TS. Vladimir Briller, Học viện Pratt, Hoa Kỳ
& TS. Phạm Thị Ly, Trung tâm Nghiên cứu và Giao lưu Văn hóa Giáo dục Quốc tế
Viện Nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Việt Nam

(Báo cáo tại Hội thảo GD Quốc tế và So sánh, tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2008)

Tổng quan

Các trường đại học không chỉ là những đơn vị làm việc cho địa phương hay đất nước mình, mà còn phục vụ cho cả thế giới. Với nhịp điệu thay đổi nhanh chóng trên thế giới thông qua toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới cùng với các dân tộc, các nền văn hóa, các định chế tổ chức trong đó có các trường đại học, đang trở thành những thực thể đan quyện vào nhau, có tương quan với nhau và liên kết với nhau hết sức chặt chẽ. Để chuẩn bị cho sinh viên của chúng ta bước vào một thế giới đang đổi thay nhanh chóng, để tăng cường và thúc đẩy các khám phá khoa học, để thực hiện những nhiệm vụ mà chúng ta đã cam kết, và để duy trì năng lực cạnh tranh của chúng ta, các trường đại học và cao đẳng phải có những năng lực mang tính toàn cầu và những mối quan hệ có tính chất quốc tế dưới nhiều hình thức. Đó là những nhân tố quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược, xây dựng chính sách và giải quyết những vấn đề thực tiễn. Những trường đại học gắn bó với các hoạt động có tính toàn cầu đang nắm giữ vai trò cốt yếu trong việc duy trì vị trí hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới. Các trường đại học cần chuẩn bị cho sinh viên của mình trở thành những thành viên tích cực trong một thế giới mà biên giới quốc gia ngày càng trở thành không còn mấy ý nghĩa. Ngày càng nhiều sản phẩm, nguồn vốn, thông tin, sức lao động, và khách du lịch vượt qua các biên giới quốc gia. Nhu cầu duy trì năng lực cạnh tranh trên thế giới đòi hỏi các trường đại học tạo ra nguồn nhân lực có năng lực toàn cầu và có khả năng nghiên cứu ở đỉnh cao. Mỗi trường đều có trách nhiệm bảo đảm cho sinh viên của mình được chuẩn bị đầy đủ cho những thử thách của thế kỷ XXI và hiệu quả của việc đó là một phép thử đối với chất lượng đào tạo của các trường. Trong năm học 2006-2007, nước Mỹ đã gửi 223,534 sinh viên ra nước ngoài để học tập, và tiếp nhận 582,984 sinh viên quốc tế đến học tại các trường đại học của Hoa Kỳ!.[1]

Tại sao nhất thiết phải quốc tế hóa?

Việc quốc tế hóa các trường đại học đang trở thành một yêu cầu cần thiết để đạt được thành công trong thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết hiện nay. Tuy nhiên, thế nào là “quốc tế hóa” các trường đại học? Có thể hiểu, nó không chỉ là trách nhiệm của phòng quan hệ quốc tế hay tuyển sinh nước ngoài. Quốc tế hóa đòi hỏi những nỗ lực có kế hoạch trong việc quản lý, trong việc phối hợp giảng viên và chương trình, trong việc nghiên cứu về các nước và các hoạt động giao lưu quốc tế, về sinh viên và học giả nước ngoài, về xây dựng các quan hệ hợp tác quốc tế và phục vụ lợi ích công. Có nhiều nguyên nhân cả nội tại và ngoại tại thúc đẩy việc quốc tế hóa các trường đại học. Có những chứng cứ rất mạnh cho thấy các trường đại học được quốc tế hóa hoạt động tốt hơn nhiều cả trong việc đào tạo lẫn trong việc thực hiện những công trình nghiên cứu quan trọng. Điều này thường được thể hiện qua:

  • Đào tạo được những sinh viên có kiến thức mang tính chất quốc tế và năng lực mang tính xuyên văn hóa.
  • Duy trì năng lực cạnh tranh
  • Đạt được những chuẩn mực quốc tế
  • Đẩy mạnh phát triển tri thức trong những vấn đề về sự tương thuộc giữa các quốc gia
  • Nghiên cứu những vấn đề đang đặt ra cho quốc gia và quốc tế
  • Hoạt động vì tiến bộ xã hội
  • Đánh giá cao sự đa dạng văn hóa và dân tộc của một quốc gia – Duy trì ổn định an ninh quốc tế và những quan hệ hòa bình[2]

Tuy vậy, chúng ta không thể chỉ định danh một trường nào đó là một trường đại học quốc tế. Quốc tế hóa là một quá trình lâu dài đòi hỏi những nỗ lực phối hợp, cùng với một kế hoạch và nguồn lực đáng kể. Harari (l989) chủ trương một kế hoạch sáu điểm cho việc quốc tế hóa các trường đại học:

  1. Bảo đảm sự quyết tâm và đồng lòng về phía lãnh đạo nhà trường
  2. Phân tích chương trình đào tạo và trình độ của việc biên soạn chương trình ở các nước bao gồm cả các hoạt động trao đổi giáo dục quốc tế cả đối với giảng viên và sinh viên.
  3. Xây dựng ý thức trách nhiệm và vai trò dẫn đầu về hoạt động giáo dục quốc tế của Trung tâm Giáo dục Quốc tế trực thuộc Trường.
  4. Đưa ra những hỗ trợ nội bộ và liên minh hợp tác với bên ngoài, cũng như cung cấp nguồn tài chính cho Trung tâm Giáo dục Quốc tế
  5. Tạo ra những đặc điểm quốc tế đích thực cho nhà trường, được duy trì bằng mối quan tâm tới từng cá nhân con người của cán bộ, giảng viên đối với những sinh viên có quốc tịch và nguồn gốc xuất thân khác nhau.
  6. Khuyến khích những chương trình hội nhập, những kế hoạch chiến lược cho giáo dục quốc tế (bằng cách đưa vào danh sách ưu tiên hàng đầu của nhà trường)[3]

Các trường đại học Hoa Kỳ đang làm gì để thực hiện mục tiêu quốc tế hóa?

Công trình nghiên cứu về hiện tượng quốc tế hóa tại 183 trường đại học do Đại học Washington State University hỗ trợ thực hiện đã kết luận có năm nhân tố quyết định thành công sau đây:

  • Nguồn lực (giảng viên, các nhà quản lý, tài chính, sự khích lệ và ban thưởng);
  • Những hoạt động được lên chương trình (sinh viên và học giả quốc tế; việc học tập và làm việc, cơ hội thực tập ở nước ngoài; việc học ngoại ngữ; phát triển hợp tác; các chương trình học tập chuyên sâu; các lãnh vực nghiên cứu và học bổng sau đại học; chương trình đào tạo bậc đại học; và những dịch vụ công);
  • Việc quản lý và lãnh đạo (sự quyết tâm của nhà trường, những chính sách phù hợp, kế hoạch chiến lược và việc phân bổ các nguồn lực);
  • Việc tổ chức thực hiện (cơ cấu, sự nối kết giữa các bộ phận, văn hóa nội tại) và môi trường bên ngoài (nhận thức toàn cầu, đòi hỏi của các bên liên quan, lợi ích đạt được).[4]

Tại Đại học Pennsylvania, các nhà lãnh đạo đang làm nhiều việc để đạt được 3 mục tiêu cụ thể trong chương trình hành động của họ:giúp các trưởng khoa xây dựng kế hoạch 5 năm với những mục tiêu về giáo dục quốc tế, đưa ra những đề tài phụ có tính chất quốc tế trong hàng loạt ngành học khác nhau: nông nghiệp, kinh doanh, báo chí..và khuyến khích giảng viên tái thiết kế cũng như tăng cường quốc tế hóa nội dung môn học của họ.

