(Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ ngày 20/06/2010. Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20100620/nguoi-hoc-viet-nam-xung-dang-duoc-nhan-chat-luong-giao-duc-tot-hon/385318.html)

TTCT – Cần mạnh tay siết lại việc thành lập cũng như chất lượng các trường ĐH đang hoạt động. Đó là ý kiến của TS Phạm Thị Ly xung quanh một đề tài nóng của giáo dục VN hiện nay: việc phát triển mạng lưới cũng như chất lượng các trường ĐH. Với trên 10 năm nghiên cứu về giáo dục, TS Ly đánh giá:

LY 2010

Điều này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, về thương mại hóa giáo dục và lợi ích công, về vai trò của khu vực tư nhân trong giáo dục. Ba là hiện tượng tỉnh nào cũng lập trường ĐH, trường CĐ nào cũng muốn nâng cấp thành ĐH. Điều này đặt ra câu hỏi về quy hoạch chiến lược của hệ thống giáo dục và khả năng của giáo dục trong việc đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.Sự phát triển giáo dục ĐH VN thời gian qua có ba hiện tượng đáng chú ý. Một là sự phát triển quá nhanh về số lượng trường, số lượng sinh viên (SV) ở VN. Số lượng SV đã tăng 13 lần tính từ năm 1990 đến nay, trong lúc số giảng viên chỉ tăng không đến ba lần. Giảm sút chất lượng là điều khó tránh khỏi và điều này đã gây ra mối quan ngại lớn trong công chúng. Hai là sự tham gia ngày càng tăng của khu vực tư nhân và nước ngoài trong giáo dục ĐH.

Món có hại: không ăn

* Các trường ĐH được thành lập ồ ạt trong khi cơ sở vật chất, giảng viên, các điều kiện cơ bản nhất phục vụ dạy và học chưa theo kịp. Chúng ta hô hào nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện như vậy liệu có khả thi?

– Thật ra so với các nước phát triển, tỉ lệ người trong độ tuổi 18-24 đang được đào tạo sau trung học của nước ta vẫn còn rất thấp. Đến năm 2009 tỉ lệ này ở VN là khoảng 19%, Trung Quốc 23%, trong lúc ở Hoa Kỳ và Canada là trên 50%. Rất nhiều nước đã đạt trên mức 40%.

Vì vậy, VN cần tiếp tục có thêm nhiều trường ĐH nữa. Có người nói rằng cứ để các trường tiếp tục phát triển để đem lại giáo dục cho số đông công chúng, không cần quá lo về chất lượng, bởi vì chất lượng giáo dục nghèo nàn vẫn còn hơn là không được giáo dục. Nói cách khác, phải lo “ăn no” trước rồi hãy nghĩ đến “ăn ngon”. Tôi không tán thành quan điểm ấy. Một món ăn có hại cho sức khỏe thì đừng ăn tốt hơn.

* Nhiều người cho rằng đầu tư ở VN còn thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ĐH?

– Nếu so với các nước phát triển thì học phí ở VN hiện nay vẫn còn thấp so với tương quan thu nhập trung bình của dân chúng, nhưng đối với đại đa số các gia đình VN, đó vẫn là một gánh nặng tài chính to lớn. Tỉ trọng của chi ngân sách cho giáo dục trong tổng ngân sách tăng từ 8% năm 1990 lên 15% năm 2000, đạt tới 20% năm 2008. Với mức chi hiện tại cho giáo dục, VN nằm trong khoảng từ trung bình tới cao so với các nước trong khu vực. Đó là chưa nói tới số tiền to lớn các gia đình phải bỏ ra cho con em du học.

Với một sự đầu tư như thế của Nhà nước, với sự hi sinh to lớn của các gia đình cho sự học của con em, người học xứng đáng được nhận một chất lượng giáo dục tốt hơn nhiều so với cái mà họ đang được nhận hiện nay. Hậu quả giảm sút chất lượng hiện nay không phải chỉ do sự mở rộng của hệ thống, mà do thiếu những chính sách đúng đắn để tạo ra và cổ vũ sự ưu tú trong giáo dục, cũng như để tăng cường trách nhiệm giải trình và ngăn chặn những hiện tượng không lành mạnh. Không có nguồn lực tài chính thì khó mà nói đến chất lượng, nhưng thiếu nguồn lực không phải là nguyên nhân duy nhất, thậm chí không phải là quan trọng nhất, của mọi sự yếu kém. Với sự đầu tư hiện tại, chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn cái chúng ta đang có hiện nay.

* SV chưa nhận được đúng cái mà họ đáng được nhận? Vậy ai được hưởng lợi thật sự trong sự phát triển trường ĐH ồ ạt này?

– Thương mại hóa giáo dục là một thực tế đang diễn ra phổ biến và không phải chỉ ở trường tư. Tư nhân hóa và thương mại hóa không nhất thiết gắn liền với nhau. Khi trường công chạy theo các hệ không chính quy, mà ai cũng biết là tiêu chuẩn đầu vào rất thấp, quy trình giảng dạy và đánh giá không bảo đảm sự nghiêm ngặt, thậm chí ở nhiều trường tổng số SV ngoài chính quy chiếm hơn một nửa tổng số SV của trường, với một chất lượng đào tạo đáng ngờ thì đó chính là thương mại hóa giáo dục. Ai có lợi trong sự phát triển này? Một là những người có quyền “cho” trong cơ chế xin – cho. Hai là những người kinh doanh giáo dục trong bối cảnh người học có quá ít thông tin và sự lựa chọn, dân gian gọi là “đục nước béo cò”.

