Phạm Thị Ly

(Một phần bài này đã đăng tạp chí Khoa học Giáo dục số 103  ra tháng 4.2014. Bản ngắn hơn đăng trên Tuổi trẻ Cuối Tuần số ra ngày 23.11.2013)

 Tóm tắt

Bài viết gồm hai phần. Phần 1 của bài nêu những bước tiến mới trong nhận thức và phương pháp xếp hạng ĐH toàn cầu. Giới học thuật ngày càng ý thức rõ hơn những khiếm khuyết và bất cập của xếp hạng, và đã có nhiều nỗ lực cải tiến các phương pháp đo lường nhằm làm cho các bảng xếp hạng đáng tin cậy hơn và hữu ích hơn. Ví dụ có thể kể là xếp hạng đa chiều, xếp hạng hệ thống và các phương pháp cũng như tiêu chí đo lường mới. Các tổ chức xếp hạng cũng không còn đơn thuần chỉ xếp hạng, mà cung cấp nhiều dịch vụ khác nhằm giúp các trường phân tích nguồn dữ liệu xếp hạng. Thực tế này cho thấy những nỗ lực cải thiện việc xếp hạng ĐH đã từng bước làm giảm nhẹ những tác động tiêu cực của nó và ngày càng nhấn mạnh hơn đến mục tiêu đối sánh. Phần 2 của bài nêu những diễn tiến trong chính sách đối với vấn đề xếp hạng ở Việt Nam, và nêu một vài khuyến nghị với các trường trong việc đáp ứng với vấn đề xếp hạng.

Abstract

New Developments in Perceptions and Methodologies in Global Universities Rankings- Implications for Vietnam

Section 1 of the article addresses the new development in perception and university ranking methodologies. Academics have been aware of the university rankings’ shortcomings, and made multiple attempts to improve ranking methodologies to make them more reliable and useful.  U multi-rank and Universitas 21 are good  examples of such attempts.  Ranking providers now offer many more services than just rankings, like data analyses, which help higher education institutions to strategically improve their performance by benchmarking. Section 2 discusses the policy development in ranking of higher education institutions in Vietnam, and provides some recommendations to the institutions regarding responding to rankings.

 Không thể phủ nhận rằng xếp hạng đại học toàn cầu là một hiện tượng có tác động to lớn đến hầu như tất cả các trường và các nước, cũng như các bên liên quan của giáo dục đại học (GDĐH). Đã có vô số công trình nghiên cứu, bài báo, ý kiến thảo luận nhiều chiều về chủ đề này. Sở dĩ nó thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nghiên cứu, giới quản lý và cả xã hội, là do những tác động chính sách và ảnh hưởng của nó đối với việc định hình cách xử sự của các trường. Việt Nam cũng không ra ngoài xu thế chung ấy. Bài viết này gồm hai phần: phần một là cung cấp thông tin mới nhất về những bước phát triển mới trong quan niệm và phương pháp thực hiện xếp hạng toàn cầu từ năm 2011 đến nay, dựa trên một bản báo cáo do Hội đồng Đại học Châu Âu thực hiện năm 2013[1] cũng như những trao đổi tại Hội nghị Quốc tế Lần thứ năm về ĐH đẳng cấp quốc tế ở Thượng hải năm 2013[2] mà tác giả bài này có tham dự; và phần hai là trình bày ý kiến thảo luận của tác giả về vấn đề xếp hạng ĐH ở Việt Nam.

PHẦN 1. THỰC TIỄN QUỐC TẾ GẦN ĐÂY TRONG VẤN ĐỀ XẾP HẠNG

Những bước phát triển mới trong nhận thức và quan niệm về xếp hạng ĐH toàn cầu

Ngày càng nhiều người nhận thức được một sự thật là mặc dù các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu được thực hiện với những thước đo và tiêu chuẩn khác nhau, danh sách khoảng 25 trường hàng đầu thế giới là một danh sách rất nhất quán qua nhiều năm, và dường như có rất ít khả năng sẽ thay đổi trong tương lai gần (John Aubrey Douglass, 2014). Hơn thế nữa, các bảng xếp hạng nổi tiếng nhất hiện nay hiện nay, dù là với phương pháp hay tiêu chí nào, đã và đang bao gồm một nhóm rất nhỏ chỉ khoảng từ 200 đến 500 trường ĐH trên tổng số 17.500 trường ĐH trên toàn thế giới, tức chỉ khoảng từ 1 đến 3%, trong lúc rất ít chú ý đến đại bộ phận các trường còn lại.

Đã có rất nhiều bài nghiên cứu nêu ra những bất cập và khiếm khuyết trong phương pháp xếp hạng của các bảng xếp hạng hiện có, vì vậy, có một xu hướng chung, là cải thiện các phương pháp đo lường, kể cả thay đổi cách tiếp cận đối với việc xếp hạng ĐH. Nổi bật trong xu hướng này, là nỗ lực xếp hạng đa chiều (multi-rank) của một dự án do Ủy ban Châu Âu tài trợ và được thực hiện bởi một nhóm gồm 15 tổ chức nghiên cứu GDĐH dẫn đầu là Trung tâm GDĐH của Đức[3]  và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách GDĐH của Netherlands. Xếp hạng đa chiều là một dự án nhằm bổ sung những tiêu chí và trọng tâm hiện đang thiếu hụt hay khiếm khuyết trong các bảng xếp hạng hiện nay, bằng cách phản ánh năm khía cạnh chính của đời sống ĐH: (1) Dạy và học; (2) Nghiên cứu; (3) Chuyển giao tri thức và công nghệ; (4) Định hướng quốc tế hóa; và (5) Gắn kết với nhu cầu phát triển của khu vực. Xếp hạng đa chiều là xếp hạng từng mặt và không cần đến trọng số. Cách tiếp cận này đưa việc xếp hạng vượt ra xa hơn trọng tâm truyền thống xưa nay là sự xuất sắc trong nghiên cứu, giúp phản ánh được đặc điểm các trường theo sứ mạng và đặc điểm đa dạng của họ, khắc phục được nhược điểm của các bảng xếp hạng hiện nay là dùng những thước đo chỉ thích hợp với một số ít các trường[4].