Ở trường Đại học Carleton College tại Northfield, Minnesota, quốc tế hóa có nghĩa là toàn bộ nhà trường phải thực hiện những bước đi nhằm bảo đảm cho quá trình này ngay khi mục tiêu vừa được xác lập. Đó có thể là tuyển dụng thêm những giảng viên có chuyên ngành quốc tế hoặc có quan tâm nghiên cứu về quốc tế; quy định việc thực hiện học tập tại nước ngoài như một trong những yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên; khuyến khích giảng viên nói với sinh viên của họ về những lợi ích trong việc hoàn tất một phần trong chương trình đào tạo tại nước ngoài; gắn việc học ngoại ngữ với lĩnh vực chuyên ngành của sinh viên, kết hợp ngân sách cho sinh viên học tập một số chương trình ở nước ngoài với ngân sách dành cho hoạt động quốc tế của giảng viên; công nhận và tưởng thưởng cho những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, và tư vấn trên phạm vi quốc tế của các giảng viên.

(S. Lewis discussing Carleton College’s commitment in Hanson & Meyerson, l995).

Hiệu trưởng Trường Đại học California UCLA’s Charles Young đã xác định quốc tế hóa là một ưu tiên của nhà trường và đã tạo ra một trường đại học có đặc điểm nội tại của chủ nghĩa quốc tế thể hiện trong chương trình đào tạo và các hoạt động hợp tác trong trường (Ellingboe, l996a).

Trường Đại học Kỹ thuật Virginia Technical University tuyên bố một tầm nhìn hướng tới vị trí đại học đẳng cấp thế giới qua việc nhấn mạnh 7 kế hoạch chiến lược nhằm thực hiện quốc tế hóa và coi đó như một mục tiêu của nhà trường (Ellingboe, l996a).

Hiệu trưởng Nan Keohane của Trường Đại học Duke University’s cũng tuyên bố rằng quốc tế hóa giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch chiến lược của bà (Mestenhauser, l996).

Trường Đại học Oregon State University đã ghép đôi một văn bằng “quốc tế” cùng với mỗi ngành đào tạo bậc cử nhân của trường, chẳng hạn như sinh học quốc tế, xã hội học quốc tế, v.v.). Để thực hiện điều này, sinh viên sẽ thực hiện năm học thứ năm của mình tại một trường đại học ở nước ngoài đã được kiểm định chất lượng (Metcalf, l996).

Các trường đại học ở Châu Âu làm gì để thực hiện quốc tế hóa?

Không như các trường đại học Hoa Kỳ tiếp cận quốc tế hóa một cách riêng lẻ, châu Âu quyết định chọn cách tiếp cận tổng hợp. Một số học giả châu Âu mô tả quốc tế hóa như là “một quá trình phức tạp với những ảnh hưởng kết hợp, dù có được lên kế hoạch hay không, thì cũng tăng cường định hướng quốc tế trong việc trải nghiệm giáo dục đại học trong các trường đại học”.[5]   Một số khác thử nhìn vào chỉ một vài khía cạnh của quốc tế hóa, chẳng hạn vấn đề chương trình đào tạo: những chương trình được quốc tế hóa có đặc điểm như thế nào, những nhân tố gì góp phần tạo nên thành công trong việc xây dựng, thực hiện, và cơ chế hóa những chương trình đào tạo có tính chất quốc tế, và kết quả, ảnh hưởng của những chương trình này là như thế nào.[6]

Bất luận những khác biệt nhỏ, vẫn có một sự đồng thuận về nhu cầu khẩn thiết đối với việc quốc tế hóa các trường đại học.

Ủy ban Châu Âu đặt mục tiêu hỗ trợ cho những nỗ lực này thông qua những chương trình như Erasmus, Tempus. Chương trình Tempus đặc biệt chú trọng tới các nước láng giềng trong lúc Erasmus Mundus thì có tính toàn cầu nhiều hơn. Quá trình này buộc các trường đại học ở Châu Âu phải tích cực thực hiện toàn cầu hóa, tìm hiểu lẫn nhau và liên kết trong một mạng lưới nhằm thúc đẩy sự lưu động của sinh viên và giảng viên. Sau đây là một số kết quả của chương trình ERASMUS:

  • 2 triệu sinh viên được hưởng lợi từ chương trình qua những chương trình học tập tại nước ngoài
  • Hệ thống Chuyển đổi Tín chỉ Châu Âu (European Credit Transfer System (ECTS) hiện nay đã được hiểu rõ và được chấp nhận rộng rãi
  • Những dự án hợp tác trong việc xây dựng chương trình
  • Năm 2005: Thực hiện liên kết giữa 2,199 trường đại học tại 31 quốc gia
  • Ngân sách 159 triệu EUR, 144.000 sinh viên, 21.000 giáo viên[7]

Đồng thời, Cộng đồng Châu Âu cũng đã bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng những mối quan hệ giữa các trường đại học trên toàn thế giới. Đây là một số ví dụ về những chương trình giáo dục của EU trên toàn cầu:

Với Bắc Mỹ: EU/US, EU/CND

Với châu Á:Asia-Link, EU-Vietnam, etc.

Với vùng Trung Đông: TEMPUS/MEDA

Với vùng Châu Phi-Caribbean- Thái Bình Dương: EDULINK

Với Châu Mỹ Latin: ALFA and Alβan

Các trường đại học châu Âu đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên và giảng viên quốc tế (UNESCO UIS). Trong bảng xếp hạng năm 2006 của Phu trương Giáo dục Đại học Thời báo Times, trong top 100 trường đại học tốt nhất thế giới, châu Âu có 41 trường: Anh: 15, Netherland: 7, Pháp: 6, Thụy Điển: 5, Đức: 3, Bỉ: 2, Đan Mạch: 1, Nga: 1, Ireland: 1, và Áo: 1.

Tiến trình Bologna

Tiến trình Bologna có mục đích từ nay đến năm 2010 tạo ra một không gian chung cho giáo dục đại học châu Âu, trong đó sinh viên có thể lựa chọn nhiều khóa học/chương trình học chất lượng cao và hưởng lợi từ những thủ tục công nhận văn bằng lẫn nhau giữa các trường[8]. Tuyên ngôn Bologna tháng 6 năm 1999 đã đặt ra hàng loạt vấn đề về cải cách nhằm làm cho giáo dục châu Âu cạnh tranh hơn và thu hút được nhiều hơn sinh viên châu Âu cũng như sinh viên từ các lục địa khác. Cải cách là hết sức cần thiết để châu Âu đạt được những chuẩn mực hoạt động tốt nhất trên thế giới nhất là ở Hoa Kỳ và châu Á. Ba ưu tiên hàng đầu của tiến trình Bologna là đưa ra một hệ thống đào tạo 3 vòng (cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ); bảo đảm chất lượng và công nhận văn bằng lẫn nhau giữa các trường.