* Cơ chế xin – cho này dẫn đến việc thành lập trường dường như quá dễ dãi, trong khi xử lý vi phạm lại chỉ qua loa. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên đóng cửa các trường yếu kém để siết lại chất lượng?

– Năm 2005, Ấn Độ đã đóng cửa gần 100 trường ĐH kém chất lượng. Tuy nhiên từ trước đến nay ở VN chưa có tiền lệ. Về mặt nguyên tắc là có nhưng chưa có quy định cụ thể về quy trình giải thể, vi phạm ở mức độ nào thì bị xử lý đóng cửa. Việc xử phạt bằng tiền những trường vi phạm không có ý nghĩa gì so với lợi nhuận mà họ có được.

Việc đóng cửa những trường yếu kém là cần thiết, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng không phải chỉ là các biện pháp trừng phạt mà nên có những chính sách tốt để khuyến khích các trường phát triển một cách đúng đắn. Có thể tăng cường sự giám sát của xã hội thông qua các cơ quan kiểm định độc lập thay vì trao quyền đó cho một cơ quan nhà nước. Đó là cơ chế quyền lực dẫn đến chuyện xin – cho rất dễ phát sinh tiêu cực.

Bộ GD-ĐT chỉ nên giám sát

* Với tình hình giáo dục ĐH VN hiện nay, để phát triển song hành số lượng và chất lượng, theo TS, cần có những giải pháp gì?

– Khi thị trường trở thành một lực lượng trọng yếu, câu hỏi tất yếu đặt ra là vai trò của nhà nước cần được xác định như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu, nói cách khác, để nhà nước là trợ lực chứ không phải trở lực đối với các trường. Bài học Malaysia cho thấy rõ khi thiếu vắng quyền tự chủ, các trường đã trở nên bất lực như thế nào.

Ở VN hiện nay, Bộ GD-ĐT đang can thiệp quá sâu vào việc điều hành cụ thể của các trường, nhưng thực chất vẫn không kiểm soát nổi chất lượng. Nhiều nước đã chuyển vai trò của nhà nước từ chỗ kiểm soát sang giám sát. Việc của nhà nước chủ yếu là xây dựng chính sách và bảo đảm cho những chính sách ấy được thực hiện. Thay cho vai trò kiểm soát của Bộ GD-ĐT hiện nay, các tổ chức nghề nghiệp như các hiệp hội hoặc đơn vị kiểm định độc lập cần có tiếng nói quan trọng hơn trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường. Nhà nước cần khuyến khích kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng các cơ quan kiểm định độc lập.

Chủ trương “ba công khai” của bộ là một bước tiến cần được tiếp tục bằng việc xây dựng một hệ thống thông tin, nhằm công bố một cách rộng rãi và minh bạch các kết quả kiểm định về hoạt động và chất lượng của các trường.

Sự tham gia ngày càng nhiều hơn của khu vực tư nhân là điều tất yếu. Chính phủ cũng đã tiên liệu và định hướng cho điều này. Sẽ đến một lúc xã hội bão hòa với những món hàng giả, hàng kém chất lượng mà các trường công cũng như tư đang sản xuất và đòi hỏi phải có một chất lượng đào tạo thật. Đó là chỗ các trường tư có thể có đóng góp tích cực, vì lúc đó chất lượng đào tạo sẽ là nhân tố sống còn của họ.

Tuy vậy, cần phải thấy sẽ có những lĩnh vực như nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học xã hội, khu vực tư nhân không thể thay thế được Nhà nước. Không có sự chú trọng và đầu tư thích đáng của Nhà nước, những ngành khoa học này khó lòng phát triển và sự yếu kém của nó sẽ đem lại một cái giá phải trả to lớn cho đất nước.

* Ở các nước có điều kiện giống VN, họ đã giải quyết những vấn đề cản ngại ra sao, thưa TS?

– Trung Quốc cho đến nay đã và đang rất chú ý đến phần đỉnh của hệ thống. Chín trường ĐH được coi là “các trường đỉnh cao của Trung Quốc” được đầu tư lớn để nhanh chóng trở thành “các trường ĐH đẳng cấp thế giới”. Nhưng quan trọng hơn, theo GS Philip G. Altbach (người Mỹ, GS thỉnh giảng cho Viện Giáo dục ĐH tại ĐH Bắc Kinh), gần đây Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy mở rộng bộ phận đào tạo không cấp bằng cử nhân với mục đích tạo ra một hệ thống tương tự các trường CĐ cộng đồng ở Hoa Kỳ.

Số trường CĐ kỹ thuật dạy nghề đã tăng nhanh hơn số các trường ĐH, gấp hơn mười lần trong khoảng từ năm 1997-2005. Các trường trung cấp nghề được mở rộng và hội nhập vào hệ thống CĐ cộng đồng mới hình thành, đem lại nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục hơn cho những người có thể không có đủ năng lực khoa học để thành công ở bậc ĐH và cần được đào tạo các kỹ năng nghề cần thiết.

Năm 1984, trường ĐH tư thục đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập. Từ đó đến nay có thêm 29 trường ĐH khác. Trong số đó nổi bật lên một số trường chất lượng cao. Mỗi trường ĐH tư thục như thế được thành lập theo một đạo luật của quốc hội sau quá trình phê duyệt nghiêm ngặt, được hội đồng giáo dục ĐH kiểm toán về chuyên môn và tài chính hằng năm cũng như được yêu cầu phải trao học bổng cho một tỉ lệ SV nhất định.

* Xin cảm ơn TS.

MINH GIẢNG thực hiện