Một nỗ lực khác là xếp hạng hệ thống thay cho xếp hạng từng trường. Cho rằng các bảng xếp hạng hiện nay mang lại một bức tranh phiến diện và không cung cấp được những thông tin thiết yếu cho các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách trong việc quản lý hệ thống, hiện nay đã có sáng kiến đề xuất xếp hạng các hệ thống GDĐH thay cho xếp hạng các trường. Bảng xếp hạng các hệ thống GDĐH đầu tiên ra đời năm 2012 được gọi là Universitas 21 (U21) Ranking do Đại học Melbourne, Australia thực hiện, dựa trên bốn bộ tiêu chí để đánh giá: nguồn lực, môi trường, sự nối kết, và kết quả hoạt động. Năm 2013, có 50 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá và xếp hạng[5]. Tuy vị trí thứ hạng của một vài nước trong bảng xếp hạng này có thể gây tranh cãi bởi lẽ nó dựa trên thứ hạng của các trường ĐH theo kết quả xếp hạng của ARWU vốn đã là một danh sách chỉ bao gồm các trường tinh hoa, nhưng bảng xếp hạng này cũng có thể giúp cho các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách có đủ thông tin cần thiết để thiết kế một hệ thống GDĐH bao gồm nhiều loại trường khác nhau với những sứ mạng và đặc điểm khác nhau thay vì tập trung mọi nguồn lực vật chất và con người vào việc chạy đua tạo ra và duy trì một số ít những  trường xuất sắc.

Hai sáng kiến nói trên đã phản ánh những bước tiến mới trong quan niệm và nhận thức về xếp hạng ĐH toàn cầu. Nó cho thấy những suy nghĩ về hiện tượng này không ngừng tiến triển theo hướng khắc phục những nhược điểm đã và đang có của việc xếp hạng toàn cầu, nỗ lực làm cho nó có một ý nghĩa tích cực hơn. Cũng có một quan điểm ngược lại, là tẩy chay hoàn toàn việc xếp hạng,  do tác động tiêu cực rõ rệt nhất của các bảng xếp hạng là nó kích thích các trường chạy đuổi theo vị trí xếp hạng và coi nhẹ những sứ mạng quan trọng khác của nhà trường đối với người học và đối với xã hội. Các bảng xếp hạng đã kích thích các trường đuổi theo những thước đo thành tích thay vì theo đuổi sự ưu tú thực thụ. “Xét về mặt hệ thống, việc đầu tư một nguồn lực khổng lồ cho một số ít các trường tinh hoa nhằm tạo ra sự xuất sắc đã lấy đi những khoản đầu tư đáng lẽ có thể dành cho việc cải thiện chất lượng đào tạo của số đông.  Việc chạy theo các thứ hạng cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp trọng tâm hoạt động của nhà trường vào việc tạo ra thành tích xuất sắc, làm xói mòn những vai trò và trách nhiệm khác của nhà trường đối với xã hội. Trường ĐH trở thành cái mà nó bị đo lường thay vì phải là một tổ chức có sứ mạng kiến tạo, bảo tồn, chuyển giao tri thức và làm thay đổi xã hội” (Phạm Thị Ly, 2013).

Nhìn chung, dù phản ứng có tính chất cực đoan hay xây dựng, dù phủ nhận hay tán thành, giới làm chính sách, giới nghiên cứu và quản lý đã nhận thức ngày càng rõ ý nghĩa quan trọng của xếp hạng ĐH toàn cầu trong bối cảnh GDĐH ngày càng được quốc tế hóa mạnh mẽ, và đang cố gắng làm rõ tác dụng cũng như giới hạn của các bảng xếp hạng này nhằm tránh diễn giải sai các kết quả và lạm dụng nó.

Các bảng xếp hạng mới ra đời

Ngoài một số bảng xếp hạng ĐH toàn cầu được biết đến nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất như Bảng Xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải, The Quacqarelli-Symonds (QS) và Times Higher Education (THE) của Anh, hiện nay đã xuất hiện thêm những bảng xếp hạng mới với mục đích và tiêu chí mới.

Hai bảng xếp hạng khác mới nổi lên và rất đáng chú ý là SCImago và  Xếp hạng ĐH qua chất lượng học thuật (University Ranking by Academic Performance -URAP). Tuy khác nhau một cách đáng kể, cả hai có một điểm chung là cùng bổ sung cho chỗ khiếm khuyết của “thị trường xếp hạng” trước đó, ít ra là ở chỗ họ thu thập dữ liệu và xếp hạng tới 2000 trường ĐH (URAP) hoặc 3000 trường (Scimago), một con số lớn hơn rất đáng kể so với 400 trường của THE, 500 trường của AWRU hay 700 trường của QS. Cũng như CWTS Leiden Ranking, cả URAP và SCImago đều chỉ đo lường hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, khác với URAP, và cũng khác với hầu hết các bảng xếp hạng hiện có, SCImago không đưa ra một danh sách thứ hạng trên dưới, vì nó không áp dụng trọng số cho từng tiêu chí để tính tổng điểm. Nó chỉ đưa ra một bảng cho thấy vị trí thứ hạng của một trường trong từng tiêu chí.

