Phạm Thị Ly

(Ghi nhận từ Hội thảo ĐH Đẳng cấp Quốc tế Lần thứ 5,  ngày 3-6/11/2013 và Hội thảo U 21: Đối sánh các Hệ thống GD ĐH, ngày 7.11.2013 tại Thượng Hải, Trung Quốc)

Sự trỗi dậy về kinh tế của các nước đang phát triển trong mấy thập kỷ qua, mà Trung Quốc là một trường hợp nổi bật, đã làm nảy sinh tham vọng mạnh mẽ về việc xây dựng những trường đại học đẳng cấp thế giới. Mặc dù việc xếp hạng đại học (ĐH) đã có từ lâu (thực hiện lần đầu tiên trên thế giới từ năm 1870 và bắt đầu được biết đến rộng rãi từ năm 1983 với Bảng xếp hạng ĐH của US News và US World Report), nhưng chỉ từ khi xuất hiện bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới (Academic Rankings of World Universities- ARWU) do Trường Đại học Giao thông Thượng hải Trung Quốc (SJTU) công bố lần đầu năm 2003 (ban đầu chỉ nhằm mục đích tìm những điểm mốc đối sánh để phục vụ cho việc cải thiện chất lượng GDĐH Trung Quốc), việc xếp hạng đại học mới trở thành một hiện tượng có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới. Mặc dù phương pháp xếp hạng còn nhiều hạn chế và mục đích, ý nghĩa của việc xếp hạng vẫn không ngừng gây tranh cãi, tác động của các bảng xếp hạng này và của các trường ĐH đẳng cấp thế giới lên đời sống của các trường ĐH trên toàn thế giới là điều không thể phủ nhận. Từ đó đến nay, Hội thảo Quốc tế về Đại học Đẳng cấp Thế giới do SJTU tổ chức đã trở thành một sự kiện thường niên quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu về GDĐH cũng như các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách giáo dục trên thế giới, nhằm thảo luận về các chủ đề liên quan đến hoạt động xếp hạng.

Hội thảo về Đại học Đẳng cấp Quốc tế (ĐHĐCQT) Lần thứ Năm tổ chức ngày  3 – 6 tháng 11 năm 2013 tại Thượng Hải đã quy tụ 153 thành viên từ 40 quốc gia trên thế giới, đặc biệt với sự có mặt của các tổ chức xếp hạng ĐH toàn cầu có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất (ARWU, QS, THES…) và Thomson Reuter, tổ chức hàng đầu thế giới về cung cấp thông tin hoạt động khoa học và thông tin doanh nghiệp. Chủ đề hội thảo lần này là “Sức lan tỏa toàn cầu của Đại học đẳng cấp quốc tế: những tác động đối với hệ thống giáo dục đại học”. Ngay sau hội thảo này là một hội thảo khác do Mạng lưới Các trường ĐH Nghiên cứu hàng đầu trên thế giới có tên là Universitas tổ chức, về chủ đề  Đối sánh Hệ thống GDĐH Các Nước: Vấn đề Tiêu chí Đánh giá.

Hội thảo thứ nhất có tám phiên họp, bao gồm 18 báo cáo với các chủ đề chính sau đây: (1) Những phản ánh mang tính chất quốc gia đối với các khởi xướng về ĐHĐCQT; (2) Kinh nghiệm của các trường trong việc xây dựng ĐHĐCQT; (3) Những thách thức trong việc xây dựng trường ĐHĐCQT; (4) Trải nghiệm của các tổ chức xếp hạng trong việc thực hiện xếp hạng ĐH toàn cầu; và (5) Những tác động và ứng dụng của việc xếp hạng ĐH toàn cầu. Hội thảo thứ hai phân tích những kinh nghiệm và bài học trong việc xếp hạng hệ thống GDĐH các nước. Bài viết này nêu tóm tắt một số vấn đề nổi bật đã được nêu ra và thảo luận tại ba ngày làm việc của hai hội thảo nói trên, bao gồm: (1) Bối cảnh hiện nay của GDĐH toàn cầu và vấn đề ĐHĐCQT ở những nước nhỏ hoặc đang phát triển; (2) Những điểm hạn chế, tác động và ảnh hưởng của việc xếp hạng ĐH và (3) Những xu hướng mới hiện nay, đặc biệt là xếp hạng hệ thống. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh những xu hướng mới hiện nay, vì nó cho phép chúng ta đánh giá toàn diện hiện tượng này và sử dụng nó theo cách có ích lợi nhất cho đất nước.

