc học và quan sát thành viên đã trở thành quan trọng, và những hệ tư tưởng mới có khả năng thay thế cái cũ như chủ nghĩa Marx cũng đã được sử dụng để phân tích thông tin trong GDSS. Sự thống trị của những mô hình như chủ nghĩa chức năng cấu trúc đã vỡ tan. Điều đáng nói là chẳng có gì nổi lên để thay thế những tư tưởng này với tư cách là phương hướng cơ bản của ngành. Thay vào đó hàng loạt những quan điểm khác nhau đã du nhập vào lĩnh vực nghiên cứu GDSS. Điều này nhìn chung là một sự thay đổi được chào đón vì nó cho phép tạo ra một cuộc tranh luận rộng rãi hơn và một cách tiếp cận chiết trung hơn. Về nhiều mặt, những bước phát triển này phản ánh tình trạng của khoa học xã hội nói chung, khi những trường phái tư tưởng thống trị trước đây bị chiếm chỗ bằng những nguồn phân tích đa dạng khác.

Nhiều nhân tố góp phần tạo nên sự suy tàn của những cách tiếp cận được xây dựng trong thập kỷ 60 và tạo nên sự xuất hiện của những khuôn mẫu và phương pháp mới. Có lẽ nhân tố chủ yếu là sự thất bại của những tư tưởng truyền thống nhằm giải thích sự phát triển giáo dục trên toàn thế giới. Đến cuối những năm 60, chỉ có một số rất ít các quốc gia đang phát triển chạm đến được điểm cất cánh mặc cho những khoản chi phí lớn đầu tư vào giáo dục. Hơn nữa, những phong trào xã hội đa dạng đã cho thấy tầm quan trọng của những nhân tố mới mẻ và quan trọng cần được phân tích. Chẳng hạn, phong trào phụ nữ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề giới, một thay đổi trong những chủ đề thảo luận về giáo dục- Đây là một nhân tố đã bị lờ đi trong nhiều tác phẩm nghiên cứu và không được những người chịu trách nhiệm về chính sách giáo dục quan tâm đến. Giáo dục phụ nữ trở thành một đề tài quan trọng để nghiên cứu và phân tích trong GDSS, và vấn đề giới được coi là một vấn đề trọng yếu có thể thay đổi được trong những phân tích về giáo dục.

Sự sôi động trong thập kỷ 60 cũng mang những cách tiếp cận của những hệ tư tưởng có thể thay thế ý thức hệ hiện tại vào cuộc tranh luận về giáo dục. Tiêu biểu cho những thay đổi trong suy nghĩ về giáo dục là hai tác phẩm của Philip H.Coombs. Tập một Khủng hoảng Giáo dục Thế giới (The World Education Crisis), in năm 1968, khá lạc quan về vai trò thế giới của giáo dục. Tập sau phát hành năm 1985 Khủng hoảng Thế giới trong Giáo dục (The World Crisis in Education) có giọng điệu khá bi quan, trong đó tác giả đã nhận ra những khó khăn trong việc đưa ra một bản thiết kế cho giáo dục và phát triển xã hội.

Một số tác phẩm hoàn toàn mới và có tính chất phê phán hơn nhiều liên quan đến GDSS nói về vai trò tổng quát và cụ thể của giáo dục đối với kinh tế xã hội xuất hiện trong những năm 1970. Samuel Bowles và Herbert Gintis đưa ra những phân tích kinh tế trong khuôn khổ chủ nghĩa Marx. Michael W. Apple dùng một quan điểm phê phán trong phân tích chương trình và bộ khung tổng quát này của ông tác động khá mạnh đến các nhà GDSS. Gần gũi hơn với GDSS, Martin Carnoy, Philip G.Altbach, và Gail P.Kelly đặt ra một khuôn khổ mới cho việc phân tích, và một lần nữa, có tính chất phê phán đối với thực tế và khác biệt nhiều so với những cách tiếp cận phân tích tiêu chuẩn. Nhìn chung, vai trò của xung đột trong xã hội- và trong nhà trường- trở thành một chủ đề quan trọng đối với việc nghiên cứu và đối với sự hiểu biết về giáo dục. Những định hướng trước đây nhìn chung nhấn mạnh vào sự hội nhập của nhà trường và xã hội, nay có thêm những nghiên cứu mới tập trung vào các xung đột và vào những phân tích có tính chất phê phán và thường là triệt để hơn về vai trò của giáo dục.