Trong số những bảng xếp hạng mới ra đời có những bảng do các tổ chức xếp hạng cũ đưa ra, chẳng hạn ĐH Giao thông Thượng Hải đưa ra Tư vấn Xếp hạng Thượng Hải (ShanghaiRanking Consultancy (SRC), công bố một bảng xếp hạng riêng cho các trường trong nước cho các quốc gia khác dựa trên xử lý số liệu mà họ cung cấp chẳng hạn bảng xếp hạng Macedonian University Ranking ở Cộng hòa  Macedonia. Năm 2012, QS và THE cùng lúc đưa ra Bảng xếp hạng dành cho các trường ĐH non trẻ (tức là được thành lập chưa đầy 50 năm), dựa trên dữ liệu sẵn có trong bảng xếp hạng mà họ hiện đang đưa ra. THE còn công bố Bảng Xếp hạng Uy tín 2012, trong đó họ quy ra điểm chỉ cho 50 trường ĐH hàng đầu. Cũng trong năm 2012, QS bắt đầu một bảng xếp hạng mới Những thành phố tốt nhất cho sinh viên trên thế giới.

Ngày càng có thêm nhiều bảng xếp hạng mới ra đời, đến nỗi đã có ý tưởng dự định “xếp hạng các bảng xếp hạng”! Mặc dù ý tưởng này không phải là bất khả thi, điều quan trọng hơn vẫn là hiểu rõ những tiêu chí và phương pháp đo lường khác nhau mà các bảng xếp hạng khác nhau đã sử dụng, vì nó giúp diễn giải đúng ý nghĩa của các kết quả xếp hạng.

Điều quan trọng hơn là, trong bối cảnh “loạn xếp hạng”, người ta đã đặt câu hỏi về tính khả tín của các bảng xếp hạng. Năm 2004, Trung tâm Châu Âu về Nghiên cứu GDĐH của UNESCO cùng với Viện Nghiên cứu Chính sách GDĐH ở Washington đã thành lập một Nhóm Chuyên gia Xếp hạng Quốc tế (The International Ranking Expert Group -IREG),  bao gồm các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực xếp hạng, các tổ chức xếp hạng, và các trường ĐH. Nhóm này đã và đang thực hiện việc kiểm định các bảng xếp hạng. Bảng xếp hạng nào đã được công bố ít nhất hai lần trong vòng 4 năm qua thì đều có thể xin kiểm định. Nhóm chuyên gia này sẽ xem xét đánh giá bảng xếp hạng ấy dựa trên Nguyên tắc Berlin về Xếp hạng ĐH, áp dụng từ năm 2006. Trưởng nhóm phải là người không có mối liên quan chính thức nào với bất cứ tổ chức nào dính dáng tới bảng xếp hạng, và dĩ nhiên phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm, và năng lực chuyên môn để thực hiện việc kiểm định.  Nhóm kiểm định bao gồm từ ba đến năm thành viên, trong đó ít nhất có một người am hiểu sâu về hệ thống GDĐH quốc gia, ít nhất một người phải nằm ngoài các nước có tên trong bảng xếp hạng, và thành phần của nhóm nên thể hiện sự đa dạng về quốc gia càng nhiều càng tốt. Nhóm cũng cần có người am hiểu trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng và có kinh nghiệm trong đánh giá GDĐH. Quy trình kiểm định cũng tương tự như kiểm định trường ĐH, bắt đầu bằng báo cáo tự đánh giá của các tổ chức xếp hạng, và thực hiện trong vòng 12 tháng. Tổ chức xếp hạng có quyền khiếu nại, kháng cáo về quyết định sau cùng của nhóm kiểm định.

Những dịch vụ, sản phẩm phụ mới hình thành của các bảng xếp hạng

Trong ba năm qua các tổ chức xếp hạng hàng đầu trên thế giới đã mở rộng những sản phẩm và dịch vụ của họ nhằm thúc đẩy tác động của các kết quả xếp hạng. Họ tạo ra công cụ phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ thành tích của các trường, cho việc phân loại các trường nhằm tái cấu trúc hệ thống, hoặc cho việc xếp hạng đa chiều.

ĐH Giao thông Thượng Hải, nơi nổi tiếng với bảng xếp hạng ARWU, đề xuất một khảo sát có tên là Hồ sơ Thành tích của các trường ĐH Nghiên cứu Toàn cầu. Kết quả khảo sát này cung cấp công cụ đối sánh cho phép chúng ta nhìn thấy và so sánh số liệu thống kê của hơn 40 tiêu chí, dựa trên những dữ liệu do các trường cung cấp. Những công cụ này giúp các trường phân tích và đánh giá hiện trạng của họ trong tương quan toàn cầu, nhằm xây dựng chiến lược cải thiện kết quả hoạt động và vị trí của mình.

Thomson Reuters, một tổ chức thu thập dữ liệu khoa học nổi tiếng, đang tiến hành Dự án Hồ sơ Thành tích các Trường/Viện trên Toàn cầu (Global Institutional Profiles Project -GPP), bắt đầu từ năm 2009 với hơn 100 tiêu chí, và dự định sẽ dùng bộ dữ liệu này cho nhiều dịch vụ khác nhau. Dự án này có nhiều ứng dụng, chẳng hạn tạo ra những báo cáo về từng trường/viện, kết hợp giữa kết quả khảo sát của Thomson Reuter về uy tín nhà trường, với những số liệu của từng trường về kết quả nghiên cứu khoa học, các nguồn tài trợ, đặc điểm của đội ngũ giảng viên.

Quacqarelli-Symonds (QS) đưa ra nhiều sản phẩm mới. Ngoài việc đưa ra Bảng xếp hạng cho các trường dưới 50 năm tuổi, QS phân loại các trường dựa trên quy mô sinh viên, sự có mặt của những loại giảng viên cụ thể, số lượng công bố khoa học, và tuổi của nhà trường. Một sản phẩm khác là cấp “sao” cho các trường, một dịch vụ mà các trường phải trả tiền. QS cấp số “sao” nhiều ít tùy theo kết quả hoạt động của các trường, được đo lường theo những tiêu chí của QS. Ngoài ra QS còn cung cấp dịch vụ thực hiện đối sánh cho từng trường, trong đó họ sẽ đưa ra kết quả so sánh kết quả của một trường với một nhóm từ 6 đến 30 trường cùng loại. Tuy nhiên, kết quả đối sánh này không được công bố, trong lúc, kết quả phân loại và số sao được cấp thì được công bố cùng với kết quả xếp hạng hàng năm.