Bối cảnh GDĐH toàn cầu

Toàn cầu hóa là hiện tượng đã được nói đến thường xuyên trong suốt thập kỷ qua. Vấn đề là, hiện tượng này đã và đang tác động đến các trường ĐH trên phạm vi thế giới như thế nào. Hiển nhiên là toàn cầu hóa đã làm mờ đi biên giới giữa các quốc gia, đặc biệt là trong giới khoa học. Khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp tục và ngân sách nhà nước cấp cho các trường ĐH công đang giảm sút nghiêm trọng, đến mức như ở Hoa Kỳ, có trường hợp ngân sách nhà nước cấp chỉ còn chiếm 10% tổng kinh phí hoạt động của trường công, thì liệu có thể gọi đó là ĐH công lập nữa hay không (W. Tierney, Southern California University, Hoa Kỳ). Thậm chí còn có thể nêu câu hỏi: Liệu chúng ta có còn cần ĐH công lập? Việc ngân sách suy giảm nghiêm trọng đã thúc đẩy sự dịch chuyển của giới hàn lâm, chẳng những từ trường này sang trường khác, từ khu vực công sang khu vực tư, mà còn là từ nước này sang nước khác, khiến cho cuộc cạnh tranh tài năng ngày càng khốc liệt. Cạnh tranh về nguồn lực, bên cạnh cạnh tranh giành lấy người tài hiện nay đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, khiến bức tranh GDĐH toàn cầu đã khác đi rất nhiều so với cách đây chỉ năm, mười năm.

Ngày càng tăng xu hướng đặt gánh nặng tài chính lên vai người học, thay vì do nhà nước chi trả phần lớn như trước. Ở Mỹ, học phí đã tăng gấp năm lần trong vòng 30 năm qua. Số tiền nợ mà sinh viên Mỹ đang gánh chịu hiện nay đã lên đến hàng ngàn tỷ đô la, và đã tăng gấp đôi chỉ từ 2007 đến nay. 46% sinh viên Mỹ đã không tốt nghiệp, và 53,6% sinh viên tốt nghiệp hiện nay đang không có việc làm (Stamenka Uvalić-Trumbić & Sir John Daniel). Điều này đặt ra hai vấn đề, một là “lợi ích công” của GDĐH phải được định nghĩa lại như thế nào, khi gánh nặng học phí và nợ nần do việc học đã khiến GDĐH trở thành chủ yếu là đầu tư của cá nhân cho lợi ích riêng; và hai là câu hỏi về tính thiết thực của việc học được đặt ra gay gắt hơn bao giờ hết.  Câu hỏi này trực tiếp liên đới với vấn đề xếp hạng ĐH mà chúng ta sẽ trở lại trong phần sau. Cũng trong xu hướng đó, ngày càng nhiều các tổ chức GDĐH vì lợi nhuận xuất hiện, và khu vực này đang tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, với mô hình quản trị như một doanh nghiệp, nhanh chóng thích ứng với tiến bộ kỹ thuật cũng như đáp ứng những đòi hỏi của thị trường. Bối cảnh này khiến tiếng nói của giới hàn lâm bị coi nhẹ, và tự do học thuật đang ngày càng phải chịu thỏa hiệp nhiều hơn. Những biến đổi đó khiến ngay cả những trường đang ngự trị trên đỉnh hình tháp của thang bậc học thuật cũng phải chịu đựng sự đe dọa không còn giữ vững được vị trí và phẩm chất của mình (Philip Altbach, Boston College, Hoa Kỳ).

Trong lúc đó, các nước mới nổi và giành được một số thành tựu về kinh tế thì nhìn các trường ĐHĐCQT như là biểu tượng cho sự thành công về kinh tế và là nguồn lực cho nền kinh tế tri thức. Nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v. trong thập kỷ qua đã và đang giành những nguồn lực to lớn của quốc gia cho việc xây dựng những trường ĐH nghiên cứu ĐCQT. Một câu hỏi được đặt ra tại hội thảo và trở thành một chủ đề thảo luận, là liệu các nước nhỏ có cần, hay có nên xây dựng những trường ĐH ĐCQT trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp của mình hay không. Câu trả lời là có, bởi vì trường ĐH là nơi tốt nhất để thực hiện hoạt động nghiên cứu và đào tạo thế hệ làm khoa học kế thừa. Các nước nhỏ và đang phát triển cần một nơi như thế để duy trì mối quan hệ tương tác với giới hàn lâm quốc tế, và hiểu biết về những tiến bộ mới nhất trong khoa học. Thứ hạng trên bảng xếp hạng không phải là vấn đề, càng không phải là mục tiêu. Điều chính yếu là những trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của những nước này phải gắn với đời sống học thuật trên thế giới và phục vụ cho những ưu tiên của quốc gia, đồng thời là nơi đào tạo những người tài trở thành tầng lớp tinh hoa cả trong giới khoa học lẫn giới chính trị.