Vào lúc đó đã có một sự thay đổi từ những quan tâm bao quát về quan hệ nhà trường-xã hội và những vấn đề về chính sách vĩ mô đến những nhân tố trong bản thân nhà trường đáng được quan tâm hơn nhiều. Các nhà GDSS trở thành có liên hệ nhiều hơn đến nội dung của nhà trường và những tác động trực tiếp của nhà trường đối với học sinh cũng như đối với xã hội. Mối quan hệ gần gũi hơn giữa GDSS và nghiên cứu về chương trình bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn, giáo trình bắt đầu được xem xét cả về chức năng của nó đối với xã hội lẫn về nội dung. Cùng với những mối quan tâm này, có một sự thay đổi từ cách tiếp cận định lượng trong nghiên cứu sang những phương pháp nghiên cứu định tính. Mối quan ngại về quá trình học tập bắt đầu được nhen nhóm lại. Tuy vậy đồng thời với việc bị lôi cuốn vào những thứ có thể thay đổi được trong bản thân nhà trường, các nhà nghiên cứu còn có những suy tư về vai trò của nhà nước trong giáo dục, một nỗ lực để hiểu biết về mối liên hệ giữa giáo dục và việc thay đổi xã hội.

Kết luận

Lĩnh vực GDSS ở Mỹ tiến vào thế kỷ XXI trong tình trạng hoàn toàn lành mạnh. Nó được đánh dấu bằng sự hùng mạnh về cơ cấu tổ chức và trí tuệ ở một mức độ xuất sắc. Trong lúc lĩnh vực này không còn là trung tâm trí tuệ có tính thống trị như nó đã từng là trong thập kỷ 60, vẫn có một sự đa dạng hết sức đáng kể trong nghiên cứu và phân tích. Những lĩnh vực hoàn toàn mới đã trở thành tiêu điểm quan trọng của việc nghiên cứu- vấn đề giới, vấn đề những gì có thể thay đổi được trong bản thân trường học, những nhân tố bất thường của nhà trường, vai trò của nhà nước, chương trình, sách giáo khoa và nhiều thứ khác nữa. Cũng có nhiều tinh tế phức tạp hơn cả trong phương pháp nghiên cứu và nhất là trong việc xem xét những vấn đề của giáo dục như một câu hỏi xã hội đa diện. Vai trò của giáo dục trong việc phát triển vẫn tiếp tục là mối quan tâm của lĩnh vực này- nhất là đối với những tổ chức như WB, nơi có những mối quan tâm không chỉ có tính thực tiễn mà cả trí tuệ nữa.

GDSS đã được định hình trong những năm gần đây bằng nhận thức của những nhà xây dựng chính sách, và trong nhiều trường hợp, của một công chúng có hiểu biết, rằng có một nền kinh tế toàn cầu và giáo dục là một thành tố của quá trình toàn cầu hóa. Ở Hoa Kỳ, lời kêu gọi quốc tế hóa chương trình đào tạo trong trường phổ thông và đại học đã tạo ra một cơ hội cho đến nay vẫn chưa được nhận thức rõ ràng cho GDSS. Mối quan ngại đang gia tăng về cạnh tranh kinh tế quốc tế cũng có một bộ phận cấu thành là giáo dục. Có một mối quan tâm rất lớn về những nghiên cứu so sánh kết quả học tập với một tiêu điểm, chẳng hạn, về việc tìm hiểu hệ thống giáo dục của các quốc gia thành công về kinh tế ở vòng cung Thái Bình Dương, nhất là Nhật Bản.