CWTS Leiden Ranking cũng đưa ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới. Họ thực hiện phân tích đối sánh dựa trên những dữ liệu của bảng xếp hạng với nhiều chi tiết cụ thể về hoạt động học thuật,  chẳng hạn mức độ tác động hay sự hợp tác trong nghiên cứu. Kết quả đối sánh cũng sẽ cho thấy mức độ và xu hướng thay đổi qua thời gian.

Những bước phát triển nêu trên cho thấy các tổ chức xếp hạng giờ đây không chỉ đơn thuần làm công việc xếp hạng. Họ thực hiện việc thu thập dữ liệu một cách có hệ thống, và tầm cỡ của việc đó vượt xa những yêu cầu ban đầu của việc xếp hạng. Thật tức cười là các trường đem dữ liệu của mình cho không các bảng xếp hạng, sau đó các bảng xếp hạng bán lại những dữ liệu ấy dưới hình thức đã được xử lý cho các trường. Thật ra không có gì sai trái trong việc ấy. Nếu không có các tổ chức xếp hạng xử lý những số liệu của hàng trăm, hàng ngàn trường, các trường cũng như các nhà làm chính sách sẽ không thể có dữ liệu để hình dung một bức tranh lớn hơn, và việc định vị mình trong bức tranh ấy có một ý nghĩa rất lớn với mỗi trường.

Những bước phát triển mới trong phương pháp xếp hạng

Hầu như tất cả các bảng xếp hạng đều có điều chỉnh ít nhiều hàng năm về phương pháp và tiêu chí. Từ năm 2011 đến nay, đáng chú ý nhất là sự thay đổi trong hai bảng xếp hạng CWTS Leiden Ranking và Webometrics Ranking of World Universities. Họ điều chỉnh hoặc thay thế toàn bộ các tiêu chí mà họ đã dùng trong năm 2011.

The CWTS Leiden Ranking áp dụng tiêu chí điểm trích dẫn trung bình chuẩn hóa (mean-normalised citation score (MNCS), được xem là tốt hơn so với điểm trích dẫn chuẩn hóa theo lĩnh vực chuyên ngành  (field-normalised citation score -CPP/FCSm) (Rauhvargers, 2011, pp. 38-39). Tuy nhiên dùng tiêu chí này có cái khó là có rất ít công bố khoa học thuộc loại có mức độ được trích dẫn rất cao. Bảng xếp hạng Leiden xử lý cái khó này bằng hai giải pháp: (1) đưa ra khái niệm “quãng ổn định” của các tiêu chí: quãng này càng rộng thì mức độ cảnh báo về kết quả không đáng tin cậy càng cao; (ii) đưa ra “tỉ lệ các bài báo khoa học lọt vào top 10% những bài được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới (PPtop 10%)”, thay cho tiêu chí điểm trích dẫn trung bình chuẩn hóa để minh họa cho mức độ tác động của các trích dẫn; bởi vì có một mối tương quan rất mạnh giữa kết quả của cả hai tiêu chí này, với  r = 0.98 ( Waltman et al., 2012, p. 10).

Webometrics được biết tới như một bảng xếp hạng chủ yếu dùng những dữ liệu có được trên internet, nhưng đáng lưu ý là từ năm 2012, Webometrics bắt đầu đưa vào sử dụng tiêu chí đo lường thư mục khoa học,  tức là số bài báo khoa học nằm trong 10% những bài được trích dẫn nhiều nhất dựa trên cơ sở dữ liệu mà Scimago công bố, trong khi những năm trước họ dùng dữ liệu của Google Scholar để phân tích. Điều đó có nghĩa là Webometrics đang cố gắng đo lường sự xuất sắc trong nghiên cứu, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào mức độ hiện diện trên internet như trước đây.

THE đã và đang sử dụng tiêu chí số lượng công bố khoa họcsố lượng trích dẫn chuẩn hóa, nhằm chuẩn hóa một số tiêu chí nhất định mà các bảng xếp hạng khác đã không làm. Phương pháp này áp dụng trong nhiều thước đo, đặc biệt là tiêu chí tỉ lệ bằng tiến sĩ so với bằng cử nhân đã cấp, và tiêu chí thu nhập từ hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế thì dữ liệu không có đủ để thực hiện chuẩn hóa, tức là, hoặc quá ít dữ liệu, hoặc dữ liệu không đủ chất lượng phản ánh xác thực bức tranh thực tế, nhất là ở những khu vực bên ngoài môi trường học thuật nói tiếng Anh.

NTU Ranking, cũng như CWTS Leiden Ranking đã xây dựng một phương pháp diễn đạt số liệu theo đó các tiêu chí có thể được trình bày dưới dạng giá trị tuyệt đối (số lượng công bố khoa học, số lượng trích dẫn, v.v.) hoặc giá trị tương đối (tính tỉ lệ số lượng bài báo khoa học trên tổng số giảng viên chẳng hạn).

Những nỗ lực trên đây cho thấy các tổ chức xếp hạng đang cố gắng không ngừng để cải thiện phương pháp hầu làm cho kết quả xếp hạng phản ánh được một cách xác thực mức độ xuất sắc của các trường. Các bảng xếp hạng cũng đang tìm cách chứng minh sự minh bạch của họ trong phương  pháp xử lý và nhất là phương pháp thu thập dữ liệu. Tuy vậy, mức độ minh bạch đó chưa đủ làm người dùng hài lòng. Ví dụ, bảng xếp hạng QS miêu tả phương pháp của họ là “các trường hàng đầu thế giới được chọn cơ bản dựa trên số trích dẫn trên mỗi bài báo, nhưng những nhân tố khác cũng sẽ được xem xét, chẳng hạn kết quả thứ hạng trong nước, kết quả khảo sát về uy tín, cân bằng vùng miền, v.v”.Tuy nhiên, không có giải thích nào thêm về việc những thứ được cho là “ xem xét thêm” đó đã được xem xét như thế nào. Một ví dụ khác, là mặc dù bị phê phán dữ dội, xếp hạng dựa trên tiêu chí uy tín vẫn rất phổ biến, thậm chí có khi nó còn là tiêu chí duy nhất. Có trường hợp lố bịch đến nỗi, trong khảo sát về uy tín mà THE hay QS thực hiện, có trường được đề cử xuất sắc trong những ngành họ không hề đào tạo và cũng không hề có nghiên cứu (Andrejs Rauhvargers, 2013, p. 19).