Một cách vắn tắt, có thể nói rằng thế giới ngày nay đang trở thành ngày càng tăng mức độ tương tác và tương thuộc, và biến đổi với một tốc độ nhanh chưa từng có trước đây, khiến nhiều vấn đề phải thường xuyên xem xét lại, kể cả những vấn đề căn bản như GDĐH và lợi ích công của xã hội. Bối cảnh đó khiến vấn đề xếp hạng, với tác động to lớn của nó, tích cực lẫn tiêu cực, trở thành một hiện tượng cần được thường xuyên xem xét đánh giá lại và tìm hiểu về những chiều kích mới của nó.

  1. Những hạn chế, tác động và ảnh hưởng của các bảng xếp hạng

          Tác động của các bảng xếp hạng lên chiến lược và hành vi của các chính phủ, các trường là điều khá dễ thấy: các trường ẢRập Saudi tuyển dụng những giáo sư có tỉ lệ trích dẫn cao từ khắp thế giới đến làm việc cho họ với mức lương hấp dẫn. Các trường ĐH Australias tuyển dụng các nhà quản lý chuyên trách việc nâng hạng trường mình để tăng cường khả năng vươn lên thứ hạng cao hơn. Ở Anh, 70% các hiệu trưởng ĐH muốn trường mình phải nằm trong top 10% trong nươc và 25% trên bảng xếp hạng quốc tế (Ellen Hazelkorn, Viện Công nghệ Dublin, Ireland). Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả các trường đang bị xem xét và đánh giá bởi những tiêu chí chỉ thích hợp cho một số rất ít các trường tinh hoa chiếm khoảng 4-6% trên toàn cầu.   Việc xếp hạng đã tạo ra một mô hình khiếm khuyết (Locke 2011) dẫn tới cuộc chạy đua cải thiện thứ hạng của hầu hết các trường. Ellen Hazerkorn cho rằng ảnh hưởng của các bảng xếp hạng vẫn đang tiếp diễn trong việc tái cấu trúc hệ thống GDĐH các nước; tái định hình các ưu tiên của quốc gia; nhấn mạnh lại những ưu tiên của các trường; tổ chức lại các khoa trong trường và thứ bậc của các lĩnh vực chuyên ngành; nhấn mạnh nghiên cứu hơn là đào tạo, nhấn mạnh đào tạo sau ĐH hơn là đào tạo ĐH (điều này có ý nghĩa đáng kể với những thay đổi diễn ra trong nghề giảng viên); tạo ra những thay đổi trong thực tiễn nghiên cứu (nhấn mạnh tiếng Anh như ngôn ngữ của khoa học, việc xuất bản, định hướng nghiên cứu, ưu tiên giữa khoa hoc cơ bản và khoa học ứng dụng, v.v.) . Các bảng xếp hạng đang tác động mạnh mẽ đến chính phủ các nước và ảnh hưởng đến những quyết định về phân bổ nguồn lực cũng như xác định ưu tiên của quốc gia. Sinh viên, cha mẹ học sinh, các nhà lãnh đạo và quản lý ĐH, giảng viên, giới doanh nghiệp, tất cả đều đang bị thứ hạng của trường ám ảnh, chi phối.

