12/10/ 2007

Hãy chắp cánh cho những ước mơ đầy tham vọng nhất của chúng ta

Drew Faust

Tôi được vinh dự đứng ở nơi đây là nhờ lòng tin của quý vị, được tiếp thêm nghị lực và sức sáng tạo nhờ sự giao phó trách nhiệm của quý vị. Tôi rất biết ơn Hội đồng Quản trị nhà trường về sự tin cậy đối với tôi, và tôi xin cảm ơn tất cả quý vị đã đến đây tham dự nghi lễ này. Tôi rất biết ơn ba vị tiền nhiệm đang ngồi sau tôi đã đến với tôi hôm nay, nhưng tôi còn mang ơn họ sâu sắc hơn nữa vì những gì họ đã cống hiến cho Harvard và về những gì từng người trong các vị ấy đã hào phóng ban tặng cho tôi: những lời khuyên, sự khôn ngoan, và sự ủng hộ tinh thần. Tôi rất xúc động trước lời chào mừng của cán bộ, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên, cũng như của các trường đại học, của quý vị đại diện chính quyền và đặc biệt là John Hope Franklin, người đã chứng kiến và viết về lịch sử Harvard. Tôi rất biết ơn các nhà lãnh đạo của bang Boston và thành phố Cambridge đã đến đây để chào mừng người hàng xóm mới. Tôi hơi choáng váng khi thấy hầu như tất cả những người mà tôi có mối quan hệ với họ trên trái đất này đều đang ngồi ở mấy hàng ghế đầu! Và tôi muốn dành lời chào mừng đặc biệt của cá nhân tôi cho các thầy cô giáo của tôi đang ngồi nơi đây, những người đã từng dạy tôi từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, những người đã dạy tôi yêu mến sự học cũng như những ngôi trường đã nuôi dưỡng tinh thần ham học ấy.

Chúng ta có mặt nơi đây để tổ chức một hoạt đông có hơi khác với buổi lễ truyền thống tháng 6 hàng năm. Lễ phát bằng là một nghi lễ thường niên của hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp; ngày hôm nay đánh dấu nghi lễ tốt nghiệp của trường đại học Harvard. Tại lễ tốt nghiệp, các vị hiệu trưởng chúng ta mặc chiếc áo choàng lễ phục để đánh dấu mối gắn bó của chúng ta đối với những truyền thống học vấn lâu đời nhất. Tuy nhiên, trong buổi lễ hôm nay, đoàn diễu hành không chỉ gồm có cộng đồng khoa học gia của Harvard, mà còn có 220 vị học giả đại diện cho các trường đại học trong cả nước và trên thế giới. Tôi xin nhiệt liệt chào mừng và xin cảm ơn tất cả các vị khách quý, bởi vì sự hiện diện của quý vị nhắc nhở chúng tôi rằng những gì chúng tôi làm ở đây hôm nay, và những gì mà chúng tôi làm hàng ngày hàng giờ tại Harvard, đang nối kết chúng tôi với các trường đại học và xã hội trên toàn cầu.

Ngày hôm nay chúng ta đánh dấu một khởi đầu mới bằng sự tập hợp lại trong tình đoàn kết; chúng ta tôn vinh cộng đồng các nhà trí thức và sự sáng tạo của họ; chúng ta tự cam kết gắn bó với Harvard và tất cả những điều này biểu trưng cho một chương mới trong lịch sử cao quý của Harvard. Cũng như những người tham dự một lễ cưới, sự có mặt của quý vị nói lên sự ủng hộ đối với mối gắn kết giữa vị hiệu trưởng mới và một ngôi trường đáng tôn kính. Các vị đồng nghiệp ngành nhân học của chúng ta hiểu rất rõ, nghi lễ có những ý nghĩa và mục đích nhằm khơi gợi cảm xúc và ý tưởng. Trong nghi lễ, như nhà thơ Thomas Lunch đã viết, “chúng ta biểu lộ những thứ không thể diễn đạt bằng lời”. Nhưng giờ đây bổn phận của tôi thực ra là diễn đạt một vài nội dung của buổi lễ này bằng lời nói, nhằm trình bày những ý nghĩa và mục đích của chúng ta.