Ngoài những khiếm khuyết về phương pháp, có những nhược điểm lớn hơn đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có sự khắc phục nào đáng kể. Trước hết, như đã được nêu ra nhiều lần, xu hướng thiên vị các trường và các nước nói tiếng Anh. Chỉ riêng cách tính số bài báo và trích dẫn dựa trên các tập san khoa học chủ yếu là bằng tiếng Anh đã đủ mang lại lợi thế tuyệt đối cho các nước nói tiếng Anh. Có một thực tế là bài báo khoa học bằng tiếng Anh thì được đọc nhiều hơn và do đó được trích dẫn nhiều hơn (van Raan et al.,2010; van Raan et al.,2011), nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là nó có giá trị cao hơn những công trình nghiên cứu không xuất bản bằng tiếng Anh, nếu chúng ta quan niệm rằng giá trị của nghiên cứu khoa học chủ yếu là những đóng góp mà nó mang lại trong việc mở rộng biên giới hiểu biết của con người và làm thay đổi xã hội tốt đẹp hơn.

Một nhược điểm khác là hầu như tất cả các bảng xếp hạng hiện nay đều chủ yếu chú trọng đến thành tích nghiên cứu mà không ghi nhận được những thành tích và đóng góp khác của nhà trường, vì vậy nó chỉ bao gồm một nhóm nhỏ các trường có thành tích về nghiên cứu khoa học, và loại ra ngoài đại bộ phận các trường còn lại. Điều này có thể thấy rất rõ ngay trong tiêu chí của các bảng xếp hạng, chẳng hạn ARWU vẫn tiếp tục đếm số người đoạt giải Nobel, số nhà nghiên cứu có số lượng trích dẫn cao, và những bài báo khoa học được công bố trên Nature hay Science.

Thêm vào đó là một nhược điểm thậm chí còn nghiêm trọng hơn: đã có, và vẫn đang tiếp tục tồn tại hiện tượng coi nhẹ, thậm chí bỏ qua những thành tích nghiên cứu khoa học trong khoa học xã hội và nhân văn. CWTS Leiden Ranking chỉ đưa vào bảng xếp hạng của mình các trường có ít nhất 500 bài báo khoa học trong vòng 5 năm liên tiếp được tính trong cơ sở dữ liệu của Web of Science, nhưng không tính bài báo khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn!!! Định kiến này tồn tại ngay trong tiêu chí đo lường thư mục khoa học và cách đếm trích dẫn chuẩn hóa theo chuyên ngành, tức là dựa vào tỉ lệ số bài báo từng ngành trong những tập san được trích dẫn nhiều, do đó thiên về những ngành có nhiều bài báo như y khoa, khoa học tự nhiên và kỹ thuật (Waltman et al.,2012). Trong khi đó, thành tích nghiên cứu và hoạt động của khoa học xã hội và nhân văn thường được thể hiện không chỉ dưới dạng bài báo khoa học trên các tập san, mà còn là sách, báo cáo nghiên cứu, tư vấn chính sách, v.v. những thứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, nhưng đã không được tính đến trong các bảng xếp hạng.

PHẦN II. GDDH VIỆT NAM NÊN ĐÁP ỨNG NHƯ THẾ NÀO VỚI VẤN ĐỀ XẾP HẠNG

Mặc dù có vô số lời phàn nàn và phê phán về các bảng xếp hạng, ngày càng khó khăn hơn đối với các nhà quản lý và lãnh đạo trong việc chọn thái độ xem như những bảng xếp hạng này không tồn tại. Thực tế là các nhà làm chính sách, chính phủ các nước, đặc biệt là ở Châu Á (Trung Quốc, Nhật, Malaysia, Singapore.v.v) đã và đang sử dụng các kết quả xếp hạng này như một thông tin quan trọng giúp họ tái cấu trúc hệ thống và tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu. Mối quan tâm tới việc đối sánh quốc tế cũng như lo ngại bị tụt hậu so với các cường quốc về GDĐH ở phương Tây vừa là động lực, vừa là kết quả của các bảng xếp hạng toàn cầu. Chiến lược phổ biến của các nước này là đổ dồn nguồn lực cho một vài trường tinh hoa của mình nhằm thu hút tài năng ngoại quốc, cải thiện trình độ quốc tế hóa của các trường này nhằm nâng cao vị thế trên bảng xếp hạng.

Việt Nam cũng có một chiến lược tương tự. Bên cạnh việc tăng cường nguồn lực cho một số trường trọng điểm, chẳng hạn như hai Đại học Quốc gia hay Trường ĐH Cần Thơ để đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, đã có những trường ĐH thành lập theo mô hình xuất sắc với sự hợp tác của các đối tác nước ngoài, như Trường ĐH Việt Đức (VGU), Trường ĐH Việt Pháp (USSH), sắp tới có thể là Việt-Anh, Việt-Nhật, Việt-Mỹ. Tuy vậy, còn quá sớm để trả lời, thậm chí để đưa ra dự báo, về câu hỏi liệu những trường này có thể giành được thứ hạng nào trên bảng xếp hạng, và quan trọng hơn là sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của cả hệ thống.

Vấn đề có ý nghĩa thiết yếu hơn, là chính sách nhà nước trong vấn đề xếp hạng của cả hệ thống, và sự đáp ứng của các trường đối với vấn đề này.