Ý nghĩa tích cực của các bảng xếp hạng là không thể phủ nhận. Nó cung cấp thông tin cho người học, cho các chính phủ, kích thích việc thu thập dữ liệu vốn rất cần cho việc quản lý hệ thống; và quan trọng hơn, nó nâng cao ý thức của các trường trong việc cải thiện hoạt động. Tuy thế, khiếm khuyết của các bảng xếp hạng và tác động tiêu cực của nó cũng ngày càng bộc lộ rõ. Phát biểu của GS.  Alison Richard, nguyên Hiệu Trưởng trường ĐH Cambridge cho thấy rõ điều này: “Các bảng xếp hạng có nhiều khiếm khuyết sai lầm và không thể miêu tả đầy đủ các trường, cũng không thể cho thấy trường này có thực sự tốt hơn trường kia hay không. Nhưng tôi rất hài lòng khi Cambridge được xếp hạng là trường hàng đầu thế giới” (!).  Thực tế đang tồn tại nhiều mâu thuẫn: các bảng xếp hạng đang đo lường những gì có thể đo lường được hay những gì thực sự có ý nghĩa? Các trường nên điều chỉnh chiến lược của mình theo các tiêu chí của các bảng xếp hạng toàn cầu nhằm nâng hạng, hay tập trung cho mục tiêu giáo dục và sứ mạng phục vụ lợi ích công? Các nhà làm chính sách nên tập trung nguồn lực cho mô hình tinh hoa, hay nên dành cho việc duy trì chất lượng của GDĐH dành cho số đông? Tập trung tạo ra sự xuất sắc hay tăng cường năng lực của nguồn nhân lực nói chung? Khích lệ những thành tựu học thuật theo quan niệm truyền thống hay đánh giá cao trách nhiệm công dân và những đóng góp khác cho xã hội? Thúc đẩy mô hình kiến tạo tri thức truyền thống và cơ chế bình duyệt hay khích lệ việc ứng dụng tri thức, tác động đối với xã hội và trách nhiệm giải trình trước công chúng? (Ellen Hazekon). Tác động tiêu cực rõ rệt nhất của các bảng xếp hạng, là nó kích thích các trường chạy đuổi theo vị trí xếp hạng và coi nhẹ những sứ mạng quan trọng khác của nhà trường đối với người học và đối với xã hội. Xét về mặt hệ thống, việc đầu tư một nguồn lực khổng lồ cho một số ít các trường tinh hoa nhằm tạo ra sự xuất sắc đã lấy đi những khoản đầu tư đáng lẽ có thể dành cho việc cải thiện chất lượng đào tạo của số đông.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi một bộ phận giới hàn lâm, kể cả lãnh đạo ĐH, có thái độ phản kháng đối với việc xếp hạng. Đã có một hội nghị bàn tròn các lãnh đạo ĐH ở Pháp năm 2010 với tiêu đề “Quên đi Thượng Hải”!!!. James Cook University ở Australia đang tẩy chay ARWU. Ở Hoa Kỳ, Annapolis Group đang tẩy chay US News và World Report Ranking. Một số trường ĐH ở  Canada từ chối tham gia bảng xếp hạng Maclean. Ở Đức, nhiều tổ chức nghề nghiệp như Sociologists, Historians, Chemists, Educationists đã kiến nghị tẩy chay CHE Ranking. Bốn trường ĐH Đức (Hamburg, Leipzig, Cologne, Hagen) tuyên bố từ nay sẽ không nộp bất cứ dữ liệu nào cho mục đích xếp hạng.

Barbara M. Kehm (University of Glasgow, UK) tóm tắt những bước phát triển mới của thực tiễn xếp hạng hiện nay trong 5 điểm: (1) Kết quả xếp hạng bản thân nó trở thành một chỉ báo của uy tín các trường và chỉ báo cho năng lực cạnh tranh kinh tế của quốc gia; (2) Chính phủ nhiều nước đang dựa vào giá trị biểu tượng của kết quả xếp hạng để đưa ra quyết định về cải cách hay về phân bố nguồn lực; (3) Vị trí của các trường trong thang bậc xếp hạng hiện nay không phản ánh thực tế bản chất hoạt động của các trường, điều này đã và đang được thừa nhận rộng rãi; (4) Thang bậc xếp hạng đang dịch chuyển giá trị của nó sang lĩnh vực kinh tế, ở đó nó tạo thành một giá trị biểu tượng không hợp với hoàn cảnh; và (5) Giá trị này của thứ hạng có thể mang một ý nghĩa mới, qua ý nghĩa đó nó tạo ra một thực tế vật chất chẳng liên quan gì đến ý nghĩa ban đầu của việc xếp hạng. Ellen Hazerlkorn nhấn mạnh rằng việc xếp hạng ĐH ngày nay đang xa dần mục tiêu ban đầu của nó: ngày càng ít nhằm vào cung cấp thông tin giúp sinh viên lựa chọn trường, mà tập trung chủ yếu vào việc khẳng định vị trí địa chính trị. Trong quá trình đó, cả một ngành công nghiệp xếp hạng đã được tạo ra.

Bởi vậy, giới nghiên cứu GDĐH cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về những tác động ấy để giúp các trường, các nhà làm chính sách, và tất cả các bên có những hiểu biết đúng và đáp ứng tích cực với hiện tượng ấy.