Hai năm một lần Bộ trưởng Giáo dục các nước đã ký văn bản thỏa thuận sẽ họp lại để đánh giá tiền trình và xác lập những ưu tiên cho kế hoạch hành động. Sau Bologna (1999), họ đã họp tại Praha (2001), Berlin (2003), Bergen (2005), và London (2007).  Tại phiên họp ở London ngày 17-18 tháng 5-2007, các Bộ trường đã thông qua chiến lược tiếp cận các lục địa khác và đồng thuận về việc thành lập Tổ chức Đăng ký Bảo đảm Chất lượng Châu Âu. Sau đây là những đặc điểm cơ bản của Tiến trình Bologna:

  • Thông qua một hệ thống văn bằng có thể so sánh và đọc được một cách dễ dàng
  • Thông qua hệ thống đào tạo dựa trên 2 vòng
  • Xây dựng hệ thống tín chỉ
  • Thúc đẩy sự lưu chuyển giảng viên và sinh viên
  • Thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia chấu Âu trong việc bảo đảm chất lượng
  • Thúc đẩy định hướng châu Âu trong giáo dục đại học
  • Ngay từ buổi đầu của Tiến trình Bologna, các nhà giáo dục Châu Âu đã xác định rõ những thử thách về việc toàn cầu hóa và thay đổi cơ cấu tổ chức trong giáo dục:
  • Thử thách trước hết là nhận thức được rằng thế giới chúng ta đang sống đã và đang gia tăng tính chất toàn cầu trong mạng lưới truyền thông, trong việc lựa chọn nghề nghiệp, và trong giao tiếp giữa các cá nhân.
  • Thử thách thứ hai đối với các nhà giáo dục là vượt qua biên giới của các chuyên ngành và các trường, các nhà nước và quốc gia. Vượt ra khỏi các biên giới đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể và tái thiết kế những cách tư duy thông thường.
  • Thử thách thứ ba là viễn cảnh hội nhập quốc tế hoàn toàn trong phạm vi chương trình cũng như trong mọi đơn vị của trường đại học.

Tiến trình toàn cầu hóa của các trường đại học Việt Nam

Từ khi có chính sách mở cửa, và nhất là sau khi gia nhập WTO, giáo dục đại học Việt Nam đã và đang có những chuyển biến hết sức quan trọng trong tiến trình quốc tế hóa. Trong phạm vi hệ thống giáo dục đại học, có thể thấy một số hiện tượng nổi bật như:

  1. Năm 1998, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Melbourne Institute Of Technology (RMIT), Australia đã được nhà nước Việt Nam mời đến xây dựng một trường đại học 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Năm 2000, RMIT được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép để đào tạo đại học và sau đại học cũng như thực hiện việc nghiên cứu tại Việt Nam. Tất cả các văn bằng này đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.Văn bằng của trường này là do RMIT tại Australia cấp. Điều đó có nghĩa là sinh viên Việt Nam có thể được học đại học tại một trường nước ngoài mà không cần phải rời khỏi quê hương. Trường này đã thực hiện việc đào tại tại TPHCM từ năm 2001 và tại Hà Nội từ 2004, hiện nay đã có trên 3,800 sinh viên kể cả sinh viên quốc tế đến từ Australia, Trung Quốc, Pháp, Đức, Malaysia, Nga, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Anh, Mỹ và các nước khác.
  2. Trường Đại học Troy University cũng đã phối hợp với khoa Công nghệ Thông tin và Quản trị Kinh Doanh của Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM để đào tạo bằng cử nhân và tiến sĩ cho sinh viên địa phương. Đại học Troy hiện nay đang thực hiện đào tạo tại Việt Nam các ngành sau đây:
  • Cử nhân Khoa học Quản trị Kinh doanh
  • Cử nhân ngành Khoa học Máy tính
  • Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh
  • Thạc sĩ Điều hành Quản trị Kinh doanh
  1. Chương trình Cộng đồng Việt Nam của Trường Đại học University of British Columbia (Canada), qua nhận thức được nhu cầu đang tăng nhanh của dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng như chiến lược ngăn ngừa và điều trị phục hồi đã thành lập một tổ chức cộng tác quốc tế luân phiên tại Việt Nam. Tổ chức này được tạo ra nhằm mở rộng phạm vi học tập cho sinh viên sau đại học ngành nha khoa, trong đó có kiến thức về quá trình diễn tiến của các bệnh trong vùng, các phác đồ điều trị, và năng lực văn hóa. Trong năm học, những sinh viên của UBC sẽ khởi động một chương trình quản lý các bệnh nhân ung thư đầu và cổ tại Trung tâm Ung bướu TPHCM. Những sinh viên địa phương này sẽ đánh giá sức khỏe răng miệng, điều trị những trường hợp khẩn cấp và những điều trị bắt buộc đối với liệu pháp ung thư đầu và cổ. Họ cũng phối hợp với các đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Ung Bướu để xây dựng dự thảo chương trình tiền xạ trị và hậu xạ trị.[9]
  2. Là một bộ phận trong chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục đại học, một trong những trường đại học cạnh tranh nhất của Việt Nam đã bắt đầu quan hệ đối tác với Đại học Buffalo (UB) để bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư cơ khí cho sinh viên của mình từ mùa thu tới. Trong khuôn khổ một chương trình của chính phủ Việt Nam, 14 trường đại học hàng đầu của Việt Nam đã được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện mô hình đào tạo của Hoa Kỳ trong một số ngành được lựa chọn làm thí điểm.[10]
  3. Chương trình tiên tiến thực hiện theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Từ năm học 2006-2007, Bộ GD&ĐT đã triển khai kế hoạch xây dựng các ngành đào tạo và trường đại học đạt trình độ quốc tế. Theo đó, 9 trường đại học đầu tiên đã được lựa chon để liên kết với các đại học có uy tín của Mỹ để đào tạo cử nhân theo chương trình và công nghệ đào tạo của các trường đại học đối tác này.

Giảng viên của các chương trình ở Việt Nam là các giảng viên đã nhận bằng tiến sĩ, thạc sĩ ở các nước nói tiếng Anh, các giáo sư người Việt Nam đang giảng dạy ở các đại học nước ngoài và các giảng viên của các đại học đối tác nước ngoài được mời giảng dạy. Các giảng viên Việt Nam được gửi qua trường đối tác để nghiên cứu mô hình, phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo, dự giờ giảng của các giáo sư thuộc trường đối tác.

Ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo trình được sử dụng là những giáo trình đang được sử dụng ở trường đối tác. Thời gian đào tạo từ 4,5 – 5 năm, trong đó có nửa năm bồi dưỡng ngoại ngữ.

Riêng tại ĐH Bách khoa TP. HCM, ngay từ học kỳ I, năm học 2006-2007 sinh viên sẽ học 6 môn bằng tiếng Anh. Các trường tham gia chương trình trên được Bộ GD&ĐT tài trợ từ 1 đến 5 triệu USD để nâng cấp các cơ sở thí nghiệm, thực hành đáp ứng chương trình đào tạo (curriculum) của các đối tác nước ngoài. Tuy mới triển khai năm đầu, nhưng với chất lượng của sinh viên được tuyển chọn, sự tin cậy vào chất lượng đào tạo của các đại học đối tác và sự chuẩn bị tích cực của các Đại Học

Bảng 1. 9 trường ĐH Việt Nam và 10 chương trình liên kết với 8 trường ĐH uy tín của Mỹ.