Quản lý nhà nước với vấn đề xếp hạng

Thái độ của nhà nước đối với vấn đề xếp hạng có ý nghĩa rất quan trọng. Các bảng xếp hạng ĐH đã có từ lâu, nhưng chỉ mới nổi bật lên trong vòng hơn một thập kỷ, chính là xuất phát từ ý định ban đầu của nhà nước Trung Quốc muốn thực hiện đối sánh quốc tế nhằm hiểu rõ vị trí của GDĐH nước mình trong bản đồ GDĐH toàn cầu và nâng cao vị thế, tức năng lực cạnh tranh của nước mình.

Đối với Việt Nam, Điều 9 Luật GDĐH 2012 xác định: “Cơ sở GDĐH được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước”;  “Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng cơ sở GDĐH; ban hành khung xếp hạng các cơ sở GDĐH theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng”; “Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng; căn cứ kết quả xếp hạng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với các cơ sở GDĐH”. Khoản 3 Điều 9 nêu: “Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí: a) Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học; b) Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; c) Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; d) Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; đ) Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.”

Dựa trên những gì được xác định trong Luật GDĐH nêu trên, thì cách hiểu, cách làm, mục tiêu và cách sử dụng kết quả xếp hạng của Việt Nam rất khác với thực tiễn quốc tế.

Xét về mục đích, các bảng xếp hạng ra đời thoạt đầu là nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người học để giúp họ chọn trường phù hợp với mình. Khi Bảng xếp hạng AWUR của Thượng Hải ra đời, mục đích của nó là đối sánh quốc tế nhằm cải thiện vị thế của GDĐH Trung Quốc. Tác động của các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu trong thập kỷ qua đã đẩy nó đi ngày càng xa so với mục đích ban đầu: ngày nay với chính phủ nhiều nước, nó trở thành một phương tiện khẳng định uy thế địa chính trị của quốc gia; đối với các trường, nó trở thành công cụ quảng bá và tiếp thị nhằm thu hút sinh viên, giảng viên và thu hút nguồn tài trợ. Nó cũng có thể phục vụ các trường như một nguồn thông tin để xây dựng chiến lược hoạt động và cải thiện chất lượng. Trong khi đó, đối với Việt Nam, xếp hạng đang được xem là công cụ để thực hiện quản lý nhà nước đối với các trường, vì vậy nó đang được trộn lẫn với phân tầng, và ý tưởng được đưa ra là kết quả xếp hạng sẽ là cơ sở để quyết định việc phân bổ nguồn lực, giao nhiệm vụ và cơ chế đặc thù. Nói cách khác trường có thứ hạng cao thì có thể sẽ được đầu tư nhiều hơn, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, và được hưởng nhiều quyền tự chủ hơn.

Xét về cách làm, tất cả các bảng xếp hạng hiện nay trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc, đều do các tổ chức xếp hạng có tính chất độc lập với nhà nước đưa ra. Trong khi đó, đối với Việt Nam, việc xếp hạng do nhà nước chủ trì thực hiện: các tiêu chí phân tầng và xếp hạng là do chính phủ ban hành, việc thực hiện là thông qua một tổ chức được Bộ GD-ĐT ủy nhiệm (theo Dự thảo Nghị định về phân tầng và xếp hạng).  Thêm vào đó, kết quả xếp hạng này lại được đích thân Thủ tướng chính phủ phê duyệt (đối với ĐH) và Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt (đối với CĐ). Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nó xuất phát từ mục tiêu coi xếp hạng là một công cụ để thực hiện quản lý nhà nước.

Câu hỏi đặt ra là liệu xếp hạng có thể là một công cụ tốt cho việc quản lý nhà nước đối với GDĐH hay là không?

Trong thực tế, chính phủ các nước đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tác động của các bảng xếp hạng trong nghị trình chính sách GDĐH của họ, nhưng không có một nước nào mà nhà nước trực tiếp can thiệp vào việc xếp hạng. Cũng không có nước nào dùng kết quả xếp hạng làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực. Lý do là vì các bảng xếp hạng mặc dù đã không ngừng cải thiện phương pháp, vẫn còn nhiều khiếm khuyết và chịu sự phê phán dữ dội của giới hàn lâm về tính chất xác đáng và giá trị của nó trong việc phản ánh mức độ ưu tú của các trường. Đó là một hoạt động chuyên môn thuần túy, và không phải là vai trò của nhà nước. Việc nhà nước nhận lấy trách nhiệm chính trong việc xếp hạng sẽ khiến cho hoạt động học thuật của việc xếp hạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những nhân tố phi học thuật. Quan trọng hơn nữa là quan niệm phân bổ nguồn lực dựa trên mức độ ưu tú, thoạt nhìn có vẻ như nhằm khích lệ vươn đến sự ưu tú, nhưng thực chất lại tạo ra tình trạng “nước chảy chỗ trũng” và làm méo mó mục tiêu của quản lý nhà nước. Phấn đấu để đạt đến sự ưu tú là vấn đề của từng trường, trong lúc vấn đề của nhà nước là cần đạt đến sự ưu tú trong những lĩnh vực ưu tiên nào và để phục vụ cho mục tiêu gì.

Tuy vậy, rõ ràng là nhà nước có thể đóng vai trò tích cực trong việc định hướng hoạt động xếp hạng, mà không cần can thiệp trực tiếp. Xếp hạng ĐH có thể là một công cụ tăng cường minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các trường. Nhà nước có thể khích lệ các trường ĐH hoặc các tổ chức xã hội khác (chẳng hạn như Hiệp hội Các Trường ĐH-CĐ Việt Nam, hay các tờ báo lớn) đưa ra các bảng xếp hạng ĐH trong nước, với những mục đích, tiêu chuẩn và phương pháp do những tổ chức này xác định. Uy tín của các bảng xếp hạng này sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào cách làm của họ, vào phương pháp thu thập dữ liệu và xử lý thông tin mà họ đề xuất, cũng như phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ chuyên gia thực hiện công việc này. Nếu cách làm của họ không thuyết phục được công chúng, tự khắc họ sẽ bị tẩy chay. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một sân chơi mà tất cả các bảng xếp hạng đều cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở chất lượng học thuật. Hoạt động của họ sẽ giúp các trường có ý thức thu thập dữ liệu về hoạt động của trường mình một cách có hệ thống, và phân tích nó để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch chiến lược, trên cơ sở ý thức rõ về vị thế của mình trong tương quan với những trường khác trong hệ thống.