  1. Những xu hướng mới trong tương lai của việc xếp hạng đại học toàn cầu

Do những hạn chế đã nêu trên, các hệ thống xếp hạng đều đang nỗ lực cải thiện phương pháp của mình, từ xây dựng tiêu chí đến thu thập và xử lý dữ liệu. Một số xu hướng mới trong việc xếp hạng ĐH toàn cầu được ghi nhận qua hai hội thảo này là:

3.1. Bổ sung những tiêu chí và trọng tâm hiện đang thiếu hụt hay khiếm khuyết trong các bảng xếp hạng hiện nayIMG_1190

          Đáp ứng với nhiều ý kiến phê phán về việc các bảng xếp hạng, đặc biệt là ARWU, đã quá chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khiến cho những hoạt động và thành tựu quan trọng khác của nhà trường bị coi nhẹ hay bỏ qua, hiện có xu hướng bổ sung những tiêu chí nhằm đo lường những giá trị gia tăng mà nhà trường đã mang lại cho sinh viên. Điều này đặc biệt quan trọng khi tính thích đáng, hay thiết yếu của GDĐH đang bị nhiều người ngờ vực, trong bối cảnh chi phí cho việc học không ngừng tăng. Một số khía cạnh đang bị bỏ qua là thành quả của hoạt động giảng dạy và những đóng góp hay tác động đối với xã hội, và sự phát triển bền vững của nhà trường; vì vậy các bảng xếp hạng đang hướng đến những tiêu chuẩn hợp tình hợp lý hơn nhằm phản ánh một hình ảnh đầy đủ hơn về nhà trường với tư cách một tổng thể.

Việc xếp hạng theo chuyên ngành đã được thực hiện từ lâu, nay tiếp tục được nhấn mạnh, cùng với xu hướng xếp hạng theo vùng. Sẽ có thêm các bảng xếp hạng theo vùng, chẳng hạn giữa các trường Châu Á, hay giữa các nước BRICS. Xu hướng này nhất quán với ý tưởng tăng cường tính chất đối sánh sẽ đề cập dưới đây.

3.2. Hướng tới đối sánh hơn là xếp hạng

Một tác động tiêu cực của các bảng xếp hạng hiện nay là thứ hạng cao thấp đã kích thích các trường chạy đua theo các chỉ báo (thường là phiến diện) của các bảng xếp hạng mà quên đi những hoạt động trọng yếu khác của nhà trường. Điều đó không giúp cho các trường tốt hơn, có ích hơn đối với người học và xã hội. Do vậy, một xu hướng mới đang hình thành, như Jamil Salmi (World Bank) nêu ra tại hội thảo, là hướng về đối sánh (benchmarking) thay vì xếp hạng. Đối sánh có nghĩa là so sánh hoạt động của các trường với những “đối thủ” cạnh tranh cùng loại, hay với những kinh nghiệm tốt của trường khác, với mục đích hiểu rõ chỗ yếu của mình nhằm cải thiện hoạt động.  Với mục đích ấy, không có vấn đề cao thấp, thứ bậc; các trường cũng không cần phải chạy theo những chỉ báo mà các bảng xếp hạng nêu ra, mà tự chọn lấy các chỉ báo cho mình, phù hợp với sứ mạng và chiến lược của nhà trường trong từng giai đoạn, cũng như phù hợp vói điều kiện và nguồn lực của mình.

Do hướng tới đối sánh, các bảng xếp hạng hiện nay cũng cần phải thay đổi về phương pháp để các trường được nhìn nhận một cách công bằng hơn. Vì thế đã có xu hướng so sánh tương đối thay vì tuyệt đối. Nói cách khác, sự so sánh sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng ta so sánh kết quả đạt được trong những điều kiện gần tương đương. Ví dụ nên có top 20 trường hàng đầu trong các nước phát triển, top 20 trong các nước đang phát triển. Xu hướng này đặc biệt quan trọng khi đánh giá tổng thể cả hệ thống, điều này sẽ được nói rõ hơn ở phần sau.

3.2. Xếp hạng đa chiều (Multi-rank):

Đây là một xu hướng đặc biệt quan trọng thể hiện đáp ứng của giới quản lý ĐH cũng như giới hàn lâm đối với những nhược điểm hiện tại của các bảng xếp hạng và đưa việc xếp hạng vượt ra xa hơn trọng tâm truyền thống xưa nay là sự xuất sắc trong nghiên cứu. Xếp hạng đa chiều phản ánh năm khía cạnh chính của đời sống ĐH: (1) Dạy và học; (2) Nghiên cứu; (3) Chuyển giao tri thức và công nghệ; (4) Định hướng quốc tế hóa; và (5) Gắn kết với nhu cầu phát triển của khu vực. Xếp hạng đa chiều là xếp hạng từng mặt và không cần đến trọng số. Cách tiếp cận này giúp phản ánh được đặc điểm các trường theo sứ mạng và đặc điểm đa dạng của họ, khắc phục được nhược điểm của các bảng xếp hạng hiện nay là dùng những thước đo chỉ thích hợp với một số ít các trường. Các chỉ báo được đề nghị là:

  • Về dạy và học: Tỉ lệ chi tiêu dành cho hoạt động giảng dạy; tỉ lệ tốt nghiệp; các chương trình liên ngành; tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm, thời gian để lấy bằng tốt nghiệp.
  • Về nghiên cứu: Kết quả nghiên cứu; chi phí cho nghiên cứu; tỉ lệ trích dẫn; số lượng công bố quốc tế và số nhà khoa học có chỉ số trích dẫn cao; số công trình liên ngành; các giải thưởng quốc tế; số nghiên cứu sinh sau tiến sĩ; khả năng cạnh tranh các quỹ tài trợ nghiên cứu.
  • Về chuyển giao tri thức và công nghệ: chính sách khích lệ hoạt động chuyển giao tri thức; những công bố khoa học được thực hiện nhờ sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; tài trợ nghiên cứu do các tổ chức, doanh nghiệp đem lại; số bằng sáng chế; quy mô của các tổ chức chuyển giao công nghệ; các khóa học hướng dẫn ứng dụng khoa học cho cộng đồng; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; bằng đồng sáng chế; những sản phẩm phụ tạo ra qua chuyển giao tri thức.
  • Về định hướng quốc tế hóa: số chương trình dạy bằng tiếng nước ngoài; số giảng viên/nghiên cứu viên là người nước ngoài hay được đào tạo ở nước ngoài; những công bố khoa học có hợp tác với ngoài nước; các chương trình liên kết quốc tế;
  • Sự gắn kết với khu vực: có sinh viên trong khu vực đến học, thu nhập từ các hoạt động thực hiện tại khu vực hay cho khu vực; các hợp đồng, hợp tác nghiên cứu trong khu vực; thực tập cho sinh viên trong khu vực.

Xếp hạng đa chiều là một dự án do Ủy ban Châu Âu tài trợ trong hai năm đầu và được thực hiện bởi một nhóm gồm 15 tổ chức nghiên cứu GDĐH dẫn đầu là Trung tâm GDĐH của Đức (CHE Centre for Higher Education (Germany; www.che.de/en) và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách GDĐH của Netherlands; www.utwente.nl/mb/cheps/ ). Những thành viên khác bao gồm các viện nghiên cứu, các nhà làm web, các tổ chức xếp hạng quốc gia, và các tổ chức liên quan khác. Dự án này đã được khởi động từ Hội thảo Dublin 2009, dự kiến đến năm 2014 sẽ công bố bảng xếp hạng đầu tiên gồm 500 trường. Các nước tham gia thử nghiệm đều có đáp ứng rất tích cực với xếp hạng đa chiều, vì nó rõ ràng là toàn diện và công bằng hơn, cũng như phản ánh tốt hơn sự đa dạng và thực tế của các trường, thể hiện tốt hơn những hoạt động phù hợp với sứ mạng của từng trường. Quan trọng hơn, xếp hạng đa chiều có ích cho người học, vì nó đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của nhiều đối tượng khác nhau với những mục đích và kỳ vọng khác nhau đối với GDĐH.

3.4. Xếp hạng hệ thống, không chỉ xếp hạng các trường:

Một kết quả nghiên cứu đăng trên Economist tháng 4-2013 cho thấy số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, hoặc trong tình trạng kém hoạt động, đang tăng một cách đáng ngại, nhất là ở Nam Á, Đông Á và khu vực Thái Bình Dương. Trong lúc đó, các bảng xếp hạng hiện nay chỉ tập trung vào một số rất ít các trường tinh hoa, vào khoảng 500 trường trong tổng số khoảng 16.000 trường ĐH trên thế giới, và bỏ quên con số rất lớn các trường còn lại. Điều này đã tạo ra một hiệu ứng không có lợi cho người học, khi số lớn các trường này theo đuổi mục tiêu nâng hạng thay vì tập trung cho cải thiện chất lượng dạy và học, tăng cường tính thích đáng của nhà trường qua gắn kết với thế giới việc làm và mang lại những giá trị gia tăng tích cực hơn cho người học. Các bảng xếp hạng hiện nay cũng mang lại một bức tranh phiến diện và không cung cấp được những thông tin thiết yếu cho các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách trong việc quản lý hệ thống.