Diễn văn nhậm chức là một thể loại đặc biệt. Nó được định nghĩa là tuyên bố chính thức của một người mà người ấy chưa biết mình đang nói về cái gì. Hay là, chúng ta có thể nhân từ hơn, phong cho nó cái vai trò diễn đạt niềm hy vọng mà do kinh nghiệm chúng ta biết rằng hy vọng ấy rất có thể là hão huyền.  Một số người kỳ cựu từng đọc diễn văn nhậm chức, cả các nhà diễn thuyết và khán thính giả, đã hiến tặng tôi nhiều lời khuyên, trong đó có một lời khuyên mà ai cũng nhất trí, là bài nói chuyện của tôi phải ngắn hơn bài diễn văn của  Charles Eliot vốn kéo dài hơn một tiếng rưỡi! Diễn văn nhậm chức thường là một danh sách bao gồm những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể của hiệu trưởng mới. Nhưng danh sách này xem ra quá  nhỏ hẹp so với những gì tôi nghĩ đáng lẽ phải là ý nghĩa của ngày hôm nay. Nó dường như là cách để giới hạn hơn là để chắp cánh cho những tưởng tượng đầy tham vọng của chúng ta, cũng như những cam kết sâu sắc nhất của chúng ta đối với nhà trường. Nếu như hôm nay là một ngày vượt lên trên sự bình thường, nếu đây là một khoảnh khắc hiếm hoi chúng ta tập hợp lại không chỉ với tư cách của Harvard, mà là một thế giới rộng lớn hơn của trí thức, của học vấn, của giảng dạy và học tập, thì đây là lúc nói về vấn đề Harvard và những trường đại học tương tự như Harvard có một ý nghĩa như thế nào trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Tuy nhiên khi tôi cân nhắc xem nên nói gì về giáo dục đại học và tương lai, tôi tự thấy mình- một nhà sử học- đang quay về quá khứ, và, cụ thể là một văn bản mà tôi đã chạm trán trong năm đầu đại học. Anh họ tôi Jack Gilpin học khóa 73 đã đọc một chương trong đó ở nhà thờ sáng nay. Khi John Winthrop lên tàu Arbella năm 1630 để chèo qua eo biển Atlantic và tìm ra thuộc địa Vịnh Massachusetts, ông ta đã viết cho nhóm người khai hoang của ông, một bản hiến chương cho sự khởi đầu mới của họ. Ông ta đã đưa ra cái mà ông xem là một cái “la bàn”, một loại “cẩm nang” để định hướng cho họ, một “khuôn mẫu”, nhưng không phải những trật tự hay luật lệ hiển ngôn. Thay vào đó Winthrop tìm cách hướng những người đi theo ông vào sự quan trọng và ý nghĩa lớn hơn của dự án của họ, vào tinh thần mà họ cần có trong khi cùng nhau chia sẻ công việc.  Tôi có mục tiêu đưa ra một cái “la bàn” như thế hôm nay, trước hết là cho trường Harvard chúng tôi, và đồng thời tôi cũng hy vọng nó có ý nghĩa ít nhiều đối với tất cả chúng ta, những người quan tâm đến nền giáo dục đại học, bởi vì chắc chắn là chúng ta đang làm cái việc mà Winthrop khẩn thiết thúc giục những người trong nhóm khai hoang của ông: “hãy liên kết lại cùng nhau như một thể thống nhất trong công việc này”.

Giáo dục đại học Hoa Kỳ năm 2007 ở trong một tình trạng ngược đời- vừa lừng danh thế giới, vừa bị tấn công, phê phán dồn dập. Một bài viết khá phổ biến những năm 80 đã kết tội các trường đại học là dạy quá ít, tiêu tốn quá nhiều tiền, các giáo sư thì lười biếng, sinh viên thì sao nhãng cẩu thả, chỉ biết ôm chặt lấy cái thứ chủ nghĩa hẹp hòi bắt các cuộc tranh luận cởi mở phải im miệng! Một báo cáo đặc biệt năm 2005 miêu tả đại học như “một cái biển người tầm thường khiến đất nước này đang bị đặt vào một tình thế đầy rủi ro”. Báo cáo của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ năm ngoái cũng cảnh báo về tình trạng lỗi thời của giáo dục đại học như chúng ta đều biết và đã kêu gọi sự can thiệp của liên bang trong việc phục vụ lợi ích của quốc gia.