Đại học Việt Nam Đại học đối tác Ngành đào tạo (Program)
1. ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH QG HCM Portland State University 1. Khoa học máy tính (Computer Science)
2. ĐH Cần Thơ Michigan State University 2. Sinh hóa và Sinh học phân tử (Biochemistry and Molecular Biology)
3. ĐH Bách khoa Hà Nội California State University

The University of Illinois at Urbana – Champaign

3. Kỹ thuật cơ điện tử (Mechatronics Engineering)

4. Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (Material Science and Engineering)

4. ĐH Bách khoa     TP. HCM The University of Illinois at Urbana – Champaign 5. Hệ thống năng lượng

(Power and Energy System)

5. ĐH Đà Nẵng The University of Washington 6. Điện tử (Electronics)
6. ĐH Nông nghiệp I The University of California – Davis 7. Khoa học cây trồng (Plant Science)
7. ĐH Kinh tế quốc dân California State University – Long Beach 8. Tài chính (Finance)
8. ĐH Khoa học tự nhiên, Hà Nội The University of Illinois at Urbana –Champaign 9. Hóa (Chemistry)
9. Đại học Huế The University of Verginia 10. Vật lý (Physis)

Việt Nam, nhiều công ty như Intel, Remasas, TMA, và một số công ty ở Silicon Valley đã đề nghị được nhận toàn bộ sinh viên ở các chương trình liên quan vào việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong giai đoạn 2008-2010 sẽ có 9 trường ĐH nữa được tuyển chọn tham gia chương trình này. Giai đoạn 2011-2020 các trường ĐH Việt Nam sẽ mở rộng việc đào tạo theo chương trình tiên tiến của các ĐH đối tác nước ngoài sang nhiều ngành khác trong mỗi trường; Triển khai đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tương đương với yêu cầu chất lượng của các trường đối tác[11].

Trong phạm vi từng trường, tuy mức độ có khác nhau tùy theo khu vực địa lý và trình độ phát triển, cũng có thể thấy sự phát triển rất mạnh mẽ của xu hướng quốc tế hóa, thể hiện qua:

1- Sự tham gia của các học giả quốc tế trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo của các đại học Việt Nam: Trong 10 năm qua, chỉ riêng chương trình Fulbright tại Việt Nam đã đem 122 học giả Hoa Kỳ đến làm việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Huế, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Cần Thơ trong các lãnh vực kinh tế, công nghệ thông tin, sức khỏe cộng đồng, khoa học môi trường, và nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Các chương trình và tổ chức phi chính phủ khác như Youth Ambassador hoặc Australian International Volunteers của Australia, các Quỹ phi chính phủ như Quỹ Châu Á (Hoa Kỳ), Quỹ Japan Foundation (Nhật) cũng đã đem hàng trăm giáo viên tình nguyện và học giả từ các nước khác đến làm việc tại Việt Nam. Các hợp đồng nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các trường đại học nước ngoài, chẳng hạn như hợp đồng về nghiên cứu chuẩn giáo viên tiểu học trong Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học với Trường Đại học Melbourne đã tạo điều kiện làm việc chung giữa các chuyên gia của Australia với các nhà khoa học Việt Nam. Sự tham gia của các học giả quốc tế đã mang lại một luồng sinh khí mới cho các trường đại học, khơi dậy khát vọng đổi mới và mở rộng tầm nhìn của đội ngũ cán bộ, thúc đẩy những cải tiến trong phương pháp giảng dạy và tư duy sáng tạo.

2- Đồng thời, các nhà khoa học Việt Nam cũng có ngày càng nhiều cơ hội để tham gia học tập, tham dự hội thảo, hội nghị tập huấn ở nước ngoài. Riêng Chương trình Fulbright tại Việt Nam đã đưa 70 học giả Việt nam sang Hoa Kỳ giảng dạy và nghiên cứu trong các lãnh vực giáo dục, ngân hàng, tài chính, y tế cộng đồng. Quỹ Giáo dục Việt Nam do chính phủ Hoa Kỳ thành lập qua một thập niên cũng đã đưa 276 giảng viên và sinh viên Việt Nam đi học tại Hoa Kỳ trong các ngành khoa học kỹ thuật trong đó đã có……người trở về phục vụ chủ yếu trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Những điều này cách đây một thập kỷ còn là một mơ ước, nay đã trở thành một hiện thực khá phổ biến. Cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài đang ngày càng rộng mở với giảng viên và sinh viên Việt Nam. Những người Việt Nam được học tập tại nước ngoài bằng những trải nghiệm quốc tế trong khoa học và văn hóa đang góp phần tích cực trong tiến trình quốc tế hóa của các đại học Việt Nam.

Qua những hiện tượng trên, có thể khẳng định việc quốc tế hóa các trường đại học tại Việt Nam thông qua liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên, hợp tác nghiên cứu, đang là một xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ và được sự ủng hộ của nhà nước Việt Nam cũng như của tất cả các bên liên quan. Xu hướng này đang tác động sâu sắc đến các trường đại học Việt Nam về mọi phương diện và góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho Việt Nam.

Các trường đại học Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quốc tế hóa?

Nhu cầu khẩn thiết phải quốc tế hóa

Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở châu Á, và đang hết sức cần lực lượng lao động có kỹ năng. Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang một nền kinh tế thị trường đã có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với thị trường lao động, liên quan tới thu nhập và tỉ lệ hoàn vốn của đầu tư cho giáo dục. Tỉ lệ  hoàn vốn cho giáo dục của cá nhân trung bình là trên 11%. Nhiều bằng chứng từ những nền kinh tế trong thời kỳ quá độ khác cũng cho thấy tỉ lệ này gần như chắc chắn sẽ gia tăng khi những cải cách trên thị trường lao động phát huy hết ảnh hưởng của nó.[12]

Tuy vậy, hệ thống giáo dục đại học không có khả năng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Cho dù nhà nước đã nới lỏng việc hạn chế thành lập các trường đại học mới, từ năm 2000 đến 2005 số sinh viên đại học đã tăng trung bình 9% mỗi năm. Số giảng viên không tăng kịp so với sự gia tăng số lượng sinh viên, khiến sĩ số mỗi lớp học thành ra quá đông. Tỉ lệ sinh viên/ giảng viên khoảng 6/1 trong năm 1990 đã nhảy lên 13/1 năm 1995 và 31/1 năm 2006.[13]

Sĩ số quá đông đang đi cùng với chương trình lỗi thời, phương pháp giảng dạy lạc hậu và hệ thống quản lý thiếu linh hoạt. Nhiều vấn đề về sinh viên, giảng viên, việc quản lý và chương trình đào tạo ở các trường đại học Việt Nam đã được nêu lên trong bản báo cáo khảo sát thực địa của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ:[14]