Các trường nên đáp ứng như thế nào với vấn đề xếp hạng?

Các trường ĐH cần đóng góp tích cực hơn vào việc định hình những thái độ đúng đắn đối với vấn đề xếp hạng. Với tư cách là người dẫn đầu các hoạt động học thuật, các trường cần thúc đẩy những nỗ lực giúp giới làm chính sách và công chúng hiểu đúng về bản chất của các bảng xếp hạng, diễn giải đúng ý nghĩa của các kết quả xếp hạng và ngăn chặn việc lạm dụng nó cho những mục đích thiếu chính trực.

Có hai điểm rất cần nhấn mạnh trong những nỗ lực nói trên. Một là, cần hiểu rằng các bảng xếp hạng chỉ có thể xếp hạng các trường dựa trên những tiêu chí được đề xuất, cho dù các phương pháp đo lường có tiến bộ tới đâu và xác đáng tới đâu, thì những tiêu chí ấy vẫn không thể đo lường hết được cái mà trường ĐH thực sự phải là, bởi lẽ “không phải cái gì đếm được, thì đều có ý nghĩa đáng phải tính đếm, và không phải cái gì đáng phải tính đếm, đều có thể đo đếm được” (Albert Enstein). Nếu các trường ĐH hiểu rõ điều này và kiên trì với mục tiêu và sứ mạng của họ, thì họ sẽ không để các bảng xếp hạng dẫn dắt hành động và kế hoạch của mình. Nếu như Trường ĐH Harvard không kiên trì với mục tiêu của nó, thì nó đã không thể đứng vững trên đỉnh của tất cả các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu trong mấy thập kỷ qua. Mục tiêu đó vượt lên trên các thước đo thông thường nhằm vào các kết quả hiện tại: Bản chất của một trường ĐH là trách nhiệm độc nhất vô nhị của nó với quá khứ và tương lai, chứ không đơn giản chỉ với hay thậm chí chủ yếu với hiện tại. Một trường ĐH hoạt động không vì những kết quả của tháng tới hay năm tới, thậm chí cũng không vì việc sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành con người như thế nào. Nó hoạt động vì những kiến thức sẽ định hình cả một đời người, những kiến thức truyền tải di sản của nhiều thiên niên kỷ, những kiến thức quyết định tương lai. Một trường ĐH phải vừa nhìn về tương lai phía trước, vừa nhìn lại quá khứ theo những cách đôi khi bắt buộc phải mâu thuẫn với những mối bận tâm hoặc đòi hỏi nhất thời của công chúng”[6]. Bởi lẽ đó, đối với các trường ĐH, mục tiêu và sứ mạng của nhà trường là cái hồng tâm mà họ phải nhắm đến, còn thứ hạng trên bảng xếp hạng là cái phần thưởng ghi nhận một phần những nỗ lực và kết quả của họ. Lưu ý rằng có một nhóm khoảng chừng 25 trường hàng đầu thế giới, hầu như luôn luôn đứng đầu trong tất cả các bảng xếp hạng ĐH toàn cầu bất kể tiêu chí hay phương pháp, là những trường chưa bao giờ đặt ra cho họ mục tiêu giành lấy thứ hạng hàng đầu trong các bảng xếp hạng. Chớ nên quên rằng “một người bắn cung nếu chỉ nhìn vào phần thưởng thay vì nhắm tới hồng tâm, thì họ sẽ hụt cả hồng tâm lẫn phần thưởng” (Chen-ning Chu).

Hai là, cần thúc đẩy việc xây dựng các bảng xếp hạng thiên về đối sánh thay vì nhằm vào cao thấp hơn thua. Quả là không có lý khi đo lường các trường có sứ mạng và chức năng khác nhau với cùng một thước đo. “Không có lý gì dùng số lượng công bố khoa học để đo kết quả hoạt động của các trường ứng dụng thực hành, và điều này không có nghĩa là các trường ứng dụng thực hành kém cỏi hơn. Thay vào đó cần phải đo bằng số lượng bằng sáng chế, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sự gắn kết với thế giới việc làm, chất lượng các kỳ thực tập, khả năng kiếm được việc làm, sự hài lòng của cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng” (Phạm Thị Ly, 2013).

Với tư cách là đối tượng của các bảng xếp hạng, hiện nay các trường có ba thái độ chủ yếu:

  • tẩy chay hoàn toàn, tuyên bố sẽ không nộp bất cứ dữ liệu nào của mình cho mục đích xếp hạng, như trường hợp bốn trường ĐH Đức (Hamburg, Leipzig, Cologne, Hagen), hay James Cook University ở Australia tẩy chay ARWU, Annapolis Group Ở Hoa Kỳ tẩy chay US News và World Report Ranking. Một số trường ĐH ở Canada từ chối tham gia bảng xếp hạng Maclean. Ở Đức, nhiều tổ chức nghề nghiệp như Sociologists, Historians, Chemists, Educationists đã kiến nghị tẩy chay CHE Ranking;
  • đuổi theo tiêu chí của các bảng xếp hạng, mua bài báo khoa học, dùng những thủ pháp kỹ thuật để có những con số đẹp cung cấp cho các tổ chức xếp hạng, xây dựng chiến lược hoạt động của trường nhằm vào mục tiêu nâng hạng;
  • hợp tác với các tổ chức xếp hạng nhằm khai thác dữ liệu của họ một cách hệ thống phục vụ cho việc phân tích hoạt động của nhà trường, và coi thứ hạng của nhà trường là một thông tin tham khảo, không xem đó là một mục tiêu phấn đấu và không dành toàn bộ nguồn lực của nhà trường cho việc nâng hạng.