Tuy vậy những trường đại học như Harvard, đại diện bởi nhiều người trong số quý vị đang ngồi nơi đây hôm nay, vẫn được cựu sinh viên hết sức yêu quý và những người ấy đã hiến tặng hàng tỷ đô la cho nhà trường. Những trường ấy vẫn được sinh viên cạnh tranh quyết liệt để được nhận vào học, và trong thực tế vẫn có được sự kính trọng sâu sắc của công chúng Mỹ. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 93% người được hỏi đã đánh giá những ngôi trường như vậy là một nguồn lực quý giá nhất của quốc gia. Ở ngoài nước, những trường này được ngưỡng mộ và được coi là một mục tiêu cạnh tranh, người ta cho rằng đó là những trường đại học Hoa Kỳ được kính trọng vào bậc nhất trên toàn thế giới. .

Làm sao chúng ta có thể giải thích được những mâu thuẫn ấy? Phải chăng giáo dục đại học Mỹ đang khủng hoảng, và nếu như vậy, thì đó là cái gì? Chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo và đại diện cho nền giáo dục đại học Mỹ nên làm gì trước tình cảnh ấy? Sự mâu thuẫn trong tư tưởng, mối quan hệ vừa yêu vừa ghét lạ lùng này có nguồn gốc không phải từ những kỳ vọng gần như vô biên đối với các trường đại học của chúng ta, những kỳ vọng được cảm nhận ngay một cách mãnh liệt nhưng lại được hiểu biết rất ít.

Từ những ngày đầu thành lập, Hoa Kỳ đã gắn bản sắc quốc gia với sức mạnh của giáo dục. Đã từ lâu, chúng ta dùng giáo dục để trang bị cho công dân của chúng ta nền tảng bình đẳng chính trị, điều được coi là làm nên bản sắc đất nước của chúng ta. Chẳng hạn, năm 1779, Thomas Jefferson đã triệu tập một chính phủ gồm những người tài năng, được lựa chọn “bất kể giàu nghèo, tuổi tác hay những điều kiện hoặc hoàn cảnh ngẫu nhiên nào khác, những người có thể bảo vệ những quyền và tự do thiêng liêng của công dân nước Mỹ.” Khi nền kinh tế của chúng ta phát triển phức tạp hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với những tri thức chuyên ngành, giáo dục càng trở thành cốt yếu hơn nữa trong những biến đổi kinh tế và xã hội.Như W.E.B. DuBois đã thấy năm 1903 “Giáo dục và việc làm là những cái đòn bẩy nâng con người lên”. Giáo dục đã biến những hứa hẹn của nước Mỹ thành hiện thực.

Trong nửa thế kỷ qua, các trường đại học ở Mỹ đã tham gia một cuộc cách mạng, phục vụ với tư cách vừa là biểu tượng vừa là động lực của việc mở rộng quyền công dân, sự bình đẳng và cơ hội đối với người da đen, phụ nữ, người Do Thái, người nhập cư và những thành phần khác, những người đã từng bị hạn chế hoặc loại trừ trong những kỷ nguyên trước. Sự có mặt của tôi ở đây hôm nay- thậm chí của nhiều người khác nữa trên cái bục gỗ này, sẽ là một điều không thể tưởng tượng ra được thậm chí chỉ cách đây vài năm ngắn ngủi. Những người có trách nhiệm ở các trường đại học không có khả năng thay đổi nên lưu ý về sự chuyển đổi này, về việc chúng ta đã khác biết bao so với giữa thế kỷ XX. Và những người luôn nhớ về những năm tháng vàng son đã mất của giáo dục đại học cũng nên nghĩ về số người rất hạn chế mà hệ thống được cho là lý tưởng đó thực sự phục vụ.  Trường đại học đã từng là nơi chỉ để phục vụ một tầng lớp tinh hoa rất hẹp, giờ đây phục vụ cho một số đông chứ không chỉ một vài người như trước. Số người trong độ tuổi đang theo học đại học đã tăng gấp bốn lần so với năm 1950, gấp mười hai lần so với thập kỷ 20. Những gì chúng ta có hôm nay là một thế giới khác tốt hơn nhiều.