  • Phương pháp giảng dạy thiếu hiệu quả: bài giảng, phần trình bày của giảng viên năng về kiến thức và ghi nhớ, ít sử dụng bài tập, thiếu tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
  • Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực không đầy đủ.
  • Quá nhiều môn học (hơn 200 tín chỉ đối với bậc cử nhân)
  • Có quá nhiều đòi hỏi bắt buộc và có quá ít lựa chọn đối với sinh viên.
  • Nội dung từng môn học cũng như của cả chương trình đào tạo đã lạc hậu, không cùng trình độ với những trường đại học hàng đầu trên thế giới.
  • Mất cân bằng giữa những môn học lý thuyết (khái niệm và nguyên tắc- với sự nhấn mạnh quá nhiều vào kiến thức) và những môn ứng dụng/thực hành (thí nghiệm hoặc thực tập).
  • Thiếu kỹ năng làm việc chung và các kỹ năng giúp làm việc một cách chuyên nghiệp (làm việc theo nhóm, giao tiếp nói và viết bằng tiếng Anh, quản lý dự án, phương pháp giải quyết vấn đề, chủ động trong công việc, học tập suốt đời)
  • Thiếu linh hoạt trong việc chuyển đổi giữa các ngành học.
  • Các môn học cũng như chương trình học không được dẫn dắt bởi một tuyên bố hiển ngôn về những kết quả mà sinh viên cần đạt được.
  • Thiếu những giáo viên có chất lượng
  • Giảng viên được đào tạo ở trình độ khoa học thấp
  • Nhiều giảng viên thiếu các kỹ năng hiện đại trong thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu.
  • Phần lớn giảng viên thiếu cập nhật kiến thức trong những lãnh vực liên quan tới chương trình và nội dung giảng dạy của họ.
  • Giảng viên phải làm việc quá tải và được trả lương quá thấp, do đó thiếu thời gian cần thiết cho việc chuẩn bị bài giảng, tiếp xúc với sinh viên, và tự nghiên cứu.
  • Không có những biện pháp khích lệ giảng viên nâng cao kỹ năng giảng dạy, cập nhật nội dung và chương trình cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu, vì sự thăng tiến và tiền lương gần như là dựa trên số lượng giờ dạy và thâm niên thay vì dựa trên thành tích, phẩm chất, hoạt động hoặc kết quả nghiên cứu.
  • Có rất ít cơ hội cho các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài có thể theo đuổi việc nghiên cứu của họ và áp dụng những phương pháp giảng dạy đã học được ở nước ngoài khi họ quay về Việt Nam.
  • Giao tiếp học thuật chật hẹp[15] làm hạn chế môi trường nghiên cứu năng động
  • Sự chia cắt giữa các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm với hoạt động giảng dạy của các khoa, khiến hạn chế cơ hội của các giảng viên được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu.
  • Thiếu sự ăn khớp và phối hợp trong mục tiêu đào tạo sinh viên cụ thể ở cấp trường, cấp khoa, cấp bộ môn
  • Hiệu quả của nhà trường không được đánh giá dựa trên kết quả việc học tập của sinh viên. Hậu quả là giảng viên có ít động lực vì ít có những biện pháp khuyến khích hay khen thưởng cho những sáng kiến đổi mới
  • Chất lượng của chương trình và môn học không dựa trên việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên
  • Thiếu cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu ở cấp trường

Chính do những hạn chế đó mà nhiều gia đình Việt Nam đã phải gửi con ra nước ngoài học tập. Tính từ năm 2006, bình quân mỗi năm có 16,000-18,000 sinh viên Việt Nam đổ ra nước ngoài du học. Theo báo cáo thường niên của Viện Giaó dục Quốc tế Hoa Kỳ, Việt nam đã lọt vào top 20 nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ. Con số du học sinh Việt Nam tại Úc hiện nay là 10.000 người, một con số kỷ lục.

Rất nhiều vấn đề khó lòng có thể giải quyết một cách nội bộ. Con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng hệ thống đại học Việt Nam là quốc tế hóa. Hàng tỷ đô la dành cho việc du học có thể tiết kiệm được nếu Việt Nam có các trường đại học được quốc tế hóa và đạt được những chuẩn mực của quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu này, cần xác lập những mục tiêu có thể đo lường được cho sinh viên, giảng viên, các nhà quản lý, và cho trường đại học như một tổng thể.[16]

Kết quả cần đạt đối với sinh viên

Một sinh viên sau khi ra trường để có năng lực toàn cầu cần có những đặc điểm, phẩm chất sau đây:

– Những năng lực đáp ứng được yêu cầu của một nền kinh tế hiện đại và đang thay đổi rất nhanh.

– Thế giới quan đúng đắn và đa dạng: những người được đào tạo tại một trường đại học được quốc tế hóa sẽ xây dựng một khuôn khổ khái niệm phản ánh cách nhìn nhận thế giới của họ- theo quan điểm lịch đại và đồng đại- những quan điểm mà họ sử dụng trong phân tích và đánh giá những bước đi của lịch sử cũng như những hiện tượng chính trị, văn hóa, kinh tế, môi trường, khoa học và kỹ thuật.

– Nhận thức rõ về khuôn khổ quốc tế của những lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu: sinh viên cần nắm vững chiều kích quốc tế của chuyên ngành nghiên cứu mà họ theo học, cũng như những khác biệt văn hóa và chính trị quan trọng tác động đến chính sách, công việc và cách giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên ngành của mình.

– Giao tiếp một cách có hiệu quả bằng một ngôn ngữ khác: những người tốt nghiệp đại học sẽ phát triển tương lai của họ và đạt được sự thấu hiểu sâu sắc các dân tộc khác trên thế giới bằng cách học hỏi những ngôn ngữ khác và những nền văn hóa khác.

– Hiểu biết tầm quan trọng của sự nhạy cảm, khả năng thích ứng trong giao tiếp xuyên văn hóa và kinh nghiệm tập hợp trong những nhóm người chia sẻ những mối quan tâm chung.

–   Những trải nghiệm bên ngoài Việt Nam: những người tốt nghiệp một trường đại học được quốc tế hóa cần có những trải nghiệm bên ngoài Việt Nam thông qua học tập nghiên cứu tại nước ngoài, qua hoạt động thực tập hoặc những chương trình tình nguyện để có cơ hội giao tiếp với những con người của các quốc gia khác và các nền văn hóa khác.

– Tiếp tục phát triển thường xuyên năng lực toàn cầu: Những người có năng lực toàn cầu bao giờ cũng hiểu rõ giá trị của những hiểu biết có tính chất quốc tế đối với việc nâng cao năng lực này, cũng như đối với việc đạt được những thành tựu của cá nhân. Họ cũng hiểu rõ rằng cần có một nỗ lực kéo dài suốt đời để có được năng lực và những hiểu biết ấy.

Kết quả cần đạt đối với giảng viên  

Đội ngũ giảng viên là những người đóng góp chủ yếu cho thành công của một trường đại học quốc tế hóa. Lôi cuốn giảng viên phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược quốc tế hóa của một trường đại học. Cán bộ và giảng viên là những người chịu trách nhiệm về việc tạo ra và thực hiện chương trình đào tạo, sáng tạo tri thức mới, thực hiện những chương trình phát triển ở tầm xa hơn cho cộng đồng và cho thế giới. Họ sẽ:

– Chứng minh năng lực toàn cầu của các cá nhân: những cán bộ và giảng viên có năng lực toàn cầu sẽ chứng tỏ mối quan tâm tới các quốc gia khác, các nền văn hóa khác, cũng như những vấn đề của thế giới chúng ta đang sống, và coi trọng sự khác biệt giữa các quốc gia, các nền văn hóa ấy. Mối quan tâm này thể hiện qua việc sống và làm việc ở một đất nước khác, tham gia hợp tác và viêng thăm đồng nghiệp của mình ở những quốc gia khác, đi lại nhiều nước để tham dự những hoạt động nghề nghiệp, cũng như gắn kết với các nhóm hoạt động quốc tế ở địa phương, tham dự các hội thảo/lớp tập huấn trong lĩnh vực chuyên ngành của mình hoặc những lĩnh vực vượt xa hơn nữa.