Đồng thời, nền tảng cơ cấu của GDSS vẫn còn tương đối yếu. Nó về đại thể vẫn là một bộ phận ngoại biên trong trường sư phạm của các đại học Mỹ, tùy theo sự thay đổi thất thường của ngân sách và phương hương quản lý. Chúng ta đã thấy những chương trình được công nhận về GDSS yếu đi trông thấy ở các trường như Trường Sư phạm Đại học Columbia. Trường Đại học Chicago. GDSS cũng phải chịu đựng tình trạng thiếu nguồn kinh phí cho nghiên cứu. Một vài đề tài, chẳng hạn như trong một giai đoạn nào đó, giáo dục ở Trung Quốc hay nghiên cứu thanh tích học tập theo quan điểm so sánh, đã được tài trợ, nhưng cá nhân các học giả sẽ rất khó khăn xin được tài trợ để thực hiện những nghiên cứu về những vấn đề không thuộc tiêu điểm trong mối quan tâm của các cơ quan, tổ chức. Tài trợ nghiên cứu tùy thuộc gần như hoàn toàn vào thứ tự ưu tiên của các tổ chức tài trợ như WB, với những kế hoạch và mối quan tâm riêng của họ.

GDSS đã trở thành một lĩnh vực có tính quốc tế hơn nhiều. Nó không còn bị một vài quốc gia thống trị như trước – có những học giả và nhà nghiên cứu làm việc trên toàn thế giới. Trong lúc Hoa Kỳ có một cộng đồng học giả GDSS lớn nhất, những tri thức trong lĩnh vực này được tạo ra ở Hoa Kỳ có một tác động không lấy gì làm mạnh như nó đã từng có trước đây. Tuy vậy, có một sự thật là nhiều học giả GDSS đang làm việc ở các nước khác vốn đã được đào tạo tại Hoa Kỳ hoặc tại Anh, và điều này cũng làm mạnh thêm mối ràng buộc của họ với chính quốc.

Có một sự tăng trưởng mạnh về số lượng các đại biểu trong lĩnh vực GDSS và một ý thức quốc tế mạnh mẽ hơn trong các nhà giáo dục. Các nhà xây dựng chính sách muốn biết nước Mỹ là như thế nào khi so sánh với các quốc gia khác, và GDSS có một vai trò về mặt này. Có lẽ chính sách giáo dục và thực tiễn ở những quốc gia khác đáng được nghiên cứu do khả năng có thể vận dụng cho đất nước mình. GDSS đã phát triển thành một lĩnh vực có thể cung cấp thông tin về chính sách và thực tiễn giáo dục. Nó tạo ra những cách tiếp cận nghiên cứu cho phép hiểu biết về những vấn đề của giáo dục trong một khuôn khổ xuyên văn hóa. Hiện nay GDSS đang có một cộng đồng học giả và người nghiên cứu tuy nhỏ nhưng hoạt động rất tích cực.

Có ít khả năng GDSS sẽ phát triển ngoạn mục ở nước Mỹ bởi vì nó được coi là một lĩnh vực ngoại biên so với những mối quan tâm bao quát của các trường sư phạm ở Mỹ về việc chuẩn bị nhân sự làm việc cho các trường học ở Mỹ. Tuy thế lĩnh vực này đã và đang được đề cập rộng rãi trong một cử tọa rộng hơn. Nếu có thể tiếp tục phát triển kỹ năng phân tích của nó và tiếp tục đặt ra những câu hỏi sâu sắc về chính sách và thực tiễn giáo dục. GDSS sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Điều đặc biệt quan trọng đối với lãnh vực này là duy trì sự đa dạng và một quan điểm phê phán.

 

Người dịch: Phạm Thị Ly (2007)

(Nguồn: Comparative Education Review, tập 35, số 3, 1991)