Ở những trường như Harvard và những trường tương tự, cuộc cách mạng này được xây dựng dựa trên ý tưởng việc tiếp cận với giáo dục đại học phải được dựa trên tài năng, như Jefferson đã thúc đẩy mạnh mẽ, chứ không phải dựa trên hoàn cảnh hay xuất thân. Trong những năm cuối của thập kỷ 60, Harvard bắt đầu duy trì liên tục những nỗ lực nhằm tìm kiếm và lôi cuốn những sinh viên thuộc số ít xuất sắc nhất; trong thập kỷ 70, trường chúng tôi đã từng bước đưa định mức giới hạn nữ sinh viên đến ¼ tổng số sinh viên nhập học. Gần đây, Harvard đã làm nhiều việc để gửi đi một thông điệp rằng trường chúng tôi chào đón tất cả mọi gia đình bất kể hoàn cảnh kinh tế của họ. Kết quả là trong ba năm qua, chúng ta đã thấy số sinh viên xuất thân trong những gia đình thu nhập hàng năm dưới 60,000 USD đã chiếm hơn một phần ba tổng số sinh viên của trường. Ký túc xá Harvard là một môi trường đa dạng bậc nhất mà nhiều sinh viên của chúng tôi đã từng sống.

Tuy vậy, vấn đề tiếp cận đại học và bài toán chi phí vẫn còn đó đối với các gia đình trung lưu phải chịu đựng một cú sốc khó khăn về tài chính, đối với các sinh viên tốt nghiệp có thể lâm cảnh nợ nần khi theo đuổi những nghề nghiệp có tính chất phục vụ với mức lương khiêm tốn. … Khi bằng đại học trở nên gần như không thể thiếu được để thăng tiến và thành công tương tự như bằng tốt nghiệp phổ thông trước kia, thì chi phí của những khóa học này càng có một tầm quan trọng lớn hơn nữa.

Khát vọng và nhận thức về sự cần thiết của giáo dục đại học đã làm nỗi e sợ ấy thêm căng thẳng: Liệu tôi có được nhận vào học? Liệu tôi có đủ tiền để chi trả? Nỗi lo lắng này tự nó đã diễn tả cả hai: nỗi oán giận thầm kín và những kỳ vọng gần như không thể thực hiện được. Giáo dục đại học một mình nó không thể bảo đảm cho sự thăng tiến và bình đẳng trong giấc mơ Mỹ. Nhưng chúng ta phải nắm được hoàn toàn đầy đủ những nghĩa vụ của chúng ta để sẵn sàng và có đủ điều kiện để thực hiện những nghĩa vụ ấy. Chúng ta phải bảo đảm rằng những sinh viên tài năng sẽ có đủ khả năng tài chính để đến với Harvard, rằng họ biết rõ mình có thể làm được việc đó, rằng họ biết chúng ta muốn có họ ở đây. Chúng ta cần bảo đảm rằng gánh nặng tài chính không làm lạc hướng sinh viên trong việc theo đuổi những đam mê và mơ ước của mình.

Nhưng người Mỹ lo lắng nhiều thứ về giáo dục đại học chứ không chỉ vấn đề chi phí.  Vấn đề sâu hơn là sự thiếu hiểu biết và đồng thuận về vai trò và chức năng của trường đại học. Trường đại học là một tổ chức lạ lùng với nhiều mục đích khác nhau chưa được phát biểu rõ ràng mà cũng chưa được biện minh một cách thỏa đáng. Hệ quả của việc đó là sự hỗn loạn trong nhận thức của công chúng, trong lúc giáo dục đại học đã trở thành một nguồn lực xã hội không thể thiếu, và điều này đặt lên vai các trường đại học những yêu cầu về tính trách nhiệm càng lớn hơn nữa.