– Đội ngũ giảng viên sẽ thực hiện năng lực toàn cầu trong trường một cách chủ động, tích cực: Họ thường đưa những chiều kích quốc tế và những so sánh đa văn hóa hội nhập vào môn học của mình, qua đó giáo dục cho sinh viên về giá trị của những quan điểm khác nhau. Vào những thời điểm thích hợp, họ sẽ đưa những kinh nghiệm chuyên môn từ những nền văn hóa khác, từ sinh viên quốc tế và cựu học sinh từng du học ở nước ngoài vào tư liệu tham khảo giảng dạy bổ sung của mình. Có khi quan điểm của các đồng nghiệp nước ngoài sẽ được mang vào trường thông qua công nghệ truyền thông hiện đại.

– Đội ngũ giảng viên này cần tham gia tích cực vào cộng đồng khoa học quốc tế: họ cần tham dự nhiều hội thảo quốc tế và gia nhập các tổ chức, các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế.

– Họ là một phần của mạng lưới đồng nghiệp quốc tế, mạng lưới này sẽ hỗ trợ, cổ vũ cho những nỗ lực cộng tác chẳng hạn như các khóa học được nối kết qua công nghệ, các dự án nghiên cứu và phát triển, các hoạt động giao lưu sinh viên, các thỏa thuận liên kết hợp tác chính thức. Thêm vào đó, những giảng viên như vậy sẽ nắm vai trò dẫn dắt cộng đồng khoa học trong quá trình hội nhập nhiều hơn với những quan điểm toàn cầu.

Kết quả cần đạt đối với nhà trường

Một trường đại học được quốc tế hóa là một trung tâm sáng tạo và phổ biến tri thức của địa phương, của quốc gia và quốc tế. Nó hợp nhất những quan điểm quốc tế trong toàn bộ sứ mạng giảng dạy, học tập, nghiên cứu và gắn kết với cộng đồng của mình. Cụ thể hơn, một trường đại học quốc tế hóa phải là:

– Quốc tế hóa là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn và kế hoạch chiến lược của nhà trường. Việc quốc tế hóa được thể hiện qua sự lãnh đạo của nhà trường ở mọi cấp độ, xem như là một ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch chiến lược của nhà trường phải xem quốc tế hóa là một yếu tố sống còn đối với việc hoàn thành sứ mạng của nhà trường, và xác lập những mục tiêu cụ thể cũng như đánh giá kết quả của tất cả những nỗ lực ấy. Quốc tế hóa được công nhận là có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu của nhà trường ở cấp độ địa phương cũng như ở tầm mức quốc gia.

– Có được những người lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ khoa học gắn kết với những mối quan hệ có tính chất quốc tế: những cam kết cá nhân của Hiệu trưởng được phản ánh trong đội ngũ cốt cán của cả trường, tất cả những người ấy cần kiên định thúc đẩy và tăng cường chia sẻ quan điểm về việc cần thiết phải quốc tế hóa nhà trường. Tầm nhìn này cần được hỗ trợ bằng các chính sách và thực tiễn liên quan đến việc tuyển dụng nhân sự, đánh giá và khen thưởng đối với giảng viên, cán bộ, nhân viên về việc tham gia những hoạt động và quan hệ liên kết quốc tế, cũng như cần có sự đầu tư tài chính cần thiết để đạt được mục tiêu mà lãnh đạo nhà trường đã đề ra.

– Xây dựng và hỗ trợ những văn phòng phụ trách các chương trình quốc tế phục vụ cho toàn bộ nhà trường: Các trường cần chứng minh sự cam kết của mình đối với chủ trương quốc tế hóa bằng việc xem quốc tế hóa như một ưu tiên thông qua xây dựng văn phòng phụ trách các chương trình quốc tế và có một đội ngũ quản lý để thực hiện. Những cán bộ này sẽ chịu trách nhiệm không chỉ về sinh viên quốc tế và hoạt động của các học giả quốc tế, mà còn về những chương trình liên trường liên quan tới các nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu của giảng viên và các trung tâm tài nguyên quốc gia, cũng như phối hợp tất cả các chương trình đào tạo, các thỏa thuận quốc tế trong trường, và những chính sách về đi lại, về cho thôi học, về bảo đảm an toàn cho sinh viên quốc tế, v.v. Các chuyên viên cao cấp phụ trách công tác quốc tế phải nắm vai trò dẫn dắt trong việc hướng dẫn xin học bổng, xin tài trợ, trong các hợp đồng liên quan đến các tổ chức quốc tế trong việc quốc tế hóa việc giảng dạy, nghiên cứu gắn với nhiệm vụ của nhà trường.

– Đưa những quan điểm quốc tế vào tất cả các chương trình đào tạo: Yêu cầu về giáo dục tổng quát của trường đại học cần có một chiều kích quốc tế rõ ràng, đặt từng sinh viên trước những quan điểm toàn cầu (lịch sử và hiện tại) trong chương trình bắt buộc. Yêu cầu này cần vượt lên trên những môn học vốn mang lại cái nhìn toàn cầu như địa vật lý hay địa nhân học, lịch sử và kinh tế thế giới, nghệ thuật, chính trị và tôn giáo, để chứa đựng nhân tố quốc tế trong mọi môn học, và đem lại nhiều cơ hội so sánh những nền văn hóa khác nhau, những cách tiếp cận vấn đề của các quốc gia khác nhau trong những vấn đề toàn cầu của thế kỷ này.

– Thúc đẩy, khuyến khích, đánh giá cao và khen thưởng những cán bộ giảng viên có nhiều đóng góp cho hoạt động quốc tế hóa nhà trường: Một trường đại học quốc tế hóa cần có một đội ngũ cán bộ và giảng viên đa dạng, trong đó phần lớn phải là những người đã có những kinh nghiệm quốc tế. Biên chế, sự thăng tiến, hệ thống lương thưởng dựa trên thành tích gắn bó với các hoạt động quốc tế. Hiệu trưởng và cần khuyến khích các trưởng khoa, trưởng bộ môn thực hiện quốc tế hóa thông qua kết hợp các tiêu chuẩn chuyên môn của quốc tế với bảng mô tả nhiệm vụ cho cán bộ và giảng viên. Nhà trường cũng cần tạo cơ hội và hỗ trợ tài chính để mở rộng việc quốc tế hóa đội ngũ cán bộ và giảng viên thông qua gắn kết với những quan hệ quốc tế trong giảng dạy và với các quỹ học bổng.