Theo quan điểm của chúng tôi, mỗi cách lựa chọn trên đây đều có những tác dụng phụ không mong muốn, mà mỗi trường cần cân nhắc dựa trên năng lực lãnh đạo, tầm nhìn, và mức độ kiên trì với mục tiêu và sứ mạng của mình.

KẾT LUẬN

Xếp hạng ĐH có thể góp phần tích cực trong việc cung cấp thông tin về nhà trường cho tất cả các bên liên quan, nếu như những thông tin đó là xác thực và đáng tin cậy. Có hai vấn đề chủ yếu trong việc xếp hạng: tiêu chí đo lường, phương pháp thu thập dữ liệu và cách thức xử lý dữ liệu. Cho đến nay, hầu hết thông tin dùng để xếp hạng là thông tin do các trường tự cung cấp và rất khó kiểm chứng, ngoại trừ thông tin về công bố khoa học. Tuy nhiên, thông tin về công bố khoa học, trên cơ sở dữ liệu đo lường thư mục khoa học, đã được chứng minh là không thực sự bao hàm toàn diện những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó là chưa nói tới việc có vô số cách để tăng số lượng bài báo mà không tạo ra bao nhiêu ý nghĩa đối với việc tăng cường năng lực nghiên cứu của trường/ viện, hoặc quốc gia, chẳng hạn như cách thuê người viết bài báo khoa học của một số học giả Trung Quốc[7], hay trả tiền để có tên trên bài báo của những nhà khoa học có chỉ số trích dẫn cao mà một số trường ở Arab Saudi đã làm[8]. Tiền có thể mua được thành tích, thủ thuật có thể giúp nâng hạng, nhưng cả tiền lẫn thủ thuật đều không thể tự nó tạo ra sự ưu tú thực sự. Vì vậy, công chúng cần phải là những người tiêu dùng khôn ngoan, không bị mờ mắt bởi các kết quả xếp hạng, mà phải nhìn vào những gì các trường ĐH đã và đang đóng góp cho cộng đồng xã hội, vì đó mới là sứ mạng nhà trường phải hoàn thành và là giá trị của nó.

              Viết xong ngày 10.2.2015 tại TP Hồ Chí Minh

 

Tư liệu tham khảo

Andrejs Rauhvargers (2013). Global University Rankings and Their Impact – Report II. European University Association.

John Aubrey Douglass (2014). “Profiling the Flagship University Model: An Exploratory Proposal for Changing the Paradigm from Ranking to Relevancy”. Bản tiếng Việt: “Đại học hoa tiêu: một đề nghị nhằm thay đổi hình mẫu từ thứ hạng cao trở thành thiết yếu cho xã hội”. Phạm Thị Ly dịch. Bản tin Thông tin GDQT của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành số 14-2014.

Baty, P. (2012a), “Rankings without reason”, Inside Higher Education,31 May. http://www.insidehighered.com/views/2012/05/31/essay-danger-countries-setting-policy-baseduniversity-rankings

Baty, P. (2012b), “Rankings don’t tell the whole story – Handle them with care”, University World News Global Edition, 227, 26 June. Retrieved Jan 29, 2015 from: http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20120626171938451

Charles McPhedran (2013).  How Saudi Universities Rose in the Global Rankings.http://www.al-fanarmedia.org/2013/10/how-saudi-universities-rose-in-the-global-rankings/

Hazelkorn, E. (2011), Rankings and the Reshaping of Higher Education. The Battle for World-Class Excellence. New York, Palgrave Macmillan.

Phạm Thị Ly (2014). Những xu hướng mới trong xếp hạng đại học toàn cầu. Tạp chí Khoa học Giáo dục số 103 ra tháng 4-2014, tr.57-61.

Phạm Thị Ly (2013). GDĐH Hà Lan với các trường đại học ứng dụng: kinh nghiệm cho việc xây dựng hệ thống phân tầng ở Việt Nam. Working paper. Dự án GDĐH Ứng dụng Nghề nghiệp, Bộ GDĐT ấn hành, 2013.

van Raan, T., van Leeuwen, T., & Visser, M. (2011), “Non-English papers decrease rankings”, Nature, 469, p. 34.

[1] Andrejs Rauhvargers (2013). Global University Rankings and Their Impact – Report II. European University Association.

[2] http://www.shanghairanking.com/wcu/

[3] Centre for Higher Education, Germany (www.che.de/en)  và www.utwente.nl/mb/cheps/

[4] Chi tiết xin xem “Những xu hướng mới trong xếp hạng toàn cầu”. Bài đăng tạp chí Khoa học Giáo dục số 103  ra tháng 4.2014. Bản ngắn hơn đăng trên Tuổi trẻ Cuối Tuần số ra ngày 23.11.2013. Bản điện tử có thể đọc trên trang www.lypham.net

[5] Chi tiết xem tại: www.universitas.com

 

[6] Trích Diễn văn nhậm chức của Hiệu trưởng thứ 25 của Harvard, ngày 12.10.2007. Phạm Thị Ly dịch. Bản tin Thông tin GDQT Trường ĐHSP TPHCM số 7 năm 2007

[7]Nguồn: Mara Hvistendahl (2013). China's Publication Bazaar. Science 29 November 2013: Vol. 342 no. 6162 pp. 1035-1039DOI: 10.1126/science.342.6162.1035  http://www.marahvistendahl.com/gaming-academia/

[8]Charles McPhedran (2013).  How Saudi Universities Rose in the Global Rankings.http://www.al-fanarmedia.org/2013/10/how-saudi-universities-rose-in-the-global-rankings/