Các trường đại học thực chất phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Nhưng chúng ta cần xác định rõ chúng ta chịu trách nhiệm về điều gì.  Chúng ta được yêu cầu báo cáo tỉ lệ tốt nghiệp, thống kê số sinh viên đầu vào, điểm số của các bài kiểm tra mẫu nhằm đánh giá “giá trị gia tăng” của những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường đại học, hoặc báo cáo về số tiền dành cho các công trình nghiên cứu, số ấn phẩm của các giảng viên.  Nhưng những số liệu đo lường đó không thể tự chúng biểu đạt những thành quả của giáo dục đại học, nói chi đến việc thể hiện khát vọng của các trường đại học. Biết những số liệu tính toán này là rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta soi rọi những phần việc cụ thể trong quá trình hoạt động của chúng ta. Nhưng mục đích của chúng ta tham vọng hơn như thế nhiều, tính chất trách nhiệm của chúng ta vì thế càng khó giải thích hơn.

Xin cho tôi được mạn phép đưa ra một định nghĩa. Bản chất của một trường đại học là trách nhiệm độc nhất vô nhị của nó với quá khứ và tương lai, chứ không chỉ đơn giản với hiện tại. Một trường đại học hoạt động không vì những kết quả của tháng tới hay năm tới, thậm chí cũng không vì việc sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành con người như thế nào. Nó hoạt động vì những kiến thức sẽ định hình cả một đời người, những kiến thức truyền tải di sản của nhiều thiên niên kỷ, những kiến thức quyết định tương lai. Một trường đại học phải vừa nhìn về tương lai phía trước, vừa nhìn lại quá khứ theo những cách đôi khi bắt buộc phải mâu thuẫn với những mối bận tâm hoặc đòi hỏi nhất thời của công chúng. Trường đại học gắn bó với sự vô thời hạn, và sự đầu tư này sẽ tạo ra một mùa bội thu mà chúng ta không thể đoán trước và thông thường không thể đo lường được. Trường đại học là người quản gia của tất cả các truyền thống còn tồn tại – trong thư viện Widener và Houghton, cũng như 88 thư viện khác của chúng tôi, trong các khoa cổ điển, lịch sử, và văn học của trường.

Chúng ta không hài lòng với việc đánh giá những nỗ lực này bằng cách định nghĩa chúng như là phương tiện, là sự hữu ích mang tính đo lường để đáp ứng những nhu cầu cụ thể nhất thời. Thay vào đó, chúng ta theo đuổi những nỗ lực này một phần vì chính những nỗ lực ấy, bởi vì chính nó định nghĩa cái gì qua bao thế kỷ đã biến chúng ta thành con người, chứ không phải vì chúng giúp chúng ta đẩy mạnh việc cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Chúng ta theo đuổi giáo dục đại học bởi vì nó đem lại cho chúng ta với tư cách một cá nhân và cả với tư cách xã hội, một tầm nhìn sâu rộng mà chúng ta không thể tìm thấy bằng cách chỉ nhìn vào hiện tại. Chúng ta theo đuổi những nỗ lực ấy còn vì lẽ đơn giản như chúng ta cần thức ăn và chỗ trú ẩn để tồn tại, cần công ăn việc làm và coi giáo dục như một cơ hội thay đổi số phận, cũng như với tư cách một con người, chúng ta tìm kiếm  ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta cố gắng tìm hiểu mình là ai, từ đâu đến, sẽ đi về đâu và tại sao.

Đối với nhiều người, bốn năm đại học đem lại cho họ khoảng thời gian nghỉ giữa giờ duy nhất để khám phá những câu hỏi căn bản ấy. Nhưng việc tìm tòi ý nghĩa cuộc sống là một hành trình không có hồi kết, nó luôn luôn diễn giải, luôn luôn gián đoạn và xác định lại hiện trạng, luôn tìm kiếm, không bao giờ hài lòng với cái tìm được. Một câu trả lời chỉ đơn giản làm nảy sinh câu hỏi kế tiếp. Điều này trong thực tế là thật đối với tất cả mọi kiến thức, với khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và khoa học nhân văn, và vì vậy nó là thật với bản chất cốt lõi của trường đại học.