– Kết hợp các quan điểm quốc tế vào nghiên cứu, đào tạo và những chương trình hoạt động khác: Một trường đại học được quốc tế hóa có những mối liên kết trọng yếu và tích cực cũng như những quan hệ đối tác chính thức với những trường đại học ở các quốc gia khác sẽ mang lại những chương trình và hoạt động có tính chất quốc tế cho việc học tập (giao lưu sinh viên, học tập tại nước ngoài, chương trình liên kết đào tạo cấp bằng của nước ngoài), cho nghiên cứu (những dự án hợp tác nghiên cứu, những đề tài khoa học của sinh viên) và những cam kết khác xa hơn như đào tạo giáo viên, mở cơ sở đào tạo tại nước sở tại, hay những dự án nghiên cứu thực hiện theo đơn đặt hàng của chính phủ hoặc các tổ chức khác. Thêm vào đó các giảng viên cũng được khuyến khích hợp tác với các học giả nước ngoài và tham gia các công trình nghiên cứu hay xây dựng phát triển ở cấp quốc tế có sự khích lệ của nhà trường về tài chính và về các nguồn lực khác.

– Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trong nhà trường, đánh giá cao và khuyến khích sự có mặt của sinh viên và học giả quốc tế, đưa họ gắn bó với tất cả các hoạt động và mọi thành tố khác của đời sống nhà trường: Những quan điểm đa dạng mà giáo sư và sinh viên quốc tế đem lại trong việc học tập làm phong phú cho đời sống văn hóa của nhà trường, và cho những nỗ lực gắn kết được cộng đồng nhà trường ủng hộ và đánh giá cao. Với sự cạnh tranh toàn cầu về nhân tài ngày càng tăng, những chính sách và thực tiễn liên quan đến việc lôi cuốn các học giả và sinh viên quốc tế đến trường cần được định kỳ xem xét lại. Điều này bao gồm cả việc phải xem xét lại chính sách về học bổng và học phí đối với sinh viên không phải là người bản xứ hiện nay đang hạn chế một cách đáng kể số lượng và chất lượng của những sinh viên quốc tế có thể theo học tại trường. Một khi sinh viên quốc tế đã đặt chân vào trường, họ cần được hội nhập với ký túc xá sinh viên, với các hoạt động ngoại khóa, cũng như tham gia thảo luận nhóm và làm những bài tập hay nhiệm vụ được giao.

Kết quả cần đạt về cơ sở của trường

– Trở thành những trung tâm cộng đồng quốc tế với nhà ở, nhà ăn sinh viên, hoạt động xã hội và những dự án/công việc có thu lợi và có ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ

– Xây dựng hệ thống chuẩn mực và báo cáo trách nhiệm để đánh giá tiến trình thực hiện cũng như đo lường mức độ thành công, với hệ thống khuyến khích và khen thưởng nhằm thực hiện mục tiêu quốc tế hóa.

– Dùng công nghệ thông tin để mở rộng giáo dục từ xa, đem những nội dung quốc tế vào nhà trường và tạo điều kiện cho giao tiếp quốc tế với các giảng viên và học giả của những trường và cơ quan nghiên cứu ở nước ngoài nhằm thực hiện các công trình nghiên cứu cũng như các hoạt động học thuật khác.

– Xây dựng một tiến trình toàn cầu nhằm tiến tới công nhận tín chỉ giữa các trường đại học, để giúp cho việc đẩy mạnh giao lưu sinh viên và học tập tại nước ngoài. Những chương trình học tập tại nước ngoài được chấp nhận phải được tính điểm để xét tốt nghiệp.

– Bảo đảm rằng lợi ích của trường do kết hợp với học giả và sinh viên quốc tế có thể đi vào toàn bộ cơ cấu của nhà trường, và nhà trường có thể mang lại cho họ những kinh nghiệm văn hóa và học thuật có ý nghĩa, có chất lượng cao.

– Tạo điều kiện cho những hợp tác khoa học quốc tế của giảng viên và sinh viên, thông qua những thỏa thuận chính thức với các trường nước ngoài. Những thỏa thuận này có thể là: (a) giao lưu sinh viên và học tập tại nước ngoài, (b) các dự án hợp tác nghiên cứu, (c) liên kết đào tạo bằng cử nhân, (d) đào tạo bậc đại học và sau đại học về những lĩnh vực liên quan đến kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, (e) trao đổi các ấn phẩm và tài liệu khoa học; và sử dụng công nghệ nhằm tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tham gia những khóa đào tạo tại trường tương tự như những khóa học tại trường đối tác nước ngoài.

– Khuyến khích giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, và sinh viên nghiên cứu về những chủ đề quốc tế thông qua hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài bằng cách hỗ trợ chi phí đi lại hoặc cung cấp học bổng.

– Khuyến khích hợp tác bằng cách hỗ trợ các hội nghị, hội thảo quốc tế, các buổi tập huấn chuyên đề tổ chức tại trường hoặc tại nước ngoài

– Ủng hộ những chuyến thăm trường của các học giả nước ngoài

– Giao các nhiệm vụ nghiên cứu cho giáo sư thỉnh giảng, kể cả các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Trong một số trường hợp, giảng viên có thể được bổ nhiệm đồng thời ở trường mình và một trường nước ngoài.

– Tận dụng công nghệ thông tin để thực hiện những cuộc họp qua mạng internet giữa giảng viên và sinh viên của trường với các đồng sự ở nước ngoài.

– Xây dựng một chế độ đánh giá hàng năm, xét nâng lương, thăng tiến và khen thưởng có tính đến sự công nhận các thành tích đóng góp về hoạt động quốc tế của giảng viên.

– Đẩy mạnh việc học tập tại nước ngoài: Mở rộng và tăng cường việc học tại nước ngoài đối với các thành viên của nhà trường là một sức mạnh quyết định trong những nỗ lực và đẩy mạnh việc quốc tế hóa các trường thành viên và hoàn thành kế hoạch quốc gia trong việc quốc tế hóa các trường đại học. Ngoài những tác động sâu sắc đối với cá nhân sinh viên, việc học tập tại nước ngoài còn có thể có những ảnh hưởng sâu xa hơn đối với nhà trường, thúc đẩy những liên kết rõ ràng hơn, sâu sắc hơn giữa các trường đại học trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện hình thành các mối quan hệ nghiên cứu mạnh mẽ hơn giữa các giảng viên. Hơn thế nữa, việc học tập tại nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội thông tin toàn cầu với tư cách một công dân và một chuyên gia. Không còn nghi ngờ gì về việc học tập tại nước ngoài là một cách tiếp cận của giáo dục có tác dụng đòn bẩy trong việc tạo ra những thay đổi quan trọng cho sự giàu mạnh của một đất nước.

Kết quả cần đạt đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

– Hợp tác với các tổ chức và hiệp hội để xây dựng một định chế cung cấp tài chính cho việc học tập tại nước ngoài, và giải quyết những trở ngại chính trong việc học tập tại nước ngoài trong đó có vấn đề an ninh và những mối quan ngại về gia đình.

– Liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, và các tổ chức xã hội thành những đối tác trong việc hỗ trợ cho học tập tại nước ngoài.

– Trợ giúp những trường nhỏ xây dựng chương trình học tập tại nước ngoài và những chương trình giao lưu sinh viên qua việc tập trung vào hiệp hội các trường đại học hay các thỏa thuận liên kết.

– Ưu tiên cho việc phát triển và tăng cường kỹ năng lãnh đạo cho các nhà quản lý bộ phận giáo dục quốc tế ở các trường.