Chính vì vậy, đã có sáng kiến xếp hạng hệ thống thay cho xếp hạng các trường. Sự thay đổi này sẽ có ích hơn vì nó giúp cho các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách có đủ thông tin cần thiết để thiết kế một hệ thống GDĐH bao gồm nhiều loại trường khác nhau với những sứ mạng và đặc điểm khác nhau thay vì tập trung mọi nguồn lực vật chất và con người vào việc chạy đua tạo ra và duy trì một số ít những  trường xuất sắc. Bảng xếp hạng đối sánh hệ thống GDĐH đầu tiên ra đời năm 2012 do Đại học Melbourne, Australia thực hiện, dựa trên bốn bộ tiêu chí để đánh giá: nguồn lực, môi trường, sự nối kết, và kết quả hoạt động.

Nguồn lực dựa trên các chỉ báo: ngân sách chính phủ dành cho GDĐH tính theo tỉ lệ trên GDP; tổng kinh phí hoạt động của GDĐH tính theo tỉ lệ trên GDP; kinh phí hàng năm trên mỗi sinh viên (chỉ tính chính quy toàn thời gian) tính trên đơn vị tương đương sức mua; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của các trường ĐH tính theo tỉ lệ trên GDP; và kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của các trường tính trên đầu người dựa trên dân số và đơn vị tương đương sức mua. Môi trường bao gồm các chỉ báo:  Tỉ lệ nữ sinh viên trên tổng số SV ĐH; tỉ lệ nữ giảng viên trên tổng số GV ĐH; điểm chất lượng dữ liệu (điểm 1 nếu dữ liệu đầy đủ theo đúng định nghĩa của các biến số, điểm 0 là không có dữ liệu); chỉ số chất lượng của môi trường chính sách và các quy phạm điều chỉnh hoạt động của GDĐH; Sự nối kết được đo bằng các tiêu chí: số lượng sinh viên quốc tế; số bài báo khoa học có yếu tố hợp tác quốc tế; mức độ trang web được sử dụng tính trung bình cho mỗi trường; số lượng những đường link của bên thứ ba nối kết với trang web của các trường. Kết quả hoạt động được đo bằng 9 chỉ báo: số lượng bài báo khoa học trên tập san quốc tế có bình duyệt của tất cả các trường; tổng số bài báo khoa học tính trên số dân; chỉ số tác động của các bài báo khoa học dựa trên cơ sở dữ liệu của Scimago; số trường ĐH được xếp trong danh sách top 500 của ARWU; sự ưu tú trong hoạt động nghiên cứu của ba trường tốt nhất nước, bằng cách tính trung bình các điểm đánh giá do ARWU thực hiện; tỉ lệ người vào ĐH trên số dân; tỉ lệ người trên 24 tuổi có bằng ĐH; số nghiên cứu viên toàn thời gian tính trên dân số;  tỉ lệ người thất nghiệp trong tuổi 25-64 có bằng ĐH.

Có 50 nước được đánh giá và xếp hạng trong bảng đối sánh hệ thống GDĐH 2013, đứng đầu là Hoa Kỳ với điểm số 100 và chót bảng là Indonesia với điểm số 35,3. Trung Quốc đứng thứ 42 với điểm số 44,5; trong khi Malaysia hạng 27 với điểm 52,4; Hàn Quốc hạng 24 với điểm 57,6 Nhật Bản hạng 21 với điểm 59,6, và Singapore đứng thứ 9 với điểm 76,6. Lưu ý là Hong Kong SAR đứng thứ 16 với điểm 67,6; cho thấy môi trường chính sách có vai trò như thế nào đối với việc tạo ra kết quả[1].

Do mục đích đối sánh hơn là xếp hạng, ta sẽ thấy nhìn vào danh sách các trường hàng đầu trong danh sách top 500 của ARWU, Hoa Kỳ dẫn đầu về số lượng, nhưng nếu so sánh với tương quan dân số, thì mật độ trường được xếp hạng của Hoa Kỳ còn thua xa nhiều nước. Lấy đơn vị đo mật độ là số trường được xếp hạng trong top 500 trên một triệu dân, thì đứng đầu là Phần Lan, theo đó là Thụy Điển, New Zealand, Switzerland…với mật độ tương ứng là 18,3; 17,9; 16,0; 14,6… trong lúc Hoa Kỳ là 6,8 và Trung Quốc là 0,3 còn chót bảng là Ấn Độ với mật độ 0,02 (Benoit Millot, Salmi, World Bank).