Về bản chất, trường đại học nuôi dưỡng văn hóa của sự vận động không ngừng và thậm chí sự bất kham. Điều này chiếm vị trí trọng tâm trong trách nhiệm của trường đại học đối với tương lai. Giáo dục, nghiên cứu, giảng dạy, tất cả đều nhằm vào sự thay đổi – nó chuyển hóa các cá nhân trong quá trình học, chuyển hóa thế giới khi những đòi hỏi của chúng ta làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, nó chuyển hóa xã hội khi chúng ta thấy kiến thức của mình được biến thành chính sách- những chính sách như vậy đã được xây dựng ở Harvard nhằm ngăn chặn thực tế cho vay học phí thiếu công bằng, hoặc để gia tăng số nhà ở giá phải chăng, hoặc nhằm đẩy lui sự phát triển hạt nhân, hay biến nó thành những liệu pháp chữa trị, như những gì mà các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang thực hiện nhằm điều trị chứng thoái hóa da hay là để chiến đấu với các loại bệnh nhiễm khuẩn.

Sự mở rộng kiến thức có nghĩa là sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi không phải lúc nào cũng dễ chịu, vì nó luôn luôn bao gồm cả được và mất, cả sự chệch hướng lẫn những phát minh đúng đắn. Nói như Machiavelli, sự thay đổi không có tính lập hiến. Dẫu vậy, khi đối mặt với tương lai, các trường đại học phải chấp nhận sự thay đổi tuy không dễ chịu nhưng là yếu tố cơ bản cho bất kỳ sự tiến bộ nào về tri thức.

Chúng ta sống trong một kỷ nguyên phát triển khoa học ngoạn mục hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó kể từ thế kỷ XVII. Nghĩa vụ của chúng ta đối với tương lai đòi hỏi chúng ta phải đứng ở tiền tuyến của những biến đổi này. Chúng ta phải tổ chức chính mình theo một cách nào đó tạo điều kiện cho chúng ta hoàn toàn gắn kết với những khám phá như vậy, như chúng ta đã bắt đầu với việc sáng lập Viện Broad[1], với việc xây dựng các khoa liên trường, với việc khởi động Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng. Chúng ta phải vượt qua những rào cản bên trong lẫn bên ngoài Harvard có thể làm chậm lại hoặc cản trở những công việc như vậy, và chúng ta phải cung cấp đầy đủ nguồn lực và trang thiết bị – chẳng hạn như một cơ sở vật chất mới ở Cambridge và Allston- để hỗ trợ những hoạt động ấy. Nghĩa vụ của chúng ta đối với tương lai còn tạo ra những đòi hỏi khác nữa. Trường đại học là nơi- một cách độc nhất vô nhị- được xem là của cả các khoa học gia lẫn triết gia. Hơn bao giờ hết chúng ta cần đặt ra những câu hỏi về đạo đức và ý nghĩa của cuộc sống, những câu hỏi giúp chúng ta đối mặt với ý nghĩa đạo đức, xã hội và nhân bản của những thay đổi mà chúng ta tạo ra trong quan hệ với thế giới tự nhiên.

Trách nhiệm đối với tương lai đòi hỏi chúng ta vượt qua các biên giới địa lý và trí tuệ. Nhất là vì chúng ta sống trong thời đại mà khoảng cách giữa các lãnh vực và chuyên ngành đang thu hẹp lại, cho nên thế giới chúng ta đang sống ngày càng gia tăng tính chất xuyên quốc gia, trong đó tri thức tự nó là nhân tố liên kết mạnh mẽ nhất. Cuộc sống của chúng ta ở Cambridge hay Boston không thể chia cắt với tương lai hay với phần còn lại của trái đất: chúng ta chia sẻ cùng một bầu không khí đang thay đổi, chúng ta mắc phải hay làm lan truyền cùng những thứ bệnh, chúng ta dự phần vào cùng một nền kinh tế. Chúng ta cần nhận ra trách nhiệm của mình đối với thế giới rộng lớn, như John Winthdrop đã cảnh báo năm 1630: “Cần phải thấy rằng chúng ta sẽ là một thành phố trên đỉnh đồi. Mọi con mắt đều hướng về phía chúng ta!”