– Hỗ trợ các trường thực hiện quốc tế hóa qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm/thông tin về chủ đề quốc tế hóa trong nhà trường. Những chương trình, chiến lược và kỹ thuật thành công cần được báo cáo tại các hội nghị hàng năm của những nhà quản lý cấp cao.

Kết luận

Quốc tế hóa là một xu thế toàn cầu nảy sinh trên cơ sở một nền kinh tế toàn cầu hóa và ngày càng tăng tính chất liên thông, tương tác lẫn nhau. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, thậm chí yêu cầu quốc tế hóa còn được đặt ra khẩn thiết hơn nữa, do phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách gây ra do tình trạng lạc hậu và bị cô lập nhiều năm trước đó. Thuận lợi hết sức to lớn của các trường đại học Việt Nam hiện nay trong tiến trình đẩy mạnh quốc tế hóa là sự ủng hộ và hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà nước. Không thể nghi ngờ quyết tâm của chính phủ và của Bộ Giáo dục trong chủ trương hiện đại hóa giáo dục, đổi mới giáo dục đại học để bắt kịp trình độ chung của các nước. Thiếu những chủ trương ở tầm vĩ mô như vậy thì không thể có những tiến bộ thực sự. Vấn đề còn lại là sự chủ động, sáng tạo của từng trường trong việc thúc đẩy tiến trình này. Bài viết của chúng tôi đã nêu ra một số giải pháp có tính chất gợi ý cho các trường đại học Việt Nam thông qua thực tiễn quốc tế hóa của các trường tiên tiến ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Có thể một số giải pháp có hiệu quả ở phương Tây lại không có kết quả tương tự ở Việt Nam, hoặc ngược lại, Việt Nam cần có những sáng kiến và giải pháp đặc thù để thực hiện được mục tiêu quốc tế hóa trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trước hết, cần một sự đồng thuận ở tất cả các cấp về nhu cầu khẩn thiết và tất yếu phải tiến hành quốc tế hóa các trường đại học, nơi được coi là cái nôi kiến tạo tri thức và dẫn dắt mọi cuộc đổi mới. Có sự đồng tâm nhất trí đó thì những biện pháp thực hiện tất yếu sẽ nảy sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. A Call to Leadership. The Presidential Role in Internationalizing the University. A Report of the NASULGC Task Force on International Education. October 2004

  1. Bremer, L. & Van der Wende, M. (l995). Internationalizing the curriculum in higher education. The Hague, Netherlands: Nuffic.
  1. De Wit, H. (l995). Strategies for Internationalization of Higher Education: A Comparative Study of Australia, Canada, Europe, and the USA. Amsterdam: EAIE, p.28.
  1. Harari, M. (l992) The Internationalization of the Curriculum. In C.B. Klasek (l992) Bridges to the Future: Strategies for Internationalizing Higher Education. Pullman, WA: Washington State
  1. Henson, J.B., Noel, J.C., Gillard-Byers, T.E. & Ingle, M.D. (l990). Internationalizing U.S. Universities: Preliminary Summary of a National Study. Presented at the Conference on Internationalizing U.S. Universities, June 5-7 in Spokane, Washington. Reprinted in Washington State University. (l990).
  1. Knight, J. (1997, Spring). A Shared Vision? Stakeholders’ Perspectives on the Internationalization of Higher Education in Canada. Journal of Studies in International Education. 1 (1), 27-44.
  1. Moock, P. , Patrinos, H., Venkataraman, M. Education and Earnings in a Transition Economy (Vietnam)World Bank, January 1998
  1. Nguyễn Thiện Nhân, “Phát triển nhanh việc đào tạo nhân lực có kỹ năng: những sáng kiến của Việt Nam”. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế “Toàn cầu hóa trong Giáo dục: Thử thách, cơ hội, và ý nghĩa đối với Việt Nam và các nước trong vùng”, SEAMEO, 14-8-2007.
  2. Open Doors 2007. Report, Institute of International Education. http://opendoors.iienetwork.org/?p=113744
  • Observations on Undergraduate Education in Computer Science, Electrical Engineering, and Physics at Select Universities in Vietnam. A Report Presented to the Vietnam Education Foundation by the Site Visit Teams of the National Academies of the United States. August 2006.
  • Thanh Nien. Booming economy leaves education lurching. Intella-sia, February 4, 2008.
  • University’s Center for Interna-tional Development. Head-quarters of the Association of International Education Administrators.
  • Wauters, A. C. University of Lausanne, Switzerland, European Association for International Education: IAU International Conference, “Internationalization of HE New Directions, New Challenges” Beijing, October 12-15, 2006.
  • http://ec.europa.eu/education/policies/educ/bologna/bologna_en.htm

 

[1] Open Doors 2007. Report, Institute of International Education. http://opendoors.iienetwork.org/?p=113744

[2] Knight, J. (1997, Spring). A Shared Vision? Stakeholders’ Perspectives on the Internationalization of Higher Education in Canada. Journal of Studies in International Education. 1 (1), 27-44.

[3] Harari, M. (l992) The Internationalization of the Curriculum. In C.B. Klasek (l992) Bridges to the Future: Strategies for Internationalizing Higher Education. Pullman, WA: Washington State University’s Center for International Development. Headquarters of the Association of International Education Administrators.

[4] Henson, J.B., Noel, J.C., Gillard-Byers, T.E. & Ingle, M.D. (l990). Internationalizing U.S. Universities: Preliminary Summary of a National Study. Presented at the Conference on Internationalizing U.S. Universities, June 5-7 in Spokane, Washington. Reprinted in Washington State University. (l990).

[5] De Wit, H. (l995). Strategies for Internationalization of Higher Education: A Comparative Study of Australia, Canada, Europe, and the USA. Amsterdam: EAIE, p.28.

[6] Bremer, L. & Van der Wende, M. (l995). Internationalizing the curriculum in higher education. The Hague, Netherlands: Nuffic.

[7] Wauters, A. C. University of Lausanne, Switzerland, European Association for International Education: IAU International Conference, “Internationalization of HE New Directions, New Challenges” Beijing, October 12-15, 2006.

[8] http://ec.europa.eu/education/policies/educ/bologna/bologna_en.html

[9] http://www.dentistry.ubc.ca/academic_programs/gpr/vietnam/

[10] UB News March 16, 2008

[11] Nguyễn Thiện Nhân, “Phát triển nhanh việc đào tạo nhân lực có kỹ năng: những sáng kiến của Việt Nam”. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế “Toàn cầu hóa trong Giáo dục: Thử thách, cơ hội, và ý nghĩa đối với Việt Nam và các nước trong vùng”, SEAMEO, 14-8-2007.

[12] Moock, P. , Patrinos, H., Venkataraman, M. Education and Earnings in a Transition Economy (Vietnam)
World Bank, January 1998

[13] Thanh Nien. Booming economy leaves education lurching. Intellasia, February 4, 2008.

[14] Observations on Undergraduate Education in Computer Science, Electrical Engineering, and Physics

at Select Universities in Vietnam. A Report Presented to the Vietnam Education Foundation by the Site Visit Teams of the National Academies of the United States. August 2006.

 

[15] Nguyên văn: Academic inbreeding = loạn luân học thuật (Chú thích của người dịch)

[16] A Call to Leadership. The Presidential Role in Internationalizing the University. A Report of the NASULGC Task Force on International Education. October 2004