Tuy đã cố gắng phản ánh toàn diện các mặt hoạt động của nhà trường để có thể đánh giá chính xác cả hệ thống, các tiêu chí và chỉ báo nêu trên vẫn còn thiếu sót. Ví dụ, các tiêu chí trên đây vẫn chưa bao gồm sự gắn kết của nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động. Một điểm rất quan trọng khác cũng đã bị bỏ qua, là hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực. Việc đối sánh các hệ thống GDĐH cần trả lời được câu hỏi, cùng một nguồn lực như nhau thì hệ thống nào tạo ra một kết quả tốt hơn, và vì sao. Những phân tích như thế sẽ rất có lợi cho việc cải thiện chất lượng hệ thống.

Kết luận

Các hệ thống xếp hạng hiện nay chứa đầy khiếm khuyết, bất cập. Các chỉ báo đưa ra ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp và chồng chéo lên nhau, hầu hết là đo những yếu tố phụ thuộc vào sự giàu có và lợi thế kinh tế, khiến các trường giàu và nước giàu có lợi rõ rệt trong việc giành thứ hạng cao; trong lúc những đóng góp cụ thể và thực tế của các trường trong việc phục vụ xã hội thì không được thể hiện và đánh giá đúng qua kết quả xếp hạng. Tuy thế, chính phủ các nước và lãnh đạo các trường vẫn cứ đưa ra những quyết định lớn lao cho tương lai dựa vào kết quả xếp hạng, một chỉ báo rất không hoàn hảo.  Việc chạy theo các thứ hạng cũng có nghĩa là thu hẹp trọng tâm hoạt động của nhà trường vào việc tạo ra thành tích xuất sắc, làm xói mòn những vai trò và trách nhiệm khác của nhà trường đối với xã hội. Trường ĐH trở thành cái mà nó bị đo lường thay vì phải là một tổ chức có sứ mạng kiến tạo, bảo tồn, chuyển giao tri thức và làm thay đổi xã hội.

Tuy vậy, xếp hạng đã là một thực tế không thể bỏ qua, và tẩy chay xếp hạng không hẳn đã là một đáp ứng tích cực.

(Viết tại Shanghai ngày 8-11-2013)

TƯ LIỆU THAM KHẢO

Dill, D. (2009). Convergence and Diversity: The Role and Influence of University Rankings. In: Kehm, B. M. and Stensaker, B. (Eds.). University Rankings, Diversity and the New Landscape of Higher Education. Rotterdam, Taipei: Sense Publishers, pp. 97-116.

Erkkilä, T. (2013). University Rankings and European Higher Education. In: Erkkilä, T. (Ed.). Global University Rankings. Challenges for European Higher Education. Basingstoke: Palgrave Macmillan.

Gornitzka, A. (2013). Channel, filter or buffer? National policy responses to global rankings. In: Erkkilä, T. (Ed.). Global University Rankings. Challenges for European Higher Education. Basingstoke: Palgrave Macmillan.

Hazelkorn, E. (2007). The Impact of League Tables and Ranking Systems on Higher Education Decision Making. In: Higher Education Management and Policy, Vol. 19, No. 2, S. 1-24.

Hazelkorn, E. (2011). Rankings and the Reshaping of Higher Education. The Battle for World-Class Excellence. Houndmills, Basingstoke & New York: Palgrave Macmillan.

Holzinger, K. & Knill, C. (2005). Causes and conditions of cross-national policy convergence. In: Journal of European Policy, Vol. 12, No. 5, pp. 775-796.

Locke, W. (2011). The Institutionalization of Rankings: Managing Status Anxiety in an Increasingly Marketized Environment. In: Shin, J. C., Toutkoushian, R. K., Teichler, U. (Eds.). University Rankings. Theoretical Basis, Methodology and Impacts on Global Higher Education. Dordrecht: Springer, S. 201-228.

Morphew, C. C. & Swanson, C. (2011). On the Efficacy of Raising Your University’s Ranking. In: Shin, J. C., Toutkoushian, R. K., Teichler, U. (Eds.). University Rankings. Theoretical Basis, Methodology and Impacts on Global Higher Education. Dordrecht: Springer, S. 185-199

Rauhvargers, A. (2011). Global University Rankings and Their Impact. EUA Report on Rankings. Brussels: European University Association.

Salmi, J. (2009). The Challenge of Constructing World-Class Universities. Washington D. C.: The World Bank.

Salmi, J. and Saroyan, A. (2007). League Tables as Policy Instruments: Uses and Misuses. In: Higher Education Management and Policy, Vol. 9, No. 2, pp. 31-68.

 

 

 

[1] Chi tiết xem tại www.universitas.com