Harvard vừa là nguồn cội vừa là biểu tượng cho việc mở rộng tri thức mà tương lai của trái đất sẽ phụ thuộc vào đó, và chúng ta phải nắm lấy vai trò đó một cách tích cực và với những suy nghĩ sâu sắc. Giáo dục đại học đang đâm chồi trên toàn cầu dưới những hình thức vừa giống vừa không giống như ở Mỹ. Các trường đại học Hoa Kỳ bị cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, nhưng những người làm đồ giả thường tỏ ra không đánh giá đúng những nguyên tắc về yêu cầu tự do và văn hóa sáng tạo vượt qua mọi quy tắc luật lệ – những thứ đã định nghĩa nên chúng ta.

Biểu tượng “Sự Thật” trên cái khiên của Harvard vốn có ý nghĩa dẫn chứng cho sự giác ngộ thiêng liêng tột đỉnh, cho những chân lý không thể bác bỏ của Thanh giáo. Ngày nay chúng ta hiểu điều này hoàn toàn khác. Chân lý là một khát vọng, chứ không phải là một vật có thể sở hữu.  Dù vậy trong lĩnh vực này, chúng ta- và tất cả những trường đại học được định nghĩa bằng tinh thần tự do tranh luận – chúng ta thách thức và thậm chí đe dọa những kẻ bám chặt lấy những tín điều mù quáng. Chúng ta phải tự đặt mình vào vị trí của trạng thái nghi ngờ, một vị trí không lấy gì làm dễ chịu, cũng như đặt mình vào vị trí của sự khiêm tốn vì tin rằng luôn có điều mới để học, để dạy và để hiểu.

Những gì mà tôi vừa nêu trên đây tiêu biểu cho đặc quyền và trách nhiệm của trường đại học.  Chúng ta có thể sống được ở Harvard trong một thế giới tự do của trí tuệ, của truyền thống khơi gợi cảm hứng sáng tạo, của những nguồn lực phi thường, vì chúng ta là một phần của một tổ chức đặc biệt và rất đáng tôn kính, có tên gọi là trường đại học. Chúng ta cần lĩnh hội một cách tiến bộ hơn và thấu đáo hơn về những mục đích của trường đại học- không chỉ là để giải thích với một công chúng hay phê phán, mà là để giữ chính chúng ta theo ý kiến của bản thân. Chúng ta cần phải hành động không chỉ như những sinh viên và giảng viên, như các nhà sử học hay các khoa học gia máy tính, như các luật sư, nhà ngữ học hay xã hội học, mà là như những công dân của trường đại học, với những nghĩa vụ đối với toàn thể nhân dân được khắc ghi trong tâm trí. Chúng ta cần phải xem chính mình như một thực thể có trách nhiệm với nhau, vì chúng ta hợp thành một tổ chức mà chính nó định nghĩa những khả năng của chúng ta.   Trách nhiệm với tương lai bao hàm những trách nhiệm cụ thể với sinh viên của chúng ta, vì họ là mục đích quan trọng nhất và tài sản lớn nhất của chúng ta. Và chúng ta có trách nhiệm không chỉ đối với ngôi trường này, Harvard và vì Harvard trong thời điểm này, 2007, mà là với khái niệm trường đại học như nó đã tiến hóa qua gần một thiên niên kỷ.

Thật chẳng dễ dàng gì mà thuyết phục được một quốc gia, hay là cả thế giới, kính trọng hay ủng hộ một tổ chức đang thử thách những điều vốn là nền tảng của xã hội đang được xem là đúng. Nhưng trong trường hợp này đó chính là nghĩa vụ của chúng ta: vừa phải lý giải mục đích của chúng ta, vừa phải đạt được những mục đích đó tốt đến mức những trường đại học quý giá như vậy nhất định phải tồn tại được và phát triển rực rỡ trong thế kỷ mới. Harvard không thể làm điều đó một mình. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng Harvard có một vai trò đặc biệt. Đó là lý do vì sao chúng ta có mặt ở nơi đây, đó là lý do vì sao điều này có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với chúng tôi.

Tuần trước tôi nhận được một phong bì dệt bằng tơ chuối màu nâu được James B. Conant, hiệu trưởng thứ 23 của Harvard giao cho Trung tâm Lưu trữ của Trường năm 1951. Ông ấy để lại lời hướng dẫn rằng phong bì này chỉ được mở ra do Hiệu trưởng mới của Harvard vào thời điểm bắt đầu thế kỷ sau, và nhất thiết là không được mở trước đó. Tôi đã mở niêm phong cái phong bì huyền thoại đó và thấy một lá thư hết sức đặc biệt của người tiền nhiệm. Lá thư mở đầu bằng mấy chữ: “Thưa ngài kính mến”. Conant đã viết bức thư với linh cảm một hiểm họa sắp xảy ra. Ông ấy lo sợ rằng Chiến tranh Thế giới Thứ ba đang là nguy cơ treo lơ lửng trên đầu chúng ta sẽ khiến cho việc hủy diệt thành phố này trong đó có Cambridge là một điều hoàn toàn có thể.

Ông ấy viết: “Tất cả chúng ta đều tự hỏi, thế giới tự do sẽ vượt qua năm mươi năm sắp đến như thế nào”. Nhưng khi hình dung tương lai của Harvard, Conant đã đi từ dự đoán đến tin tưởng. Nếu như tiên tri của Kinh Cựu Ước về tận thế không xảy ra, nếu còn có một vị hiệu trưởng còn sống để đọc lại bức thư của ông, Conant sẽ rất tự tin về tương lai của trường Harvard. “Ngài sẽ nhận được những dòng chữ này và sẽ chịu trách nhiệm về một ngôi trường phát triển một cách rực rỡ và nổi bật hơn nhiều so với ngôi trường mà tôi đã có vinh dự là hiệu trưởng. Harvard sẽ duy trì truyền thống tự do học thuật, truyền thống khoan dung đối với dị giáo, tôi cảm thấy điều đó một cách chắc chắn”. Chúng ta phải cống hiến bản thân mình để chắc chắn rằng những điều ông ấy nói là đúng; chúng ta phải chia sẻ và giữ gìn sự tin cậy của ông ấy.

Lá thư của Conant, cũng giống như sự có mặt của chúng ta nơi đây, đánh dấu một điểm giao nhau ngoạn mục giữa quá khứ và tương lai. Đây là một buổi lễ mà tôi trịnh trọng cam kết – với chìa khóa, ấn chỉ và tuyên ngôn- trách nhiệm của mình với truyền thống mà tiếng nói của Conant từ quá khứ vọng về đã khẩn cầu. Và đồng thời, tôi khẳng định, trong tinh thần hiệp ước với tất cả quý vị, trách nhiệm của tôi đối với tương lai của Harvard. Cũng như trong thời của Conant, chúng ta đang phải đương đầu với tình trạng không chắc chắn của một thế giới khiến chúng ta không thể an tâm. Nhưng chúng ta vẫn có một niềm tin không lay chuyển vào mục đích và tiềm năng của Harvard, cũng như tất cả những gì nó có thể làm để định hình thế giới trong nửa sau thế kỷ này. Chúng ta hãy nắm lấy những trách nhiệm và khả năng này, chúng ta hãy chia sẻ những trách nhiệm ấy, đan kết vào nhau thành một thể thống nhất; chúng ta hãy nhận công việc này một cách hân hoan, bởi vì nhiệm vụ này là một thứ đặc ân quý giá không gì có thể đo lường được.

Người dịch: Phạm Thị Ly 

(Nguồn: http://www.president.harvard.edu/speeches/faust/071012_installation.html )

[1] Viện Broad, do trường ĐH MIT và Harvard thành lập, chuyên nghiên cứu về các bộ gen và những khoa học hóa sinh khác (Chú thích của người dịch)